BLOGS  
 
RSS
THĂM ĐẢO LÝ SƠN
Ngày đăng 28/08/2015 06:53:20 bởi HuongNT

Từ lâu chúng tôi đã ấp ủ và dự định đến thăm đảo Lý Sơn- hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc nhưng mãi đến tháng 5/2015 mới quyết định và lên chương trình. Sau đó chúng tôi đặt vé máy bay và khách sạn luôn.
8h sáng 19/7/2015 chúng tôi khởi hành từ sân bay Nội Bài đi Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc hành trình ra thăm đảo Lý Sơn, nơi mà từ lâu tôi đã có mơ ước được đặt chân đến dù chỉ một lần.

ĐÁM CƯỚI Ở ĐÀ NẴNG
Hôm nay chúng tôi vào đến Đà Nẵng đúng ngày bạn Thuỷ 10E CVA tổ chức đám cưới cho con trai tại Trung tâm dịch vụ tổ chức đám cưới For You (4U) và bạn mời cả đoàn HN đến dự luôn. Đây là lần đầu tiên tôi dự một đám cưới ở Đà Nẵng. Hôm nay ở đây có 3 tiệc diễn ra cùng lúc. Thực đơn cưới ở ĐN hoàn toàn khác HN. Đồ ăn mang ra từng món một giống TP HCM nhưng tự phục vụ. Mở màn là món Bò bóp thấu và bánh phồng tôm, Súp rong biển hải sản, Chả cua xơ bông cải, Tôm chiên khoai tây, Gà nấu nấm và bánh mì, Caramen. Trong tiệc cưới ngoài chương trình văn nghệ của nhà hàng thì gia đình, họ hàng, bạn bè ai muốn tặng bài hát gì thì cứ việc đăng ký rồi lên hát. Hôm nay bố chú rể rất vui cũng lên đơn ca bài Việt Nam trên đường chúng ta đi của Huy Du. 
Chúc gia đình hai cháu Trung Hiếu và Xuân Trinh mãi mãi hạnh phúc như ba mẹ của các cháu!

Đến Đà Nẵng, chúng tôi ở Khách sạn Omega số 7 Lý Văn Tố, quận Sơn Trà, Đà Nẵng từ trưa 19/7/2015.

BÃI BIỂN PHƯỚC MỸ, ĐÀ NẴNG
Mặc dù trời lất phất mưa nhưng chúng tôi vẫn đi ra biển. Quanh khu vực khách sạn Omega toàn nhà biệt thự rất đẹp. Tuy trời mưa nhưng bãi biển vẫn đông người.

NHÀ HÀNG BÁNH TRÁNG THỊT HEO TRẦN
Ăn tối 19/7/2015 tại nhà hàng Trần ở 300 đường Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Tối chủ nhật nên quán rất đông.

QUÁN CÀ PHÊ KHÔNG GIAN XƯA
Quán này ở số nhà 402 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Đồ uống ở đây cũng ngon. Rất tình cờ tại đây tôi đã gặp chị Hoàng Anh Phương trước công tác cùng cơ quan mà rất lâu rồi tôi mới gặp lại chị. Quả đất xoay tròn và có những cuộc gặp gỡ tình cờ đến không ngờ...
Trong quán có bức tranh đắp nổi những cảnh rất dung dị của làng quê Việt Nam ngày xưa trên bến dưới thuyền, cây đa quán nước...rất đẹp. Và chiếc cầu có hai con rồng đá rất to, cây sung sai chi chít quả...

CẦU RỒNG ĐÀ NẴNG
Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống 1 con rồng nên được gọi là Cầu Rồng.
Cầu Rồng dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe chạy. Nó được chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013, kinh phí xây cầu gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger. Việc xây dựng được thực hiện bởi Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.
Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương/Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và Bãi biển Non Nước ở rìa phía đông của thành phố. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày Lễ lớn.
Rất may hôm nay là chủ nhật nên dù trời mưa chúng tôi cũng đi đến cầu xem rồng phun lửa và nước. Trời mưa nhưng người kéo đến vẫn đông. Đường phố Đà Nẵng rực rỡ ánh đèn đủ màu sắc đẹp tuyệt vời và rất nghệ thuật chứ không như ở thủ đô Hà Nội. Đà Nẵng- thành phố trẻ năng động đang đổi thay từng ngày và rất đáng yêu!

