KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 28 Tháng tám. 2010

Đỗ Việt Nga. Toán ứng dụng - Tổng hợp KISHINEV, 1973 – 1978




Tác giả: MaiLC

Anh Giang Công Thế, đồng nghiệp với chị Đỗ Việt Nga tại Viện Tin học (nay là Viện Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) 

http://hieuminh.org/2010/08/03/viet-khoa-va-viet-nga/

Nếu ai đọc lịch sử chiến tranh vệ quốc của Liên Xô đều nhớ đến Yuriy Levitan. Ngày phát xít Đức (1941) tấn công Liên Xô, chính ông đã đọc bản thông báo quan trọng về cuộc chiến. Trong suốt thời gian chiến tranh bốn năm, Levitan là người đọc tin cho cả nước về tình hình chiến sự trên các mặt trận.

Nguyên soái Rokossovskiy từng coi giọng nói của Levitan có sức mạnh bằng cả một sư đoàn. Hitler coi ông là kẻ thù số 1, Stalin là kẻ thù số 2 và đã treo giải 250.000 mác cho ai lấy được đầu của phát thanh viên này.

Nhiều người thuộc thế hệ HM đã từng nghe “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” từ thời chiến tranh chống Mỹ. Đó là giọng hùng hồn của bác Việt Khoa, được phong là Levitan của Việt Nam. Sau mỗi trận ném bom của Mỹ là một bài bình luận nẩy lửa với giọng đọc mà người Mỹ cũng muốn “diệt khẩu”.

 

Ngày 23/12/1972, pháo đài bay B52 của Mỹ đã rải thảm bom xuống khu vực đài Mễ Trì và Bạch Mai, đồng thời là khu tập thể lớn, phá huỷ cả hai cơ sở phát sóng lớn tại Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam phải ngừng phát sóng 9 phút. Tôi xa Hà nội khi đó và không hiểu đài Tiếng nói Việt Nam lại tiếp tục phát sóng có giọng đọc của bác Việt Khoa hay không?

Người nghệ sỹ ưu tú ấy đã ra đi cách đây mấy chục năm rồi. Tôi vinh dự được làm việc với con gái cưng của bác ấy là Đỗ Việt Nga, kém tôi một tuổi. Việt Nga hay gọi, HM ơi, rồi xưng em ngọt xớt. Có lẽ cách đó làm cho hai chúng tôi vừa như anh em, vừa như bạn đồng nghiệp.

Việt Nga là nữ duy nhất học lớp A0 của đại học Tổng hợp (1969-1971), được giải toán quốc gia, rồi sang Kisinhốp học chuyên về toán máy tính. Khi về Hà nội thì hai chúng tôi làm cùng phòng Lập trình tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, Viện Khoa học Việt Nam.

Nếu bạn đọc còn nhớ entry “Bin và Luck về quê, có nói về chuyến đi Bulgaria qua ngả Moscow, tôi có kể một người bạn đi buôn và gửi đồ như thế nào. Đó chính là cô bạn Việt Nga.

Nhà nghèo quá nên Nga quyết chí làm giầu, ăn uống kham khổ, dù đi nước ngoài. Vừa làm luận án tiến sỹ, vừa buôn áo cánh dơi, đồng hồ điện tử, may quần áo để bán lấy tiền.

Mỗi lần đi từ xứ Plodiv về Sofia, Việt Nga không quên mang theo đồng hồ điện tử, quần áo để mỗi chuyến lãi khoảng 10 leva, thật tội nghiệp. Thấy tôi mải làm luận án, Việt Nga luôn hỏi, tại sao tôi không thương bố mẹ, lo làm ăn buôn bán, gửi tiền về quê.

Một mình lo cho cả nhà, mẹ già, em trai, chồng và con. Rồi gia đình ấy đã xây được villa rất to ở trên Nghĩa Tân (Hà nội). Hai vợ chồng có công ty Infortec chuyên bán máy tính, do chồng làm giám đốc. Con trai Hiếu đã trưởng thành và sắp cưới vợ.

Tiến sỹ Trần Thái Sơn là chồng của Việt Nga thì như một ông hoàng, được vợ đảm lo hết từ A đến Z, lại được mẹ vợ nuông chiều, cho ở rể. Anh chỉ lo đèn sách, hiểu biết thuộc loại cao nhân và đi bia rượu với đám bè bạn.

