BLOGS  
 
RSS
KỶ NIỆM CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Ngày đăng 24/04/2014 09:31:13 bởi Dương Mạnh Cơ Lý75-KGU

Tôi đến gặp Bác Dương Văn Tân trong những ngày Bác đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành trình trở lại Điên Biên- nơi chiến trường năm xưa, do Tỉnh hội Cựu chiến binh Thái Bình tổ chức. Có lẽ không riêng gì Bác Tân mà tất cả các chiến sĩ Điên Biên năm xưa trongTỉnh cũng trong tâm trạng mừng vui khôn xiết.Hầu hết tuổi các bác đã ngoài thất thập, nhưng cứ không khí này, tôi cảm thấy các bác đang trẻ lại thời thanh xuân. Tôi hỏi: "Kế hoạch các bác đi bằng phương tiện gì?" Bác phấn khởi trả lời ngay: " Đi bằng máy bay, có bác sĩ chăm sóc sức khoẻ theo đoàn". tôi cũng mừng lây và yên tâm về cuộc hành trình của các  bác.Tôi lại hỏi: " Bác có thể tưởng tượng, khi máy bay hạ cánh xuống Điện Biên thì ngay cái giây khắc ấy điều gì đến với Bác?" Bác Tân xúc động trả lời: "Trước hết là, khi gặp lại, nước mắt chảy ra đã". Sau vài phút đầu tiếp xúc, Bác rất cởi mở và chân thành, tôi hỏi luôn vào phần chính: "Thưa Bác, tôi rất vui mừng chuyến đi này xin chúc các bác thượng lộ bình an và trước khi lên đường xin Bác vui lòng kể lại những kỷ niệm trong những ngày Bác chiến đấu ở Điện Biên cho lớp trẻ hôm nay nghe, được không ạ?".Bác Tân nhận lời ngay.

 Uống xong chén trà. Một phút im lặng. Có lẽ Bác đang đắm mình vào quá khứ, sống lại kỷ niệm xưa. Tuổi thanh xuân như đã ùa về trong giọng nói sôi nổi của Bác.

 Bác kể:

" Tôi là lính pháo phòng không thuộc Sư đoàn 351, rải quân một vùng rộng lớn ở Điện Biên. Vì điều kiện chiến đấu ở đâu biết đó, tôi xin kể trong phạm vi đại đội của tôi thôi.

Ngày ấy vào năm 1953, đơn vị pháo chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ. Hồi ấy làm gì có ôtô kéo pháo, chở quân đi như bây giờ mà chúng tôi hành quân bằng chân đồng vai sắt,xuất phát từ Nho Quan, Ninh Bình, hành quân không được để lộ bí mật. Nếu giặc phát hiện được, chúng cho máy bay ném bom vào đội hình, hoặc huy động quân bao vây chặn đường, nên bí mật đặt lên hàng đầu. Để tránh sự phát hiện của giặc, chúng tôi đi chiếu theo la bàn xuyên rừng vượt suối, không qua đồng bằng nơi có dân ở. Việc nghỉ ngơi ăn uống và bổ sung lương thực trên đường đi quy định theo trạm. Do địch bao vây chặn đường vận chuyển lương thực chưa đến kịp, để bảo đảm tiến độ hành quân dù chưa có lương thực cũng không được nằm chờ, cứ phải đi ngay. Vì vậy, chúng tôi phải chia số lương thực còn lại trên lưng để ăn đủ số ngày hành quân trên cung đường đó. Có ngày ăn cháo, việc đứt bữa là đương nhiên. Đói quắt bụng, đói hoa mắt, nhiều khi thiếu cả nước uống, khát khô cổ họng. ấy thế mà vui. Để chống khát chúng tôi đem chuyện khế, chuyện chanh ra kể rồi cừi rũ rượi, nước bọt tứa ra bớt khô miệng. Nhiều câu chuyện kể về chị gái, em gái xinh ơi là xinh, nết na hiền thục, có hàm răng đều và đen nhánh như hạt na, làm các chàng trai say người trong truyện như điếu đổ quên cả đói, cả mệt".

