KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 04 Tháng mười một. 2016

MIRINAE 2009




Tác giả: Vancon

 

Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 11. Hồi 01 giờ sáng nay vị trí tâm bão….

 

08.00 sáng ngày 02 tháng 11 năm 2009

 

Gió bắt đầu tăng cấp, thổi ào ào qua những con phố không người, mưa trút xuống bị gió xé ra như mành bụi mù mịt, tầm nhìn không quá 20m.

 

Cây cối, cột điện, bảng hiệu nghiêng ngả giật lên từng hồi như động kinh.

 

Máy điện đàm cơ quan như nồi nước sôi ùng ục, hơn 60 con tàu neo trong vũng tránh bão, kêu gọi cứu trợ, báo cáo tình trạng không an toàn….

 

10.00 giờ

 

Tâm bão đã úp lên thành phố, trên bản đồ vệ tinh TSR vòng xoáy màu huyết dụ ( màu của tâm bão ) xóa nhòa dòng tên QUYNHON CITY trên nền bản đồ.

 

Trạm luồng báo có thuyền dân chở 5 người trôi dạt, gần bờ, không thể quay vào yêu cầu cứu hộ, Gọi SAR 412 điều đi cứu hộ, thêm thông tin 1 thuyền thúng chở 1 người đang trôi ra biển. Sao thế nhỉ, bão thế này mà ra biển ư ? không phải thiếu thông tin nhưng dân miền biển là thế, miếng ăn gắn liền sinh mạng, liều bơi ra để cứu ghe đang sắp chìm…

 

Thuyền trưởng tàu kéo xà lan thông báo không còn đủ sức giữ xà lan, thả trôi, cái xà lan 5000 GRT cùng gần 4000 khối gỗ lừ lừ trôi ra luồng, nếu phi vào khu neo thì sẽ có vài chiếc nữa chung số phận.

 

11.30 giờ

 

Xà lan đâm vào bãi đá ngầm, sóng bẻ gãy, chìm hẳn, gỗ trôi tung tóe, không biết từ đâu, nguồn cơn nào, hàng đoàn người bất chấp mưa, bão, sóng cao 3 – 4 m lao ra mót gỗ…( Đôi khi là những nghịch lý khó hiểu – người ta quyết liệt tìm kiếm vật chất để tồn tại, nhưng có khi lại dễ dàng đem sự tồn tại ra để đặt cược cho việc tìm kiếm vật chất thế sao ?- những hành trình xuôi ngược ấy đều làm ta xót lòng )

 

12.00 giờ

 

Thêm 1 tàu PANAMA báo đứt neo, tín hiệu MAY DAY , yêu cầu hỗ trợ cứu tàu ???, - yêu cầu thuyền trưởng bình tĩnh, chuẩn bị sơ tán bỏ tàu. Trên màn hình, con tàu trôi ào ào về phía vách núi…nhờ trời đâm vào bãi cạn ( không có đá ngầm ) 12 thuyền viên MYANMAR ( dân đánh thuê vì nước họ cũng nghèo như mình ) an toàn.

 

Loảng xoảng ??? dàn kính cơ quan bị gió đập vỡ tan tành, khung nhôm vặn vẹo, méo mó kỳ dị…

 

Điện cúp, bật máy nổ..

 

13.20 giờ

 

- Alô, nghe đây! ( một ông bạn )

 

- Nhà tao nước đổ từ mái xuống  ( Trên ta là thác đổ ???)

 

- ơ nhà mày mới xây, kiên cố ?

 

- Một bác xà cừ hè phố đổ phang vào vỡ tan mái ngói

 

- Ối trời, thôi sơ tán bọn nhỏ sang nhà tao, tao đang ở cơ quan.

 

- Bụp.

 

( Ra là trước sức tàn phá của thiên nhiên, chẳng có gì là kiên cố cả )

 

23.00 giờ

 

Chạy về qua nhà, ngay đầu đường , một chiếc taxi phơi bụng lên trời

 

Vườn cây toang hoang, nháo nhào, lại quay xuống cơ quan.

