KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 16 Tháng mười hai. 2012

Bố mẹ tôi




Tác giả: TuyetHA

BỐ MẸ TÔI (Phần 1).

 

 

Bảy mươi năm về trước, ngày 23 tháng 11 năm 1942, bố mẹ tôi nên vợ, nên chồng. Ngày ấy, bố tôi – một chàng trai Hà Nội, tuổi đôi mươi, vừa tốt nghiệp Trường Kỹ Nghệ Đông Dương. Mẹ tôi, con gái một của một gia đình công chức, vừa tròn 18, là hoa khôi có tiếng ở phố Hàng Bạc. Bác Giản, chị gái của bố tôi kể lại: Khi nghe bố tôi xin ông bà nội tôi sang nhà ông phán Hạnh hỏi cưới cô con gái duy nhất của ông bà cho bố tôi, bác tròn xoe mắt kinh ngạc: “Cậu làm sao thế? Cưới làm sao được con gái nhà ấy?. Bao nhiêu đám dòm ngó mà chưa được, cậu biết không?”. Phớt lờ lời của bà chị, bố giục ông, bà nội tôi:”Ba, Me cứ sang hỏi vợ cho con”. Bác tôi lo cũng phải vì mẹ tôi là cháu ngoại của một nhà đại tư sản ở Hà Nội lúc bấy giờ - cụ Quảng Tường, nhắc đến tên cụ, giới kinh doanh vàng bạc Hà Nội, hẳn ít ai  không biết đến.

Gia đình ông bà nội tôi ở phố Hàng Giấy, cũng trong giới kinh doanh  vàng bạc. Ông bà tôi có 2 cô con gái lớn, cứ khi con gái 18 tuổi, ông bà mở cho một cửa hàng vàng bạc. Cửa hàng của các bác gái tôi ở phố hàng Bạc. Bố tôi hay lui tới chơi với các chị và từ lúc nào đã để ý và làm quen  với cô cháu ngoại cụ Quảng Tường. Theo các bác tôi kể lại thì ngày ấy bố tôi tuy không cao to, trắng trẻo như nhiều thanh niên bạn bè cùng trường kỹ nghệ Đông Dương, nhưng người chắc lẳn vì chơi thể thao và bơi lội giỏi, hơn nữa nói chuyện rất có duyên, rất hài hước nên cứ ở đâu có bố là vui như hội, cũng có nhiều cô mê bố lắm.

          Nghe bố tôi nói, ông bà tôi tuy cũng băn khoăn lo ngại, không biết nhà người ta có đồng ý hay không? Nhưng rồi nghĩ: con trai cũng đến tuổi hỏi vợ được rồi, bố tôi là con trai trưởng mà. Thôi thì cứ liều. Thế rồi nhờ người mối mai đánh tiếng, sau đó ông bà tôi sang thưa chuyện. Buổi đầu tiên, ông bà ngoại tôi chưa nhận lời nhưng cũng chẳng khước từ: “ Còn phải thưa các cụ (ông bà nội, ngoại của mẹ) và xem ý cháu nữa!, ông bà cứ thư thư cho đã”. Sau này bà ngoạt tôi kể lại: Nói là hỏi các cụ cho phải phép, chứ còn trong nghề cũng đã biết nhau rồi. Còn mẹ tôi, khi được hỏi thì thưa: “Cậu mợ dạy sao, con nghe thế!”. Và một điều rất quan trọng là bà tôi đi xin quẻ âm dương ở một ngôi đền nhà hay đến cúng lễ. Bà xin lần đầu được luôn. Nhiều đám đến xin cưới mẹ tôi trước đó, bà cũng đi xin quẻ mà chẳng lần nào được, bà tôi kể thế. Như vậy là thuận cả rồi. Đám cưới của bố mẹ tôi được tiến hành sau đó không lâu. Một đám cưới khá nổi đình, nổi đám ở Hà Nội lúc đó với 4 chiếc xe Ford đen đón dâu theo yêu cầu của nhà gái.