Bác Tân ngừng một lát nhìn tôi. Tôi hỏi Bác:" Gian khổ như vậy, có lúc nào Bác hoặc anh em nào nản chí nghĩ đến chuyện đào ngũ không ạ?". Bác khẳng định ngay: " không , không ai nghĩ đến, bởi anh em trong đại đội toàn là những người sống trong vùng địch chiếm đóng, nếu không chịu để cho giặc bắt lính cầm súng bắn vào đồng bào của mình thì chỉ có con đường vào bộ đội để giải phóng quê hương nên gian khổ mấy cũng chịu đựng được".

 Bác Tân kể tiếp: " Khi hành quân đến Hoà Bình,  từ đấy trở lên Điện Biên dốc càng cheo leo, đường càng hiểm trở. Một bên vách đá dựng đứng chênh vênh, một bên vực thẳm, ngửa mặt nhìn lên còn sợ đá đổ xuống đầu. Qua rừng nứa, rừng le, Ve vắt nhiều vô kể, muỗi vơ vào lòng bàn tay được; con ve tròn như hạt đậu, bám vào chân tóc cắn đến buốt đầu. Còn con vắt nhỏ hơn con đỉa, nó bong tanh tách, thấy hơi người là nó bong vào thắt lưng, cổ áo, trong bụng, (cắn rất êm), thấy hơi ngứa, véo ra, chúng hút máu to bằng ngón tay.

Hành quân ròng rã tháng trời, chúng tôi đến đất Điện Biên. Khi hành quân thì chống gậy xuyên rừng, vượt suối, khi chiếm lĩnh trận địa phải dùng dây rừng đưa pháo và người lên đỉnh núi, ở Đèo Gió vách đá đứng dựng phải cột dây từ đỉnh núi thả xuống kéo pháo lên, còn người bám dây leo như leo thang. Đến lưng chừng dốc, bi đông nước, ống bương nước của anh nào anh nấy hết sạch. Uống nước mà không biết tiết kiệm, không có kế hoạch thì bị khát khô ở ngay lưng chừng đèo. Thế rồi nay kéo pháo lên, mai đưa pháo xuống, cứ lên lên xuống xuống, nay ở vị trí này, mai cơ động vị trí khác. Lúc đầu chúng tôi rất sốt ruột, chưa được đánh trận nào cho bõ công kéo pháo mà cứ như mèo vờn chuột. Sau khi được cấp trên giải thích, chúng tôi mới vỡ lẽ đó là chiến thuật của ta, rồi anh em lại vui như tết thi hành mệnh lệnh.

Suốt từ chợ Bờ qua đường 41 sang Lào, rồi bãi Sang xuôi về Mộc Châu, hành quân kéo pháo chân tay đã thành chai, vai áo đệm ba bốn lần vải cứ sờn liên tục. Quần áo lúc nào cũng ẩm ướt: đêm thấm sương, ngày thấm mồ hôi.Khổ vậy thôi, nhưng vui lắm! Điện Biên đẹp lắm, hùng vĩ lắm! Xứ sở của Hoa Ban và sương mù. Đứng trên Đèo Gió mà cảm thấy như mình đã lên đến tận trời. Xung quanh có mây buổi sáng trắng như bông bao bọc. Mây chiều thì vàng tơ bảng lảng, lúc sà xuống thung lũng, lúc cất mình lên trùm trên đỉnh núi. Vui nữa là khi gặp dân công; hàng ngày tám chín giờ sáng, có hôm tới mười giờ mới tan sương, bọn giặc trời keo đén. Chiến đấu đến chiều tà khi sương buông xuống là chúng rút. Thời gian đêm và sáng thì củng cố trận địa, nguỵ trang, rồi khâu vá quần áo và giao lưu hát hò với chị em. Họ đến Điện Biên từ nhiều tỉnh: Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Sơn Tây....Chúng tôi cứ nhằm vào chị em ở Thanh Hoá, Sơn Tây là vê vê ngón tay xin điếu thuốc lào, vì chị em hai tỉnh này hút thuốc lào như xiếc. ở Đèo Gió, Bãi Sang dân công qua lại nhiều vô kể, Chả thế mà trong thơ Tố Hữu viết: " những đường Việt Bắc của ta, Đêm đêm rầm rập như là đất rung"- đấy là cái vui của Chiến dịch. Còn cái sướng của Chiến dịch là lúc bắn máy bay. Chúng bay từng đàn, cứ ba chiếc một, tốp lượn lờ gào rít qua các khe núi. Mặc kệ nó! Chúng tôi bình tĩnh dán mắt quan sát. Khi chúng bổ nhào lao đầu trực diện vào trận địa thì chúng tôi ấn cò nhả đạn. Ôi! sung sướng làm sao...Súng thi nhau nổ, đạn nhả lên vun vút, tiếng hô khẩu lệnh, tiếng hò nhau bắn,  vui như thời còn nhỏ đốt pháo Tết".

