KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 07 Tháng tư. 2020

NỖI NIỀM XA XỨ




Tác giả: CucNT

NỖI NIỀM XA XỨ
Ngày 13/08/1985 chúng tôi rời Tổ quốc bay sang Liên Xô (Cũ) du học. Sân bay Nội Bài một trưa cuối hè đông đúc người đi và người đưa tiễn. Bố mẹ ôm con, anh chị em , bạn bè ôm nhau khóc sụt sùi. Chúng tôi chỉ mới học xong cấp 3, 18 tuổi lần đầu tiên giã từ gia đình, quê hương Tổ quốc đến phương trời xa lạ để du học nên đứa nào cũng bấn loạn vì nhớ thương. Máy bay từ từ cất cánh, nhìn quê hương mờ dần rồi khuất hẳn sau màn mây trắng, chúng tôi khóc nấc lên, mong nhanh đến lúc học xong để về với yêu thương.
Sau 16 tiếng đồng hồ, máy bay dừng lại ở sân bay Domodedovo. Chúng tôi được đưa tới nhà lưu trú của sinh viên ở Matxcova và sống tại đây 3 ngày trước khi về Moldova. Các anh chị sang Nga những năm trước đón chúng tôi và đưa chúng tôi đi tham quan một số nơi như quảng trường đỏ, bên ngoài cung điện Cremlin. Tôi choáng ngợp trước những tòa nhà to lớn hùng vĩ, những đại lộ rộng thênh thang và những chiếc xe hơi bóng lộn. Khi xuống Metro thì tôi tin rằng đó chính là những bảo tàng lịch sử tráng lệ mà thủa nhỏ tôi đọc trong những câu chuyện cổ tích. Vào những năm 1980, sau chiến tranh, Việt Nam mình còn nghèo lắm. Chúng tôi học trong những lớp học mái tranh vách đất, cột kèo xiêu vẹo, thức ăn chủ yếu là khoai sắn độn cơm nhưng cũng chẳng có mấy bữa no. Ban đêm chúng tôi học bài bằng ánh sáng của những ngọn đèn dầu leo lét. Nhưng chúng tôi còn may mắn hơn hàng ngàn bạn bè cùng trang lứa không có điều kiện để đến trường. Thầy cô giáo luôn dạy học sinh rằng phải học tốt để xây dựng cuộc sống cho riêng mình và chung sức cùng dân tộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp. Chúng tôi thi đại học đạt điểm cao nên được chọn đi du học nước ngoài. Chiêm ngưỡng thành phố Matxcova xinh đẹp, hành tráng hơn cả trăm lần thủ đô Hà Nội, tôi vui sướng hiểu rằng tôi đã đạt được ước mơ của ông lão Việt Nam “ Nước Nga! Ờ nước ấy! lão nằm mơ nước Nga”.
Sau ba ngày ở Matxcova, thầy giáo người Nga đưa chúng tôi lên tàu về Moldova. Tàu đi qua Nga, qua Ukraine , qua những thành phố sầm uất, những cánh rừng bạch dương mênh mông, những đồng rộng bát ngát và cuối cùng dừng lại ở sân ga Kishinhop. Anh Điệp, chị Huyền ra đón chúng tôi đưa về ký túc xá của trường đại học Kishinhop. Nhìn thấy các anh chị người Việt Nam, chúng tôi reo lên sung sướng, vậy là nơi chúng tôi học không phải chỉ là những người xa lạ. Các anh chị đãi chúng tôi một bữa cơm ngon chưa từng có bởi sau 5 ngày xa Hà Nội đó là lúc lần đầu tiên chúng tôi được ăn những món ăn giống món quê nhà. Các anh chị hướng dẫn chúng tôi những điều cần thiết nhất để chuẩn bị cho cuộc sống mới và năm học mới. Đêm đầu tiên, dù có nệm ấm, chăn êm, ga giường sạch sẽ, chúng tôi vẫn không tài nào ngủ được.. Tôi và Nhàn lên phòng Hà, có Huệ, Dung, Khuyên và Mai ở đó. Chúng tôi, kể cho nhau nghe chuyện của gia đình mình và đứa nào cũng sụt sùi vì nhớ nhà. Bổng nghe văng vẳng tiếng chó sủa, Hà kêu lên “ Các bạn ơi! Tiếng gì như tiếng chó ở Việt Nam. Đúng rồi! Tiếng chó sủa nghe quen quen, chúng tôi òa lên khóc. Lúc đó tôi mới thấu cảm được câu thơ của Phạm Hữu Quang: “Một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Đã có nhiều nhà thơ, nhà văn viết về nỗi nhớ: “Nằm ngữa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến, nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo” ( Phạm Tiến Duật) “ Anh nhớ em, mỗi buổi đường anh bước, mỗi tối anh nằm, mỗi bữa anh ăn” ( Nguyễn Đình Thi)