          Ba năm sau, vào một ngày đầu thu 1945, chị gái tôi ra đời, cũng là lúc Cách mạng tháng tám bùng nổ và thành công. Cả dân tộc hân hoan chào đón sự ra mắt của cụ Hồ và Chính phủ nước Việt Nam Độc lập trên quảng trường Ba đình ngày 2/9/1945 với niềm sung sướng tự hào khôn xiết. Bố tôi tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội từ  năm 1938. Sau cách mạng tháng tám, bố  công tác trong lực lượng an ninh thành phố Hà Nội.

19/12/1946 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân dân Hà Nội đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, anh dũng chiến đấu với kẻ thù trong suốt sáu mươi ngày đêm, tạo đủ thời gian cho chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa non trẻ và lực lượng chủ chốt rút ra Chiến khu và bắt đầu xây dựng cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Vì tốt nghiệp Ngành Cơ khí Trường Kỹ nghệ Đông Dương, bố tôi được phân công làm Giám đốc Công Binh Xưởng Liên Khu 3. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp thật gian lao, vất vả. Đầu năm 1949, bố mẹ tôi có thêm cậu con trai. Bố rất bận lại thường xuyên đi công tác xa. Một mình mẹ xoay sở với hai con thơ dại trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Với nhiều người, những khó khăn, thiếu thốn đó chẳng thấm tháp gì so với những gian nguy phải đối mặt với kẻ thù ngoài chiến trường, nhưng với mẹ tôi, vốn sinh ra trong một gia đình tư sản lại là con một nên quen được sống trong sự đầy đủ, sung túc từ bé thì đó quả là một thử thách ghê gớm, khó lòng vượt qua. Hơn thế nữa, mỗi lần mẹ mang thai, thai rất to. Lần mẹ sinh anh trai tôi, con to lại bị “nhau” cuốn cổ, chút nữa thì cả hai mẹ con đã không bảo toàn được tính mạng.  Vì thế, mỗi khi bố tôi đi công tác xa, mẹ tôi lại tha 2 con nhỏ “vào thành” (về Hà Nội), cho dù đường sá  xa xôi, đầy khó khăn nguy hiểm. Tuy rất thương yêu mẹ, nhưng bố  đã phải đấu tranh quyết liệt với mẹ để mẹ giác ngộ và yên tâm ở lại với Kháng chiến. Thư bố viết cho mẹ trước một đợt đi bồi dưỡng chính trị:

 

 

 

 

