KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 29 Tháng mười. 2017

CƯỚI AI, AI CƯỚI...




Tác giả: Meomun

 

 

 

Hồi nhỏ, mỗi khi khu phố tôi có đám cưới là rộn ràng hẳn lên. Cô dâu chú rể chạy mướt mồ hôi mà vẫn rạng ngời hạnh phúc, tìm địa điểm, mượn khăn bàn, và đến cả lọ hoa..để “tổ chức”. Tôi nhớ là ngày xưa người ta chuộng dùng chữ “tổ chức” thay cho từ “kết hôn” bây giờ. Đám cưới thường diễn ra ở hội trường, trụ sở nào đó, phông màn xanh đỏ, dán hình đôi chim bồ câu đang sải cánh bay và  chữ “Song hỉ” bằng tiếng Tàu và câu khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” (chả biết nhiệm vụ gì!!!). Tôi nhớ nhất là đám cưới chị Liên, chị gái của cô bạn cùng xóm. Chị Liên ngày trẻ vốn là hoa khôi của khu phố.  Mặt mũi khỏi chê, nhưng so chiều cao với các cô gái bây giờ thì chắc thấp hơn khoảng 25-30cm, hi hi. Chị Liên mặc áo dài trắng, ôm  hoa “lê dơn” trắng được bó dài dài, ôm chéo qua người cứ như đang ôm khẩu súng trường. Chị ngượng nghịu nhìn xuống  đất, mắt đỏ hoe. Mẹ mình bảo: cô dâu phải buồn thế chứ, ai lại cười toe toét, người ta lại cười cho. Chú rể - thủy thủ Vốt cô (!!!) đi cạnh chị, đầu ngẩng cao kiêu hãnh với đám trai “hoi”.Chắc phấn khởi quá nên anh cười suốt cả chặng đường đi bộ từ nhà nó để ra trụ sở khu phố. Mấy chị em tôi rồng rắn theo đám trẻ con nhâu nhâu mũi dãi, chạy lon ton đi theo sau anh chị.  Lâu lâu chúng nó còn hát trêu:- Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu …Ra trụ sở Ủy Ban, cô dâu chú rể và 2 bên bố mẹ được ngồi cái bàn dài có phủ khăn nilon hoa xanh đỏ. Sau một loạt các thủ tục, nghi lễ, khách khứa được ăn kẹo bánh, hạt dưa và uống nước chè xanh. Quà đám cưới hồi ấy cũng giản dị lắm. Tôi nhớ có đám cưới, mẹ tôi tặng cái xoong be bé xinh xinh để nấu bột cho trẻ con. Khá giả hơn thì tặng phích nước, thau chậu…toàn những thứ đồ dùng cần thiết cho gia đình trẻ.

 Sau này lớn rồi nên tôi không chạy theo xem đám cưới nữa thì lại sang Moldova du học. Các anh chị Luật 1983 và 1984, khoa Toán trường KGU, trường ĐH Nông Nghiệp (sau này không còn nhận sinh viên Việt Nam nữa) suốt ngày dọa chúng tôi là nam nữ ở trong phòng thì phải mở cửa (trái với văn hóa Tây), không được yêu, không được cưới, không được có con, vi phạm là bị chú Sứ đuổi  học, cho về nước. Nói thế thôi, chứ đến thế hệ các anh thì nới lỏng hơn nhiều và đến năm chúng tôi thì chú Sứ đã cho phép sinh viên cưới, như quy luật của cuộc sống.

 

Đám cưới Chi bạn tôi ở Krasnoda

 

 

 

Đám cưới anh Phước- Ngân ở Kishinev (Quang –Hà, Dung - Điệp, Tuyển...)

 và đây nữa, tấm thiệp mời Huyền nhưng lại có mặt trong cái túi "cổ vật" của tôi:

