KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 18 Tháng mười một. 2010

Thầy giáo anh Ngọc, Viện sỹ Riabukhin




Tác giả: HuyenBT

Ngọc và thầy giáo, 17/06/2010

Thầy giáo anh Ngọc, Viện sỹ Riabukhin

Em đang ngồi trong phòng làm việc, thấy thư ký gọi điện, báo có một ông già muốn gặp em. Em nhìn vào lịch làm việc trong ngày, không thấy có ghi "ông già" nào cả. Bảo thư ký hỏi hộ họ tên "ông già". Trả lời: "Thầy anh Ngọc!"

Em chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang, "thầy anh Ngọc" cười tỏm tẻm đứng đợi. Thầy chậm rãi ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn khắp phòng làm việc của em, mắt nhìn có vẻ lạ lẫm, rồi tủm tỉm: "Lắm hoa hoét thế!".

Em hỏi sao mà thầy lại ghé được đến chỗ em hôm nay? Thầy hẹn em phải sang tuần sau mà! Thầy bảo, tại vì tự nhiên lại thay đổi lịch lên lớp, thầy rảnh, thì thầy lên gặp! Em hỏi thầy đi chuyến xe bus mấy giờ, mà mấy hôm trước thầy có bảo cứ phải 4 giờ, 4 rưỡi mới đến nơi? Thầy bảo, gặp xe sớm thì lên sớm, thành ra 2 giờ trưa đã lên đến Kisinhop. Em hỏi thế suốt hai tiếng đồng hồ, thầy lang thang ở đâu? Bảo: làm gì có chuyện lang thang, đứng một chỗ thôi, ở trong hiệu sách! Lúc đó em mới nhận ra là thầy chỉ ngồi mím một góc ghế, còn nửa ghế còn lại thì đặt một cái túi "kulok" to tướng, như túi đi chợ của mấy bà nội trợ. Em bảo: thầy mua được sách gì, em xem với nào! Thầy giấu diếm, hai tay cứ vân vê quai túi như muốn buộc chặt lại. Em bảo: thì cứ cho em xem nào! (trong bụng nghĩ, mấy quyển toàn lý thuyết, với đầy những công thức toán học, có cho em đọc cả năm cũng chẳng nhớ nổi một ký hiệu). Thầy ngượng ngùng mở túi nilon, rút ra cho em xem quyển đầu tiên: "Phát súng bắn sau lưng" (của tác giả detective). Quyển thứ hai: «Khu vườn bí mật», (cũng detective). Quyển 3, quyển 4, quyển 5... cả một series detective. Thảo nào mà thầy giấu giấu. (Và hình dung ra, cái hồi đi học, chắc thầy anh Ngọc luôn xung phong ngồi ở bàn cuối, ngồi thẳng, khoanh tay ngay ngắn trên bàn, mắt nhìn xuống ngăn bàn, ở đó cái series sách này đang mở rộng)... Hai thầy trò em nhìn nhau cười rất hiểu ý, nên không có thêm câu hỏi và câu giải thích nào nữa.