 

Và cứ như vậy, liên tục 12 tiếng đồng hồ bão chà xát thành phố, không tan, không di chuyển hoặc rất chậm vì cơn bão phía bên kia đại dương níu kéo ( Twentyfour- vì người ta chưa kịp đặt tên). Quy Nhơn, Tuy Hòa bị bão vần vò tang hoang.

 

07.00 Sau cơn bão, đi trên những con phố hoàn toàn lạ lẫm ( dù ngày nào cũng qua ) tan hoang, méo mó, cây, cột điện xiêu vẹo, những chùm dây điện vật vạ trên mặt đường

 

Giao thông náo loạn, mất điện, mất nước, không đèn tín hiệu, dân ta lại tham gia giao thông theo bản năng , kiểu “ tất cả cùng đi trước”.

 

Mặt đường lót thảm, xanh màu lá, cây khẳng khiu toàn cành…

 

Thành phố mệt nhoài, rũ rượi như sau trận ốm thập tử.

 

Buổi chiều, có điện ngoài kia lại dọn dẹp, sửa chữa và sống tiếp, lòng phấp phỏm cơn bão phía bên kia.

 

 

 

Khoảng lặng không bình yên .

 

Ngày 03 tháng 11 năm 2009.

 

Sau bão, không gian thật lặng

 

Điện và nước sinh hoạt chưa nối lại, thành phố yên tĩnh lạ thường vì các thiết bị ngày thường vẫn vô tư văng ra đường phố đủ thể loại âm nhạc, quảng cáo …hôm nay chết lâm sàng.

 

Góc phố, công viên ngồn ngộn những đống rác to đùng của đủ các loại lá cây, biển hiệu rách nát và những thứ mà trước đây chỉ 1 ngày vẫn long lanh mỹ miều ngự trị trên cao..thì bây giờ chỉ còn là một đống những màu cơ bản nhàu nhĩ, vướng mắt người đi đường. Mà cũng không hiểu bằng cách nào những người lao công ( thường là phụ nữ ) có thể kịp tha chúng về một chỗ nhanh thế. Đôi khi, trong xuôi ngược bận rộn, ta quên mất họ…lại nhớ “ Chị lao công ” của Bác Hữu, không phải là không có lý !

 

Đi qua những khu chợ, luộm thuộm, ướt át và thất thần..kẹt xe mất một lúc vì đám đông lo lắng, nháo nhác…tiếng phàn nàn, xì xào chuyện không có rau xanh, thực phẩm gì….chuyện ngập lụt đâu đó nghe rất lạ với thành phố ngay bên bờ biển.

 

Giật mình nhìn lại, cả vùng vịnh trước mặt không còn là màu xanh ngọc bích mọi khi, mà đỏ quạch, tối sầm…Lũ về.

 

Xuống lại cơ quan, tin buồn - luồng vào cảng, một trong những cảng quốc tế lớn nhất của miền trung đóng cửa hoàn toàn, Bão đánh trôi các phao luồng ( ở Việt Nam mình dùng hệ thống báo hiệu hàng hải là các phao báo hiệu để khống chế luồng ra vào cảng ), các tàu đến và đi đều không thể.

 

Bắt đầu với hàng loạt các báo cáo, Sea Protest đứt neo, va chạm, móp méo….và các loại công việc không tên phát sinh, những tình huống bi hài của những con tàu sau cơn bão. Nhưng thật lạ, mọi việc diễn ra rất lặng lẽ, trôi chảy… chắc vì không còn gió, mưa ầm ầm như hôm qua ( kể ra con người cũng mau quen thật, kể cả với những cái khó chịu ). Thiệt hại là đấy, nhưng lời lẽ thì thật hồn nhiên ( kiểu như: iem đang leo ( Neo) nó trôi đập vào mũi iem, móp…đã bảo rồi..) Chuyện thì không vui ( vui sao được, thiệt hại là lỗ, là các khoản vay của các định chế thuê mua tài chính đang lơ lửng trên đầu ) nhưng trình bày thì nghe vẫn hài, hài nhưng buồn, không cười được…Người Việt mình lạ, đôi khi cũng đáng yêu.

