KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 12 Tháng tư. 2012

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ




Tác giả: ThuyNT

(Thân tặng những ai đã từng sống, học tập ở KGU và Liên Bang Xô Viết)

 

 

NGUYỄN THỊ THÚY (Viện Kiểm nghiệm - Bộ Y tế)

 

 

Những ngày giáp Tết trời lại càng rét, hẳn ai cũng muốn tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình. Bỗng cánh cửa bật mở, tôi sửng sốt kêu lên " A Đồng vào đây, rét quá, có việc gì vậy...?" theo thói quen tôi hỏi Đồng dồn dập. Bao năm đã qua nhưng tôi thấy Đồng vẫn như xưa, như hồi nào ở xứ sở Bạch Dương, một người bạn "hơi" khác thường. Trời lạnh vậy mà Đồng mặc một chiếc áo len mỏng sẫm màu ở trong còn chiếc áo phông trắng lại mặc ra ngoài. Sau vài câu hàn huyên, Đồng khen bọn tôi trẻ, khỏe, không khác thời sinh viên là mấy và hỏi có thấy Đồng khác trước nhiều không? Tôi nói vui " Không, ông vẫn như xưa, khỏe mạnh và có "thần" lắm. Ông còn trẻ hơn bọn tôi nhiều vì "trai tân" mà!...". Chúng tôi cùng phá lên cười... Hai cháu nhà tôi cũng góp vui..." Ông xã" tôi cũng là bạn cùng học nên chúng tôi có nhiều bạn bè chung và những ngày sinh viên sôi động đầy ắp kỷ niệm trong những năm du học. Có lẽ vì vậy, nhà tôi tuy thanh bạch song vẫn thường là nơi tụ tập, hội hè của bạn bè. Chồng tôi rót chén rượu mời Đồng. Lần nào cũng vậy Đồng đến nhà tôi đều khen rượu ngon mặc dù cũng chẳng có gì để "nhấm nháp".

            Đột nhiên, Đồng buồn bã tuyên bố "Nếu năm tới mà mình không lấy được vợ thì mình sẽ chẳng đến dự hội lớp nữa!".Tôi vội nói " Việc gì phải thế?". Bởi chính tôi cũng nghĩ rằng Đồng khó có thể lấy được vợ cho dù bạn bè chúng tôi thường tìm cách vun vén cho Đồng. Song sự đời là thế, mấy ai đạt được hết những gì mình muốn? Ngay cả những người được coi là " thành đạt" trong hiện tại và " tự hào" trong quá khứ cũng có khi còn phải thú nhận rằng: "Hạnh phúc lứa đôi là một cái gì mà không mấy ai đạt được" huống hồ Đồng, một con người "vui vui" trong quá khứ, "buồn buồn" trong hiện tại và "vô vọng" trong tương lai thì không dễ mà có được tình yêu mơ ước. Sau một lúc ngồi chơi Đồng chào ra về, tôi lại nghĩ đến quãng đường dài 6-7 km mà Đồng phải cuốc bộ giữa đêm giá lạnh đến thăm bạn mà thấy ái ngại vô cùng...

   Chúng tôi là bạn học cùng lớp với nhau 6 năm (1967-1973) ở Kisinhốp. Ngày ấy, Đồng nhanh chóng nổi danh trong Hội Sinh viên chúng tôi bởi giọng nói xứ Nghệ khó nghe, tiếng đồn thông minh và rất giỏi toán... Tôi cũng không biết Đồng giỏi toán đến mức nào, nhưng thông minh và trí nhớ tốt thì chúng tôi đều phải công nhận. Sự "độc đáo" của Đồng theo thời gian ngày càng rõ nét, cho dù sự "độc   đáo" ấy nhiều khi gây cười cho chúng tôi cả vì tính tích cực và những điều cần thông cảm. Nhiều thầy cô giáo người Nga nhìn thấy ở Đồng một con người thông minh kỳ lạ, có trí nhớ cực tốt và đã không ít lần dành cho Đồng những câu âu yếm, thân mật: "Nào đến lượt người thông minh!" và để cho Đồng nói nốt thời gian kiểm tra miệng trên lớp khi cảm thấy đã kiểm tra đủ theo sổ điểm. Những lúc đó chúng tôi thường thở phào nhẹ nhõm và khoanh tay ngồi nghe Đồng thao thao bất tuyệt đến hết giờ...

