NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Vũ Đình Hòe- một nhân cách lớn, một nhà trí thức, một luật gia chân chính
Ngày đăng: 10/02/2011 02:07:37

(Để tưởng nhớ cụ Vũ Đình Hòe)

. Thời đi học và các phong trào thanh niên, sinh viên sôi nổi

 Đình Hòe  sinh năm 1912 khi phong trào văn thân đã thất bại, người Pháp đã hoàn toàn thống trị Việt Nam, Nho học bất lực trong cuộc cứu nước. Tuy nhiên, gia phong trí thức Nho giáo còn để lại cho lớp hậu sinh một chí khí và nhân cách thanh cao, một ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh đất nước cùng tinh thần canh tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, khao khát đổi mới.

Cũng như những người bạn cùng trang lứa như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục… Vũ Đình Hòe quyết chí học hành, trau dồi cho mình một vốn kiến thức mới để có thể lập thân, tồn tại độc lập trong xã hội thực dân nửa phong kiến và đóng góp được chút gì cho dân cho nước. Nhà nghèo, cha chỉ làm ông đồ cắp sách đi dạy thuê ở các làng, mẹ chạy chợ, chàng thanh niên Hòe dạy học tư, chấm bài thuê, kèm cặp các cậu ấm, cô chiêu nhà giàu để kiếm tiền ăn học bằng hình thức gửi thư xin bài, nộp bài sang tận Paris, hết phần I tú tài Tây, rồi đua tranh ngang ngửa với Tây ở Trường Trung học Albert Sarraut để thi đỗ phần II. Tú tài Tây lúc ấy đã là học lực cao, văn bằng có giá, dễ dàng lập thân được rồi, nhưng Vũ Đình Hòe quyết chí học lên cao nữa: anh nộp phí ghi tên vào Luật khoa của Đại học Đông Dương. Học phí đại học rất cao, nhưng không sao. Dẫu còn trẻ, 21 tuổi, anh đã là một thầy giáo dạy tư có tiếng, nên được mời đứng lớp ở hai trường tư thục danh giá đất Hà thành là Thăng Long và Gia Long.

   Anh chủ động được thời gian vì học đại học tự học là chính. Mỗi tuần có 5 buổi giảng, mỗi buổi 3 tiết do các giáo sư từ Paris sang giảng.  Sinh viên không bắt buộc phải đến lớp, miễn là hoàn thành được bài vở qua tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu trên thư viện, dự các phiên tòa… Sinh viên được phép xin gặp riêng thầy tại trường hoặc tại tư gia để thảo luận những vấn đề mình tự đề xuất. Từ những ngày học luật ở Đại học Đông Dương Vũ Đình Hòe đã biết đến Đại cách mạng Pháp với những tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Dân quyền, Pháp quyền.

Mặc dù thủ tục nhập học Đại học Đông Dương khá dễ dàng, chỉ đòi hỏi có bằng tú tài và nộp phí ghi danh, nhưng trụ lại được không phải dễ.  Khoá II Luật khoa của Vũ Đình Hòe  nhập học 18 sinh viên Việt Nam nhưng chỉ có 11 người được nhận bằng cử nhân Luật.

 Tuy học tập căng thẳng, nhưng sinh viên Đại học Đông Dương là lớp thanh niên ưu tú tài hoa nên hoạt động của họ rất đa dạng và sôi nổi. "Khách thỉnh" (như kiểu câu lạc bộ bây giờ) tại tư gia Vũ Đình Hòe tập họp nhiều anh tài thơ ca, nghệ thuật như Vân Đài, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung… Ngày Hội sinh viên do họ tổ chức với diễu xe hoa, manơcanh hoá trang, làm tưng bừng khắp phố phường Hà Nội. Phong trào sinh viên do Tổng hội sinh viên mà Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Huy Cận, Vũ Văn Cẩn, Đỗ Đức Dục, Phan Mỹ… góp phần sáng lập và lãnh đạo, có định hướng xã hội rõ rệt, phối hợp chặt chẽ với phong trào Hướng đạo của các huynh trưởng Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu. Họ cùng nhau tiến hành các hoạt động quy mô lớn, nhằm tập hợp lớp trẻ để học tổ chức, quản lý, chỉ huy như "trại thanh niên" ở các vùng nông thôn, giải thích luật lệ thường thức, phổ biến cho đồng bào nông dân cách dùng phân hoá học, vệ sinh phòng chống đau mắt hột, chích thuốc, mở lớp dạy chữ quốc ngữ, cổ vũ tinh thần yêu nước với các đêm kịch Hội nghị Diên Hồng, Lam Sơn tụ nghĩa, chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng…

