BLOGS  
 
RSS
БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ (tiếp theo)
Ngày đăng 03/07/2016 07:50:06 bởi ThoaNP

БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ (tiếp theo)

Đấy là đáy cái xô bằng kẽm. Anh lập tức nhớ ra hồi ấy, năm 41, anh và các bạn đã không đặt lá cờ vào cái xô mà úp cái xô lên trên đề phòng nếu như căn hầm bị phá hủy thì cái xô sẽ bảo vệ cho lá cờ khỏi bị ngấm nước mưa và nước tuyết tan từ mặt đất thấm xuống.

Mọi người xúc động cúi xuống gần cái hố. Còn Xêmêniuc ráo riết đào đất xung quanh cái xô và cuối cùng cũng đã lấy được nó lên.

Trí nhớ đã không phản bội anh: gói cờ vẫn ở đây, nơi anh và các bạn đã chôn giấu nó mười lăm năm trước. Nhưng bản thân lá cờ còn hay không? Cái xô kẽm đã gỉ suốt từ ngoài vào trong, lỗ chỗ như mạng sàng. Nó đã bị muối trong đất ăn mòn.

Hai tay run run, Xêmêniuc lấy chiếc xô thứ 2 bằng vải bạt nằm dưới chiếc xô kẽm. Nó tan vụn trên tay đồng chí, năm tháng đã làm miếng vải bục hết. Dưới lớp vải ấy là lớp vải bạt mỏng hơn mà trước đây họ dùng để bọc lá cờ. Nó cũng bở bục và rách tã ra khi đồng chí vội vã mở cái gói. Nhưng trước mắt đã hiện ra tấm vải đỏ thắm và những chữ vàng sáng lóe.

Xêmêniuc thận trọng chạm nhẹ vào lá cờ. Không, nó không bị mục, nó vẫn được bảo quản tốt.

Thế là đồng chí thong thả mở ra, căng rộng và giơ cao tên đầu. Trên lớp vải đỏ lấp lóe hàng chữ vàng:

"Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại"
và bên dưới là
"Tiểu đoàn pháo cao xạ độc lập 393 ".

Mọi người im lặng, đứng ngây ra như bị phù phép, nhìn cái di tích chiến đấu được lấy lên từ dưới đất sau mười lăm năm. Xêmêniuc trân trọng trao lá cờ đó cho một sĩ quan, rồi lên khỏi hố. Đồng chí sung sướng tới bủn rủn cả người.

 

Hôm sau, ở sân trung tâm của pháo đài, đơn vị quân đội đóng tại nơi này đứng xếp hàng thành đội ngũ trân trọng. Tiếng nhạc nổi nên, một người cầm cờ bước từng bước, đi qua trước hàng quân, và sau lưng người ấy là một lá cờ đỏ phấp phới trước gió. Tiếp theo sau lá cờ ấy là một lá cờ khác diễu qua trước hàng quân, nhưng nó không được cắm vào cán. Nó được một người tầm thước mặc thường phục, trân trọngng nâng lên trên tay mang đi. Những hàng quân đứng im phăng phắc tỏ lòng tôn kính lá cờ quang vinh của các anh hùng pháo đài Brest, lá cờ còn phảng phất mùi khói súng của những trận đánh ác liệt để bảo vệ Tổ quốc và giờ đây đang nằm trên tay một người từng giữ nó trên ngực trong lúc chiến đấu, giữ gìn nó cho hậu thế.

Lá cờ của tiểu đoàn 393 do Rôđiôn Xêmêniuc tìm thấy đã được chuyển giao cho Nhà bảo tàng cuộc phòng thủ của Pháo đài Brest, hiện giờ nó vẫn được bảo quản ở đó. Hồi ấy, sau khi rời khỏi Brest, Xêmêniuc tới Minsk, được phó tư lệnh quân khu Bielarussia tiếp đón, và sau này đồng chí đã tới thăm tôi ở Moskva, kể cho tôi nghe đồng chí đã tìm thấy lá cờ như thế nào. Một năm sau, khi chính phủ khen thưởng những anh hùng của cuộc phòng thủ, người công nhân luyện kim nổi tiếng của Kuzơbax là Rôđiôn Xêmêniuc được thưởng Huân chương Cờ đỏ vì đã có công cất giấu và tìm được lá cờ chiến đấu của đơn vị mình.

 

Lần đầu tiên câu chuyện về việc bảo vệ pháo đài Brest được biết đến vào tháng Hai năm 1942, khi phát hiện kho lưu trữ của Sư đoàn bộ binh số 45 của Đức tham gia tấn công vào pháo đài. Trong một biên bản, các nhân viên báo cáo rằng Hồng quân bảo vệ pháo đài đã đáp trả rất mạnh mẽ.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân đội Yuri Knutov nói:

“Những người lính Liên Xô đã cho thấy rằng Hồng quân có thể chống lại những kẻ thù độc ác nhất. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, tại pháo đài Brest có khoảng 9.000 người. Khoảng 20 000 binh sĩ của quân đội Hitler đã xông vào pháo đài Brest. Theo kế hoạch tấn công của Đức, pháo đài phải bị chiếm trong vòng 6 giờ, tức là trưa ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, theo các văn bản, tiếng súng kéo dài cho đến tận tháng Tám.”

Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng cùng với thủ đô Moskva và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong danh hiệu Thành phố Anh hùng theo một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô.

Pháo đài Brest là một trong những đài tưởng niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được du khách đến thăm nhiều nhất. Qua nhiều năm, đã có hơn 23 triệu người từ 140 quốc gia đến nơi này.



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: TungDX
14/09/2016 09:55:55

Ngẫm không khỏi nao lòng....


Ai có thế ko???



Từ: TungDX
14/09/2016 09:55:13

Giờ đây đã U70, nhớ chiến tranh II (qua phim) và liên tưởng những ngày chiến tranh phá hoại, Tây nam, phía Bắc...ban bè người thân ...đã mất và hy sinh, bồi hồi lắm ...


Giờ đây chiến tranh lung bung khắp nơi... càng thấy yêu quý, trân trọng những năm được sống trong yên bình...


Nhưng "gió" nào có đừng... cuộc chạy đua đang sôi sục biển Đông...


Một bài toán mới, thách thức mới cho hậu duệ vua Hùng...


Với cái đà tham nhũng thế này thì ANH HÙNG sẽ xuất hiện thế nao???


Ng



Từ: PhuND
20/07/2016 20:54:55

Nhân ngày 20/07, xin mọi người hãy đọc: 


 После Великой Отечественl 5;ой войны, во время разбора завалов в Брестской крепости, на стене одного из казематов была обнаружена надпись, оставленнаn 3; неизвестныl 4; солдатом Красной армии: «Я умираю, но не сдаюсь! Прощай, Родина! 20/VII-41». 75 лет спустя отдел науки «Газеты.Ru» вспоминает, как происходилl 6; одно из первых и самых трагичных сражений той войны.



Từ: 3Chai
19/07/2016 22:50:14

Hình như có nhiều cảnh trẻ con hơn. Ít nhất cũng phải có đoạn hai đứa bé đi tắm sông trước khi xảy ra cuộc tấn công.


 



Từ: ThoaNP
17/07/2016 06:51:29

@Bachai: Trong phim chỉ có cảnh Chính ủy giao lá cờ cho cậu bé Sasha giữ (gần cuối phim), và bắt cậu bé cùng với Tanhia phải đi ra cùng đoàn phụ nữ trẻ em.


Phần về chôn lá cờ và tìm lại lá cờ là từ truyện "Брестская крепость", viết theo đúng sự thật. Phim thì họ làm hơi hư cấu một chút, tuy các nhân vật chính là đều đúng theo lịch sử.



Từ: KhanhT
17/07/2016 05:10:14

 


@ThoaNP, 3Chai phim đây này:


Брестская крепость | Фильм | Полная версия | Смотреть онлайн в хорошем качестве


https://www.youtube.com/watch?v=l7LjEdFbnTQ


 



Từ: 3Chai
17/07/2016 00:38:10

Tôi cũng đã xem phim "The Fortress" vài năm trước đây. Nhớ mấy nhân vật trẻ con, thiếu sinh quân và con của các sĩ quan trong pháo đài. Và những lời gọi khẩn thiết lặp đi lặp lại trên sóng radio cho đến cuối phim: "Đây là Brest, chúng tôi đang chiến đấu... Đây là Brest...". Nhưng tại sao lại không nhớ ra đoạn sau này người cựu chiến binh đi đào lại lá cờ nhỉ. Hay là hai bộ phim khác nhau?



Từ: ThoaNP
12/07/2016 12:18:44

@Guest MLT: Câu chuyện Pháo đài Brest thật sự rất xúc động, bi tráng. Hồi đến thăm Pháo đài mình có mua cuốn truyện của Smirnov. Tuy nhiên đọc đã mấy chục năm nên không nhớ được các số liệu đâu, phải tìm trên Google đấy. Nếu mọi người thấy phim "Брестская крепость" thì nên xem. Phim làm về chiến tranh nhưng không khô khan, dù xem sẽ buồn đấy. Cầu mong đừng bao giờ còn chiến tranh nữa.



Từ: Guest MLT
11/07/2016 21:14:28
Chị nhớ đc nhiều và cặn kẽ quá, thật xúc động khi đọc bài viết của chị, nhứ nước Nga-Monđavi quá chị THoa ơi


Từ: Guest TTT CL74
11/07/2016 19:49:26
Thật cảm động, cám ơn Thoa.