« …Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng!
Anh ơi! Em nhớ, em không nói,
Nhớ cứ đầy lên, cứ rối lên
Từ đấy về đây xa quá đỗi,
Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền? » ( Nguyễn Bính)
Nỗi nhớ gia đình, quê hương Tổ quốc trong lòng chúng tôi thật da diết. Nỗi nhớ leo lỏi vào từng ý nghĩ, từng việc làm, từng giấc mơ. Nỗi nhớ của chúng tôi bằng nỗi nhớ của tất cả nỗi nhớ của các nhà thơ, nhà văn cộng lại. Nguyễn Bính còn có thể mong ước đi gặp người thương bằng ngựa hay bằng thuyền còn chúng tôi xa xôi hàng vạn dặm, sẽ đi bằng cách nào đây ? Tôi và Nhàn chơi thân với nhau. Suốt đời tôi mang ơn Nhàn vì bạn đã chia sẻ cho tôi bao vui buồn và khổ đau những tháng năm xa quê. Nhàn đã giúp tôi phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ người thân. Đất nước Moldova thật thanh bình, thầy cô rất yêu quý sinh viên Việt Nam và người dân nơi đây thật hiền hòa tốt bụng. Sau những ngày đầu buồn thảm vì nhớ, chúng tôi cũng phải miệt mài học tập vì chúng tôi biết đất nước đã lựa chọn những học sinh xuất sắc nhất cho đi du học để chiếm lĩnh kiến thức về xây dựng quê hương. Hơn nữa nếu chúng tôi thi không đạt điểm 5 ( Xuất sắc) điểm 4 ( khá) mà chỉ đạt điểm 3 (trung bình) là sẽ phải trở về Việt Nam học. Chưa nói điều kiện học tập ở Việt Nam lúc đó còn thiếu thốn thì sự trở về dường như là một vết hoen về danh dự. Trường của chúng tôi có đủ sinh viên ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới đến học nhưng hội sinh viên Việt Nam lúc nào cũng nổi bật vì tính đoàn kết, tinh thần tập thể rất cao và kết quả học tập lúc nào cũng xuất sắc nhất. Dần dà chúng tôi cũng quen với cuộc sống xa quê nhưng mong ước trở về Việt Nam luôn đau đáu trong lòng mỗi người.
Ngày đó chưa có công nghệ thông tin như bây giờ. Tin tức quê nhà, chỉ mong chờ vào những cánh thư. Mỗi lá thứ bay về và hồi đáp trở lại mất khoảng vài tháng. Thi thoảng các bạn lại reo lên vì có thư nhà, bù đắp được phần nào nỗi nhớ. Gần 2 năm từ ngày xa Tổ quốc, tôi mới nhận được lá thư nhà đầu tiên. Không thể kể hết nỗi tủi hờn của tôi lúc đó. Mỗi lần có thư, chúng tôi lại chia sẻ cho nhau chuyện ở quê nhà, vui buồn cùng nhau. Có lần có người đi Matxcova về, mang về mấy tờ báo tiếng Việt, chúng tôi tranh nhau đọc, đọc đến tin, « Ở Nghệ Tĩnh mưa bão lớn, nhiều căn nhà bị đổ sập, nước cuốn trôi nhiều trâu bò, lợn gà, đã có người chết vì mưa lũ… » chúng tôi òa khóc, lo lắng không biết gia đình mình thế nào, khi về nước cả nhà còn nguyên vẹn nữa hay không. Một lúc, tĩnh tâm, xem lại thì tờ báo đó xuất bản từ 6 tháng trước đó.
So sánh cơ sở vật chất của thành phố Kishinew – nơi chúng tôi đang sống với quê nhà quả là một khoảnh cách rất lớn nhưng chúng tôi không ai mặc cảm , tự ti về đất nước mình. Ngược lại thầy cô giáo và người dân nơi đây rất mến mộ chúng tôi, họ bảo rằng họ ngưỡng mộ người dân Việt Nam anh hùng đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh gấp trăm lần là đế quốc Mỹ. Chúng tôi cố gắng học hành thật tốt để trở về xây dựng quê hương. Các anh chị học trước chúng tôi tốt nghiệp xong đều về nước. Những ai lựa chọn ở lại , đều bị coi là lưu vong, là những người không yêu Tổ quốc.
