Đám cưới Ngọc Trai
- Chuyến đi Mỹ đầu tiên
- Ai cũng bảo chúng mình giống nhau
- Chuyến đi Sài gòn sau covid từ 19-29/10/2020
- Phố Bích họa Phùng Hưng một điểm đáng đến ở Hà Nội
- Hồ Hoàn Kiếm với người KGU
Tác giả: HoaNT
Đám cưới Ngọc Trai
Cách đây 30 năm tôi về làm dâu trưởng của dòng họ Trần Hữu . Hôm nay 21/2/2017 kỷ niệm 30 năm đám cưới của
chúng tôi, nhìn lại 30 năm qua đã có nhiều thay đổi trong cuộc đời tôi xin viết lại những dòng tâm sự, những sự kiện đã trải qua 30 năm ký kết Hợp đồng hôn nhân của chúng tôi.
Tôi thuộc loại cao số, năm 24 tuổi có người xem số tử vi và nói rằng số tôi phải 33 tuổi mới lấy chồng nếu lấy trước năm 24 tuổi thì sẽ phải qua 2 lần đò. Sau 6 năm du học ở Kisi nhốp, Liên xô cũ không một mảnh tình vắt vai, đúng là hồi sinh viên lũ con gái Hóa 77 lớp tôi quá vô tư, chúng tôi mải chơi chứ không phải mải học mà không yêu đương đâu. Trong khi các bạn lớp sinh, lớp lý có người yêu thì cả 9 cô lớp hóa 77 chỉ có 1 cô có người yêu thôi còn 8 cô chẳng lo nghĩ gì, không yêu và cũng chẳng có ai yêu thì phải. Lúc tốt nghiệp về nước cũng có nhiều người đến với tôi xong hình như duyên số thế nào mà chẳng lấy được ai mặc dù không khó tình hay đặt ra tiêu chuẩn gì cả. Lúc mới về nước thì nghe đâu tôi có danh sách đầu quân cho thuỷ điện sông Đà. Lúc đầu cũng hăng hái lên nhận công việc nhưng bố mẹ tôi có mỗi cô con gái rượu nên không muốn cho đi xa và các bác đồng nghiệp với bố tôi ở cục Quân Y lúc bấy giờ cũng khuyên nhủ gia đình tôi nên vận động cho cháu đi làm ở một cơ quan thuộc Bộ Y tế. Do có mối quan hệ đồng nghiệp nên cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn trước đây là Cục trưởng cục Quân Y có giới thiệu tôi về Viện Vệ Sinh Dịch tễ học. Lúc bấy giờ cái tên Viện VSDT đối với tôi lạ hoắc. Hôm đầu tiên đến Viện tôi cầm lá thư viết tay đến gặp Gs. Hoàng Thủy Nguyên là viện trưởng. Lúc qua cổng ông bảo vệ hỏi giấy tờ và sau đó quay số điện thoại đến phòng Gs. Nguyên rồi hướng dẫn để tôi vào phòng làm việc của Gs. Nguyên. Vì chưa biết mặt Gs. Nguyên nên khi đến phòng gặp một người trông rất trẻ mặc quần áo bò, đi guốc mộc đang quét và hót rác nên tôi hỏi: anh làm ơn cho em gặp bác Nguyên ạ. Anh ta cười và bảo tôi ngồi chờ, quét xong nhà anh ngồi vào ghế nhờ một chị rất trẻ và đẹp trong phòng thí nghiệm rót nước mời và ôn tồn hỏi: Thế cậu cần gì nào? Tôi là Nguyên đây.Lúc đó tôi ngơ ngác và ngạc nhiên nói : thế chú là Nguyên ạ cháu xin lỗi vì không nghĩ chú lại trẻ thế ạ. Thế rồi Gs. Nguyên đọc hồ sơ của tôi và bảo sẽ xếp tạm vào khoa Dịch tễ lúc đó chú Lê Diên Hồng là bạn với bố tôi hồi ở chiến khu là phụ trách khoa. Chú Hồng vừa làm Tiến sỹ ở Ba lan về, rất thích những ai học ở nước ngoài về nên chú bảo xếp cho tôi vào phòng Thí nghiệm Côn trùng thực nghiệm để có cơ hôi phấn đấu vì ở đó có các anh chị có trình độ cơ bản rất hăng say với nghề nghiệp. Thời gian đầu tôi cảm thấy hơi shock vì những gì mình học là chẳng phù hợp với công việc của phòng TN này, tôi cảm thấy chán và như bị lạc lõng vào một môi trường không phù hợp, trái ngành, trái nghề. Có lẽ không có tình yêu tình báo gì cả nên tôi có rất nhiều thời gian ngồi đọc sách về công việc của mình Thế rồi dần dần với sự giúp đỡ, động viên cuẩ các anh chị trong phòng tôi đã dần dần tìm ra cho mình một chỗ đứng trong chuyên môn đặc biệt là trong lĩnh vực diệt côn trùng gây bệnh bằng hoá chất. Tôi nghĩ mình đã vào viện này là trái ngành trái nghề nên phải tìm ra một hướng đi bằng chính chuyên môn, kiến thức của chính mình. Suốt thời gian đầu tôi đọc và nghiền ngẫm nhiều sách trong đấy có quyển дезинфекция, дезинцекция и дератизация của Gs người Nga В.