KGU News >>CCCP
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 14 Tháng tư. 2013

Một thoáng Làng




Tác giả: HuyenBT

 

Mỗi năm tôi có ít nhất 2 lần đi công tác xuống các vùng nông thôn. Thường đó là mùa xuân và cuối mùa thu. Cảnh sắc 4 mùa ở Moldova rất đẹp. Những sườn đồi thoai thoải, với những thung lũng bất ngờ mở ra những làng xóm nhỏ bé, yên bình. Những ngôi nhà nhỏ với những mái lợp màu sắc khác nhau, trông xa, giống như những bao diêm vuông vắn.Rồi đến những rẻo rừng, không quá to lớn, và rậm rạp. Ở đó cây cối hiền hòa, lặng lẽ thay áo cho mùa.

Tôi yêu mùa xuân ở làng quê. Vào mùa xuân, làng quê thức dậy.  Những cánh cổng bắt đầu được mở ra thường xuyên hơn. Và từ đó, bò và ngựa, ngan ngỗng, dê cừu bắtđầu lũ lượt bước ra đồng. Cỏ non xanh gọi chúng. Những con ngựa cuồng chân sau những ngày dài đứng trong chuồng và nhai mãi một thứ cỏ khô với thân cây ngô già…giờ đây được thả tung ra như gió. Chúng tung vó chạy miết một vòng quanh sườn đồi rộng, hí lên vang trời trước khi cúi xuống hít hà mùi cỏ non và mùi ngai ngái của đất. Đất mùa xuân cựa mình khe khẽ. Giống như thiếu phụ vươn duỗi thân thể sau một giấc ngủ đẫy giấc.Thoáng trên gương mặt còn vương chút ngái ngủ là nụ cười mọng đầy hạnh phúc.

Trên những vòm cây, lũ sẻ đậu kín, trông như những quả lê chín còn sót lại từ cuối mùa thu. Người ta mang chăn đệm và thảm ra phơi. Những tấm thảm treo tường, hoặc trải sàn nhà rực rỡ bao hoa văn, màu sắc. Người dân Moldova thích những họa tiết cầu kỳ, vui mắt. Thích cách pha trộn màu chẳng giống ai: đỏ rực với xanh biếc, với vàng ươm…Tiếng đập thảm bồm bộp vang khắp các nhà. Trên những hàng rào bằng gỗ sơn xanh, sơn tím, những tấm thảm màu vắt lên tầng tầng, lớp lớp, trông chẳng khác gì những chiếc váy digan. Người thôn quê thích vui nhộn, những màu sắc cũng rộn ràng như những điệu nhảy của họ.

Cánh cửa mở ra từ những khung cửa hẹp (người Moldova thường làm cửa rất hẹp, họ muốn giữ hơi ấm tỏa ra từ những lò sưởi bằng củi cho căn nhà, họ muốn hạn chế tối đa những cơn gió miền đồi thổi tốc vào trong). Những bà già nặng nề bước ra sân. Các bà mặc những chiếc váy bằng vải bông, in những bông hoa to tướng, đầy màu sắc, và những chiếc khăn vuông chít trên đầu cũng rực rỡ hoa. Nếu là những bông hoa màu xanh, trông các bà hệt như những chiếc bắp cải chặt ních trong vườn, nếu là những bông hoa màu đỏ, vàng, trông các bà chẳng khác gì những quả bí ngô chín căng, tròn trịa. Theo sau đôi dép lê bằng vải bạt dy, bao giờ cũng là một chị mèo béo ịch, uể oải, vừa đi, vừa vẫn còn lim dim mắt, hoặc đôi ba mụ vịt lạch bạch, hai con mắt ngơ ngác ngó hai bên. Trên tay bà lão là cái tô lớn bằng nhôm dày cộp (có lẽ làm từ thời Xô viết), trong đó đựng thức ăn rất tạp, đến nỗi nếu bà lão vung nắm thức ăn đó ra sân thì cả chó, mèo, vịt, gà, chim bồ câu, chim sẻ đều xúm đến, ăn ngon lành, cứ như là thứ thức ăn đó chỉ dành riêng cho chúng. Những âm thanh loạn xị trên sân. Chúng tranh ăn. Và bà già cất tiếng phân giải, the thé, gắt gỏng nhưng tràn ngập yêu thương -  cái kiểu mắng yêu của các bà mẹ. Những con vật lắng nghe và cũng hiểu, nên chúng đều ở lại đầy đủ trên sân cho đến hạt thức ăn cuối cùng.

