KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 03 Tháng mười hai. 2012

Sơ tán




Tác giả: Kim Thu

 

SƠ TÁN

 Phần 2: TRẠI TRẺ T45, Chương Mỹ, Hà Tây

 

           

 

 

Mùa hè 1967. Sau cái chết oanh liệt của cậu Phi, tôi bắt đầu thấy ngấm sợ. Không phải là sợ chết, mà sợ thảm họa chiến tranh nếu cứ tiếp tục tỉa dần những người thân yêu của mình. Hôm biết đích xác tin cậu Phi đã hy sinh, bà Sinh Từ rũ ra, bà chỉ có độc nhất cậu là con trai. Con trai bà mất lúc mới 23 tuổi đời. Trẻ quá! Bà ngẫm sao cái thân bà không đi thay thế được. Bà tủi thân, vì 23 năm qua ông bà nghèo, cậu chưa mở mặt được ngày nào. Bà thương cậu, vì cậu chỉ có một mối tình duy nhất thiết tha với cô Song Thu, bạn học chung trường Chu Văn An ngày nào, cũng chẳng thành, chẳng lấy được nhau. Mẹ tôi thương bà quá đỗi, có an ủi bao nhiêu, bây giờ với bà cũng bằng không.

Lần đầu tiên, tôi hiểu ra, thế nào là mất mát, tổn thất và đau thương không gì bù đắp được, do cuộc chiến khủng khiếp này giáng xuống đất nước tôi, quê hương tôi và gia đình tôi. Chúng tôi vì thế vẫn phải xa Hà nội.Từ nay chị em tôi sẽ sống trong một tập thể lớn: trại trẻ T45, do Tổng cục Hậu cần thành lập, để các cháu sống nội trú tại nơi sơ tán.

Từ Hà nội vào, đi theo hướng Mai Lĩnh, Chúc Sơn là đến địa hạt của Chương Mỹ. T45 nằm trên đất xã Đại yên. Thiết kế xây dựng khu trại trẻ, mô típ giống hệt như một doanh trại quân đội. Đại bản doanh của trại là khu nhà ngang. Đối diện là khu nhà mẫu giáo. Bên tay trái của khu nhà ngang là một dãy nữa, gọi là Nhà Nam. Ở đây, chỉ toàn các cháu trai nhỏ chừng dưới 12 tuổi. Như thế, ba dãy nhà sẽ tạo ra một phần đất trống ở giữa. Nó là sân chính của trại. Trên sân có bàn bóng ping-pong. Góc sát với khu nhà ngang có cột cờ. Lá cờ đỏ sao vàng đã bạc với phong sương, vươn lên cao, đầy kiêu hãnh. Trong những đêm liên hoan văn nghệ của trại, đây chính là khu vực dành cho sân khấu.

Ở khu nhà ngang : Phần chính nhất sử dụng làm Nhà ăn. Bên cạnh là văn phòng của bác Liễn, phụ trách trại. Phía sau là khu nhà bếp rộng rãi, khang trang, với những bếp lò nấu bằng than và củi, đều được xây cao, chắc chắn. Bác Liễn mang quân hàm trung úy. Có lẽ bác người Thái bình, vì tôi nhớ bác thường phát âm từ "bao diêm" thành " bao riêm". Bác Liễn đúng là hình tượng một bác lực điền đồng bằng Bắc bộ: to cao, vạm vỡ, hai cánh tay như thép, vai u lên, nước da nâu bóng, rám nắng, mặn mòi. Bác thật sự là "cán bộ chỉ huy" vô cùng đáng yêu của bọn chúng tôi.

Chính trị viên là bác Tiếp, người Quảng Nam, mang quân hàm thiếu úy. Bác Tiếp nhẹ nhàng, dí dỏm và thâm trầm. Trong hàng ngũ phụ trách trại trẻ còn các cô Lâm, cô Hằng và cô Hương y tá. Ở đây chúng tôi có hai cô Chính.

Bọn tôi gọi là cô Chính trẻ - cô rất hắc, nghiêm lắm và cô Chính già - cô có hai con trai nhỏ ở cùng, cô phụ trách nhóm mẫu giáo. Nhóm cấp dưỡng có cô Thọ, cô Dư và sau này có thêm cô Lan nữa. Một chú tiếp phẩm là chú Thân. Với số lượng các cô bác phục vụ như vậy, theo tôi là nhiều. Bọn chúng tôi có lẽ chỉ tới bảy chục tất cả, trong khoảng từ 3, 4  tuổi đến 15,16 tuổi. Chúng tôi phần lớn là con gái. Vì các cậu con trai sang đến cấp II, đều vào trường Nguyễn Văn Trỗi cả . Sau này, về đến Hà nội, lên học cấp III, tôi mới nghĩ lại, cũng may, chứ không riêng việc giải quyết những cuộc "chiến tranh giữa các vì sao" của các nam thanh, nữ tú, đủ làm các cô bác phụ trách đau đầu.

Các cháu trong trại trẻ được chia theo nhóm tuổi. Các cậu bé không có chị gái, chia về NHÀ NAM. Bọn tí nhau chưa đi học, về NHÀ MẪU GIÁO. Còn lại, như bọn tôi, các bác cho sống theo gia đình. Nghĩa là mấy chị em một nhà, sẽ được ngủ chung một giường. Bên chỗ chị em tôi ở là NHÀ NỮ. Khu nhà này lại nằm cách biệt hẳn bên dãy nhà chỗ bác Liễn. Một khu nhà vách đất, mái gianh, nóng về mùa hạ và lạnh về mùa đông, đón gió bắc từ cánh đồng trước mặt thổi vào. Có tới bốn cái cửa ở bốn mặt nhà, cái nào cũng kọt kẹt suốt ngày, nhưng đều có khóa. Tất cả vì an ninh cho bọn nữ chúng tôi. Bọn tôi gọi giường ngủ ở đây là "giường liên hợp quốc" , vì nó dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Giường được thiết kế từ hai cây vầu dài, loại già đã lên nước vàng bóng, có chân đỡ rất kiên cố. Trên hai cây vầu ấy, được ghép những tấm phản gỗ chắc chắn, dày dặn. Cứ hai tấm phản ghép lại, là vừa vặn một cái giường đôi. Bốn chị em tôi được tọa trên diện tích ấy, vừa là phòng ngủ, vừa là phòng học và nữa là nơi tiếp thượng khách: khi bố mẹ xuống thăm. Bên trên, sát vách đất là ba cây tre được ghép lại và gia cố bằng những sợi mây trắng, nó chạy theo chiều dài của "giường liên hợp quốc", với vai trò xích-đông. Chả có tủ giả gì hết. Bao nhiêu của nả, chồng cả lên cái "xích-đông tre" ấy. Lấy đồ xuống không khéo, có ngày vỡ đầu anh ngồi dưới.

 Khi chị em tôi đến T45, số các bạn cũ ở đây đã khá đông. Lớp 9 có chị Uyên và chị em Đào,Tùng. Bằng độ tuổi tôi có Thạch, Hoàng Ánh Tuyết và Vân con cô Dư cấp dưỡng. Cùng đến T45 với chị em tôi năm ấy, có ba chị em Tuyết Hạnh, Liễu và Tùng.

Chúng tôi sinh hoạt như các chiến sỹ tí hon. Có điểm danh mỗi tối chủ nhật và nhận xét sơ kết trong tuần. Bắt đầu những buổi tối ấy, bao giờ cũng là những bài hát quen thuộc, đã cũ mèm, vì tuần nào cũng hát đến nó. Đến nỗi sau này, mỗi khi nghe thấy cái giai điệu ấy, lập tức tôi nhớ T45, nhớ cái tập thể bé nhỏ yêu dấu ấy, đến nao lòng.

Đầu tiên phải kể đến "Nhị Lạng Sơn", bài hát của cái thưở Việt Nam, Trung Hoa còn thân thiết  tình hữu nghị những năm thập niên 60.

                                           "Đây bao núi non hùng tráng

                                            Suối reo qua bước đường Tây Tạng

                                            Bọn quốc dân đảng lang sói đã tan

                                            Niềm sống vui lan tràn...."

Sau đó là bài:

                  "Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi

                   Đây mênh mang biển rộng, lòng ta như biển trời..."

Và buồn đến não cả lòng là giai điệu bài:

                                          "Voi ơi, voi ơi

                                           Voi có cái vòi, vòi cao là cao cao ngất

                                   Bốn chân tròn tròn, ấy bốn cái bánh tròn tròn

                                           Voi đứng đầu thôn, canh giữ đất 

                                           trời cho xóm làng mến yêu..."