  Phải công nhận tuy phát âm không hay nhưng Đồng nói và viết bằng tiếng Nga đều khá chuẩn xác và thoải mái. Nội dung thì thường không trực tiếp vào câu hỏi mà phải xoay quanh chừng vài ba chương cho đến vài ba quyển sách về vấn đề đó. Với sự "độc đáo" của mình, Đồng thường đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra, nhưng cũng có không ít thầy cô đặt những câu hỏi rất cụ thể, phát hiện thấy điểm yếu của Đồng nên hạ điểm số của anh xuống.

  Với dáng người thâm thấp, rắn chắc, Đồng luôn biểu lộ sự "độc đáo" của mình bằng những bước đi rất nhanh, khỏe, tiếng nói oang oang và khá thoải mái trong mọi sinh hoạt. Sống gần Đồng những người thông cảm thì cho sự "độc đáo" của anh là "đãng trí bác học", còn người nghiêm khắc thì cho là "lập dị". Tôi nhớ có lần vào thăm thấy Đồng ngồi lên giường học, trên tường treo toàn ảnh những nhà bác học lớn của thế giới như Lômônôxốp, Đac-uyn, Menđelêep... dễ có đến hơn chục vị. Tôi trêu Đồng: "Này, còn thiếu ảnh của Đồng nữa đấy!". Đồng cười, nói: "Ảnh mình thì để người khác treo". Lúc đó tôi hiểu rằng Đồng chẳng "đãng trí" tí nào, trái lại anh đang ấp ủ những dự định rất lớn trong tương lai với niềm kiêu hãnh mình là một trong những ngôi sao của xứ Nghệ như đã có lần Đồng nói khi vui chuyện với bạn bè.

 Sáu năm học trôi qua, Đồng tốt nghiệp trở về nước. Nhóm sinh viên Kisinhốp khá tự hào nghe đâu sứ quán mình đã gọi đích danh cho Đồng học chuyển tiếp sinh. Như vậy là quý lắm vì chỉ có 2 trong số hơn năm chục người được chọn, đó là Đồng và bạn lớp trưởng giỏi giang sau này là GS.TS. Đặng Đình Kim, công tác tại Viện Công nghệ sinh học nữa thôi. Nhà trường vì thông cảm với sự "độc đáo" của Đồng nên đã vui vẻ ký xóa nợ mấy chục quển sách Đồng mượn thư viện mà nếu phải đền thì dễ có đến vài trăm rúp, một khoản tiền khá lớn. Ngày ấy tuy du học 6 năm về mà hành lý của chúng tôi cũng chả có gì đáng giá. Thông thường thì ai cũng cố mua cái xe đạp, sang hơn nữa thì có thêm cái đài, Còn Đồng thì chẳng xe, đài gì cả... sách được gửi qua đường bưu điện hết nên chỉ có cái vali nhỏ. Khi về đến nước, Hải quan cửa khẩu ta cũng nhận thấy sự "độc đáo" nên khám Đồng khá kỹ vì sợ anh chàng đem hàng cấm.

  Chúng tôi về nước tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Phần lớn đều được vào làm việc tại các viện hoặc trường ở những thành phố lớn. Còn Đồng sau khi về thăm quê ít ngày lại vội vã ra Hà Nội để chờ đi chuyển tiếp sinh. Cánh cửa khoa học đang rộng mở trước mắt Đồng. Một hôm đang giờ làm việc, một đồng nghiệp đưa tờ báo Tiền phong có ảnh và bài báo viết về Đồng hỏi xem có phải tôi học cùng với Đồng không? Sau khi đọc bài báo, tôi cười vui vẻ và trả lời "Đúng, sau 6 năm học ở nước ngoài, Đồng cũng chẳng có gì ngoài sách vở đem về đọc thật". Lúc đó tôi thầm mừng cho Đồng có một tương lai sáng lạn...

