KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 22 Tháng chín. 2012

Thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội




Tác giả: NghiPH

Sáng nay con gái tôi nhập học Trường Đại học Hà Nội. Trước đây trường này mang tên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đối với nhiều thế hệ lưu học sinh (từ năm 1972) trường này có cái tên giản dị, thân thương là: Ngoại ngữ Thanh Xuân. Tôi xung phong đưa con đi vì hai lẽ: Thứ nhất, tôi muốn thấy cái không khí nhập học của con tôi, của các tân sinh viên đến từ khắp các vùng miền đất nước như thế nào; thứ hai, thăm lại ngôi trường cách đây 37 năm tôi đã học một năm tiếng Nga trước khi sang Liên Xô.

Từ nhà tôi đến Trường Đại học Hà Nội không xa lắm. Mãi gần 8h sáng hai cha con mới rời nhà. Đến nơi đã thấy rất nhiều tân sinh viên đang xếp hàng. Khá nhiều các vị phụ huynh đưa con đi nhập học. Chả gì hôm nay cũng là thứ bẩy mà. Bố mẹ, con cái, bạn bè gọi nhau í ới. Có cả một ban nhạc sinh viên đang hoạt động rất sôi nổi.

Con gái tôi lấy phiếu khai nhập học để điền vào những chỗ cần thiết. Sau đó nó đi xếp hàng. Có 5 hàng tất cả. Hôm nay là ngày nhập học của khối học tiếng.  Ngày mai khối kinh tế và công nghệ thông tin sẽ nhập học. Mỗi hàng là dành cho SV một hoặc hai thứ tiếng. Thí dụ, hàng dành cho sinh viên tiếng Anh, hàng dành sinh viên học tiếng Trung Quốc, hàng nữa dành cho sinh viên tiếng Nhật Bản và tiếng Hàn Quốc… Thấy hàng rất dài nên tôi nói với con :- Con xếp hàng vào làm thủ tục còn ba đi lại thăm nơi trước đây ba đã học, con nhé.- Vâng, ba đi tìm lại kỷ niệm xưa đi!    

Tôi quay ra phía cổng phụ xưa, nay là cổng chính. Khi tôi nhập học Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ngoài đường Nguyễn Trãi có bến tầu điện, quán phở và quán nước chè. Phía nam đường Nguyễn Trãi người ta đang mở rộng đường nhưng đang làm thì dừng lại. Tôi hay ra con đường đang làm dở này dạo chơi và ôn bài vì chưa có xe cộ đi lại. Cả hai bên "Đại lộ Cao Xà Lá" là những ruộng lúa xanh tốt, đâu có nhà cửa san sát như bây giờ. Tôi nhớ từ bến tàu điện vào trường, chúng tôi đi qua một con đường đất nhỏ hai bên có ruộng lúa để vào trường. Sát khu ruộng lúa là nhà A nơi có các phòng học của Khoa Lưu học sinh (tên chính thức của nó rất dài, tôi không nhớ nữa). Tòa nhà này trông vẫn còn rất tốt. Trước đây công nhân xây dựng giỏi quá, tài quá! Họ xây được những ngôi nhà rất chất lượng. Do là ngày nghỉ, các lối lên các tầng bị đóng nên tôi không thể vào phòng học của lớp N5 của tôi khi xưa.

 Đối diện với nhà A là nhà B. Trên tầng hai của tòa nhà này có một căn phòng tôi đã ở cùng với 11 bạn khác vào năm học 1974-1975. Khi đó mỗi phòng có đến 6 giường tầng. Những người ở cùng phòng với tôi là anh Ngát, anh Quý, anh Thành, anh Hưng, anh Đạt, Bình, Hải, Hùng, Lương, Thân, Lâm.

 

Phòng nội trú của tôi ở trên tầng 2:

 Giữa hai tòa nhà này là khu vực có bể chứa nước khá lớn để tắm giặt. Với tôi, lúc đó chỉ có 2 bộ quần áo lính nên việc giặt giũ chẳng khó khăn gì. Nay ở đây người ta đã xây nên tòa nhà C khá to lớn.

