KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 13 Tháng mười. 2017

TRƯỜNG XƯA, KỶ NIỆM XƯA




Tác giả: LuongDT

 

             TRƯỜNG XƯA, KỶ NIỆM XƯA   

              Ai cũng có một thời để nhớ...

                  Đặng Thanh Lương       

Mới thế mà đã hơn năm mươi năm kể từ cái ngày các cô, các cậu học sinh lớp chuyên văn, chuyên toán của trường năng khiếu Lệ Chi (Gia Lâm) rời ngôi trường thân yêu sau một năm cùng ăn, cùng học, cùng ngủ và cùng đùa chơi. Bao tháng ngày xa vắng trôi / Còn đâu nếp trường xưa”, lời bài hát đó cứ văng vảng bên tai tôi mỗi khi tôi nghĩ về quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đầy thơ mộng của tuổi mới lớn. Nó chợt đến rồi cũng chợt đi như một giấc mơ trong cuộc đời của mỗi người. Nhưng cũng có lẽ vì nó sượt qua rất nhanh trong cuộc đời của hơn 50 cựu học sinh ngày ấy mà ngày hôm nay họ đang náo nức tìm lại những dấu vết của ngôi trường xưa, tìm lại những kỷ niệm một thời mới lớn, của tuổi thơ, của sự khờ dại, của sự trong trắng tinh khôi.

         Thời đó [1], chiến tranh leo thang đang diễn ra rất dữ dội, giặc Mỹ ném hàng nghìn, hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc. Đêm đêm, thay vì được ngắm trăng sao, chúng tôi - những cô cậu học sinh lại phải giương đôi mắt trẻ thơ lên nhìn bầu trời đầy tia chớp của súng đạn, để xem giặc đánh ở đâu? để ngóng về miền yêu thương xem người thân của mình ở đó có được bình yên hay không? rồi phải ẩn mình tránh những mảnh bom, mảnh đạn mồ côi xé vào không trung, rơi lộp bộp xuống đầu. Mặc cho bom nổ, súng gào, nhưng những đứa trẻ “Lệ Chi’ hồi đó vẫn hàng ngày cắp sách đến trường. Máy bay đến, chúng ẩn mình xuống hầm chữ A. Máy bay bay đi, chúng lại hiện lên, chăm chú nghe các thầy cô giảng bài. Đôi lúc để tránh những giây phút căng thẳng sau tiếng bom rền, thầy giáo lại bắt nhịp “Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển Đông/Tiếng sóng ngoài khơi dồn xa xa những thuyền xuôi dòng/Kìa từng vạt lúa đùa trong nắng phất phơ nhẹ rung/ Kìa lấp lánh than trên tầng, dưới trời trong…”. Những đứa trẻ Lê Chi chúng tôi đã lớn lên cùng với những “quỹ tích” hình viên đạn, với những bài ca tiếng hát át tiếng bom, và những lời ru chan chứa tình yêu thương đất nước. Hồi đó, chúng tôi đã sống và học hồn nhiên như thể không có chiến tranh. Vẫn “Say ngắm từng gian lớp xinh/ Lòng xao xuyến tình thơ”.

  Lớp chúng tôi nằm ở rìa làng, nhà lá 3 gian,  2 chái đầu hồi là phòng ở của các bạn nam, gian giữa là giảng đường.  Có những hôm mệt không lên lớp, mấy thàng con trai nhìn trộm qua vách nứa nhòm các cô bé trong lớp nghếch mắt mơ màng ngắm nhìn gì đó ngoài cửa sổ. Vào mùa thu hoạch, chúng tôi lại dở trò tinh nghịch đi trộm ngô đồng hoặc tử tế hơn đi mót khoai lang. Ngày ấy, chúng hồn nhiên đâu có biết “dân gian” đã để lại trong những ruộng khoai đã thu hoạch những củ khoai to, ngon để chiều đến, mọi người cùng nhau ra mót. Chúng tôi những đứa trẻ “năng khiếu” đã nhanh tay nẫn mất của “gian”. Có lẽ các ông bà nông dân trong làng ngày ấy vì thương những đứa trẻ xa nhà và lại là “của quý” của quốc gia nên đã không nỡ mách thầy cô giáo; không đem chúng ra đình làng để hỏi tội. Những ngày như vậy, chúng hì hụi luộc luộc, nướng nướng cùng nhau nô đùa như những đưa trẻ chăn trâu tinh nghịch của làng quê. Có thằng “dại gái” cất đi một ít mang ra làm quà cho các bạn nữ bị “quản thúc” trong làng[2]. Có lần nhà trường tổ chức cho học sinh đi bắt sâu. Chưa thấy sâu phá hoại ngô lúa ở đâu, đã thấy những “quỷ” học trò bới nát những bẹ ngô non ra tìm sâu. Những đưa học sinh thành phố như chúng tôi được một bữa trải nghiệm rất thú vị[3].