            Tôi tin rằng cuộc đời Đồng sẽ khác nếu như anh đi nghiên cứu sinh rồi sau đó về một viện khoa học hoặc giảng dạy ở một trường đại học nào đó... Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy. Năm đó Bộ Đại Học ta bỏ chế độ tuyển sinh trực tiếp. Sinh viên tốt nghiệp buộc phải qua một vài năm công tác rồi mới được đi nghiên cứu sinh. Thế là Đồng phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, quăng quật báo cáo của mình hết khoa này đến viện nọ. Với nhiều lời bình phẩm khác nhau của những người có quyền, có chức và có lẽ vì sự "độc đáo" của mình mà Đồng vẫn phải giữ nguyên biên chế Bộ Đại học hơn 20 năm qua với đồng lương tập sự ít ỏi. Nhiệm vụ của anh là đọc sách, viết bản luận văn mà chẳng biết bao giờ mới bảo vệ được. Đồng đã chẳng bao giờ có cơ hội để trở lại nước Nga, nơi dùng thứ ngôn ngữ mà Đồng viết bản luận văn của mình.

           Vì làm việc ở một viện trung tâm gần thư viện Quốc gia nên tôi cũng thỉnh thoảng gặp  Đồng. Có những lần Đồng đưa cả bản luận án đã đánh máy bằng tiếng Nga dầy cộp cho tôi đọc. Nhưng vì bận tôi cũng chỉ đọc lướt qua nên chẳng biết nội dung cụ thể. Suốt 20 năm qua, kể từ ngày tốt nghiệp nếu có dịp là tôi bớt chút thời gian quan tâm đến Đồng cả về cuộc sống và sự nghiệp dưới góc độ là một người bạn, một người bạn rất bình thường thôi. Vì là bạn nên tôi cũng được nhiều người xa gần có liên quan đến Đồng kể về Đồng cho tôi nghe, thôi thì đủ thứ chuyện và cũng đủ lời nhận xét về sự "độc đáo" của Đồng. Có lần tôi còn được đọc cả bức thư Đồng gửi cho một cô gái nào đó mà Đồng quen ở thư viện. Quan điểm của Đồng về tình yêu cũng rất "độc đáo". Tôi nhớ những năm đầu chúng tôi mới sang học, kỷ luật của sinh viên chúng tôi nghặt nghèo lắm. Chỉ có học, mà quả thật không biết làm sao mà chúng tôi tự giác học đến thế, học không dám nghỉ, thậm chí không dám cả xếp hàng ăn cơm nữa. Học, bò ra mà học với động cơ về để phục vụ Tổ quốc và để không thua bạn bè. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Có hôm chi đoàn chúng tôi họp về tu dưỡng phấn đấu, Đồng đứng lên phát biểu "hung hồn" lắm và kết luận một câu " Tôi không có yêu đương gì hết, chỉ học thôi". Chúng tôi ồ lên cười, ngay sau đó Đồng lại tiếp "Tôi nói vậy, nhưng biết đâu đấy rồi tôi lại yêu thì sao?...". Rồi Đồng cũng yêu thật, đã gọi là tình yêu thì không thể lý giải được và nhiều khi nó chỉ  đến từ một phía; cho nên ngạn ngữ Nga mới ví tình yêu như một vòng tròn, nó không có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc. Có lẽ chính vì vậy mà tình yêu mới trẻ mãi. Yêu là khó vậy, nhưng rồi chúng ta ai cũng chỉ chọn một người bạn đời cho mình, xây cho mình cái tổ ấm. Chỉ trừ một số rất ít người nhất định không chấp nhận sự "tương đối" này và trong đó có cả Đồng. Đồng bấy giờ mới ngoại tứ tuần và tôi biết rằng còn khối cô gái, nhất là ở quê hương sẵn sàng "theo" Đồng để nâng khăn sửa túi. Nhưng Đồng  thì vẫn giữ nguyên quan niệm về một tình yêu thật trong trắng và "tuyệt đối"

