KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 24 Tháng mười. 2010

Ba tôi (Phần 1)




Tác giả: HanhLM

BA TÔI

HanhLM- Cãi cọ 80

 

Thưa các anh, các chị, các bạn!

 Ba tôi năm nay thọ 89 tuổi. Ba tôi là người xứ Quảng Nam (hay cãi). Ba đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đi học vất vả vì ông bà nội tôi đều mất sớm. Ba tôi vào quân đội từ Trường Thanh niên tiền tuyến- trường do các hai nhà trí thức nổi tiếng Phan Anh và Tạ Quang Bửu thành lập.  Suốt 35 năm trong quân ngũ ba tôi đã ở nhiều đơn vị, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, nhiều mặt trận. Khi về nghỉ hưu, ba tôi vẫn hăng say hoạt động xã hội. Ba tôi tham gia thành lập và hoạt động tích cực trong các hội khuyến học của tộc họ, xã, huyện (nơi sinh ra), phường, quận, thành phố (nơi cư trú). Ba tham gia thành lập và là trưởng ban liên lạc hoặc là thành viên ban liên lạc của các trường mà ông đã học. Đồng thời, ba tôi cũng tham gia thành lập và là trưởng ban liên lạc hoặc là thành viên ban liên lạc của tất cả các đơn vị mà ông đã trải qua. Ba tôi, dù đã gần 90 tuổi, hàng năm vẫn 5-6 lần dành thời gian lên xe đò đến các nơi mà đơn vị ông đã đóng quân thăm bà con, đến nhiều nơi khắp trong Nam ngoài Bắc thăm bạn bè, chiến hữu…

 

Ba tôi vẫn hành quân không ngừng không nghỉ…

 

Bài viết này khá dài. Tôi tạm chia thành 4 phần: 

 

Phần 1: Những năm tháng đi học vất vả

Phần 2: Những năm tháng trong quân ngũ và các chiến hữu của ba tôi

Phần 3: Về nghỉ hưu, hoạt động xã hội và những lời nhắn nhủ con cháu

Phần 4: Cuộc đời không thể thiếu những vần thơ

 

Xin phép các anh, các chị, các bạn được đưa bài viết này lên Mục Gia đình chúng ta trên trang web của Hội KGU.

 

Phần 1:  Những năm tháng đi học vất vả

 

            Ba tôi sinh ra và lớn lên tại làng Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trong một gia đình nho giáo, một tộc họ có truyền thống yêu nước và hiếu học.

            Theo lời kể của ba tôi, mãi đến năm 7 tuổi ba mới học lớp vỡ lòng ở quê ngoại Châu Lâu (như vậy vẫn là sớm vì thời ấy trẻ con thường đi học chậm 3-4 năm so với  bây giờ, còn Lê nin mãi đến năm lên 9 mới đi học), lớp 1 ở trường tổng An Phước, lớp 2-3 ở trường huyện Hòa Vang, lớp 4 và 5 ở trường con trai Đà Nẵng.

             Qua lời  kể của ba, tôi hình dung một phần thời đi học của ba tôi như sau:  Ngày học hai buổi, những người ở xa trường như ba tôi thường mang theo cơm trưa, đùm trong mo đeo tòng teng trên vai, cơm thường độn với khoai hoặc sắn lát. Thức ăn thì thường là vài lát cà muối mặn, hoặc là muối mè rang hoặc đậu phộng giã nhỏ, sang thì có khúc cá mòi thính. Ăn mặc thường là quần đùi, áo cánh bằng thứ vải thô, dây lưng quần bằng vải rút; đầu trần chân đất cuốc bộ đi học. 

Học xong buổi sáng, ba tôi và các bạn ngả cơm ra chén ngon lành, tu mấy ngụm nước giếng mát rượi mà không hề thấy ai kêu la đau bụng. Sau đó là bầy trò chơi bi, đánh đáo, thi nhảy lò cò…Chiều tan học, ba rủ một số bạn ở lại chia thành hai phe đá banh ở sân trường. Bấy giờ bóng cao su rất hiếm và đắt, ba tôi lấy quả bòng hơ lửa cho mềm, hoặc bện chặt bẹ chuối thành quả bóng, tranh chấp nhau thắng thua không kém phần quyết liệt. 