ĐÓN BÌNH MINH TRÊN BÃI BIỂN PHƯỚC MỸ
Dậy từ sáng tinh mơ ngày thứ hai ở Đà Nẵng 20/7/2015. Trời mưa lất phất, mây che kín bầu trời nên Ông Mặt trời không ló ra được nhưng không khí biển cũng làm cho con người ta cảm thấy sảng khoái và dễ chịu...

TƯỢNG ĐÀI BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
Sáng 20/7/2015 chúng tôi lên đường đến Nhà ga cảng Sa Kỳ để đi tàu ra đảo Lý Sơn. Dọc đường đi trên quốc lộ số 1 đoan rẽ vào thăm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), được xây dựng với tổng diện tích 15ha trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Hiếm có bà mẹ nào gánh chịu nhiều khổ đau như mẹ Nguyễn Thị Thứ. 9 người con ruột, một con rể và một cô cháu ngoại đã lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ mất ngày 17/12/2010 hưởng thọ 107 tuổi.
Được Chính phủ đưa vào danh mục công trình văn hóa cấp quốc gia, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam là tượng đài về bà mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước. Tượng đài được xây dựng với nguồn vốn được huy động từ ngân sách và đóng góp của các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng làm bằng chất liệu đá sa thạch, được Hội đồng Nghệ thuật chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận.
Từ ý tưởng: Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tác giả Đinh Gia Thắng đã chọn và điều chỉnh trong quá trình thể hiện tỷ lệ 1/1 để thể hiện hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,5m, rộng 84,7m, chiều rộng theo đường cong là 117m.
Phía trước tượng là quảng trường tiền môn với 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng được làm bằng đá sa thạch. Hình cánh cung dài 81m (theo đường cong là 101m), chính giữa khối tượng đài là chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18m, phần thấp nhất của cánh cung cao là 5,83m.
Tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m², có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của Mẹ đối với Tổ quốc. Trong lòng khối đá sa thạch dài 78m là nhà bảo tàng các mẹ Việt Nam anh hùng có tổng diện tích 397m² bao gồm phòng trưng bày, phòng khách, khu bảo quản.
Hai bên tượng đài bố trí hai thảm hoa lớn với diện tích 600m² được trang trí nhiều họa tiết, với sắc thái của 54 dân tộc sống trên dải đất Việt Nam. Khối tượng đài chính còn gắn kết với một hồ nước lớn, khoảng 1.000m². Phía sau khối tượng đài là một bãi cỏ rộng và một vườn đá. Ngoài ra, quần thể kiến trúc tượng đài còn bao gồm 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9 mét, đường kính bình quân hơn 1,2 mét làm bằng đá sa thạch, khắc ghi công lao của các bà mẹ.
Đến tháng 3/2015 các hạng mục chính của tượng đài cơ bản được hoàn thành với kinh phí 411 tỷ đồng. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là tượng đài lớn nhất cả nước và lớn nhất trong toàn vùng Đông Nam Á hiện nay. Rất nhiều bài thơ được khắc trên bia đá trong khu vực tượng đài.

TIỆM CƠM CÂY GÒN 
Trưa 20/7/2015 trên đường đến Nhà ga cảng Sa Kỳ, đoàn chúng tôi rẽ vào Quán cơm Cây gòn nghỉ ăn trưa. Đoàn đã được thưởng thức một thực đơn rất ngon: chả nem tôm thịt giòn tan, cá đớp chiên giòn, bống kho tộ, thịt kho trứng, rau muống luộc, canh cua mùng tơi và cà pháo muối. Sau đó đoàn tiếp tục lên đường đến Nhà ga cảng Sa Kỳ. Tại đây những người cao tuổi được ưu tiên mua vé giảm giá (90000đ/105000đ). Nhà ga rất rộng rãi thoáng đãng và sạch sẽ, lại có cả mạng nữa nên chúng tôi ngồi đợi hơn 1 giờ cũng cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh. 15h chúng tôi lên tàu cao tốc An Vĩnh đi ra đảo Lý Sơn.