  Nhiều người trong số bạn bè chúng tôi đã từng có ý định viết về Đồng như một người "đi trước thời đại", nhưng rồi hơn hai chục năm qua chưa ai viết cả. Có lẽ vì viết lách là điều phiền toái. Riêng tôi khi cầm bút ghi lại những dòng này chẳng suy tư gì nhiều ngoài sự nuối tiếc, băn khoăn cho số phận một con người chân thực, một người bạn hết lòng vì khoa học nhưng vẫn chưa đơm hoa kết trái. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi ai là người có lỗi? Sự "độc đáo" của Đồng hay những người được quyền sử dụng Đồng?

...Rồi một ngày tháng 12 năm 1997, lớp tôi thương tiếc truyền cho nhau cái tin Đồng bị tai nạn và ra đi thầm lặng. Những người bạn cũ với tấm lòng xót thương vô hạn đã làm tất cả những gì để sưởi ấm cho vong linh Đồng bằng tình nghĩa bạn bè. Chiếc bàn thờ đơn sơ với chiếc ảnh Đồng rất thật, rất sống động, cương trực, thân thiện. Căn buồng nhỏ nơi Đồng đã sống và đọc sách mấy chục năm qua vẫn đơn sơ, lạnh lẽo khiến ai đến cũng phải ngậm ngùi cho số phận một con người thông minh, "độc đáo" và không may mắn. Đồng đã đi vào cõi vĩnh hằng cũng thanh bạch như chính cuộc đời của mình.

  Ngày giỗ đầu Đồng, chúng tôi lại tụ tập nhau để tưởng nhớ đến anh, để lên mộ anh cuốn sách dày hơn 300 trang của anh: "Khám phá về các bí ẩn của con người và thế giới sống" được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành sau khi anh ra đi 3 tháng. Giáo sư Phạm Đức Dương, chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á - Việt Nam đã viết lời giới thiệu: ... "Đây là một tác phẩm khoa học, được tiến hành với một khát khao nóng bỏng, một bộ óc giầu trí tuệ của một con người có bản lĩnh phi thường..." Anh đã đi sâu khám phá bản chất sự sống dựa trên mối tương tác giữa genotype-phenotyp trong không - thời gian sinh học sáu chiều (khác với lý thuyết không - thời gian vật lý bốn chiều của Anhxtanh). Anh coi nguyên lý tương tác là nguyên lý tổng hợp không những đối với thế giới tự nhiên, mà đối với xã hội, thế giới tâm linh và trí tuệ. Cuốn sách không chỉ gây hứng thú cho người đọc mà còn bắt họ phải tư duy thật sâu xa. Anh đã gửi gắm nội dung bản luận án mà mình đã dành trọn cuộc đời ngắn ngủi để viết trong cuốn sách đó. Cho dù muộn mằn, song sự ra đời của cuốn sách sẽ sưởi ấm hương hồn Đồng và làm vơi đi phần nào nỗi suy tư của những người bạn không bao giờ quên anh. Và tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó cuốn sách sẽ được hiểu một cách thấu đáo hơn như nó đáng được như thế

                                                                                                             15/07/2003                                          

(Báo Tiền phong Chủ nhật, số 29 - 20/7/2003. Tựa đề bài đã được thay đổi)


Người post: TanhVH

Ngày đăng: 12-04-2012 03:03






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: TanhVH
14/04/2012 06:20:21


    (Lời Bình của Nguyễn Thanh Uyển nhờ tôi post giúp)


Chào Thúy !