Tôi lững thững đi ra sân bóng. So với trước đây sân bóng có nhỏ hơn nhưng việc còn giữ được sân bóng này đã là quá tốt. Dưới bóng một cây đèn điện cạnh sân bóng, anh Q học cùng lớp tôi, đã từng kiên trì đứng học tiếng Nga suốt đêm khi mùa thi đến. Tôi và các bạn trong lớp, nhất là các bạn gái, vô cùng khâm phục nghị lực và quyết tâm rất cao của người bạn xứ Nghệ ấy.    

Tôi đi theo con đường phía bắc của sân bóng để tìm cái cổng chính của trường khi xưa. Không còn cái cổng đó nữa. Khu dân cư ngoại ngữ đã che kín nó rồi. Tuy vậy, vẫn còn một lối nhỏ để đi ra đường Lương Thế Vinh (trước đây nó có tên là gì, tôi không nhớ rõ, có lẽ là đường Mễ Trì?).   

 

Tôi đã từng đi theo con đường này rồi rẽ trái vào khu sân vườn của ngôi nhà thờ thiên chúa giáo rất đẹp để ngồi học bài trong không gian yên tĩnh, thoáng buồn. Còn nếu rẽ phải là vào khu của Trường Dân tộc Trung ương. Khu vực này có những rặng cây rất xanh tốt. Đi thẳng sẽ đến khu phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam- Đài phát thanh Mễ Trì.

Tôi quay lại tìm cái nhà ăn. Nó đây rồi! Hồi đó bữa cơm sinh viên có đĩa rau sào hoặc rau luộc, một bát canh mì chính và một ít thịt. Cùng với những chàng trai ở tuổi đang lớn, tôi ăn ngon lành xuất cơm sinh viên. Những ngày lễ chúng tôi được ăn tươi hơn, mỗi người được đến 3 miếng thịt lợn.

 

Cạnh nhà ăn là khu nội trú của sinh viên trong nước (vào thời điểm tôi học). Trước ngôi nhà này có khá nhiều cây xanh.

 

Tôi tìm được được người bạn cũ:

 

 

Tôi quay lại Hội trường lớn. Con gái tôi đã được vào trong Hội trường và đang làm các thủ tục nhập trường. Tại Hội trường này tôi đã dự mít tinh đón đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do ông Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc vào năm 1974. Tại buổi lễ, thầy Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường đã nói một câu mà sau này có người nói là ông nói sai, có người bảo ông nói đúng. Đó là câu: Chúng tôi chúc các đồng chí lên đường về nước mạnh khỏe, lập nhiều thành tích trong công tác và trong chiến đấu! Cũng vào năm 1974 tại đây, lần đầu tiên trong đời tôi được đi bầu cử- bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Hà Nội. Ở cửa hội trường có đặt tivi để sinh viên đến xem vào những buổi tối có đá bóng hoặc phim hay.

 

Tôi nhớ đến thời điểm 30/4/1975 nghe tin giải phóng Sài Gòn, tôi lao ra đường Nguyễn Trãi, leo lên tầu điện về Hồ Gươm cùng mọi người reo lên sung sướng: - Sài Gòn giải phóng rồi! Hòa bình rồi!

Tôi đang suy nghĩ miên man thì con gái tôi chạy ra:

-         Con làm xong thủ tục nhập học ở trường rồi. Bây giờ về Khoa để đăng ký lớp. Ba có biết nhà C ở đâu không? Chắc ba biết rõ vì đây là trường của ba mà!

-         Khi xưa ba học chưa có tòa nhà C này. Vừa rồi đi lang thang tìm lại nơi xưa chốn cũ ba đã thấy nó rồi.

