KGU News >>CCCP
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 13 Tháng mười. 2017

NHÀ THƠ NỮ NGA TÔI YÊU THÍCH




Tác giả: HuongNT

Cùng với Onga Becgon thì Marina Tsvetaeva là nhà thơ nữ người Nga mà tôi vô cùng yêu thích.

 

    Năm 33 tuổi.

Nữ thi sĩ Nga vĩ đại Marina Ivanovna Tsvetaeva (1892-1941) đã xuất hiện như phép nhiệm màu và ngay lập tức danh tính của bà trở thành nổi bật trong số những nhân vật tài năng trác tuyệt bậc nhất của văn đàn Nga những thập niên đầu thế kỷ XX. Số phận của Marina Tsvetaeva với khởi đầu hạnh phúc dường như thấm đượm tất cả những thử thách suy tư và phi lý của cõi nhân gian để rồi kết thúc trong bi kịch. Nhưng thành quả sáng tạo của nữ thi sĩ Nga vẫn là một trong những đỉnh cao vời vợi không thể vươn tới trong thế giới tư duy mơ mộng của thi ca. Bà đã viết nhiều tác phẩm gồm có 17 trường ca, 8 kịch thơ, tự truyện, hồi ký văn học, tiểu luận, phê bình triết học, truyện, bút ký...


Marina Tsvetaeva chào đời ngày 8/10/1892 trong một gia đình trí thức dòng dõi của Matxcơva, người cha là giáo sư Đại học Tổng hợp Matxcơva, sáng lập gia của Bảo tàng Mỹ thuật ngày nay mang tên A.S. Pushkin, bà mẹ là nghệ sĩ dương cầm mang hai dòng máu Ba Lan và Đức, ông của bà là một nhà sử học danh tiếng. Marina bắt đầu làm thơ từ năm lên 6 tuổi đồng thời bằng tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Đức. Vì mẹ bị bệnh lao, Marina Tsvetaeva sống rất lâu ở Italia, Thụy Sĩ, Đức nên Marina được nhận một nền học vấn tuyệt vời tại các khu học xá Lausanne và Freiburg. Cô gái trẻ Marina còn rất giỏi tiếng Pháp và đã theo học một khóa văn học Pháp ở Đại học Sorbonne. Tuyển tập thơ đầu tiên của Marina Tsvetaeva được xuất bản khi nữ thi sĩ vừa 18 tuổi, đã được sự tán thưởng của những nhà thơ nổi tiếng đương thời như Bryusov, Voloshin, Gumilev. 

           Hồi còn nhỏ.

Marina Tsvetaeva đã viết những bài thơ hay nhất trong tình yêu, vào thời điểm những cảm xúc tâm hồn mạnh mẽ nhất. Trong cuộc đời Marina có rất nhiều mối tình bão tố, nhưng có một tình yêu đã trải qua cuộc đời bà, đó là Sergei Yakovlecich Efron, người đã trở thành  chồng và cha những đứa con của bà. Họ gặp nhau một cách rất lãng mạn năm 1911 ở Crime và năm 1912 họ lấy nhau. Thời kỳ nội chiến ông tham gia Bạch vệ nên sau Cách mạng tháng Mười Nga phải ra sống ở nước ngoài. Họ có 3 người con (2  con gái và 1 con trai). Khi đó cuộc sống của Marina Tsvetaeva rất khó khăn và nghèo đói trong sự vắng mặt 5 năm của chồng. Bà hầu như đói triền miên nên phải để lại 2 người con ở cô nhi viện và sau đó đứa con út Irina đã chết đói. 


Tuy chồng ra nước ngoài nhưng Marina lại không theo đi mà ở lại nước Nga, điều đó làm giới ngoại kiều Nga không ưa bà. Cuộc sống tràn đầy thi tứ đáng ngạc nhiên và thú vị đã thay đổi đột ngột vì cuộc cách mạng năm 1917. Từ đó là những tháng năm đáng sợ trong cảnh đói rét ở Matxcơva, bị mất đứa con gái út yêu dấu, sau đó là cuộc sống lưu vong khốn khổ ở những xứ lạ Czech, Đức và Pháp.

                    Năm 25 tuổi.

Tháng 5/1922, Marina cùng con được phép ra nước ngoài để đoàn tụ với Sergei Yakovlevich Efron. Đầu tiên họ sống ở Berlin rồi Praha, Paris.


