BLOGS  
 
RSS
BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Ngày đăng 22/12/2010 15:04:50 bởi NhuanNT

 (NHÂN NGÀY 22/12, XIN ĐĂNG LẠI CHÚT CẢM NGHĨ CỦA TÔI VỀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH THÂN YÊU)

 

Tôi viết entry này dành cho những người thân yêu của tôi: những ‘Anh Bộ đội’ đã ngã xuống  và cho những ‘Anh Bộ đội’  không còn tại ngũ và đang tại ngũ.

Tháng 12 có một ngày dành cho họ, ngày 22. Tôi ít khi nghĩ đến ngày này như là một ngày lễ hội vui vẻ với những ca khúc hùng tráng, với những lệ lạt, hoa, lời chúc mừng  và nụ cười. Tôi hay nghĩ đến họ, những người đã nằm lại. Bởi vậy tôi sẽ bắt đầu về những người đã mất.


Bạn Văn, Anh Hà nằm lại nơi đâu?

 

Tôi xa nhà, xa quê từ năm 16 tuổi. Một năm hay nhiều năm mới về quê một lần. Con đường 55 từ thị xã Nam định (một thành phố xuống cấp thành thị xã) đi qua Nghĩa Trang Liệt Sỹ của 2 xã Nghĩa Lợi và Nghĩa Thắng. Bao lần định dừng lại ghé thăm để tìm lại người quen mà lòng mong muốn nhìn thấy những người còn sống  lại kéo tôi đi qua. Mãi cho đến một cái tết cách đây khá lâu, tôi mới có dịp rẽ qua. Tôi đi qua chợ quê gần đó mua hết số hoa cúc và hoa huệ của hàng hoa duy nhất và một bó hương to ôm sang Nghĩa trang Liệt sỹ. Chị tôi bào khi đi vào nghĩa trang thì Liệt sỹ của xã Nghĩa lợi nằm bên tay trái, của xã Nghĩa thắng nằm bên tay phải.

Mộ Anh Tắc, anh cả trong gia đình tôi nằm ở khoảng giữa của đông đúc những  ngôi mộ đơn giản gồm một tấm biển  ghi tên tuổi năm tháng nhập ngũ và hy sinh. Chính quyền địa phương dành cho mỗi Liệt sỹ một ngôi mộ như thế. Có người có hài cốt thật, có người hài cốt chưa tìm được nên ngôi mộ trở thành mộ tượng trưng. Hài cốt của anh tôi mới được con trai anh tìm thấy và đưa về chôn tại đây, gần bên mép nghĩa trang. Tôi thắp cho anh nén hương và cắm một bó hoa huệ. Hình ảnh của anh mờ nhạt trong tâm trí tôi như qua một làn hương khói. Anh lớn hơn tôi ít nhất là 15 tuổi, xa cách như hai thế hệ khác nhau. Anh ít nói, hiền lành và chỉ chăm chú vào việc đồng áng và chăm chút cho gia đình nhỏ của anh gồm chị Tắc, các cháu Tuấn, Tú, Ngọc và Huyền. Anh tái ngũ từ những năm 67-68, và hình như hy sinh ở Quảng trị vào những năm 70-71. Chị Tắc ở nhà cặm cụi một mình nuôi 4 đứa con trưởng thành. Ngôi nhà của anh chị hầu như không thay đổi gì từ mấy chục năm nay. Lần nào về thăm cũng có dàn gấc sai quả, dậu mùng tơi quanh sân, dàn mướp dưới ao và cây nhãn ở cạnh cầu ao. Tôi thương chị mà chẳng làm được gì cho chị. Các con chị bây giờ đã có gia đình riêng đàng hoàng, sức khỏe của chị giảm sút nhưng dù con cái có mời mọc đến ở với chúng trong những ngôi nhà to đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn thì chị cũng chỉ đến thăm chúng rồi lại trở về một mình trong ngôi nhà cũ. Ở đó chỉ có bàn thờ anh Tắc với tấm hình anh hồi còn trẻ được phóng to ra, tấm hình mà tôi làm tặng chị khi tôi đi học ở Liên xô.  Chiến tranh chẳng còn lại dấu vết gì ngoài nấm mộ nhỏ và  những gịọt nước mắt âm thầm chảy rồi khô trên  gương mặt mỗi ngày một già đi của những người đàn bà ở lại.