Có đến cả tháng trời em tìm thầy. Gọi điện số nào cũng không thấy trả lời. Đến Viện hàn lâm thì không gặp. Rồi thấy ân hận là lần trước gặp thầy, đã không hỏi cho thấu đáo: hàng tháng, vào ngày nào thì thầy lên Kisinhop. Lúc đó thầy trả lời: vào ngày lĩnh lương hưu. Em cũng đoảng, không kịp nhớ ra là ngày nhận lương hưu ở đây rất khác nhau. Để rồi đoán mò, lần nào đến cũng không gặp. Gặp được thầy lần này, em hỏi sao cả tháng nay thầy không cầm máy điện thoại trả lời em? - "À, vì cả tháng nay có lớp, đi dậy thì không nhấc máy điện thoại!" Câu trả lời tỉnh khô! Như một lẽ tất nhiên mọi người phải hiểu. Thầy không có lỗi gì đâu nhé, vì thầy đang có giờ dậy! Hồi mùa hè em gọi lần nào cũng được, vì thầy không có giờ dậy, thầy nhấc máy nghe! Cả một thế giới rộng lớn xung quanh không tồn tại với thầy! Không phương tiện thông tin, IT gì liên quan, chi phối được thầy, khi thầy đang có giờ dạy! Em gọi điện báo tin là học trò của thầy, anh Ngọc, chị Nguyệt gửi tiền biếu thầy. Thầy bảo, để khi nào hết đợt dạy, thầy sẽ lên nhận. Không phải là thầy không nhớ anh Ngọc, hoặc không muốn nhận quà! Món quà ấy, đối với thầy thật lớn, nó san bớt những vất vả của thầy, nó trang trải phần nào những thiếu thốn, chật vật của thầy..., nó có thể làm thầy  không cần phải lên Kisinhop nhận lương hưu. Nhưng thầy không thể bỏ học trò, bỏ giờ dạy để lên Kisinhop. Trời ơi, khi thế hệ thầy không còn nữa, liệu còn giữ được từ "Pedagog" với trọn vẹn nghĩa của nó nữa không? Thầy muốn dạy học, cả đời muốn đi dạy! Thầy nhớ ra học trò của mình không phải bằng tên (cái đó thì thầy chịu, lẫn lộn tùm lum, nhất là mấy đứa học sinh ngoại quốc). Nhưng mà thầy phân biệt các trò, bằng các đề tài luận văn của chúng. Cái cậu viết đề tài này tên là Thái Sơn, đề tài kia là cậu Dũng... Anh Ngọc được nhớ ra ngay, (và em đoán là từ thời sinh viên, anh Ngọc đã bị thầy nghi ngờ đặc biệt), vì câu đầu tiên thầy hỏi em: "Ngọc có làm khoa học không?". Em bị lúng túng mất mấy giây, rồi quả quyết đáp: "Có, có chứ ạ!". Em biết là em phải sắp sẵn câu trả lời tiếp theo, nếu thầy hỏi nữa. Em biết là em có thể "lói" cái bằng Tiến sĩ của Pháp mà anh Ngọc đã "lóc cóc" dùi mài kinh sử suốt 4 năm "nước lọ, cơm niêu" ở một thành phố phía nam nước Pháp, chỉ dám lên Paris có 2 lần, là một lần khi từ Việt Nam qua, đi tàu từ Paris xuống trường, và một lần học xong, trở về Việt Nam, cũng đi tàu lên Paris để rồi bay về nước. Em biết là em cũng có thể giải thích với thầy là "cái" FPT, nơi anh ấy đang làm việc, cũng có "dính líu" đến khoa học, ngoài việc bán điện thoại di động với mẫu mã "đẹp không kém gì "BlackBerry" (em xin lỗi trước "dân FPT", với những tiền thân của nó toàn là các nhà khoa học - cựu sinh viên Liên Xô, nếu những hình dung của em về FPT có phần ngộ nhận!)... và em có thể đưa địa chỉ trang Web của FPT cho thầy tham khảo... Nhưng mà em đã quá lo xa. Thầy hỏi để yên tâm thế thôi, chứ thầy không hỏi kỹ. Cũng như khi thầy được mời đến phòng ông hiệu trưởng đương chức của trường KGU ngày nay, nhận ra đó là học trò của thầy, cùng khoa Toán với anh Ngọc, cách nhau mấy khóa, thầy chỉ tủm tỉm cười, ngồi xuống ghế, chẳng tham gia câu chuyện gì, mặc cho học trò cũ xăng xái lễ nghĩa. Thấy học trò cũ thành đạt, là thầy yên tâm rồi, chẳng đếm xỉa gì đến chức quyền, địa vị. Chỉ có mỗi câu làm mặt thầy sáng lên, lấp lánh vui, khi có ai giới thiệu: "anh ấy, chị ấy, cũng là "dân toán"! Người ta kể rằng, cái hồi Liên xô sụp đổ, ở đâu cũng thấy tan rã, và phân chia. Người ta "tế nhị" đưa thông tin: ở trường tổng hợp giờ sẽ chỉ toàn dạy bằng tiếng Moldovian. Thầy bảo: "Tiếng Nga đẹp thế, sao mà bỏ nó đi?!", rồi lặng lẽ "khăn gói" về quê, đọc leksi ở trường tổng hợp Tiraspole cho đến bây giờ.