   Mấy ngày qua, về tp HCM, bọn mình lại bận rộn với chương trình buổi tiễn Thầy cô nên không kịp vào mạng KGU. Hôm qua được đọc bài của Thúy, Uyển cảm động lắm.Khi xem tấm ảnh của bài viết mình đã khóc.Một phần thương cho số phận của Thanh Đồng, một phần nhớ các bạn và nhớ tuổi trẻ của chúng mình da diết.Qua những câu chuyện của Tiến Thắng của vợ chồng Tánh-Mai và một số anh em thường hay ra Hà Nội, Uyển đã biết Thúy là người luôn nhiệt tình với bạn bè trong lớp.Vừa qua gặp nhau ở Thiên Sơn-Suối Ngà mình càng cảm nhận sự chân thành và tình cảm sâu sắc của Thúy.Nói không hề quá,Thúy như một người bạn, như một người chị của bọn mình.


  Cám ơn bạn đã có bài viết thật cảm động. Một gợi nhớ rất ý nghĩa về chàng trai xứ Nghệ,hơi "khác thường" nhưng là niềm tự hào của lớp SV.73 chúng mình.


  Cám ơn bạn nhiều lắm, Thúy ạ.


Nguyễn Thanh Uyển-SV 73



13/04/2012 21:28:06

Cám ơn Nông Hải, anh đã sửa lại họ Ngô rồi



Từ: TanhVH
13/04/2012 10:51:48

Nói thực, bài này bộn tôi đã nói với Thúy đăng ngay sau khi có trang web studentkgu và cũng có dự kiến đưa vào tập sách NGƯỜI KGU của Hội. Nhưng vì nhiều lý do mãi cho đến lần này mới được post lên. Với Ngô Thành Đồng, trong mỗi nguoikgu thời kỳ ấy, đực biệt là đối vói khoá 1973 đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Riêng vơí tôi, câu nơi của Đồng vào một buổi tối năm 1971 sau khi Đồng gọt táo bị đứt tay, chảy máu và mút ngón tay chảy máu như đứa trẻ mút tay liền nói ngay "20 tuổi mới biết máu mình là mặn" thì không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ cuqar mình. Khi về nước, nhà tôi ở Trần Hưng Đạo nên sau khi từ Bộ Đại học ở phố Hai Bà Trưng hoặc thư viện quốc gai về Đồng thường xuyên ghé thăm, khi thì ăn miếng cơm với gia đinhg KGU, khi thì uống chén rượu với tôi. Trong bài của anh  Đặng Đình Kim viết về OB73 có nói đến một đôi mắt huyền cùng lớp mà Đồng để ý thì sau khi về nước Đồng cũng thường xuyên đến thăm người ấy. Có lần Đồng đến nhà gặp bữa cơm có cô cháu gái tôi là sinh viên Đại học sư phạm HN ra chơi, Đồng bắt chuyện và sau đó hay đi bộ từ trung tâm lên Cầu Giấy để thăm. Đồng cùng thường xuyên đến nhà các bạn học kgu đã cặp đôi như Kim-Phương, Khánh-Hiền. Thúy- Tĩnh, Điiền-Liên để chơi và tâm sự. Việc Đồng đột ngột ra đi mà tôi là nười biết thông tin đầu tiên qua tờ báo Tin tức buổi chiều là một cú sốc lớn đối với anh chị em khóa 73 chunhs tôi. Chúng tôi đã lo nơi yên nghỉ tạm thời cho Đồng tại Hà Nội và sau đó cùng với các bạn trong Vinh giúp đỡ gia đình đưa Đồng về nơi yên nghỉ cuối cùng bên cạnh nhừng người thân tại quê nhà. Có lẽ không một ai trong Nguoikgu thời bấy giờ có thể quên được Ngô Thành Đồng. (Đối với các bạn sau này, tôi xin ghi chú là trong ảnh Đồng là người đứng ngoài cùng bên phải hàng đầu).