Tôi cũng tìm được tên bạn Văn, bạn tôi trên một tấm bia của một ngôi mộ như thế. Bạn ấy được cha mẹ đặt tên là Đốc, có anh trai là Đôn. Không hiểu sao bạn ấy lại không thích tên Đốc mà đổi thành Văn. Tên Văn hợp với tính cách bạn ấy hơn. Bạn ấy hiền, ăn nói nhỏ nhẹ và rất nhát … gái. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt thon, làn da trắng như da con gái của bạn ấy và cả đôi má ửng hồng vì mắc cỡ mỗi lần bạn ấy nói chuyện với tôi. Ấy vậy mà bạn ấy xung phong đi bộ đội khi chưa học xong lớp 10. Những bạn ra đi như thế thường chưa được 18 tuổi, và dù chưa hoàn thành chương trình học phổ thông cũng được đặc cách nhận bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (ngày ấy là 10 năm, sau này mới chuyển thành 12 năm). Cái sự ra đi cứu nước và hừng hực khí thế ‘lên đường‘ của tuổi trẻ chúng tôi ngày đó vừa hào hùng vừa lạng mạn. Mười bảy tuổi, con nhà nông, học sinh trung học, các bạn ấy quá nhỏ bé yếu ớt về thể lực, hiền lành và trong trắng về tâm hồn để được ném vào lò lửa chiến tranh khốc liệt mà chẳng được chuẩn bị gì nhiều. Tôi học tiếp và nghe tin bạn ấy hy sinh trong vòng chưa đầy một năm sau ngày nhập ngũ. Bạn ơi, bạn nằm đâu? Da thịt tuổi 18 tan nát nơi nào?  Có điều qúi giá nào trên đời này có thể bù lại những mất mát cho các bà mẹ? Gịọt nước mặt muộn màng của tôi chỉ để an ủi tôi, có ích gì đâu…

Anh, con bác Đính, cũng nằm trong số những Liệt sỹ của xã. Anh là anh họ xa và chỉ học trước tôi một năm. Tôi thường dùng lại sách giáo khoa của anh ấy để khỏi phải mua sách mới. Anh học giỏi, đặc biệt là môn văn. Anh ấy cũng rất hiền và ít nói. Tuy là anh em họ và cùng đi học ở trường cấp 3 xa nhà nhưng chúng tôi ít khi nói chuyện tâm tình với nhau. Tôi coi anh Hà như người thuộc thế hệ lớn hơn, là anh chứ không phải bạn tôi. Có một năm tôi về tết và có thời gian đến thăm bác Đính gái (bác trai đã mất). Bác cứ nắm tay tôi mà khóc, mà bảo rằng nhìn thấy tôi làm bác nhớ anh Hà. Anh em mày đi học với nhau ngày ấy .. mà nó chẳng trở về…Bác ơi, còn nhiều bạn cháu cũng không trở về.. rất nhiều người như anh Hà: chưa học hết phổ thông, vất vả con nhà nông, rời sách là ra đồng làm giúp cha mẹ. Gia đình nghèo, đồ ăn chẳng có nhiều, con cái đông, 17-18 tuổi đầu mà dáng vóc nhỏ nhoi như chưa kịp lớn.

Hôm đó tôi đã đặt lên mỗi ngôi mộ, đa số là những tên tuổi lạ, một bông hoa và một nén hương. Nhưng số hoa ít ỏi chỉ đủ chia cho khoảng 1 góc Nghĩa Trang Liệt Sỹ. Sẽ có một lần khác tôi trở về để thắp hương và đặt một bông hoa cho đủ từng ngôi mộ ở đó.

Trong số anh em họ hàng gần gũi trong gia đình, có anh trở về

 

Anh Ân, Anh Đam nỗi cay đắng thường ngày

 

Tôi viết tên thật các anh là vì các anh là người trong gia đình và tôi tin là các anh tha lỗi cho tôi. Trong làng tôi có nhiều người như vậy, và tôi tin là ỏ  làng, xã, huyện, tỉnh  bên cạnh cũng có nhiều hoàn cảnh như  vậy.