Chiếc máy vi tính đầu tiên tại Việt Nam, kể cả ở châu Á lúc đó, được xây dựng bởi nhóm kỹ sư trẻ tại Viện Tin học (Viện Công nghệ Thông tin hiện nay), mà Việt Nga là một trong những trụ cột viết phần mềm hệ thống.

Rồi những năm tháng làm việc say mê nhằm đưa máy vi tính vào quản lý kho ở nhà máy Sinco và Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử tại TP HCM những năm 1981-1982. Bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng tôi.

Bạn bè, đồng nghiệp nhớ về Việt Nga là người luôn lạc quan, vui nhộn, hăng say trong công việc và nhiệt thành với mọi người. Làm đến tiến sỹ Tin học, Việt Nga thuộc vào đội ngũ tính túy của nền tin học nước nhà.

Việt Nga rất giỏi kể chuyện tếu, hóm hỉnh, làm cả văn phòng cười. Có chuyện đến bây giờ vẫn nhớ là giễu Lê Hoài Nam, con trai nhà văn Thiếu Mai, và vài bạn để ria mép tại viện.

 

Em kể rằng, một chàng nho nhã thấy một cô đi đường liền trêu ghẹo “Cô kia cô kỉa cô kìa. Người xinh không hiểu tình tinh thế nào”. Trong chuyện gốc thì chàng được câu trả lời “Người xinh cái tỉnh tình tinh cũng giòn” nhưng Việt Nga bịa ra “Người xinh cái ấy cũng xinh. Nó cũng như mình, nó cũng có râu”. Lê Hoài Nam và vài anh bạn để ria mép ở văn phòng về cạo râu vội.

Viết về bác Việt Khoa rồi Việt Nga, bạn đọc thấy mệt rồi chăng. Chưa hết đâu. Việt Nga còn có chú em trai tên là Việt Khoa (bí danh của bố Việt Nga trên đài phát thanh). Cả hai chị em được sinh ra ở Moscow nên bố mẹ lấy chữ Việt làm đầu, chữ Khoa đặt cho con trai để kỷ niệm đã ở Mạc Tư Khoa, và chữ Nga để kỷ niệm tình hữu nghị hai nước.

Thật không may, em trai Việt Khoa cũng theo bố từ hơn chục năm trước. Rồi hôm nay, tôi nhận được tin, Việt Nga không còn trên cõi đời này. Em bị u trong tủy sống. Mổ ở Việt-Đức hôm thứ Năm tuần trước, nhưng bệnh viện không đủ điều kiện bóc u đi, nên chỉ sinh thiết mang đi xét nghiệm xem u lành hay u ác để điều trị tiếp.

Nhưng Việt Nga không thể hồi phục được sau khi mổ vì phổi yếu, mặc dù trước đó khi nằm trong phòng cách li vẫn tỉnh táo và có thể viết được mấy chữ để trao đổi với chồng. Em mất đột ngột vào khoảng gần 10 giờ sáng hôm qua (2/8) làm mọi người choáng váng.

Em mất đi để lại mẹ già hơn 80 tuổi hiện ở cùng hai vợ chồng. Tin này chắc chắn vô cùng đau xót với người mẹ. Thời trước, tôi vẫn đến nhà cụ ở gần phố Bà Triệu. Cụ quí tôi như con, tới chơi luôn cho ăn uống, dù nhà chả dư dật gì.

Hôm nay, cả ba bố con họ đã gặp nhau ở thế giới bên kia, để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người thương yêu. Họ đang xây một ngôi nhà khác ở thiên đường và em lại là người lo cho cả bố và em trai. Lúc sinh thời, đứa con gái cưng ấy cũng đã sống hết mình vì cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, một người con gái “vượng phu ích tử”.

Entry này như một nén hương thắp cho em. Xin chia sẻ nỗi buồn đau với mẹ của Việt Nga và gia đình Tiến sỹ Trần Thái Sơn.

Khi im lặng 1 phút để nghĩ về người bạn đã khuất núi, bỗng tôi nghe tiếng nhạc trầm hùng quen thuộc “Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà nội…” qua giọng đọc Việt Khoa, một Levitan giữa Hà Nội đạn bom. Phát thanh viên huyền thoại ấy với tiếng nói có sức truyền cảm mãnh liệt trong những năm tháng chiến tranh sẽ vang vọng mãi với thời gian.

