KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 25 Tháng năm 2016

NGƯỜI GIÀU




Tác giả: CucNT

NGƯỜI GIÀU
“Lão nhà giàu ném mấy hạt thóc vào chuồng rồi nói với con chim, “Ăn đi rồi hát cho ta nghe!”. Chỉ một câu đó thôi, chúng tôi đã phân tích ra cả trang giấy về sự độc ác của lão nhà giàu, cầm tù, bóc lột và ra lệnh chim phục vụ mình với thái độ trịch thượng của ông chủ quen hưởng thụ vv. Tôi yêu văn học, từ nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều chuyện cổ tích. Nhân vật trong truyện cổ tích rất phong phú, đa dạng, có nhiều kiểu nhân vật khác nhau. Nhưng có lẽ nổi bật nhất là hình ảnh những “tên” nhà giàu độc ác, tham lam, nham hiểm, bóc lột người nghèo tàn tệ để làm giàu. Kết cục của những nhân vật này rất bi thảm. Hình ảnh những người nghèo thường rất thật thà, chăm chỉ, khổ hạnh vì bị đàn áp, bóc lột nhưng kết thúc thì họ rất hạnh phúc. 
Lớn lên chút nữa, chúng tôi được dạy rằng, tham tiền là tư tưởng của những kẻ tư sản mại bản, coi quyền lợi vật chất là trên hết, chà đạp lên mọi giá trị thiêng liêng khác, học sinh ngoan là không được nghĩ đến đồng tiền mà chỉ nghĩ đến tình yêu thương, phải biết hy sinh, chia sẻ cho nhau mọi khó khăn. 
Từ làng quê nghèo khó ra đi, tôi học ở trường năng khiếu Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh. Hầu như tất cả chúng tôi đều nghèo như nhau. Chúng tôi ở nội trú, học bài trong sự thiếu thốn trăm bề, quay quắt trong cơn đói, co rúm trong cơn rét nhưng có lẽ không nơi đâu tình người bao la như dưới mái trường Phan. Đã thân nhau, không có gì là riêng nữa, chúng tôi chia sẻ cho nhau từng củ sắn củ khoai, chụm đầu vào nhau học bài dưới ngọn đèn dầu leo lét, quấn chặt một chiếc chăn mỏng cho đỡ lạnh khi đông về. Cái chân lý chỉ có người nghèo mới thương nhau gim chặt thêm trong đầu tôi. 
Ra Hà Nội, chúng tôi học một năm ngoại ngữ tiếng Nga để đi du học. May quá, tôi lại gặp những người nghèo để kết thân, để làm bạn. Nhàn cùng quê Nghệ Tĩnh, Thu Lan quê Thanh Hóa, Thu Ngà quê Phú Thọ vv Mỗi đứa một giọng nói khác nhau nhưng chung một kiểu “dân quê mùa” ra Thủ đô đi học. Chưa cần kể cho nhau nghe nhiều, chúng tôi đã mặc định, dân nghèo cả nên thấu hiểu, cảm thông nhau chứ bọn nhà giàu ăn sung mặc sướng, có khổ bao giờ đâu mà biết thương dân nghèo. Lòng kiêu hãnh “ta nghèo nên tốt” gắn chúng tôi lại với nhau thành những người bạn tâm giao.
Số phận đun đầy thế nào, ở cùng phòng với chúng tôi, có các chị lớp C5. Lớp này đã học xong 1 học kỳ, sẽ học thêm 2 học kỳ ngoại ngữ nữa là qua Nga học thẳng đại học. Kinh phí cho một năm học dự bị ngoại ngữ ở Nga sẽ dành thêm cho những suất học bổng khác. Các chị người Hà Nội chỉ ghi tên rồi về nhà, chỉ còn hai chị người Sài Gòn ở cùng chúng tôi. Ba của chị Lan là nhà văn nên chúng tôi nghĩ chị không giàu, có thể chơi cùng. Cơm sinh viên chỉ có ngày hai bữa, trưa và tối, buổi sáng chúng tôi nhịn đói đến trường. Chị Trinh cao lớn, xinh đẹp, nước da trắng, đôi mắt sáng long lanh, những ngón tay thon mềm mại. Tôi nhìn và thầm nghĩ, chị đâu có làm lụng cực nhọc như tôi mà tay chai. Chị niềm nở, “Cúc ơi! Nhàn ơi! Quê các em ở đâu? Bố mẹ các em làm gì?”. Gia đình em Cúc làm nông, bố mẹ Nhàn là cán bộ công nhân viên chức chị ạ! Tôi cởi mở “Ba mẹ chị là biệt động thành à? Hay cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, hay chiến sỹ cách mạng nằm vùng?”. Tôi cứ nghĩ con những người như thế mới được đi du học ở Nga như chúng tôi. “ Không! Ba mẹ chị là bác sỹ làm việc ở bệnh viện chợ Rẫy”. “Quê chị ở đâu?” “Chị ở Sài Gòn em ạ!”. Chị sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn sao?”. “ Đúng vậy em ạ! Ba mẹ chị là dân Sài Gòn gốc đó!”. “Tư sản mại bản” chính hiệu đây, tôi thầm nghĩ. 
Tôi chỉ có hai bộ áo quần thay đi mặc lại. Rồi áo tôi bị rách nách. Chị Trinh ân cần “ Đưa đây, chị khâu lại cho!”. Trong va ly của chị, không thiếu thứ gì cả, nút áo, dao kéo, kim chỉ đủ màu vv. Bàn tay chị khéo léo khâu lại những đường chỉ rách cho tôi. Rồi tôi bị sốt, đau đầu, chị ân cần đưa tôi những viên thuốc có sẳn trong túi thuốc của chị. Từ bé đến lớn, tôi chẳng chuẩn bị một thứ gì vì làm gì có tiền mà mua sắm. Hồi học ở trường Phan, tôi cũng hay bị ốm và loại thuốc duy nhất lúc đó là “xuyên tâm liên”, chị Phấn y tá phát cho tất cả các loại bệnh.