Em
          Em ra tới đây và nhận được thư này là lúc anh đang đi học một lớp ba tháng. Đoán chắc em có ra thì ra trong dịp này, nên anh để lại thư này cho em:
          Xa em, xa con lâu ngày nhớ lắm.Càng nhớ thì anh lại càng tiếc thời gian vừa qua em đã làm một điều hoàn toàn trái ý anh, mà đáng lẽ ra thời gian đó đã là một thời cơ, một dịp tốt để em được rèn luyện trong gian khổ của cuộc kháng chiến và em được tiến bộ nhiều. Nói gian khổ là đối với em thôi còn đồng bào ta biết bao nhiêu sự chịu đựng cao quý gấp trăm nghìn lần kia chứ.
        Em có biết đâu rằng chỉ vì em sợ khổ đến thân một tý ( vì ở đây nhân dân vẫn đẻ, vẫn sống và vẫn vui) mà làm cho anh khổ tâm bao nhiêu phần, điều thứ nhất: là mang tiếng với đoàn thể, với nhân dân là người cán bộ cách mạng mà không giáo dục được vợ, để cứ ra vào vùng địch, không dứt khoát với kẻ thù - Em không biết rằng mặc dầu em ở trong đó chỉ là làm ăn buôn bán thôi, nhưng em đã phải đóng thuế cho giặc để nó lấy của giết hại đồng bào ta. Ở trong đó là chịu cam tâm làm nô lệ cho nó, vì phải chịu sự kiểm soát của nó, nó bắt sao phải thế - sống dưới nanh vuốt của kẻ thù, kẻ đi giết hại đồng bào mình kẻ dày xéo lên giang sơn đất nước mình thì còn gì là sung sướng nữa - nhất là đã nhiều lần anh giải thích cho em rõ điều đó, thì em nói là không thiết gì sự xa hoa trong đó mà chỉ vì hoàn cảnh kinh tế bó buộc thôi. Điều đó sai hoàn toàn. Em nói em vẫn thích tổ quốc độc lập mà lại ở với giặc, sợ khổ, trốn tránh kháng chiến thì còn nói năng gì nữa.
       Em thử nghĩ xem, như nấu nồi cơm lúc mưa to gió lớn, nếu không chịu khó vất vả, thì sao có cơm mà ăn? Nếu ai cũng như em cho là mình vì sinh kế mà vào ở vùng địch thì còn ai kháng chiến? Sao có độc lập được? Em sẽ nói có nhiều người làm, một mình em thì ăn thua gì?! Thế thì em chỉ thích người khác làm cỗ sẵn cho em ăn hay sao? Không, không được! Công việc cách mạng không phải như thế được ! Hay em cho là đã có chồng em tham gia rồi là đủ ! Càng không đúng. Chính vì có chồng em tham gia, lại càng cần có em cùng tham gia nữa và có khi là người yêu nước thực sự thì nếu chồng là kẻ phản quốc, vợ bỏ ngay và theo với cách mạng, thì mới đúng. Trái lại, chính em lại đi vào ở với kẻ thù của chồng em, của nhân dân, của Tổ quốc một cách dễ dàng quá. Như thế, về phương diện một người con của tổ quốc, em cũng đã có tội, là một người vợ thì em chưa thực yêu chồng, vì nếu thực yêu thì sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, đằng này em không thể chịu khổ để gần chồng được, thế có phải là yêu không? Mà hơn nữa, chính vì em vào đó, em lại làm cho chồng em phải phiền muội, khổ tâm, kém tín nhiệm, giảm mất tiến bộ để phục vụ cách mạng, buồn bực vì em.