Ngày ấy, mấy ai đã biết yêu là gì? chỉ có kiểu gán ghép vớ vẩn của bọn trẻ con, Đa phần dành cho các bạn to con trong lớp, như Bình  Xô Viết được gán với Nga – thiếu nữ miền Nam, Đó là bạn Đức, bạn Mỹ…Tên họ thường được xướng lên mỗi khi tụ tập đông vui như  “Bình – Nga - Xô Viết – Nga”. Có thể tôi chỉ biết những câu chuyện bề nổi còn những cơn “sóng ngầm” đâu có biết? May ra trong đợt tựu trường gặp nhau sau 50 năm xa cách, cái gì cần lộ sẽ lộ ra vì rằng tất cả các cụ bây giờ đã “An toàn”? và cũng có thể là bởi vì “Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi / Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười/ Cây bàng năm xưa lá tốt xanh tươi /chạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi …”. Tôi còn nhớ những hôm sinh hoạt chung cả trường, bạn Đồi thường biểu diễn tiết mục ảo thuật “cắt cổ”. Tất cả đều hồi hộp và giật thót tim khi nhìn thấy đầu của Đồi vẫn “lơ lửng” ở trên vai khi chiếc dây thừng vừa băng qua cổ. Rồi tiếng sáo chiều ai đó thổi vi vu trong những buổi chiều tà, khi khói lam chiều bay bồng bềnh trên những cánh đồng. Cũng với cây sáo trúc, chỉ trong một thời gian ngắn, N.H.V. Hưng đã trở thành tay thổi sáo “cự phách” của trường. Nếu tôi nhớ không nhầm ngoài những bài truyền thống, Hưng còn hay thổi bài “Tiếng Đàn Ta lư” bài có nhiều “Tính, Tính Tính,…” ấy, mà Hưng rất thích. Nhà toán học tương lai ấy còn đủ tài đệm sáo cho bạn Gái họ Đới của chúng ta hát say sưa[4]. Tôi nhớ có những buổi trưa, tan trường, bụng đói như cào nhưng vẫn phải chờ cơm. Phần vì thiếu củi, phần vì luộc mãi bột mỳ không chín, cả trường đứng vây quanh bếp, chầu chực vớt những cục bột mỳ chín dở vừa nướng vừa ăn cho đỡ đói lòng. Rồi những đêm đông về, gió bấc thổi từng cơn, luồn qua vách nứa, rít qua mái nhà tranh làm cho chúng tôi co dúm lại; và xa xa đâu đó vọng về những câu thơ thầy dạy trong tiết lịch sử: “Đoàn tù chân không, nối gót lê trên đường/ Lá rơi xuống suối vắng đêm trường…”Xmà lòng cảm thấy nao nao. Dạo  ấy, thấy tôi – một cậu bé mới lớn mà đã mồ côi mẹ, Chị Chấn thương tôi lắm. Hồi sống trong nhà dân ở “Keo Sủi”, hai nhà ở gần nhau, Tôi thường qua nhà chị chơi. Bên đó có cả chị Tuyết. Hai chị coi tôi như em trai trong nhà. Tình cảm của các chị, tôi vẫn lưu trong lòng. Tình thương của chị đã truyền vào chiếc chăn bông mầu đỏ chị nhường cho để sưởi ấm lòng tôi qua mỗi đêm, trong mùa đông đầu vắng mẹ. Ngày về nước tôi đã đi tìm các chị nhưng không thấy. Năm 1979 nghe nói gia đình nhà chị Chấn buộc phải về nước. Nên tôi cũng chưa một ngày gặp lại.  Ngày đó, có một bạn gái mảnh mai cũng hay sang nhà các chị chơi. Dù mới quen, chưa nói được gì, nhưng không hiểu sao, hình ảnh người con gái ấy luôn ở trong ký ức tôi, mỗi khi nghĩ về trường xưa, mỗi khi nghĩ về thời thơ ấu ấy - “xa vắng càng thiết tha mong/ Bên mấy khung song thưa/ Say ngắm từng gian lớp xinh/Lòng xao xuyến tình thơ”