CHÀO ĐẢO LÝ SƠN!
Khoảng hơn 16h ngày 20/7/2015 con tàu cao tốc An Vĩnh đưa đoàn chúng tôi cập bến đảo Lý Sơn. Đây rồi, hòn đảo mà tôi đã nghe đến rất nhiều nhưng giờ đây mới có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng! Thời tiết khi chúng tôi đặt chân lên đảo đẹp tuyệt vời! Đảo sừng sững hiên ngang giữa biển trời chan hoà ánh nắng. Nước biển trong xanh và gió biển lồng lộng thổi mát rượi...
Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (~30km).
Với địa chất, địa hình và cảnh quan nơi đây thì quả không ngoa khi nói Đảo Lý Sơn được coi chính là đảo Jeju của Việt Nam vì Đảo Lý Sơn được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa các đây hàng triệu năm…. 
Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.
Hòn đảo này không chỉ nổi tiếng với nghề trồng tỏi mà còn thu hút nhiều du khách trẻ đến khám phá bởi nó ẩn chứa một vẻ đẹp xao xuyến lòng người mà khó có nơi nào có được…
Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. 
Diện tích của huyện là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.460 người. Gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn,hoặc gọi Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải (Đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).
Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Những cánh đồng tỏi vuông vức, rộng lớn trải dài và đặc biệt là được tưới nước tự động. Tuy nhiên, việc khai thác cát ven bờ biển để trồng tỏi và hành đã gây ra những thiệt hại không nhỏ do hiện tượng xâm thực. Từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm cung cấp điện lưới quốc gia góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo, kèm theo đó các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển, huyện đảo đang hướng tới là 1 đảo du lịch trong tương lai.
Để viết về Lý Sơn thì nhiều lắm. Cái gì mắt thấy tai nghe tôi đều muốn viết để chia sẻ với mọi người...

THĂM CHÙA ĐỤC Ở LÝ SƠN
Đến đảo Lý Sơn, chúng tôi về nghỉ tại nhà nghỉ Đại Dương ngay gần cảng. Nhận phòng xong nghỉ một lát đến 13h30 chúng tôi lên đường đi thăm quan Chùa Đục mặc dù trời rất nắng.
Những ai từng đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đều không khỏi ngẩn ngơ khi đến các danh lam thắng cảnh chùa Đục, chùa Hang.
Chúng tôi đến đây không chỉ thú vị với kiến trúc độc đáo của chùa Đục mà còn cảm thấy như là đường lên tiên cảnh với vẻ đẹp như tranh của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn.
Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, chúng tôi phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục. Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Tương truyền  còn nói rằng từ xa xưa cách đây hàng trăm năm có một nhà sư khi vi hành đến đây thấy vách núi có một cây bồ đề rễ ăn sâu xuống nên cho rằng xây chùa ở đây sẽ rất tốt.
Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh...