12/04/2012 19:06:15

 Cám ơn chị Thúy đã cho chúng tôi có dịp tưởng nhớ về Anh Ngô Thanh Đồng- một người rất hiền lành, chất phác. Cuộc đời anh chẳng có gì hơn ngoài sự nghiệp và niềm đam mê nghiên cứu khoa học với những ý tưởng lớn đi trước thời đại.


            &nb sp;   


KGU nổi tiếng Ngô Thanh Đồng


Say mê nghiên cứu rất chí công


Cuộc  đời cống hiến vì khoa học


Tài sản riêng tư có mấy đồng!



Từ: BinhPT
12/04/2012 11:56:33

Đúng là "cũ người, mới ta". Cám ơn anh Tánh đã đăng lại bài này vì chắc rất ít người biết. Cám ơn chị Thúy đã có bài viết sâu sắc về anh Đồng. Như bạn Giảng đã kể, bà Mèo của bọn em luôn giành cho anh Đồng tình cảm đặc biệt vì bà vẫn kể là anh Đồng đã từng yêu em gái của bà. Bà kể sau khi về Việt Nam, anh Đồng có lần đãviết thư sang và nói rất muôn qua lại Kishinhov để thăm người yếu nhưng không có tiền mua vé, rồi anh ấy lại tự nói : Nhưng có lẽ cũng không sao, nếu cứ đi bộ dọc theo đường sắt thì thể nào cũng đến nơi được. Có lẽ, đấy là điều "điên điên đáng yêu" ở anh Đồng.



Từ: KhanhT
12/04/2012 11:38:28


Đi “Hội 50 năm” ở Thiên Sơn-Suối Ngà về, lại được tin Thầy Pushnhjac từ trần, quá sôc. Chiều tối qua KimDD gọi điện cho mình nói Thúy cần đăng bài lên web đàn, đã nhờ TanhHV, nhưng máy tính trục trặc, nên chuyển bài cho KhanhT upload giúp. Thúy nhớ về Đồng – người học trò được Thầy Pushnhjac dẫn đi gặp Thầy Baranovskij xin cho vào học Di truyền trong Viện Hàn lâm! Thầy Pushnhjac cũng như Thầy Tạ Quang Bửu của VN vậy, những “NGƯỜI HIỀN” là như thế. Khi Đồng về nước thì chính Thầy Bửu nhận và “ghép-ep” cho vào làm việc ở Bộ Đại học đấy. Tôi muốn viêt ra nhiều mà ko được, nước mắt cứ nhòe đi, nhớ Thầy nhớ Bạn…


Năm ngoái Ngọc đã làm account cho ThuýNT rồi, nhưng rồi vẫn chưa vào được, nên mình mail ngay cho Ngọc khởi tạo lại. Sáng nay KimDD lại gọi thúc nhanh lên, lại vừa lúc Ngọc cũng báo đã khởi tạo lại account cho chị Thúy rồi. Trưa về mở webKGU thì đã thấy bài TanhHV vừa up lên!


Nghĩa là cả 4 anh em làm cho nhanh và TanhHV đã upload được bài cho Thúy rồi. Mình sẽ lên nhà Thúy “chuyển” account cho bạn ấy để bạn ấy còn đưa các bài viết khác lên mạng nữa.


PS. Về cuốn sách của ĐồngNT thì mình đã có bản “số hóa”, bạn nào muốn đọc gửi yêu cầu qua e-mail cho mình, mình sẽ chuyển lại cho (kèm e-mail dễ hơn, đưa lên webKGU nặng quá không tải được), tran.khanh996@gmail.com