 

12.00 giờ

 

          Buổi trưa, chạy về nhà, hậu phương bảo hôm nay rau xanh “нет”,thịt cá cũng “нет”, vì siêu thị người ta mua hết rồi, nước thì chưa có. “ No thing to eat ” vậy là ăn trứng và canh trứng như thời SV – cũng hay.

 

          Tranh thủ chạy ra ngoại ô, kiểm chứng lời xì xào ban sáng. Lại giật mình lần nữa, mới ra khỏi thành phố chưa đầy 6 cây số, toàn bộ vùng ngoại ô ngập chìm trong nước lũ, những mái nhà, hàng cây chỉ còn thấy phần trên, những con đường giờ nằm đâu đó, dưới đáy sâu chừng 4, 5 m có chỗ đến 7 m nước. Nghe bảo cơn lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua, mênh mông, trắng xóa, lôi cái máy ảnh ra, lại nhét vào, không chụp vì chẳng biết để làm gì mà lại hơi nhẫn tâm nữa.

 

Lại nghe bảo nước tràn vào nhanh lắm vì vỡ đê bao sông Hà Thanh, quặn lòng không biết ngoài biển nước kia, có ai không kịp sơ tán không, rồi gia sản, ky cóp đời người đấy sẽ trôi theo dòng nước. Móc điện thoại gọi vội cho 1 người quen ở trong vùng mênh mang ấy ( từ sáng lu bu quên mất ), tút dài, mất liên lạc, chắc do hết pin không điện sạc, điện thoại cố định mất liên lạc, thêm một nỗi lo.

 

Tiếng trực thăng ù ù trên đầu, chắc của lực lượng cứu hộ sơ tán dân, tiếp thực phẩm, một vài chiếc canô của các lực lượng vũ trang vội vã, ngược xuôi, quyết liệt cứu dân….thấy vài khuôn mặt quen ngày thường đứng chặn xe ( bắt mũ bảo hiểm – không cảm tình lắm ), giờ thấy khác, cảm phục, biết ơn, mình chẳng góp được gì, họ thì hòn tên mũi đạn ( mới biết Freud đúng quá, con người ta phần lớn là vô thức, yêu ghét lung tung, chả trúng trật gì ).

 

13.30

 

Về lại cơ quan, gặp toàn những khuôn mặt đầy lo âu. Dân thành phố ở Việt Nam đa phần là “ người ở quê ra ” như cái cái ngọn, mà cái rễ nó lại ở nông thôn, vùng ngoại ô -  ( chợt nhớ lời thoại trong phim Hà Nội trong mắt ai của Trần Văn Thuỷ “ …Hà Nội chúng mày như một cái làng to..” – Quy Nhơn thì có khác gì, sống đây, nhưng Bố Mẹ, người thân lại đâu đó, trong vùng ngập nước kia, cả thành phố oằn lên, lo lắng, thắc thỏm, quặn lòng.

 

Cô bạn gái gọi bảo, bố mẹ em ngồi trên nóc nhà từ tối, giờ mất sóng, không biết có gì ăn không ? làm sao tiếp tế hả anh ? khóc – trả lời : im lặng.

 

Lại loảng xoảng ngoài kia, miếng mi ca cuối cùng trên cái Logo màu xanh biển có cái mỏ neo vàng choé rơi xuống, may không trúng ai, bỏ lại cái khoảng trống hoác, chờ đợi…nhưng chắc đây không phải là cái hậu quả cuối cùng của cơn bão đã qua, vẫn còn lơ lửng, chưa rơi hết.