THẠCH CỔNG TÒ VÒ Ở LÝ SƠN
Cổng TòVvò là một địa danh nổi tiếng trên đảo lớn Lý Sơn - nơi mà bất cứ ai đặt chân đến Lý Sơn cũng nên đến thăm một lần. 
Đây là một vòm cổng bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người, được xem là cổng vòm đá tự nhiên đẹp nhất Việt Nam.
Theo các nhà địa chất, Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thì kỳ lạ nhấp nho trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn.
Từ Cổng Tò Vò nhìn về phía Nam là khu làng chài sung túc của các ngư dân trên đảo. Trong khi đó ở phía Bắc lại là cảnh tượng hùng vĩ của núi Giếng Tiên, một ngọn núi lửa đã tắt. Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên khác là Cổng Thiên Đường. Đây là địa điểm chụp ảnh được ưa chuộng hàng đầu của mọi người khi đến với đảo Lý Sơn.
ĂN TỐI Ở NHÀ NGHỈ ĐẠI DƯƠNG
Rời Cổng Tò Vò chiều 20/7/2015 trời đã nhá nhem tối. Chúng tôi thuê 2 xe 15 chỗ cổ lỗ sĩ để đưa đi chơi trong những ngày ở Lý Sơn. Về đến nhà nghỉ mâm cơm đã được bày sẵn. 22 chiến binh đói quá nhào vào ăn cơm ngay. Thực đơn ở đây toàn là đồ biển. Đặc biển có món ốc xà cừ xào sa tế lần đầu tiên tôi được thưởng thức, rất giòn và ngon. Ốc xà cừ có vảy ở miệng tròn và cứng, ánh lấp lánh như xà cừ. Người ta mua ốc về, đập ra bỏ ruột đi nhưng vảy vẫn dính ở miệng ốc, rửa sạch rồi xào với sa tế. Khi ăn mới nhằn cái vảy ra.
Nhà nghỉ Đại Dương gần ngay đầu phố, chiều về người dân mang hải sản ra bán như một cái chợ. Hải sản là các loại cá, tôm, có cả tôm hùm, ốc, mực, bạch tuộc, nhum...rất tươi và rẻ. Các nhà dân bày bán la liệt tỏi, hành, rau câu, rong biển...

ĐÓN BÌNH MINH TRÊN NÚI THỚI LỚI Ở LÝ SƠN
Sáng sớm 21/7/2015 hai chiếc xe ô tô đã chở đoàn chúng tôi lên núi Thới Lới để đón bình minh.
Núi Thới Lới là 1 trong 5 ngọn núi lửa độc đáo ở huyện đảo Lý Sơn, là nơi có miệng núi lửa lớn nhất, cao gần 170 mét so với mặt nước biển. Chúng tôi thoải mái tạo dáng đủ kiểu để chụp ảnh đón bình minh nơi đây.
Đảo Lý Sơn trông xa như một chiến hạm nổi giữa biển. Tiến gần hơn một chút thì thấy “chiến hạm” ấy chứa trong lòng nó 5 “con tàu” nhỏ gồm 5 ngọn núi, mỗi ngọn núi là một miệng núi lửa.
Dân Lý Sơn đặt cho 5 ngọn núi hình thành nên hòn đảo của mình bằng “3 hòn” và “2 núi”. Hòn thì có hòn Vung, hòn Tai, hòn Sỏi; núi thì có Thới Lới và Giếng Tiền. Tất cả đều là núi nhưng ngọn nào nhỏ thì được gọi là “hòn”, còn lớn hơn thì gọi là núi. Trên đỉnh của những ngọn núi này đều để lại dấu vết rất rõ về những đợt phun trào nham thạch từ hàng triệu năm trước. Mỗi ngọn núi đều có một chiếc “phễu” khổng lồ trên đỉnh, tức các miệng núi lửa. Dựa vào cấu tạo địa chất của từng núi, ta có thể đoán được chúng không phun trào cùng lúc. Bằng chứng là hòn Vung, hòn Tai hay Giếng Tiền thì đất đỏ, còn núi Thới Lới thì phần lớn là đá. Bản thân núi Thới Lới, địa chất ở đây cũng cấu tạo rất lạ, chỗ thì trùng trùng lớp lớp đá rắn đùn lên nhau, chúng nằm phủ phục bên nhau như những con cá sấu rình mồi; nơi thì “mềm mại” như bọt đường đang trào ra khỏi chảo. Điều ấy chứng tỏ, để hình thành ngọn núi này, hàng trăm đợt phun trào nham thạch diễn ra trong nhiều năm, mỗi đợt phun trào để lại một lớp địa chất khác nhau.
Lòng chảo của núi Thới Lới lớn bằng một sân vận động cỡ vừa. “Sân vận động” này nguyên là một hồ nước được hình thành sau những đợt phun trào nham thạch. Thế nhưng, khi mực nước trong hồ đã đầy, chúng bèn xé toạc một bên, nơi có lớp địa chất yếu nhất để đổ ra biển. Hệ quả của việc này để lại cho Lý Sơn một địa danh: suối Chình. Đây là con suối duy nhất của đảo mà mỗi mét vuông đất dọc theo nó đều trầm tích một huyền thoại về lịch sử khai phá hòn đảo này của người xưa. 
Thật tiếc là hôm đó thời gian eo hẹp nên chúng tôi không đi thăm được hồ nước trên đỉnh  núi Thới Lới.