Mùa xuân ngập ngừng mở những  ô cửa sổ, những cánh cửa từng đóng im ỉm sau lớp rèm buông suốt cả mùa đông. Các cô gái leo lên bậu cửa sổ và bắt đầu lau chúng bằng  giấy báo sau khi đã xát lên đó những củ hành cắt đôi. Thời này, hóa chất đã tràn cả vào bữa ăn, nhưng ở làng quê người ta cố khước từ những thứ đó, người ta vẫn dùng những nguyên liệu dân dã, truyền từ đời bà, sang đời mẹ, đời con. Củ hành thu hoạch từ mùa thu, sau lớp vỏ khô bóng, là một thứ tẩy rửa những vết ố bẩn rất tốt. Các cô gái tóc buộc túm gọn gàng, ánh mắt vui tươi sáng long lanh, giống những ngôi sao thấp thoáng sau ô cửa kính. Các cô mặc tạp dề ngắn, thoăn thoắt sải cánh tay, tì, miết  khăn lau lên tấm kính cửa sổ. Đôi khi các cô chúm đôi môi hồng xinh, hà hơi vào mặt kính. Ấy là khi gặp một vết ố, cần có hơi ẩm để lau sạch chúng. Ấy cũng lại là một cách “gia truyền” bà dạy cho như thế.

“Nếp nhà” cứ thế được mang theo từ đời này sang đời khác, ở mọi nơi, cả khi các cô gái ấy làm dâu nhà người. Các ông chồng người Pháp, người Ý phàn nàn, vào những ngày nghỉ cuối tuần muốn mang vợ đi ăn tiệm, đi chơi ngoại ô, mà cứ nhất định phải đợi cô vợ Moldova lau cho xong những ô cửa kính của tất cả các phòng ở. Chồng nổ máy xe dưới sân kêu: “Em ơi, được rồi, nó có bẩn gì đâu!” Các cô điềm nhiên đáp lại: “ Mẹ bảo không bẩn cũng phải lau tuần một lần!” Các ông chồng vừa lắc đầu chịu thua, vừa lẩm bẩm: “Thế thì dịch vụ lau cửa sổ sắp ế hết rồi!”

Còn bây giờ các cô gái nhỏ vừa làm vừa khe khẽ hát. Bài hát vui tươi lắm, hẳn là thế, vì thấy các cô hay mỉm cười. Các cô hát mê say, hát đi hát lại, đến khi các ô cửa kính đã lau sạch bong, sáng như gương trước tia nắng phản chiếu của mặt trời mùa xuân.

Ở nông thôn Moldova vẫn còn những cái giếng đào. Đó là nguồn nước chủ yếu, bắt đầu từ mùa xuân. Mỗi làng có vài cái giếng nước. Người ta tự hào, người ta nâng niu giếng nước, như một ân huệ Trời ban. Chắc người dân vùng đồi nào cũng nâng niu nguồn nước. Giếng được xây cao, có mái che mưa và bụi, thành giếng và mái che được tô vẽ, chạm, khắc cầu kỳ.Thường đó là cả một bức tranh, kể về một truyền thuyết, hoặc một trích đoạn trong Kinh Thánh, hoặc đơn giản là các nét hoa văn. Giếng nước là nơi gặp gỡ, tán câu chuyện, câu trò của các bà già. Vì thế mà bên cạnh giếng, người ta còn đặt những băng ghế dài bằng gỗ sơn xanh, sơn đỏ, hầu chuyện các bà. Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện con cái, cưới xin…không bao giờ vơi chuyện, dù ngày nào cũng gặp nhau. Người ta kéo thùng nước bằng gỗ từ giếng lên (đôi khi sâu đến 5 chục mét), rồi đổ vào những cái xô sơn xanh, bên trong tráng men bóng loáng. Nước trong vắt và lạnh giá sóng sánh trong xô, theo mỗi nhịp bước đi của các bà lắc lư hệt những con búp bê “lật đật”. 

