KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 06 Tháng mười hai. 2010

Suy nghĩ về các giá trị truyền thống




Tác giả: ChauHM

Răng đen

Đã có thời, răng đen là nét đẹp rất riêng của phụ nữ Việt Nam. Chẳng thế mà đã có câu thơ:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Tôi nghe được câu chuyện rất thú vị về răng đen như sau:

Một quan đại thần triều đình Huế được mời tham dự buổi dạ hội do người Pháp tổ chức. Một sĩ quan người Pháp chỉ các cô đầm Tây đang cuốn theo các điệu valse, hỏi triều thần người Việt:

- Ông thấy con gái Pháp chúng tôi có đẹp không?

Vị quan đại thần trả lời:

-         Đẹp thì có đẹp, nhưng răng trắng như răng chó ấy.

Răng đen đã từng là một nét văn hóa rất đặc biệt của người Việt Nam. Nhưng một nét văn hóa riêng chỉ tồn tại khi người ngoài thì thấy khác biệt, nhưng người bên trong thì thích thú. Tiếc là, ngày nay, chả còn ai thích thú với việc để răng đen. Và thế là, cái nét văn hóa rất riêng đó sớm muộn sẽ chết. Điều đáng buồn là chẳng có ai buồn khi một truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt lặng lẽ biến mất.

Áo dài

Tôi không có cảm tình với áo dài, mặc dù nó rất đẹp. Nhiều người coi áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc, nhưng tôi thì không. Áo dài mới có khoảng 100 năm trở lại, được cải tiến từ áo tứ thân truyền thống và liên tục đổi mới theo thời gian. Với sự sáng tạo của các nhà tạo mốt đương đại (chủ yếu là du học từ phương Tây), áo dài đã trở thành một thứ thời trang như bao loại thời trang khác, sự liên hệ của nó với truyền thống ngày càng mờ nhạt. Tôi quan sát các lễ hội của người Nhật, người Thái, người Malai,… trang phục truyền thống của họ hầu như chẳng thay đổi theo thời gian. Tôi cũng chưa thấy người Nhật tổ chức thi thời trang Kimono bao giờ. Trong khi ở Việt Nam, có rất nhiều các cuộc thi thời trang áo dài, và mỗi cuộc thi đã đẩy áo dài xa truyền thống hơn.

Nhưng điều tôi ghét áo dài không phải vì nó xấu, mà vì nó có tội là đã thay thế vị trí “trang phục truyền thống” của áo tứ thân. Nó không xứng đáng thay thế áo tứ thân cho dù nó ngàn lần đẹp hơn. Chẳng lẽ, bạn có thể xây một ngôi chùa mới to lớn khang trang trên nền “Chùa một cột” để thay thế di sản văn hóa này?

Đối với tôi, áo dài là một trang phục được nhiều phụ nữ Việt Nam yêu thích, nhưng áo tứ thân mới thực sự là trang phục truyền thống của dân tộc.

Hãy giữ gìn truyền thống

Nếu bạn xem phim cổ Trung Quốc, bạn sẽ thấy từ âm nhạc đến trang phục trong mỗi phim đều tương ứng với thời đại, dù là thời rất xa như Đường, Tống hay gần hơn như Minh, Thanh,… Còn chúng ta, chỉ có khái niệm cổ trang cho mọi thời, cứ đủ mầu xanh đỏ tím vàng là cổ trang, không cần biết thực ra thời Trần, thời Lê cha ông ta đã mặc như thế nào?

Đến giờ điểm lại, chúng ta đã không giữ được nhiều các giá trị văn hóa truyền thống, dù là kiến trúc, hội họa, âm nhạc, trang phục hay văn thơ. Đôi lúc tôi cũng bi quan: ra đường thấy nhà cửa Việt Nam không giống Tây thì giống Tầu, quần áo không giống Tầu thì giống Tây (bây giờ còn giống thêm Hàn Quốc, Hồng Kông). Khi học ở nước ngoài, mỗi khi trường tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc là một lần lo lắng. Cánh nam giới chúng tôi chẳng biết mặc gì cho khác với ngày thường. Chúng tôi cũng không biết điệu nhảy gì là điệu nhảy dân tộc, ngoài múa sạp. Nhưng khi thấy sinh viên Lào cũng múa sạp rất điệu nghệ (không phải sạp đôi mà sạp bốn), chúng tôi thực sự không còn tự tin, đó là điệu nhảy riêng của người Việt Nam nữa.