 

Anh Lê Hoài Nam, bạn thân và đồng nghiệp của Chị tại Viện Tin học

I loved her like a sister. I loved her like a friend. I loved her like a woman!

Only thing I didn't know (or didn't care to know) was that she too was fragile! I took her for granted! I thought she would always be there. For me, for everyone! Was I wrong? No I don't think so! But I neglected her, thought I will see her if not the morrow then the day after tomorrow, no big deal...

And I saw her today. Never saw her like that before. Never thought I would see her like that before! Without that grin. The grin I loved so much. But I can still hear her laughter, solid like the sound trains make. Like the irregular rhythm of life...

Chị Nga ơi... Why am I crying now...

 

Anh Phạm Triệu Dương, bạn thân và đồng nghiệp của Chị tại Viện Tin học

Năm ngoái 12/2009 về HN tôi và mọi người cũng được nghe a.HXHiếu nói các anh bên tổng cục thuế thiết tha mời gặp mặt. Tôi thì chắc anh không nhớ đâu, vì tham gia bên đó có 2 buổi, rồi lãnh đạo chuyển Viện tôi đi chỗ khác.

Sau này, rất nhiều người của Viện tứ tán khắp nơi, khắp thế giới luôn, nhưng vần thường giữ liên lạc với nhau. Những khi tôi về HN, bao giờ cũng mong muốn được gặp lại tập thể các anh chị bạn bè đồng nghiệp ở Viện, những người sắc sảo và hóm hỉnh, mà địa chỉ đầu tiên tôi liên lạc, để xin gặp mặt mọi người, cũng là a.Sơn, c.Nga, và rất may, bao giờ tôi cũng được toại nguyện nhờ a.Sơn c.Nga tụ tập bạn bè.

Nhà cũ của chị Nga ở phố Trương Hán Siêu (anh HM lâu ngày quên tên phố, nói là gần Bà Triêu), mà c.Nga “phiên dịch Việt hóa” ra là phố “Phình Tầu Ấm”, tôi qua đó chơi thường xuyên vì nhà ớ cạnh KS Hoàn Kiếm gần đó, cả nhà đều hóm hỉnh và hiếu khách chứ không riêng c.Nga-a.Sơn. Riêng bác trai, bố chị Nga, thì hiền lành ít nói. Đến lúc bác mất, chị Nga còn đích thân nhờ tôi và hai người khác liệm bác, đưa thi hài bác từ giường vào quan tài (người ruột thịt không được chạm vào, vì kiêng kỵ theo phong tục của VN). Lần này thì muộn mất rồi, tôi vừa mới gặp chị Nga 2 lần vào cuối tháng 6 vừa rồi, và không còn cơ hội nào nữa.

Tôi tin chắc rằng tuy chỉ là một người bình dị, chức danh bình dị, nhưng chị Nga đã để lại tình cảm quý mến sâu sắc trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiểu vị quan chức đương thời có thể được bao người “săn đón bày tỏ tình cảm”, nhưng cứ rời ghế, rời chức vụ, là biết liền tình cảm “thật, giả”. Chị Nga bao giờ cũng rất “thật”, và nhận được những tình cảm “thật” từ mọi người đáp lại. Dù đã hai chục năm chúng tôi không còn làm việc cùng nhau, nhưng tình cảm anh-chị-em bạn bè đồng nghiệp vẫn thân thiết như vừa mới hôm qua thôi. Và cũng không ngạc nhiên khi nghe anh, bên A trong các hợp đồng kinh tế, chia sẻ tình cảm chân thành với chị Nga, bên B, không như câu đồng dao mỉa mai đương thời:

Bên A là chùm khế ngọt

Bên B vặt hái mỗi ngày

 

Hôm qua tiễn biệt chị Nga, em không về được, buồn quá. Rồi đọc điếu văn của Hoài Nam mà nước mắt chảy ròng ròng. Đêm mất ngủ, em làm mấy câu văn vần gửi anh Sơn tình cảm về chị Nga của em cùng với tất cả anh chị em đồng nghiêp và bạn bè.