Chiến tranh chấm dứt (tôi chỉ nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ đến năm 1975).  Anh Ân (anh rể tôi) trở về với bao hân hoan hy vọng. Anh tin là anh sẽ có một công việc ‘thoát ly’, nghĩa là có một chức vị trong chính quyền, một công việc trong bộ máy hành chính của huyện nhà như người ta hứa hẹn. Nhưng việc đó không đến. Anh trở về với hai bàn tay trắng, may mà cơ thể còn lành lặn. Một người lính trở về, không có nghề nghiệp gì ngoài công việc nhà nông, không có  kinh nghiệm của cuộc sống thường dân lẫn sự giúp đỡ  để hoà nhập lại với gia đình, làng xóm. Ruộng đất quê tôi chật hẹp, người vài sào ruộng chỉ đủ ăn, chẳng có nghề phụ gì.  Chị tôi là người hăng hái trong việc làng xã, làm bí thư đoàn xã, rồi hình như làm chủ tịch hội phụ nữ của xã, nghĩa là ‘có vai vế’ trong lứa tuổi của chị. Các cháu lần lượt ra đời : Hoàng, Hằng, Hiếu, Hùng (chỉ có Hằng là con gái). Mâu thuẫn trong gia đình xuất hiện, rồi lớn dần mà ở chốn làng quê này làm gì có chỗ nào giúp cho việc giai toả nó. Anh Ân, có lẽ trong lòng đầy mặc cảm, chán chường đã uống rượu rồi gần như nghiện rưọu. Những bất công  trong xã hội mà anh phải chịu, những thất vọng và thua thiệt trong cuộc đời được dồn lại và bùng nổ trong gia đình, đổ lên đầu vợ con và cả gia đình lớn. Tôi ở xa, chỉ đoán mò mọi thứ. Tôi đoán là chị tôi và các  cháu đã có một thời gian vất vả. Tôi chẳng trách gì anh, tôi chỉ thương anh. Tôi thương anh đã mất những năm tháng của tuổi trẻ mà chẳng học hỏi được nhiều cho cuộc sống tương lai của gia đình. Thương anh vì mặc cảm, rồi tự ti mà rơi vào vòng túng quẫn, để rồi nhiều khi đối xử rất bất công với chị tôi và các cháu. Cầu trời cho anh khoẻ mạnh, cho anh nhìn hết được những bất công ở đời mà lý giải nó cho đúng, cho anh thương vợ con anh, mà che chở cho chúng. Anh chị đã có những đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang và đầy hiều thảo với cha mẹ. Nhưng vì vậy mà tôi càng  thương chị và các cháu. Có lẽ cả nhà chị là nạn nhân của chiến tranh, những nạn nhân không có những tổn thương trên thân thể mà phải chịu tổn thương khủng khiếp về tinh thần.

Anh Đam là anh họ tôi, cũng trở về  nhưng một cánh tay bị mất. Nhà anh ở ngay sau nhà tôi. Trong vài lần trở về nhà, tôi vẫn nghe thấy tiếng anh chửi mắng, rồi cả đánh vợ nữa. Có lần tôi hỏi chị ấy, sao chị không bỏ anh ấy ở một mình cho đỡ khổ. Chị bùi ngùi "anh ấy tuy thế vẫn thương chị, anh ấy cũng khổ lắm nên mới thế. Có anh ấy còn hơn không có ai". Chao ơi, ở nhà quê  như vào chốn đường cùng, chẳng biết chạy đâu! Người thành phố còn có chỗ chạy về : về quê ở, còn người nhà quê thì chỉ còn chạy ra đồng. Người làng tôi bảo nhau: làng có bốn ông ‘cựu chiến binh’ chỉ uống rượu rồi chửi bới. Tôi hiểu không phải là làng tôi chỉ có 4 ‘anh bộ đội’ trở về. Nhiều người nữa cũng trở về và họ vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn tham gia xây dựng xóm làng với cái chất lính kiên cường và dũng cảm. Anh Vũ tôi trở về sau nhiều năm làm y sỹ và rồi học thành bác sỹ quân y. Bây giờ anh ấy là bác sỹ ‘di động’ của làng tôi. Ai đau ốm gì gọi anh, là anh ấy xách cái túi thuốc nhỏ đến liền.