Các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, qua bao thế hệ, chắc chắn không ít, nhưng có lẽ là chúng ta đã không biết giữ gìn. Truyền thống là cái cần bảo vệ, thì chúng ta lại nỗ lực tìm cách thay đổi. Các khái niệm “phục chế”, “trùng tu” ở Việt Nam được hiểu một cách đại khái, ngay cả đối với những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm. Và thói xấu “có mới nới cũ” đã làm chúng ta nhanh chóng quên đi cái gốc, cái cội nguồn. Tuy Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử, nhưng lại thiếu bề dầy của các thành tựu văn hóa. Mỗi triều đại, mỗi thế hệ đều thích làm lại từ đầu.

Chúng ta đã không giữ được răng đen. Chúng ta cũng không giữ được áo tứ thân. Phong trào cải biên chèo trong nửa thế kỷ qua đã làm mất đi gần như toàn bộ di sản của “chèo cổ” Việt Nam: trong năm mươi vở chèo cổ được những nghệ nhân già còn nhớ, chỉ còn hai vở (Quan Âm Thị Kính và Súy Vân giả dại) là có thể dàn dựng được thành vở.

Nhưng ai phải có trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống? Thanh niên Việt Nam ngày nay không thích nghe cải lương, chầu văn hay ca trù. Năm mươi năm nữa, liệu có ai còn biết về những di sản âm nhạc truyền thống này không?

Tôi có hỏi một người bạn Nhật:

- Thanh niên Nhật có thích xem kịch Nô không? Có thích mặc Kimono không?

Có thích xem múa Geisa không?”

Anh ta trả lời:

-         Không, họ không thích.

Tôi hỏi tiếp:

-         Tại sao các anh vẫn giữ được văn hóa truyền thống?

-         Khi già họ sẽ thích,- anh bạn Nhật trả lời.

Rất rõ ràng. Tuổi trẻ luôn hướng tới sự đổi mới. Họ không thích ca trù hay cải lương cũng không phải chuyện đáng lo. Nhưng nếu về già, họ cũng không thích, thì chỉ một hai thế hệ nữa, những di sản này cũng biến mất.

Hóa ra, trách nhiệm giữ các giá trị truyền thống là của chúng ta, những người đã qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", chứ không phải là trách nhiệm chung chung của mọi người và càng không nên đổ lỗi cho những người trẻ tuổi về các giá trị truyền thống đang ngày càng mai một.

 


Người post: ChauHM

Ngày đăng: 06-12-2010 16:04






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: NguyetTM
26/12/2010 18:39:24

Mình thấy bài viết của châu rất hay vì có nhiều điều cần suy nghĩ. Rất thú vị là kết luận rằng việc gìn giữ truyền thống thuộc về người già nhiều hơn. Có lẽ đúng như vậy và nên như vậy. Tại một thời điểm bất kỳ thì người già cần phải hiểu biết hơn cả về những thứ thuộc giá trị truyền thống. Vì vậy người lớn cần thấy trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn truyền thống dân tộc hơn. Có như vậy thì lớp trẻ mới có tấm gương để làm theo, mới biết đường mà đi theo chứ !


Quan điểm của mình là áo dài và áo tứ thân đều đều có tính truyền thống văn hóa dân tộc và đều rất đẹp. Áo dài đẹp như thế nào thì nhiều ngđã nói và nói đến rất nhiều. Áo tứ thân gần đây ít được nói đến hơn. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là nó kém đẹp. Nếu như mọi người để ý thì sẽ thấy áo tứ thân được thiết kế hết sức cầu kỳ về mầu sắc: tông mầu. kết hợp mầu, cách bố trí các vạt áo, cách cố tình để chìa ra một dải lụa ở yếm áo bên trong hay cách hơi lệch lệch của vạt áo... Tất cả đều rất tinh tế và gợi cảm. Nếu như chúng ta hình dung từng tà áo, từng lớp áo bay bay thì còn có cảm giác các cô vận bộ tứ thân hơi lẳng lơ nữa...Tóm lại rất đẹp, rất nữ tính, rất chân quê, rất hồn nhiên.