 

Sáng mai, nghe tiếng còi lanh lảnh của cô Lâm, cô Hằng, ráng mà dậy, gấp chăn màn cho lẹ. Đứa nào gấp không đúng quy cách, bị phát hiện ra, thì cứ việc mà gấp lấy vài lần, đến nhuyễn thì thôi. Và sau đó là chương trình thể dục buổi sáng cho các cháu. Riêng bọn lớn chúng tôi, vì đi học sớm, nên không phải tập. Ở đây bọn trẻ con phải tự lập hoàn toàn. Một hình ảnh rất xúc động, có lẽ không bao giờ tôi quên được, đó là hai thằng Hùng và Phong.Tôi chưa bao giờ gặp bác Phi Sơn, cha của chúng. Ngay cả mẹ của Hùng, Phong tôi cũng rất ít gặp. Có lẽ cả hai bác đều đi công tác trong kia suốt. Hai cậu bé sinh đôi lúc ấy chừng 3, 4 tuổi. Ở khu nhà Mẫu giáo. Hai anh em ngủ trên một giường cá nhân. Sau khi các cô mắc màn cho, mỗi thằng tự dắt đúng một nửa phần màn chỗ mình nằm. Không ai làm hộ phần việc cho người kia. Trên đầu giường, mỗi đứa có một  cái đèn đêm. Nó là vỏ của qủa  trứng, trong ấy có con đom đóm các anh lớn đã bắt cho từ chập tối. Sáng mai ngủ dậy, mỗi cu cậu mở một nửa phần màn của mình chui ra ngoài và gối ai, người nấy xếp cho ngay.

Tôi phục chúng nó quá, nhất là giữ cho vỏ quả trứng không vỡ, để còn được cái đèn đêm, cái đèn mà không một kỹ sư điện tử "Mẽo" nào nghĩ ra được. Phục chúng nó nữa là sự tuân thủ nhất nhất một kỷ cương, cái luật thời chiến áp dụng cho hai thằng bé kéo quần chưa nổi. Xin bạn đọc thử tưởng tượng một đứa trẻ 3, 4 tuổi thời nay. Sẽ có đến  bao nhiêu người nuôi nấng, chăm bẵm. Ngoài cha mẹ, còn ông bà và osin các kiểu. Chiến tranh đã khiến con người vượt lên trên cả cái ngưỡng, tưởng chừng không thể vượt nổi.   

 Vào lớp 7 cấp II Hợp đồng năm đó, ở T45 có tôi, Tuyết , Hạnh và Thạch. Trường Hợp đồng cũng chỉ có duy nhất một lớp 7. Ngoài bọn tôi ra, khu vực phụ cận còn có nhiều học sinh sơ tán khác. Tuấn Phương , Bùi Văn Xuân, Phương Hồng, Ngô Minh Ngọc và Phùng Thanh Việt là con em bên Tòa án tối cao. Việt hiện làm việc tại trường đại học ở Karlsruhe, tây Đức. Bên báo Thời sự phổ thông có Thắm và Hòa. Trường Hợp đồng không có thày giáo và hầu hết các cô đều là giáo viên Hà nội. Học sinh sơ tán bọn tôi chiếm tới gần một nửa lớp.

Hồi tháng Tám, trước lúc khai giảng, bọn trẻ trong T45 vào ôn tập. Bọn các em nhỏ đều học theo hướng dẫn của các cô. Bọn lớn chúng tôi phải tự lập. Tôi để ý thấy bọn Tuyết, Thạch làm bài tập toán với 7 hằng đẳng thức nhoay nhoáy ra. Thôi chết tôi rồi, học kỳ II của lớp 6, lúc còn ở Hồng Châu, tôi chểnh mảng lắm, có hiểu gì đâu. Không ổn! Tôi lập tức đi mượn cuốn sách Toán lớp 6 tập II, xem lại. Gặp được cô bé lớp 5, nó mới sắp vào lớp 6, mà còn phải khẩn khoản mãi, nó mới đưa. Trong tuần ấy, tôi như đi tu, không chơi, không tán dóc,không tụm năm tụm bảy, không đọc chuyện, xem sách, chỉ luyện 7 Hằng đẳng thức đáng nhớ, thật sự cấp tập. Làm thông thạo việc giản ước, thu gọn một biểu thức và những phép tính ngược lại. Trong tuần ấy, tôi phải giải bằng được tất cả các bài tập của chương mục này. Cuối cùng, tôi đã lấp được lỗ hổng kiến thức ấy. Sau này, đến đầu thập niên 90, tôi lại gặp " 7 anh bạn hằng đẳng thức" ấy, khi tôi học thêm với con gái tôi. Nhớ mãi không quên.

 Năm nay Vân vào lớp 5, nhưng lại học ở cấp II Đại Yên. Cùng lớp với Vân có Lê, Minh Hiền và thằng Hoàng "bốc".  Mỗi sáng ăn lót dạ xong, hai chị em tôi chia tay nhau, mỗi người theo một ngả đường đến trường. Đến chỗ rẽ, tôi cứ nhìn theo mãi, bóng 4 cái mũ rơm của bọn Vân, cho đến lúc khuất hẳn sau rặng tre. Hồi ấy, đan mũ rơm để bán cũng là một kinh doanh. Càng về sau này, mũ rơm càng được hoàn thiện, có thẩm mỹ, nhẹ và thanh hơn hẳn.

Vừa vào khai giảng, trường Vân yêu cầu nộp tre pheo và gạch để củng cố lán học và làm lại hầm trú ẩn. Mẹ tôi phải vác tre cho Vân từ T45 lên tới trường Đại Yên. Còn Vân, lễ mễ ôm hai viên gạch. Đường xa lắm, đến vài cây số chứ không ít. Lúc đầu, mẹ cũng tính nhờ người giúp, rồi trả thù lao, nhưng tìm không phải dễ. Mẹ quyết định tự vác lấy. Cây tre dài, nó không nặng quá, nhưng rất loằng ngoằng khi vác, và rất khó định hướng. Nắng cuối hè vẫn rát mặt. Nhìn bóng mẹ và Vân đổ dài  trên con lộ, muốn chảy nước mắt .

 Ở T45, các cô nhà bếp không nấu cơm trong nồi quân dụng, mà nấu bằng chảo. Cơm ngon lắm và cháy thì rất tuyệt, thơm và ròn tan. Đằng sau dãy nhà ngang, là ruộng rau muống của trại, các cô bác không chỉ trồng rau, còn cấy thêm lúa nếp và nuôi lợn. Những lúc bài vở xong, bọn tôi thường xuống phụ cho các cô, các bác. Có khi giặt đồ cho các em nhỏ lớp mẫu giáo cùng cô Chính. Hoặc vào nhà bếp, lúc nhặt rau, lúc sắp mâm bát, lúc chia cơm. Ở đây vì bếp đông, số lượng khẩu ăn nhiều, rau muống không thể nhặt như ở nhà. Các cô lấy liềm, cắt roẹt một cái, rồi tung bó rau ấy ra rũ, vứt bỏ cỏ, rau dại và lá úa, nhanh lắm. Rau được luộc hoặc nấu canh trong những nồi quân dụng lớn. Khi ăn, bọn các em lớp dưới, không bao giờ được chan canh ngay. Thứ nhất là tô cơm đang đầy. Thứ nhì là là cơm còn nóng, canh vào sẽ vữa và nữa là chẳng có đâu nhiều canh thế mà chan.  Riêng bọn tôi và các chị lớp lớn, ngồi ăn theo mâm. Tôi vẫn nhớ cái khay thức ăn. Nó màu sáng như mạ crôm, có nhiều ngăn, nông choèn choèn, chia ra theo từng món. Bọn nhỏ và nhất là lớp mẫu giáo, bao giờ cũng có quà chiều, chúng tôi thì phèo, chẳng có gì, lại lôi lương khô 702 ra nhá.

Một lần trong bữa cơm chiều, chị Uyên bảo bọn tôi:

- Này, cháy chảo ngon lắm bọn mày nhé, rắc thêm tý muối vừng vào, cực kỳ. Hôm qua, chị ăn no luôn.

- Em có muối vừng. Tuyết khoe.

- Em cũng có muối vừng. Tôi phụ họa.

Trưa hôm sau, từ trường về, chúng tôi đói lả cả người, đang tuổi ăn tuổi lớn mà. Bọn tôi không về Nhà Nữ cất đồ mà vào thẳng nhà ăn. Trút cặp sách và tháo mũ rơm ra, tôi và Tuyết chạy ngay vào trong bếp. Trên chảo, cháy cơm còn nguyên. Hai đứa vội đi tìm cái xẻng các cô vẫn dùng nó để xúc cơm, tính cậy cháy lên. Khi chúng tôi quay lại, thì cô cấp dưỡng mới, gánh nước gạo vào. Trại trẻ bọn tôi ngoài trồng rau, các cô bác còn nuôi lợn nữa.

- Cô ơi, cháu chỉ lấy một miếng thôi. Tuyết vừa lên tiếng hỏi xin, thì "oạp" một cái, hai thùng nước gạo đồ vào chảo cháy.

- Cô , chúng cháu xin rồi mà, thôi thế là hết! Tôi lầu bầu.

Tuyết cầm cái xẻng cơm, đứng đờ người.

Hạnh từ ngoài chạy vào hân hoan:

- Còn không, tao một miếng, cho luôn chút muối vừng nha!

- Còn nguyên. Trong chảo này này. Tôi chỉ cho Hạnh.

- Thế ra chúng mình không bằng con lợn à. Hạnh quay lại nói với bọn tôi.

- Chúng mình chả được coi ra gì, chả bằng con vật ! Tuyết phản ứng ra mặt.

Ba đứa bọn tôi nhìn chảo cháy bây giờ đầy nước gạo, mà đầm đìa nước mắt.