Sự kiện bà nội tôi ra đi đột ngột trong lúc ba tôi đang học lớp 5 và chuẩn bị thi tiểu học (Primaire) là một cú sốc lớn trong đời học sinh non trẻ của ba, không dễ gì nguôi ngoai. Được sự khuyên bảo của ông tôi, sự động viên của bà con họ hàng, ba đã cố gắng phấn đấu thi lấy bằng tiểu học loại giỏi, rồi thi đỗ vào trường Quốc học Quy Nhơn.

              Trong suốt 7 năm trời (4 năm Ban Thành Chung ở Trường Quốc học Qui Nhơn và 3 năm Ban Tú tài ở Trường tư thục Pellerin và Trường Quốc học Huế), ngoài xuất trợ cấp 3 đồng của ông cậu viên chức thương cháu mồ côi hiếu học gửi cho đều đặn hàng tháng, ba tôi phải bươn chải vừa học, vừa đi dạy kèm các em lớp dưới con các nhà khá giả để đủ trang trải chi phí ăn học; những tháng nghỉ hè về quê ba thường mở lớp dạy hè để kiếm thêm tiền mua sắm quần áo, sách vở cho năm học sau. Bảy năm ấy cũng là bảy năm ròng rã rèn luyện, thử thách bản lĩnh, ý chí, nghị lực của một chàng trai xứ Quảng muốn vươn lên thoát cảnh nghèo hèn. Và đó cũng là hành trang quý giá chuẩn bị cho ba tôi vững vàng vượt qua bao gian nan thử thách của cuộc đời trong quân ngũ sau này.

              Sau khi thi đỗ bằng Tú tài 1 (hay gọi là bán phần tú tài), ba tôi tiếp tục vào học phần Tú tài 2 (hay gọi là Tú tài toàn phần), Ban Toán, Trường Quốc học Huế. Đang học dở dang thì ông nội tôi ở quê lâm trọng bệnh rồi mất. Mẹ mất sớm, nay bố lại ra đi. Đây là những mất mát, những tổn thương về tình cảm không có gì bù đắp được đối với ba tôi thời niên thiếu.  Ba tôi đành phải bỏ học, vào làm ở Sở Công chính Trung Kỳ để đỡ đần cho các em ở quê nhà, hy vọng vừa làm, vừa tự học thêm để thi lấy nốt bằng Tú tài. Nhưng cũng phải đợi đến gần hai năm sau, sau ngày Nhật đảo chính lật đổ quân Pháp (9/3/1945), có chủ trương thi tốt nghiệp các cấp bằng tiếng Việt, ba tôi mới bỏ việc xin vào lại trường ôn thi hai tháng rồi mới thi tốt nghiệp Tú tài (tương đương cấp 3 PTTH bây giờ). Như vậy, thay vì chỉ phải vào trường ra trường một lần, ba tôi phải lận đận vào ra 3 lần; thay vì chỉ cần học 3 năm, ba tôi phải long đong vòng vo học đến 5 năm! 

             Một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời học sinh ở hai cấp Trung học của ba tôi ở Qui Nhơn và Huế là ba tôi đã tự nguyện gia nhập vào Hội Hướng Đạo Việt Nam, một tổ chức thanh niên có xu hướng tiến bộ thời bấy giờ, khôn khéo lợi dụng thế công khai hợp pháp, dùng 3 lời thề Hướng Đạo để ngầm định hướng và giáo dục thanh niên lý tưởng yêu nước (trung thành với Tổ quốc), thương nòi (giúp ích mọi người bất cứ lúc nào), rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật (tuân thủ kỷ luật Hướng Đạo).