          Đối với con, em đã đưa chúng nó vào sống trong khuôn khổ một xã hội thối nát, xa hoa, dâm đãng, ảnh hưởng xấu cho tư tưởng chúng nó sau này. Em đừng tưởng rằng, trong đó nó được quần lành, áo tốt, mình mảy nhẵn nhụi mà là sung sướng đâu. Không phải thế. Chính ở chỗ đó mới là những mụn lở ghẻ, mọc lên trong tâm hồn con trẻ, mà trái lại ở ngoài này, trong cuộc sống tự do, có đấu tranh gian khổ của cha mẹ, của nhân dân, tuy nó có rách quần, lem luốc, ghẻ chân lở tay một tý, nhưng tâm hồn nó trong sạch, nở hoa, tương lai nó sẽ tốt đẹp, vì nó sẽ hấp thụ được những cái đẹp thực sự của cuộc đời có lao động, có đấu tranh, tự do, không có cảnh người ức hiếp người.
      Và bản thân em nữa, em sẽ hòa mình được với nhân dân lao động, em sẽ thấy rõ lao động là quý là cải tạo con người, là nâng cao giá trị con người và có như thế rồi đây kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, em mới thấy được cái sung sướng vẻ vang của con người kháng chiến và xứng đáng là một người dân cách mạng và xứng đáng hưởng những ngày độc lập tươi vui, mà không ân hận đã vắng mặt trong những ngày kháng chiến gian khổ, nhưng vinh quang. Nếu không chỉ là những kẻ chờ sung, muốn ngồi không ăn sẵn, mà thử hỏi hạng người đó ai ưa? Còn gọi sao là người được?
      Em sẽ nói là em ở đây cũng được, song phải được gần anh, chứ anh cứ đi biền biệt thì không chịu được. Không ! Thế cũng vẫn sai. Không phải chỉ vì anh mà em ra đây. Ra là ra với nhân dân, với kháng chiến, ra là để tiêu diệt kẻ thù là giặc Pháp Mỹ và Việt gian bán nước bằng đủ hình thức, chứ không phải vì cá nhân anh, ví dù như chồng em có chết rồi, em cũng vẫn nên ra kia mà! Phải không em ?
   Tóm lại anh muốn em ở ngoài này là vì ở trong kia là trong vòng cương tỏa của kẻ thù, ở ngoài này là chốn tự do, là tổ quốc thân yêu, trừ phi em ở trong đó để hoạt động cho cách mạng, để giết giặc thì không kể, em có làm thế không? Nếu không thì làm lợi cho giặc một xu vẫn là làm lợi cho kẻ thù, làm hại cho cách mạng. Chính vì còn một số người cam tâm phản giống hại nòi, làm tay sai cho giặc, một số người hiểu lầm như em mà giặc nó còn cầm hơi kéo dài ngày ăn cướp của nó được chứ. Ai nấy đều giết giặc, tăng gia, đóng thuế, đi dân công, thì giặc phải chết sớm từ lâu rồi, vì thế thêm một người về địch là dài thêm gian khổ một ngày, thêm một người về kháng chiến là hạnh phúc đến sớm 4 ngày, dù người đó chỉ là em chẳng hạn.
       Vì thế em phải dứt khoát, ở đây để làm người dân, người con yêu của tổ quốc Việt Nam, người vợ quý của anh, hay về trong kia để nuôi nấng thêm kẻ thù làm hại kháng chiến, hại chồng, hại con?
      Hai con đường, em chọn lấy một, nếu em còn quay vào trong đó, bất cứ vì một lý do gì nữa cũng không được. Và như thế là chấm dứt, là hết nghĩa vợ chồng”.