Năm 1937 chồng bà cùng với con gái Alya về nước. Tháng 6/1939, ngay trước cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, gia đình Tsvetayeva trở về đoàn tụ ở Matxcova nhưng với Liên Xô lúc đó, những ai từng sống lưu vong thì phải đứng bên lề xã hội. Gia đình bà liên tiếp gặp tai họa: em gái bà là Anatasia bị bắt, chồng bà cũng bị bắt rồi ốm nặng, sau đó năm 1941 bị xử bắn, con gái Alya bị bắt vì tội làm gián điệp (15 năm sau đã được phục hồi danh dự). Bản thân Marina Tsvetayeva khi đó không kiếm được việc làm lẫn chỗ ở, không bạn bè, không tiền bạc, tác phẩm của bà không được in ở đâu. Theo lời những người thân, bà và con trai Georgiy nhiều khi phải nhịn đói. 


Bề ngoài Tsvetayeva là một con người giản dị, bà đi giày thấp gót, thắt một dây lưng to, cổ tay đeo vòng bạc, tóc cắt ngắn, cặp mắt bà màu xanh, dáng đi vững chãi giống như là đàn ông. Có cảm giác như Marina Tsvetayeva bao giờ cũng sợ sệt một cái gì đó, ngoài đường bà sợ ô tô, trong tàu điện ngầm sợ thang máy…, bao giờ bà cũng như một người không phải của thế giới này, rất yếu đuối.


Năm 1941 cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ và cái viễn cảnh phải sống dưới ách áp bức của Hitler khiến Tsvetayeva vô cùng khiếp sợ. Trong khi đó bà không mấy tin tưởng vào thắng lợi của nước Nga. Lo lắng cho số phận của con trai Georgiy, ngày 17/8/1941 bà đem con chạy khỏi Matxcova, về sơ tán ở thành phố Elabuga (hiện nay là Tatarstan). Cuộc sống của hai mẹ con Tsvetaeva nơi sơ tán gặp muôn vàn khó khăn. Giữa hai người thường xuyên xảy ra các cuộc cãi cọ. Georgiy không nghe lời mẹ, cậu thường nổi loạn và không muốn sống ở Elabuga. Georgiy thường nói với mẹ những lời hỗn láo và Marina chịu đựng thái độ đó của con với trái tim đau nhói của một người mẹ. Sau đó người con trai duy nhất của bà ra mặt trận. Marina sống hết sức nghèo khó và bị xa lánh, ngay cả khi bà viết đơn xin làm người rửa xoong nồi trong nhà ăn dành cho các nhà văn cũng không được chấp nhận.


Bà chủ nhà Anastasia Ivanovna, nhân chứng những ngày cuối cùng của Tsvetaeva, nhớ lại rằng có một nhóm người tản cư cùng với đại diện của hội đồng thành phố ghé vào nhà bà và người phụ nữ đầu tiên bước vào ngôi nhà mặc áo bành tô đen, đội mũ bêrê màu xanh hoa lý. Bà ta ngồi xuống đivăng và nói rằng sẽ ở lại đây. 


Hoàn cảnh hai mẹ con Marina Tsvetaeva ở Elabuga thật bi đát. Marina Tsvetaeva sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Bà viết: "Tôi có thể rửa bát và dạy tiếng Pháp" nhưng ai cần đến tiếng Pháp trong lúc chiến tranh. 


Tuyệt vọng và cô đơn, đau buồn cho số phận của những người thân và cảnh chiến tranh của đất nước, đúng 2 tuần sau khi đến Elabuga, ngày Chủ Nhật 31/8/1941 bà đã treo cổ tự tử, để lại 3 bức thư: bức chính thức với dòng chữ “các đồng chí thân mến”, bức thứ hai gửi nhà thơ Aseev, cầu xin ông nhận đứa con trai 16 tuổi của bà làm con nuôi và dạy dỗ nó nên người (điều mà Aseev đã không làm được) và bức thứ ba gửi con trai viết rằng bà bị rơi vào bước đường cùng và không nhìn thấy lối thoát. Khi đó tất cả mọi người được huy động đi dọn dẹp khu vực xây dựng sân bay ở ngoại ô thành phố. Marina Tsvetaeva bị ốm nên được ở nhà. Cả Anastasia Ivanovna cũng đi lao động, còn chồng bà cùng với đứa cháu đi câu cá. Trở về nhà vào buổi chiều muộn, Anastasia Ivanovna là người đầu tiên bước vào phòng ngoài, nơi Marina Tsvetaeva đã treo cổ trên xà ngang. Trong bóng tối, ban đầu bà đụng vào chiếc ghế, sau đó vào Marina Tsvetaeva. Chiếc xà ngang mà Marina Tsvetaeva dùng để buộc dây treo cổ hiện vẫn còn lưu giữ trong ngôi nhà. Còn về sợi dây thì không rõ mặc dù có một câu chuyện về xuất xứ của nó.