Nghe tin sét đánh ngang trời
Chị Nga yêu quý thoắt rời trần gian
Anh Sơn vụt mất vợ ngoan
Bạn bè khắp chốn thế gian sững sờ
Có ai học được chữ ngờ
Mệnh trời ai biết đến giờ gọi đi
Thắp hương tiễn biệt chia ly
Lòng hồi tưởng nhớ những gì bên nhau
Lập trình bắt rận đêm thâu
"Bí", "Rảnh" - tán gẫu ở sau chén trà
Mừng thì ra dốc Tam Đa
Khao nhau bún chả gọi là thành công
Trình chạy rồi, vẫn chưa xong
Nhọc nhằn, ấm ức với ông khách hàng
Cài Đặt, Hướng Dẫn cười vang
Bụng thì lẩm bẩm cả làng mày ngu
...
Chị Nga ơi, đến ngàn thu
Anh em vẫn nhớ cách cù chị chơi
Cù cho cái thiện rạng ngời
Cù cho cái ác phải rời bỏ đi.

 

Chị Huỳnh Thị Cẩm, người bạn ít tuổi hơn cùng khối A0, cùng Khoa Toán tại Đại học Tổng hợp Kishinev, đồng nghiệp của Chị tại Viện Tin học

Tin này thật đột ngột, em không thể ngờ được. Mấy lần gặp trước, em không hề biết gì về bệnh của Chị Nga. Biết tin chị Nga mất mà em lòng buồn vô hạn, mới gặp cách đây 1 tháng mà nay người đã đi rồi. Em vừa học dưới Chị Nga mấy năm, cùng trường, lại là nhân viên của Chị, luôn được Chị dìu dắt, giúp đỡ, quan tâm không chỉ trong công việc mà cả trong đời thường, kể cả ở HN lẫn bên Matxcova. Chuyện cười về em thì chị Nga kể mãi không hết, mà lần nào nghe cũng  như mới. Mới hôm nào còn lên Sóc sơn, chị em cười đùa vui vẻ, Chị Nga muốn đi nữa mà em và anh Dũng chưa kịp tổ chức. Bây giờ không thể thực hiện mong muốn của chị nữa rồi. Chị mất, thế giới này thiếu vắng một con người chân tình, thông minh, hài hước, luôn quan tâm tới mọi người.

Cẩm và Dũng xin chân thành chia buồn với anh Sơn và gia đình. Mong anh giữ gìn sức khỏe để vượt qua nỗi đau thương này.

 

Anh Ngô Trung Việt, người bạn, người đồng nghiệp của Chị tại Viện Tin học

Tin Nga mất đến với mình giữa những lúc bận tất bật để kết thúc một capstone project. Ngỡ ngàng và thảng thốt. Vẫn biết rằng ai rồi cũng ra đi, nhưng quả đã lâu không biết tình hình sức khoẻ cụ thể của Nga thế nào để mà rồi bất ngờ mới biết đã ra đi.

Vẫn biết rằng cuộc sống là sự liên tục và việc vào cuộc đời này hay ra cuộc đời này cũng chỉ là một chặng đường trong sự tiến hoá và phát triển của tâm thức chúng ta. Tuy nhiên những người chúng ta đã từng có thời gian cùng sống, cùng làm việc bao giờ cũng để lại trong chúng ta tình cảm, kí ức nào đó. Nó sống lại khi ta biết rằng trong thực tế thời gian hữu hạn này, chúng ta sẽ không còn cơ hội nào nữa để gặp lại người đã đi. Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn thế, buồn vui chỉ xảy ra ở một số người, người ra đi tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của mình, người còn lại bày tỏ sự tiếc thương và quí mến và trân trọng về những điều mà trong lúc sinh thành người bạn mình đã sống và làm.

Cuộc sống thì không có nếu, nó là thế thì nó là thế rồi, không có cách khác hơn nữa. Nhưng người khác thì vẫn có thể nghĩ nếu để áp dụng cho mình. Nếu như Nga không vào bệnh viện và mổ thì sao nhỉ, có thể sống được lâu hơn không? Và mổ xẻ cùng mọi thứ khác có phải là phương cách chữa bệnh duy nhất không? Có cách nào khác để sống được thực sự không, để mình có thể là người quyết định cho cuộc sống của mình không?

Kí ức và hồi tưởng cho chúng ta sống lại những giây phút đã trải qua. Chào Việt Nga và hi vọng Nga vẫn sẽ linh hoạt và năng động như mọi ngày xa xưa trong sự phát triển tiếp, trong con đường đi tới. Chúng ta không bị giới hạn bởi thân thể, Nga chỉ là thay bộ quần áo khác nhưng sẽ còn đi tiếp nữa.