...  Em mang món quà của anh Ngọc trao cho thầy, thầy rút cái ví da đã sờn đến nỗi em không còn nhận ra màu nguyên thủy của nó là màu gì nữa, tính cất tiền vào ví. Em thấy không ổn, vì cứ thấy lo lo, nhỡ thầy sơ ý làm rơi hết. Cái dáng cầm tiền vụng về của thầy giống hệt ba em, và em đã biết bao nhiêu lần vương vãi, khi đưa ba cầm tiền. Thế nên em đề nghị thầy cho em "cất giấu" tiền hộ thầy. Em dúi cái phong bì vào sâu trong túi áo com-lê của thầy, cẩn thận cài cúc túi áo, rồi lại cài cúc áo khoác ngoài, và cài thêm 3 cúc áo trên cùng của chiếc áo choàng rộng thùng thình thầy đang mặc, (ơ, sao nó giống cái áo của thám tử Solokhom đến thế!). Thầy mở ví tiền, rút ra 2 tờ giấy tiền Tiraspol (vẫn đang lưu hành trên phần lãnh thổ li khai ấy của Moldova), đưa cho em, bảo nhớ gửi về cho anh Ngọc, chị Nguyệt. Em đang ngắm tờ giấy bạc, phỏng đoán xem nó tương đương với bao nhiêu Việt Nam đồng, thì thầy tủm tỉm bảo: "Không quý, nhưng hiếm!" Điều này thì đúng thật. Nó quá hiếm, nó chỉ được trao đổi qua tay, không vượt qua rẻo đất nằm theo thắt bên bờ trái của một con sông chẳng lấy gì làm lớn lắm. Vậy là anh Ngọc có của "hồi môn" đặc biệt rồi đấy nhé.

Em nói thầy viết thư hay gọi điện cho anh Ngọc, anh ấy lúc nào cũng mong tin thầy lắm. Thầy bảo: gửi bằng bưu điện mất bao nhiêu lâu? Anh Ngọc ơi, đúng là thầy anh là toàn lý thuyết! Chẳng thấy thầy ứng dụng tí toán nào vào đời sống! Thầy không mấy khi dùng mobile, không máy tính, và tính gửi thử theo đường bưu điện! Nhớ lần đầu tiên em đến gặp thầy ở Viện hàn lâm, trên bàn thầy có mấy tờ giấy "kẻ ô li", thứ giấy xé ra từ quyển vở 12 trang của học trò phổ thông, chữ viết nhằng nhịt như kiến bò. Những công thức toán học rối rít như mạng nhện. Thầy đem ra khoe em, mặc dù thầy có thể thừa sức nhận thấy là thầy đang đem "đàn gẩy tai trâu", nhưng mà thầy vẫn say sưa giảng giải (hay là thầy lúc đó cứ nghĩ, phàm là bạn, hay người quen của Ngọc, thì người ấy phải biết ít nhất là mấy hàm số gì gì đó..?).