Nếu có buồn chán vì câu chuyện của tôi thì bạn cũng nên cố đọc tiếp. Tôi muốn viết vài chuyên vui hơn, chuyện của những ‘anh bộ đội’ thời bình.

 

Du, em có khỏe không?

 

Cậu Vọng  học xong phổ thông thi vào đại học quân y, tuy điểm cao so với một vài trường nhưng lại thiếu một chút để vaò trường Y. Cậu ‘bị’ gọi đi làm nghĩa vụ quân sự ngay (nói theo cách gọi lúc này). Hết hạn, cậu về nhà, cảm thấy dở dang chẳng đến đâu. Mẹ tôi không cho cậu đi đâu nữa và thế là con đường học hành của cậu chấm dứt. Tôi còn vài đứa em đã hoặc đang phục vụ trong quân đội. Các em tôi mỗi người một nghề nhưng chúng đều là những người có tay nghề cao và trưởng thành về chuyên môn. Cậu Vĩnh (mà vài bạn lớp tôi có biết qua bức thư em gửi tôi hồi tôi mới sang LX) theo con đường binh nghiệp đến cùng, chậm rãi theo đúng qui trình  từ từ tiến lên và tiến thật xa. Tôi thực lòng mừng cho cậu vì thấy trong gia đình tôi, chỉ có cậu là người có chí hướng tiến thân nhất.

Một thằng em nữa là Du. Em học rất giỏi ngay từ phổ thông. Được gửi đi học một nghành kỹ thuật  ở nước ngoài để về phục vụ trong quân đội. Về nước em hăng hái lao vào công việc với lý tưởng trong sáng: đảng viên cũng có nhiều người cơ hội lắm, em phải vào đảng để đấu tranh với họ. Làm trong một ngành quan trọng, rồi em cũng giữ chức vụ khá quan trọng trong guồng máy kỹ thuật. Nhưng quân đội, khi dính đền tiền bạc (người ta gọi là làm kinh tế), cũng trở thành một bãi chiến trường mới, cũng khốc liệt, cũng chết chóc, thương tật như bao chiến trường có súng nổ. Những gì tôi viết ở đây đều là suy diễn, chẳng có chứng cớ gì, chẳng tham khảo từ sách báo nào nên có lẽ cũng chăng đáng tin lắm. Làm ‘kinh tế’ có nghĩa là làm ra một sản phẩm nào đó cho quân đội dùng. Tiền của công, sản phẩm làm ra (hay mua vào) được tự nghiệm thu rồi tự sử dụng, vẽ ra bao nhiêu là do mình. Em tôi làm kỹ thuật, đứng trong khâu nghiệm thu sản phẩm. Đường dây có sẵn, cứ ký nghiệm thu theo ý kiền sếp là xong, được mọi đàng. Nhưng em tôi là đứa trung thực, bướng bỉnh, đầu óc cứng ngắc. Thế là mọi sự đáng lo ngại dồn đến. Em tôi phải bỏ việc, phải khó khăn lắm mới xin ra ngoài được. Nhưng mất mát lớn nhất của em tôi là mất lòng tin, đến nỗi lo lắng cả đến tính mạng của mình. Tôi cho mọi sự là do em tôi quá lo lắng mà suy diễn ra nhiều chuyện, hay tôi là người ngòai cuộc ngây thơ với thực tế của thời thế?. Chiến trường mới có người ‘tử trận’ như  vậy. Em tôi không muốn làm việc cho ai nữa vì chẳng tin vào ai cả. Tôi thương em và thương cả vợ con em. Sự căng thẳng của em làm căng thẳng luôn cả quan hệ của em với các cháu. Tội nghiệp những nạn nhân của chiến tranh! Tôi chỉ muốn em khoẻ mạnh, cả về thể lực lẫn tinh thần. Du, em có khoẻ không?