И. Вашков dầy 735 trang khổ gần như A4. Đây là quyển sách của một anh bạn đồng nghiệp tuy không biết tiếng Nga nhưng anh ấy đã nhờ người viết thư liên hệ với chính tác giả là Gs В.И. Вашков để xin quyển sách này, vì cảm động trước một người Việt Nam yêu quý mình mà tác giả đã viết một bức thư và gửi quyển sách cuối cùng của mình còn lại về Việt Nam trong thời gian chiến tranh, Viện tôi còn phải sơ tán. Sau khi nhận được quyển sách quý này anh bạn đồng nghiệp của tôi đã bị Viện và Bộ Y tế kiểm điểm vì liên hệ và nhận quà của người nước ngoài. Nhờ quyển sách này tôi cũng đã học hỏi được nhiều về phần lý thuyết rất cơ bản để cùng với đồng nghiệp làm ra những sản phẩm diệt côn trùng như: mồi độc diệt ruồi, hương trừ muỗi và một số sản phẩm diệt côn trùng khác Made in Viện VSDT. Cũng nhờ những sản phẩm này mà khoa Dịch tễ cũng như viện VSDT của tôi làm kế hoạch 3 cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức những năm 80-90 của thế kỷ trước. Hồi đó chúng tôi say sưa ngày đêm làm các sản phẩm này để có tiền thu nhập dù biết là độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.Ngoài công việc chuyên môn ra tôi còn tham gia các công tác đoàn thể như thanh niên, công đoàn, văn nghệ.... rất say mê. ngoài giờ thì đi học tiếng Anh chẳng nghĩ gì tới chuyện chồng con cả.
Tôi được các anh chị em đồng nghiệp trong khoa rất quý mến và ủng hộ tạo điều kiện rất nhiều trong công tác chuyên môn. Năm 1980 tôi đã được kết nạp vào đảng mặc dù hồi sinh viên thì tôi là một trong những đoàn viên hơi chậm tiến của lớp CL77 chẳng bao giờ được đảng dòm ngó tới. Tôi được kết nạp vào đảng khiến nhiều người trong khoa ngỡ ngàng vì lúc đó còn rất nhiều anh chị về viện công tác trước tôi nhiều năm ở trong diện cảm tình mãi mà chẳng được kết nạp nên đến hôm kết nạp tôi ông bí thư chi bộ xúc động quá không đọc được quyết định mà phải nhờ người khác đọc hộ vì ông ấy bảo chưa bao giờ kết nạp cho một đảng viên trẻ mới về viện chưa hết thời gian thực tập như tôi. Cho nên thời gian dự bị của tôi kéo dài tới 18 tháng chứ không phải bị kỷ luật gì cả và năm 2012 Viện làm thủ tục để tôi được nhận 30 năm tuổi đảng. Hôm vừa rồi nộp giấy ra Quận ủy Ba Đình tôi cũng phải giải trình mãi về nguyên tắc Đảng thế kỷ trước là kéo dài tời gian dự bị với những người chưa chính thức là biên chế nhà nước. Thế rồi do cơ cấu trẻ hóa đội ngũ tôi được bầu làm bí thư đoàn, uỷ viên BCH đảng uỷ Viện VSDTTW liên tục từ năm 1982-2010 rồi chủ tịch công đoàn kiêm nhiệm của viện từ năm 1991 đến năm 2010. Theo quy định mới thì đến năm 2020 là tôi được 40 năm tuổi Đảng. Công việc chuyên môn cũng như con đường phấn đấu của tôi có thuận lợi hơn nhiều người cùng lứa.Trong mỗi bước đi của tôi lúc nào cũng có sự ủng hộ, động viên từ bố mẹ, chồng con và bạn bè. Nhớ ngày nào cách đây hơn 20 năm khi tôi bảo vệ Phó tiến sỹ rất nhiều hoa từ bạn bè, chồng con , chúc mừng khiến tôi trào nước mắt vì cảm động vì sung sướng. Hồi đó những người trái ngành như tôi được làm Nghiên cứu sinh là khó, tôi đã phải nhiều năm lóc cóc đạp xe từ Tập thể Nam Đồng vào Đại học Y khoa HN, Đại học Quân Y, Đại học Tổng hợp, Đại học Ngoại ngữ học thêm lấy chứng chỉ các môn học để bảo vệ bằng Pts mã số Y dược và sau này Pgs.