          Còn một kỷ niệm nữa gắn liền chúng tôi đó là bài hát “ Cây bút chì” mà Thầy Phùng Gia Anh đã dạy cho học sinh: “ Em có những cây chì, tím đỏ vàng xanh/ Em vẽ, em tô nên thành bức tranh/  Bức tranh có những cánh chim câu trắng bay lượn trên trời bao la/ qua bao mái nhà, nhấp nhô gói đỏ…”. Chúng tôi đã hát bài đó không biết bao lần trên sân trường Lệ Chi thân yêu. Nó đem lại cho chúng tôi niềm hứng khởi, niềm tự hào, cả niềm tin chiến thắng. Tôi đã mang bài hát đó tặng cho các học sinh phổ thông của xứ sở Moldova xa xôi, nơi tôi đã trải qua cả cuộc đời sinh viên ở đó. Thật ấm áp và thật tình người khi nghĩ về những kỷ niệm xưa ấy.

Giờ đây, các cô, các cậu học sinh Lệ Chi bé nhỏ ngày nào đã trở thành những người ông, những người bà với mái tóc đã điểm mầu. Dù thời gian có phôi phai, dù có người đã đi xa, dù có những điều chưa làm được như ý muốn, nhưng tôi vẫn tin rằng ở đâu đó, trong tâm khảm của mỗi người vẫn còn ghi lại những dấu ấn tuổi thơ của những ngày họ hồn nhiên, ngây thơ sống chung dưới mái trường Lệ Chi xưa.

 

            Cảm ơn các bạn và hãy nhớ bài hát “Trường xưa” thủa nào của nhạc sĩ vô danh này nhé

- “Bao tháng ngày xa vng trôi

Còn đâu nếp trường xưa

Xa vng càng thiết tha mong

Bên my khung song thưa

Say ngm tng gian lp xinh

Lòng xao xuyến tình thơ

Bao tình thơ ngây nhng lúc vui chơi

Cùng ngi quanh bóng mát cùng reo cười

Cây bàng xưa kia lá tt xanh tươi

chạnh lòng ai nhtiếc khó nguôi …”

                               

                                   Thu Hà Nội, 2017



[1]Giai đoạn 1967-1968

[2]Lớp văn và nhà ở của các bạn nữ ở trong làng trên một khu đất cao, gần nhà bếp.

[3] 50 năm trước chúng ta đã từng trải nghiệm thực tiễn, dưới bom đạn, làm nghề nông… cái đó có gì mới mà ngành giáo dục lại hô hào phải cho học sinh trải nhiệm như một “sáng kiến” hay một “phát minh mới”.

 

[4] Xin lỗi nếu tôi nhầm với ai đó

 


Người post: LuongDT

Ngày đăng: 13-10-2017 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 21 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest 31
21/12/2017 21:12:16

Chúc mừng anh Lương.



Từ: LuongDT
22/10/2017 13:41:54

 


 


cảm ơn Chị Hoa đã chia sẻ. Ngày hôm qua 21/10/2017, 34 cô cậu học sinh của ngày hôm qua đã gặp nhau sau 50 cách biệt, họ là hiện thân của những kỷ niệm xưa, là 34 mảnh đời của những đứa trẻ của Trường năng khiếu Lệ Chi, Gia lâm, Hà Nội đã sống và trưởng thành từ bom đạn. Hy vọng qua tấm anh này các bạn cũng sẽ có cảm nhận về một thời đã qua cùng với dấu ấn thời gian trên từng khuôn mặt của mỗi người.


 



 


 


 


 



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hoá 72
22/10/2017 01:11:25

Tuổi thơ! Sao mà nhớ đến nao lòng. Thầy cô, bạn học trong veo! Những bài học bài hát, những trò tinh nghịch cũng trong veo. Chỉ chiếc mũ rơm, hầm chữ A, tiết học dở đang vì báo động là trĩu nặng. Một thời không thể nào quên.