CỘT CỜ TỔ QUỐC Ở ĐẢO LÝ SƠN
Đón bình minh xong chúng tôi đến Cột Cờ nằm ngay trên đỉnh núi Thới Lới.
Cột cờ Tổ quốc được xây dựng có chiều cao 20 m, đế trụ cờ và móng cột cờ bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa, lá cờ có kích thước 4x6 m, mặt chính ghi thông tin tọa độ cột cờ, khẳng định cột mốc chủ quyền đất nước VN. Sau 3 tháng xây dựng, ngày 16/12/2013 công trình được khánh thành.
Tổng mức đầu tư công trình là 850 triệu đồng, trong đó sinh viên cả nước đóng góp 150 triệu đồng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) hỗ trợ 700 triệu đồng.
Đây là công trình nằm trong chuỗi hoạt động Sinh viên với biển đảo Tổ quốc năm 2013, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ 9, đồng thời khẳng định tinh thần yêu nước và khơi dậy ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên biển Đông.
Và hôm nay tôi cũng rất tự hào rằng mình đã được nhúng chân xuống nước biển Đông ở đảo Lý Sơn thân yêu của Tổ quốc Việt Nam!

NHÀ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG HẢI ĐỘI HOÀNG SA
Sáng 21/7/2015 sau khi thăm quan Cột Cờ về, chúng tôi ăn sáng rồi lại vội vã lên đường đi thăm Nhà trưng bày bảo tàng Hải đội Hoàng Sa.
Nhà trưng bày bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa rộng gần 400m2, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng. Nơi đây trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ bao đời nay.
Bước vào khuôn viên Nhà trưng bày bảo tàng, hình ảnh đầu tiên khiến bất cứ ai cũng phải chú ý là cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh lấy từ tỉnh Ninh Bình, trông sừng sững, uy nghiêm, vĩnh cửu, bất chấp nắng mưa bão tố.
Cụm tượng đài khắc họa hình ảnh vị chỉ huy cùng các binh phu vạm vỡ, cao từ 4-4,5m, mắt đăm đắm nhìn ra biển khơi và đang trong tư thế hiên ngang lên đường thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Người xem đặc biệt ấn tượng với chân dung vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa.”
Bên cạnh vị chỉ huy là hình ảnh các binh phu mang theo bên mình các phương tiện khai thác sản vật quý hiếm để mang về dâng nộp cho triều đình. Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch: Quần đảo Hoàng Sa là nơi cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới lãnh hải quốc gia.
Toàn bộ khối tượng đài nặng hơn 40 tấn được đặt trên khối bệ bằng bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá granit. Chính sử ghi rằng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nhà vua ra lệnh cho Bộ Công chuẩn bị lo việc phái binh phu đi quần đảo Hoàng Sa để tuần phòng, dựng bia cắm mốc chủ quyền.
Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cho đến những năm 50 của thế kỷ 19 và đến nay vẫn còn lưu danh thơm trong sử sách và đọng lại trong trí nhớ dân gian.
Với những kỳ tích đó, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa.”
Tại nhà trưng bày còn lưu giữ nhiều bản đồ từ thời xa xưa của Việt Nam, một số nước Châu Âu và ngay cả những quyển atlat bản đồ của Trung Quốc cũng xác nhận quần đảo Hoàng Sa (Bãi cát vàng) và Trường Sa là của Việt Nam và cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Đó là một chân lý không thể chối cãi được!