Cuối năm 1985, lúc đó tôi mới về Viện được 5 năm, trước khi cô Thục là trưởng phòng kế hoạch của viện nghỉ hưu tôi được viện trưởng gọi lên và nói là muốn cho tôi lên làm trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, sẽ cho đi nước ngoài học và cho lên lương trưởng phòng luôn rồi hứa sau này sẽ còn lên cao hơn nữa, nhưng tôi dãy nảy lên từ chối vì tôi bảo: “ cháu còn trẻ quá nên sợ không đảm đương được nhiệm vụ đấy” , chú Nguyên liền bảo:” Tôi làm viện phó năm tôi mới 30 tuổi nên tôi nghĩ với trình độ chuyên môn, ngoại ngữ như cô là làm được”, chú Nguyên bảo tôi là” Cả mấy đêm tôi nghĩ chỉ có cô làm được việc này là xứng đáng nhất nên cô cứ về suy nghĩ đi rồi 3 ngày sau lên đây lấy quyết định”. Ba ngày sau tôi lên phòng Viện trưởng gặp chú Nguyên, thấy tôi lên chú rất mừng và bảo:” Sao đã suy nghĩ rồi chứ ? Để tôi gọi Trưởng phòng Tổ chức lên làm quyết định cho cô” Tôi vội vàng, sợ sệt trả lời luôn:”Cháu xin cảm ơn và xin lỗi chú là cháu không đảm đương được công việc này ạ, xin chú cử người khác đi ạ vì cháu nghĩ cháu không được học và không phù hợp với công việc này ạ” Thế là Viện trưởng Nguyên HT mở toang cửa ra quát lên:” Tôi không hiểu cô là người như thế nào, mà ai cũng thích làm công tác chuyên môn thì ai làm công tác hậu cần ở Viện này bây giờ đây. Tôi liến vội nói:” Cháu xin phép chú cháu về ạ” thế là tôi chạy thẳng ra ngoài trước sự lo lắng, sợ sệt, ngạc nhiên của các đồng nghiệp lúc đó đang đứng ngoài cửa phòng Viện trưởng. Sau này còn rất nhiều cơ hội đi học để thăng tiến mà tôi phải từ chối vì vướng gia đình, con cái không thể đi học xa được, đến lúc con lớn thì tuổi cũng cao rồi. Là dâu trưởng, là hoa hậu trong nhà nên việc gì cũng đến tay thậm chí có những lần đi công tác tại Úc, Mỹ... tôi cũng phải xin phép về trước giờ giao thừa để làm cơm cúng đêm 30. Ngồi ở sân bay nghe điện thoại gọi ời ời mà sốt hết cả ruột. Sau này có những lúc Gs. Nguyên HT còn khuyên tôi nên đi học thêm 1 bằng về kinh tế ở nước ngoài để sau này người ta còn cất nhắc lên làm Viện phó phụ trách hậu cần, tôi cũng từ chối vì lớn tuổi rất ngại đi học và không thích làm lãnh đạo.
Đã gần 30 tuổi rồi mà chuyện chồng con thì muộn mằn quá, trong khi đó các bạn gái cùng lứa , học cùng lần lượt đi lấy chồng và có con cái gia đình gần hết làm cho mẹ tôi lo lắm. Thấy tôi chẳng lo nghĩ gì đến chuyện lấy chồng mẹ tôi chẳng dám hỏi nhưng ai đến cũng hỏi dò xem đã có ai chưa và mẹ phàn nàn với các bạn là : nhan sắc đã chẳng có lại còn là đảng viên nữa thì chắc là khó lấy chồng. Thế rồi năm 1982 nhà nữ toán học Phan Vũ Diễm Hằng về nước, thời gian đầu làm cùng phòng thí nghiệm với tôi cứ nhất định làm mối anh Vĩnh cho tôi. Lúc đó anh là Tiến sỹ Cơ học ở BaLan mới về nước, con trai phố cổ và là đảng viên. Lúc đấy tiêu chuẩn như anh Vĩnh là niềm mơ ước của nhiều cô gái ở Hà Nội. Theo như tôi được biết thì anh Vĩnh cũng có rất nhiều đối tượng mà rất nhiều người còn trẻ, đẹp hơn tôi nhiều nhưng cũng vì lý do mải học nên suốt 5 năm ở BaLan chẳng chịu về nước cưới vợ nên họ không chờ được lâu phải bỏ đi lấy chồng. Sau này tôi được thừa hưởng tất cả các vải may áo dài, vải nilon, simili ... và nnhiều thứ khác của anh Vĩnh mua về chuẩn bị cưới vợ và đến bây giờ vẫn còn ở trong vali làm kỷ niệm vì chẳng ai dùng cả do hết mốt. Hôm cưới con trai tôi cũng nhờ Bà mối mát tay Diễm Hằng sang xin dâu