. Ra trường, đi dạy học và những hoạt động xã hội thiết thực

Tấm bằng cử nhân luật thời bấy giờ là điều kiện tốt để được tuyển làm quan hành chính hoặc tư pháp trong bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, Vũ Đình Hòe đã tiếp nối truyền thống của gia tộc đã 6 đời liên tục giữ nghiệp ông đồ, chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, lương đủ nuôi gia đình sống đàng hoàng, lại đảm bảo cho mình một vị thế tương đối độc lập với Nhà nước "bảo hộ". Và phải nói thầy Hòe đã thành công trong sự nghiệp trồng người nếu như 60 - 70 năm đã qua mà các cô cậu học trò thuở ấy, giờ cũng đã 70 - 80, vẫn nhớ các bài giảng của thầy về Cách mạng Pháp, về đạo làm người và hàng năm vẫn đến tư gia chúc thọ thầy; không ít bức thư ấm tình thầy trò gửi về từ khắp địa phương trong nước, từ Pháp, Mỹ, Đức

Vũ Đình Hòe không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam, từ trước 1945 đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục, sau hợp biên thành 2 cuốn sách "Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục" (1945) và "Một nền giáo dục bình dân" (1946). Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hòe đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, "lưu thông" (ngày nay nói: liên thông) giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp, lập hệ Cổ học Á Đông ở bậc phổ thông chuyên ban và tiếp nối lên cao đẳng (đại học) Hán Nôm như một chuyên ngành có ý nghĩa "then chốt quan trọng" trong công cuộc xây dựng văn hoá dân tộc.

Theo tấm gương của cụ tổ Vũ Tông Phan, Vũ Đình Hòe cũng kết hợp công tác sư phạm với hoạt động văn hoá - xã hội, cùng Phan Anh, Vũ Văn Hiền hoạt động tích cực trong Ban Chấp hành Tổng hội sinh viên khi còn đang học Khoa luật, cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo, làm Phó cho Hội trưởng Nguyễn Văn Tố ở Hội truyền bá Quốc ngữ, chuyên trách các lớp cao đẳng cho người lớn.

Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân ra  tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên.

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của luật gia Vũ Đình Hòe với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai.

            Như vậy, nói tới Vũ Đình Hòe  không thể không nói tới  tờ báo Thanh Nghị- một tập hợp tự nguyện của một nhóm trí thức tiên tiến, hy vọng xây dựng một xã hội mới khi nước Việt Nam độc lập. Tờ báo này là yếu tố thu hút một bộ phận ưu tú những nhà trí thức dấn thân tìm đường cứu nước như Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh...Tờ báo này đề cập nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa. Nhóm “Thanh Nghị” của Vũ Đình Hoè từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận thấy thời cơ độc lập đang đến gần.

 . Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên của chính thể mới

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Vũ Đình Hòe, 33 tuổi, được cử vào Chính phủ nhân dân lâm thời, giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục. Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đưa ra những đề nghị đầu tiên sớm khai giảng Đại học, chấp thuận giá trị bằng cấp của chế độ cũ và chủ động nhắc đến việc xóa nạn mù chữ và đã được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh  giải quyết nhanh chóng, dứt khoát.

         Chỉ không đầy hai tuần sau cách mạng thành công, chính quyền mới đã khai giảng niên khóa đầu tiên. Ông cũng là người có công khôi phục lại nền giáo dục đại học từ nền giáo dục thuộc địa, chuyển Đại  học Đông Dương cũ thành Đại học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sử dụng quốc ngữ.

