KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 23 Tháng hai. 2013

MƯA XUÂN




Tác giả: Nguyễn Bính

Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó “Mưa xuân” – một bài thơ tuyệt đẹp là ví dụ điển hình(Nguyễn Tường Thụy)

Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

 

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

 

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

 

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

 

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

 

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

 

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng!

 

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.

 

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

 

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?


Người post: ThanhLK

Ngày đăng: 23-02-2013 00:12






Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments



25/02/2013 04:19:11

Thanh ơi, Tuyết chọn hình minh họa hơi bị chuẩn. Nhưng cái hình cho tựa đề của Thanh cũng tuyệt chứ. Hình như hơi bị đẹp quá. Chúng mình sẽ gọi là xinh như văn công.



Từ: ThanhLK
24/02/2013 23:46:44

Cám ơn Tuyết đã tặng cái ảnh rất đẹp và hợp với Mưa Xuân thời Nguyễn Bính.


@ Anh Tấn Định: cháu nội em mà nhìn thấy bà nội “mơ màng” này thì khóc thét lên chứ không oa oa được. Thực ra em tìm được mấy cái ảnh khác hợp hơn nhưng không có định dạng jpg nên không post được. Thôi thì để mọi người ngắm cả cô chăm chỉ lẫn cô mơ màng vậy, hehe đúng là vụng chèo khéo chống.



Từ: Guest Tấn Định
24/02/2013 16:58:59

Ừ, cái ảnh của Tuyết vừa post xem ra cô gái quê lụa còn đang dệt bên khung cửi, tai thì đang vểnh lên hóng hớt xem mẹ có tám gì với bà hàng xóm về buổi ọp lai tối nay không.


Còn tấm hình minh họa ở đầu entry, hôm mới vào xem mình đã ngớ người:


Ủa, cái Thanh Lương! Chắc là đi tham quan làng nghề rồi xin diện bộ, chụp mấy kiểu kỷ niệm về khoe cháu nội đây!


Kha kha!



Từ: TuyetHA
24/02/2013 15:21:16

Tặng hình ảnh này cho "Mưa xuân"



Từ: ManhNX
24/02/2013 08:37:20

Cảm ơn @Thanh LK đã post bài thơ hay của Nguyễn Bính - Nam HÀ quê tôi. Quê tôi có Nguyễn Khuyễn (gốc Nghệ An), Nguyễn Bính, Nam Cao, Tú Xương, Tú Mỡ, Sóng Hồng, Thảo ĐP....



Từ: Guest Minh Ck
24/02/2013 06:17:30

Thơ là tiếng lòng bên trong, thơ là tiếng nói của riêng mình, nhưng thơ khi nói ra đã phản ánh đầy đủ nhất những suy nghĩ của con người yêu thơ với cuộc sống và với bạn bè. ThanhLK đã giới thiệu cho chúng ta một tác phẩm hay của nhà thơ tình đa tài nhưng bạc mệnh



Từ: ThanhLK
23/02/2013 23:40:17

Cám ơn các ACE đã chia sẻ cảm súc về bài thơ của Nguyễn Bính mà tôi rất thích và thường nhớ đến khi ngắm hoặc khi  đi dưới mưa xuân..Trộm nghĩ, bài thơ tình trên nền mưa xuân này, với lời kể dản dị nhưng giàu hình ảnh, đã lôi cuốn tất cả những người đọc, chứ không chỉ các Dom thơ.


@ Kim Thu: Thu ơi, trong bài thơ này mình cũng đặc biệt xúc cảm với hai hình tượng “một thôi đê” và “một dài đê” đã nói lên hai tâm trạng đối ngược nhau của “Nàng” trong đêm mưa xuân...Bạn bình hay quá.


@ Kẻ Ham Chơi: không ngờ Mưa Xuân của Nguyễn Bình đã “dụ” được Kẻ ham chơi vào cuộc, sau bao ngày “trốn biệt”, hehe.


@ AnhTấn Định: Chiếu thơ Ka Gù (KGU) luôn muốn mời các thầy và các bạn đến cùng chia sẻ những món ăn tinh thần đẹp, giúp cho các sản phẩm “cây nhà” ngày càng “ngon ăn” hơn đấy anh ạ. Em rất nhất trí với anh là các cụ ngày xưa thể hiện các chi tiết nhạy cảm một cách rất kín đáo và rất “thơ”


@ BM: Đoạn thơ này của BM rất “Nguyễn Bính”.


@ Cám ơn anh Hải Bột đã post 2 giọng thơ “đỉnh” của VN để mọi người thưởng thức bài Mưa Xuân.


@ NghịPH: Cụ Nghị bình bài này hay quá ta !


@ TungDX: anh Tung giỏi thật, hình dung ngay ra các “Nàng KGU” đang mơ màng, hihi.



Từ: Guest Tấn Định
23/02/2013 14:49:53

NHẠY CẢM KHÔNG CHỈ CÓ TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG!


Thời đó thơ văn các cụ cũng đầy những chi tiết nhạy cảm, tuy nhiên trong bài Mưa Xuân thì NB kín đáo hơn


"Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em".


Hehe.



Từ: TungDX
23/02/2013 14:34:49

 


 


ACE ơi! có thấy chăng


Đằng sau ảnh những Nàng


KGU bên bàn


Mơ màng, mơ màng


Tơ tưởng xa xăm


Về Du xuân Thành Phố


Sau màn mưa


Là nắng chói trang


 


 


 



Từ: NghiPH
23/02/2013 08:43:19

Trong bài thơ này Nguyễn Bính có dùng một thành ngữ “Năm tao bảy tuyết” trong câu: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”.


“Tao” ở đây là "lần", "lượt", "phen".  “Tuyết” (tiết) chỉ một khoảng thời gian nhất định.  “Tao” và “tuyết” được dùng với các số từ  “năm” và “bảy” để nói cái ý "nhiều lần”, “nhiều lượt”, "nhiều bận". Thành ngữ “Năm tao bảy tuyết” có nghĩa là năm lần bảy lượt.


Trong câu thơ: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng” thì thành ngữ trên được dùng để nói về một sự tái diễn nhiều lần mà thường không toại nguyện đối với người trong cuộc. Hò hẹn đi hò hẹn lại mà không thèm đến làm cho cả mùa xuân cũng bẽ bàng. Một ý thơ hay.  


TB: Cô gái xinh xinh trong tranh/ảnh không chú ý đến công việc lắm! Cô đang mơ màng về Mưa Xuân!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s