Tôi hỏi Bác Tân: "Trong lúc bom gầm đạn réo các bác có nghĩ đến cái chết không?"

Bác lắc đầu nói ngay: "Không, không ai nghĩ cả! Chỉ thấy vui, mong lập được chiến công thôi! Ai sống cứ chiến đấu. Ai Ai bị thương về tuyến sau. Ai hy sinh thì mai táng gần trân địa. Chúng tôi không ai nghĩ đến cái chết. Bởi vì chúng tôi quan niệm sống và chết như nhau: Sống thì chiến đấu lập công. Chết thì cũng vẻ vang như thế". Bác nở nụ cười hiền hậu, hàm răng trắng còn nguyên của thời trai trẻ. Bác nói: "Khẩu đội tôi hạ được chiếc máy bay đầu tiên, bốc cháy như một đóng rơm, lao xuống rừng cây xanh mờ. Niềm vui quên ăn, quên ngủ. Nhất là khi nhân được điện khen của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ngày hôm sau nhận thêm bức điện của đơn vị cử một tổ đi tìm xác máy bay, thế là cứ chiếu theo góc phương vị tổ tìm kiếm xuyên rừng vượt núi đi tìm. Đến Mai Đà thấy nó nằm ngửa bụng như con cá voi giữa biển sương mù. Anh em lấy búa bổ từng khúc cho lên bè nứa thả xuôi dòng suối về đơn vị.

Quân Pháp đóng ở Điện Biên như cái yết hầu, còn vòng vây của quân ta như cái dây thòng lọng mỗi ngày càng xiết chặt thêm. Chiến trường đồng bằng phối hợp với Điện Biên đánh cũng mạnh nên quân Pháp không tiếp tế cho Điện Biên bằn đường bộ được. Duy nhất chỉ còn đường không. Máy bay hạ thấp để thả dù cho trúng thì bị pháo ta tiêu diệt. Sợ chết chúng phải thả dù từ trên cao, vì thế dù bay theo chiều gió tản ra khắp trời Điện Biên. Vòng vây ta càng xiết chặt vào gần thì bọn chúng nhận được hàng tiếp tế càng ít, còn cả một vùng ta làm chủ thì được rất nhiều chiến lợi phẩm.

Bác Tân đang hào hứng kể, bỗng dừng lại suy ngẫm. Nhìn Bác, tôi đoán: Có lẽ đến một kỷ niệm khác làm Bác xúc động chăng? Đúng vậy! Bác kể tiếp: "Vào buổi chiều hôm ấy, có chiếc máy bay từ khe núi nhào vào trận địa thả lựu đạn khói làm mục tiêu cho máy bay khác lao xuống thả bom. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn rồi, phải lấy chăn nhanh chóng chụp lên không cho khói lan toả. Hôm áy cậu Tương mang chăn chạy ra, không may vướng phải cành cây giật cậu ấy ngã bổ ngửa. Không gỡ được chăn thì muộn rồi; một chiếc khác kịp bổ nhào cắt bom trúng vào khẩu đội, vài anh em hy sinh, tôi và anh bạn nữa bị thương phải về tuyến sau".

Bác Tân hạ giọng nói tiếp: " Bây giờ mình già rồi, đang sống hạnh phúc với con cháu, đang hưởng thành quả cách mạng đem lại. Trong cuộc sống đổi mới hôm nay mới càng thương nhớ các anh".