 

Người chiến thắng

 

Rồi chiến trường nào cũng có người chiến thắng. Tuy họ là số ít ỏi nhưng uy thế của họ trùm khắp. Anh Khu, một người anh họ khác của tôi là người chiến thắng. Anh có nhiều thành tích trong chiến tranh, cái đó thì đã rõ vì anh có rất nhiều huân chương, huy chương, cả những cái mà chị tôi nháy mắt với tôi: phải chạy ra tận Hà nội đấy! Rồi anh làm giám đốc trong quân đội, nhận chức tước cao, gia đình làm tiệc chiêu đãi cả làng. Tôi không được dự vì ở xa nhưng được nghe lại từ cái giọng hồ hởi của người trong gia đình. Anh làm ăn thế nào tôi không được biết nhưng tôi biết là con trai cưng của anh đang học phổ thông trung học ở nước ngoài, trong một trường tư  thục nổi tiếng với học phí  hơn hai mươi mốt ngàn đola một năm, chưa kể tiền sinh hoạt (ăn, ở, đi lại). Tôi biết chị vợ anh là người nhà quê như tôi nhưng đi lại thì chị kén lắm. Gần và không có điều kiện thì không nói làm gì, ví dụ như về quê thì làm gì có máy bay nên chị đành dùng tạm xe ‘mec’ chứ đi xa hơn một tí và nếu có có thể bay thì chị ‘chỉ dùng được máy bay thôi’. Hai cô con gái lớn được xây cho mỗi cô một ‘dinh cơ’, một cô ở Hà nội và một cô ở Sài gòn. Vợ anh còn không cần động đến việc nhà thì  con gái anh cũng phải hơn thế. Nghĩa là quê mùa như tôi nhìn vào cứ hoa cả mắt.  Người nhà quê trầm trồ so sánh và tấm tắc khen anh giỏi giang. Cha mẹ nghèo ước ao: ông ấy đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh hết cả đống tiền, bán cả làng mình cũng không đủ. Những đứa con nghèo chẳng cần nghe bố mẹ mình nói hết câu cũng hiểu, cũng xót xa.

Những câu chuyện góp nhặt quanh gia đình tôi là vậy. Tôi như ếch ngồi đáy giếng, chỉ biết chuyện  gia đình mình nên kể ra thế thôi. Viết ra như là một nén hương thắp cho người đã khuất. Tôi còn như người dở hơi, lúc khóc hu hu nhớ người không còn, lúc buồn xơ xác nhìn cảnh đời éo le, lúc lại chua chát nhìn những người giàu có và thành đạt như anh Khu tôi. Nhưng tôi theo đạo, luôn tin là đời có ăn có trả. Tôi chỉ cầu mong cho các con tôi, cháu tôi học được đạo lý trong đời, sống nhân nghĩa, như bố tôi dạy: thật thà là cha dối trá. Sống là phải biết khi còn trẻ thì cố học để lớn lên tự lo cho mình. Rồi còn biết lo cho cha mẹ càng ngày càng già yếu, lo dạy dỗ nuôi nấng trẻ con. Sinh ra là được hưởng cái tốt đẹp ở đời và phải  sống hết mình để trả món nợ này.

 

 

 

  

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: NhuanNT
29/12/2010 11:26:06

Xin cảm ơn mọi người đã chia xẻ nỗi buồn, nhất là Tuyết!


Anh Pha ơi, lâu rồi mới thấy 'tiếng' anh. Biết là tòan chuyện buồn, nhưng hình như nỗi buồn mới làm em viết được hay sao ấy. Với em, khi vui, mọi chuyện cứ qua đi nhanh quá, chẳng kịp giữ lại. Niềm vui thì dễ chia xẻ, nhiều người thích, qua mau. Nỗi buồn thì cứ đọng lại, chỉ có cách viết ra.


Tuy vậy em lại là người rất lạc quan đấy.


Hương ơi, Chị cầu mong cho em khỏe mạnh. Cuối cùng thì chúng mình cũng chỉ là một mảnh vô thường.