 




                   

                            Bố mẹ và anh trai tôi trong Chiến khu

 

   Lần ấy, khi quay trở lại Chiến khu, đọc lá thư phân tích sâu sắc, chí nghĩa, chí tình của bố, mẹ quyết định ở lại lâu dài với Kháng chiến. Cho đến một ngày cuối thu năm 1953, khi gần sinh tôi, được sự đồng ý của đoàn thể (mọi người cũng đã được chứng kiến nỗi khó khăn, nguy hiểm khi mẹ sinh anh trai tôi), mẹ tôi lại bồng bế anh, chị tôi, vượt chiến tuyến về Hà Nội chuẩn bị cho tôi ra đời.
                                             


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 16-12-2012 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 22 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: TuyetHA
23/12/2012 14:15:03

Com. từ Đặng Tuấn Phương, bạn học của tôi hồi phổ thông:


"Chào A.Tuyết.
 Tôi đã đọc bài:"BỐ  MẸ  TÔI" của Tuyết trên trang KGU.Bài viết hay.Rất tiếc,tôi chỉ là thành viên của K.nhưng mà là KIEV chứ không phải là KGU,nên tôi không thể trực tiếp gửi Com. của tôi lên trang KGU được.Tôi viết vài dòng Com. với suy nghĩ nông cạn,nhưng đầy lòng kính trọng"BỐ MẸ" Tuyết.Nếu thấy được thì làm ơn POST lên trang KGU dùm.Cám ơn Tuyết rất nhiều.
 Tuyết,Thu cũng như tôi và chúng ta, không ai có thể tự chon cho mình BỐ MẸ để sinh ra mình được...Và mỗi người có quyền hài lòng,không hài lòng,có quyền tự hào,không tự hào...về GIA ĐÌNH - BỐ MẸ sinh ra mình.Thật là HẠNH PHÚC cho Tuyết,Thu,tôi và chúng ta hôm nay có những ÔNG BỐ BÀ MẸ dù chúng ta không tự mình chọn,nhưng HỌ là những người trên cả tuyệt vời...
 BỐ Tuyết là:"Một chàng trai Hà Nội,tốt nghiệp Trường Kỹ Nghệ Đông Dương".Tôi để ý,hầu như những người tốt nghiệp Trường Kỹ Nghệ Đông Dương đều là những người giỏi và giỏi một cách toàn diện,cả về chuyên môn Kỹ Nghệ,cả về nhân cách sống...Trong số HỌ nhiều người nổi tiếng và thành đạt.Theo tôi được biết thì BỐ Tuyết trong hai cuộc chiến đã từng giữ chức vụ Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy của một Công binh xưởng thuộc Tổng cục Quân giới Bộ Quốc Phòng .Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thiếu Tướng Giáo sư,Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.Một điều đặc biệt  HỌ rất tự tin và bản lĩnh bước vào đời.Nếu không tự tin và bản lĩnh thứ hỏi BỐ Tuyết có đủ can đảm nói với:"BA,ME cứ sang hỏi vợ cho con" một cô "Là hoa khôi có tiếng ở phố Hàng Bạc".Phải nói BỐ Tuyết là môt chàng trai Hà Nội rất tự tin,đầy bản lĩnh cùng với tình yêu mãnh liệt...Không biết các bạn nam khác thế nào chứ bản thân tôi chắc phải học hỏi rất nhiều thì mới mong theo kịp sự tự tin và bản lĩnh như BỐ Tuyết.
  Nhưng có lẽ MẸ Tuyết là người tôi ấn tượng hơn.Bạn hỏi vì sao?
  Tôi thấy ở MẸ Tuyết hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam - Gia giáo - Đoan trang tuy "Là hoa khôi có tiếng ở phố Hàng Bạc"(Khu phố cổ HN) nhưng lại thấm nhuần lễ giáo:"TAM TÒNG - TỨ ĐỨC" thể hiện qua:"CẬU MỢ dậy sao,con nghe thế".Thử hỏi thời nay có mấy cuộc hôn nhân mà "Cha Mẹ đặt đâu con ngồi đó" hay là đa số "Con đặt đâu Cha,Mẹ ngồi đó".
  Cũng xuất phát từ "TAM TÒNG - TỨ ĐỨC" mà MẸ Tuyết "Quyết định ở lại lâu dài với Kháng Chiến".Trong thư BỐ Gủi cho MẸ:"BỐ đã phải đấu tranh quyết liệt với Mẹ,để MẸ giác ngộ và yên tâm ở lại với Kháng Chiến".Theo tôi nghĩ bức thư dù có "Đấu tranh quyết liệt" cũng chỉ có tác dụng một phần nào đó thôi.Phần rất quan trọng,trên hết và trước hết "Để MẸ giác ngộ và yên tâm ở lại với Kháng Chiến" là ở chỗ MẸ RẤT YÊU BỐ.
 Theo tôi nghĩ phụ nữ thời đó hay nói chung đa số HỌ rất đơn giản,không suy nghĩ sâu xa,"Đao to,búa lớn".Với MẸ Tuyết,tình yêu mãnh liệt với một con người cụ thể là CHỒNG MÌNH-BỐ Tuyết.MẸ đã vượt qua "Thử thách ghê gớm" tưởng "Khó lòng vướt qua".Điều đó nói lên tất cả.MẸ đã chọn:"Ở ĐÂY ĐỂ LÀM NGƯỜI DÂN,NGƯỜI CON YÊU CỦA TỔ QUỐC VN,NGƯỜI VỢ QUÍ CỦA ANH".
  Trong những năm còn ở Hà Nội thỉnh thoảng tôi có đến nhà Tuyết ở Khu tập thể Nam Đồng chơi.Một vài lần gặp BỐ Tuyết.Sau mấy câu chào hỏi xã giao,BỐ Tuyết sang phòng khác,để Tuyết tiếp chuyện bạn.Còn MẸ Tuyết chắc vì bận công việc nội trợ phiá sau cho nên hình như tôi chưa một lần nhìn thấy MẸ Tuyết.Cơ hội cho tôi giao tiếp với BỐ,MẸ Tuyết hầu như không có.Nhưng không sao bài viết đã giúp tôi.
  Bài viết cho tôi thấy chân dung của ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ và chân dung NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM - ANH HÙNG-BẤT KHUẤT-TRUNG HẬU-ĐẢM ĐANG.Tôi cũng thấy đâu đó hình bóng của BỐ,MẸ mình.THẾ HỆ VÀNG của thời đại HỒ CHÍ MINH.
   Cám ơn Tuyết "