Dù người dân Moldova rất thân thiện, dù chúng tôi đã nắm vững tiếng Nga để giao tiếp như người sở tại, dù chúng tôi đọc báo nghe thời sự, xem phim ảnh và hiểu biết về xã hội thì khoảng cách vẫn luôn có giữa chúng tôi và họ. Chúng tôi luôn cảm thấy đất nước này, nhân dân này là của họ, chúng tôi chỉ là những người làm khách thôi. Ngày lễ chiến thắng ở Moldova, hoà vào dòng người đông bất tận đến viếng tượng đài chiến thắng, kính cẩn đặt hoa trước anh linh của những vị anh hùng dân tộc nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy đó không phải là những vị anh hùng dân tộc của đất nước mình. Ngày nhân dân Moldova nô nức đi bầu cử, tôi đứng lặng ngắm nhìn và hiểu rằng, dù rất yêu đất nước này, tôi vẫn chỉ đứng bên lề xã hội, vẫn chỉ là người khách qua đường mà thôi. Ước muốn về Việt Nam để cầm lá phiếu cử tri trong tay thể hiện quyền công dân của mình càng mãnh liệt trong lòng mỗi đứa.
Trước chúng tôi rất nhiều năm, có hai người ở lại, anh Sáng và anh Cầm, thi thoảng mọi người đến ký túc xá nhưng chúng tôi không tiếp vì cho rằng đó là những người không yêu Tổ quốc, chấp nhận cuộc sống lưu vong. Sau này, khi người Việt Nam còn rất ít ở Moldova vợ chồng tôi chơi thân với anh Cầm và hiểu thêm nhiều nỗi lòng của anh ấy. Anh Cầm chọn ở lại vì người yêu của anh là cô gái Moldova tên là Anla. Ngày học xong, anh đến Đại sứ quán xin đăng ký kết hôn để đưa Anla về Việt Nam nhưng họ không đồng ý. Hồi đó, chúng tôi được quán triệt là không được yêu người nước ngoài, sau khi học xong phải về nước xây dựng Tổ quốc, không được ở lại. Ai vi phạm coi như “phản bội Tổ quốc”. Anla đang mang thai nên không nỡ bỏ rơi người yêu và giọt máu của mình, anh Cầm đã quyết định ở lại, buôn bán nuôi vợ con. Gần anh tôi mới thấy, anh yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc biết nhường nào.Trong anh lúc nào cũng đau đáu ước muốn được trở về quê hương xứ sở.
Trước năm học của tôi có 2 khóa và sau tôi có 3 khóa, tổng số sinh viên Việt Nam tại Moldova thời điểm đó có hơn 100 người. Sau tôi chỉ có 3 khóa, 1986, 1987 và 1988. Những năm sau, do có hiện tượng nước Moldova đòi tách khỏi Liên Bang xô Viết để nhập với nước Rumania nên du học sinh Việt Nam không được đưa về Moldova nữa. Các anh chị năm trên lần lượt tốt nghiệp rồi về nước. Người Việt ngày càng ít hơn. Mỗi lần tiễn mọi người ra ga về Việt Nam, tôi lại nhạt nhòa nước mắt, bởi cảm giác đơn độc của người ở lại. Những lúc buồn, tôi chẳng thể tìm đến chị Dung, chị Huyền mà thổn thức nữa.
Năm 1991, khóa tôi tốt nghiệp, các bạn Nhàn, Dung, Long, Hương, Mai về nước, Huệ lên Kiev cùng chồng rồi qua Rumania, Khuyên qua Đức, Hà , Tú Huyền lên Matxcova. Chỉ còn tôi ở lại Moldova với chồng vì chồng tôi học sau tôi 3 năm nên tôi chuyển tiếp thực tập sinh và sau đó làm nghiên cứu sinh thêm 7 năm nữa. Người Việt ở Moldova chỉ còn lại chưa đến 10 người, một cộng đồng nhỏ bé nên các phong trào văn hóa chung cũng không còn nữa.
Tháng 9/1991, một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra, Liên bang xô viết tan rã. 15 nước cộng hòa trở thành 15 quốc gia độc lập với biên giới riêng và đã xảy ra rất nhiều đụng độ, giao chiến dọc vùng biên giới vì tranh chấp lãnh thổ. Nhiều người lên án Mikhail Gorbachev - Tổng thống Liên xô lúc đó đã gây nên cơ sự này nhưng thực ra sự rạn nứt của Liên Bang đã âm ỉ nhiều năm trước đó, đầu tiên là các nước ở Baltic, sau rồi lan ra nhiều nước khác, nhân dân suốt ngày biểu tình đòi độc lập. Việc học của chúng tôi trở thành khó khăn hơn bao giờ hết. Không còn học bổng mà ngược lại phải nộp học phí và tự trang trãi cuộc sống cho chính mình. Hàng tháng, chúng tôi xin viza lên Matxcova, đến thư viện Lenin để đọc sách và sao chép tài liệu rồi ghé vào cộng đồng người Việt ở Nga mua một ít hàng hóa mang về Moldova bán lấy tiền. Giảng viên của chúng tôi là những thầy cô giáo người Nga, Người Ukraina, người Modova