Nước ở giếng đào sạch trong, và bổ lắm. Người ta có thể uống ngay, không cần nấu sôi. Lúc trẻ con bị sốt, người ta lấy khăn thấm nước giếng đặt trên trán là hạ sốt ngay. Nước giếng đựng vào một cái bình thủy tinh, mang ra nhà thờ làng, để Cha đạo thả chiếc thập tự bằng bạc vào, lúc sau mang về nhà gọi là “Nước Thánh”. Để sẵn trong nhà, ai ốm đau, nhức đầu, đau bụng, đau chân, đau tay, uống vào ba ngụm, xoa lên vài lần, là yên tâm, thấy đau tan hẳn. Người ta thường lấy nước giếng mùa xuân, đưa đến nhà thờ vào ngày lễ Phục Sinh, để làm Nước Thánh.

Vào những bữa trưa, bữa tối, từ bếp lò tỏa ra mùi thức ăn thơm ngậy. Người nông thôn vẫn ưa dùng nhiều dầu mỡ, họ bảo chúng tôi phải có sức để ra đồng. Họ chẳng mấy khi mua bánh mì ở cửa hàng, tất cả đều tự làm theo kiểu “домашний”. Không thể cãi được, tất cả những thứ đó ngon hơn bao nhiêu, thơm hơn bao nhiêu và quan trọng là hợp khẩu vị bao đời. Người thành phố  kiêu căng với những món ăn thị thành, những đồ ăn nhập ngoại, và vì thế bị dân quê kêu ca là người thành thị làm mất hết khẩu vị gia truyền. Có lẽ đúng, vì thấy trong các bảng bầu chọn món ăn ngon nhất nhì thế giới, nhìn kỹ ra thì toàn là món cổ truyền có nguồn gốc quê.

Ngày ở nông thôn thong thả lắm. Dường như mặt trời cũng nấn ná hơn khi lặn xuống. Chiều ở nông thôn rơi nhè nhẹ theo những giọt nắng tắt. Chiều thong dong theo những bước đàn bò về chuồng. Chiều êm êm theo những cánh hoa rừng khép lại. Chiều nhẩn nha theo những ngọn khói bò trên mái, chiều ê a theo tiếng trẻ con học bài bên bậu cửa, chờ ăn.

Giấc ngủ ở nông thôn bình yên, không mộng mị.

Những buổi sớm mai thường có nắng mặt trời.

Và cây bật chồi trong vườn. Những chồi non căng mọng, tròn xoe, thập thò, tinh nghịch như con mắt trẻ. Rồi hoa bay.Cả đất trời ngập tràn trong hoa trắng muốt. Gió mùa xuân phóng khoáng, sải dài đôi cánh từ đầu làng đến cuối làng. Hoa bay theo đôi cánh gió! Ngàn ngạt hoa bay! Trận cuồng phong hoa đó đôi khi xoáy tròn, để lại trên đường những “vũng hoa” trắng lấp lánh, ngỡ như những mảng tuyết cuối mùa đọng lại. Tôi đã từng được đi hân hoan trong trận cuồng phong hoa đó, và thích thú thấy tóc mình như đội cả một trời sao.

Ở làng quê gặp nhiều hoa dại. Hoa rải rác ở các mép vườn, hoa dọc theo vệ cỏ bên đường, hoa lấp ló sau những hàng rào bằng gỗ…đủ màu sắc và dáng kiểu, giống như những nốt nhạc ngẫu hứng, có chút vui, chút buồn, bâng khuâng và da diết.

Những cô bé làng, sau buổi học được vào rừng, nhưng không phải để dạo chơi. Nông thôn còn nghèo khó. Các bà mẹ dúi vào tay con gái những chiếc giỏ rộng đan bằng sợi lau, bảo các cô bé hái thật nhiều hoa, rồi ra lề rừng, đứng bán. Lề rừng nằm dọc theo xa lộ, nơi có những chiếc xe vun vút chạy qua. Chẳng mấy khi có xe dừng. Đôi khi dừng, lại chỉ để hỏi đường. Các bé gái đứng thưa thớt bên lề đường, cách nhau những đoạn xa xa.

Tôi dừng xe lại trước một bé gái. Không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Cách một đoạn  xa, tôi đã để ý thấy bé gái thật đặc biệt. Cô bé không đứng rầu rĩ, mông lung, vô thần sắc, như những cô bé bán hoa dọc đường ta thường gặp. Em chẳng mấy đăm đăm ngó về xa, đón xe khách đi đường. Em không sốt ruột, bồn chồn tay vân vê vạt áo. Cô bé mải việc của riêng cô, đến khi tôi bước lại, em mới ngẩng mặt lên. Tôi nhìn thấy niềm vui nào đó còn đẫm tràn trên mặt em.Trong cái nắng nhẹ và hanh hao mùa xuân, đôi gò má có những đốm tàn nhang ửng hồng như quả táo chín. Đôi bàn tay bé nhỏ dường như chưa muốn ngừng cuộc chơi.