 


 



Từ: ThanhLK
16/12/2010 11:38:49

Các ACE ơi, tôi nhất trí với ý kiến của chị Thoa và anh Khánh: áo tứ thân chỉ có ở phía Bắc thôi, còn áo dài tồn tại qua 3-4 thế hệ trong cả nước, nên có thể coi là "truyền thống" mà nó cũng khác với các "dân tộc khác"  Tuy áo dài có cách tân theo thời trang nhưng dáng cơ bản và kiểu cổ điển vẫn được sử dụng nhiều ở VN, nhất là giới trung niên và người già.


Anh em ơi, hãy mắc áo the khăn xếp đi, nó cũng tôn dáng lắm đấy. Riêng tôi thấy bộ khăn xếp áo the của nam giới ở  Bắc Ninh (kinh kỳ cũ) cũng rất đẹp, đẹp hơn dáng áo dài "cụ Lý" mà nước ta đã tặng cho các Nguyên thủ quốc gia ASEAN mấy năm trước.



Từ: KhanhT
12/12/2010 13:55:50

Này các bạn ơi, cái áo mà Nhuận nhà 3Chai mặc rất đẹp, không biết nó có được Châu xếp vào trang phục truyền thống không? (vào profile của Nhuận rồi mở to ra "chiêm ngưỡng" thì thấy rất rõ, rất đẹp-xin lỗi 3Chai nhé). Tớ thấy các cô quan họ vẫn mặc và trình diễn đấy chứ, đâu đó họ cũng nói rằng đó là áo truyền thống dân tộc đấy, chỉ có là ít "tuyên truyền" về cái áo này, người ta nói nhiều về áo zài hơn. Nó là sự chấp nhận của xã hội, theo số đông, và thực sự cũng rất đẹp, và cũng truyền thống, nó xuất hiện với tư cách là trang phục có "chuẩn" từ những năm 30 thế kỷ trước, và đến nay đã 70-80 năm rồi, nghĩa là đã qua 4-5 thế hệ vẫn giữ được "chuẩn" gốc của nó, nên gọi là truyền thống cũng đúng. Theo Luật hôn nhân mới người cùng họ quá 3 đời có thể kết hôn được với nhau là gì. Đây là truyền thống chứ có phải đồ cổ đâu. Nếu cho tớ chọn thì tớ chọn cả hai. Có vẻ hơi bị tham. Hehe.



Từ: HuyenBT
12/12/2010 08:06:25

Anh Châu, dù sao thì em vẫn thích mặc Áo dài. Anh đừng ngắm nữa vậy! Nhưng em hứa là khi về già, em sẽ mặc áo Tứ thân (những lúc em đi nghe Ca trù).



Từ: Khửu
11/12/2010 00:14:08

Các bạn bình luận về trang phục truyền thống rôm rả quá, cho mình xin vài ý kiến: tôi cho rằng quan niệm của Châu về các giá trị truyền thống là quan niệm chuẩn và cơ bản. Tuy nhiên kể cả những giá trị ấy tồn tại ở các nước cho đến nay thì vẫn có sự thay đổi và phát triển (tùy từng mức độ) nhưng quan trọng là nó vẫn adapted với dân tộc và đất nước họ.


Tôi nghĩ tính truyền thống phải gắn với tính dân tộc và là đặc điểm của nền văn hóa dân tộc đó. Nếu 1 dân tộc không còn giữ được bất kỳ tính truyền thống nào, tức là chỉ thu nạp mọi thứ từ ăn mặc, ca hát đến lối sống từ nước khác thì chắc chắn không ai hiểu họ là dân tộc gì ngoại trừ một cái tên của dân tộc họ. Cụ thể theo tôi áo dài (nói chung) vẫn là trang phục truyền thống của PNVN vì không dân tộc nào khác VN mặc nó. Còn áo tứ thân gọi là truyền thống gốc cũng đúng nhưng giờ ít phổ cập. Đàn ông VN hiện nay không có trang phục truyền thống nữa vì khăn xếp áo the nay không ai mặc nữa, Bộ VH có kêu gọi giữ gìn truyền thống thế nào đi nữa chắc cũng chẳng ai mặc. Giá như trước đây ta cứ mặc rồi cải biến dần thì may ra còn gữ được, giờ thì hết.


Còn về âm nhạc truyền thống dân tộc thì tôi đồng ý với Châu, còn lại ít lắm, mất gần hết rồi. Còn cách giữ gìn truyền thống là của người già thì không hẳn thế đâu. Mà nói là trách nhiệm của tất cả chúng ta thì chung chung quá. Tôi nghĩ trách nhiệm trước hết và quan trọng nhất là của các nhà quản lý là ở đường lối và các biện pháp thực thi của chính quyền của đất nước này. Mà cái này thì lại yếu nhất. Bởi vậy vì sao mà chúng ta mai một các giá trị truyền thống văn hóa chắc các  bạn có thể hiểu được.