vv . Tất cả họ đều là những thầy cô giáo khả kính, họ đã dạy chúng tôi bằng tất cả tri thức và tấm lòng của những thầy cô giáo chân chính. Thế rồi khi tách khỏi liên bang Xô Viết, người dân Moldova cho rằng, bao nhiêu năm qua họ bị đánh mất tiếng nói chữ viết của riêng mình, họ bị tiếng Nga thống trị, giờ là lúc họ phải khẳng định lại bản sắc dân tộc của riêng họ. Tiếng Moldova được đưa vào giảng dạy, các thầy cô giáo người Nga, người Ukraine không những không còn được giữ những vị trí quan trọng nữa mà họ còn được khuyến cáo hãy trở về nước mình hoặc là phải nắm vững tiếng Moldova như tiếng mẹ đẻ thì mới có cơ hội giữ lại công việc. Chúng tôi học bằng tiếng Nga, vô cùng vất vả mới tìm đủ tài liệu để học hành, giờ làm sao đây? May sao, nhà trường vẫn đồng ý cho chúng tôi viết luận án tiến sỹ bằng tiếng Nga.
Người Moldova được tuyên truyền rằng 75 năm qua họ bị người Nga đô hộ nên đất nước họ mới nghèo khó, giờ là lúc phải xây dựng lại lịch sử đất nước. Rằng người Moldova vốn có gốc là người Rumania, người Moldova sẽ xây dựng Tổ quốc theo đường lối phát triển của tư bản chủ nghĩa, của các nước phương Tây, thoát khỏi sự kìm kẹp của người Nga, nhất định họ sẽ giàu có. Người lớn tuổi trầm tĩnh hơn, họ trân trọng những tháng năm bình yên, đủ đầy trong khối Liên bang Xô viết còn lớp trẻ thì tin rằng, tách khỏi liên bang, có nghĩa là họ được giải phóng, được tự do để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn. Nhưng sự thực những năm đầu đã không diễn ra như họ nghĩ.
Liên bang xô viết tan rã, kéo theo sự sụp đổ về nền kinh tế chung. Dưới thời Xô Viết, sự phân bổ phát triển kinh tế không đồng đều, ví dụ như nước Nga chuyên cung cấp các sản phẩm công nghiệp, Moldova chuyên sản xuất rượu nho và táo, các nước khác sản xuất lương thực, thực phẩm rồi cung cấp lẫn nhau. Sự chia tách đã làm cho nền kinh tế khựng lại, thừa, thiếu lẫn lộn. Moldova là một trong 15 nước cộng hòa nghèo nhất thì giờ đây sự thiếu hụt lại hiện lên chồng chất. “Trộm cắp là con đẻ của đói nghèo”. Biên giới được dựng lên, kẻ xấu thực hiện hành vi ở nước này rồi chạy qua biên giới nước kia là coi như thoát. Từ chổ chúng tôi là những người ngoại quốc được yêu thương đùm bọc thì giờ đây chúng tôi trở thành đối tượng của bọn xấu xa. Người dân Moldova hiền lành, thân thiện đã bắt đầu phân biệt. Chúng tôi không biết ai là người Moldova, ai là người Nga, ai là người Ukraine vì họ đều giống nhau và chúng tôi dùng tiếng Nga để giao tiếp với họ bao nhiêu năm qua. Chương trình học, các cửa hàng, bảng hiệu đều đã sử dụng tiếng Moldova thay cho tiếng Nga. Có lần tôi vào cửa hàng mua bánh mỳ và cô nhân viên bảo với tôi: “Mày hãy nói từ “bánh mỳ” bằng tiếng Moldova thì tao mới bán cho mày. Bọn mày ăn bánh mỳ của chúng tao mà không thèm học tiếng chúng tao à?”
Hàng tuần tôi đến Matxcova mua một ít hàng hóa mang về Moldova bán để lấy tiền trang trãi cuộc sống. Những bịch hàng mang về ký túc xá đã lọt vào mắt bọn tội phạm và chúng đã đến tận phòng chấn lột, cướp cả hoàng hóa và những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của tôi. Nhiều lần như thế , chúng tôi trình báo công an nhưng không có kết quả. Có lần một anh công an còn hỏi ngược lại tôi “ Chúng mày đi học, sao lại có tiền mua nhiều áo phông, quần bò thế? Có phải chúng mày mua rẻ, bán đắt bóc lột dân Moldova chúng tao không?”