Em quyết định không để lỡ cơ hội để anh Ngọc được đọc thư thầy, em bèn đưa cho thầy một tờ giấy A4 trắng tinh và cái bút, rồi ngồi khuất sang một bên, để không quấy quả thầy viết thư cho học trò cũ. Em cố ý dán mắt vào máy tính, nhưng có cái gì rất hấp dẫn, lôi kéo em liếc nhìn sang: thầy ngồi cắn bút! Mái đầu tóc bạc nghiêng nghiêng, ngó ra ngoài cửa sổ! Thời khắc cứ trôi qua, và em đang hình dung thầy trước mặt mình là cậu học trò đang bị làm bài kiểm tra viết đột xuất, mà cậu không hề chuẩn bị bài tí nào! Em ước gì anh được nhìn thấy thầy anh lúc đó! Em rất thú vị ngắm thầy như thế, nên quyết định im lặng ngồi thêm ít phút nữa. Cuối cùng thì em cũng thấy thầy thở phào đặt bút ký tên mình vào cuối bức thư! Cái chữ ký được ngoáy rất nhanh, hăng hái, và lướt nhẹ nhàng, như cậu học trò thở phào viết đáp số cuối cùng vào con tính của một bài kiểm tra toán hóc búa. Thầy đưa lại tờ giấy cho em, mắt ngước nhìn chờ đợi, (tại sao lại cố ý chờ đợi em đọc thư riêng?). Nhưng rõ là cố ý chờ đợi em đọc, nên em lướt qua: có 6 dòng, và 19 chữ! Thật ngắn gọn, nhưng đủ ý của một bức thư: lý do viết thư, nội dung bức thư, và lời nhắn nhủ, nguyện vọng! Thầy nhìn em đọc thư với vẻ ái ngại, sượng sùng, băn khoăn của một cậu học trò, hồi hộp nhìn nét mặt của thầy giáo khi thầy bắt đầu động đến bài kiểm tra của mình! Thầy anh là dân toán, ngắn gọn súc tích, và cái chính là không thừa! Điều này làm em liên tưởng đến những bức thư của anh Ngọc: "Em ổn chứ? Viết bài cho  trang web nhé! Có gặp thầy anh không? Chúc một tuần vui vẻ! (xuống dòng: Ngọc.)". Cái câu: "Giỏ nhà ai, quai nhà ấy", có lẽ không chỉ đúng trong quan hệ bố, con!

Em nhắc lại cho thầy nguyện vọng của anh Ngọc muốn mời thầy và cô sang Việt Nam. Và theo đề nghị của anh Ngọc, em hỏi thăm tình trạng sức khỏe của thầy. Thầy bảo, trừ cái tai có phần nghễnh ngãng ra, thì "mọi cái" vẫn rất tốt. Em hỏi từng "cái" một: Huyết áp? - "Không biết, vì không nhớ đo huyết áp khi nào nữa!". Tim mạch?- "Không có vấn đề gì, tim vẫn đập!". Xương cốt? - "Rất chắc, rất khỏe!". Rồi để chứng minh, thầy vén tay áo thật cao, gồng bắp tay theo cách của những vận động viên hình thể. Trời ơi, em nhìn thấy cái cành núc nác! Nhưng thầy bảo không đâu, không mỏi ở đâu cả. Thế thì ổn rồi, em nghĩ. Chỉ có điều, tóc ít quá, râu nhiều hơn tóc rồi! Nhưng không sao, mình không đặt vấn đề thẩm mĩ ra ở đây, phải không anh Ngọc. Em phải hỏi đến vấn đề hộ chiếu. Vì em biết các thầy cô chúng mình giờ chẳng mấy khi đi ra nước ngoài, cứ động đến hộ chiếu là y như rằng: "không biết bỏ đâu", hoặc hết hạn. May mà thầy có quyển hộ chiếu. Em hỏi còn hạn đến khi nào ạ? Ngón tay gầy guộc của thầy di di, dò dò đến chỗ ghi ngày hết hạn thì dừng lại, tủm tỉm hỏi em: chỉ được ở Việt Nam đến tháng 5 năm 2017, đủ không?

Em bảo, đủ ạ, chỉ có điều cứ 6 tháng thì lại phải về Moldova một lần, kẻo người ta cắt mất lương hưu. Gật đầu, cười rung, râu dài hơn cả tóc !

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 18-11-2010 23:11






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: NguyetTM
20/11/2010 15:03:45
Huyền ơi, em viết giỏi quá. Em tả Thầy Riabukhin đúng kiểu luôn. Chị đọc bài của em mà cứ cười suốt vì em tả sinh động quá làm chị hình dung ra từng câu từng cử chỉ của Thầy là vậy, rất tếu, rất dễ thương. Hy vọng rằng sau khi đọc bài này của em, mọi người đều cảm thấy gần gũi với Thầy và trong thời gian tới, nếu mọi duyên lành hội tụ đủ thì cả hội sẽ được đón Thầy ở Việt Nam. Còn bây giờ tất cả đều trông mong vào em - cầu nối cho mọi nhà.Cảm ơn em nhiều.