Ngày 13/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe dự lễ khai giảng Đại học Việt Nam

 

Một tuần sau Lễ độc lập, ông đã trình Hồ Chủ tịch ký hai sắc lệnh: về thanh toán nạn mù chữ và về thành lập một ngành học chính thức mới trong hệ thống giáo dục quốc dân - Bình dân học vụ. Chỉ non 3 tháng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, theo lệnh của Chính phủ nhân dân lâm thời, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cho mở cửa lại Đại học Đông Dương, từ nay là Đại học Quốc gia Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Như một lẽ tự nhiên, bản thân ông trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng ông Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, đào tạo chuyên gia cho các cơ quan chính quyền nhân dân non trẻ. Vài tháng sau, ông đã trình Hồ Chủ tịch Đề án cải cách giáo dục với mục tiêu "giáo dục vị nhân sinh" và trên các nguyên tắc dân chủ, dân tộc và khoa học. Trong một phiên họp của Chính phủ nhân dân lâm thời, Hồ Chủ tịch biểu dương Bộ Quốc gia Giáo dục trong thời gian ngắn đã làm được nhiều việc.

Chỉ trong mấy tháng làm Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, GS Vũ Đình Hòe có  3 chủ trương mang tính “tạo nền” cho nền giáo dục nước nhà: 

Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân.

Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học.

Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học.

. Bộ trưởng Bộ Tư pháp với sự nghiệp xây dựng  pháp luật

Sau một thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc gia giáo dục Vũ Đình Hoè  được cử sang giữ Bộ tưởng Tư pháp vào đầu năm 1946, trong một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với sự tham dự của nhiều đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng có một quan điểm chung là chống  cuộc xâm lăng trở lại của thực dân Pháp.  Bộ Tư pháp dưới sự lãnh đạo của luật gia Vũ Đình Hòe đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng một số lượng rất lớn các văn bản pháp luật để xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, duy trì trật tự xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.Chỉ trong một thời gian rất ngắn kể từ ngày Bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố đến ngày 19/12/1946- Ngày toàn quốc kháng chiến, Nhà nước ta đã ban hành 479 văn bản pháp luật, trong đó có 243 sắc lệnh ,172 nghị định, 46 thông tư và 12 văn bản khác.

Các văn bản pháp luật được ban hành trong vòng 14 tháng kể từ ngày Lễ Độc lập 02/9/1945 đến cuối tháng 12/1946 đã tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý cho: Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước; Tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp; Tổ chức và hoạt động của lực lượng quốc phòng, an ninh; Tổ chức đời sống dân sự, đời sống văn hoá, xã hội; sự nghiệp giáo dục.

Mặc dù còn muôn vàn khó khăn do nạn đói và giặc ngoại xâm đe doạ, Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử đại đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, củng cố nền độc lập và chính quyền dân chủ nhân dân. Luật gia Vũ Đình Hòe được cử vào Ban dự thảo điều lệ Tổng tuyển cử.

 Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành ngày 6/01/1946 một cách thực sự tự do, dân chủ, bình đẳng và thắng lợi rực rỡ bất chấp sự phá hoại của bọn phản động . Một cuộc Tổng tuyển cử mà thể lệ của nó bảo đảm tinh thần dân chủ tối đa, ngay cả nhiều quốc gia tiên tiến đương thời cũng chưa thực hiện. Thí dụ chế độ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo , thân phận xã hội...

Tiếp đó là một bản Hiến pháp được soạn thảo bởi một tập thể các nhà trí thức và chuyên môn am hiểu với một tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc. Những nhà luật học của chế độ cũ, kể cả vị Thượng thư Bộ Hình của Nam triều là cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được mời tham gia.

Ngày 09/11/1946 Hiến pháp được Quốc hội thông qua. Bản hiến pháp này phản ánh đúng tinh thần pháp quyền. Những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực nhà nước sao cho lạm quyền, chuyên quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo đảm, bảo vệ đã được thể hiện ở những điểm sau đây:

- Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp 1946).

- Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm.

- Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.

- Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ.

- Vai trò độc lập xét xử của toà án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp.