Bà Ravilya Bruskova, Giám đốc Bảo tàng M.I. Tsvetaeva ở Elabuga kể: Thực ra, trước lúc lên đường đi Elabuga, nhà thơ Pasternak (giải thưởng Nobel văn học năm 1958) giúp Tsvetaeva sắp xếp đồ đạc và buộc vali bằng sợi dây mình mang đến. Trong lúc làm việc, Pasternak nói đùa rằng sợi dây bền lắm, có thể treo cổ được. Tất nhiên, không ai biết Tsvetaeva treo cổ bằng sợi dây nào, vì vậy không thể coi đó là sự thật, nhưng dù sao Pasternak vẫn ân hận vì có thể đó là sợi dây của ông.


Bà Ravilya Bruskova kể tiếp: ở Matxcova, Boris Pasternak và nhà thơ trẻ Viktor Bokov đi tiễn Marina Tsvetaeva. Trên đường, Bokov nói với Tsvetaeva rằng anh bói cho bà theo sách biểu tượng và ký hiệu của Piotr Đại đế và Marina Tsvetaeva tỏ ra rất quan tâm. "Anh biết cuốn sách ấy à?" - Tsvetaeva hỏi. "Vâng, tôi bói cho các nhà văn theo cuốn đó" - Nhà thơ trả lời. "Thế số tôi thế nào? - Tsvetaeva hỏi tiếp, nhưng Bokov im lặng. Anh không dám nói rằng Marina Tsvetaeva ứng với trang có in hình chiếc quan tài và ngôi sao, với dòng chữ: "Không đúng lúc và không đúng nhà". 


Ngày 2/9/1941, thi hài Marina Tsvetaeva được mai táng tại nghĩa trang thành phố. Nhưng đến nay vẫn không ai biết chính xác mộ bà nằm ở chỗ nào, chỉ biết rằng ở phía nam nghĩa trang. 


Hiện vật có giá trị nhất tại Bảo tàng M.I. Tsvetaeva ở Elabuga là cuốn sổ và mẩu bút chì người ta tìm thấy bên cạnh bà. Đó là cuốn sổ ghi chép có kích thước bằng nửa lòng bàn tay phụ nữ, nghe nói, bà mang từ Pháp về. Marina Tsvetaeva không bao giờ rời cuốn sổ và mẩu bút chì, luôn luôn mang theo chúng trong túi.


Trong cuốn sổ này, Marina Tsvetaeva chỉ viết một từ ở trang cuối. Bằng nét chữ nhỏ, Marina Tsvetaeva viết: "Mordovia". Gần đây, một khách tham quan đưa ra giả thuyết khiến mọi người sửng sốt. Ông cho rằng Marina Tsvetaeva viết một từ tiếng Ba Lan "mordovia", dịch ra tiếng Nga nghĩa là "tiêu diệt"


Sau khi Tsvetayeva qua đời, Georgiy lại được gửi đi sơ tán ở Tashken, sau đó cậu gia nhập quân đội rồi ra mặt trận và chết trong một trận đánh vào cuối cuộc chiến tranh.

Nhà thơ Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko viết về cái chết của bà: "Không ai treo cổ, xử bắn bà. Nhưng người ta đã bắn bà bằng sự ghẻ lạnh, thờ ơ và không in ấn thơ của bà".


Sau cách mạng, suốt thời gian dài ở nước Nga thơ của Marina Tsvetaeva không đến được với độc giả rộng rãi vì  bị cấm. Tuyển tập thơ đầu tiên của nữ thi sĩ chỉ xuất hiện vào năm 1965 đã gây ấn tượng vang dội trong giới công chúng hâm mộ thơ và hiện tại bà là một trong những tác giả được yêu thích nhất. Thơ của bà được dịch ra rất nhiều thứ tiếng của thế giới, tiếng Việt có bản dịch "100 bài thơ của Marina Tsvetaeva" của Nguyễn Viết Thắng, Thái Bá Tân.

"Nếu tâm hồn được sinh ra có cánh".

Tình cảm xuyên suốt trong cuộc đời và trong thi ca của Tsvetaeva là tình yêu. Với từng mối tình nữ thi sĩ đều cháy hết mình như ngọn lửa nồng nhiệt và đòi hỏi từ người yêu cũng sự nồng ấm lửa cháy mãnh liệt như vậy. Thơ trữ tình của Tsvetaeva là sự giải thoát tất cả những đam mê, tất cả những bay bổng của tâm hồn tự do không thể kiềm chế, tràn đầy sự tận tụy hiến dâng và tự nguyện trao gửi không suy tính đắn đo. Vậy mà những bài thơ của Marina Tsvetaeva vẫn không sao chuyển tải được đầy đủ tiếng lòng của nữ thi sĩ, như bà từng viết: “sự vô cùng trong ngôn từ của tôi chỉ là cái bóng mờ nhạt của xúc cảm trào dâng trong tôi”.

 

Hai ngày nay Hà Nội mưa rả rích không đi đâu được cả, đành ngồi nhà gặm nhấm đọc và nghe những gì mình yêu thích thì tình cờ lại gặp bản dịch bài thơ "Em thích,..." của người bạn cũng học ở Nga mà bài này tôi cũng rất thích. Thế là tôi ngấu nghiến đọc tất cả những gì liên quan đến bài thơ một cách say sưa và xin chia sẻ với bè bạn.


Bài thơ "Tôi thích..." của nữ thì sĩ Marina Tsvetaeva (1892-1941) mà năm 1975 đã được nhạc sĩ Mikael Tariverdiev phổ nhạc thành bài hát cùng tên do NSND Liên Xô Alla Pugachopva hát rất thành công trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Xô viết "Số phận trớ trêu" ("Ирония Судьбы" hay "Слегким паром") được chiếu vào mỗi dịp năm mới từ thời tôi còn học đại học ở Liên Xô. 


Sau này ở Việt Nam tôi đã xem lại phim và nghe các bài hát trong phim nhiều lần. Có thể nói lần nào tôi cũng say sưa xem, thích thú từng lời thoại, đặc biệt bài hát trong phim. Lời bài hát rất tình cảm, sâu lắng. Khi nghe những bài này, ký ức về một thời tuổi trẻ nơi xứ sở bạch dương xa xôi lại ào ạt ùa về…. 

MНЕ НРАВИТСЯ,...


Мне нравится, что вы больны не мной,

Мне нравится, что я больна не вами,

Что никогда тяжелый шар земной

Не уплывет под нашими ногами.


Мне нравится, что можно быть смешной -

Распущенной - и не играть словами,

И не краснеть удушливой волной,

Слегка соприкоснувшись рукавами.


Мне нравится еще, что вы при мне

Спокойно обнимаете другую,

Не прочите мне в адовом огне

Гореть за то, что я не вас целую.


Что имя нежное мое, мой нежный, не

Упоминаете ни днем, ни ночью - всуе...

Что никогда в церковной тишине

Не пропоют над нами: аллилуйя!


Спасибо вам и сердцем и рукой

За то, что вы меня - не зная сами! -

Так любите: за мой ночной покой,

За редкость встреч закатными часами,


За наши не-гулянья под луной,

За солнце, не у нас над головами,-

За то, что вы больны - увы! - не мной,

 

За то, что я больна - увы! - не вами!


Và đây là bản dịch bài thơ của tôi:


EM THÍCH,...


Em thích rằng, anh tương tư không phải vì em,

Và em tương tư cũng không vì anh đâu nhé!

Có bao giờ trái đất nặng nề thế

Trôi bồng bềnh dưới chân chúng ta đâu!


Em thích mình cứ thế khôi hài,

Được phóng túng, chẳng cần lời đưa đẩy

Không đỏ mặt khi sóng lòng nổi dậy

Khi mơ hồ tay áo chạm nhau thôi.


Em còn thích rằng trước mặt em đây

Anh thản nhiên ôm ghì ai đó 

Như anh chẳng nguyền rủa em chết vùi trong lửa đỏ

Khi người em hôn không phải là anh.

 

 

Anh yêu ơi, cái tên êm dịu của em

Ngày lẫn đêm sao anh không nhắc đến...

Và chẳng bao giờ trong nhà thờ tĩnh mịch

Vang lên bài ca chúc phúc hai ta.

 

Cám ơn anh từ tận đáy lòng em!

Vì yêu em đến thế, chính anh còn không biết

Để mình em lặng yên trong đêm miết

Và rất hiếm cuộc hẹn hò buổi hoàng hôn.


Vì  không bao giờ ta dạo bước dưới ánh trăng

Và không cùng vầng mặt trời trên cao nữa,

Vì anh tương tư- than ôi!- không phải vì em nhé!

Và em tương tư- hỡi ôi!- cũng đâu phải vì anh!

                                        Hà Nội 23/3/2017


 

https://youtu.be/6CQX5fhpIUo


Nữ thi sĩ thơ trữ tình xinh đẹp Marina Tsvetaeva được coi là một trong những khám phá vô giá của văn học Nga ở thế kỷ XX. Là người tinh tế, mỉa mai, chuyển tải cảm xúc trọn vẹn..., bà cho phép đánh giá mình ở một góc độ khác và tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi không chỉ các nhà phê bình văn học quan tâm mà còn cả những người ngưỡng mộ tác phẩm của bà nữa.


Bài thơ "Tôi thích,..." được viết năm 1915 và đã trở nên nổi tiếng nhờ bài hát lãng mạn cùng tên do NSND Alla Pugacheva trình diễn rất hay. Tiểu sử của Marina Tsvetaeva đã cho chúng ta hiểu nữ thi sĩ đã dành riêng những dòng chân thành và nỗi buồn bã ấy cho ai và ai đã gợi cảm hứng cho bà viết nên một tác phẩm sâu sắc đến vậy.


Câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ xuất hiện khi em gái nữ thi sĩ là Anatasiya Tsvetaeva đã nói ra vào năm 1980. Bà ấy kể lại rằng bài thơ sống động, thậm chí ở khía cạnh nào đó còn là bài thơ triết học được chị gái bà viết ra dành riêng cho người chồng thứ hai của bà là Mavriky Mints. 


Cho đến năm 1915, cả hai chị em đã kết hôn, nhưng cuộc hôn nhân của họ đã không thành công. Mỗi người phụ nữ đều phải chăm con, không mơ ước nhiều hơn việc xây dựng cuộc sống riêng. Theo hồi ký của Anastasiya Tsvetaeva thì Mavriky Mints xuất hiện trước cửa nhà họ cùng bạn bè với một lá thư trên tay từ người quen chung và dành cho em gái nhà thơ gần như trọn cả ngày. Tuổi trẻ đã có nhiều chủ đề cho cuộc trò chuyện, quan điểm của họ về văn học, hội họa, âm nhạc và cuộc sống nói chung trùng hợp một cách đáng kinh ngạc. Vì vậy, Mavriky bị quyến rũ ngay bởi vẻ đẹp của Anatasiya mới 20 tuổi và đã ngỏ lời với cô. Nhưng còn một sự làm quen dễ chịu đã chờ đợi chàng trai đang hạnh phúc và lần này là với cô chị Marina Tsvetaeva tuy mới 22 tuổi đã mang đến cho chàng một ấn tượng không thể xoá nhoà, không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là một phụ nữ rất quyến rũ. Marina cũng cảm thấy rằng nếu cô muốn, giữa cô và Mavriky có thể hoàn toàn có mối quan hệ rất khác. Mọi người xung quanh bắt đầu nói về "mối tình tay ba" này.


Anastasiya Tsvetaeva nhớ lại Mavriky Mints đã giành cho chị gái những ấn tượng thể hiện sự ngưỡng mộ như cúi đầu trước mặt nữ thì sĩ. Bắt gặp ánh nhìn của chàng, mặt Marina Tsvetaeva ửng đỏ như một cô gái trẻ đã không thể biết phải làm gì khi đó. Tuy nhiên, sự cảm thông lẫn nhau như thế không bao giờ phát triển thành tình yêu bởi vì đến thời điểm làm quen của nữ thì sĩ với Mavriky thì chàng đã đính hôn với em gái Anatasiya . Vì vậy bài thơ "Tôi thích,..." đã trở thành câu trả lời cho tin đồn của bạn bè, thậm chí họ còn đánh cược xem Mavriky đã phải lòng ai trong gia đình ấy.