Chiều chiều, chị hay rủ chúng tôi đi dạo nơi chợ nhỏ trên con hẻm giữa trường Đại học ngoại ngữ Thanh xuân và trường Đại học tổng hợp và lúc nào chị cũng mua một thứ gì đó. Về nhà, khi thì quả dưa lê, khi thì bún chả, lúc là mấy cái bánh rán, chị bảo chúng tôi cùng ăn. Chúng tôi đói và thèm lắm nên khi chị mời nhiệt tình thì rón rén cầm lấy ăn, lòng tự nhủ, “chỉ một lần này thôi” vì mình chẳng có gì mời lại chị cả. Nhưng rồi hôm nào cũng vậy, chị cứ mua và bắt cả hai đứa chúng tôi ăn cùng như đó là lẽ tất nhiên. “Sao chị giàu thế nhỉ?” Tôi và Nhàn nói với nhau. Sau này, khi có thêm nhiều mối quan hệ xã hội khác, tôi biết chị chưa giàu, chỉ là chúng tôi quá nghèo khi so với chị mà thôi. Chúng tôi lớn lên, cơm là thứ xa xỉ còn nữa là trộn vào dạ dày đủ thứ ngô khoai, rau sắn cho đỡ đói. Lúc nào không may bị ốm, miệng đắng nghét không nuốt nổi cơm thì mẹ dành dụm mua cho một quả chuối hay quả cam. Có lần chị mua cả nải chuối, tôi và Nhàn tròn xoe mắt, cứ nghĩ chị mua để dành ăn cả tuần nhưng khi về tới phòng, chị cắt ra bảo hai đứa ăn hết. Hình như lúc đó tôi ăn đến 3 quả, từ nhỏ tới giờ, đó là lần tôi được ăn nhiều chuối nhất. Mọi thứ ở chị đều hoàn hảo, thi thoảng chị mua đồ về nấu, món nào chị nấu cũng rất ngon, bàn tay có những ngón búp măng của chị làm gì cũng thoăn thoắt, chứng tỏ chị quen lao động. Áo quần chị rất đẹp và là ủi gọn gàng (Chị mang theo bàn ủi từ Sài Gòn ra Hà Nội để dùng). Chúng tôi thì không có khái niệm đó, chỉ có hai cái áo và hai cái quần, giặt xong cứ phơi khô là mặc tiếp, nhăn nhúm. Tôi và Nhàn là dân nhà quê, ngờ ngệch làm sao nhưng lúc nào chị cũng dịu dàng “thương hai đứa bây quá đi mất!”. Lần đầu tiên gần gũi với giới nhà giàu, tôi nhận ra, họ không độc ác, kiêu căng, coi thường dân nghèo như trong sách vở mà tôi đọc được. Rồi tôi chơi thân với anh Tiền ( người Tiền Giang), anh Nhân (người Thanh Hóa), tôi hay đi chơi với họ hơn. Chị và anh Long yêu nhau, chiều chiều hai người thường đi dạo. Cô bạn Nhàn ngốc ngếch của tôi vẫn lẽo đẽo đi theo chị Trinh và anh Long nhưng chưa bao giờ chị tỏ ra khó chịu mà vẫn ân cần chăm sóc.
Qua Liên xô (cũ) du học, tôi và Nhàn học ở Kishinew còn chị học ở Leningrag. Chúng tôi hoàn toàn hụt hững khi thiếu chị. Nỗi nhớ người chị thân thiết làm chúng tôi suốt ngày nhắc chị như nhắc tới ân nhân của mình. Ba năm sau tôi mới được gặp lại chị ở Leningrag. Tôi lao vào ôm lấy chị, nước mắt giàn dụa, “Chị có biết, thiếu chị, em chơi vơi thế nào không?”. 
Tôi về nước, lại điệp khúc thiếu thốn bủa vây. Anh chị em, bạn bè, họ hàng ai cũng thương tôi nhưng không ai có gì để giúp vì họ đang vật lộn với cuộc sống cơ cực của mình. Có được địa chỉ của chị, tôi tới thăm. Chị ôm tôi vào lòng, “lâu ngày quá giờ mới gặp lại em, kể cho chị nghe cuộc sống của em đi nhé!”. Chị là nghệ sỹ Piano, vừa biểu diễn, vừa đi dạy ở nhạc viện Tp. HCM. Anh Long, chồng chị vẫn ở bên Nga, một mình chị vừa đi làm vừa chăm sóc mẹ chồng, chị mang bầu, sinh con, một đứa, hai đứa rồi ba đứa con trai. “Chị không thuê người giúp việc sao?” “Không em ạ! Chị gắng được!”. Tôi hình dung ra một núi công việc chị đảm đương. Ai bảo “con nhà giàu không chịu khó”?. Chị đưa cho tôi một túi đồ, “đây, giày dép, áo quần chị cho em, có cái mới, có cái chị dùng rồi nhưng còn tốt, em mang về dùng nhé! Có gì khó khăn em có gọi chị nhé!”. Tôi có nhiều mối quan hệ trong xã hội, có khi họ giúp tôi, có khi tôi giúp họ. Thường khi ai giúp tôi, sau đó tôi sẽ cố gắng đền đáp lại một phần. Như thế mới bền lâu, quy luật cuộc sống là vậy. Với chị thì không, chị giúp tôi và tôi hồn nhiên đón nhận vì với chị đó là lẽ thường tình, với tôi thì chị chưa bao giờ gặp khó khăn hơn tôi để tôi đền đáp. Nhà tôi và nhà chị ở hai đầu thành phố, chị ở quận 7, tôi ở quận Gò Vấp, xa là thế nhưng chưa có cuộc vui nào của gia đình tôi chị không có mặt. Không chỉ vật chất, tôi còn có những nỗi đau tinh thần, có người cảm thông chia sẻ, có người đàm tếu, chị một lòng chia sẻ cùng tôi. Chị chăm lo cho tôi từng chiếc vé đi xem nhạc Trịnh, từng dàn nhạc Nga, từng buổi biểu diễn của các nghệ sỹ tài ba. Tâm hồn tôi nở hoa dù cuộc sống còn nhiều giông tố.