Từ: HuongLH
21/12/2012 16:46:50

Tuyết ơi,


Có lẽ cũng giống như thế hệ các cụ của nhiều anh chị và các bạn Hội người KGU, cuộc đời hoạt động của hai bác gắn liền vói lịch sử đất nước và Hà Nội. Đọc chuyện về bố mẹ Tuyết, thấy thương và cảm phục bác gái quá. Đành rằng cả bố và mẹ Tuyết đều người Hà Nội gốc, nhưng khi trải qua những khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến, mẹ Tuyết đã phải vượt khó hơn bố gấp mấy lần. Một cô gái xinh đẹp con nhà giàu đất Hà Thành 18 tuổi vừa lo cho hai con còn nhỏ lại vừa tham gia công tác cách mạng mà vẫn bình thản đương đầu với khó khăn, thiếu thốn, thật đáng trân trọng. Bức thư của bố quả là một kỷ vật quý giá, nhưng đúng là thư của chiến sĩ an ninh nên có vẻ hơi nghiêm khắc nhỉ. Và chính vì thế mà thấy quý hơn đức hy sinh lớn lao của mẹ.


Mong được đọc tiếp phần 2 của chuyện tình cách mạng và chúc bà luôn bình an, khỏe mạnh quây quần bên con cháu..



Từ: ThanhLK
21/12/2012 10:43:59

Tuyết ơi, vào chợ thấy cái ảnh là biết ngay bài của cậu. Thằng cháu "đít nhôm" nhà cậu rất giống ông ngoại. Lớn lên cháu đọc bức thư của ông ngoại gửi bà ngoại, chắc cảm phục lắm. Các cụ đã có một quá khứ đẹp và hào hùng. Khi nào cậu ra thăm bà chúng mình lại tụ họp nhé.



Từ: LyTM
19/12/2012 21:41:11

Ôi năm tháng với trường kỳ kháng chiến


với những ước mơ bỏng cháy của thanh niên


với những tình yêu cao cả bởi Mẹ hiền


Là Tổ quốc còn đang rên xiết!


 


Tuổi thanh xuân đẹp vì cống hiến


hạnh phúc lứa đôi nhỏ bé với giang san


gian khổ, tù đày,... bao ngày tháng cơ hàn


vẫn chan chứa tình với bao la Tổ quốc!


 


Ôi những lứa đôi, sống cuộc đời bất khuất


phú quý giầu sang chẳng bận chí anh hùng


trong trẻo tình đời, giữ trọn một lòng trung


Tổ quốc là đây, chân chính người cộng sản!


 


Chẳng đợi ngợi ca, bởi đã là ánh sáng


tự mỗi một lời tâm huyết tự lòng son!


Đất nước còn, tình đôi lứa sẽ còn


Những gương sáng cháu con đều ngưỡng mộ! 