 Bác Tân chỉ vào bó nhang to đặt trên bàn bọc trong túi nilon, Bác nói với tôi: "Mấy ngày qua, tôi đi đặt mua hương đấy! Hương Thái Bình của mình thơm lắm. Lên đó tôi sẽ thắp trên những nấm mộ đồng chí của tôi, cho ấm tình đồng đội". 

                                                                 Đây là Kỷ niệm của Bác tôi:Dương Văn Tân

                                                                            Xã Đông Thọ - TP Thái Bình

                                                                         Nhân dịp trở lại chiến trường xưa tháng 4/2004

                                                                 Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện biên Phủ 1954-2004

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments

Từ: LyTM
02/05/2014 12:40:39

Hoa ban nở trắng Điện Biên,


có cô gái Thái dịu hiền, cười xinh,


đôi mắt đen láy lung linh,


lù cở em chở mối tình của ai


Tây Bắc ngân tiếng hú dài,


hòa bình hoa nở ban mai yên bình,


xe tăng đứt xich lặng thinh


dưới đồi A1 còn hình chiến binh!



Từ: Guest cucnt
28/04/2014 11:19:15
Bài viết này lẽ ra đặt ở Trang chủ để tất cá mọi người cùng đọc (Có nhiều guest không biết đọc ở mục blog) theo lời kể của Bác Tân , dưới bút pháp rất "văn học" của anh Cơ, em đã hình dung ra được người lính Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Đối với họ Tổ quốc là trên hết, không ai sợ hy sinh, sống và chết như nhau, sống là để chiến đầu, chết vẻ vang cho dân tộc hồi sinh.
Xin gửi lời tri ân đến bác Tân và đồng đội của bác. Cầu chúc cho bác sức khỏe và có 1 chuyến về nguồn đầy ắp kỹ niệm
Hiện nay, khi các em học sinh không yêu môn Sử, em nghĩ, Bộ Đại học nên xem lại mình. Lịch sử dân tộc ta thật oai hùng .Chiến thắng Điện Biên Phủ đã sắp xếp lại trât tự thế giới, mãi mãi chúng ta không bao giờ quên điều đó.
Sắp tới ngày kỹ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết của anh Cơ thật đáng trân trọng.
Cảm ơn anh!


Từ: Guest HQ
28/04/2014 08:44:07
Bác Tân ơi, cháu kính chúc bác sức khỏe, thọ tỷ Nam Sơn, thơ bác viết hay lắm! Thế hệ con cháu rất tự hào vì cha anh của mình đã đánh đổ thực dân Pháp, giầu có, hiện đại hơn ta nhiều lần!
Chiến trường ĐB, đồi A1, hầm Đờcat,... còn mãi trong tâm hồn người Việt và nỗi sợ của bè lũ xâm lược.


Từ: Guest Ngân Hà
27/04/2014 19:56:08
Bác tôi cũng là Chiến sỹ Điện Biên, nhưng có lẽ do phải dầm mưa dãi nắng nhiều nên bác còn phong độ lắm! Bác tôi là một tấm gương mà con cháu trong dòng họ và cả khu phố vùng trung du này ai cũng kính trọng. Bác hay nói, Điện Biên rèn cho da sắt, vai đồng, tấm lòng sáng như gương!


26/04/2014 21:20:45

 


Em LyTM và các bạn ơi mình đăng bài thơ "CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN" bác Tân viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 2004:


Bác Tân  năm nay đã hơn 90 tuổi rồi, Bác vẫn minh mẫn vui vẻ lạc quan tự hào, dạy dỗ cháu con  sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.


Hay lắm em Lý ơi: 


Xưa hò kéo pháo Lũng Lô


Bộ đội cụ Hồ nay hát tình ca...


Bác Tân là như thế đó.


 CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN


Chiến sĩ Điện Biên xông pha


Một phần xương máu đổ ra chiến trường.


Mưa bom bão đạn coi thường,


Nủi rừng Tây Bắc phải nhường chân ta.