Chúng tôi bỏ luôn bữa cơm trưa, ấm ức trong lòng làm sao nuốt được. Reo mình xuống phản, lòng tôi những là ngao ngán. Đói bắt đầu réo trong bụng. Lương khô 702 ! Tôi nghĩ ra ngay. Bẻ một mẩu bỏ vào miệng và nằm nghĩ miên man. Hay sang bà nội, giờ này bà đang ngủ trưa, lại phải dậy dọn cơm cho mình, lỉnh kỉnh lắm.

Chuyện đến tai bác Liễn ngay. Chắc bọn chị Uyên đã lên "kiện cáo".

Bác gọi ba đứa bọn tôi lên. Tôi thấy bác đang hút thuốc. Bác nghiện thuốc lào nặng. Trên bàn, cạnh bộ tách trà là cái ống bương, lúc nào cũng đầy ắp đóm tre. Bác rít thêm một hơi thuốc, rồi nói:

- Bác đã nghe cả. Các bác không ai muốn làm như thế. Cô ấy là cấp dưỡng mới, chưa quen. Bác biết chứ, bác thương chúng mày như con. Đến đây sống với bác, phải xa nhà, xa cha mẹ, thiếu thốn nhiều lắm, mà vẫn lo học tốt, bác rất mừng. Bác cũng có con nhỏ, bác đi biền biệt suốt, nhưng chúng nó còn có mẹ chăm bẵm, còn sướng hơn chúng mày. Những gì đã xảy ra trong nhà bếp trưa nay, bác xin hết. Sẽ không bao giờ có những chuyện như thế xảy ra nữa. Đồng ý không?! Bác đảy gói chuối khô về phía bọn tôi: - Quà quê bác đấy, cầm lấy mà chia nhau. Được chưa nào.

Chúng tôi chuyển từ ấm ức, giận dỗi sang thương bác, cảm thông với bác, vị trung úy già. Bác ơi, chúng cháu không bao giờ giận bác đâu, chúng cháu hứa đấy.

 Thật ra cái ăn cái uống ở T45, chúng tôi sướng hơn, đầy đủ hơn các bạn sơ tán xung quanh rất nhiều. Vì đơn vị nuôi được lợn, cấy được lúa nếp và trồng rất nhiều rau muống. Rau non, bác cháu ăn quanh năm. Rau già nấu cho lợn, gốc làm phân, chả bỏ đi đâu tý nào.

  Món ăn được bọn tôi ưa thích nhất là món lươn om. Các cô om nó với chút sả, lại ướp thêm tý nghệ, màu vàng hấp dẫn thật bắt mắt. Tôi nhớ mãi, trong khi đó, nhiều bếp ăn của các trại trẻ khác, các bạn ăn uống thật kham khổ. Hồi ấy bột mỳ ăn độn khá phổ biến. Nhiều nơi, kỹ thuật chế biến kém, hoặc cũng do đại khái, bánh bột mỳ hấp ăn như tra tấn. Tôi nhớ, lớp bảy bọn tôi hồi đó có thằng Long, trắng như con gái, tóc hoe đỏ như người nhuộm. Nó cắm "cái hòn đá kỳ" - tên của món bánh bột mỳ hấp, vào cái bút chì, vừa gặm vừa lẩm bẩm: -Thế là xong bữa trưa!  Nó đúng như tên gọi, bánh gì mà cứng đơ, bột chả thấy nở nang gì, vị nhạt thếch, màu bột thì đã ngả, có lẽ quá đát, và hình dáng thì y hệt như hòn đá kỳ. 

Từ ngày về T45, bà nội tôi ở bên nhà bác Mối, ngoài khu trại trẻ, cách khu nhà ở bọn tôi chừng 7 phút đi bộ. Bà cứ chép miệng phàn nàn:

- Bố cháu cứ tính quẩn, chứ về cả đây ở với bà, ăn cơm nóng sốt bao nhiêu.

Tôi biết bà buồn vì nhớ chị em tôi. Hồi đầu, còn báo cơm nhà bếp cho bà, rồi tôi hoặc Vân mang sang. Dần dà, bà thích thổi nấu lấy, ăn theo khẩu vị của bà.

 Tuyết cũng có bà ngoại đi sơ tán cùng, như bà nội tôi vậy. Bà ngoại Tuyết bé nhỏ, người thanh, tiếng nói sẽ sàng. Bà thường giã trầu trong một cái cối nhỏ, rất đẹp. Bà ngoại Tuyết là con gái Hàng Bạc gốc. Đến bấy giờ, cụ vẫn giữ được những nét thanh tao, lịch lãm và vẻ đẹp đài các của các bà các cô Hà nội cổ.

Mấy tháng đầu ở T45, chị em tôi bị lở hết cả hai bàn tay. Bà nội gọi đó là "phá nước". Tôi không dám đặt bàn tay mình lên bàn học, lúc nào cũng dấu dưới ngăn bàn, trừ lúc viết. Mấy em tôi, lở hai bàn tay, rồi lở đến cả hai chân và thân thể bên trong. Có đêm ngủ với các con, mẹ sờ vào người Vân, sao thế này, mông nó dày cộp lên như tảng cháy, vì bị lở, mụn nước vỡ ra, dịch rỉ viêm khô lại, đóng tảng. Mẹ tôi xin cho chị em nghỉ học, đưa về Hà nội chữa. Mẹ đun nước là sấu, đến khi nước âm ấm, đổ vào một cái nồi nhôm to tướng của cửa hàng, cho Vân ngâm cả người trong đó.  Sau đó bôi xanh Methylen. Thuốc xanh làm hỏng hết cả áo quần. Nó mà dây vào thì chỉ có nhuộm, giặt thế nào cũng không đi.

 Ở đây, có khá nhiều các cháu, cả bố, cả mẹ đều ở chiến trường. Những sáng chủ nhật, xe bus của cơ quan bố tôi đón phụ huynh xuống sơ tán thăm con, mới thấy thương tâm cho những đứa bé ấy. Chúng biết phận mình, lủi thủi ra chỗ vắng. Lâu lâu, cũng thèm khát ngắm nhìn cảnh tượng quây quần bên cha mẹ của các bạn mình. Chúng nó sống trong tình thương yêu, chăm sóc của các cô, bác thật đấy ; nhưng chẳng tình nào nào bằng được tình mẫu tử, bằng được yêu thương vỗ về của chính bố mình.. Thiệt thòi vì chiến tranh, vắng cha, vắng mẹ, cuộc sống chúng nó gửi trọn vào nơi đây, cái tập thể bé nhỏ, gần gũi này.

Trong số ấy, tôi nhớ Sầm Thanh. Cô bé chừng 10 tuổi, chẳng có anh chị em, độc thân bao năm nay trong trại. Thoáng nhìn, nó giống một đứa trẻ Campuchia. Hơi hoang dã, lầm lũi, ít nói, xa lánh mọi người và đặc biệt là tính rất cục. Lớ xớ chọc nó, gọi nó là con gái Sầm Nghi Đống, nó "oánh" đấy, con trai nó cũng không ngán đâu. Đầu tóc Sầm Thanh lúc nào cũng rối bù, tuổi này, các cô để tự lập, không chải dùm, nhưng nó cũng chẳng tự chải và chao ôi là lắm chấy! Những lúc có dịp, mẹ tôi luôn bớt thời gian chải chấy cho nó, mẹ thương nó lắm.Tôi nghĩ nhiều đến số phận của con người. Nếu không có chiến tranh, cha mẹ Sầm Thanh sẽ sống yên vui bên con gái rượu, chỉ có mình cô mà. Cô bé chắc chắn sống đầy đủ về vật chất và thỏa mãn trong tình yêu thương của cha mẹ. Dứt khoát, tóc Sầm Thanh được mẹ chăm chút, sẽ óng ả mượt mà. Quần áo người ngợm sẽ tinh tươm, đâu ra đấy. Cô bé sẽ tươi vui, linh hoạt và thật đáng yêu, trong vòng tay mẹ cưng chiều. Còn bây giờ,Thanh buồn nhiều chứ, nhất là những ngày chủ nhật và ngày lễ, cả T45 đông vui trong cuộc viếng thăm của các phụ huynh. Rồi hai thằng cu tý Hùng và Phong con bác Phi Sơn. Chúng nó bé quá, làm sao biết "tế nhị" để tránh nhìn chằm chằm những lúc gia đình khác vui vẻ, ăn uống. Chúng nó thèm khát được ôm một cái vào lòng, thèm được chia một cái bích- quy. Hai cặp mắt trong veo như  những giọt nước, cứ hau háu mỗi khi có cuộc chia bôi. Chúng mơ những ngày được mẹ ôm chúng trong tay, mơ những ngày ngồi trong lòng lòng bố nghe kể chuyện, được công kênh trên đôi vai bố, cao lênh khênh và vênh cái mặt xinh xắn đầy tự hào với đám bạn bè. Bao giờ cho hết chiến tranh ? Câu hỏi ấy cho cả nước, cho người lớn và có lẽ trước hết cho những đứa trẻ như Hùng, Phong này.

Một buổi chiều, bọn tôi đang quây lại tán chuyện. Bỗng bọn con gái nhỏ từ đâu chạy vào, hổn hển báo tin, chúng nó tranh nhau nói, lạc cả giọng:

- Chị Thu, thằng Châu không biết đọc, cứ đứng yên nãy giờ.

- Không biết đọc! Còn lâu ấy. Tôi nhái lại bọn nhóc

- Nó còn biết viết, biết làm toán nữa là. Không biết đọc! Tôi vẫn ấm ức lẩm bẩm.

Bỏ đám bạn, tôi chạy theo mấy cô bé. Trong một căn nhà dành cho lớp mẫu giáo và để dạy bọn còn nhỏ học, em tôi, cậu Châu đang đứng như trời trồng. Thấy tôi, cô Lâm nói ngay:

- Nó không chịu đọc Thu ạ, cứ đứng như vậy từ nãy đến giờ.

- Cô ơi, nó biết đọc mà, biết viết và làm được toán nữa.

Tôi tiến vào lớp, kéo tay em:

- Về với chị, mai rồi học.

Tôi xin cô Lâm cho em ra khỏi nhóm trò nhỏ

- Sao Châu không đọc? Tôi hỏi .

- Bài này đọc rồi.

Tôi biết tính cậu em. Nó ít nói lắm, cũng chỉ vì thế mà mấy cậu "đầu gấu" trong trại nhiều lần cà khịa. Bao hôm đi học về, vừa bước vào khu Nhà Nữ, bọn nhóc đã mách:

- Thằng Châu bị đánh.

Lần ấy, chịu không nổi, tôi tiến lại chỗ tốp "đầu gầu" và hỏi:

- Chị muốn biết đứa nào đánh thằng Châu?

- Tại sao đánh thằng Châu, Mai "mèng"? Tên tục của nó vậy.

- Sao bọn em hỏi nó không trả lời !

- À, nó không trả lời bọn mày, là có lỗi hả?

-Chị cảnh cáo nhé! Tôi cầm tai chú bé xoắn lại, dốc hết bực tức vào hành vi ấy của mình, mà tôi biết là tôi không được phép.

- Nhớ nhé, chị mà còn nghe thấy lần nữa, sẽ không mách các bác đâu. Chị sẽ xử lý bọn mày. Tôi tiếp tục răn đe.

Sau này, khi về Hà nội, học lên cấp III, ôn lại những kỷ niệm xưa, tôi vẫn cười mình vì những hành vi ngu dại năm nào.

Tháng Chín năm ấy, hai em tôi cả Yến và Châu đều vào lớp một. Cô Yến học muộn một năm, vì năm trước ở Thường Tín không đi học. Cậu Châu học sớm một năm, vì trường lớp ngay cạnh khu trại trẻ, đi học cả thể cho vui. Cả hai em tôi, vì đã được Vân trang bị cho từ năm ngoái, những kiến thức sơ đẳng, nên luôn dẫn đầu lớp. Cứ tháng này Châu đứng thứ nhất, thì Yến đứng thứ nhì và đổi lại.

  Sắp đến ngày 22 tháng mười hai. TrênTổng cục liên hoan. Bọn tôi ở sơ tán cũng có liên hoan. Các bác mổ lợn. Gớm, từ sáng, bọn nhóc đã đổ bộ xuống khu vực nhà bếp. Chúng nó khoái vì thấy cảnh bắt trói lợn. Lợn kêu eng éc, còn đám con nít thì cười như phá nhà. Dao thớt loảng xoảng, náo nhiệt hẳn lên, y như những ngày giáp tết. Không khí thanh bình quá. Bữa chiều ăn sớm, để còn liên hoan văn nghệ. Đại diện cho Tổng cục, có bác Ngô Vi Thiện, bố của chị Uyên xuống dự. Từ cả tháng trước, chúng tôi đã lên chương trình tập duyệt. Không có một nhạc công nào, chẳng có một cây đàn nào, không có xiêm y như các đoàn văn công .Thế mà đêm ấy, trên "sân khấu nhà", chúng tôi những đứa trẻ xa cha mẹ, xa Hà nội, trong cuộc sống chống chọi với bom đạn Mỹ, đã biểu diễn thành công giữa tiếng hoan hô vang dậy của người xem. 

Toàn bộ váy áo Tây nguyên được các chị lớn lo thiết kế. Các chị may chúng từ những quần lụa đen cũ, tháo hết đường may, rồi lật mặt trái ra, còn tốt nguyên và cắt thành y phục múa. Những xấp giấy thủ công đỏ, vàng và trang kim, hôm nay được huy động hàng loạt, cắt chúng thành những ruy-băng mềm mại, dán lên váy áo. Còn son phấn? Chị Đào nói: Giấy hương! Thế mà đẹp. Má đứa nào cũng hồng,môi đứa nào cũng thắm. Đã thấy dáng dấp của đoàn văn công.

Từ chiều hôm trước, bác Liễn, bác Tiếp và chú Thân tiếp phẩm, đã dốc sức để cho ra mắt cái sân khấu. Không có rèm nhung đỏ như trên các rạp Chuông Vàng hay Kim Phụng, thay vào đó là hai cái nia đại tướng chắn hai đầu hồi sân khấu, cốt để tạo ra một cách biệt không gian giữa "diễn viên và khán giả".  Hai cây đèn măng-sông đã lau chùi bóng bảy, đặt hai đầu hồi sân khấu. Màn kéo sân khấu là cái ri-đô màu tím than được gỡ xuống từ buồng ngủ của vợ chồng cô Thọ cấp dưỡng, trông oách lắm. Chú Thân kiêm luôn chân kéo màn sân khấu, mỗi khi thay đổi tiết mục. Chú gào khản cả tiếng để giữ trật tự, vì bọn nhóc mẫu giáo cứ giật váy áo biểu diễn của các chị. 

Ba bốn dãy ghế băng được chuyển từ nhà ăn ra, kê cách sân khấu chừng 3 mét. Ban tổ chức trại mời cả các đại diện của địa phương tới dự bữa cơm chiều và đêm liên hoan văn nghệ. 

Đã cuối năm, rét ngọt và hanh. Nhìn tay các cô các bác, da khô cóc cách, những miếng nẻ toác, có khi tóe máu. Chả bận gì, đêm nay ăn liên hoan với các cháu đã.

 Tốp ca nữ "Cô gái vót chông" của bọn tôi, với váy áo Tây nguyên đính vô số những ruy-băng rực rỡ sắc màu. Hoạt cảnh chèo " Thử hài cô Tấm" của Minh Hiền con bác Hân khiến khán giả cười bể bụng. Cô bé có năng khiếu sân khấu từ nhỏ và đặc biệt với những vai Comedy. Điệu múa "Vũ chim câu" do chị Đào, Tuyết và Hạnh trình bày làm người xem sững sờ. Các diễn viên múa không chuyên mà tài nghệ sắc sảo, dẻo và điêu luyện vô cùng. Tốp nữ của bọn Vân, Liễu - em Hạnh và  Minh Phương -  em Tuyết, trình bày điệu "Hái hoa bên bờ suối". Thiết tha, tình tứ và uyển chuyển của các thiếu nữ dân tộc lên nương cấy lúa, rồi băng rừng tải đạn cho cách mạng... được các em thể hiện rất thành công. Nhưng hay nhất và ấn tượng hơn cả ,là tiết mục vũ hiện đại của 5 cô bé nhỏ nhất trong đêm liên hoan: Minh Nguyệt, Thúy Liên, Phương lan, Nguyệt Minh và Oanh "đô". Nó hay, nó hấp dẫn ở cái ngây thơ, ngộ nghĩnh của độ tuổi này, các diễn viên tí hon mới 6, 7 tuổi. Năm cô bé xuất hiện, năm cái váy đầm xinh xắn với năm cái nơ trắng cài trên mái tóc. Những cái nhìn lúng liếng, những nụ cười bẽn lẽn, hồn nhiên đến tuyệt đỉnh. Nhìn các em  múa, chợt thấy một vườn hoa, một mùa xuân rất đỗi ngọt ngào, phơi phới, ở đâu đó, chứ không phải nơi đây, trên đất nước hàng ngày hàng giờ đe dọa bởi bom đạn thù.

Sau đêm văn nghệ 22 tháng 12 , tiếng tăm của bọn tôi, dân T45 đã được các cô bác trên Tổng cục biết đến. Sang xuân, lúc có hội diễn toàn Tổng cục, tổ chức tại D26, một đơn vị thông tin trên đường Cao Bá Quát Hà nội, một số tiết mục của bọn tôi được chọn lên tham dự. Bắt đầu nháo cả lên đi mượn quần trắng cho điệu múa "Vũ chim câu" của bọn Tuyết. Đang lúc chiến tranh, báo động xuống hầm suốt ngày đe dọa, quần trắng áo dài là cả một khó khăn. Sau đó lại phải dán giấy lên nữa, làm sao cho xiêm y biến các vũ nữ ấy thành những con chim câu trắng - một biểu tượng hòa bình, bấy lâu chắp cánh ước mơ. Đúng lúc ấy, ngón chân cái của tôi lại bị xưng. Nó lên "chín mé". Thế là bà nội và bố ra công đắp tỏi đã giã nhỏ, rồi băng lại. Hy vọng với sức nóng tự nhiên của tỏi sẽ công phá và làm khối viêm kia mau tiêu tan.

 Đến đầu 1968, trước Tổng tiến công xuân Mậu thân, khí thế ra trận, tất cả cho tiền tuyến thật là rầm rộ. Tình hình chiến sự ngày một ác liệt. Liên tục các đợt tổng động viên. Khẩu hiệu 3 Sẵn Sàng cho thanh niên lên đường nhập ngũ và 3 Đảm đang cho phụ nữ chốt tại hậu phương. Trong lớp 7 bọn tôi, anh Chử đã có giấy gọi nhập ngũ. Anh là học sinh địa phương, xã Hợp đồng. Hai anh em Chư và Chử học cùng chung lớp. Các anh ấy hơn bọn tôi đến dăm tuổi. Hồi nhỏ chắc đến trường muộn quá. Anh Chử là một thanh niên củ mỉ cù mì, chả thấy nói bao giờ, chỉ cười. Chúng tôi chưa  bao giờ trao đổi hoặc chuyện trò riêng với anh. Lớp tôi số học sinh nữ sơ tán khá đông và là linh hồn của lớp về mọi phương diện.

 Sau hôm lớp chia tay anh đi bộ đội, cũng có lẽ đến vài tháng, Bỗng tôi nhận được lá thư anh gửi cho tôi, nhưng nơi nhận là trường cấp II Hợp đồng. Lúc cô Tân hiệu trưởng đưa tôi lá thư ấy, tôi hơi ngạc nhiên. Ai thế nhỉ?! Trong thư anh Chử viết, kể nhiều đến các kỷ niệm của lớp và nói nhớ nhiều đến tôi. - Nhớ tôi?! Tôi thật sự bị "sốc". Sao có chuyện lạ nhỉ.  Hồi đó, tôi mới 13 tuổi, một cô bé gày gò, bé nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn một thiếu nữ. Và thật ra, tôi chưa bao giờ để ý đến các anh đó. Chưa bao giờ bọn chúng tôi thân thiết với một nhóm con trai nào trong lớp. Tôi bị một thứ tình cảm rất khó tả chi phối. Trưa đó, tan học xong, ngay trong bữa ăn, tôi đưa thư cho bọn Tuyết, Hạnh đọc. Hai đứa này cũng ớ ra. Sao anh lại viết thư riêng cho tôi? Hạnh, Tuyết và tôi bắt đầu nghĩ ra ghán ghép các kiểu. Rồi chúng tôi lăn ra cười với nhau. Cười cái sự viết thư của anh chiến binh kia. Thế rồi chuyện đến tai cô Tân. Cô hẹn gặp tôi sau lúc tan trường. Cô Tân là hiệu trưởng, dậy môn Sử cà Chính trị. Cô kéo tôi ngồi xuống bên cạnh và phân tích. Việc mang lá thư của một anh lính trẻ vừa rời ghế nhà trường ra mặt trận, làm trò nhạo báng như tôi và tốp bạn là một hành vi không được phép. Chỉ có những người học sinh không có ý thức, không tôn trọng tình cảm bạn bè mới hành động như vậy. Cô thất vọng vì hành vi thiếu suy nghĩ của tôi, cô trách tôi lắm. Tôi lặng người ngồi trước mặt cô với hai hàng nước mắt. Tôi chẳng còn lời nào để thanh minh cho cái sự ngu muội của mình. Đêm ấy tôi thao thức mãi. Về sau này, khi ngẫm lại, tôi thấy cô Thư , giáo viên chủ nhiệm, dạy môn Văn cũng có lý. Cô Thư không bằng lòng với cách phân tích và góp ý của cô Tân. Cô Thư nói: Các em còn nhỏ quá, mới có 13. Tuổi ấy, chúng nó chỉ lo học và còn mải dỗi hờn với đám bạn nữ cùng trang lứa. Chúng chưa thể là người trưởng thành, để hiểu hết việc phải xử lý với bức thư của anh chiến sỹ kia. Nếu như hồi ấy, tôi lớn hơn một chút, trên cái ngưỡng tuổi 13, đã bước lên thềm của một thiếu nữ, có thể tôi cũng viết được những dòng thân ái trong lá thư của người em gái hậu phương, gửi cho người chiến sỹ nơi tiền tuyến. Chắc chắn, nó sẽ làm đẹp lòng người lính trẻ.

 Đôi ba khi, chúng tôi cũng "cưa" đổ viên trung úy -  bố Liễn, bây giờ bọn tôi gọi bác bằng từ ấy với thật nhiều yêu thương, trân trọng, để xin được về Hà nội. Mỗi đứa cái xe đạp, tôi nhớ Tuyết có cái xe thiếu nhi Liên xô. Còn tôi, bố vừa mua cho cái mi-pha trẻ con của Đức. Những loại xe này thường là phanh chân. Cứ đạp ngược lại , là xe phanh chết cúng đơ, dở hơi lắm, tôi chưa quen, nên cứ ngã bổ chổng. Đã có lần đèo mẹ bằng cái xe ấy, tôi đã làm ngã mẹ ở đường Hàng Bông Ruộm, khi qua một cái cống. Đợt này về Hà nội đông vui quá. Cả bọn Thắm, rồi cái Minh ở đường Tây Sơn và thằng Thạc ở Hàng Bạc. Về tới Hà nội, xẩm tối rồi. Chưa về nhà vội, cả bọn đạp một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, đón gió hồ thư thái cho thỏa nỗi nhớ nhung, bao ngày xa cách. Hà nội ! Chỉ ai đi xa mới thấy thấm cái nhớ ấy. Vẫn xe điện leng keng, vẫn bến tàu đông đúc, chiến tranh, nhưng người vẫn đông như mắc cửi. Chúng tôi hân hoan có lẽ hơn cả các chiến sỹ vệ quốc quân năm xưa về giải phóng Thủ đô . Chợt Tuyết bảo:

- Thu, ra cửa hàng mẹ Thu đi!

- Uống si-rô lựu nhé ! Tôi ướm ý.

- Kem, kem hơn Thu ơi. Hạnh khẩn khoản đề nghị.

Tôi bỏ đồng bọn, lao vào chỗ mẹ. Năm ấy mẹ vẫn ở cửa hàng Long Vân. Cửa hàng này không bán kem, bên Hồng Vân mới có. Long Vân chỉ bán bánh ngọt, cà phê và các loại nước giải khát. Tôi lách vào trong bếp tìm mẹ. Cửa hàng đông nghịt người. Mẹ nhờ ngay bà Mậu, nhân viên của Long Vân sang mua kem cho bọn tôi.

- Bác Mậu, bác cứ cho chúng nó cả rổ bác ạ. Bao nhiêu đứa tất cả? Mẹ tôi hỏi.

- Gần mười đứa. Mẹ ơi, mỗi đứa hai cái mẹ nhé!  Khát nước lắm.Tôi vội giao hẹn.

Tập đoàn bôlônhếch bọn tôi ngồi phệt  xuống cạnh đài phun nước trước cửa Long Vân, trông sang bên kia là Cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ, với một rổ kem que, ăn như vừa ở xa mạc tới. Sau này, mỗi khi ra Hà nội, đi ngang qua cái đài phun nước ấy, hình ảnh những đứa trẻ thời sơ tán ngày nào, ngồi với rổ kem que, lại hiện về trong ký ức.

Mấy hôm sau, phải quay lại sơ tán, chúng tôi lấy khu tập thể Nam Đồng nhà Tuyết làm địa điểm tập kết. Chiều nay có tiết Kỹ thuật nông nghiệp, chưa đứa nào rờ đến sách vở. Tuyết đề nghị, đứa nào ngồi sau, lấy vở ra, đọc to lên cho cả bọn nhập tâm một chút. Thế mà về gần tới Chúc Sơn, bọn tôi đã thuộc tương đối phần bài phải học.

 Những ngày mùa đông giá rét, tan học về, chúng tôi là những người ăn bữa trưa sau cùng nhất. Sờ vào nồi cơm và khay thức ăn, lạnh toát. Tuyết và Hạnh nhón từng miếng cơm cục trong nồi, tung lên cao. Hấp! Các bạn há miệng đón chúng vào rất chính xác. Trò này tôi chịu. Cơm tung lên cứ rơi tá lả, nếu phải ăn theo phương thức này, chắc tôi chết đói. Nhiều hôm rét quá, bọn tôi leo cả lên bếp, vừa ăn vừa sưởi, cố lấy cho mình chút hơi nóng còn sót lại từ trưa. Bà cụ giúp việc nhà cô Kim Anh - mẹ cái Thanh, thằng Thắng, nhìn chúng tôi ái ngại:

- Khốn nạn, học được mấy chữ mà khổ thế. Ăn cơm nguội ngắt, nguội ngơ thế này.

Có hôm bà cụ thấy bọn tôi vác gầu đi cùng bác Liễn và chú Thân ra đồng tát nước, bà ngạc nhiên lắm.

- Các chị có mà tát vào bát canh. Bà trêu chúng tôi.

- Chúng cháu tát được chứ bà. Bọn tôi đồng thanh.

Chúng tôi biết tát nước gầu dây. Chỉ vài gầu sau hướng dẫn của bác Liễn, bọn tôi thao tác thành thạo ngay. Nhưng chẳng thấy "Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi", mà chỉ thấy, chao ôi là mỏi, nó đau lưng.

Trưa hôm sau, tôi và Tuyết ngồi gục xuống bàn ăn vì mỏi mệt. Bác Liễn sợ quá hỏi:

- Hai đứa này làm sao mà cứ rũ cả ra thế?

- Đau lưng lắm! Tuyết không ngẩng mặt lên, trả lời bác.

- Ôi dào, cứ vài bận tát nước nữa là quen hết. Chuẩn bị sáng chủ nhật tới đi Xuân Mai lấy củi đấy !

- Đi mấy ngày hả bác? Tôi bật dậy, tỉnh như sáo, quên cả đau lưng, khi nghe thấy "đi". Chỉ thích dã ngoại, thích bay nhảy.

- Việc gì mà đi mấy ngày. Đi sớm, xong việc là chiều về ngay. Nhà bếp lo cơm nắm, thịt rang. Sáng ra ăn xôi cho no đi, rồi nhanh nhẹn mà lên xe.

Tuyết cũng choàng dậy, chẳng thấy đau lưng nữa. Cứ thấy đi xa, đi bằng xe ô tô là bọn tôi khoái.

Sáng ấy, suốt dọc đường trên xe tải, bọn tôi và các chị lớn hát khản cả tiếng, hát bất kể bài gì. Những dãy núi đá vôi xám xịt bắt đầu sừng sững hai bên đường. Cảnh rừng rú lúc vào đông càng buồn thê thảm. Xẩm tối, bọn tôi đã chất xong củi lên xe tải. Đứa nào đứa nấy bơ phờ. Nhưng chúng tôi thấy vui vô cùng vì đã lao động hết mình.

Tổng kết năm học lớp 7 trường cấp II Hợp đồng, bọn T45 chúng tôi đã mang vinh danh về cho bác Liễn. Bác rất tự hào về các "con gái" bác. Đến cuối mùa hè 1968, Thạch đã thôi học. Thêm vào nhóm bọn tôi là Phạm Vân Nga. Tôi đã học với Vân Nga từ hồi lớp 5 ở Thường Tín, quê mẹ tôi. Bây giờ, hai chị em Nga, thằng Hùng nữa, ngủ ngay cạnh giường tôi. Trước  khi vào lớp 8 cấp III Chương Mỹ, bọn tôi lại chuyển sang trại mới, bên Dền Khê. Quy mô của T45 ngày một lớn hơn. Trại mới bên Dền Khê, tất cả đều tinh khôi, khang trang lắm. Chúng tôi đi dọc theo một con kênh rất dài, rồi mới ra được đường cái. Con lộ ấy nhắc tôi nhớ đến con đường 71 dẫn về Hồng Vân quê mẹ. Đường xá hồi đó xấu lắm. Chả được mấy chỗ phẳng, ổ gà là chính. Mỗi lần xe tải chạy qua, gặp hôm mưa lớn, nếu không tránh xe nhanh, thì cứ gọi là ướt  như chuột lột. Xe bắn hết nước lên người. Vừa đi vừa về mỗi lần đi học, có tới 7, 8 cây số chứ không ít. Thế mà cứ vui như tết, chả biết mệt là gì.

Về Chương Mỹ, tốp nữ lớp 8 bọn tôi, lại bị nhóm con trai trong làng chặn đường trêu chọc. Sau này tôi mới hiểu, thật ra các bạn trai địa phương chỉ muốn làm quen với cánh sơ tán chúng tôi, chứ chả có ý gì. Làm quen không được, ắt phải phá, có khi lại ăn thua. Đấy là suy nghĩ nông cạn cái thời còn nhỏ. Chúng tôi mang chuyện mách với hai bác. Bác Tiếp nói: Ngày mai bác sẽ đi cùng. Hôm sau đi học, bọn tôi có bác Tiếp làm Bodyguard. Bác ra trước, vờ ngồi câu ở dệ con kênh, nơi mà chúng tôi phải đi qua để tới trường. "Chiến sự" thường nổ ra ở đây. Vẫn như mọi lần, bốn đứa chúng tôi vừa xuất hiện, bụp, bụp những cục đất ném tới tấp. Lần này, bọn tôi không dúm lại la lớn, hoặc chạy tá lả. Đi tiếp và hết sức điềm tĩnh. Bỗng một con rắn. Ui, một con rắn thật to đang trườn trên đường. Hạnh rú lên. Tôi không chạy, không tiến lên trước, mà cũng không tụt lại đằng sau. Sợ lắm, tốt nhất là chui vào giữa. Tuyết can đảm nhất, dừng lại nhìn quanh. Ba cậu bé trạc 14, 15 đang ngồi vắt vẻo trên cây cười nghiêng cười ngả, rất đắc thắng. Bọn tôi dừng lại, dúm vào một góc. Mấy thanh niên kia tụt xuống khỏi cây, tiến lại gần. Chỉ đợi các đương sự xuất hiện, bác Tiếp lao lại ngay. Rất nhanh, bác túm được một cậu. Hai thanh niên kia biến luôn. Chú bé la thét giãy dụa trong cái xiết tay khá chặt của bác Tiếp.

- Từ nay bác cấm nha, không được giở cái trò lưu manh ra nữa. Nhớ chưa!

- Con rắn chết! Con rắn chết rồi, bọn nó buộc vào dây để kéo. Hạnh kêu lên khi phát hiện ra. Thật là của nợ.

Bác Tiếp phì cười vì cái trò con nít. Từ đó trở đi, chẳng bao giờ bọn tôi gặp lại cái trò trên chọc ấy nữa.

    Lên cấp III, chúng tôi đã chững chạc hơn hẳn. Tôi đã trở thành thiếu nữ. Lớp tôi lúc này vắng đi khá nhiều những học sinh Hợp đồng năm trước. Thạch đi học trung cấp. Tuấn Phương, Thạc chuyển sang cấp III nội trú khác. Thằng Song, Đinh Hùng và Long không học tiếp lên. Huyên, lớp trưởng lớp 7 Hợp đồng đã lên đường nhập ngũ. Sau này nghe Phương nói, tôi mới biết Huyên đã hy sinh.

Nhưng chúng tôi lại có thêm nhiều bạn sơ tán khác chuyển đến. Lớp 8E chúng tôi do cô Phán chủ nhiệm, cô dạy môn Hóa. Nhà trường liên tục phát động các phong trào thi đua học tập, với các danh hiệu: Dũng sỹ diệt xe cơ giới, Dũng sỹ diệt xe tăng và Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Bọn tôi, đã mang về rất nhiều các danh hiệu cho 8 E. Trong đó phải nói tới Phùng Thanh Việt, cô bé liên tục giành danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Cấp III Chương Mỹ là một trường có nhiều các thày cô giáo Hà nội. Trong số đó, tôi nhớ đến thầy Bích - Hàn Ngọc Bích, thầy dạy môn Sử. Thầy là hạt giống đỏ trong phong trào văn nghệ của trường. Mỗi thứ hai đầu tuần chào cờ, trường tôi thường có một vài tiết mục văn nghệ. Ở khối 10, có tốp ca nam nữ của các anh Long, anh Thụy và các chị Phụng, chị Võ Minh Trang với bài Đường Lên Tây Bắc.  Đặc biệt tiết mục đơn ca của anh Thụy bài Chào Sông Mã Anh Hùng luôn được bọn tôi nghe thật say mê. Anh hát như một ca sỹ thực thụ. Bản thân anh cũng có phong thái của một nghệ sỹ, nhất là mái tóc xoăn tự nhiên, rất lãng tử. Đôi ba khi, chắc chẳng còn ai, thầy Bích cũng nhòm ngó đến khối 8 bọn tôi. Cái thằng Bùi Văn Xuân, nó cứ tự động lên thầy đăng ký tiết mục, rồi về phán:

- Sắp tới Thu đấy nhé!  " Nữ Du Kích Củ-chi".

- Này, tớ mới đăng ký cho tớ, chứ sao Xuân tự động thế?! Tôi bực nó lắm. Vừa lúc ấy, thầy Bích ghé vào Microphone:

- Thu 8E nhé, đến tiết mục của em!

Cái thằng quỷ Xuân. Sao không lên mà hát. Tôi lẩm bẩm trong đầu.

 Chuẩn bị sơ kết học kỳ I, thời gian đi nhanh thế! Trường lại có hội diễn văn nghệ. Bọn tôi bắt tay vào tập. Thật ra những điệu vũ này, chúng tôi đã thành thạo, vì đã biểu diễn ở T45 rồi. Từ lớp 7, bọn tôi đã kéo Thắm vào cuộc. Bây giờ bộ tứ chúng tôi. Tuyết, Hạnh, Thắm và tôi luôn gắn với nhau những lúc có văn nghệ. Năm nay trường có rất đông các thầy cô về thực tập. Lớp tôi có cô Chính người Hà nội. Tôi nhớ nhà cô ở phố Cầu Gỗ, trên tường nhà là hai chữ đắp nổi Nam Lâm to tướng, dám gia phả nhà cô dòng dõi tư sản quá. Cô Chính dạy môn Lý. Cô giúp chúng tôi đắc lực trong Hội diễn năm ấy. Bên lớp chị Uyên có điệu múa Chàm-rông. Hai chị em Đào và Tùng đều tham dự, hai cây múa cự phách của T45, của khối 10.

Đêm Hội diễn văn nghệ là một đêm đẹp trời. Sân khấu của trường trong hoàn cảnh sơ tán nhưng rất hoành tráng. Công đầu phải nói đến thầy Bích. Sau này đọc những tài liệu về thầy, tôi mới biết thầy sáng tác rất thành công những nhạc phẩm đề tài thiếu nhi, đặc biệt viết cho giai đoạn sơ tán này.

Lớp 8E chúng tôi có tiết mục múa Tây nguyên. Bây giờ tôi cũng không nhớ được, cô Chính - giáo viên thực tập đã chạy đâu ra đủ bốn bộ váy áo ấy. Cô Phán, cô Ngọc Bích( dạy môn Sinh) và thày Bích phải đỡ bọn tôi lên biểu diễn, vì bục lên sân khấu cao quá. Ai cũng tấm tắc khen bọn đàn em của trường. Bao nhiêu say mê nghệ thuật múa, bao nhiêu phấn khích của tuổi thơ, bao nhiêu tiếng gọi đầy hứa hẹn của thanh bình phía trước... tất cả tạo nên một cung hưởng thăng hoa nhất, khiến chúng tôi thành công trong Hội diễn văn nghệ đêm ấy. Người tự hào hơn ai hết là cô Phán, giáo viên chủ nhiệm 8E của bọn tôi.

Năm ấy là năm chót phổ thông của bọn chị Uyên, Đào và Tùng. Sắp lấy tú tài và sẽ chia tay với trường. Cô chủ nhiệm của các chị là cô Đông Mai, chính là chị ruột của nữ thi sỹ Xuân Quỳnh. Cô Đông Mai không đẹp như em gái, nhưng cô là một phụ nữ có tâm hồn, một nhà giáo tuyệt vời. Cô chỉ dạy bọn tôi hai tiết văn, vì thầy dạy văn của lớp tôi nghỉ. Hai tiết văn ấy chúng tôi đã nghe say mê, quên cả đói mặc dù đã là cuối buổi. Trong chương trình phụ chương của môn Văn khối 10, học sinh được đọc cuốn Bỉ Vỏ để tham khảo. Bọn tôi thấy chị Uyên say sưa đọc nó lúc tối khuya. Chắc phải hay lắm. Chúng tôi năn nỉ chị bằng được để có cuốn sách.

- Trong này có yêu nhau hả chị? Tôi hỏi

- Không phải chỉ yêu nhau. Cứ đọc đi thì biết. Nhưng phải dấu nhé, các bác mà biết là toi đấy. Bọn mày chưa được phép.

- Dấu chứ! Biết thì bọn em chết. Tuyết nói.

Chiều hôm ấy, ba đứa bọn tôi đang say sưa với các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Bỉ Vỏ, thì "bố" Liễn xuất hiện. Bác sang khu Nhà Nữ để ngó nghiêng xem cửa ngõ ra sao, giường phản thế nào, thi thoảng bác vẫn làm thế. Giá chúng tôi ba đứa cứ thản nhiên thì không có chuyện gì. Thấy bóng bác, tôi la thất thanh:

- Bác Liễn đấy! Và nhanh chóng biến về phía giường mình. Tuyết , Hạnh đứng bật dậy, tính lỉnh đi chỗ khác, thì cuốn Bỉ Vỏ nó lại rơi bụp xuống đất. Bác Liễn nhanh lắm, bước tới và lượm nó lên. Bác nheo mắt tìm bìa sách.

- "Bí Đỏ" ! A, chúng mày bây giờ quá nhỉ. Đọc cả văn hóa màu vàng. Bằng cái tý tuổi mà đã lãng mạn. Đấy, cứ lơi ra một tý là chết.

- Không phải là Bí Đỏ. Đấy là tiểu thuyết Bỉ Vỏ. Tuyết cãi ngay.

- Tiểu thuyết ! Thế thì chết,  Hẳn nào, đọc dấm đọc dúi với nhau.

- Không phải của bọn cháu. Sách học của chị Uyên bác ơi. Tôi cố cứu vãn tình thế.

- Sách học nào nó dày, mà lại vàng ươm ra thế này. Chết thôi, sa đọa cả lũ thế này thì hỏng, hỏng hết ! 

Rồi bác chả thèm nghe chúng tôi thêm một lời, cầm cuốn truyện đi thẳng về đại bản doanh. Bọn tôi chạy đi tìm chị Uyên kể lại tình đầu. Thế là ba cô tú tương lai Uyên, Đào và Tùng lên ngay văn phòng viên trung úy làm cuộc biểu tình. Còn ba đứa lớp 8 bọn tôi thì lăn ra cười, cười ngặt cười nghẽo vì cái " Bí Đỏ" của bố Liễn. Ôi, bố già Khốt-ta-bít, chả hiểu gì về Văn chương mà hay bắt bẻ lắm.

  Lâu lâu, đội chiếu phim của Tổng cục lại xuống sơ tán phục vụ các cháu. Không khí chuẩn bị lịch bịch từ chiều hôm trước. Các cô Lâm, Hằng, Hương và Chính thì sắm sửa quân phục mới, đội chiếu phim toàn những lính trẻ Hà nội mà. Các cô bác trong nhà bếp thì thổi thêm xôi, bồi dưỡng đêm. Bọn tôi và đặc biệt nhất là đám con trai, ôi, cứ gọi là vui như tết. Hầu hết là phim chiến đấu của Liên xô và Trung quốc. Cứ nghe thấy rao: Phim mầu, chiến đấu màn ảnh rộng của Liên xô là nhất quả đất rồi. Lần ấy, sau khi phim "Chiến đấu dưới đường hầm" được công diễn tại "Cinema T45", thì một cuộc chiến đấu thật sự diễn ra với chúng tôi. Ngay hôm sau, bọn tôi thực hiện mơ ước ấy: Chiến đấu dưới giao thông hào. Xung quanh khu vực trại trẻ là những giao thông hào dẫn tới những hầm trú ẩn. Xẩm tối rồi, các bác chỉ thấy nhóm mẫu giáo đi ăn. Tất cả những bàn ăn cho lớp nhỡ và bọn lớn chúng tôi, cơm canh vẫn nguyên xi, chưa ai đụng. Các cô cấp dưỡng có con nhỏ, đã về hết khu gia đình. Hai bác bắt đầu nháo lên đi tìm. Khu Nhà Nam, tịnh không có một bóng. Sang Nhà Nữ, im phăng phắc y hệt. Thế này là thế nào nhỉ? Chúng nó đâu hết cả rồi?!

Chúng tôi, từ các chị lớp 10 đến các em lớp 2, lớp 3, tất cả dưới giao thông hào, chia phe chơi chiến đấu. Bộ phim hôm trước đã gây một ấn tượng mạnh mẽ và kích thích tính hiếu động đến cao độ. Quần xắn cao, tóc búi ngược lên, bọn con gái chúng tôi hô bắn khản cả tiếng. Vừa lúc ấy bác Tiếp nhảy xuống giao thông hào:

-Tập trận? Đánh nhau à? Hay lắm, chúng mày bỏ cả cơm canh lạnh ngắt rồi xuống đây hò hét. Giỏi thật!

Bác Liễn cũng xuất hiện:

- Còn mệt. Bảy bồ cám, tám bồ bèo nữa thì đủ lớn để ra mặt trận. Chả phải ước!

- Lên cả đi còn ngồi đấy a! Bác Liễn quát. 

Chúng tôi lốc nhốc bầu đàn thê tử, bẩn như ma chôn, ma vùi vì đất hầm ẩm ướt, lóp ngóp chui lên.

Vào nhà ăn, bác Tiếp đợi cả bọn xong xuôi cơm nước, bắt đầu vào cuộc.

- Bác muốn biết ai đầu têu trong vụ này?

Không một cánh tay giơ lên, không một lời nào phát ra, tất cả ngồi như bất động. Ngần ấy đôi mắt cụp xuống, âm thầm chịu trận. Tôi cứ phục cái tính gan dạ, tình đồng đội sống chết có nhau của bọn trẻ. Phục cái tinh thần tập thể cao độ ấy của chúng. Có lẽ chính cuộc sống thời chiến đã rèn rũa nên đức tính ấy, cùng đồng cam cộng khổ, gắn bó với nhau như keo sơn, chia yêu thương cho nhau và bây giờ là "sống chết bên nhau". Khá lắm!

Hôm sau, chú Thân sang Nhà Nữ, bọn tôi bâu lại ngay "moi" tin. Chú Thân nói:

- Đáng lẽ chúng mày bị phạt. Bác Tiếp nói cho chúng nó xuống hầm tiếp một ngày nữa, cho biết tay. Nhưng bác Liễn nói, làm như thế các cháu sinh "hận" chứ không tiến bộ được.

...........

Từ tháng Chín năm 1969, chúng tôi được trở về Hà Nội.

Chấm dứt những năm tháng xa nhà, xa bố mẹ và được học tiếp những năm còn lại của cuộc đời học sinh tại Hà nội.

