KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 16 Tháng mười hai. 2016

CHIANG MAI KÝ SỰ




Tác giả: PhuongTT

CHIANG MAI – Phóng sự …không bao giờ là muộn  (30/11-4/12/2016)

Tôi vừa trở về từ Uzbekistan nửa đêm hôm trước là sáng hôm sau lên đường đi Chiang mai luôn, chỉ có hơn 1h sắp xếp lại hành lý, bỏ ra ngoài những quần áo cho cái lạnh âm 10 độ để thay bằng những thứ nhẹ nhõm cho nhiệt độ +30 độ. Chiang mai đón khách bằng những cô gái sặc sỡ trong váy áo dân tộc và nụ cười trên môi. Bao mệt nhọc của chuyến công tác UZB dài 2 tuần bay biến. Nữ tài xế taxi đưa về khách sạn, rất nhanh nhẹn và tươi tắn, gây thiện cảm với vùng đất này. Trên đường về KS, không thấy bóng dáng rực rỡ của Noel (điều dĩ nhiên ở đất nước Phật giáo này), nhưng đập vào mắt là rất nhiều bàn thờ nghiêm trang để tang nhà vua Bhumibol Adulyadej vừa mất. Có nhiều bức tường dài hàng cây số được treo băng tang đen trắng suốt chiều dài. Lòng tôn kính yêu quí vị vua anh minh của người dân thật thấy rõ. Lúc lên máy bay transit ở Bangkok, thấy gần hết khách là người Nhật đứng tuổi lên cùng máy bay thấy đã phấn khởi. Ai dè lúc đến sân bay Chiang Mai, các chuyến khác đổ xuống toàn khách Tầu, ầm ỹ và chen lấn. Chán hẳn…

Vẫn bắt đầu công việc quen thuộc là nhận phòng và ôm theo 1 đống quảng cáo các tuor du lịch, cái nào thấy cũng hấp dẫn. Nhanh chóng lên kế hoạch cho 3 ngày tới sao cho đi được nhiều nơi nhất với lịch trình hợp lý hiệu quả và kinh tế nhất. Nghiên đi cứu lại thì thấy thuê motobike là tiện nhất còn 1 ngày đi xa thì sẽ mua tour.

Thường trước khi đi đâu, tôi hay nghiên cứu lịch sử văn hóa và điểm tham quan của nơi sắp tới. Lần này bận quá chẳng kịp làm gì. Vả lại tôi cứ hình dung Chiang Mai như Sapa của VN, không có gì lạ, chỉ định tới nghỉ ngơi mấy hôm. Không ngờ tới đây thấy mình đã sai và Chiang Mai rất khác các vùng Thailand đã biết. Sau 4 ngày ở đây và đọc qua lịch sử mới biết nguyên nhân sự khác biệt đó (Chiangmai is the largest and most culturally significant city in Northern Thailand and was the former capital of the Kingdom of Lana (1296–1768), which became the Kingdom of Chiang Mai. Chiang Mai means "new city" and was so named because it became the new capital of the Lanna kingdom when it was founded in 1296, succeeding Chiang Rai, the former capital founded in 1262). Mãi tới năm 1939, Chiang Mai mới nhập thành 1 tỉnh của Thailand. Văn hóa ảnh hưởng sâu của Myanma, do vậy các chùa chiền cũng mang phong cách khác, các món ăn và âm nhạc hay điệu múa cũng vậy

Ngày 1. Thuê xe máy với giá 250 Bth/ngày.

Lộ trình là khu vực phía Tây Bắc cách Chiang mai khoảng 30km theo HWY 1096 là khu Maerim-Samoeng. Nhìn trên bản đồ thành phố, khu này có rất nhiều địa điểm du lịch, bạn có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vậy nên cách tốt nhất là chạy đến Maeram Tourism Information service. Bạn sẽ được chỉ dẫn rất chu đáo và phát cho 1 tấm giản đồ chi tiết của khu vực với những điểm cần đến, giá tiền vào từng nơi. Bắt đầu là Monkey center (200 Bth) đầy thất vọng: 1 khu trại nhỏ với độ chục chú khỉ. Các chú được huấn luyện thành thạo 1 số trò nhạt nhẽo, vui nhất là bán hàng và bỏ tiền vào túi áo của người hướng dẫn, dù là tiền giấy hay tiền xu.