. Ôi! cái tư duy xã hội chủ nghĩa cấm buôn bán in hằn vào đầu óc của những người thủ cựu đã làm hại chúng tôi. Người Nga, người Ukraine và các nước khác sinh sống làm việc trên đất Moldova 75 năm qua, đã mấy thế hệ cũng bắt đầu bị phân biệt. Người Moldova thường lớn tiếng nói với họ “ Hãy quay về quê hương của các người đi! Đây là lãnh thổ của chúng tôi, chỉ chúng tôi mới có quyền sinh sống”. Tất cả mọi người từng đối xử với chúng tôi rất tốt nên chúng tôi chẳng biết phải ủng hộ ai. Trong sự xáo động dữ dội của đất nước Moldova, chúng tôi hoàn toàn đứng bên lề xã hội. Buồn bã và cô độc, chưa lúc nào tôi thấychúng tôi nhỏ bé đến thế và nỗi buồn xa xứ chưa lúc nào lớn như thế. Việc học hành còn dở dang nên chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ, vẫn phải nhờ bạn bè ở Matxcova gửi cho một ít hàng hóa, mang ra chợ đứng bán giữa cái rét thấu xương mùa đông và cái nắng rực lửa mùa hè để kiếm tiền trang trãi. Chẳng ai giúp chúng tôi. Làm thế nào được, người Moldova đang đối diện với khó khăn cùng cực, họ phải cưu mang người dân họ trước là lẽ đương nhiên.
Tôi sinh con, bệnh viện xuống cấp, các đồ dùng đã cũ kỹ nên tôi bị nhiễm trùng máu. Trong những cơn sốt điên dại, khi nằm cận kề cái chết tôi rên lên “ Mẹ ơi! Có thể con qua đời mà không được gặp mẹ lần cuối!”. Ở nghĩa trang Thành phố Kishinew, nơi đây có mộ chị Trần Thị Nguyện, mất năm 1972. Ngôi mộ nằm một mình hoang lạnh và buồn thảm, không có lấy một que nhang, cỏ mọc um tùm. Thi thoảng chúng tôi tới, nhổ cỏ và đặt lên mộ chị một bó hoa với lời cầu nguyện cho hương hồn chị được an lạc chốn vĩnh hằng. Hình dung rồi sẽ chết, sẽ nằm lại lạnh lẽo một mình nơi xa xứ, không có ai hương khói , tôi cảm thấy thật đớn đau, trong tôi dào lên một ước muốn mãnh liệt được về Việt Nam, nếu có chết cũng chết trên đất mẹ dấu yêu. Những ai từng trãi qua hoàn cảnh như tôi mới thấy gia đình và Tổ quốc quan trọng đến nhường nào. Người ta bảo “chết là hết” nhưng không, nếu có chết cũng được chết trên quê hương thì cái chết mới không bi thảm. Tôi hiểu vì sao, dù đã từ chối Tổ quốc để ở lại nước ngoài, trước lúc chết ông Hoàng Văn Hoan đã dặn con mình, hãy thiêu thi thể ông, thả tro xuống sông Hồng để hồn cốt của ông theo dòng sông chảy về đất Việt (Thiên thu định luận).
May thay, các bác sỹ người Moldova đã cứu sống tôi, đã chuyền cho tôi những giọt máu hiếm hoi còn lại trong bệnh viện. Tôi mãi mãi tri ân người dân Moldova. Chúng tôi cũng viết xong luận án tiến sỹ, chỉ chờ ngày bảo vệ nữa là về nước. Giảng viên trường Đại học tổng hợp Moldova không đủ thành phần giáo sư, tiến sỹ để thành lập Hội đồng khoa học chấm luận án tiến sỹ nên chúng tôi phải mời thêm giảng viên ở Matxcova , Ukraine tới. Điều khó khăn hơn là chúng tôi phải thuê người dịch luận án ra tiếng Moldova và mời giảng viêng từ Rumania qua. Tiền vé máy bay, khách sạn cho 3 giảng viên ở 3 nước đó tới, chúng tôi phải chu cấp cho họ. Chỉ riêng tiền dịch luận án từ tiếng Nga ra tiếng Moldova đã hết 500 USD. Sau những thàng ngày dãi nắng dầm tuyết, chắt chiu từng đồng bạc lẻ, chúng tôi lo đủ số tiền để chuẩn bị cho việc bảo vệ luận án tiến sỹ .Thế rồi trước đó một tuần, tôi bị chấn lột, kẻ xấu đã cướp giật cái túi trong đó có 5000 usd của tôi. Lần này thì công an cũng bắt được kẻ chấn lột. Tôi mừng lắm, hy vọng số tiền của tôi sẽ được trả lại để tôi thanh toán cho kỳ bảo vệ. Thế nhưng khi đến đồn công an, họ đã nói với nhau gì đó bằng tiếng Moldova, tôi không hiểu và công an đã thả người đó ra mà không trả lại tiền cho tôi. Tôi hiểu rằng chúng tôi đã không được bảo vệ. Khi bình thường xã hội Moldova thật văn minh, họ dành cho chúng tôi sự bình đẳng, bác ái và cả những hành động đùm bọc,cưu mang nhưng giờ đây, khi