Trên chiếc giỏ bằng sợi lau đan, lật ngược, những túm hoa đồng nội nằm chồng chéo lên nhau. Những bó hoa xộc xệch, pha trộn lung tung loài hoa và màu sắc. Đôi khi còn nguyên một túm cỏ có những chiếc lá hai màu nằm chung một bó hoa. Rõ ràng là thua xa các bạn em, ở đó những bó hoa bó đều chằn chặn, ngăn nắp, gọn gàng, chục bó như một, hài hòa màu sắc, sạch sẽ, tinh tươm. Tôi hỏi em tên những loài hoa.Và tôi vô cùng ngạc nhiên, đến ngỡ ngàng khi em không chỉ nói tên mà kể cho tôi một lô, một lốc các sự tích, cùng truyền thuyết về loài hoa đó. Bàn taybé nhỏ vuốt ve, âu yếm những đóa hoa, xếp đặt chúng như không phải là em đang bán, mà đang chơi đồ hàng với lũ hoa nhỏ. Lời kể thật sống động như chính là hoa đang tự kể về mình.Tôi thực sự bị cuốn hút.Tôi bảo em, tôi muốn mua hết tất cả chỗ hoa này. Giọng em bỗng ngừng bặt, em thảng thốt nhìn tôi. Tôi bảo em, tôi sẽ mua giá nào mà em muốn, và em thật may mắn hôm nay, vì bán hết hoa, được về nhà sớm. Em buồn bã cúi xuống không đáp lời tôi. Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ này, vừa mở ví tiền, vừa có ý tìm những đồng tiền lẻ mới nhất. Tôi hỏi em ai sẽ đưa em về nhà, xung quanh không một bóng làng. Em ngoái ra sau lưng chỉ xuống cánh đồng mênh mông, có một chiếc máy cày ở nơi xa tít: “ Bố em đón, chiều tối bố mới cày xong, rồi qua đây đón em!” Ngừng một lúc em nói tiếp: “ Em không có ai để nói chuyện. Làm ơn đừng mua hết, để lại cho em một bó hoa đi!”. Ánh mắt em cầu khẩn. Tôi lặng người nhìn cô bán hoa bé nhỏ. Em buồn khi phải xa những bông hoa. Em lưu luyến nhìn theo những bó hoa. Tôi trả hết tiền, rồi chia lại cho em một nửa số hoa. Em vồ ôm lấy chúng, và nhoẻn cười đầy biết ơn. Khi tôi mang những bó hoa đi về phía xe, em chạy theo ái ngại. “Còn gì nữa thế?” –Tôi ngạc nhiên hỏi. Em nhìn tôi ngập ngừng: “Xin đừng tin, em bịa ra hết đấy, những câu chuyện về hoa ấy mà. Không phải thế đâu, cả tên hoa nữa, tất cả là do em nghĩ ra đấy. Em xin lỗi….” Tôi mỉm cười hôn lên trán em, rồi quay đi với cái vẫy tay thân thiện. Từ xa, tôi thấy em nhìn theo, cười, nụ cười rạng rỡ in vào chiều xuân như một búp hoa bay lơ lửng trong vạt nắng rất trong.

Một chiều xuân làng quê mang cho tôi ý nghĩ : Có lẽ từ ngàn xưa, chính là những cô gái bé nhỏ của làng quê đã đặt tên cho Hoa dại, và tặng cho chúng những truyền thuyết đáng yêu đến thế…

Tất cả đều bắt đầu từ Làng, và mùa Xuân cũng thế, từ Làng mà bước ra!

 

                                                                                                                                                                                                                                                          Moldova 10/4/2013


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 14-04-2013 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 64 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HuyenBT
02/05/2013 20:09:33

@ Anh Nghị ơi, vui quá, nếu điều ấy được chấp nhận và thông qua. Dù sao cũng là cơ sở nâng cao tính Pháp chế- một vấn đề luôn là điểm yếu và nan giải ở nước ta. Em cảm ơn anh nhé, chúc anh và chúng ta thành công!