Đến nay tuổi đã về già,


Tuổi Đảng xấp xỉ đến đà sáu mươi.


Trải qua oanh liệt một thời


Nay ngồi mà nghĩ cuộc đời đổi thay.


Tám mươi tuổi lên máy bay,


Thăm Điện Biên Phủ nhớ ngày hôm nao.


Liên hoan chiến sĩ đồng bào,


Nhớ lại hôm nào giải phóng Điện Biên.


Bao năm thống nhất hai miền,


Mà nay chiến sĩ Điện Biên trở về.


Nhân dân phấn khởi mọi bề,


Mừng đón chiến sĩ trở về Điện Biên.


Bao năm sự kiện còn nguyên,


Mà nay phong cảnh Điện Biên khác nhiều.


Thành lập tỉnh mới thuận chiều,


Điện Biên tỉnh mới mọi điều thích nghi.


Núi cao, rừng thẳm bạt đi,


Làm đường Quốc lộ xe đi hai chiều.


Không còn núi đá tai mèo,


Dốc cao thăm thẳm qua đèo khó đi.


Qua sông, qua suối mọi khi,


Bắc cầu hiện đại xe đi vững vàng.


Những khu du lịch giàu sang,


Nhà hàng, khách sạn mở mang đàng hoàng.


Sân bay quốc tế sẵn sàng,


Khách đi, khách đến ngày càng nhiều hơn.


Đến xem trút nỗi căm hờn,


Đánh tan quân giặc ở miền Thượng du.


Đánh cho hết bóng quân thù,


Đánh cho tướng Cát hầm tù chui ra.


Điện Biên thắng trận về ta,


Việt nam thống nhất bài ca anh hùng


Tiếng vang thế giới lẫy lừng


Điện thông, điện báo, điện mừng chia vui./.


            &nb sp;                         &nb sp;    Dương Văn Tân


            &nb sp;                          Nhân thăm lại Điện Biên


 


 


 


 



Từ: Guest Tâm
26/04/2014 09:15:42
Mình nghe nói Vietnam Airline bán vé gần như miễn phí cho các Cựu binh lên Điện Biên! Sáu mươi năm rồi, những Cự chiến binh còn lại không nhiều! Cầu chúc các bác sống thọ và hạnh phúc! Đúng như LyTM viết, nhân loại tri ân các bác vì Điện Biên chiến thắng đã chấm dứt thế chiến thứ hai!


Từ: LyTM
26/04/2014 09:11:59

Đọc bài anh Cơ viết về bác Tân, thật xúc động, nhất là những bài thơ bác đã viết. Ngoài đời thường, hiển hiện một Cựu chiến binh giản dị của Điên Biên phủ oai hùng, một thời oanh liệt vàng son, hy sinh, gian khổ, đói rét để chiến thắng. Hiện còn lại rất ít những Người Anh hùng của đất nước. Cầu mong Bác Tân và đồng đội của Bác được hưởng thọ bên con cháu, sức khỏe và hạnh phúc dài lâu. Đất nước và các thế hệ sau mãi mãi tri ân các bác, thế hệ anh bộ đội cụ Hồ áo trấn thủ dầm mình mưa gió và " máu trộn bùn non,..."


Sáu mươi xuân đã trôi qua,


Điện Biên ban nở, hương xa đón chào


Đón anh chiến sỹ năm nào


xá chi bom rải, đạn gào, xối mưa,...


 


Đánh cho quân Pháp phải chừa


máu tham xâm lược, xin thua đầu hàng!


Điện Biên lòng chảo xốn xang,


bùn pha xác pháo, đã vang câu hò,...


Xưa hò kéo pháo Lũng Lô,


bộ đội cụ Hồ, nay hát tình ca,...




Tình ca Tây bắc bao la


ngân vang tự chiến trường xa thưở nào,...


Lời ca dìu dặt ngọt ngào


đất này thấm đẫm máu đào quân dân,...




Sáu mươi năm vẫn tuổi xuân,


Điện Biên sống mãi, đội quân Cụ Hồ,


Oai hùng, xanh một trời mơ,


Nhân loại ghi nhớ vô bờ Điện Biên!