Thế là sự tinh tế, nhẹ nhàng và thanh lịch đầy nữ tính của Marina Tsvetaeva đã đặt dấu chấm hết cho câu chuyện tình huyền bí này dù người em gái đã công nhận rằng sự say đắm của nữ thì sĩ bởi vị hôn phu của mình không phải là một trò đùa. Chính Anatasiya Tsvetaeva cho đến trước khi qua đời đã tin rằng, người chị gái đa tình theo bản năng tự nhiên không quen với việc che giấu cảm xúc của mình, chỉ đơn giản đã thể hiện sự cao thượng mà thôi. Cho đến thời điểm làm quen với Mavriky, nữ thi sĩ tài năng đã kịp xuất bản 2 tập thơ và được coi là một trong những đại diện hứa hẹn nhất của văn học Nga nửa đầu thế kỷ XX đã dễ dàng chinh phục trái tim của những người đàn ông. Tuy nhiên Marina Tsvetaeva đã không muốn làm tổn thương em gái mình và phá hủy mối quan hệ sẵn có. Từ hoàn cảnh hiện tại, chính nữ thì sĩ đã rút ra cho mình bài học quan trọng trong phần còn lại của cuộc đời là đã hiểu ra rằng, tình yêu và sự đam mê giống như bệnh tâm thần- không có nghĩa tất cả các khái niệm đều giống nhau. Và sau tất cả, bệnh tật sẽ qua đi, còn những cảm xúc chân thành vẫn tồn tại cùng năm tháng, mà cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng quá ngắn ngủi chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 năm giữa Anatasiya Tsvetaeva và Mavriky Mints đã minh chứng dù Anatasiya đã viết rằng đó là hạnh phúc không bình thường.  


Người đàn ông của bài thơ "Tôi thích,..." đã qua đời tại Matxcova ngày 24/5/1917 do bị viêm ruột thừa cấp tính, còn bà goá phụ của ông cũng ở vậy không kết hôn lần nữa.

Trong phim "Số phận trớ trêu" ("Ирония судьбы" hay "С лёгким паром") còn có một bài hát mà tôi rất thích và đã thuộc nằm lòng là bài "Tôi hỏi cây tần bì" ("Я спросил у ясени"). Tết 2017 VTV chiếu bộ phim truyện "Matxcova mùa thay lá" rất hay cũng lấy bài hát này làm nhạc nền trong phim.

Phim "Matxcova mùa thay lá".

Я СПРОСИЛ У ЯСЕНЯ

Текст: Киршон В.     Музыка: Таривердиев М. 


Я спросил у ясеня: «Где моя любимая?»

Ясень не ответил мне, качая головой.

Я спросил у тополя: «Где моя любимая?» 

Тополь забросал меня осеннею листвой.


Я спросил у осени: «Где моя любимая?» 

Осень мне ответила проливным дождем.

У дождя я спрашивал: «Где моя любимая?» 

Долго дождик слезы лил за моим окном.


Я спросил у месяца: «Где моя любимая?» –

Месяц скрылся в облаке – не ответил мне.

Я спросил у облака: «Где моя любимая?» –

Облако растаяло в небесной синеве…


Друг ты мой единственный, где моя любимая?

Ты скажи, где скрылась, знаешь, где она?

Друг ответил преданно, друг ответил искренне:

«Была тебе любимая, была тебе любимая,

Была тебе любимая, а стала мне жена!»


Я спросил у ясеня,

Я спросил у тополя,

 

Я спросил у осени...

J

                                            Cây tần bì.

 Và đây là bản dịch bài hát của tôi:


TÔI HỎI CÂY TẦN BÌ


Tôi hỏi cây tần bì: "Người yêu của tôi đâu?".

Không trả lời, cây chỉ lắc đầu

Tôi hỏi cây dương:"Người yêu tôi ở đâu?".

Cây đã ném cho tôi lá mùa thu vàng óng.


Tôi hỏi mùa thu:"Người yêu tôi ở đâu?".

Mùa thu đã trả lời bằng cơn mưa như trút.

Tôi hỏi mưa:"Người yêu tôi ở đâu?".

Như nước mắt mưa chảy dài trên cửa sổ.


Tôi hỏi mặt trăng:"Người yêu tôi ở đâu?".

Mặt trăng giấu mình vào đám mây- không trả lời tôi nữa.

Tôi hỏi đám mây:"Người yêu tôi ở đâu?".

Mây tan biến trong bầu trời xanh biếc...