Tiếp đến là Suanbua Orchid (80Bth). Vô vàn là các loại phong lan muôn mầu. Thailand đúng là nơi phát triển nhất của công nghệ nuôi cấy phong lan. Khu vực tham quan của cơ sở này được thiết kế rất mềm mại, gu thẩm mỹ cao nên không làm khách buồn chán với mức độ công nghiệp của vô vàn các giò phong lan rực rỡ. Thả sức chụp ảnh từ xa đến close-up. Vừa ngắm hoa vừa có thể ngồi thư giãn. Cứ nghĩ chỉ ghé qua chút xíu, thế mà khu vườn vẫn níu giữ chân khá lâu. Đi thêm 1 đoạn sẽ là Vườn quốc gia Doi Suthep-Pui National Park, vào cổng trả tiền 100 Bth bạn sẽ được hướng dẫn đi đến thác nước Maesa gồm 10 thác nhỏ, tổng cộng chiều dài hơn 1km. Có khá nhiều thanh niên tổ chức picnic ở những bậc thác. Đường rất dễ đi vì đã được xây dựng tốt. Chúng tôi phải vội về cho kịp show diễn voi nên chỉ đi được đến thác số 5.

Vui nhất là vào Maesa Elephan camp (250 Bth) tuy mùi thì không được dễ chịu lắm. Bọn voi thật giỏi và thông minh, làm được đủ việc, vẽ còn khéo hơn mình. Chúng biết đá bóng, ném tiêu. Và khi có khả năng thua con người, chúng chả cần ném tiêu nữa mà xông thẳng lên dùng vòi đập bóng. Thi nhổ cọc, có con voi nhỏ rất thông minh, thấy thua, liền ăn gian nhổ 1 lúc cả 2-3 cọc cho nhanh. Thắng môn nào, chúng vui mừng đi nhún nhảy vung văng như trẻ con. Chúng thành thục nhất môn gỡ mũ của người rồi khéo léo đội lại, không quên lấy vòi ấn mũ xuống cho chắc.Vui nhất là không khí buổi show, khi khách và voi như cùng 1 cuộc chơi, những chú voi càng nhỏ càng nghịch ngợm. Phần thưởng khán giả dành cho chúng là những thanh mía hay quả chuối.

Chia tay với các chú voi đã là 3h chiều, chúng tôi đành bỏ qua Queen’s Botanic garden mà chạy qua chùa Ponguang vì thấy từ xa có pho tượng Phật vàng rất to nổi bật trên triền núi. Sau đó chạy 1 mạch lên đỉnh núi cao nhất vùng là Mon Cham view point. Đây là 1 làng nhỏ cheo leo, thế mà cũng có 1 trường học khá lớn, vừa lúc trẻ con tan học ríu rít. Từ đây, nhìn trùng điệp núi non rất đẹp. Người ta đã khéo léo thiết kế 1 khu rất đẹp phủ đầy hoa để mọi người đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh và thỏa sức chụp ảnh. Trong không khí se lạnh trên đỉnh núi, tôi đã bắt gặp những bông hoa đào đầu tiên năm nay đang hé nụ, in sắc lên nền trời xanh ngắt. Đã về chiều nên không dám nấn ná, cũng không tìm ra đường tắt đi thẳng về thành phố, sau 1 hồi được phần mềm “map.me” dẫn vòng trở lại điểm cũ trên đỉnh núi, chúng tôi đành quay lại đường cũ để về thành phố. Đường rất đẹp, tuy vòng vèo và lên đèo xuống dốc, nhưng được qua những khu trồng rau quả rất hiện đại, có cả rau sạch với công nghệ Israel và thủy sinh. Nông nghiệp Thái quả thực rất phát triển. Các bạn Philippines mà chịu khó như dân Thái thì với đất đai mầu mỡ do nham thạch chắc tôi không phải luôn chịu cảnh thèm rau quả tươi.