Những người còn lại buồn vì thiếu vắng đi người bạn để có thể trao đổi và nói chuyện thường xuyên. Chúng ta buồn vì một cái gì đó bên trong chúng ta cũng ra đi cùng với người bạn, một cái gì đó cũng bị mất đi mà không có cái gì khác có thể lấp vào chỗ trống đó.

 

Chị Trương Hải Đường, Tổng cục Thuế, nơi Chị đã triển khai những dự án Tin học hóa đầu tiên trong Bộ Tài chính

Nghe tin chị Việt Nga mất thật quá đột ngột, tôi gần như lặng người đi. Mới mấy tuần trước đây tôi còn thầy chị trong toà nhà HiTC vậy mà nay chị đã về nơi suối vàng. Thế mới thấy đời người thật quá ngắn ngủi.

Nghĩ về chị Nga, tôi luôn nhớ gương mặt luôn tươi cười, vô tư và rất hồn hậu của chị. Chị đã gắn bó với sự nghiệp tin học hoá ngành Thuế từ những năm đầu tiên. Chị là tác giả chính ứng dụng quản lý thuế đầu tiên của Việt Nam, cái tên TVN đã quá thân thương với những thế hệ tin học đầu tiên của ngành Thuế chúng tôi.

Những ngày đầu được tham gia phân tích, thiết kế ứng dụng TVN với chị tôi rất ngưỡng mộ khả năng, tư duy và kiến thức của chị. Tôi đã học hỏi được nhiều qua công việc làm cùng với chị trong thời gian đó. Sau này, dù không còn được trực tiếp làm việc với chị, nhưng mỗi khi có dịp gặp gỡ hoặc trao đổi công viêc với chị, tôi vẫn luôn cảm thấy quý mến và kính phục tinh thần làm việc hăng say cộng với nét vui tươi hóm hỉnh của chị.

Tôi luôn có mong ước được gặp mặt lại toàn bộ các anh chị Viện CNTT – những người đã từng tham gia xây dựng các ứng dụng cho ngành Thuế những năm đầu 90. Cuối năm trước, tôi đã nhờ bạn Hiếu – trước làm ở Viện CNTT nay làm việc tại CMC để mời các anh chị họp mặt cùng với chúng tôi- những người làm công tác tin học thuế từ những năm tháng đầu tiên. Nhưng thật tiếc là các anh chị bận và mỗi người một phương nên không thể tổ chức được. Nay chị Nga đã đi xa mãi mãi, tôi như cảm thấy mình còn mắc nợ vì chưa gặp được chị để trực tiếp nói lời cảm ơn sâu sắc từ đáy lòng về sự giúp đỡ chân tình của chị trong những ngày đầu tôi còn chập chững bước vào làng tin học.

Cầu mong chị yên nghỉ thanh thản nơi suối vàng. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình chị.

 

Chị Nguyễn Thu Hồng, người bạn cùng Phòng với Chị trong suốt 5 năm tại Đại học Tổng hợp Kishinev

Vĩnh biệt Việt Nga

Thật không dám tin là VNga đã ra đi mãi, từ hôm qua tới giờ, cứ nghĩ đến VNga là nước mắt tôi lại chảy dài, không kìm lại được.

VNga, Bồng Lai và Thu Hồng đã ở cùng phòng với nhau, ăn cùng nhau suốt 5 năm đại học ở Kisiney. Chúng tôi thân nhau lắm, nhất là năm thứ nhất đi đâu làm gì cũng có nhau. Sang năm thứ hai trở đi thì thời gian bắt đầu bị chia sẻ (vì có bạn trai mà), nhưng vẫn luôn thân thiết. Tôi và VNga đã có lúc nói với nhau rằng, nếu một trong hai đứa là con trai (chắc VNga là trai thích hợp hơn) thì chắc hai đứa sẽ thành đôi.

Tôi còn giữ nhiều ảnh chụp chung có VNga, tuy nhiên với thời gian ảnh đã xuống cấp nhiều (hơn 30 năm rồi còn gì). Tôi đang đưa đi scan và phục hồi lại, vài hôm nữa có sẽ gửi để các bạn cùng xem và nhớ đến VNga.  

Thái Sơn ơi, Thu Hồng ở trong SG không ra viếng VNga được, nhờ Sơn thắp dùm nén nhang, nói với VNga rằng Hồng vẫn luôn nhớ và thương yêu VNga như ngày nào... Tháng 10 ra HN Hồng sẽ đến thăm mộ VNga. Xin chia buồn với Sơn, cháu Hiếu và gia đình nhé.