Lúc đầu tôi cũng chẳng thấy rung động gì nhưng với chiến dịch mưa dầm thấm lâu, đi làm về cơm nước xong là anh Vĩnh đến nhà tôi ngồi chơi rất lâu chẳng nói chằng rằng gì mãi cũng thấy sốt ruột mẹ tôi thường gợi ý để anh về vì ngồi lâu quá. Thời gian đó mẹ chồng tôi đã già và yếu không đi lại được mà mẹ tôi lại muốn phải có người lớn đến nói chuyện thế rồi mẹ tôi viện đủ lý do không đồng ý như: chênh lệch tuổi ( anh Vĩnh hơn tôi 11 tuổi), không môn đăng hộ đối rồi phụ huynh không có trình độ ( anh Vĩnh mồ côi cha từ lúc nằm trong bụng mẹ, mẹ chồng tôi lại là người buôn bán tần tảo ở vậy nuôi 2 con, không biết chữ ) rồi rất nhiều lý do khác như hình thức, chiều cao khiêm tốn, không biết xử sự, ngoại giao kém... . Mẹ tôi lúc nào cũng cho con gái mình là nhất, phải lấy người có đầy đủ cả hình thức lẫn nội dung, có trình độ, lý lịch rõ ràng, con ông cháu cha và rất nhiều tiêu chuẩn nữa. Tình trạng tìm hiểu của chúng tôi kéo dài 8 năm cho đến năm 1987 bố tôi quyết định đứng ra làm đám cưới cho bọn tôi mặc cho mẹ tôi phản đối. Bố tôi bảo với mẹ tôi: Cứ chê nhà người ta trình độ văn hoá thấp kém nhưng người ta ở vậy nuôi 2 con ăn học đều là tiến sỹ, kỹ sư như thế là hơn nhà mình rồi.
Đám cưới của chúng tôi được cử hành tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội trên đường Lý Thái Tổ vào ngày 21/02/1987 với sự có mặt rất đông đảo họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của hai bên. Hồi đó nghèo nên chỉ có tiệc ngọt, bánh kẹo nhờ mua ở cửa hàng cung cấp theo tiêu chuẩn tem phiếu của các anh chị có tiêu chuẩn bìa C, tiền thì vay của các đồng nghiệp cùng phòng thí nghiêm, khâu trang trí tiếp tân nhờ các bạn đoàn thanh niên viện, áo dài và trang điểm thì có cô cháu làm nghề trang điểm mừng cô chú, chụp ảnh đen trắng có 10 ảnh màu đẹp thì sau này anh Vĩnh cẩn thận cất kỹ quá bây giờ vẫn không tìm thấy. Có những người chẳng nhận được giấy mời cũng vẫn nhiệt tình đến dự do sự hiếu kỳ của đám cưới đôi vợ chồng lớn tuổi. Đám cưới của chúng tôi là sự kiện lớn của 2 cơ quan: Viện Vệ sinh dịch tễ nơi tôi công tác và Viện Cơ học nơi anh Vĩnh làm việc. Đến cuối tháng 8/1987 khi đang mang thai đứa con đầu tiên được gần 5 tháng thì tôi bị thai lưu, lúc đó tôi sốc vô cùng vì tôi không tin vào chuẩn đoán. Bố mẹ tôi làm ngành y nên đưa tôi đến Bs. Cận là bạn. đồng nghiệp, là Bs. Sản khoa giỏi của Viện 108 hồi đầu khám. Bs. có tư vấn cho tôi là nên can thiệp để khỏi bị nhiễm độc thai nghén nhưng tôi cương quyết không tin là thai chết lưu vì là lần đầu mang thai nên tôi rất lo sợ chẩn đoán nhầm vì chẳng có triệu chứng gì mà tôi vẫn thấy cơn co. Bs Cận có bảo tôi rằng nếu thế thì cháu cứ để đến lúc nào sẽ tự đào thải cũng như ngày xưa ông cha ta không có khái niệm thế nào là thai lưu, nhưng bây giờ thì khoa học tiến bộ hơn thì có nhiều biện pháp chẩn đoàn và can thiệp. Cái ngày tôi quyết định đi nằm bệnh viện C để giải quyết cái thai lưu quả thật là những ngày bi thảm nhất trong đời tôi vì xung quanh ai cũng hân hoan đón những đứa con ra đời thì tôi thui thủi nằm một mình trong phòng khóc âm thầm. Những ngày nghỉ sau lần đấy quả là cực hình đối với tôi vì suốt ngày thui thủi nằm trong phòng một mình nhìn lên trần nhà đến bữa chồng về cơm nước