Về đến thành phố đã 6h, trời mùa đông tối mịt. Chúng tôi phóng thẳng đến Chiangmai old culture center để mua vé Khatoke dinner kết hợp với show các tiết mục dân gian. Chương trình khá dày dặn (3 hrs), bữa cỗ thì to, phải ngồi xếp bằng nên thỉnh thoảng lại phải thoải mái nằm kềnh như hút đèn bàn, nghe hát “cô đầu”. Với 570 Bth quả là rẻ. Trước và sau buổi diễn còn dạo chợ đêm bán các loại sản phẩm handycraft giá rất phải chăng. Thấy bữa ăn rẻ nên móc hầu bao mua mấy thứ ủng hộ tăng trưởng địa phương. Rồi cùng với trẻ con nhảy sạp, đốt pháo bông vui đến gần nửa đêm, nhớ ra là phải về mai còn đi tour sớm.

Ngày 2. Tour đi Chiang rai (1,800 Bth).

Xe đón đúng 7 giờ, xếp khách hết đúng 12 chỗ. Được chở vòng vèo qua 5 khách sạn nữa để đón hết khách, coi như được đi citytour miễn phí. Toàn bộ xe là khách “Tây lông” nên rất dễ chịu, không bị cảnh suốt ngày chờ đợi chụp ảnh và selfie của các khách Á. Tour xếp giờ kín mít, bắt đầu là khu suối nước nóng ngâm chân sau 2h đường dài. Sau đó là đến White temple, một điểm du lịch nổi tiếng toàn vùng. Khu chùa do  họa sỹ Ajarn Chalermchai xây dựng dự kiến hoàn thành trong 60 năm, hoàn toàn theo ý đồ của ông là phản đối chiến tranh (mà theo ông là được đại diện bởi Bush và Bin Laden hiện lên trong đôi mắt của quỷ ác), theo thuyết luân hồi của Phật giáo muốn được lên thiên đàng phải đi qua địa ngục. Khu golden WC nguy nga nổi bật để nói lên rằng hình thức không nhất thiết phản ánh nội dung. Toàn bộ khu Chùa khá rộng và đông nghịt khách, hơi rườm rà, nhưng đặc sắc. Rất tiếc là do thiếu hướng dẫn nên không phải khách nào cũng biết ghé khu Art Gallery trưng bày các tác phẩm của nghệ sỹ, nằm ngoài khuôn viên chùa. Rất ấn tượng và rất nhiều tác phẩm. Đúng là ông giầu nhờ nghề. Thật cảm phục cái tài và cái tâm của ông. Năm nay ông 62 tuổi, chắc con cháu ông sẽ tiếp sức hoàn thiện khu Chùa này. Có 109 nhân viên làm trong khu vực, được ông trả lương bằng tiền túi. Tiền vé 50 Bth chỉ tương đối đủ chi cho điện nước và thu gom rác. Mỗi vé lại còn được tăng 1 quyển sách về khu chùa rất đẹp, trị giá 25 Bth. Các hướng dẫn viên khuyến khích khách không nên lấy sách thừa nhu cầu coi như ủng hộ chùa và giảm rác thải ra môi trường.

Điểm tiếp theo là khu làng dân tộc Cổ dài Karen và dân tộc Akha. Karen là người di tản chiến tranh Myanma chạy sang Thái sống tá túc, không có thẻ định cư và không được đi làm cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác. Trẻ con thậm chí còn không đến trường vì không đủ tiền mua đồng phục, dù học không mất tiền. Khu họ ở không có điện nước. Nghèo lắm. Sống nhờ vào du lịch. Du lịch Thailand cũng “cộng sinh” vào họ để thu hút khách. Có khoảng 150,000 người Karen hiện ở Thái. Họ có thể quay trở lại Myanma bất cứ lúc nào nếu tình hình trong nước khá hơn. Cộng đồng người Akha thì là từ Trung cộng xuống. Họ được định cư, được đi làm, sống khá hơn hẳn. Vì vậy tôi chỉ mua hàng của người Karen để ủng hộ họ, sau mới so sánh giá ở BKK thì thấy quá đắt, nhưng vẫn thấy ấm lòng. Khách du lịch được dặn là không được cho họ tiền, nếu muốn ủng hộ họ, hãy mua hàng của họ thôi. Phụ nữ Karen đeo những chiếc vòng bằng dây kim loại quấn, có thể nặng đến 5kg nếu là suốt cuộc đời. Bé gái bắt đầu được quấn cổ từ 4-5 tuổi. Ngày nay, phụ nữ có quyền lựa chọn không đeo vòng cổ, nhưng họ coi đó là đẹp và là trang sức dân tộc nên phần lớn vẫn đeo, dù rất nhiều bất tiện. Sức mạnh văn hóa dân gian kể cũng kinh khủng. Tôi không biết nếu họ mắc bệnh mà phải chụp chiếu thì làm thế nào, nhưng tôi biết họ không có bảo hiểm y tế nên tôi nghĩ nếu chẳng may mắc bệnh, chắc chỉ còn cái chết.