Và:

Như đã hứa, nay tôi xin gửi đến mọi người một số hình ảnh chụp chung với Việt Nga thời sinh viên, để chúng ta cùng nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ vui tươi ở Kisinhốp, và nhớ những người đã ra đi.

 

Chị ĐTHòa, người bạn cùng Khóa khác Khoa với Chị ĐH Tổng hợp Kishinev

Mình cũng xin chia sẻ đôi kỉ niệm về Nga.

Thuở dự bị Nga cũng hay sang phòng bọn mình chơi. Bọn mình được biết Nga là con chú Việt Khoa, phát thanh viên và biên tập viên nổi tiếng thời bấy giờ của đài Tiếng nói VN ở Mátscơva. Nga sống ở Nga tới 9 tuổi mới về nước. (Thuở bé tớ nói tiếng Nga như máy nhưng lớn lên đã kịp quên hết rồi - có lần Nga nói vậy). Tên Việt Nga do bố Nga đặt, kỉ niệm tình cảm gắn bó giữa 2 dân tộc Nga - Việt.

Vài tháng trước khi kết thúc pogphakulchet Nga chuyển sang lớp mình học. Nga nói tiếng Nga rất nhanh, hay nói leo thầy, đôi khi "chạy" tốc độ không thèm đổi cách, vd: ia vigiela gievuska... Sau vài lần thầy Arkadii nhắc nhở, Nga hầu như không còn những lỗi sơ đẳng đó nhưng thầy vẫn giữ ấn tượng ban đầu, thêm nữa Nga là SV mới từ nhóm khác sang, thầy chưa kịp quen, và dĩ nhiên, chưa kịp "quí" như các học sinh cũ của mình nên cuối năm chỉ cho Nga 4 điểm tiếng Nga và bọn mình cho là thầy rất bất công vì Nga học rất giỏi. Nga thì vẫn vui vẻ, chả  "xinhê" gì - Tớ học tài thi phận mà.

Hồi đó chuyện 1 hs đoạt giải toán quốc gia mà trượt tốt nghiệp PT là cực kì hi hữu. (Mình nhớ lời Nga kể hơi khác Linh, có sai thì cũng xin chia sẻ). Bọn mình hỏi lí do vì sao, Nga rằng Nga tính toán lầm: Tớ nghĩ toán bét ra cũng được 8 - 9 điểm, các môn khác nhitrevô, lịch sử là món tớ ghét nhất, tớ quyết định không học, tệ cũng phải được 1 điểm chứ, ai dè bị điểm liệt. Mà toán cũng chỉ được 5 - tớ làm 2 tờ, có lẽ giám khảo chấm sót hay đánh mất 1 tờ. May nhờ giải kk nên các bác cho vào dự bị ĐH.

Có bận Nga rủ: Bọn mình học nhóm đi. Cứ tớ chuẩn bị 1 câu, ấy 1 câu. Tớ trình bày câu của tớ, cậu lặp lại rồi đến lượt cậu, tớ nghe rồi lặp lại. Học được 2 bữa thì mình bỏ cuộc. Mình không thuộc nhanh được như Nga. Học đâu quên đó. Câu của mình thì còn tàm tạm, câu của Nga mình chịu chết, dù Nga có nhắc đi nhắc lại. "Thôi tớ không học được kiểu này đâu" - mình thoái lui. Nga cứ phàn nàn: Cậu tư duy thế nào ấy, thôi để tớ tìm người khác.

Tính Nga vui, tếu, chân tình, kể chuyện rất hay lại hay tâm sự. Thuở dự bị và sau đó một vài năm, bên cạnh những niềm vui vô tận của sinh viên chúng mình, Nga cũng có những nỗi buồn nhất định. Bọn mình cũng hay chia sẻ những khi gặp nhau. Rồi khác khoa, khác ob, dần dần ít gặp nhau, ít thân dần. Bọn hoá lúc nào cũng miệt mài ở phòng TN, do đó quan hệ bạn bè cũng hay thu hẹp trong nội khoá và nội khoa. Mấy chị Hóa khoá 77 nổi tiếng bao nhiêu thì Hóa 78 chìm lỉm bấy nhiêu, chỉ được nước chăm chầu rìa, nghe các chị tiếu lâm và cười góp.