đất nước họ đang xáo trộn, đói nghèo đang bủa vây họ, cái xấu đang lên ngôi thì tôi là kẻ bất hạnh trở thành nạn nhân nhận về mình sự bất công khủng khiếp. Không còn tiền, tôi đành dành số tiền còn lại cho chồng tôi bảo vệ luận án tiến sỹ còn luận án của tôi thì để lại dang dở sau 7 năm vật vã ở xứ người. Chồng tôi nhận xong bằng tiến sỹ, chúng tôi về nước ngay. Ngày chia tay, anh Cầm nghẹn ngào “Các em về rồi, anh cô độc lắm! Em trai anh ghi thư “Thủa nhỏ anh hận gì với quê hương mà một đi không trở lại”. Anh không hận gì, ngược lại yêu quê hương, gia đình tha thiết nhưng hoàn cảnh vậy, đành vậy thôi. Ước gì anh được về Việt Nam như các em”. Xe chạy rồi, anh còn đứng mãi, liêu xiêu trong gió chiều nhìn theo chúng tôi, mắt nhòa lệ.
Tôi về nước với cái bằng cử nhân luật nên không trở thành giảng viên đại học như các bạn nhưng tôi làm nhiều việc để kiếm sống và sống cuộc đời tuy còn khó khăn, vất vả nhưng ấm cúng bên những người thân yêu và bình an trong lòng xã hội. Tôi tham gia nhiều công việc mang tính cộng đồng và thực sự cảm thấy mình là những người bình đẳng trong xã hội và là những công dân làm chủ đất nước. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng nỗi ám ảnh về sự cô đơn nơi xa xứ vẫn chưa phai nhòa trong ký ức tôi. Ngày con trai tôi nhận được học bổng qua Nhật du học, nhiều người khuyên cháu tìm cách ở lại, còn tôi, tôi dặn con “ Ở đâu là quyền lựa chọn của con nhưng con hãy nhớ rằng Tổ quốc là người mẹ độ lượng nhất luôn giang tay đón con trở về để che chở, cưu mang”.
Các anh chị học trước tôi đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, đã cống hiến rất nhiều cho xã hội. Tôi nhớ ông Hiệu Minh từng kể, khi ông đến viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để nhận việc, thấy ở đấy quá nghèo nàn về điều kiện nghiên cứu nên ông đã tìm cách ra nước ngoài và ở lại bên đó.Các anh chị học trước tôi thì không thế, họ đi xe đạp, ăn bo bo, suốt ngày miệt mài nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Những ai đã từng sống cùng thời với tôi, chứng kiến đất nước những năm 1990 trở về trước và bây giờ thì mới thấy Việt Nam đã thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Tôi chưa cống hiến được gì cho đất nước nhưng tôi nguyện là một công dân tốt và tôi tin Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và bất cứ ai là dân Việt cũng sẽ tự hào về Tổ quốc của mình.
Dịp này, khi thế giới đang khủng hoảng vì dịch covid-19, rất nhiều người Việt Nam trên thế giới đã trở về Tổ quốc. Nhiều ý kiến cho rằng họ không nên về vì về thì mang dịch về cho đất nước. Riêng tôi, tôi cảm kích vì chính phủ đã giang rộng vòng tay đón con em của mình về nước. Con em của chúng ta dù đi làm hay đi học đều mong muốn chiếm lĩnh được tiền bạc, lĩnh hội được kiến thức để mang về xây dựng Tổ quốc. Cuộc sống của các em ở xứ người thật không dễ dàng gì. Khi các nước đang bấn loạn vì dịch bệnh thì sự quan tâm đầu tiên vẫn dành cho dân nước họ và người Việt sẽ trở nên bơ vơ, lạc lõng khi ở nước ngoài. Đi xa mới thấy mình nhỏ bé, đi xa mới thấy yêu da diết Tổ quốc mình. Trở về với gia đình, với quê hương xứ sở là trở về với tình yêu thương, với sự yên lòng vì một điểm tựa vững chắc nhất cho cuộc đời mình. Mong sao tất cả chúng ta thấu hiểu được điều đó để đón các em về bằng tất cả sự khoan dung, trìu mến. Bài hát của Trương Quốc Khánh vang lên “làm người, xin được chết cho quê hương”. Riêng tôi, tôi tha thiết, làm người, nếu phải chết, xin được chết trên quê hương. Tôi tin, nhiều người có cảm xúc như tôi.