   Con gái tôi nhanh chóng lên đăng ký vào lớp ở trên tầng 2. Hai cha con quay ra xem sinh viên đang hát rất hay những bản tình ca. Tôi và con gái chụp vài ảnh kỷ niệm trước nhà A, rồi lấy xe về nhà. Khi ra cổng soát vé, tôi trả tiền, bác coi xe nói hôm nay là ngày tân  sinh viên nhập trường nên gửi xe được miễn phí! 

   Tôi đã có một buổi sáng trở lại thăm ngôi trường trang bị cho tôi vốn tiếng Nga tối thiểu trước khi du học ở Liên Xô. Xin cám ơn các thầy cô đã tận tình giảng dậy chúng tôi trong năm học đó! Bây giờ các thầy, các cô đều đã nghỉ hưu. Nhớ các bạn cùng học một năm ở Thanh Xuân, sau đó học thêm một năm nữa ở Erevan rồi chưa tay nhau đi khắp Liên bang Xô viết. Nhớ một số bạn do sức khỏe yếu nên ở lại học trong nước, sau này trở thành giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội…


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 22-09-2012 22:10






Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments



Từ: KhanhT
24/09/2012 14:14:14

Cái "bị" này thú vị thật. Một thời như thế, nhưng người ta cứ bỏ qua, học nhiều như thế hẳn là phải có kiến thức nhiều hơn (tât nhiên là học nghiêm chỉnh) phục vụ, làm việc được nhiều hơn, nhưng khi nhận vào làm việc thì lương như nhau, thậm chí kém hơn, có khi còn phải nhường, kiểu như nhường hàng phân phối lốp xe đạp! Cùng thời người ta lên một bậc lương rồi, còn mình vẫn lính mới tò te!




Từ: NghiPH
24/09/2012 13:03:31

Anh Khánh ơi! Bọn em đúng là nhiều “bị” quá. Một "bị" trong nước, một "bị" ở Armenhia và một năm hơn mấy bạn học trong nước (thường chương trình chỉ có 4 năm) nên khi về nước thấy người ta đã ra trường, đi làm 3 năm rồi. Trong lúc đó, mình là anh lính mới tò te!



Từ: KhanhT
24/09/2012 10:39:53

Chúc mừng Hạnh Nghị, con gái Thảo Ly vào Đại học nhé. Ngày trước bố Nghị vào Trường học tiếng để làm công cụ cày cuốc Liên xô, nay con gái vào Trường học tiếng là học văn hóa lối sống... của thiên hạ, Xã hội phát triển lên nhiều lắm.


Nhưng mà sao ngày ấy Nghị học tiếng và dự bị được nhiều thế, một năm Thanh Xuân rồi một năm dự bị ở Lxô nữa. Hồi bọn tớ chỉ được học một năm dự bị ở Kishinhop thôi, mình lại sang muộn nữa nên thời gian bị thiếu.



Từ: BaLX
24/09/2012 09:23:20

Đúng như mọi người nói, trong đầu của Tổng Nghị là cả một kho kiến thức về mọi lĩnh vực. Viết về lĩnh vực gì cũng rất chi tiết, chị Ba phục sát đất đó. Chúc mừng 2 vợ chồng em có một cô gái giỏi giang và xinh đẹp. 



Từ: HuyenBT
24/09/2012 08:29:41

Em đọc bài đưa con vào đại học của anh, xúc động lắm, nhớ lại lần đưa con đi học xa rồi lại ngược thời gian nhớ lại thời mình xa ba mẹ vào học khoa lưu học sinh (ĐHNG Thanh Xuân), em bị ốm 1 tuần vì "homesick". Thế mà đã 30 năm. Năm nay, Lưu học sinh Việt Nam tổ chức 30 năm ngày vào "Thanh Xuân". Họ tụ tập gặp nhau ở khắp nơi, ở Nga, ở Hungary, ở Việt Nam…


Thảo Ly ơi, cô chúc con nghị lực, niềm tin để thành công và mãi là cô con gái rượu của ba mẹ nhé!