Chưa kịp chia sẻ vài hồi tưởng về bạn Việt Nga thì lại nghe tin buồn về anh Tuấn. Tội nghiệp anh Abú quá. Cũng thuở dự bị, bọn mình thường xuyên gặp anh ấy. Anh ấy thương Thủy phòng mình nên thân với cả phòng. Những năm sau, thỉnh thoảng anh vẫn ghé sang ob Hóa - Luật nói chuyện với bọn phòng mình. Tên Abú thật hợp với anh ấy, tóc quăn, ngăm đen, dáng dong dỏng cao, hiền lành. Anh ấy có đôi mắt rất tình cảm, như biết nói, lông mi cong vút và hình như luôn hơi đỏ. Hồi đó bọn mình chỉ biết tên các anh: Tuấn "Abú", Hải "bột"...chứ không biết và không quan tâm đến họ và tên đệm. Đọc tin của Linh, chị Lam mới biết anh Tuấn mà tên luôn đi kèm với những bài vỡ lòng về tiếng Nga của chúng ta chính là người đã sớm ra đi. Cầu mong hương hồn của Việt Nga và anh Tuấn luôn bên chúng tôi, các thành viên KGU. Những kỉ niệm về các bạn, giống như những năm tháng tuổi trẻ, như Moldova, như Kisinhốp mãi mãi sống trong lòng chúng tôi.

 

Chị Phạm Thanh Bình, người bạn cùng Khóa với Chị tại ĐH Tổng hợp Kishinev

Để nhớ về bạn Việt Nga, xin gửi các bạn mấy tấm ảnh của Nga hôm thành lập Hội KGU tại du thuyền Hồ Tây. Chắc với nhiều người, đây cũng là buổi gặp mặt cuối cùng với Nga.

Nga ơi, chúng tớ nhớ cậu nhiều.

 

Và còn rất nhiều, rất nhiều… những lời chia sẻ, tưởng nhớ về Chị, con người chân tình, thông minh, hài hước, luôn quan tâm tới mọi người.

Và đây là email cuối cùng của Chị viết ngày 09/07/2010 chưa đầy một tháng trước khi Chị ra đi,  trên diễn đàn nguoikgu của chúng ta, khi tất cả đang náo nức chuẩn bị đón Cô giáo Nga văn Irina Stepanovna Sacare sang Việt Nam, khi đó tôi biết chị cũng đang trải qua những con đau nặng nề, nhưng không bao giờ chị để mất tính hài hước của mình và lòng quan tâm tới bạn bè.

 

From: nguoikgu@googlegroups.com [mailto:nguoikgu@googlegroups.com] On Behalf Of Do Viet Nga
Sent: Friday, July 09, 2010 3:22 PM
To: nguoikgu@googlegroups.com
Cc: Hoang Minh
Subject: Chuyen ve buoi hoc tieng Nga

Có một học kỳ mình và hai vợ chồng tay người Bun cùng với hội luật (73-79) có học bà giáo Irina. Mình nhớ là bà hồi đó rất đẹp. Các vòng đều cực lý tưởng. Dậy dỗ nhiệt tình.

Lớp học có có độ mươi học sinh có cả cậu Long (luật) chuyên môn trốn học, nhưng bà Irina vẫn rất quí.

Nhớ có một buổi học, bà ấy kể về Puskin thời còn đi học. Trong một kỳ thi có một nhà thơ Nga rất nổi tiếng ngồi trong hội đồng. Khi các thí sinh khác dự thi, ông này toàn ngủ gật. Nhưng đến khi Puskin trả bài thì ông ấy bừng tỉnh, chăm chú lắng nghe. Và sau đó nói: “Bây giờ có thể yên tâm chết (mogu spokoino umeret). Đã có một ngôi sao mới xuất hiện”. Cả lớp rất xúc động về câu chuyện.

Buổi học sau cô Irina kiểm tra bài. Tay Long lò dò đến lớp. Cô mới hỏi:

-         Thế khi Puskin thi thì có chuyện gì xảy ra, Long. Ông nhà thơ thế nào ?

-         Long: thì Ông nhà thơ bảo rất tốt (ochin khoroso)

-         Thế khi Puskin thi xong thì Ông nhà thơ nói gì ?

-         Long: thì Ông nhà thơ bảo “molodes”

 

Bà giáo thì phẩy tay chán nản. Còn cả lớp thì cười vỡ bụng.

Nga toán 72-78

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 28-08-2010 00:12





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s