xong lại nằm và kiêng mọi thứ vì các cụ bảo “1 con sa bằng ba lần đẻ”. Thời gian đó bố tôi có tiêu chuẩn quân đội đi nghỉ mát ở Sầm Sơn nên cho vợ chồng tôi nghỉ dưỡng để lấy sức khỏe, tinh thần chuẩn bị cho việc có con tới, lúc đó kinh tế vẫn còn khó khăn nên được đi nghỉ an dưỡng như vậy là sang lắm rồi. Thế rồi sau đó tôi lại được chú Nguyên HT Viện trưởng gọi lên bảo cho đi Nga học 6 tháng coi như vừa nghỉ vừa học, lúc đó được đi nước ngoài là sự ưu tiên rất đặc biệt nhưng tôi từ chối vì chẳng còn bụng dạ nào học hành. Thế là tôi lại bị Viện trưởng phật lòng lần nữa vì từ chối đi nước Xã hội chủ nghĩa, chắc là thích đi các nước tư bản, tôi mặc kệ cho sự dèm pha vì đối với phụ nữ đã lấy chồng thì phải có con, con là trên hết đối với tôi lúc bấy giờ. Trong những ngày này tôi tìm đọc nhiều các tài liệu về sinh đẻ, đi khám, kiểm tra các nơi để chuẩn bị đẻ con. Bố tôi đưa tôi đến gặp Gs.Ts. Bs. Lê Ngọc Toản lúc bấy giờ là trưởng khoa sản viện 108 đồng thời là ban học cùng khóa Bác sỹ. Cô Toản có khuyên tôi:” Nhà chồng con có truyền thống độc đinh nên cô giúp con đẻ con trai theo ý muốn, vì luận án Tiến sỹ của cô ở bên Pháp là Sinh đẻ con theo ý muốn, cô thường giúp các con bạn bè làm theo phương pháp này với sắc xuất cao trên 90%. Thế là ngày nào tôi cũng đo nhiệt độ, ăn theo chế độ của Khoa Dinh Dưỡng kết hợp với Khoa sản viện 108 để tạo môi trường đẻ con trai. Đi công tác các tỉnh tôi cũng mang theo Nhiệt kế để đo nhiệt độ thân nhiệt, rồi kẻ thành đồ thị để hàng tháng đưa cho cô Toản chọn ngày rụng trứng. Thế rồi tôi mang thai vào đầu năm 1988, lúc đó bắt đầu có phương pháp xác định thai bằng phương pháp HCG do chị Tuyến Việt kiều Pháp về làm việc tại Viện và tôi được là một trong những người được thử nghiệm bằng phương pháp mới. Hồi đó chưa phát triển phương pháp siêu âm xác định thai nhi mấy, Cả gia đình hai họ lúc bấy giờ vui mừng, hồi hộp chờ đợi sự ra đời đứa con đầu lòng của tôi. Mẹ chồng tôi vui lắm, chắc cụ rất mong cháu trai vì bà chị gái anh Vĩnh đã có hai con gái rồi, nhưng để động viên tôi có hôm bà bảo:” tao nằm mê thấy con Hoa đẻ được đứa con gái xinh lắm” . Vì lớn tuổi rồi nên những ngày mang thai tôi cũng rất lo cứ phải đi kiểm tra liên tục và đăng ký đẻ ở viện C gần nhà và có truyền thống, kinh nghiệm hơn các bệnh viện khác. Tối 15/10 tôi trở dạ nên vội vàng vào viện luôn, hôm đó là thứ bảy, trực buổi đấy là bà Bs. Đích người to, béo, già, đeo kính trắng. Tôi nhớ bà Bs. này vì vừa khám cho tôi xong bà khám cho một cô bé khác luôn sau đó bà bảo với tôi ráo hoảnh ” Chẳng thấy đầu đâu, nghi quái thai”. Lúc đó tôi choáng luôn, tôi buồn quá vì lần trước đã như thế lần này lại như thế này thì thật là bi đát. Tôi vừa đau bụng vừa lo và chẳng thiết ăn gì mà cũng chẳng có ai quan tâm, thăm khám gì hết, ai cũng bị các bác sỹ quát mắng nên sợ chẳng ai dám hỏi han gì. Đến tận bây giờ tôi vẫn ấn tượng sợ khi phải vào viện, chính vì thế mà mãi sau 10 năm sau mới dám đẻ thêm. May quá lúc đó Bs. Khanh đi qua tôi liền bảo tôi:” Sao lại có chuyện đẻ quái thai là thế nào, bình thường mà em không tin em xuống đây chị cho em xem qua siêu âm “Bs. Khanh là một trong những người lúc đó có máy siêu âm ở bệnh viện C nhưng máy siêu âm cũng chưa hiện đại như bây giờ và rất ít người được siêu âm. Tôi cùng Bs Khanh xuống phòng siêu âm và Bs. Khanh cho tôi xem hình ảnh trên màn hình và bảo:” Này em xem đi đầu con em rõ ràng như thế này, mà là con trai em ạ, cứ yên tâm đi” Thật ra là lúc ấy tôi nghĩ chắc Bs. Khanh an ủi tôi chứ nhìn màn hình đen trắng chẳng thấy gì vì mình có phải chuyên môn đâu. Có những lúc đau bụng dữ dội và ra nhiều máu quá tôi bảo thì các bác sỹ trực ngồi túm tụm ăn uống rồi trừng mắt bảo:” Còn lâu mới đẻ cứ ra ngoài đi” . Tôi nghĩ chắc là trường hợp của mình đẻ quái thai thế này thì người ta không quan tâm là phải, thế là đêm đó tôi cứ trằn trọc năm trong phòng chờ đẻ vừa lo lắng trong nước mắt đầm đìa. Đến sáng hôm sau, sau khi giao ban Bs. Khanh nhìn thấy tôi ngạc nhiên hỏi: ơ thế từ hôm qua đến giờ chưa đẻ à thôi ra ăn tạm gì rồi vào đây bấm ối không mở thì mổ. May quá các bác sỹ bảo tôi có thể đẻ thường được, sau khi ăn 2 quả trứng vịt lộn do anh Vĩnh mang vào tôi lên bàn đẻ. Các bác sỹ hướng dẫn rặn đẻ nhưng quá mệt do cả đêm thức trắng trong lo sợ tôi đống ý cho bác sỹ rạch. Khi lôi đứa con trong bụng ra thì mọi người reo to cho người nhà chờ bên ngoài nghe thấy: Thúy Hoa đẻ con trai nhé, 2,7kg. Tôi vội hỏi luôn: Thế nó có đầy đủ các bộ phận không ạ, có thừa thiếu gì không ạ. Mọi người liền giơ cháu đên gần tôi và bảo: sao lại hỏi thế nó bình thường, khỏe mạnh mà đẹp hơn em là cái chắc. Tôi mừng quá quên hết cả mệt nhọc, nhảy ngay xuống bàn đẻ tươi cười cám ơn các bác sỹ trong con mắt ngạc nhiên, lo sợ của mọi người: ơ đã xong đâu, còn phải soát rau và khâu nữa cơ mà với lại em làm như thế rất nguy hiểm đến tính mạng. mà sao bây giờ lại khỏe thế, lúc nãy bảo rặn không có sức để rặn. Sau đó tôi được đưa ngoài phòng nằm nghỉ ngơi và theo dõi. Nằm mãi chẳng thấy người nhà vào, chị y tá tưởng tôi là single mom bèn ái ngại hỏi tôi: Em ơi em không có người nhà à, thế có đói thì chị mua cho em bát phở ăn nhé. Tôi bèn bảo: Không cần đâu chị ạ em mệt và đau lắm. Một lúc sau mẹ tôi vào pha cho tôi cốc nước cam tôi uống cho đỡ khát sau đó thì nhà tôi hớt hải chạy vào tươi cười chào mẹ và nói: tốt quá con trai mẹ ạ. Mẹ tôi hỏi: Thế mang cơm vào cho Hoa ăn không. Anh Vĩnh liền bảo: Thì bây giờ con vào hỏi xem Hoa ăn gì thì về bảo chị Hiền con nấu cho ạ.Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi: thế từ nãy đến giờ anh đi đâu mà lâu thế?. Anh Vĩnh bảo:Thì sau khi nghe họ báo tin Hoa đẻ con trai con về nhà và đến cơ quan báo tin cho mọi người ạ. Sau đó họ đưa mẹ con tôi về phòng, cô y tá bế con còn anh Vĩnh đẩy xe đưa tôi về phòng số 10 nhưng thấy cô y tá bế con tôi về phòng số 8 thế là anh Vĩnh sợ nhầm con vội vứt tôi ngồi trên xe giữa đường chạy vội vàng giật luôn con từ tay cô y tá và mắng tới tấp: sao lại đưa nhầm con đây là con tôi về phòng số 8 cơ mà. Cô y tá kiểm tra lại và vôi xin lỗi vì suýt nữa mang con trai tôi cho bà mẹ kia là đẻ con gái và trước đấy đã có 2 cô con gái rồi.
Đúng là niềm vui ngất trời cho dòng họ Trần Hữu vì bao nhiêu đời chỉ toàn độc đinh, đời trước các cụ có 5 người con thì chỉ có bố chồng tôi là con trai, rồi đến đời sau chỉ có anh Vĩnh là con trai, cụ ông mất sớm nên được chiều không phải làm gì chỉ ăn và học, mọi việc đều do mẹ và chị gái làm cho hết, có vợ thì mọi việc do vợ đảm nhiệm, chị gái anh Vĩnh cũng chỉ có 2 con gái, em trai tôi cũng có 2 con gái mà thôi.
Chẳng thế mà trong thời gian ở cữ tôi nhờ mua hộ cân đường. Sau khi chỉ dẫn cặn kẽ địa chỉ mua, giá mua và mua như thế nào sau mấy tiếng đồng hồ anh Vĩnh về tay không và bảo với tôi là: Chỉ có đường 6,5 đ/1kg không có loại 7 đ như Hoa dặn đâu nhé. Tôi bảo: Thì hôm nay đường hạ giá mua rẻ hơn càng tốt chứ sao. Anh Vĩnh bảo: thì tưởng Hoa dặn 6,5 là loại đường đặc biệt. Tức là anh Vĩnh với tác phong khoa học, chính xác, nguyên tắc cứng đờ, sau này cái tính này rất gây khó chịu cho mọi người và nhất là các đồng nghiệp, các thợ xây dựng, sửa chữa cho nhà tôi và sau này trong việc day dỗ các con học hành… Có nhiều lần đi công tác xa thậm chí có hôm tôi đang ở nước ngoài cũng phải hướng dẫn đến 15 phút để anh Vĩnh chọn đúng gói thịt bò và cách làm bitet cho cu Hà hay nấu món gì cho các con ở nhà mặc dù trước khi đi công tác tôi đã mua đầy đủ thức ăn và cho vào từng túi nhỏ có ghi chú cẩn thận. Chính vì vậy mà mọi việc khác trong nhà tôi được toàn quyền quyết định và thi hành. Tôi thường bảo với mọi người trong nhà rằng nghề thổi cơm, rửa bát, đi chợ của tôi là có thâm niên cao nhất từ năm 7 tuổi đấn bây giờ. Lúc mẹ tôi còn sống tôi thường trách đùa mẹ tôi sao bắt con gái làm việc từ bé thế? Mẹ tôi cười bảo: không bảo làm thì ai làm cho bố mẹ đi làm kiếm tiền nuôi và sau này còn biết làm ăn. Đúng thế vì bố mẹ tôi làm nghề y trong các bệnh viện quân đội rất vất vả, kỷ luật cao, phải trực đêm, đi công tác liên miên nên mẹ tôi thường khuyên tôi sau này không nên làm ngành y.
Với con trai đầu tiên, anh Vĩnh nhà tôi suy nghĩ, nghiên cứu mãi và quyết định đặt tên là Trần Hữu Hùng vì bảo Trần Hữu là dòng họ còn thấy Viện Cơ có anh Tiến Sỹ tên Hữu Hùng học ở Đức về nổi tiếng giỏi và làm ăn phát đạt giàu có nên đặt tên Hùng cho mạnh mẽ, giỏi, giàu. Nhưng sau này thì nghe đâu ông Hùng ấy bị vào tù vì tội lừa đảo và vừa mất xong.
Với đồng lương nghiên cứu khoa học quá eo hẹp của vợ chồng tôi nên tháng 5/1989 anh Vĩnh quyết định tạm biệt mẹ con tôi cùng mẹ già yếu quay lại Ba Lan làm tiếp Nghiên cứu sinh cao cấp để có thể cải thiện thêm.Lúc đấy để mua 1 vé máy bay sang Moskva sau đó đi tàu qua Varsawa chỉ khoảng 100USD mà bọn tôi phải vay mãi mới được. Mẹ con tôi về nhà ông bà ngoại ở để tiện bề trông cháu suốt 5 năm anh Vĩnh ở Ba Lan. Trong năm 1989 thì mẹ chồng mất vì mới sang Ba lan và cũng không có đủ tiền mua vé về nước anh Vĩnh đành chịu tang mẹ ở nơi đất khách quê người với niềm thương tiếc vô hạn. Bà mẹ chồng tôi quả là một bà mẹ tuyệt vời, qua 11 lần đẻ chỉ được 2 người còn sống là chị Hiền và anh Vĩnh, chồng chết sớm khi anh Vĩnh mới ra đời mà cụ tần tảo một mình làm ăn nuôi 2 con trưởng thành, khôn lớn, gìn giữ mua lại cho các con ngôi nhà phố cổ 36 Hà Trung của các cụ để lại. Khi biết có cháu đích tôn cụ mừng lắm nhưng vì tuổi già sức yếu nên nhờ bố mẹ tôi trông nom cháu và đồng ý cho tôi mang cháu về nhà ông bà ngoại ở. Trong thời gian chồng đi Ba Lan tôi cũng tranh thủ học ngoại ngữ thêm và làm Ngiên cứu sinh. Năm 1993 sau 5 năm ở Ba Lan anh Vĩnh quyết định về mặc dù có thể ở lại để tiếp tục nghiên cứu và làm ăn. Năm 1998 gia đình tôi lại có thêm 1 thành viên mới là cháu Hà bây giờ, lúc đó tôi đã 44 tuổi, sau 10 năm mới đẻ thêm nên tôi cũng rất phân vân và đẻ cháu cũng là một quyết tâm và rất dũng cảm vì lúc đó tôi được chẩn đoán là rau tiền đạo trung tâm rất nguy hiểm cho tính mạng mẹ. Đẻ và nuôi con quả thật là vất vả song mọi việc rồi cũng qua. Bây giờ cháu cũng đang học năm thứ nhất Điện tử Viễn Thông của trường Đại học Quốc Gia.