18/10/2017 15:02:30

Anh Lương, em là đồng môn DV với chị Dung, cùng học trò Thầy Hoàng Ngọc Lân nên có biết chị Dung làm thơ giỏi, hát hay. T1/2018 lớp chị ấy (năng khiếu Văn Toán lớp 7 Từ Liêm) sẽ tổ chức gặp mặt nhân 50 năm ngày nhập học. Cũng do đồng môn mà em được biết năm học 1967-1968 các chị ấy sang Lệ Chi luyện thi miền Bắc, lại là nơi anh Lương học tập khi đó. Trái đất nhỏ mà, anh Lương



Từ: LuongDT
18/10/2017 07:48:18

@ Ngọc ơi anh Gửi Ngọc Bài viết của Chi Dung nhé. Tên FB trùng với tên của chi.


Các bạn trường NK Lệ Chi thân mến !
Đọc bài của bạn Lương viết, mọi ký ức năm học 1967-1968 ùa về trong tôi một dòng nước lũ . Nó ào ào chảy xiết, không ngừng lại, nó thoáng qua mà để lại nhiều những niềm vui, nỗi nhớ bâng khuâng..., nó in đậm thêm những kỷ niệm đã khắc sau trong tâm trí mỗi người....
Năm học đó, chủ chương thành lập những lớp năng khiếu văn và toán của Sở GĐ Hà Nội bắt đầu được thực hiện . Huyện Gia Lâm đã xây ngôi trường năng khiếu đầu tiên . Chúng tôi gồm 3 người : Lê Thị Ngọc Dung ( văn ) , Nguyễn Ngọc Quỳnh và Lưu Minh Trí ( toán ) được thày chủ nhiệm là thày Hoàng Ngọc Lân đưa sang Lệ Chi . Lúc đó, chúng tôi háo hức lắm vì lần đầu tiên xa nhà lâu như vậy, lại được đến học tại một trường NK mới xây - nơi tập trung bao nhiêu bạn học giỏi- lại được gặp bao nhiêu học sinh giỏi các huyện khác nữa..., thú vị biết bao .
Đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng lắm : mấy gian nhà lá tuyềnh toàng , chứ không như chúng tôi tưởng tượng . Nghĩ lại thấy thật trẻ con ... 
Sau đó là nhận phòng ở với cái giường tập thể được đóng bởi những cây tre còn tươi ghép lại dài...dài, mỗi người trải 1 chiếc chiếu cá nhân của mình vào .
Đến bữa ăn thì như bạn Lương đã tả, là những cái bánh bột mì luộc .
Đúng là chiến tranh gian khổ thật, không bút nào tả hết .
Nhưng học thì... tuyệt . Thày Phùng Gia Anh dạy, cả lớp văn im phăng phắc, nghe say sưa, quên hết " sự đời " .
Năm đó, đề thi văn miền Bắc là : hãy viết thư cho bạn em , phát biểu cảm nghĩ của em khi đọc bài thơ chúc tết Xuân 1968 của Hồ Chủ Tịch ( đại khái như vậy, mình không nhớ chính xác từng cau chữ ) : 
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta .
Mình đã viết một mạch say sưa không dừng bút một bài văn dài 2 tờ giấy thi... 
Vậy mà, bài thi của mình đáng lẽ được giải, nhưng khi duyệt qua hội đồng chấm thi lại bị loại bởi 2 lý do : 
1- Tên người bạn của mình là Uy , bị coi là lỗi " cố tình đánh dấu bài thi " vì cái tên đặc biệt này .
2- Mình bị tội " xuyên tạc thơ của Bác Hồ " vì mình kết thúc lá thư là : Chúc bạn 
Năm nay hơn hẳn mấy năm qua 
Chương trình lớp 7 khó lắm mà
Văn Toán Lý Hoá, 4-5 cả
Tiến lên thi đỗ ắt về ta .
Cuộc thi có kỷ niệm đầy nước mắt này đã in sâu trong tâm trí của cô học trò ngây ngô chưa tròn 14 tuổi ngày đó . 
Sau đó mình được vào học lớp lớp chuyên văn của Hà Nội , đặt tại trường cấp 3 Yên Hoà, cùng học với 1 số bạn của các huyện như :
Ngô Quế Chấn- Đinh Thái Xuân- Trần Duy Thanh- Nguyễn Đa Từ- Trần Kim Ngân- Vũ Hồng Cam- Vương Tiến Khoa- .....
Học được 2 năm ( có học bổng 9 đồng rưỡi / tháng ) thì lại có chủ chương: xoá bỏ trường chuyên, lớp chọn , thế là giải tán về địa phương học tiếp .
Để rồi mình bị xô đẩy và trở thành cô giáo cấp 2 dạy Toán- Lý tại trường cấp 2 Trâu Quỳ .