Từ: ThoaNP
09/12/2010 16:44:30

Trời ơi, bực quá, vừa viết comment dài thật dài, chưa kịp gửi lại biến mất rồi. hội trưởng Ngọc ơi, trang web này chắc không dành cho người già, kém IT, xài máy tính đời cũ. Cố gắng viết lại vậy:


Bài viết của Châu mình thấy rất sâu sắc và có nhiều điều đáng để suy nghĩ. Tuy nhiên là mộtphụ nữ Vn, mình luôn rất tự hào khi mặc áo dài trong những buổi long trọng với bạn bè quốc tê. Không chỉ vì áo dài đẹp, …, mà chính vì mình luôn tự hào là VN có bộ áo truyền thống cho phụ nữ mà vẫn có thể xài trong đời thường. Ngay như gần nhất là xường xám cũng không thể cho HS phổ thông mặc đi học hoặc cô giáo mặc đi dạy được. Khi mặc áo dài mình luôn tực hào giải thích cho các bạn QT biết được nét đặc thù riêng của áo dài như vậy. Dĩ nhiên để phù hợp với hiện đại thì áo dài phải ược chỉnh sửa, nhưng dù cải tiến như thế nào thì những nét chính yếu của nó vẫn được giữ nguyên. Trang phục truyền thống của các nước không thể làm được điều này, có lẽ do quá rườm rà, phức tạp, mà nếu chỉnh sửa cho phù hợp với hiện đại sẽ đánh mất những đặc trưng chính yếu nhất. Áo dài đẹp mà đơn giản.


Mình nghĩ áo tứ thân cũng đẹp, nhất là cái áo yếm bên trong và màu sắc tươi sáng của áo tứ thân bên ngoài. Mấy năm gần đây giới trẻ có mốt mà mình nghĩ có gì đó gợi nhớ đến áo tứ thân: một áo bó bên trong và áo khoác ngoài mềm, mỏng, rộng, dài. Tuy nhiên áo tứ thân chỉ thịnh hành ở ngoài Bắc, trong khi áo dài phổ biến từ Bắc chí Nam.


Viết vậy có thể mọi người nghĩ mình hay mặc áo dài lắm. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Chỉ từ khi quá 50 tuổi mình mới quan tâm đến áo dài, đơn giản vì chỉ có nó mới đủ sức che bớt sự xấu xí của cơ thể già nua và đánh lừa con mắt các ông. Trẻ thì mặc gì cũng đẹp nên thực sự trước đây mình rất ghét mặc áo dài, chỉ có các bà mới hiểu nỗi khổ đó: vừa chật vừa nóng, lại phải đi kèm giầy và phải trang điểm (không biết có ai mặc áo dài mà để mặt mộc không nhỉ).


Tóm lại áo dài rất đáng yêu với các bà các cô. Mình không biết với các ông thì sao, nhưng mỗi khi mặc áo dài thấy các ông có hay liếc nhìn hơn, nhất là khi còn trẻ, giờ thì chỉ cốt để cho các ông không bỏ chạy như khi “ra đường sợ nhất công nông” thôi!


 



Từ: ChauHM
08/12/2010 18:06:48

Thấy Hội Trưởng Ngọc chê áo Tứ thân của ông bà ta là xấu, tôi đoán là anh nói đùa. Hi vọng là anh không nghĩ như thế.


Theo quy luật tiến hóa tự nhiên, khi các điều kiện sống không có sự thay đổi đặc biệt thì thế hệ sau nói chung hoàn thiện hơn thế hệ trước. Quy luật xã hội cũng thế. Vì thế tôi hoàn toàn đồng ý rằng người ta không nhất thiết phải theo khuôn mẫu của các thế hệ trước.