Từ: GiangHV
12/04/2012 08:32:45

Sáng 1/9 năm ngoái, nhân chuyến V ngun, tôi có tr li thăm KTX s 2, có gp li được mt Bà trc KTX. Năm ngoái Bà đã 83 tui, nói là đã làm vic ti đây t nhng năm 60 ca thế k trước (tôi có nh Hoàng Lương và Kim Thanh chp nh cho tôi cùng Bà trước ca KTX). Bà nói là có quen biết vi rt nhiu sinh viên VN ta, song không còn nh tên ai, mà ch nh đc đim ca mt vài người. Trong s các sinh viên này có mt người tôi đoán ra ngay, đó là anh Ngô Thanh Đng vi s đc đáo là "rt hay ra bàn ca nhân viên trc KTX đ đin thoi, nói chuyn qua đin thoi rt dài, nói rt to, nói vi phong cách như đang cãi nhau vi ai đó". Trưa cùng ngày, khi các hc trò cũ gp li cô giáo Tiếng Nga Elena Eduardovna (trong khuôn kh cuc gp mt ca đoàn V ngun vi Lãnh đo trường KGU và các thy cô), sau khi chào hi và chp nh, cô Elena (còn được các trò gi là bà Mèo) hi han ngay v anh Đng (mc dù Cô không dy anh Đng mà ch quen biết anh Đng trong dp Cô dn đoàn sinh viên VN đi thăm quan Bacu vào mùa đông cui 1971/đu1972). Sau khi nghe k chuyn, cô Elena im lng nh v anh Đng vi hàng mi ươướt. Cm ơn ch Thúy đã giúp chúng ta nh v mt đng môn KGU-mt người bn rt chân thành, mt tài năng hết lòng vì khoa hc. Đc bit, nh tm nh post cùng mà tôi được thy li hình nh anh Đng sau ngót 40 năm chia tay nhau ti Kis. 



Từ: HaiNV
12/04/2012 08:01:01

Vừa loay hoay thế nào lại bị mất còm trước? HaiNV lại cứ ngỡ là chị Thúy sau Du Xuân về có khác, nên chị đã viết và post được ngay một bài dài, hay và cảm động về anh Đồng. Năm ngoái, người KGU ta đã được đọc bài viết của anh Khánh về anh Đồng (HaiNV có còm, nhớ đến kỷ niệm nhỏ về anh):


http://www.studentkgu.vn/news/detail/id_716/sec_3/cat_5/


 


 




Ảnh: Chị Thúy (thứ 2 từ trái sang) đi Du Xuân...


P.S. Xem ảnh minh họa (chị Thúy - váy kẻ), anh Đồng (ngoài cùng bên phải) thấy các anh chị sau khi về nước chắc cũng lâu lâu mà chẳng khác xưa bao nhiêu! Attention: Trong videoclip do HT Ngọc up lên, chị Thúy (đội mũ trắng) được "lọt" vào ống kính hơi nhiều!



Từ: HaiNV
12/04/2012 05:22:57
Xem lại, hóa ra anh Tánh post bài viết của chị Thúy đăng trên báo Tiền Phong từ năm 2003, chứ không phải bài mới của chị Thúy. Hy vọng chị Thúy "khôi phục" tài viết từ gần 10 năm trước và sớm xuất hiện trên Web KGU!


Từ: PhuND
12/04/2012 05:09:44

Nhiều lần cảm ơn Chị Thúy. Thật ý nghĩa với những tâm tư và hồi tưởng,đầy tâm trạng: - Nhiều người trong số bạn bè chúng tôi đã từng có ý định viết về Đồng như một người "đi trước thời đại", nhưng rồi hơn hai chục năm qua chưa ai viết cả. Có lẽ vì viết lách là điều phiền toái. Riêng tôi khi cầm bút ghi lại những dòng này chẳng suy tư gì nhiều ngoài sự nuối tiếc, băn khoăn cho số phận một con người chân thực, một người bạn hết lòng vì khoa học nhưng vẫn chưa đơm hoa kết trái. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi ai là người có lỗi? Sự "độc đáo" của Đồng hay những người được quyền sử dụng Đồng?


Em đã tìm thấy cuốn sách của anh Đồng rồi. Ngày xưa Phư đã mua và đọc say sưa. Cầu mong anh ấy an nghỉ nơi suối vàng không có những tai ương như nơi trần tục!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s