Rời làng, xe chúng tôi đến Chiang Rai và ăn trưa tại 1 nhà hàng ở ngoại ô, khá lãng mạn với buffet thức ăn 3 kiểu Thái, Myanma, Lào. Sau đó di chuyển đến khu Tam giác vàng (Golden Triangle) giữa 3 nước, nổi tiếng 30 năm trước đây là khu vực buôn bán thuốc phiện sôi nổi nhất thế giới. Nơi đây cứ 1 kg thuốc phiện được đổi bằng 1kg vàng ròng, không dùng tiền tệ. Suốt mấy chục năm vẫn vững giá như vậy, kèm theo nhiều vụ chém giết không bao giờ được điều tra, chủ yếu diễn ra trên 1 hòn đảo giữa sông không người và không chủ quyền của bất cứ nước nào. Chỉ đến khi đội đặc nhiệm do Mỹ dẫn đầu ra tay thì thuốc phiện mới bị quét sạch. Nghe nói bây giờ thì an toàn, và đã trở thành khu du lịch. Phía bên Myanma không người sinh sống mà chỉ có duy nhất 1 khu Casino và khách sạn phục vụ người chơi. Phía bên Lào thì Tầu khựa đã mua hết 1 dải sông dài hơn 10km, xây dựng hoành tráng bến bãi, khách sạn, casino “Kings Roman” nổi bật cả 1 bờ sông. Bác Guk bảo khách Tầu đổ sang đây chơi là chính (http://www.chiangraitimes.com/chinas-gamblers-pouring-into-king-romans-casino-in-golden-triangle.html). Tin và ảnh chi tiết về nơi này có thể tìm thấy ở đây (https://www.google.com.ph/search?q=king+roman+casino+laos). Cô hướng dẫn viên bảo mọi dịch vụ toàn bộ khu vực rộng lớn này do người Tầu đảm nhiệm. Vậy là Lào đã mất đất với Tầu. Cách đó vài km là khu chợ, bán đủ thứ, chủ yếu là hàng nhái của Tầu, cùng với rượu Lào ngâm tẩm, ai biết được họ ngâm gì trong đó. Sử dụng tiền nào cũng được. Tôi mua 1 cái khăn lụa Lào, về giở ra thấy hẹp bằng ½ hàng treo mẫu. Chắc dân buôn bán ở đây bị nhiễm thói gian của Tầu rồi.

Điểm cuối cùng là biên giới với Myanma, điểm cực bắc của Thailand. Nơi đây có chợ rất to, miên man là hàng đá quý. Thấy bảo Myanma nổi tiếng về đá, tôi cũng mua 1 cái vòng hạt ngọc bích (jade). Sau lại thấy tấm thảm 40X40 bằng đá có vẻ cùng loại, bộ óc toán học nhẩm tính giá trị quy theo số hạt jade nếu so với cái vòng, nên $70 vẫn là rất rẻ. Khệ nệ bê về, chả biết có bị lừa nữa không. Thôi thì cứ biết hàng ngày được dẫm đôi bàn chân ngà ngọc lên jade cũng thấy mát lòng mát dạ. Từ điểm cực bắc này về đến trung tâm Chiang Mai hết đúng 4.5 h chạy xe. Chúng tôi về dến nhà lúc 9.30 đêm, tuy mệt nhưng biết thêm được nhiều điều mới.