. 15 năm nghiên cứu luật học

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (đến năm 1981 mới lập lại), ông Vũ Đình Hòe  được chuyển về  Tổ Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học nhà nước (từ năm 1967 là Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học  Xã hội Việt Nam), làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp. Tổ Luật học khi đó do ông Phạm Văn Bạch, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm tổ trưởng. Luật gia Vũ Đình Hòe được giao phụ trách Phân tổ Luật dân sự- kinh tế.

15 năm ông lặng lẽ, miệt mài làm công tác nghiên cứu, chủ biên và tham gia nhiều công trình luật học như "Từ điển thuật ngữ luật học Nga - Trung - Pháp - Việt", "Những vấn đề nhà nước và pháp luật", "Hợp đồng kinh tế", "Nhà nước và cách mạng", “Hiến pháp xã hội chủ nghĩa- một số vấn đề lý luận cơ bản; giảng dạy Luật dân sự và Luật kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Hành chính Trung ương, ở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý...

Năm 1975 luật gia Vũ Đình Hòe  nghỉ  hưu.

. Những trang hồi ký

            Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Cụ Vũ Đình Hòe viết Hồi ký (Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004). Sách của Cụ viết không hoàn toàn chỉ là hồi ức của một cá nhân, mà giống như Võ Nguyên Giáp, qua những trải nghiệm của “người trong cuộc” để viết đến những vấn đề gắn với lịch sử cuộc Cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập.

Trong Hồi ký Cụ viết về nhiều nội dung: Báo Thanh Nghị, Nhóm Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh… Trong bài này tôi chỉ xin đề cập đôi dòng liên quan đến  hồi ức của Cụ về  tư pháp. 

            Với cụ Vũ Đình Hòe, đó là lịch sử một thế hệ trí thức đi theo Cách mạng với tất cả vẻ đẹp hào hùng xả thân vì nghĩa lớn cùng những bi kịch của một quá trình “tự lột xác” để phù hợp với một cuộc đấu tranh giai cấp được coi như là một động lực cách mạng; là lịch sử xây dựng thiết chế nhà nước, đặc biệt về thiết chế tư pháp. 

           Với cương vị một cựu Bộ trưởng Tư pháp, Cụ Vũ Đình Hoè viết về những vấn đề nảy sinh trong quan điểm xây dựng pháp luật. Cuộc tranh luận quyết liệt trên báo “Sự thật” và báo “Độc lập” xoay quanh chủ đề “Tư pháp và Nhà nước” với nội dung chủ yếu  là có hay không có nguyên tắc “Tư pháp độc lập” đã nêu lên nhiều vấn đề  nóng bỏng mà đến nay đọc lại vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

           Thực tiễn nảy sinh xung đột giữa bộ máy hành pháp và tư pháp đã được bàn luận vào thời điểm bộ máy chính quyền bắt đầu nẩy sinh hiện tượng lộng quyền, chuyên quyền. Trong hồi ức, Cụ Vũ Đình Hòe có kể đến một vụ án một chủ tịch huyện đã thụ án tử hình vì tội lộng quyền khi đã xử lý một cách vô đạo với một gia đình giàu có từ vùng địch chạy vào vùng tự do của kháng chiến. Người chồng của gia đình này bị giết để lấy của, người vợ bị làm nhục...

           Cuối sách, Cụ Vũ Đình Hoè kể rằng, vài chục năm sau, vị nhà báo của báo Sự thật đã tranh luận với các luật gia (học luật ở chế độ cũ) có gặp Cụ và xác nhận rằng:  Nhớ lại hồi nổ ra tranh luận, đến nay có nhiều điều vị ấy phải nghĩ lại.

Cụ Hòe cảm kích khi nhắc đến chi tiết này và càng thấu hiểu cái điều Cụ Hồ đã dạy là “cứ nghĩ đến Đại Nghĩa” mọi việc rồi sẽ ổn.

. Ba ước nguyện của vị Giáo sư 100 tuổi

Khi Tạp chí Thế Giới Mới hỏi Cụ Vũ Đình Hòe về những ước nguyện đầu Xuân về giáo dục, Cụ đã trả lời như sau:

“Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu Xuân về giáo dục.

         Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi.

          Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà đầy khó khăn gian khổ, đó là: “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau.