Thế rồi đến lượt tôi chống “ế” bằng cách lấy chồng.  Đám cưới chúng tôi là đám cưới đầu tiên của sinh viên Việt nam ở Kishinev. Chuyện trang trí phòng ở, chuẩn bị lễ cưới thì tôi đã có dịp kể lể trong bài viết về “Văn con”. Sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt đã chừng 60-80 người, lại thêm bạn Tây, bạn sinh viên nước ngoài khác nên thực tế trên trăm người. “Ban tổ chức” méo cả mặt vì không đủ thức ăn. Mấy hôm trước đó các bạn đã đi “universal” mua hàng chục con gà cho món gà rán. Đến món nộm bắp cải, huy động toàn trai tráng thái nhỏ bắp cải, cho vào khăn rồi “hò dô ta” vắt thật khô thì mới đạt yêu cầu. Nem rán – món “tủ” thì phải có rồi. Ngoài ra còn vài món khác nhưng tôi không nhớ, vì có ăn đâu, hihi. Độc đáo là bánh phồng tôm bạn tôi ở thành phố khác tự làm rồi mang lên cho chúng tôi. Miếng bánh phồng tôm, cho vào chảo dầu nóng, nó phồng lên, thơm ngào ngạt khiến các bạn nước ngoài khác trầm trồ ngạc nhiên và …chưa đến tiệc chúng đã bốc ăn. Hết thức ăn thì uống rượu. Mà chỉ có khoản rượu là thừa (do cậu Sasha Gorbatkov mang từ quê lên cho 40 lít), nhưng đến sáng hôm sau các bạn đến “thu dọn chiến trường” lại có dịp uống tiếp. Huyền đặt mua cái bánh “tort” rất to, chúng tôi tạm để trong tủ lạnh chung của tầng. Thế mà đến lúc mở tủ lạnh ra thì bánh đã bị ai lấy mất tiêu, xui thế! Chả biết tên nào lấy trộm cái bánh ấy chắc phải ăn mấy ngày mới hết.

Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ được hầu hết các bưu thiếp chúc mừng đám cưới. Những lời chúc, những nhắn nhủ rất thân thương của bè bạn một thời “ngố tàu”, sau đúng 30 năm mà tưởng mới đâu đây.

 Có cái thiệp mà tôi rất độc đáo bởi nội dung nghiêm túc, “người lớn” giống như các anh chị nghiên cứu sinh thì tác giả lại là Nam – khoa Toán.  Mấy chục năm rồi, khi xem lại bưu thiếp của “ông cụ non”, tôi bất giác mỉm cười.

 

Đám cưới các bạn sinh viên Moldova, Nga… (gọi chung là “Tây”) thì ít khi chúng tôi tham dự, vì các  bạn ấy thường tổ chức ở quê. Chỉ có một lần tôi và Huyền được Zina mời xuống làng nó ăn cưới, nó … vẫn lấy cái cậu tóc hung xoăn tít ấy  sau mấy năm yêu nhau. Lần đầu tiên tôi và Huyền được dự một đám cưới Moldova. Thực sự chúng tôi quá ấn tượng, lễ cưới tràn đầy màu sắc, hình ảnh, mùi vị và âm thanh. Họ thức suốt đêm, khiêu vũ và uống đến say khướt. Tôi và Huyền chỉ đứng xem, ngượng nghịu vì họ mời mà mình không biết nhảy nhót gì cả. Cũng là thức ăn, nhưng hương vị thức ăn ở làng quê Moldova ngon đến thế! Củ khoai tây, ly sữa, quả táo … thơm nức hương đồng nội, mùi đất đen nồng nồng... Như bây giờ thì có thể an tâm là "thực phẩm sạch" rồi.  

 

Về nước, và cho đến bây giờ chẳng biết đã từng dự bao nhiêu đám cưới. Đám cưới bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng và bây giờ là đám cưới thế hệ F1 của “người KGU” như đám cưới con trai anh  Phư-chị Lan; con trai chị Ánh Tuyết – anh Hoàng Anh, rồi Ngân – Phước, Tú Anh (Luật) – Sơn)… Trong khoá tôi có vài bạn đã nên ông nên bà. Tuần trước, Hưng -Tú Anh (Toán) nhắn tin mời đi đám cưới Long -con trai “chúng”. Thằng bé sinh ra ở Kishinev, ngày nào còn quấn chân các cô, các chú bây giờ đã thành một trang thanh niên tuấn tú, học hành giỏi giang. Chiều tối hôm đó, mưa khá to, gọi xe taxi bao nhiêu lần mà không được. Cuối cùng tạm ngớt mưa, chúng tôi quyết định đi xe máy, cũng phải thế thôi, vì “cái bọn kia” hội tụ sớm ở đám cưới, tí tí lại giục giã: - Tới chưa, đến đâu rồi?

Đến địa điểm, chúng tôi hoa mắt vì đó là một khu vực rộng lớn, ánh sáng tràn ngập và có rất nhiều sảnh. Ai đi dự đám cưới nào thì được tiếp tân đưa đến sảnh đó, có tên và ảnh của tân lang và tân giai nhân, nhằm mục đích nhận diện, tránh đi nhầm. Mà đám cưới nào bây giờ cũng hoành tráng như thế, dịch vụ chuyên nghiệp từ đầu đến cuối. Công nghệ đám cưới, gần như đều giống nhau.  Đang lò dò đi tìm đám cưới bé Long, tôi thấy 1 chú rể thấy quen quen, hóa ra là Long thật. Cậu bé giống hệt Hưng hồi trẻ, chỉ khác một chút là cao lớn hơn. Tiếp tân đưa chúng tôi vào một góc riêng, khu vực được đặt riêng cho người KGU, bạn học của bố mẹ. 4 bàn 10 người mà chật kín, mọi người đang tranh nhau nói cười. Đối với người KGU, đám cưới này tụ tập được Quy- Đạt và con gái Diệu Anh từ Hà Nội, Văn (con) từ Quy Nhơn vào, Cường – Hiền từ Nha Trang, Thúy từ Vũng Tàu, và tất nhiên là dân “bản địa”- Sài gòn chiếm đa số, trong đó tôi già nhất, còn toàn các em năm sau. Ngày xưa, Hưng và Tú Anh là đôi đẹp nhất của khoa Toán, nhất là trong các dịp vui của sinh viên Việt nam, 2 bạn nhảy rất đẹp. Nam, tác giả của cái thiệp “già” và đầy tình cảm 30 năm ngày trước, cũng có mặt.

 

 

Đám cưới Long- Vân con của Tú Anh-Hưng hôm ấy thật tuyệt. Ai cũng vui, cười nói râm ran, chạm ly chan chát. Lúc ra về,ai cũng quyến luyến, bịn rịn, tranh thủ chụp ảnh thêm với cô dâu chú rể và bố mẹ chú rể. Hưng - Tú Anh hôm ấy cười tít, Tú Anh thì thay xiêm y vài lần (!!!), hihi. Về nhà một lúc sau đã thấy bà con tích cực chuyển ảnh cho nhau, tán chuyện râm ran (trên trang FB của hội và 9x). Cám ơn Hưng- Tú Anh đã cho mọi người một buổi tối thật vui, tràn đầy tình cảm bạn bè. Tất cả như trở lại một thời tuổi trẻ, vui tươi, vô tư lự. Hôm ấy mọi người ra "nghị quyết" là sẽ gặp nhau ở các đám cưới thế hệ F1, tha hồ mà "888" (kiểu như buôn dưa lê ấy) 

PS: Về nhà, tôi đã tìm thấy trong những thiệp mừng đám cưới chúng tôi năm nào, có thiệp của Hưng- Tú Anh cùng 2 bạn khoa Toán khác, 30 năm đã qua. nhiều lần chuyển nhà và một phần cũng do tấm bưu thiếp ấy có nguồn gốc từ Việt Nam mang sang, giấy dó mỏng dính, có vẽ hình cây đa, bến nước, sân đình …  

, l

Có ai nhớ quả gì đây không ?


Người post: VanNH

Ngày đăng: 29-10-2017 10:10






Xem 1 - 10 của tổng số 27 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Meomun
02/12/2017 18:55:30

 


 @Chị Ngọc Hoa: Đám cưới của anh chị quá đặc biệt, đặc biệt vì gắn liền với những ngày không thể nào quên của đất nước mình, dân tộc mình. 



Hàng xóm nhà MM sáng mai có đám cưới con gái nên cả nhà đang lục sục kê bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa. Các bác hàng xóm khác cũng tụ tập gần đó chuyện trò. Chả biết đến bao giờ bọn em mới thành"ông sui, bà sui", vì con gái em mới học lớp 8. Có khi đến lúc đó phải có món cháo dinh dưỡng đặt riêng cho các cụ, hì hì.   


 


 



Từ: ThoaNP
15/11/2017 22:31:32

 


Đám cưới chị Hoa thật đặc biệt. Chị còn giữ được ảnh cưới của anh chị không, post cho chúng em xem với.


 


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72 .
15/11/2017 13:26:42

Bài viết hay quá! Cũng một thời thanh niên sôi nổi. MM giữ được một bảo tàng tuổi trẻ thật tuyệt vời! Hồi đó phải có Giấy đăng ký kết hôn mới có tiêu chuẩn mua một cái giường 1,4 m (hình như giá 60 đồng) và một ít trà bánh. Tụi mình tự nghĩ có lẽ bọn Mỹ không đánh nhau vào ngày Noel nên tổ chức cưới vào 24/12/1972. Bạn nhớ lại đi! Chiến dịch 12 ngày đêm ở Hà Nội là từ thứ hai tuần trước tới thứ sáu tuần sau. Duy nhất có một ngày thứ bảy, chủ nhật. Noel đó, đám cưới của mình đó. Gia đình phải cử một người đứng tại Hội trường UBND Quận Ba Đình để mời khách chuyển địa điểm mới, cưới theo kiểu sơ tán thời chiến. MM chưa mô tả kiểu đám cưới này. Mình không biết các bạn trẻ có hình dung loại hình này không. Đại loại ai đến thì tiếp người đó trà bánh. Đêm noel, đêm tân hôn mới là đêm Mỹ thả bom khủng khiếp nhất: Bv Bạch Mai, Khâm Thiên, nhà máy điện Yên Phụ ...Hai vợ chồng son lo lắng tai nghe báo động để chạy xuống hầm trú ẩn vài ba lần. Chẳng còn hồn vía, tâm trạng nào mà nghĩ tới hai chữ " động phòng". Sau này, ra Hà Nội mình cứ lang thang về 97 Quan Thánh để nhớ đêm tân hôn.



Từ: ThoaNP
05/11/2017 21:14:47

@Anh Khánh: quả em nhìn thấy ở Mol (cách đây ~ 43 năm rồi) là giống mấy quả màu xanh hàng giữa bên phải ấy; vì vậy lúc đó em nghĩ nó giống quả ổi của Việt Nam. Quả em thấy cũng màu xanh.



Từ: KhanhT
05/11/2017 13:12:56

Xem những quả đã bổ ra rồi, trừ quả xanh giữa bên phải, thì tất cả hạt đều giống họ lê táo.



Từ: Meomun
05/11/2017 12:58:39

@Anh Khánh: Hạt bên trong 2 loại Aiva xanh và trong ảnh cuối cùng sao nó khác biệt thế anh Khánh nhỉ?   



Từ: KhanhT
05/11/2017 12:27:51

ThoaNP chọn lấy trong ảnh sau, quả nào thích hợp, tất cả đều là Айва cả:




Từ: ThoaNP
04/11/2017 21:47:38

 


MM: Айва thì hồi ở Kis chị cũng thấy mấy lần các bạn Mol mang từ quê lên. Chị chưa ăn lần nào nhưng nhớ là khi nhìn thì thấy hao hao giống quả ổi nước mình, chứ sao không thấy giống quả trong ảnh của em, mà cũng không thấy giống quả trong ảnh anh Khánh post nữa. Cũng có thể trí nhớ chị kém quá rồi.


 



Từ: KhanhT
04/11/2017 16:19:01

 


Айва – nếu MM không nói ra thì mình cũng cứ tưởng là đầu quả đu đủ, và tất nhiên là không tưởng tượng ra được “những vết tàn nhang trên gò má cô gái Moldovanka- Smuglianka”! Bởi tìm theo hình ảnh trên gu-gờ không ra quả gì, toàn thuộc họ chanh-cam. Nay tìm tên Айва bằng tiếng Nga thì ra ngay, cả quả trên cành cây rất dễ nhớ:



 



Từ: Meomun
04/11/2017 13:17:54

 


@Hiền Đại ca:  Đó là quả Aiva anh Hiền ơi. Quả  này ăn "sống" thì hơi chát chát. Người ta nấu compot bằng Aiva, anh đào, táo, lê... hơi bị ngon. 


Bà Đại Sứ mang về cho em được 1 quả Aiva, một nắm kẹo Chocolate và 2 quả táo trắng xanh, có những chấm nho nhỏ màu nâu, y như  những vết tàn nhang trên gò má cô gái Moldovanka- Smuglianka. MM còn "tiếc" nên chưa mang ra ăn. Mở tủ lạnh, nâng trên tay quả táo, quả Aiva từ Moldova mang về, cảm thây những ngón tay mình còn thơm mùi táo, mùi siren và MM như thấy mình được trở lại thời tuổi trẻ mộng mơ, vô tư lự ...    


 


 




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s