Ngày 3. Lại thuê xe máy

Hôm nay kế hoạch là lên núi đến nơi “must see” trong các sách du lịch là Doi Suthep (Doi thiếng Thái có nghĩa là đồi) nơi có thể thấy toàn cảnh Chiang mai và có ngôi chùa nổi tiếng cùng tên. Vì biết ngày cuối còn ít thời gian nên không đặt kế hoạch lên đỉnh Doi Pui và bản Hmong cách đó 4 km. Tuy nhiên do nhầm bản đồ (mặc dù đã đọc Tripadvisor trước rất kỹ) vẫn phóng thẳng 1 nhát đến sát đỉnh Doi Pui (1685 m), phóng qua cả bản Hmong luôn (1676 m). Đường khá dốc và khó khăn, đầy các biển cảnh báo là chỉ xe máy cỡ Bentley hay 4WD cars mới lên được. Thế là dừng lại ngắm cảnh làng Hmong từ trên cao rồi lại lộn ngược xuống, vội vàng vào chùa Suthep, bỏ qua cả Royal Winter Palace (Bhubing Palace) nơi có rất đông khách xếp hàng. Hôm sau nhìn từ sân bay thì hình như đây là nơi có pho tượng Phật rất lớn. Chùa Suthep quả là lớn, có pho tượng bằng thủy tinh xanh mô phỏng (replica) pho tượng đá ngọc bích nguyên bản quý nhất thế giới đã từng ngự ở Thailand. Cảnh Chiang Mai nhìn từ độ cao 1300m rất đẹp. Những đoàn người nối nhau đi vòng quanh các pho tượng Phật một cách thành kính, mắt nhắm nghiền và tay cầm 1 đóa sen trắng, trông thật thanh thản. Ở cầu thang rắn Naga gồm 306 bậc dẫn lên chùa là các cô cậu bé mặc đồ dân tộc sẵn sàng đứng chụp ảnh cùng khách để lấy tiền boa, nhưng không hề chèo kéo hay nhũng nhiễu.

Đã 1h chiều mà danh sách các chùa cần đi trong ngày cuối lại dài dằng dặc. Đành phải ưu tiên những chùa đặc sắc và tiện cùng đường đi. Gay cấn nhất là khoản trong túi chỉ có 200 Bth vì suốt từ sáng đi 4 nơi mà không đổi được tiền vì không ai chịu nhận $100 chỉ đổi $50 và trả lại $50. Lạ thế. Khoản đau tim thứ 2 là xe hết xăng mà các trạm xăng thường nằm trên các đường lớn cửa ngõ ra vào thành. Đã vào trong phố rồi là khả năng không có chỗ mua xăng. Giở đủ loại google và hỏi các bạn trẻ (với hy vọng họ biết tiếng Anh) rồi cũng tìm được chỗ đổ xăng. Giờ yên chí lớn tha hồ vi vu, với đầy bình xăng và 150 Bth còn lại. Cũng may là mấy chùa còn lại gần nhà nên lại về nhà và qua chỗ quen đổi tiền. Họ vẫn không chịu đổi $50, may quá họ lại đổi tiền Phi. Thế là vét túi còn 1000 peso đổi được 700 Bth, đủ để đi đến Handicraft  village cách Chiang mai 20km. Báo hại, đến nơi đã gần 5h chiều, bác Guk chỉ đường đến Bosang Handicraft Center. Hóa ra là 1 cửa hàng mang đặc phong cách Bách hóa huyện thời bao cấp: rất nhiều chủng loại hàng hóa, nhưng đều treo bảng giá, phủ bụi và 3 chị Thái ngồi tán phét, chẳng quan tâm đến khách. Chụp ảnh chán chê, ra về với cái gậy tẩm quất gỗ giá 35 Bth. Các chị Thái chỉ chờ quay đi là chạy ra đóng cửa. Bù lại, được chứng kiến 1 đám cưới Thái cực vui, và rẽ vào nơi Hội chợ hàng thủ công, nhưng đã dọn hết hàng, chỉ còn lại các manocanh để chụp ảnh, nhưng cũng thấy vui vui như con trẻ. Trên đường về, rẽ vào chợ “ngoại thành” mua nông thổ sản Thái mang về Manila.