THĂM CHÙA HANG Ở LÝ SƠN
Rời Nhà trưng bày bảo tàng Hải đội Hoàng Sa, chúng tôi đi thăm Chùa Hang.
Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m. Chùa Hang đã được Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20 tháng 7 năm 1994.
Chùa nằm cách cảng Sa Kỳ chừng hơn 25 km nữa về phía đông nam.
Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m². Trước chùa có bức họa Thiện tài đồng tử, cùng bức tượng Quan Thế Âm bồ tát được đặt mặt hướng ra Biển Đông. Đặc biệt bên trong chùa còn có 2 lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Cảnh chùa rất u tịch, nếu không phải vào dịp hội hè thì có rất ít khách.
Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ.
Các sự kiện lớn được tổ chức tại chùa hàng năm là các ngày Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm phật, chiêm bái.
Ở đây còn có cây phong ba tôi đã nghe nói nhưng bây giờ mới được tận mắt nhìn thấy. Quanh năm giữa khí trời biển đảo, cây phong ba vẫn vươn lên xanh tốt trên đất đá và trổ rất nhiều hoa.

ĂN TRƯA Ở NHÀ NGHỈ ĐẠI DƯƠNG
Từ Chùa Hang chúng tôi về nhà nghỉ thấy mâm cơm đã bày sẵn nên vào ăn luôn để còn kịp chương trình cho chiều 21/7/2015. Vẫn là thực đơn hải sản nhưng đặc biệt hôm nay chúng tôi được thưởng thức tôm hùm hấp. Ở đảo Lý Sơn không có món tôm hùm pho mát bỏ lò hay tiết canh tôm hùm nhg món tôm hùm hấp cũng có cái ngon riêng của nó...

HÀNH TRÌNH RA ĐẢO BÉ LÝ SƠN
13h30 ngày 21/7/2015 đoàn chúng tôi lại lên đường  đến thăm đảo Bé Lý Sơn. Chúng tôi thuê riêng một tàu đưa ra đảo. Biển hôm nay có sóng cấp 4-5 nên tàu cứ dâng lên cao lại hạ xuống, lắc sang trái, sang phải liên tục, sóng tung bọt trắng xoá toé nước vào cả người. Tôi có cảm giác như mình đang chơi các trò chơi cảm giác mạnh như ở bên Mỹ. Trong đoàn có một bạn hiện là cán bộ cao cấp trong quân đội, trước đây đã tốt nghiệp kỹ sư Thuỷ lực ĐH Bách khoa vào cầm lái và con tàu chạy có vẻ êm hơn. Tôi thích chí leo lên đầu mũi tàu ngồi và có cảm giác vô cùng thú vị mặc cái nắng gay gắt giữa trưa hè. Đảo Bé Lý Sơn – Nơi cách thiên đường chỉ một bước chân đã dần hiện ra. 
Đảo bé hay còn gọi là đảo An Bình, đúng như tên gọi, có diện tích rất bé, khoảng 0,69km2, dân số khoảng 400 người. Đảo An Bình được bao bọc bởi những vách đá nham thạch nhô cao.
Khi tàu cập bến, lên bờ chúng tôi cứ hai người một xe ôm hết 20000đ được anh lái xe cho đi vòng quanh đảo để thăm thú các cảnh đẹp, các ghềnh đa đen nhô ra từ những hốc biển, ngắm các vuông hành, vuông tỏi trên bậc thang, những cây dứa dại đang mùa kết quả vô cùng đẹp mắt. Và sau cùng là bãi tắm ở cuối đảo, thưởng ngoạn và đắm chìm trong sự mát lạnh, trong vắt cùng với sự mặn mòi của nước biển nơi đây, chắc chắn bạn sẽ không muốn về. Trong đoàn chúng tôi có nhiều bạn đã đến tất cả các bãi biển của Việt Nam đều có chung một nhận xét bãi tắm ở đảo Bé Lý Sơn là tuyệt vời nhất! Có một số bạn trong đoàn thuê kính lặn (10000đ/người) rồi được người dân đưa lên thuyền thúng dẫn ra xa để lặn ngắm rặng san hô và đàn cá đủ màu sặc sỡ tung tăng bơi lội (60000đ/người).
Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm. Tắm biển giữa trưa hè nắng gay gắt nhưng bạn khỏi phải lo bị phơi nắng vì có thể tắm dưới bóng râm của các vách đá và sóng biển vẫn tung bọt trắng xoá, mơn man trên làn da bạn như được mát xa vậy.
Những con đường xuyên đảo dẫn ra bãi biển phía sau cũng như đường liên thôn đã được bê tông hóa. Hai bên đường là những rặng dừa xanh ngắt, chốc chốc theo gió đong đưa giữa trưa hè rực nắng, khiến cho bạn khó tránh khỏi ngẩn ngơ, rung động.
Không có nhà hàng, khách sạn như đảo lớn, nhưng bù lại, người dân nơi đây sống rất thân thiện và gần gũi. Giá cả trên đảo cũng rẻ: 7000đ/ cốc nước mía, 25000đ/ quả dừa, tỏi ở đây cũng rẻ hơn ở đảo Lớn. Khi về chúng tôi không đi xe ôm nữa mà 22 người đi hai chuyến xe công nông hết có 150000đ.
Tạm biệt đảo Bé An Bình! Chúng tôi ra về mang theo những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về hòn đảo bé nhỏ này!