Từ: NghiPH
02/05/2013 14:56:42

Em HuyềnBT: Ý kiến của thầy Kontrabai, của em và của nhiều người khác đã được thể hiện một phần trong phương án ghi nhận thẩm quyền phán xử của Hội đồng Hiến pháp về một số vụ việc vi hiến chứ không chỉ là thẩm quyền kiến nghị, đề nghị như trong Dự thảo.



Từ: HuyenBT
01/05/2013 14:52:15

@ Anh Hải ơi, tại vì anh hay "thức khuya, dậy sớm" nhất, nên anh hay gặp được em. Những gì cần viết lách trên KGU, em thường làm vào lúc "nửa đêm Hà nội" như anh  phát hiện ra đấy. Đúng là hầu như chỉ có 2 anh em lang thang trên mạng những lúc đó thôi. Ngay khi đó, em đã thấy anh viết :" H ơi, Một thoáng làng đâu rồi, anh vừa mới nhìn thấy?". Tại là vì khi đó em tập chèn ảnh theo cách mới mà HT truyền cho. Nhưng không được. Thôi, cứ theo cách "gia truyền" cho nó lành. Em cũng giống như người trong Làng, rất tín nhiệm những gì " trăm hay không bằng tay quen". Nhưng cuối cùng thì vẫn phải kêu đến Tổng Nghị. Em cảm ơn anh Nghị lần nữa nhé, lúc ấy anh đang bù đầu với 15 triệu ý kiến đóng góp cho HP, (mà có mỗi điều em nhờ, thì vẫn chưa thấy kết quả!!!)



Từ: HaiNV
01/05/2013 10:16:27

 


Có lẽ anh là một trong những người đầu tiên (hay thậm chí là duy nhất?) thoáng nhìn thấy bài "Một thoáng làng" của em HuyềnBT khi lần đầu em post bài này lên vào lúc nửa đêm Hà Nội, rồi ngay sau đó em lại gỡ xuống. Khi "Một thoáng làng" trở lại Web KGU thì anh vừa quá bận, vừa muốn "để yên xem sao", để vừa "nhâm nhi" bài của tác giả vừa "lai rai" các còm của mọi người. Con số 62 ngẫu nhiên dành cho còm của anh sau mấy ngày "vi vu" về quê, chắc chắn không phải là số cuối cùng! Cám ơn em đã cho những "người quê" như anh được cảm nhận mọi thứ ngọt ngào hơn những gì một miền quê có thể ban cho mình và cho đời! 


 



Từ: NghiPH
01/05/2013 09:47:36

Một thoáng Làng sao mà sâu lắng thế. Ở đây có thiên nhiên Moldova, có tính cách, nếp sống của người Moldova. Có văn hóa làng vùng đồi xứ Moldova. Anh thích cái cảnh khi ra giếng lấy nước các bà ngồi lại nói chuyện với nhau. Đừng sống quá tất bật. Hãy sống chầm chậm thôi!



Từ: ThoaNP
30/04/2013 22:44:40

Cảm ơn Hoài về ảnh hoa đồng tiền đơn nhé. Mình thích nhất ảnh cuối cùng bên trái. Nó gợi nhớ cho mình những năm tháng ở Hà Nội (trong Nam không thấy đồng tiền đơn).



Từ: HuyenBT
30/04/2013 19:51:29

 




@ Chị Lý TM ơi, chị com thơ lần này công phu quá, làm em ái ngại vì vẫn chả có thơ họa lại, đền đáp.


Thôi thì gửi tặng chị một góc vườn xuân, để chúc cho một "sáng chủ nhât tươi hồng" nhé!


 Những bức ảnh hoa vừa mới chụp hôm nay, với chủ đề "Simphony of Colour chị nhé! (Có khi xem xong cái Simphony này, chị lại "tức cảnh" một bài thơ nữa, thì em lại nợ chị chồng chất đấy thôi!)