Những chùa đi được đều vô cùng ấn tượng. Mỗi chùa mỗi vẻ, nhưng cái nào cũng trang nghiêm và thanh tịnh. Khách đến trong im lặng thành kính, ăn mặc kín đáo theo quy định. Không hương khói nghi ngút và khấn vái xì sụp thành tiếng rất quấy rầy người xung quanh như ở VN ta và Tầu khựa. Lần lượt các chùa đi được trong ngày cuối này là Suthep, Suan Dok, Pra Sing, Phan On, Chedi Luang. Trong đó 2 chùa đi vào lúc tối là Phan On và Chedi Luang lại vô cùng đặc sắc. Phan On là chùa duy nhất bằng gỗ rất cổ kính và trầm mặc. Chedi Luang thì hoành tráng và còn lưu giữ tháp cổ gạch đất nung từ thế kỷ 14. Nơi này đã giữ pho tượng Ngọc bích nổi tiếng gần 80 năm, sau trận động đất năm 1545 tháp bị sạt nên tượng bị di rời sang Luang Prabang vào năm 1551. Cũng tại chùa này có pho tượng Phật nằm, đây là pho tượng lâu đời nhất về Phật trong tư thế nằm. Chúng tôi đã gặp may vì hai ngôi chùa này trong ánh đèn ban đêm chiếu lại còn đẹp hơn cả ban ngày. Có nhiều du khách ban ngày đã tham quan, ban đêm vẫn quay lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ban đêm. Chỉ có chùa Suthep và Chedi Luang là thu tiền vé vào cửa, khoảng 50-100 Bth.

Buổi tối cuối cùng là dành cho Weekend night market nổi tiếng. Còn bao nhiêu tiền bỏ ra cho bữa tối ở food street và mua 1 chiếc mũ cói rất đáng yêu. Vẫn còn 100 Bth mua được 2 con vật thổi thủy tinh ngay tại chỗ. Phải công nhận người nghệ nhân thật tài. Chọn con gà cho tuổi Dậu và con voi vì trong chuyến đi này, show voi là đáng nhớ nhất. Đến 11h đêm thì các sạp dọn đồ. Hàng hóa chủ yếu là quần áo và đồ mỹ nghệ, giá bán tương đối fix, không phải trả giá nhiều nên thấy dễ chịu, khách chủ yếu là thanh niên du lịch balo.

Ra khỏi chợ đêm, tranh thủ làm 1 vòng quanh tường thành cổ 800 năm, mỗi chiều dài 1.6 km. Khu trong thành như Đại nội của Huế. Thành cổ được chiếu sáng rất lung linh huyền ảo, nghệ thuật cao chứ không lòe loẹt kiểu Tầu. Nối hai bên bờ là những “U-turn” đường oto hoặc những chiếc cầu gỗ thơ mộng cho đi bộ. Ban ngày có các đài phun nước đẹp và mát rượi. Sau 11h đêm chúng không hoạt động, trả lại cho mặt nước sự tĩnh lặng tuyệt đối để bóng cây và tường thành in bóng như soi gương. Đẹp tuyệt. Hơn nửa đêm mới về đến nhà mà sáng hôm sau 8.30 đã phải chia tay. Đúng giờ, xe taxi đặt trước đến khách sạn đón ra sân bay để kết thúc một chuyến đi hoàn hảo.

 

Ấn tượng mạnh nhất về nơi này là vô vàn chùa chiền dáng dấp Myanma cực kỳ hoành tráng và tôn nghiêm, khu tường thành cổ đầy mê mị,  và người Thái dịu dàng mềm mại biết làm du lịch một cách vô cùng hấp dẫn để tạo niềm say mê lắng đọng mãi trong lòng du khách. Lịch trình sắp xếp rất hợp lý và hiệu quả cho chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm, vậy mà vẫn còn thòm thèm. Chưa biết bao giờ mới có dịp quay lại….


Người post: PhuongTT

Ngày đăng: 16-12-2016 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
29/12/2016 13:39:49

TT Phương hay thật. Chị mà đi du lịch thì nhất định phải theo tour. Bỏ tour ra là thấy bơ vơ! Sao mà tuổi tác thế! Viết nữa nhé Phương. Chị thấy bài nào của nhà Ngựa là thấy "sướng" rồi!



Từ: PhuongTT
24/12/2016 14:16:26

Chị Thoa thật giỏi. Cái bộ này chuyên để khách du lịch mượn chụp ảnh, nhưng phải mua hàng và trả ít tiền tips cho người bán hàng. Cô gái vải của chị rất đáng yêu



Từ: ThoaNP
23/12/2016 12:06:58

 


@Phương: Chị cứ thắc mắc về cái ảnh em đeo vòng cổ, em đeo cách nào vậy, hay họ làm sẵn 1 bộ rồi mở cài đằng sau?