CÂY BÀNG VUÔNG Ở LÝ SƠN
Hai ngày đi chơi ở đảo Lý Sơn tôi để ý thấy trên đường phố, các chùa...trồng rất nhiều cây bàng vuông. Tôi đã đọc và nghe nói về cây này rất nhiều khi nhắc đến các đảo ở Trường Sa nhưng giờ mới được tận mắt nhìn thấy. Ngay khu vườn của nhà nghỉ Đại Dương cũng trồng rất nhiều cây này và mọi người hay ngồi uống nước, trò chuyện dưới bóng mát của cây.
Bàng vuông là loài cây thân gỗ thuộc họ bàng nhưng sống chủ yếu ở những vùng biển đảo có cát san hô và có hơi mặn của biển. Loài cây này chịu được điều kiện khắc nghiệt của gió bão và có sức sống mãnh liệt. Tán rộng và lá dài, dầy, hoa nở về đêm rất đẹp lại có mùi hương thơm nhẹ nhàng. Bàng vuông thường được trồng để làm cây chắn sóng chắn gió và làm bóng mát, giữ cát chống sói lở và biển xâm thực.

ĂN TỐI Ở NHÀ HÀNG CENTRAL LYSON HOTEL
Chúng tôi đã có một bữa liên hoan ăn tối tại nhà hàng Central Lyson Hotel với thực đơn cũng toàn là hải sản: tôm sú nướng, cá trình biển xào, cá trình nấu chuối đậu với bún và cháo nhum. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn thịt con nhum. Bên ngoài con nhum hình tròn có gai như con nhím. Người ta bổ đôi con nhum ra thì thịt của nó trông như ruột quả măng cụt, lấy thìa múc ra có thể ăn sống như ăn thịt con hào hoặc nấu cháo. Chúng tôi đã có một bữa tối khá ngon!
Ở nhà nghỉ Đại Dương có một con chó rất thích hai cô cháu gái của tôi. Ở đó chỉ vẻn vẹn có hai ngày đêm mà hôm nay khi chúng tôi đi ra nhà hàng ăn tối nó cũng lẽo đẽo đi theo sau. Khi chúng tôi ngồi vào bàn nó cũng ngồi ngay trước mặt. Vào bữa ăn có một đứa cháu mệt đi về nhà thì nó cũng đi theo. Tôi hỏi:"Tại sao con chó của nhà nghỉ cứ đi theo các con nhỉ?" Thì ngay lập tức một cô cháu rất yêu chó và mèo trả lời:" Vì tối qua chúng con cho nó ăn bim bim". Thế mới biết loài chó khôn thật!