             Có lần ba kể: Diễn ra nhiều cuộc họp Đoàn, họp Toán cùng nhau hồn nhiên vui chơi ca hát những khúc ca yêu nước thịnh hành thời ấy, chơi những trò chơi lớn nhỏ, trong nhà ngoài trời lý thú bổ ích, những ngày hành quân dã ngoại, cắm trại liên hoan văn nghệ với thanh niên và đồng bào địa phương, những buổi dầm mưa dãi nắng, cùng kéo xe bò đi khắp thành phố để quyên góp lương thực, quần áo cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai trong tỉnh.

            Rồi ba được cùng tham dự các hội trại Hướng Đạo toàn quốc ở rừng Sặt- Bắc Ninh (1938), Bạch Mã- Thừa Thiên (1940), Nam Giao- Huế (1942)… Ở đó, ba tôi đã có dịp gặp các huynh trưởng kỳ cựu trong làng Hướng Đạo Việt Nam như các ông Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xuân Trâm, Bạch Văn Quế, Phạm Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Ngọc Tiểng… Mọi người tay cầm tay vòng quanh lửa trại cùng nhau hát vang những bài ca hùng tráng ca ngợi đất nước, ca ngợi tình bạn Hướng Đạo son sắt thủy chung.

  

             Những hoạt động lớn nhỏ, phong phú đó đã để lại trong ba tôi dấu ấn khó quên về một lẽ sống cao đẹp, một lối sống lành mạnh, giản dị, không sợ gian khổ,  hy sinh,  một tình bạn rộng rãi bao la… 

            Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế xong, ba tôi cùng một số bạn bè Quốc học và Hướng Đạo ở Huế rủ nhau đăng ký vào học Trường Thanh niên tiền tuyến, do hai trí thức yêu nước Phan Anh và Tạ Quang Bửu lập, núp dưới cái ô bảo trợ của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim lúc bấy giờ, nhằm mục đích đào tạo một lớp thanh niên có trình độ kiến thức quân sự nhất định, chuẩn bị cho tương lai một nước Việt Nam độc lập sau này. 

              Trước những ngày khởi nghĩa, toàn bộ sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến đã được “Việt Minh hóa”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Việt Minh trường. Trong những ngày khởi nghĩa, anh em Trường Thanh niên tiền tuyến cùng với tự vệ địa phương là lực lượng nòng cốt trong việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên- Huế, nòng cốt bảo vệ cuộc mít tinh thành lập chính quyền Cách mạng ở sân vận động Huế (23/8/1945) và cuộc mít tinh chứng kiến lễ thoái vị và trao ấn, kiếm của vua Bảo Đại cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời (30/8/1945), trước cửa Ngọ Môn, nòng cốt trấn áp bọn phản động ngóc đầu dậy, vây bắt bọn Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, Tây Nam Huế và bọn Pháp đổ bộ lên cửa biển Thuận An, v.v..

             Một trong những câu chuyện mà ba kể cho chúng tôi nghe mà tôi còn nhớ là chuyện về  mười lăm phút tiếp chuyện với công dân Vĩnh Thụy sau lễ thoái vị ngôi vua. 

             Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ và câu chuyện trao đổi ngắn ngủi giữa hai công dân- một bên là  ba tôi, một bên là công dân Vĩnh Thụy- ngay sau ngày lễ thoái vị.

             Sau cuộc mít tinh chào mừng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời và chứng kiến lễ thoái vị và trao ấn kiếm của vua Bảo Đại cho Đại diện Chính phủ vào 30/8/1945, một số anh em Trường Thanh niên tiền tuyến, trong đó có ba tôi, được phân công ngày hôm sau vào canh gác trong Đại Nội. Đây là một dịp hiếm có không dễ gì ai cũng vào được tận Hoàng Cung, nên mọi người đều náo nức, chọn bộ quân phục mới nhất, nai nịt chỉnh tề, chân đi ghệt, giày láng bóng, calô đội lệch trên đầu, thay khẩu mút-cơ-tông cổ lỗ sĩ bằng khẩu cacbin hay khẩu Brâuning Canada, trông ai nấy oai vệ như những chàng ngự lâm pháo thủ trong sách truyện Pháp (mà khi đó nào đã có ai biết ngự lâm pháo thủ họ ăn mặc ra sao?).