Tp. HCM ngày 06/04/2020
Nguyễn Thị Cúc.


Người post: CucNT

Ngày đăng: 07-04-2020 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: ThoaNP
08/05/2020 08:34:47

Lâu lắm không vào web nhà nên hôm nay mới đọc bài viết này của em. Bài viết cảm động, làm chị hiểu rõ hơn cuộc sống, khó khăn của các em những lứa sau này. Cảm ơn em



Từ: Guest cucnt
29/04/2020 16:39:38

NNT lan ơi! Một thời gian dài Cúc không liên lạc với ai chỉ vì như thế vì mình đang luẩn quẩn trong khó khăn, biết nói gì với bạn bậy giờ. ... các thầy cô giáo  người Nga, người Ukraina lúc đó đều khổ vì học tiếng Mol đâu phải ngày một ngày hai, không biết tiếng Mol  thì nguy cơ mất việc.... Giờ đây hội Kgu bọn Cúc vẫn góp  tiền gửi qua giúp các thầy cô dạy tiếng Nga vì cuối đời họ rất thiếu thốn. Đi du lịch nước ngoài thì tốt chứ ở bên đó thì buồn lắm bạn ạ. Cúc yêu quê hương hơn sau những tháng năm xa ngái. 


 



Từ: Guest cucnt
29/04/2020 16:35:50

Nụ Tầm Xuân ơi! Những biến động dữ dội của lịch sử đất nước đều ảnh hưởng đến người dân. Chị đã chứng kiến và chịu đựng giai đoạn tan rã của liên bang xô viết nên kg tránh khỏi nỗi vất vả chung nhưng cũng là những trãi nghiệm để nhìn cuộc sống và xã hội đa chiều hơn. Cũng nhờ những trãi nghiệm đó nên chị yêu Tổ quốc hơn em ạ.