TẠM BIỆT NHÉ, ĐẢO LÝ SƠN!
7h sáng 22/7/2015 chúng tôi lên tàu An Vĩnh để trở về Sa Kỳ. Lần trước đi tàu cao tốc An Vĩnh giá vé đắt hơn có 5000đ (105000đ/100000đ) nhưng tàu to và đi không sóc lắm, còn lần này tàu nhỏ hơn nên có cảm giác ngột ngạt mặc dù điều hoà và quạt vẫn hoạt động. Rất nhiều người trên tàu bị say sóng và trong đó có tôi khi đã gần lên đến bờ rồi. Tàu này chạy cũng chậm hơn lần trước gần nửa tiếng. Mất khoảng 1h30 thì tàu cập bến cảng Sa Kỳ. Chúng tôi lại tiếp tục lên ô tô trở về Đà Nẵng. Trên đường chúng tôi nghỉ ăn trưa tại Nhà hàng Mười. Khi chúng tôi đến đã có rất nhiều ô tô đỗ trước cửa. Nhà hàng này rất nổi tiếng chỉ với hai món: bê tái cuốn bánh tráng và giò bê hầm ăn với bún. Cuối cùng là món tráng miệng thạch cacao và sữa dừa.
Đến Đà Nẵng, gia đình tôi bốn người chia tay với các bạn trong đoàn. Chúng tôi đi taxi đến Pamas Spa của con gái nghỉ vài giờ để ra sân bay về Hà Nội.
Tạm biệt nhé, đảo Lý Sơn và thành phố Đà Nẵng- những nơi mà tôi đã đến và để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong tôi!



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: Guest HHIEN
05/09/2015 15:39:55
Đảo lý sơn hấp dẫn quá,kiểu này HT lại phải cho quay lại Đà Nẵng DX thôi để ra Lý Sơn nếu để muộn lứa KGU xưa nay hiếm sợ ko đủ sức khỏe ra đảo.Mình đã ra Cù lao Chàm,nơi còn hoang sơ,chỉ đi trong ngày,đông người ăn,ngủ bố trí hơi khó,ko có chỗ. Cảm ơn bạn Hương NT đã cho mọi ngươi đi lu lịch "Đọc" đảo Lý Sơn.


Từ: CucNT
04/09/2015 22:11:34

Vài viết dài công phu miêu tả hấp dẫn, kỹ lưỡng và lý thú . Chị Hương có tài viết văn thật đấy.


Em chỉ thấy tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng (trên báo) to, chiếm nhiều diện tích và cả tiền bạc cùng những lời bình luận không mấy ca ngợi. Nay đọc bài viết của chị biết thêm được nhiều ý nghĩa.


Bài viết của chị nếu đăng trên tờ báo nào đó, Đảo Lý Sơn sẽ bội thu mùa du lịch bởi ai đọc rồi cũng muốn đến đấy chiêm ngưỡng!



Từ: KhanhT
31/08/2015 00:10:30

 


Bài của Hương như một ký sự bằng ảnh và lời rất hấp dẫn. Chỉ tiếc không biết tại máy của mình hay web hội mà một số ảnh bị xoay ngang:



 



 



Từ: ThoaNP
29/08/2015 07:00:43

Hương ơi, trái đất tròn thật, Hoàng Anh Phương là bạn học cùng dự bị Minsk với chị. Tụi chị vẫn thường gặp nhau vì Hội Minsk năm nào cũng tổ chức gặp gỡ.


Trong ảnh ở tiệc cưới chị thấy em vẫn y như ngày ở Kishinhop, không khác tẹo nào.



Từ: Guest Meomun
29/08/2015 03:06:14
Chị Hương ơi, Quảng Ngãi là quê nội của em, em đã sống ở QN 4 năm nhưng chưa từng đi Lý Sơn. Đọc bài chị cũng muốn đi quá, dạo này mọi người đi Lý Sơn nhiều hơn, Lý Sơn không còn xa cách nữa. Có một người KGU đã đi Lý Sơn, dự hội khao lề thế lính, đó là anh Bằc Hải.


Từ: Guest ChiNB
28/08/2015 22:21:42
Hương đã có chuyến du lịch Lý Sơn thật lý thú, thật ghen tỵ đấy vì chị cũng chưa được đến Lý Sơn, hay đúng hơn chưa quyết tâm để đi. Nhờ HT nâng cấp trang Web mà bài Hương viết sinh động hẳn lên vì có nhiều ảnh minh hoạ, tuyệt vời lắm. Chưa đến Lý Sơn mà nghe Hương tả đã thấy "đã" rồi.