            Ba tôi được phân công gác ở Điện Kiến Trung. Đang đi lại nhìn cảnh vật xung quanh thì ba thấy một bóng người từ trong Điện đi ra, mặc bộ pigiama kẻ sọc, chân đi dép lê, từ từ tiến lại gần. Ba nhận ra là người đã đọc bài thoái vị ngôi vua hôm qua, Hoàng đế Bảo Đại, nay chỉ còn là công dân Vĩnh Thụy. Ba tôi chưa biết gặp Bảo Đại thì xưng hô thế nào đây: bẩm hay thưa? ngài hay ông? Ba tôi chọn: thưa ông.

            Thấy ba tôi trong tư thế đứng nghiêm, ông Vĩnh Thụy chủ động hỏi bằng tiếng Pháp: -Pardon, qu’est ce que vous faites ici? (Xin lỗi, anh làm gì ở đây? ). Một thoáng phân vân, nên trả lời bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt? Ba chọn ngay tiếng Việt: - Thưa ông, chúng tôi được phân công vào canh gác để bảo đảm trật tự, an toàn trong Hoàng Cung.

            Thấy ba tôi hiểu và trả lời rành rọt, Vĩnh Thụy chuyển sang nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Pháp, lơ lớ giọng Huế: - Merci – Très bon!  (Cảm ơn, tốt lắm!). Anh ăn mặc đẹp lắm! – Très élégant! (Phong độ lắm!). De quelle unité ? (Thuộc đơn vị nào?).

             Ba tôi trả lời: - Xin cảm ơn lời khen của ông! Chúng tôi là những sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến do hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu trong Chính phủ Trần Trọng Kim đứng ra thành lập – nay là lực lượng vũ trang cách mạng của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên- Huế (sợ Vĩnh Thụy không hiểu rõ, ba tôi dịch đoạn cuối ra tiếng Pháp: Maintenant nous sommes des forces armées révolutionnaires à la disposition du Comité revolutionnaire temporaire de Thừa Thiên-  Huế).

            Nghe nhắc đến Trường Thanh niên tiền tuyến, ông Vĩnh Thụy gật đầu: - Tôi có được ông Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe bẩm báo lên về ngôi trường này.

              Bỗng như sực nhớ ra việc hạ cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ trước cửa Ngọ môn ngày 21-8, ông Vĩnh Thụy  hỏi ba tôi:

         - Có phải hai người ra lệnh kéo cờ Cách mạng trước đây ở Ngọ môn là bạn Thanh niên tiền tuyến của các ông không?

           Ba tôi trả lời:

           - Thưa ông đúng là có hai anh bạn TNTT chúng tôi, theo lệnh cấp trên đã làm việc đó.

           Và như để thăm dò phản ứng của Bảo Đại hôm ấy ra sao, ba tôi đặt câu hỏi:

          - Thưa ông, hôm đó cấp dưới có bẩm báo lên ông sự việc ấy không? Và ý kiến ông như thế nào?

          Ông Vĩnh Thụy  không trả lời ngay mà đắn do một lát mới nói:

          - Hôm đó ông lãnh binh có bẩm với tôi, tôi có nói với ông ta rằng:

           Họ là người của Việt Minh đấy. Cứ để cho họ làm. Ta không cản trở được họ đâu!

            Nhân nhớ đến buổi lễ thoái vị, ba tôi nói:

          - Hôm qua tôi rất thích bức thư Ngài đọc (lại là ngài, ba tôi vẫn chưa quen với từ “ông”), bài văn ngắn gọn, ý tứ sâu sắc (ý ba tôi muốn nhắc đến câu: Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ). Có phải do Ngài tự mình viết hay qua một người khác dự thảo? (thâm tâm ba tôi vẫn không tin là Bảo Đại có thể một mình nghĩ ra và viết nổi).