 



Từ: Guest cucnt
29/04/2020 16:32:06

Chị Hoa ơi!  Vào những ngày rằm tháng 7 hoặc trước Tết nguyên đán, em thường ra mộ nhổ cỏ và đặt lên mộ chị Nguyện 1 bó hoa. Bên đó không có hương nên thi thoảng em thắp 1 cây nến. Buồn thê lương chị ơi! ... Tất cả sẽ rất tốt đẹp nếu không có sự tan rã của liên bang Xô Viết... Các thầy cô giáo dạy tiếng Nga của chúng ta vô cùng cơ cực. Chúng ta đã góp tiền giúp thầy cô cũng vì lẽ đó chị ạ. .. Các bạn em học xong về nước  rồi cũng có công việc ở các cơ quan nhà nước. Em ở lại muốn kiếm cái bằng tiến sỹ nhưng hoàn cảnh ngặt nghèo xảy ra nênđành về nước với cái bằng cử nhân. Cũng chẳng có gì gọi là nghị lực, chỉ là cuộc sống xảy ra thế thì chấp nhận thế thôi chị..... Ở đâu  thì cũng do lựa chọn của từng người. Bản thân em thấy ở VN ấm áp nhất và mình được tôn trọng nhất.  Muốn VN bằng các nước thì phải chung tay xây dựng thôi. Các anh chị đã làm rất tốt điều đó. Cảm ơn chị đã luôn cảm thông với em.


 



Từ: Guest cucnt
29/04/2020 16:23:54

Đi xa mới thấy yêu Tổ quốc, quê mình hơn bội phần chị Nguyen Ha ạ. 



Từ: Guest TTN Lan
19/04/2020 17:59:03

Chắc các thầy cô người Nga cũng khổ lắm sau khi Liên Xô tan rã.



Từ: Guest TTN Lan
19/04/2020 17:58:13

Mình không biết là Cúc vất vả như thế những năm ở Moldova. Cúc nói đúng. Có chết cũng chết ở đất mẹ. Những năm đầu 80, nước mình cực khổ. Có người quen cho mình vượt biên cùng con cái họ, mình từ chối. Kh cuũn ở Việt nam thôi.



Từ: Guest Nụ Tầm Xuân
13/04/2020 22:09:47

Chị viết dài thât mành[f vậy em hiểu hơn lịch sử nước Nga giai đoạn đó và lịch sử thanh xuân của chị. Từng sống rời xa tổ quốc nên giờ trân quý khi được sống trên quê mẹ chị nhỉ.



Từ: HoaNT
11/04/2020 17:28:10

Cúc ơi thế là bọn em sang Kis sau bọn chị K77 là 14 năm mà bọn chị sang bằng tàu hỏa và sau 6 năm cũng về bằng tàu hỏa. Chị Nguyện là học cùng khóa với bọn chị đấy. Chuyến đi du học đầu tiên này chị đã có lần viết trên trang Kgu này rồi http://www.studentkgu.vn/news/detail/sec_3/cat_7/id_338


Đọc bài của em chị mới thấy hiểu và thông cảm với cuộc sống của em hơn. Rất  cảm động và khâm phục nghị lực của em đấy, du học mà vất vả quá nhỉ. Đúng là không đâu bằng sống ở đất mẹ chẳng thế mà con trai đầu của chị sau 6 năm học đại học ở Singapore và thạc sỹ ở Anh có học bổng toàn phần làm Tiến sỹ 3 năm ở Anh nó đã từ chối mặc dù đã apply hết các thủ tục rồi vì nó bảo con không thích sống ở đất nước mà người châu Á bị phân biệt và không đâu bằng nhà mẹ ạ. Đúng như vậy chị đã được đi công tác, đã sống, làm việc và học tập ở rất nhiều nước trên thế giới này nhưng không bao giờ có ý nghĩ là sống ở nước ngoài, lúc nào cũng chỉ mong xong việc để được về nhà. Trong những ngày cách ly xã hội bởi dịch covid-19 này mới càng thấy yêu Tổ quốc mình biết bao. Mong sao mau chóng hết dịch để bọn mình lại được Du thu sắp tới nhỉ. Chúc em cùng các con khỏe, vui, bình an    



Từ: Guest Ha Nguyen
10/04/2020 18:27:28

Rất cảm động khi đọc được những tình cảm của em đáng trân trọng với quê hương, Tổ Quốc đó cũng là tình cảm chung của những người con xa xứ em à



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s