         Hai mong người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng và chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

         Ba mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

         Có gì thì đã viết hết trong Hồi ký rồi. Chỉ xin phép được nói thêm vài lời: đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng. Và cố gắng in lại những bài “Áo vải bàn suông” (tức “Thanh Nghị”).

          Nhân năm Nguyên đán Tân Mão sắp đến, tôi có lời chúc các bạn sức khỏe dồi dào và một năm mới an lành”.

         Nguyên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Chính phủ nhân dân lâm thời Vũ Đình Hòe”.



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: ThongNV
15/02/2011 22:15:15

 Tôi luôn nghĩ và tin thế hệ sau sẽ làm tốt vai trò lịch sử của mình nếu chúng ta nhìn nhận họ gắn với bối cảnh xã hội hiện tại và đừng thần thánh hóa thế hệ chúng ta và cả các thế hệ cha anh chúng ta.


Bạn sẽ đánh giá đúng khi nào bạn sẵn sàng thừa nhận ý kiến của con, cháu mình đúng hơn ý kiến của mình trước mặt chúng. Có như vậy bạn mới sẵn sàng chuyển giao quyền lãnh đạo (ngay trong gia đình) cho thế hệ trẻ.



Từ: SonTM
15/02/2011 16:34:20

Như vậy cái gốc rễ ở đây là  chủ nghĩa yêu nước, nền tảng tư tưởng của xã hội và lãnh tụ anh minh.  Đến giai đoạn này chúng ta thiếu mất hai yếu tố cuối cùng.



Từ: NghiPH
15/02/2011 11:43:48

Vì sao có sự khác nhau giữa những người lãnh đạo của các thế hệ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Xin nêu ra mấy điểm:
- Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống… khác nhau tất sẽ sinh ra những thế hệ có quan niệm sống, có lý tưởng, nếp sống, cách ứng xử  không giống nhau.
- Thế hệ các cụ sinh ra và lớn lên trong một đất nước còn nằm dưới sự cai trị của ngoại bang. Các cụ có một khao khát mãnh liệt đem sức trai giành lại tự do, độc lập cho dân cho nước. Đó chính là lý tưởng của các cụ.
- Thế hệ sau này, phần lớn sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã được độc lập. Họ được học hành để về nước xây dựng đất nước theo một mô hình chế độ xã hội mới còn ở trong giai đoạn tìm tòi. Rồi có thời kỳ chế độ xã hội đó lâm vào khủng hoảng.
- Thế hệ sau này nhìn vào cách ứng xử, nhìn vào bài học của thế hệ cha anh. Họ có sự suy tư, tinh toán cái được, cái mất của thế hệ đi trước.
- Giữa lúc ấy, kinh tế thị trường sơ khai cuốn họ đi. Cái thế chênh vênh của họ gặp cái cái thời kinh tế thị trường ở giai đoạn đầu. Và thế là sinh ra nếp nghĩ, cách ứng xử theo kiểu mới.



Từ: SonTM
12/02/2011 09:23:32

Những bậc trí thức tiền bối như các cụ Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng... là "thế hệ vàng" của trí thức Việt nam thế kỷ 20. Họ đã để lại dấu ấn trong lịch sử Việt Nam như những nhà khoa học và văn hóa lớn đồng là những vị khai quốc công thần của chính phủ do Bác Hồ đứng đầu trong những buổi đầu khó khăn nhất cuả nước  Việt Nam DCCH. Liệu rằng có thể có được những vị tương tự như vậy trong hiện tại và tương lai trong chính phủ ta hay không? Câu hỏi này còn để ngỏ và chờ câu trả lời của tất cả.



Từ: ThongNV
11/02/2011 18:31:37

Không biết các bạn nghĩ sao, tôi thì thấy những nhà tri thức được đào tạo bài bản trong nền giáo dục văn minh thì phương pháp tư duy của họ đáng để chúng ta khâm phục và học tập.



Từ: 3Chai
10/02/2011 17:36:00

"Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn...".


Quá đúng.


Không biết các bác nghĩ sao chứ tôi thì thấy rằng trong câu này của vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập bao hàm nhận xét về VẤN NẠN LỚN HIỆN NAY CỦA NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ!