KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 01 Tháng sáu. 2017

GẶP GỠ HAI NGƯỜI ANH HÙNG




Tác giả: Diep Chi Mậu

Hội Du học sinh lứa Học sinh miền Nam chúng tôi năm dự bị tại thành phố Bacu của nước Cộng hòa Azerbaizan khóa 1966-1967 thường tổ chức gặp nhau hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 7-11. Năm ấy có sự kiện đặc biệt nên mọi người nhắn nhau đến biệt thự của anh Hồ Ngọc Trọng - một doanh nhân thành đạt cùng khóa vào tối chủ nhật, sớm so với thường lệ. Sự kiện gì thì bảo bí mật, cứ đến rồi sẽ biết.

 

Nhà anh Hồ Ngọc Trọng ở gần chùa Phổ Quang thuộc quận Tân Bình, hơi xa trung tâm thành phố. Tôi cảm thấy choáng ngợp bởi căn biệt thự bề thế xây theo lối kiến trúc cung đình Huế quê anh. Anh đón chúng tôi trong căn phòng khách rộng lớn bài trí sang trọng, đủ chỗ cho cả vài chục người. Gặp lại sau nhiều chục năm tôi vẫn nhận ra anh với dáng người gầy gò, vẫn giọng Huế nhỏ nhẹ dễ mến từ thời còn ở trường 24 Chương Mỹ Hà Đông những năm đầu 60 của thế kỷ trước lúc thầy Hồ Đình Phương làm hiệu trưởng, kiêm giáo viên văn lúc nào cũng cuốn hút chúng tôi bởi tài hùng biện trong giờ giảng văn học. Anh hơn lứa chúng tôi vài tuổi. Thời ấy anh đã kéo đàn Accordeon gọn gàng, thỉnh thoảng cất lên vài bài hát Nga mà chúng tôi đều thích. Rời thủ đô Bacu đầy gió, chúng tôi phiêu bạt khắp nơi trên đất nước Liên xô rộng lớn, không có dịp gặp lại nhau kể cả sau ngày tốt nghiệp về nước 1972. Anh kể về mình sau vài chục năm đầy biến cố cuộc đời: Sau ngày về nước anh xung phong vào Quảng Trị giữa lúc cuộc chiến đang ác liệt, những trận giao chiến đẫm máu giữa bộ đội ta và lính Việt nam cộng hòa giành giật nhau từng tất đất trong Thành cổ. Anh tham gia hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực của tỉnh nhà, từ công tác chính trị, văn hóa…cho đến kết thúc chiến tranh. Anh sang lại Liên xô làm nghiên cứu sinh ở lĩnh vực không liên quan đến kỷ thuật mà thời sinh viên đã học. Sự kiện Liên xô sụp đổ năm 1991 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của anh và nhiều người Việt nam bên ấy. Anh ở lại đất Nga và tham gia vào đoàn quân làm kinh tế mưu sinh và trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện anh là Tổng giám đốc một công ty liên doanh Việt-Nga hoạt động hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay anh chi tiền riêng đề mời đoàn khách từ Liên bang Nga và Hà nội vào cùng chúng tôi họp mặt. Như thường lệ, chúng tôi cùng nhau hát những ca khúc Nga thời còn học phổ thông, những bài “ Hoàng hôn trên nông trường” theo điệu valse êm dịu chỉ có lời Việt (không rõ tác giả Nga và cả lời Việt), lời hay đến nay tôi vẫn không quên:” Nắng vàng buông xuống hàng dương soi bóng trên nương. Hoàng hôn nắng vàng buông xuống nông trường tím. Chân trời mùa lúa chín đưa hương. Đôi hàng cây thướt tha, cành nghiêng mái tóc. Xa mờ con suối xanh đùa theo tiếng hát…Nông trường ơi đắm say bao la, mênh mang trong lòng ta. Lớn lên như bao nhiêu làng quê. Chiều nay ánh nắng thắm tô thêm bao màu sắc huy hoàng trên nông trường mến thương”. Chúng tôi còn thuộc cả lời Nga và Việt bài Xiberi nở hoa (Nhạc Muradeli, lời E.Iodkovski) “ Xanh mát trong đêm trường. Ta xúm quanh lửa hồng. Xiberi không ngừng vang tiếng hát. Ta hát ca lên rằng Ôi dòng sông vĩ đại. Thiết tha tình ta cùng Angara…”. Những bài ca đi cùng năm tháng ấy đã đưa chúng tôi trở về quá khứ hơn 60 năm qua, gắn kết chúng tôi thành những con người tri kỷ, một thời với biết bao hoài niệm dưới một mái trường trên đất Bắc …

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc khách đến. Chúng tôi nhận ra ngay anh hùng Phạm Tuân cùng gia đình. Một người Âu mập mạp trong bộ véc sọc đen đứng tuổi  tiến đến chào câu tiếng Nga và bắt tay chúng tôi thật chặt: Không còn nghi ngờ gì đó là V. Gorbatko, phi hành gia người Nga, người bạn thân thiết cùa Phạm Tuân trong những lần sang Việt nam dự các sự kiện hay đi thăm bạn bè Việt nam. Họ là biểu tượng của mối quan hệ Việt- Xô, Việt- Nga trãi qua 37 năm kể tử khi cùng nhau bay vào vũ trụ tháng 7/1980. Chúng tôi vui mừng được làm quen với nhau, thân mật như những người bạn thân lâu ngày không gặp, cùng nói chung một ngôn ngữ tiếng Nga. Biết chúng tôi từng học và trưởng thành trên đất nước Xô viết, đặc biệt có người học ở trường đai học  vùng Crasnodar quê hương mình, V. Gorbatko rất vui. Ông là con người chân tình, chất phác mang tố chất của người lính không chút quan cách, không câu nệ mình là vị tướng, phi hành gia nổi tiếng của đất nước vĩ đại trên thế giới . Chúng tôi đặt nhiều câu hỏi vể ông ngoài những gì được biết qua truyền thông như là hai lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên xô năm 1969 và 1977, được tặng thưởng huân chương Lê nin, Huân chương Sao đỏ, là anh hùng Mông Cổ và được tặng thưởng huân chương Sukhebator, là anh hùng Lao động Việt nam với huân  chương Hồ Chí Minh, nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng. Ông kể rằng mình sinh năm 1934 tại làng Versa-zapya khu Kavkaz thuộc vùng Krasnodar. Ông nhập ngũ năm 1952 vào lực lượng không quân, học trường cao đẳng hàng không Pavlograd và Batiski. Năm 1960 V.Gorbatko trở thành một trong những thành viên đầu tiên trong nhóm đào tạo phi hành gia của Liên bang Xô viết. Ông vẫn nhớ chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trong vai trò kỷ sư hàng không và nhà nghiên cứu khoa học 4 ngày 23 giờ vào ngày 12 tháng 10 năm 1969 trên tàu vũ trụ Soiuz-7. Lần thứ 2 vào năm 1977 là người chỉ huy trên con tàu Soiuz-24 có kết nối với trạm không gian Salut-5 trong 17 ngày 17 giờ. Lần cuối ông bay cùng người  anh hùng Việt nam Phạm Tuân từ 23 đến 31 tháng 7 năm 1980 trên tàu Soiuz-37, kết nối với Trạm không gian Saliuz-36. Hỏi ông về gia đình riêng, ông nói mình hai lần kết hôn. Cả hai bà vợ của ông đều làm trong lĩnh vực y tế. Ông có hai cô con gái với bà vợ đầu là Irina và Marina, cả hai đều làm trong lĩnh vực tài chính. Sau khi rời chương trình không gian vào năm 1982, V. Gorbatko dạy tại học viện kỹ thuật không quân tại Moskva. Ông nghỉ hưu năm 1992 với quân hàm thiếu tướng. Từ 1993 ông là Tổng giám đốc tập đoàn AA& AL Nga. V. Gorbatko rất yêu quí đất nước và con người Việt nam, đã nhiều lần sang thăm mảnh đất có hình chữ S mà mình nhiều lần nhìn thấy trên vũ trụ. Ông yêu quí và tự hào có người bạn đồng hành là anh hùng Phạm Tuân.”Tôi cảm thấy rất vinh dự được bay cùng người anh hùng Việt Nam, người đầu tiên trên thế giới đến thời điểm hiện tại đã bắn rơi “Pháo đài bay” B.52.Anh ấy là phi công duy nhất trên thế giới làm được điều đó. Anh ấy đã làm được điều mà chúng ta chưa làm được”., V. Gorbatko nói về Phạm Tuân khi mọi người hỏi về mối quan hệ giữa họ..

 

Được biết nhiều về  trung tướng quân đội, người được 3 lần tuyên dương Anh hùng,phi công đầu tiên hạ siêu pháo đài bay B.52 Mỹ, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ hôm nay chúng tôi mới có dịp bắt tay Phạm Tuân.. Cái bắt tay đầy sức mạnh, giọng nói khỏe khoắn, phong thái tự nhiên mang chất lính trong con người anh làm chúng tôi thật  gần gũi, không còn khoảng cách. Anh nói tiếng Nga khá chuẩn vì sống và tập luyện trên đất nước nầy từ 1965. Tốt nghiệp trường phi công quân sự Liên Xô 1967, về nước quần nhau với máy bay Mỹ lập nhiều chiến công hiển hách và quay lại học để trở thành phi hành gia vũ trụ sau khi tốt nghiệp học viện không quân Gagarin (Liên Xô) 1982. Phạm Tuân cùng lứa tuổi với chúng tôi, anh nói mình tuổi Hợi (1947). Chúng tôi cùng sang Liên Xô học giữa những năm 60 của thế kỷ trước, anh học bên không quân còn chúng tôi học về kỷ thuật. Chúng tôi có cùng những kí ức về đất nước Xô viết thời ấy,đều ưa thích những bài hát Nga, đều thuộc lời bài hát truyền thống của ngành Du hành vũ trụ Liên Xô thời ấy cả lời Nga và Việt, bài  Mười bốn phút trước xuất phát ( Nhạc của O.Fenxman, lời V.Voi nô vich.). Bài nầy khi dịch sang tiếng Việt có tựa đề Các bạn ơi tôi tin tưởng. Để hợp với nhạc, người dịch thay vì 14 phút trong tiếng Nga chuyển thành 5 phút. Bài hát có đoạn:

 

“Đường bay lên không gian xa xôi. Giờ đây thu xếp đã xong rồi.

Trời mây kia cao cao xanh thắm, đã bao lần mơ tung cánh.

Lưng trời vờn bay ngàn áng mây, như chờ đợi ta cùng vút bay

Năm phút nữa thôi nào bạn ơi! Rồi tung bay nơi xa xôi.

Bạn ơi tôi mong ước bao đêm ngày chuyến bay này.

Trời mây cao xanh thắm, ngàn sao sáng nhìn lấp lánh

Vượt biết bao lớp mây trời, và tới những ngôi sao

Tung cánh trong làn gió trên trời biếc.

Và dấu chân in trên đường, mờ tít nơi không gian

Bay mãi trên trời biếc vượt ngàn sao…”

 

         Chúng tôi hỏi Phạm Tuân vì sao lại là 14 phút trước giờ xuất phát của con tàu vũ trụ thì được anh giải thích rằng đó là những phút kiểm tra quan trọng nhất để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.Nhờ đó mà những chuyến bay vào không gian chở theo người của Liên Xô luôn thành công (Sau nầy các phi hành gia của Mỹ thường bay cùng phi hành gia Nga trên con tàu vũ trụ Nga)

 

Trên bàn tiệc đã bày các món ăn cả Nga lẫn Việt mà chúng tôi ưa thích , nào xa lách Nga, bánh mì đen, nem rán, rượu vang Xô viết có nguồn gốc Mônđavi, bia Sài gòn…Chúng tôi nâng ly chúc cho buổi gặp mặt, chúc sức khỏe và tình bạn, chúc cho  tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt –Nga…

 

Vui chuyện, chúng tôi hỏi thêm về đời tư của Phạm Tuân. Anh hóm hỉnh nói cuộc đời mình toàn gặp “may”. Khi vào không quân anh không được học lái máy bay mà học sửa máy do sức khỏe chưa đủ. Đến khi có nhu cầu tuyển thêm phi công anh mới được chọn. Trong trận không chiến với tốp F.4 Mỹ trên bầu trời Yên Bái, máy bay anh hết nhiên liệu phải quay về sân bay. Lúc này sân bay đã bị máy bay Mỹ ném bom phá đường băng. Không có cách nào khác anh phài hạ cánh xuồng đường băng lỗ chỗ hố bom, bánh xe máy bay của anh bị lọt xuống hố, bị lộn vài vòng.Anh nói thông thường những trường hợp như vậy máy bay sẽ bốc cháy và nổ. Vậy mà anh vẫn sống còn máy bay thì hư hỏng nặng.Sau chiến tranh anh là một trong số bốn người Việt Nam được chọn để huấn luyện thành phi hành gia trong Đội bay quốc tế Xô- Việt. Sau một năm rưỡi tập luyện chỉ còn mình anh trụ lại sau biết bao thử thách gian khổ để đáp ứng yêu cầu bay vào không gian ở trạng thái không trọng lượng.Thế mới biết anh có sức khỏe và ý chí sắt thép như thế nào. Cuộc đời phi thường của anh đâu chỉ có may mắn. Anh nói anh có được ngày nay là nhờ vợ mình, chị Trần Thị Phương Liên, người bạn đời cùng chung quân ngũ. Chị giúp anh chăm sóc và nuôi dạy hai con trưởng thành trong lúc anh phải luôn xa gia đình. Con gái lớn của anh làm nghề tài chính ngân hàng có chồng ở thành phố Hồ Chí Minh, con trai thứ  cũng theo nghề chị gái sau khi du học ở Anh đang làm cho một công ty tư nhân ở cùng  thành phố. Vợ chồng anh hiện sống ở Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu năm 2008, trung tướng Phạm Tuân là phó tư lệnh chính trị quân chủng không quân (1988), Tổng cục trưởng Tổng cục công nghiệp quốc phòng (1999).

 

Cuộc vui rồi cũng kết thúc. Chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm buổi gặp đầy tình thân ái. Chúng tôi cùng hai người Anh hùng hát vang bài hát truyền thống của những người Du hành vũ trụ Xô-viết ngày trước, nhắc  lại điệp khúc hào hùng : Bạn ơi tôi tin tưởng!

 (Bài viết nhân sự kiện nhà Du hành vũ trụ Liên Xô Victor Vaxilievich Gorbatko vừa qua đời ngày 17/05/2017 tại Moskva).                                                                                                                                                                 Tp. HCM những ngày cuối tháng 5 năm 2017.

 

 

 

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 01-06-2017 13:01






Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments

Từ: Guest cucnt
17/07/2017 16:01:16

Những bài viết của anh Mậu có giá trị như những tư liệu lịch sử quý giá. Tư liệu lịch sử nhưng anh viết hay như những câu chuyện văn học. Em đọc, cảm nhận thêm về nghĩa tình "Xô - Việt". Cảm ơn anh!



Từ: Meomun
25/06/2017 16:18:57



@Chị Ngọc Hoa: Cho em đính chính chút xíu: Phi công dự bị của PT trong chuyến bay vào vũ trụ tên là Bùi Thanh Liêm chị à. Hồi năm 72-73, em có đọc 1 bài báo ca ngợi chiến công bắn rơi B 52 của anh PT, bài báo có nhắc tới người yêu anh tên là Tuyết, quê lúa TP. Chắc 2 người ko có duyên nên vợ anh bây giờ là người khác. Hihi, sao em toàn nhớ những chi tiết lẩm cẩm từ ngày nảo ngày nào, cái cần nhớ thì lại quên béng, thế là dấu hiệu tuổi già rồi, huhu.


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72
25/06/2017 15:47:58

Bài viết của anh Mậu rất hay vì rất "tới". Khoá 72 tối đó họp mặt đón Gỏbatko và gia đình Phạm Tuân. Sao mình ko có cảm giác đón các vị tướng, các anh hùng hay những phi hành gia. Chỉ cảm thấy rất gần gũi, thân thiết. Mình nhớ còn một lần được giao lưu với Phạm Tuân và cả Nguyễn Liêm (là người "ghế dự bị" của chuyến bay vũ trụ đó) tại Đại sứ quán. Nguyễn Liêm sau này đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm. Anh Mậu giải thích về 14 phút trước chuyến bay để kiểm tra, rả soát tổng thể lần chót. Nhưng hình như về mặt tâm linh nó như những phút "cầu an". Khi dịch bài hát sang tiếng Việt, có lẽ số 14 không khớp nhạc ( và có lẽ người Việt mình ko có lệ cầu an ) nên đoạn đó dịch thành "Dăm phút nữa thôi bạn ơi". Bạn nhớ người Nga còn có một phong tục: Ngồi im lặng trên hành lý, trong nhà với nhau 5 phút trước khi khởi hành. Thực tế cũng chỉ là dăm phút. Họ gọi là cầu an.



12/06/2017 22:12:09

@MM: Vè Phạm Tuân ở FPT do bạn Khắc Thành (cùng năm MM ở tỉnh Thái Bình), hát rất hay và lời rất tếu, chỉ có điều chép ra đây ko được tiện cho lắm



Từ: Guest Phạm thi Thơ
03/06/2017 11:03:36

Một bài viết chất chứa bao nhiêu tình cảm. Anh Mậu giỏi thật. Bài viết quá hay. Sự hội ngộ của những tâm hồn lớn. Một món quà rất ý nghĩa.



Từ: Guest Mui LT CL78
02/06/2017 15:34:48

Đọc bài viết của anh DCM thấy thật là hào hứng, lôi cuốn nhưng đọc đến câu cuối cùng trong ngoặc thì buồn quá, hẫng hụt, thương tiếc. Mong cho bác Gor yên nghỉ ngàn giấc nơi chín suối với 1 tâm hồn thanh thản, bình yên



Từ: Meomun
01/06/2017 20:03:06



@Anh Mậu: Mấy hôm trước nghe tin bác Gorbatco mất, em cũng thấy bâng khuâng, nay lại đọc bài của anh, thật đúng lúc. Cách đây nhiều năm,  em quên năm nào rồi (có thể cùng đợt mà các anh được gặp họ), em có dịp gặp mặt 2 anh hùng Phạm Tuân và Gorbatco trong  một buổi lễ “long trọng mà thắm tình hữu nghị” tại Nhà Hữu Nghị  TP HCM. Dạo ấy, bác Gorbatco đã chậm chạp rồi. Bác to lớn, có nụ cười rất hiền lành, trông dobrưi như một mugich Nga chính cống.



Anh hùng Phạm Tuân có gốc gác Thái Bình, khi lên vũ trụ lại mang theo bèo hoa dâu. Thời ấy bên cạnh những câu “chính thống” như “Chân dép lốp mà bay vào vũ trụ” của bác Lành thì có nhiều câu vè về chuyến bay của anh vào vũ trụ đúng vào thời điểm cả nước ăn độn mì, cao lương, kiểu như:



“Hoan hô đồng chí Phạm Tuân/ Bay lên vũ trụ một tuần về ngay; Đất nước thiếu gạo, thiếu mỳ/ Anh lên vũ trụ làm gì hả Tuân? Tuân lên vũ trụ cứ lên/Còn tôi ở lại ghi tên mua mì" Thậm chí có cả “chèo” nữa. Hồi em ở Kis, bé Lê Thúy sau em 2 năm còn luyện câu chèo để trêu em (vốn cũng là dân Thái Lọ): “….Phạm Tuân, Tuân  Phạm í a là  Phạm Tuân, bay vào vũ "tru", í a ôm Go rờ bát cô, í a…máy móc Liên xô ì a còn hơn cả Mì (Mỹ)…”. Vui thật, đúng là thời thanh xuân trong trẻo.   



 


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s