Hồi ở Chiangmai chị mua khá nhiều các cô gái bằng vải để treo chìa khóa, phân phát hết cho mọi người. Riêng cô đeo vòng cổ thì chị giữ lại cho nhà dùng:


 



 


 



Từ: Vancon
23/12/2016 11:05:53

Cảm ơn chị Phương vì bài viết hay quá, chúc Phượt thủ sức khỏe để còn rong ruổi trên các nẻo đường và có thêm nhiều bài viết nữa.



Từ: PhuongTT
22/12/2016 10:54:55

Em mong bài viết này được HT Ngọc và gia đình quyết tâm thu xếp được 1 chuyến đi chơi thoải mái. Em cũng tranh thủ vừa đi công tác về, có weekend và ngày lễ ở Phils để đi được có mấy ngày. Nhưng rất hài lòng về sự quyết tâm ấy đấy ạ. Tiếng Anh là you have to put the foots down at some point, rất đúng với những người bận rộn



20/12/2016 23:57:21

Anh âm mưu cùng gia đình đi Cheng Mai từ lâu nhưng luôn bị các kế hoạch khác lấn át.


Ở Thái đâm a chỉ loanh quanh BKK, Pataya, và 1 lần đến thăm khu Đông Bắc có nhiều Việt Kiều. Xử lý thời gian là 1 bài toán khó.



Từ: PhuongTT
18/12/2016 09:05:40

Cám ơn các ACE đã thich bài kể chuyện phượt. Đặc biệt là ai đó (không biết có phải Nguyệt hay HT Ngọc) còn cao thủ chèn được mấy cái ảnh rất sinh động. Đề nghị phổ biến chuyển giao kỹ thuật cao ạ


 



Từ: NguyetTM
18/12/2016 00:54:42

Phương đi có mấy ngày mà lượm được nhiều thứ ở Trường Mai nhỉ. Đặc biệt là còn phượt bằng xe máy thì như người Thái thực sự rồi đấy. Tớ đi Thái nhiều lần chủ yếu là đi dự các lớp tu tập nên không thăm quan nhiều nhưng cũng mê mẩn những vườn phong lan người Thái tạo nên, thật khó tìm được ở nơi nào khác trên thế giới. Đúng như Phương nói, người Thái rất niềm nở và tổ chức du lich rất tuyệt vời, làm cho ai đã đến đất nước nhỏ bé nhưng rất tươi đẹp này cũng đều muốn quay trở lại. Một điều đáng để chúng ta suy ngẫm đó là Đạo Phật và lòng tôn kính nhà Vua suốt bao đời nay luôn là nền tảng đạo đức của người Thái. Cũng không quá ngạc nhiên khi thấy chùa chiền ở Thái khá giống ở Myanma vì Phật Giáo nguyên thủy vẫn được thịnh hành ở hai nước này nhiều nhất.


Cảm ơn Phương đã cho mọi người cùng du lich Trường Mai. Cuộc du lịch đầy thú vị.   



Từ: Meomun
17/12/2016 13:51:01

@Chị PhươngTT: Bài viết sinh động quá! Em đi Thái nhiều lần nhưng chỉ quanh quẩn Bang kok, Pathaya...  Nếu không biết trước thì người đọc tưởng nhân vật chính- tác giả bài viết là U30 thôi, trẻ trung, "máu lửa" thật ấy chị Phương ạ. Chúc chị nhiều sức khỏe, nhiệt huyết để ...cuộc đời là những chuyến đi!



Từ: HuongLH
17/12/2016 06:45:43

Bài viết hay và tỉ mỉ, rất nhiều thông tin, người đọc cứ như đang du lịch khám phá Chiang Mai cùng em vậy. Bái phục em gái. Năng động, nhanh nhẹn, biết nhiều và cũng nhiều thông tin, viết lại xúc tích nên chị đọc một mạch bài viết của em luôn. Chị cũng từng đến Chiang Mai, nhưng có hai ngày cách đây hơn chục năm rồi nên chả còn gì ấn tượng trong đầu. Em đúng là: làm giỏi, viết giỏi và chơi cũng giỏi.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s