Từ: HanhLM
19/12/2012 10:58:33

Tình yêu của bố mẹ chị Tuyết - những nam thanh nữ tú của Hà Nội ngày ấy thật đẹp và đầy "tính đảng". Có lẽ khó một người vợ yêu chồng thương con nào lại không "tâm phục khẩu phục" trước những lý lẽ phân tích sâu sắc, đầy sức thuyết phục và cũng tràn đầy tình yêu thương của chồng mình. Và mẹ chị Tuyết cũng không phải là ngoại lệ. Em thực sự kính trọng và cảm phục các cụ. Chị  Tuyết thật hạnh phúc có bố mẹ tuyệt vời như vậy.


Cầu mong bà luôn sống mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc bên con cháu!



Từ: MinhCK
19/12/2012 08:46:20

 


Tuyết có khuôn mặt giống cha, nụ cười, tính tình và một tấm lòng rất giống mẹ. Có lẽ cuộc đời đã cho em tất cả những gì tinh tuý nhất, đẹp nhất của cha và của mẹ. Anh đọc xong bài của em mà cứ lâng lâng mãi, suy nghĩ mãi về tình cảm của người mẹ với con cái và với chồng một người lính luôn phải xa nhà. Cũng như bao người mẹ khác, mẹ anh cũng gần giống như thế, có điều cụ nhà anh không bắt cụ bà phải lên chiến khu mà lúc mang thai bọn anh  được ỏ bên cạnh bố mẹ mình ở Bắc Ninh nên cuộc sống cũng đỡ hơn. Hai cuộc kháng chiến đi qua biết bao nỗi lo toan dằn vặt nhưng bao giờ các cụ vẫn bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng,sống vì sự nghiệp chung của đất nước. Giá bây giờ mọi người thực hiện được đúng như tinh thần của nghị quyết 4 thì tốt biết nhường nào. Mong em và gia đình luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc.


 


 



Từ: 3Chai
19/12/2012 03:32:32

Chắc chắn là gia đình Tuyết cũng phải di chuyển nhiều lần. Lá thư như thế này chắc được gìn giữ lắm mới sống qua được ngần ấy năm. Phải giữ cho bọn trẻ sau này được đọc.


@Khoa. Chuyện y như chuyện nhà mình vậy.



Từ: BaLX
18/12/2012 10:17:53

Hội KGU có nhiều gia đình có thể viết được thành sách, nhìn ảnh bố mẹ Tuyết thời trẻ đẹp quá, nhất là mẹ Tuyết - là mẫu người của các cô gái Hà Nội khi xưa. Như các bạn nói, Tuyết đã chọn lọc được tất cả các nét đẹp của cả bố và mẹ. Đọc bức thư của bố Tuyết viết cho mẹ. chị thấy giống như mình đã đọc trong một vài cuốn tiểu thuyết của các nhà văn hiện thực thời những năm 1930 - 1940 viết về các chàng trai Hà thành tham gia kháng chiến, thạt là một mối tình đẹp và đầy tính cộng sản. Mong được đọc tiếp phần 2.  



Từ: GiangHV
18/12/2012 08:28:58

Đang rất háo hức đón chờ các phần tiếp theo của "BỐ MẸ TÔI". Rất may mắn là mình đã được gặp và nói chuyện với cả bố và mẹ Tuyết tại khu tập thể quân đội Nam Đồng. Các cụ rất quý mến và quan tâm đến bạn bè của con cái. Thật hạnh phúc cho Tuyết vì các cụ để để lại cho các con một kho tư liệu vô cùng quý giá để có thể viết thành sách, thành kịch bản phim,...



Từ: ChiNB
18/12/2012 08:18:05

Cảm phục với những "trai tài, gái sắc" chính gốc đất Hà thành như bố mẹ của Tuyết. Chuyện về bố mẹ của Tuyết đúng như HoaNT đã nói:có thể viết thành tiểu thuyết và dựng thành phim được đấy. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có "Luỹ hoa", Tuyết viết "Bố mẹ tôi" cũng hay không kém đâu, mong được đọc tiếp Bố mẹ tôi Phần 2 của Tuyết.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9764
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7159
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s