Từ: ChiNB
23/09/2012 21:22:05

Chúc mừng bé Thảo Ly và bố mẹ Hạnh-Nghị nhân sự kiện trọng đại này của gia đình. Nghị thật lãng mạn, luôn luôn có những cảm xúc khi bắt gặp những ngôi nhà, hàng cây, bụi cỏ... liên quan đến "thời xưa", Hạnh đừng có "chê" chất nông dân của Tổng đấy.



Từ: BinhNH
23/09/2012 21:06:18

Thảo Ly nhà Hạnh Nghị sẽ học "đa khoa" : Tiếng Nga , tiếng Anh, học làm nhà báo và cả học luật nữa. Bọn trẻ con bây giờ hơi bị nhanh , chúng nó học ngoại ngữ siêu hơn bố mẹ ngày xưa nhiều. Ví như bé Quyên nhà Phạm Bình đấy , tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng... mình quên mất rồi, nói chung là nhiều thứ tiếng , bây giờ đã vào 1 trường ĐH danh tiếng ở Mỹ rồi. Mình phục bọn trẻ con này lắm.


Chúc mừng Hạnh Nghị nhé. Phục nhất là Nghị giỏi nhớ. Sợ trí nhớ của Nghị đấy.



Từ: HoaNT
23/09/2012 19:29:14

Chúc mừng Thảo Ly và gia đình Hạnh - Nghị với niềm vui mới nhé.


Ngày xưa mọi người còn được học ngoại ngữ ở nhà chứ thời chúng mình đi chẳng biết một tý tiếng Nga nào cả nên hầu như rất lúng túng trong giao tiếp. Hồi đi tàu qua Trung quốc có 1 chú là diễn viên đóng trong phim Khói trắng đi cùng tàu sang Đức học đạo diễn bảo với bọn mình là ai muốn gì chú sẽ phiên dịch  cho chú biết tiếng Trung Quốc thế là lúc ga đỗ chú sổ luôn một tràng với cô bán hàng để mua khăn mùi xoa và bấm móng tay:" Hảo sư củ lung lẳng chẻo," làm cô bán hàng lắc đầu quầy quậy không hiểu gì, Chú ấy bảo với bọn mình là chú nói tiếng phổ thông còn bọn này là miền núi nên không hiểu gì. Thế rồi sang đến Liên xô chú ấy bảo iết tiếng Nga nên khi họ mang cơm đến bàn cho từng đứa thì chú bảo để chú ấy thay mặt mọi người cám ơn bằng tiếng Nga : Bố xí bồ xì làm cả bà phục vụ  lũ chúng mình  trố mắt ngạc nhiên sau đó cười phá cả lên vì phát hiện ra chú ấy chẳng biết tiếng gì cả.



Từ: CucNT
23/09/2012 16:23:32

Chúc mừng gia đình bác Tổng đón niềm vui mới. Bé Thảo Ly xinh đẹp như người mẫu thời trang đã trở thành cô sinh viên của trưởng Đại học Hà Nội rồi đấy.


Bác Tổng có trí nhớ thật siêu phàm, bác học ở đó năm 1974 mà đến nay vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Em học ở đó năm 1985, dịp vừa rồi ra Hà Nội có ghé thăm, đứng  bồi hối xúc động mãi, giờ đọc bài của bác Tổng càng thấy xao xuyến. Hồi đó bọn em từ quê ra tỉnh học, thấy cái gì cũng mới lạ, hấp dẫn. Rồi chúng em cũng đi lao động đào hồ Thành Công nhưng không được ngắm các chàng lính đẹp giai như bác Tổng nên vừa đào đất vừa nhởn nhơ. Thế bác Tổng làm hăng say rồi có lọt mắt cô gái nào xinh lại hát hay không?


Bác Tổng luôn đưa tới cho mọi người những dấu ấn, những sự kiện của lịch sử, của cuộc sống làm cho ai đọc cũng bồi hồi cảm xúc về tháng năm qua. Cảm ơn bác Tổng!



Từ: ThucPT
23/09/2012 15:15:25

Xin chia vui với gia đình Tổng Nghị nhé.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s