Nhưng cuộc sống không chỉ bao gồm một thế hệ đứng riêng lẻ mà là một quá trình nối tiếp. Nhân loại vẫn đi trên rất nhiều con đường cha ông đã mở, ở trong những ngôi nhà mà cha ông đã xây. Người Nhật, người Trung Quốc… vẫn theo những nề nếp văn hóa tổ tiên để lại. Họ không bắt buộc phải theo khuôn mẫu của quá khứ, nhưng họ vẫn theo. Vì thế kiến trúc, trang phục, âm nhạc, hội họa… của họ mới mang đậm cá tính dân tộc. Mỗi người Nhật, người Trung Quốc… hôm nay đều học được rất nhiều từ truyền thống của tổ tiên mình, người sau kế thừa người trước, các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp cho cái văn hóa vốn rất có cá tính lại ngày càng trở nên giầu bản sắc.


Phải chăng tổ tiên người Trung Quốc, Nhật Bản… để lại cho con cháu những di sản có giá trị, còn tổ tiên chúng ta thì không?  


Tôi thấy áo dài như một loại thời trang đẹp. Thực sự, chúng ta cũng coi nó là thời trang (vì thi thoảng lại có cuộc thi thời trang áo dài). Vì thời trang thì  hay thay đổi, còn truyền thống thì phải có tính bền vững.


Nhưng đã là thời trang thì không thể là trang phục truyền thống.




08/12/2010 08:40:25

Tôi thấy áo dài VN rất đẹp và ko lẫn với nước khác. Áo tứ thân là truyền thống như xấu. xấu ko cần phải giữ gìn quá nhiều, bảo tồn là đủ.


Năm 1992 tôi đi Sing trên VNA, có 1 ông tây cả buổi ko ăn uống gì, chỉ ngồi ngăm tiếp viên nhà ta đi lại và xuýt xoa khen đẹp, vừa sexy, vừa kín đáo.


Với tôi giữ gìn bản sắc là quan trọng, để đừng lẫn với ai.



Từ: ThanhLK
07/12/2010 12:38:32

Chủ đề Châu nêu rất hay. Tôi được nghe kể: có lần thủ tướng Nhật mở tiệc chiêu đãi các đại sứ các nước đóng tại Tokyo, trong Giấy mời có ghi: "Trang phục: Truyền thống của dân tộc". Hầu hết đại sứ các nước đều có mặc trang phục truyền thống của nước mình. Khi thấy Đại sứ của Việt Nam mặc áo vét và thắt cavat, một quan chức của Nhật đã comment: "Tôi thấy các ngài có bộ dân tộc là khăn xếp áo dài (Nam phục) đẹp thế sao không mặc lại mặc bộ thường phục của Châu Âu? (vì lễ phục của châu Âu thường là aó đuôi tôm).


Trang phục truyền thống của đàn ông Việt Nam chưa được đề cập trong bài của Châu ???. Tuy áo dài có nhiều cải biên nhưng khi đi dự các hội nghị quốc tế, chị em chúng tôi vẫn rất từ hào trong chiếc áo dài "dân tộc" được tất cả các nước bạn chấp nhận và khen đẹp. Còn các anh em thì thế nào nhỉ ??? Thiết nghĩ chúng ta nên góp phần giữ gìn giá trị truyền thống bằng các hành động nhỏ thôi nhưng cụ thể trong đời sống hàng ngày thì con cháu mới noi theo được.



Từ: HuongNT
06/12/2010 21:42:43

Tôi rất tâm đắc với bài viết của Châu. Xin bổ sung thêm, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam mặc ngày nay còn được cải tiến từ áo xường xám của phụ nữ Trung quốc. Còn điệu nhảy dân tộc thì tôi thấy ở nước ta người Kinh là đông nhất nhưng lại chẳng có điệu múa nào đặc trưng cả. Múa nón, múa sạp là của dân tộc Thái, múa khèn là của người Mông, múa cà tu là của người Chăm....Dân tộc Lào không đông nhưng cũng có điệu múa lăm tơi. Di sản âm nhạc truyền thống như quan họ, chầu văn, ca trù, hát xẩm...thì gần đây có được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên chèo cải biên thì đúng là tôi không thể nghe được. Tôi nhớ ngày xưa hồi còn học phổ thông hay được ông cậu cho đi xem  những vở chèo cổ như "Tấm Cám", "Quan Âm Thị Kính"...thấy rất hay. Bây giờ Nhà hát chèo toàn phải đến các cơ quan, doanh nghiệp bổ đầu vé làm "từ thiện" vì chẳng có ai hứng thú mua vé đi xem chèo, cải lương hay tuồng cả. Và tôi nghĩ, trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là trách nhiệm của tất cả mọi người Việt Nam.




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9764
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7159
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s