            Lần này ông ta thành khẩn bộc lộ, vẫn nửa Tây nửa Ta:

           - Jusqu’ ici, tous papiers (từ trước đến nay mọi văn bản giấy tờ) đều do ông Hòe viết rất tốt. Tôi rất phục ông ta. Lần này cũng vậy, tout est conforme à mes réflexions (tất cả đều phù hợp với suy nghĩ của tôi)…

     … Ba tôi còn muốn hỏi ông ta nhiều chuyện nữa, nhưng không tiện kéo dài thời gian, vi phạm điều lệnh canh gác (như thế này cũng đã vi phạm rồi còn gì). Đang tìm cách rút khỏi câu chuyện, thì tinh ý ông Vĩnh Thụy chủ động nói:

          - Pardon, attendez moi une minute (Xin lỗi, chờ tôi một phút!).

          Ông ta vội vã vào nhà, đem ra tặng ba tôi một hộp nhỏ gọi là kỷ niệm cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi hôm nay.

          Ba tôi đứng nghiêm, nhận quà, nói lời cảm ơn và lời từ biệt xã giao, hẹn ngày gặp lại, mà không tiện bắt tay…

           Khi mở ra ba tôi mới biết trong hộp cáctông xinh xắn có bản đồ thành phố Hà Nội thu nhỏ, có in chi tiết cụ thể từng đường phố, từng vật thể rất sắc nét.

           Sau này, năm 1952, từ Liên khu 5 lặn lội ra dự chỉnh huấn chính trị và bổ túc quân sự ở chiến khu Việt Bắc, mừng rỡ gặp lại ông bạn Cao Pha-  bạn học ở Trường Thanh niên tiền tuyến, khi đó đang làm việc ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, ba tôi tặng lại ông tập bản đồ, để ngày về tiếp quản Thủ đô có mà dùng đỡ lớ ngớ.


Người post: HanhLM

Ngày đăng: 24-10-2010 22:10






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: Guest Thái Thuần
28/09/2016 20:57:17

Tôi là một Hướng Đạo Sinh, đang tìm tư liệu HĐ. Được biết "Ba" của tác giả là một HĐS. Tác giả có thể cho biết Họ-tên của "Ba" được không?



Từ: ThanhLK
25/10/2010 16:48:09
Hạnh ơi,
Em đã có công khai mạc mục "Gia đình chúng ta" nay lại có công duy trì nữa. Tối qua vào web muộn chị chỉ đọc sơ, hôm nay đọc lại thấy vẫn rất lôi cuốn. Ngẫm lại thấy làm gì đi nữa chúng ta vẫn thua các cụ vì nếu nói về cuộc đời và tiểu sử thì chúng mình chả có nhiều "sự kiên" như thế, chả cống hiến được nhiều như thế...mà đây mới là Phần 1. Chờ các phần tiếp theo của Hạnh.


Từ: HaiNV
25/10/2010 11:20:20
Anh đã có dịp may mắn được gặp Ba em một đôi lần ở nhà trong KTT Nguyễn Công Trứ. Cảm giác chung là Cụ rất nghiêm, nhưng lại rất hiền và hết lòng yêu thương mọi người trong gia đình, tôn trọng và quan tâm đến bạn bè của các con...


Từ: HienVC
25/10/2010 09:39:46
Cả thế hệ đi theo CM này đều rất giống nhau, hoàn toàn vì lý tưởng chứ không vì cái gì khác.
Đọc bài của Hạnh, mình như nhớ lại bố mình, các cụ giống nhau một cách kỳ lạ.
Thật là một thế hệ đáng tự hào.


Từ: PhongPT
25/10/2010 05:42:15
Cha nào con nấy, ai cũng tích cực.


25/10/2010 01:21:19
Một bài viết rất chi tiết và cảm động về người cha của mình. Hạnh đã có những bài dài, đã chọn chủ đề về cha.
Hẳn ông đã đọc và sẽ rất cảm động vì con gái viết bài về mình, và bài sẽ được đưa lên web (có nghĩa cả thế giới có thể độc bài đó).
Mình và mọi người đang đợi các phần tiếp theo của Hạnh.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s