Chiến tranh vẫn chưa qua đi, tuyến lửa phía Nam vẫn không ngừng sôi sục. Cả nước vẫn hướng về một nửa đau thương của dải đất quê hương. Lớp lớp thanh niên vẫn liên tục lên đường đánh Mỹ.

 Cảm ơn bác Liễn,

Cảm ơn các cô bác phụ trách T45 đã cho chúng cháu một mái nhà tình thương, một cái nôi với bao nhiêu chia sẻ, đùm bọc của một thời hoa lửa. Chính trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cận kề với cái chết, đã tôi luyện chúng cháu thành người, thành những chiến sỹ cho hôm nay, trên tất cả các mặt trận. Hầu hết các cháu của trại trẻ T45 năm xưa, đã trở thành kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ, những cán bộ khoa học kỹ thuật thật sự có năng lực và hữu ích cho đất nước. Chúng cháu chắc rằng, các cô các bác sẽ tự hào lắm. Nó chính là một phần công sức của những Người Trồng Cây năm xưa, để hôm nay gặt hái những mùa vàng bội thu.

                                                          Cologne tháng Chín 2012

 

 

 

 

 

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 03-12-2012 13:01






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: ThanhLK
06/12/2012 01:26:04

Thu có trí nhớ thật tuyệt vời. Với cách viết rất chuyên nghiệp thế này"Sơ tán' của Thu có thể xuất bản thành sách được đấy. Bọn mình sơ tán ở Bình Đà, cũng thuộc tỉnh Hà Đông hồi đó và có nhiều kỷ niệm, nhưng không thể nào kể một cách dung dị nhưng hay như Thu được. Khi nhìn bức ảnh minh họa những người cùng thời chúng mình đều thấy có bóng hình của chính mình trong đó. Cám ơn và chờ đọc tiếp các tác phẩm của Thu.


 


 



Từ: HanhLT
04/12/2012 12:58:48

Cái vụ thư của anh lính nghe sao mà quen quen, chỉ có điều ngày ấy cô Học trò nhỏ đi sơ tán nhận được lá thư này đã khô đọc cho các bạn mà đút túi áo thế rồi có ông chú họ xa đọc được về mách cho ông cậu ruột thế là cô bé bị ăn một chầu mắng vì tội tí tuổi đầu đã nhận thư của giai... Thế có oan khô và cũng như TG, cô bé đã khô có thư trả lời, sau này anh lính đã khô trở về...dù sao cô bé ngày ấy mới 13 tuổi thôi, thời của cô con gái không chơi với con trai...



Từ: LyTM
03/12/2012 16:32:31

Đọc một hơi hết "Sơ tán" của chị Kim Thu! hay hơn của nhà văn chuyên nghiệp và giọng văn thì như của cô học trò còn 14-15, cái thuở mới chỉ biết chuyện và tranh cãi với bạn gái là chính ấy! Phục chị quá vì nhớ thật tỉ mỉ mọi thứ! đọc rồi thương quá cả bao nhiêu thế hệ- một thời kỳ cả miền Bắc đói khổ mà rất hồn nhiên với cái khổ vì có ai sướng hơn đâu mà biết! chả có ai để so sánh, có chăng là lúc đói thì vớ được gì cũng ngon miệng thôi. Em muốn viết mấy dòng để thử diễn tả một chút tình cảm của những tháng năm trên quê hương- sẽ không bao giờ quên của chị Kim Thu:


Ta đã qua những năm tháng tuổi thơ,


đã qua cả những tháng ngày gian khổ


vẫn giữ lại cho mình những phút giây bỡ ngỡ,


thương đất nước mình trong những đận lửa bom!


Biết bao bạn bè, ai mất, ai còn,


liệu có nhớ những chuỗi ngày sơ tán


những tháng năm, ta tránh bom, tránh đạn


sơ tán về vùng biết cây lúa, cây khoai,


Ta lớn lên, biết lắm chông gai,


nhưng vẫn ngọt thơm những tấm lòng thời chiến


hỏi nơi đâu, có những ngày binh biến,


xa mẹ cha, trẻ thơ thuộc chiến hào,


cũng mũ rơm, cũng dũng sỹ, mũ sao,


cũng mơ ước mình lập công diệt giặc,...


Xa rồi nhé, nhưng tâm hồn thầm nhắc


đất nước mình- nơi sâu đậm tình quê,


để đêm đêm, như vọng tiếng gọi về,


sâu thẳm tim mình nhắc mê say Tổ quốc!



Từ: BaLX
03/12/2012 15:55:23

Mình cũng đã định viết về ký ức những năm tháng đi sơ tán, cũng là nối tiếp của bài " chuyện kể về những chuyến đi", thế rồi chuyện nọ tới chuyện kia xảy ra nên vẫn chưa thực hiện được. Mấy hôm nay trên báo Tuổi trẻ cũng đăng loạt bài " Hà Nội - những tháng ngày sơ tán ", rồi 2 ký sự của Kim Thu về những ngày sơ tán làm mình lại càng háo hức với chủ đề này. Đất Chương Mỹ cũng là nơi mình sơ tán trong những năm học cấp 3, nhưng bọn mình tự đi, không đi theo trại như bọn Kim Thu và TuyếtHA. Ở cùng với nhà dân tại làng Dền khê, bọn mình tự lo nấu ăn, nên vất vả hơn nhóm Kim Thu, nhưng cũng có nhiều trò vui và kỷ niệm đáng nhớ lắm. Chị học cùng lớp với chị Uyên, Đào và Tùng. Đến bây giờ bọn chị vẫn còn chơi với nhau, mỗi khi chị ra HN đều gọi điện báo cho chị Tùng biết để báo cho Hội Chương Mỹ ở Hà Nội và Hà Tây cũ cùng gặp nhau. Nhóm lớp 10B của bọn chị liên lạc với nhau rất khăng khít, cũng lập quỹ hội và thường xuyên gặp nhau. Lớp 8 bọn chị cũng học lớp 8E do cô Bích xinh đẹp chủ nhiệm, cô Bích mới mất hồi đầu năm do bị bệnh Ung thư. Cô Phán chủ nhiệm bọn em hiện đang ở ĐN. Cô Đông Mai chủ nhiệm bọn chị 2 năm lớp 9 và 10, hiện cô đang sống tại TP HCM. Khóa bọn chị đang tích cực vận động các bạn công tác tại Phòng GD Chương Mỹ để BGH trường tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường vào khoảng tháng 10/2013. Lớp chị đã có dự định kế hoạch, tới khi có tin chắc chắn sẽ bàn cụ thể. Hy vọng lúc đó chị đã ổn và có thể ra HN để tham dự. Với chị thì ngoài Hội KGU ra, chị còn gắn bó với Hội Chương Mỹ niên khóa 1966 - 1969.        



Từ: ManhNX
03/12/2012 15:50:29

Bạn Thu nhớ kỹ càng thời sơ tán và viết rất sinh động. Thời gian đó thế hệ học cấp 3 (1967-1970) học lớp 8 và 9 ở nơi sơ tán. Năm lớp 10 trở về thành phố, thị xã. Những năm tháng có nhiều kỷ niệm và được bạn Thu nhắc lại.


Cảm ơn Tác giả.



Từ: Meomun
03/12/2012 14:34:50

"Sơ tán" của chị Kim Thu sinh động quá. Cái vụ án "Bí đỏ" độc đáo thật chị Thu ơi. Ngày xưa còn bé em thấy các chị lớn giấu diếm nhau đọc "Nhãn đầu mùa", sau này em đọc có thấy "gì" đâu nhỉ, đội du kích Hoàng Ngân, anh Tuấn, cô Tý...


Cám ơn nhà văn Kim Thu nhé! Em vẫn đọc trên web của các anh chị đấy!   



Từ: HanhLM
03/12/2012 14:14:09

Đọc "Phần 2 - Sơ tán" của chị Kim Thu, em như thấy hình bóng của mình trong đó. Bởi vì Trại trẻ của Bộ tư lệnh pháo binh nơi chúng em ở cũng có "cơ cấu tổ chức" và nếp sinh hoạt tương tự như thế. Chú Trại trưởng của chúng em là Trung úy Lã Đình Cống, các cô chú khác trong bộ phận nuôi dạy, y tế, bếp ăn cũng đều là bộ đội hoặc vợ bộ đội. Nhìn tấm ảnh minh họa của chị, em thấy mình như là một cô bé trong lũ trẻ đội mũ rơm đứng chen chân trong giao thông hào vậy.


Em phục trí nhớ tài tình của chị Kim Thu quá. Đã hơn bốn mươi năm rồi mà chị vẫn nhớ tên từng người, từng sự kiện vui buồn rõ mồn một.


Xin bái phục "sư phụ"!



03/12/2012 13:51:09

 


Chị viết hay quá... Có thể xuất bản được. Những ký ức thật đáng quý.


Ngày xưa người ta cấm nhiều thứ thật đấy. Hình như Bỉ vỏ không có trong chương trình phổ thông. Cùng với Bỉ vỏ thì Người tù thứ 41, Hai trận tuyến, Nhãn đầu mùa... cũng bị cấm. Mình chỉ được đọc Bỉ vỏ lần đầu khi đã xang Liên Xô và tìm thấy trong thư viện của KGU. Tên sách là "воровка". 


 


 


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7166
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s