 


 



 


 


 


 



Từ: HuyenBT
27/04/2013 16:17:00



@ Chị Xuân Ba ơi, đấy là hoa Anh đào, không phải hoa Táo đâu chị. Các loại Anh đào, Phúc bồn tử, Táo, Lê, Mân, thậm chí Aiva... đều thường có màu trắng, (đôi khi hoa Táo có màu phơn phớt hồng, vì là giống táo đỏ), rất dễ bị nhầm lẫn, nhưng quen rồi thì nhìn ra ngay. Hoa nào cũng có chút đặc biệt riêng của nó. Bây giờ đang là mùa nở rộ nhất của các loại hoa, lại đang có nhiều gió, nên chỗ nào cũng ngập trong hoa bay, có lúc giống như tuyết rơi ấy, chị ạ. Em rất mong chị trở lại được nơi đây. Chị khỏe nhé, và quyết tâm trở lại nhé!


@ Chị Bích Chi, vào mùa thi, mùa bảo vệ luận văn là mùa hoa Pion đấy. Hoa Pion khi cắm vào bình lớn với chùm lớn rất đẹp. Nhà em có nhiều khăn trải bàn ăn in hình hoa Pion, trông vừa rực rỡ, vừa rất ấm cúng. Em cũng thích hoa đồng tiền đơn hơn là đồng tiền kép. Hoa đồng tiền đơn phải đi cùng với mấy cái lá măng xanh lại càng duyên dáng hơn nhiều. Còn hoa Sưa, chị Chi tưởng tượng được không, em mới biết về nó cách đây 2 năm. Em còn nghĩ là người ta viết sai chính tả, chắc là Hoa "Xưa", chứ không phải hoa Sưa, (sợ người Hà nội phát âm không chuẩn!!!). Hóa ra em đã nhìn thấy hoa Sưa từ lâu rồi, từ hồi sang đây làm sinh viên, ở Moldova, nó chính là hoa Acacia đấy chị. Nó làm mình cứ ngỡ tuyết giữa mùa hè. Hồi đó đến giờ chỉ biết nó là Acacia, mà không biết nó cũng chính là hoa Sưa của VN mình. Cây này, hoa này rất quý. Thôi, em dừng nhé, không thì em lại sa vào hoa không biết khi nào mới dứt ra được.


@ Anh Hoài, (Ô, anh bị lạc vào một rừng chỉ toàn Chị em và Hoa!!!). Em cảm ơn những bông đồng tiền đơn của anh. Chị em cũng phức tạp phải không, đã đồng tiền lại còn phải là đồng tiền đơn, thứ ấy bây giờ hiếm hoi quá. Nhưng cái gì đã trở thành kỷ niệm thì khó mà quên, khó mà thay thế. Anh thông cảm nhé, chiều Chị em, lặn lội tìm Hoa!


Câu chuyện về hoa Pion đúng là như anh post lên đấy. Nhưng em và chị Thoa muốn nói đến cái truyện gốc, tức là câu chuyện được tác giả Thụy Anh nhắc đến trong bài viết của mình cơ!




Từ: HoaiPV
26/04/2013 13:18:14

Chị Chi ơi, đúng là với Hoa khó lòng mà dứt được! em gửi chị mấy bông Đồng tiền đơn, ngày xưa bạn em cũng rất thích những bông hoa "một mình" này đây!


 


 


 



Từ: ChiNB
26/04/2013 09:44:06

Huyền ơi, chị nhớ mái hoa Пион vì đúng hôm chị bảo vệ Luận án tốt nghiệp, bà giáo hướng dẫn chị, bà Nina Alecxeevna đã tặng chị một bó hoa Пион màu đỏ to đùng. Đề tài "Hoa dại" của em ở mục Blog lại tiếp tục chuyển vào đây rồi. Làm sao mà không yêu được hoa cơ chứ. Hoa đem đến cho ta bao cảm xúc, hoa làm cho ta thấy cuộc sống thật tuyệt vời. Chị lại nhớ những ngày sơ tán chống Mỹ, cuối ngày chủ nhật từ Hà Nội trở về làng quê nơi sơ tán, chị hay mua những bông hoa đồng tiền đơn (bây giờ rất ít có loại này), mang về cắm trong lọ hoa làm bằng vỏ đạn để trên bàn học mà chủ nhà đã dành cho lũ học sinh sơ tán từ HN. Hà Nội vừa qua mùa hoa Sưa trắng, bây giờ lại bắt đầu Bằng Lăng tím và Hoa Phượng nữa, nhưng sao chị vẫn thấy yêu những bông hoa dại xứ người hơn, chắc vì những kỷ niệm thời tuổi trẻ đã in sâu đậm vào mình rồi.


 




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s