 



Từ: HuongNT
26/12/2010 17:10:55

Đọc bài viết của chị làm em xúc động thực sự nhưng hôm nay khỏe hơn em mới viết comment. Những câu chuyện thực chị kể em thấy trong cuộc đời này cũng còn nhiều và mỗi khi được chứng kiến, được nghe kể đều làm mình day dứt. Chiến tranh đã qua lâu rồi mà những nỗi đau của nó gây ra còn đeo đẳng dài dài... Nhưng cũng có nhiều người lính sau khi chinh chiến về đã vượt qua được những nỗi đau để xây dựng cuộc sống cho mình và họ đã thành công. Cuộc đời thật là muôn hình muôn vẻ...

Và đọc truyện của chị, em rất thích!



Từ: TuyetHA
26/12/2010 16:57:32

Nhuận ơi, đọc xong bài của cậu, một nỗi buồn man mác cứ dâng lên trong mình. Câu chuện của Nhuận rất cụ thể về tình cảnh những người lính trở về sau chiến tranh và cả những người lính thời bình, nói đơn giản hơn là số phận của những con người trong xã hội hiện nay: cay đắng, đau buồn, thất vọng và cả sự thành công nữa. Trong một gia đình mà cũng đủ cả:ái, ố, hỷ, nộ. Suy ra cả xã hội thì cũng là tổng cộng của những số phận như vậy. Mình nghĩ xã hội nào, đất nước nào thì cũng đều có cảnh tương tự, có khác có lẽ chỉ khác về mức độ mà thôi, bởi vì cho dù ở đâu thì cũng là con người cả mà.


Nhuận ạ, mình mới ở HN về. Trước đây khi còn làm việc, do yêu cầu của công việc, mình thường xuyên phải ra HN công tác, từ khi nghỉ đến nay (khoảng 6 tháng) không còn phải bận rộn với những chuyến công tác nữa nên khi được mời dự một HN Khoa học chuyên ngành toàn quốc lại thấy háo hức vì ngoài việc dự HN thì một việc rất quan trọng đối với mình là có dịp gặp gỡ gia đình, bạn bè ngoài HN. Chỉ có 1 tuần ở HN thôi (bây giờ có cháu thành ra đáng lẽ nghỉ rồi thì đi thoải mái, vậy mà lại vội vội vàng vàng để về với cháu) nên lịch gặp gỡ bạn bè sít sao kín đầy. Bạn đủ các loại: bạn Kisinhop, bạn thời phổ thông, bạn cùng cơ quan, rồi bà con họ hàng. Một tuần vèo trôi qua, sao mà thời gian ít ỏi thế! Có 3 cuộc gặp gỡ với các bạn Kisinhop (cuộc lớn, cuộc nhỏ, cuộc rất nhỏ), 2 cuộc gặp các bạn phổ thông và một số gặp gỡ với những người làm cùng từ ở Học viện QY cho đến Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Cuộc gặp nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Nếu những cuộc gặp gỡ với các bạn Kisinhop luôn đầy ắp tiếng cười đùa vui vẻ khi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời sinh viên sôi nổi, tươi đẹp, hạnh phúc thì cuộc gặp với các bạn thời phổ thông ngoài những tiếng cười còn có những giọt nước mắt, những giọt nước mắt chảy dài bên trong khi nghe các bạn hồi đó đã gác bút nghiên để lên đường nhập ngũ, ra mặt trận chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mình không cầm lòng nổi khi nghe các bạn kể về những ngày chiến đấu khốc liệt trong thành cổ Quảng trị, những ngày hành quân gian khổ, nếm đủ gian lao của đói khát, sốt rét trong rừng. Những người bạn may mắn trở về sau chiến tranh; người thì còn lành lặn, người thì còn mang đầy thương tích trong người, có đến 2,3 mảnh đạn còn trong ghim trong đầu. Cuộc sống hôm nay dẫu còn nhiều vất vả nhưng ai cũng bảo mình còn may mắn hơn bao nhiêu các bạn đã không bao giờ trở về. Cùng tốt nghiệp phổ thông dưới một mái trường phổ thông nhưng mỗi người vào đời với một số phận hình như đã được lập trình sẵn. Và mình luôn tự nhủ mình đã may mắn hơn rất nhiều người trong cuộc đời này và rất tâm đắc với câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:" Sống trên đời cần có một tấm lòng". Cám ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng mình khôn lớn. Cám ơn Tổ quốc đã cho mình cơ hội để thành người có ích và luôn bằng lòng với những gì mình có. Sống và cống hiến cho đời tất cả những gì ta có thể với một tấm lòng. HAT SV-77