19/11/2010 13:42:49
Anh Hiền ơi, ông thầy em sinh năm 1939. Năm 1971 bảo vệ TSKH,khi 32 tuổi. Năm 1978 là GS trường KGU (khi đó em là học trò của thầy). Năm 1989 là Viện sỹ thông tấn, năm 1992 là Viện sỹ chính thức.
Bây giờ dạy ở trường Tổng hợp Tiraspole, vùng đất nói tiếng Nga nằm trong Moldova, gần như là khu vực tự trị và được Nga hậu thuẫn toàn diện. Theo như Huyền tả thì ở đó có đồng tiền riêng.


Từ: HienVC
19/11/2010 08:14:58
Khi mình còn là SV, hàng ngày lên lớp vẫn qua cái bảng của khoa Toán-Lý, lúc đó chúng mình đã rất ngưỡng mộ những GS-TSKH còn rất trẻ tuổi đời ( so với khoa Hoá).
Nếu mình nhớ không nhầm thì VS Riabukhin trở thành TSKH khi chưa đến 30 tuổi.
Khoa Toán-Lý khi ấy có rất nhiều thầy người Do thái, cũng nhiều thầy "lập dị bác học" đến mức trở thành giai thoại trong SV. Khoa Hoá có VS Lialikov chắc nhiều người còn nhớ.
Những giai thoại về các thầy lưu truyền trong SV cũng là một phần cuộc sống nhưng nó cũng nói lên sự kính phục và lòng mong muốn tiếp bước và trở thành những huyền thoại sống, những bác học " lập dị !!!"
như các thầy trong các thế hệ SV.


Từ: camtumai
19/11/2010 07:32:22
Em không chỉ là "Bà" Đại sứ của Người KGU mà thực sự là Nhà văn có tài có tâm của Người KGU rồi Huyền ơi. Mọi người đều đầy xúc cảm, nuốt từng câu chữ khi đọc bài của Em ...


Từ: LinhND
19/11/2010 00:04:59
Chị đọc một mạch, hay quá. thương thầy ghê, dúng tính cách Nga và rất "mô phạm". Mong ngày gần nhất tụi HCMC lại được đón Thày. thế lần gặp hkoa sinh, Huyền có trò chuyện với cô giáo chị không? Kể một chút nếu có nhé. Có "tay trong" bên Moldova thật tuyệt vời.


Từ: ThoaNP
18/11/2010 23:49:53
Copy 1 phần từ comment ở bài đến nhà thầy Pusnhiac:
Hôm trước mình đã nhìn thấy ảnh chụp Huyền với bà giáo chúng mình (Bà Ngựa - Valentina Arievna Tsipliacova) và đã gửi mail cảm ơn Huyền nhiều. Nếu được Huyền có thể viết bài kể lại buổi đến thăm và đưa quà cho bà giáo được không. Bà ra sao, giọng nói còn khỏe không, tinh thần thế nào, ... và ... nhé.
Biết ơn Huyền nhiều lắm.


Từ: NghiPH
18/11/2010 23:36:13
Viện sĩ Riabukhin, thầy của Ngọc đã đến với chúng ta từ truyện cổ tích- một truyện cổ tích rất đẹp, rất nên thơ. Thầy là ông tiên giữa đời này, thời này.
Ngọc thật hạnh phúc được học thầy Riabukhin.


18/11/2010 23:19:55
Anh rất cám ơn Huyền đã đón tiếp và chuyển quà hộ anh.
Bài viết của em đúng dịp 20/11 nên càng có ý nghĩa.
Riêng về văn phong, Huyền viết rất đạt, luôn dí dỏm và trữ tình. Không dễ có thể kết hợp cả hai trong 1 văn phong. nhưng Huyền đã làm được điều đó. Bái phục, bái phục


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s