 



Ảnh lấy trên trang FB của chị Lê Thị Ngọc Dung (nhóm trường Năng khiếu Lệ Chi)



17/10/2017 23:15:26

Báo cáo MM, LyTM đang trên FB, em cứ lên đó là tìm được ngay à, với tên là Tạ Minh Lý.


Nhớ khi xưa, chính LyTM đã viết bài "Người KGU về với web nhà":


Người KGu ơi,


dẫu đang lu bù công việc,


việc quốc tế, việc quốc gia, việc làng, việc xóm,...


Đừng quên, còn một nơi thắc thỏm,


vắng hơ, vắng hoắc những khuôn mặt quen,...


Hãy viết bài, hãy comment,...


hãy để những câu chuyện đời lên men như tăm rượu


làm say đất, say trời, say người tứ xứ,...




Người KGu ơi, 


đang bận bù đầu,


việc vợ, việc chồng, việc con, việc cháu,...


Lo bữa cơm ngon, nuôi tình yêu châu báu,


lo giàn rau sạch, đau đáu gốc hoa,


đừng quên tình bạn một nhà: là web KGu!


Hãy cho KGu: ngắm cây trên trang,


để món ăn thơm, cả làng cùng hưởng,


ảnh con cháu cười,


cả web cười theo!




Người KGu ơi,


đang vi vu hay phượt,


nơi trời Âu hay những vùng sông nước,


núi xanh xanh hay hoa nở rực trời


hãy nhớ dành nụ cười,


bài viết và lời nhắn,...


diễn đàn vắng rồi, chờ bạn nơi xa,...


Hãy nhớ KGu- nơi hội tụ cả nhà,


đang mong ngóng


chờ trang trang của bạn,...!




Người KGu ơi,


việc trước, việc sau, việc gần, việc xa,...


Lên Face vui vẻ, miệng cười như hoa,


ríu rít vào ra, nâng lên đặt xuống,


có say la đà,...


Trẻ như mười bảy, cười như mười ba,...


Đừng quên,


Web KGu đang đợi,


nỗi đợi người nhà,


để cùng vui nha!



Từ: LuongDT
17/10/2017 20:47:28

Cảm ơn Hội trưởng và MM đã quan tâm.


@ Ngọc. Thấy mọi người đang kháo nhau về tài năng ca hát của chị dung, nhớ gọng hát của chị Dung qua nhạc phẩm "Tiếng đàn ta lư"


 



Từ: Meomun
17/10/2017 20:07:16

 


@Tự sướng: Vâng, MM em đồng ý với bác Trưởng là web mình có quá nhiều văn tài khoa Lý, mà hình như bác nào cũng viết "được", như  anh  Hoàng Lương, anh MXLý, anh Tuấn DK, anh Hoài,anh Khoa, anh Diện, anh Khửu, chị Quê Hương, chị Dương Mai...Chính nhờ vào các anh chị ấy với "sức nặng" và "sự bay bổng " của những bài viết tự thuở hồng hoang KGU mới ra đời mà trang web mình thêm nhiều người biến đến.


Nói chung là MM em rất "thần tượng" dân Lý, mà chả phải chỉ có Lý KGU, hihi.   

Ps: Bác Trưởng có biết tác giả LyTM đang ở đâu không ạ? 

 



17/10/2017 18:18:37

@MM: Có lần anh điểm mặt các hảo thủ trên web đàn KGU, hình như quên mất anh LươngDT cho khoa Lý. Khoa Lý ko hiếm nhân tài, nhưng họ viết ko đều, nhiều người tưởng như đã rửa tay gác phím rồi, như anh Huy, anh Hoài. Còn anh Lương vẫn đều đặn viết, mà viết hay nữa. Rất đồng ý với những nhận định của MM về cây phím LuongDT



17/10/2017 18:11:39

Chị Dung này hát hay lắm đấy, các anh chị mời chị ấy hát đi.


Hội lớp 7 năng khiếu Văn-Toán của Dịch Vọng, Từ Liêm chưa thấy động tĩnh gì đâu




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s