Chị là nghệ sỹ piano đài các, sinh ra lớn lên trong gia đình trí thức văn minh nhưng chị chưa bao giờ xem tôi là cô bé nhà quê vụng dại. Chị chưa đi qua đói nghèo thiếu thốn về vật chất nhưng chị thương tôi như thương đứa em ruột thịt của mình.
Kết thúc trong những câu chuyện cổ tích là người giàu trả giá đau thương còn chị của tôi đã được hưởng bao nhiêu hạnh phúc khi có 3 đứa con trai rất ngoan. Đứa đầu đã tốt nghiệp đại học đang theo nghề điện ảnh, đứa thứ 2 đoạt giải nhất Việt Nam và giải ba thế giới về tin học văn phòng của Microscope, đang du học tại Mỹ và chàng trai thứ ba đang học cấp hai. 
Cảm ơn chị không chỉ vì những gì chị đã giúp đỡ em mà cảm ơn chị đã thay đổi định kiến trong em. Chị là người đầu tiên giúp em nhận ra, để giàu có người ta phải làm việc, phải hoàn thiện mình rất nhiều. Để yêu thương, chia sẻ thấu hiểu lẫn nhau thì không phải cứ cùng trong một hoàn cảnh. Giàu hay nghèo thì “đến với nhau cần một tấm lòng. Để làm gì? Để cho gió cuốn đi!” (Trịnh Công Sơn).
Tp. HCM 30/04/2016
Cucnt


Người post: CucNT

Ngày đăng: 25-05-2016 04:04






Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments

Từ: TungDX
05/06/2016 20:05:22

Chàng nhà nghèo ĐXT đi học chuyên toán từ 14 tuổi, xa nhà, được các bà chủ nhà nghèo đùm bọc ân cần như câu thơ của Tố Hữu. Cũng có nhiều bạn cùng cảnh ngộ, không may mắn như em Cúc...


Nhưng chúng ta ngộ ra mọi thứ bằng nhiều cách khác nhau...


Mọi con đường dẫn đến Rôm...


Cám ơn em chuyên  văn, câu chuyên nhân văn...


 


 



Từ: NghiPH
25/05/2016 14:07:24

 




Chị Trinh của Cúc là một phụ nữ đẹp. Đẹp quý phái, đài các về vóc dáng. Rất đẹp về nhân cách, về tình yêu thương con người. Chị Trinh hết lòng thương yêu chăm sóc, dạy dỗ các con. Nay các con của chị đứa đã trưởng thành, thành đạt, đứa đang đi học.  Chị là người phụ nữ hạnh phúc.  


Em Cúc thật hạnh phúc có được người bạn như chị Trinh.


Cô bạn Nhàn của em cũng là một phụ nữ tuyệt vời!


 


 


 


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s