Bạn duy nhất của tôi ơi hãy nói,

Bạn có biết người yêu của tôi trốn ở nơi đâu?

Bạn đã trả lời chân thành, trung thực nhất:

"Người yêu của bạn, vâng, chính người yêu của bạn,

Người bạn yêu nay đã là vợ của tôi rồi!"


Tôi hỏi cây tần bì...

Tôi hỏi cây dương...

Tôi hỏi mùa thu...


https://youtu.be/YkoBjUL-2uE

 

ST và dịch.

 


Người post: HuongNT

Ngày đăng: 13-10-2017 11:11






Xem 1 - 10 của tổng số 16 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Marina
24/10/2017 23:55:03



Thế đấy bạn ạ: có thì rẻ rúng, mất rồi mới trân trọng. Đó là đời, vẫn đáng mỉa mai như vậy từ ngàn năm nay...


 





Từ: HuongNT
22/10/2017 20:21:52

Cám ơn chị ThoaNP, anh HienVC, em Meomun, guest Dương, guest Paul Tournier đã đọc bài viết và cho nhg lời com rất sâu sắc, tinh tế, nhg thông tin rất hay về các nhà văn Nga và tác phẩm của họ.


@Meomun: chị rất mê tác phẩm Con đường đau khổ của A. Tônxtoi từ hồi còn học phổ thông và sau này hồi sv được xem phim càng mê hơn. Chị đã xem phim này rất nhiều lần và rất thích nhân vật Teleghin do Yuri Solomin đóng. Chị thấy nhận xét của em về nhân vật này rất chính xác. Nếu chưa xem thì xem đi Meomun ah! Một bộ phim rất hay đấy!


 



Từ: Guest Paul Tournier
20/10/2017 22:23:24



Tâm hồn càng tao nhã và tinh tế, tâm hồn càng dễ tổn thương.



 



 



Từ: Guest Dương
19/10/2017 22:45:57




Năm tháng trôi đi, những điều đọng lại là sự tao nhã và tinh tế mà tình cờ ta gặp được, dù nó không phải của ta, dù nó chỉ lướt nhẹ qua ta, đó là sự đồng điệu về tâm hồn. Đó là Ирония Судьбы




Từ: Guest Dương
18/10/2017 22:50:23




...спасибо вам и сердцем и рукой за то, что вы меня - не зная сами -так любите









Từ: ThoaNP
15/10/2017 09:15:20

 


@Anh Hiền, MM: Thời SV ở Kis em cũng đọc Bunin mượn từ thư viện thành phố, thậm chí còn mua 1 quyển Tuyển tập Bunin dày cộp (tiếc là cho 1 em gái năm dưới mượn, và em này không trả lại cùng nhiều quyển sách khác). Tuy nhiên sao giờ em không còn nhớ gì mấy, chỉ nhớ cảm giác câu chữ rất lựa chọn (giống Flaubert), có gì đó màu trầm giống Chekhov, nhưng không đơn giản như Chekhov mà hơi khó hiểu như Dostoevsky. Nói chung là em chỉ nhớ cảm giác của mình chứ không còn nhớ được các cốt truyện. Hồi đó em quan tâm đọc Bunin vì nghe là nhà văn người Nga đầu tiên được Nobel. Trước đó cứ tưởng chỉ có Sholokhov (Sông Đông êm đềm) được.


 


 



Từ: Meomun
14/10/2017 22:04:43

@Anh Hiền: MM em quên không nhắc tới Bunin, nhà văn Nga lưu vong được giải Noben văn học. Nhưng quả thật, các tác phẩm của Bunin là thử thách không nhỏ với MM, vì ... phải động não, huhu!



Từ: HienVC
14/10/2017 21:52:36

@Meomun: Em tìm Bunhin đọc đi, rất đáng xem đấy.



Từ: Meomun
14/10/2017 12:01:45

@Chị THoa: Hồi em còn "choai choai", nhiều film Nga rất hay mà chưa tuổi để vào rạp . Em nhớ tên bộ phim là "Hai chị em", cô Katia và Dasa, các chị ở trong xóm đi xem về xuyt xoa khen phim hay, diễn viên đẹp lắm... Cám ơn chị, em sẽ xem.  



Từ: ThoaNP
14/10/2017 10:04:27

@MM: Con đường đau khổ đang chiếu trên VTV6, 18-19g. Tiếc là chị ít xem được vì vào giờ đưa trả tụi nhỏ về nhà chúng.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s