 

Buổi chiều, về qua đường Xuân Diệu, con đường mang tên nhà thơ người Bình Định dọc bờ biển, nhốn nháo một đám đông, người ta đã tìm được xác của người đi thuyền thúng hôm qua, tiếc dàn dây câu, lao ra biển khi sóng cao 3 , 4 m và em đã không thắng được sóng gió, ra đi khi mới ngoài 20.

 

Buổi tối:

 

Cả nhà ngồi xem truyền hình qua mạng ( tivi gãy angten chưa kịp sửa ), trên màn hình, nước mênh mông, những khuôn mặt khắc khổ lam lũ, bàn tay thò ra từ dưới mái ngói vẫy vẫy như cào vào lòng…tưởng ở đâu xa, chỉ ngay đây thôi, cách vài cây số.

 

 

 

Ông bạn cũ gọi điện từ Huế vào hỏi thăm, hôm trước, cơn bão số 10 mình vừa hỏi thăm bác ấy, giờ thì…bên ấy cười he he, cho mi nếm mùi bão lụt dễ thông cảm hơn, biết thế nào là khộ ???

 

Lâu nay người ta hay nói về những chuyện xa xôi như mất cân bằng hệ sinh thái, rồi thì biến đổi khí hậu toàn cầu…nghe như chuyện ở đâu. Khi bão lụt xộc vào nhà, liên tiếp lập những kỷ lục mới về cấp độ và sức tàn phá, khi mà người sống uống nước cầm hơi, người chết không có đất chôn trong lũ lụt, đó là lúc ta nghĩ về những điều tưởng như xa xôi kia.

 

 

 

Ngày mai, sẽ treo lên cái Logo mới, thành phố xốc lại, nước rút đi và cuộc sống lại tiếp tục – và chắc chắn sẽ là như vậy, chẳng có trở lực nào xa lạ với ý chí của con người cả. Muốn là làm, làm thì sẽ được, hôm nay không được thì ngày mai, thế thôi !


Người post: VanHA

Ngày đăng: 04-11-2016 16:04






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: TuyetHA
08/11/2016 21:24:04

Tuần trước được mời tham gia Hội đồng xét duyệt đề tài: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ người dân. Đề xuất giải pháp đối phó và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Từ chối không tham gia vì nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là tính khả thi của đề tài rất thấp!


Miền Trung luôn oằn mình trước những cơn "thịnh nộ" của thiên nhiên. Tác hại của sự biến đổi khí hậu thật khủng khiếp.


 



Từ: LamTB
07/11/2016 23:22:40

Đoạn nhật ký năm xưa về cơn bão khủng tàn phá Quy Nhơn được tác giả công bố thật đúng lúc. Biến đổi khí hậu đang ngày một tàn khốc hơn: giữa năm là hạn hán khắp giải miền Trung, nay là bão lũ dồn dập. Ở Quảng Bình nước lũ đợt trước chưa rút hết thì lũ đợt sau lại ào đến nhấn chìm làng mạc.Thật xót xa.


Phải đối phó thế nào để giảm thiểu thiệt hại???



Từ: Guest Khoai Tay
07/11/2016 19:56:08

Trời, anh Văn còn ghi nhật ký nữa à? Công bố nhật ký chuyến về nguồn đi anh :)



Từ: Meomun
05/11/2016 18:57:25

@Văn: Hồi ấy cả nhà chị đều lo lắng theo dõi cơn bão, vì ngoài ấy còn bà nội của cháu. Sợ thật, nhưng may mắn là vùng nhà bà không bị nặng lắm.



Từ: PhuND
05/11/2016 18:35:32

Thương lắm Miền Trung!



Từ: Guest VOV
05/11/2016 09:37:34

Đã 6 năm trôi qua nhưng cơn báo lịch sử  2009 đổ bộ vào Q N  chắc vẫn ám ảnh bạn nên mới có một bài viết tả thực sinh động đến như vậy  khi tình hình mưa lũ miền trung đang diễn ra.Đúng là ÔNG TRỜI đang nổi giận khi môi trường bị con người tàn phá không thương tiếc...



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s