Từ: NguyetTM
25/12/2010 13:42:07

Chúng ta đã từng gặp biết bao con người, chứng kiến biết bao số phận, mỗi người một số kiếp khác nhau.Những số phận con người mà chị Nhuận chia sẻ đáng để chúng ta suy ngẫm về dân tình, thế thái. nếu chúng ta về các miền quê xa xôi, chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp nhiều nhiều những thân phận như thế nữa. Buồn lắm và thương lắm. Người thương họ thì nhiều, nhưng người giúp họ vượt khỏi hoàn cảnh ấy thì ít vì không phải là không có tấm lòng mà vì không biết bắt đầu từ đâu để gỡ mối bòng bong này.

Cảm ơn chị Nhuận đã có bài viết thật sâu sắc để chúng ta cùng ngậm ngùi chia sẻ. Xin hãy cùng nhau suy ngẫm và tìm giải thoát.



Từ: Khửu
23/12/2010 21:14:39

Riêng mình rất thích những bài này của Nhuận (ehèm rồi đấy nhé 3chai!). Những gì nói thẳng nói thật kể cả trong suy tư tình cảm đều rất đáng trân trọng. Nỗi buồn ư? Thì nó là vậy mà. Điều mà mình thường day dứt không phải ở nỗi buồn của người lính trong thời bình mà ở chỗ: những người lính Mỹ trở về sau chiến tranh giờ họ là các tỷ phú, là TNS và là ứng viên Tổng thống. Còn người chiến sĩ Việt cộng thì...Nhuận đã mô tả rồi đấy. Vậy nỗi buồn này ở đâu đây? 



Từ: PhaNM
23/12/2010 11:01:47

Những người con của Tổ cuốc ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh đời đời bất diệt trong lòng chúng ta. Chúng ta hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của họ. Nhuận ơi, đọc hai bài của em (bài Phượng tím và bài này) anh thật súc động. Em viết rất hay nhưng buồn quá. Chúng ta cần phải sống lạc quan hơn. Mong tới đây được đọc bài của em với tâm trạng mới.



Từ: Meomun
23/12/2010 09:10:56

Chị Nhuận ơi, đúng là đọc bài của chị buồn lắm. Buồn vì những số phận con người lẽ ra nếu không có chiến tranh sẽ chắc chắn khác đi. Ám ảnh về một cuộc chiến, những nỗi đau thời hậu chiến, chẳng biết đến bao giờ mới hết.  



Từ: NghiPH
22/12/2010 19:13:10

Những chàng trai tuổi 17, nặng trên 40 kilo?Nói tới gái là mặt đỏ/Vào trận  còn  lớ ngớ/Cầu trời qua được trận đầu/Nhưng còn bao trận sau /Mong sao năm đầu qua nhanh / Mong sao hòa bình chóng  đến/ Để ta về với mẹ cha ta....


Chiến tranh chấm dứt/Anh Ân, anh  Đạm về làng/Có gì cay đắng/Mà suốt ngày la mắng vợ con Em Du con người thẳng thắn/Gặp chuyện bất minh không tha/Người ta đánh cho chầy vẩy/Mất luôn niềm tin vào cuộc đời này!


Anh Khu, xưa huân chương đầy ngực/Nay kinh doanh rất tài/Hôm lên giám đốc/Khao cả làng/Cả người lớn  lẫn  trẻ em/Ai nấy đều vui/Vợ con anh sống sướng hơn tiên!


Chị Nhuận ơi !/Số phận con người ta vẫn thế/Người dính đạn ngay ở trận đầu /Kẻ đánh dư trăm trận không hề sơ sẩy/ Người giàu, người nghèo/Người ngay, kẻ gian/Muôn mặt cuộc đời  gian nan/Muôn mặt cuộc đời thân thương!