Suốt 20 năm nhà chúng tôi sống ở 36 Hà Trung mang tiếng nhà mặt tiền phố cổ mà chúng tôi sống trên đống vàng mà nhịn đói không xây, không sửa, không bán được do quá tin tưởng vào họ hàng nên mẹ chồng tôi sơ hở trong việc chuyển nhượng, sau 50 năm khi nhà đất có giá mấy anh em họ hàng con bà bác chồng tham lam lật lọng kiện tụng ra tòa. Suốt bao nhiêu năm trời nhà chúng tôi cứ 4 người trên một giường mãi đến năm 2006 giải quyết xong nhà cửa 2 chị em nhà anh Vĩnh quyết định bán ngôi nhà 36 Hà Trung đi, nhà tôi mua ngôi nhà ở Kim Mã bây giờ. Cũng năm 2006 này con trai cả đi học đại học Kinh tế ở Singapore sau 4 năm cháu dành học bổng Master tiếp ở Anh, sau đó cháu về nước vào làm tại công ty Kiểm toán E&Y hiện nay đang làm tại Vietinbank. Tháng 11/2015 cháu cưới vợ và tháng 11/2017 nhà tôi đón cháu nội đầu tiên.
30 năm qua quả là một chặng đường dài với biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn với biết bao nhiêu sự kiện xảy ra đối với gia đình chúng tôi vui có, buồn có, có những lúc chán nản, mệt mỏi quá tưởng không thể vượt qua. Có những lúc sóng gió, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt đã muốn chia tay với gia đình nhưng nghĩ nếu thế con cái sẽ ra sao, ai đưa và dạy chúng học, hay phải đi công tác thì ai chăm con cho và rồi nhiều vấn đề phức tạp nữa chứ thế là lại cố gắng chịu đựng để vượt qua. Trước khi cưới nhau mẹ chồng tôi đã xem số và bảo chúng tôi xung khắc với nhau nhưng bà rất thích tôi nên cứ ai đến với anh Vĩnh là cụ đuổi quầy quậy. Đúng là trong cuộc sống có nhiều điều phức tạp, tôi kém anh Vĩnh những 11 tuổi nên cách suy nghĩ, phong cách sống, giải quyết các vân đề rất khác nhau. Lúc đầu cũng hay tranh luận gay gắt, hay mất đoàn kết chẳng ai chịu ai. Song tôi nghĩ thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi vậy quên đi cho khỏe vì cũng già rồi. Ví dụ như anh Vĩnh không ăn được chua cay, tỏi, ớt, gừng,,, kiêng rất nhiều thứ thì tôi nấu 2 bát canh: chua và không chua, 2 đĩa rau bí hay thịt bò xào 1 đĩa có tỏi và 1 đĩa không tỏim 1 bát nước mắm nguyên chất và bát kia có tỏi, ớt chanh gừng… Những quy trình nấu ăn như thế đã đi tiềm thức lâu năm ở nhà này rồi. Nhà có 4 người thì 4 TV, 4quạt, 4máy tính và 4 buồng luôn vì mỗi người 1 sở thích riêng, xem cùng 1 chương trình TV thì 4 loại volume khác nhau, người thích xem phim, người thích xem đá bóng, người thích ca nhạc… Đúng là cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
Tháng 8/2016 tôi cũng về hưu sau anh Vĩnh 8 năm, chúng tôi tự tạo niềm vui với mình, với gia đình, với bạn bè để 2 nhà khoa học khỏi ngồi không lại mất đoàn kết. Chúng tôi tự bằng lòng với cuộc sống không luyến tiếc, trách móc, chê bai ai, nhiều người cứ hỏi: sao 2 vợ chồng nhà chị có đầy đủ học hàm, học vị cao, có chức sắc mà không mua được nhà cho con cái ở riêng, không cho cậu út đi du học, không có nhà đất cho thuê mà chỉ sống bằng đồng lương hưu thì lạ thật. Một gia đình với nhiều nỗi lo toan cũng không đơn giản nhưng chúng tôi cũng cố gắng cùng nhau để giữ sự bình an, vui vẻ, thoải mái. Về hưu nên tôi cũng có nhiều thời gian dành cho chồng con, cháu, bạn bè hơn. Chúng tôi có những phút thảnh thơi dạo chơi Bờ Hồ, Ecopark, Tam Đảo… với bạn bè, gia đình
Xắp xếp giờ giấc khoa học tôi vẫn có thể cơm nước cho gia đình, vui chơi các hoạt động bơi lội, đi chơi, chụp ảnh….với bạn bè KGU, sinh hoạt câu lạc bộ hát Bạch Dương,
Hiện nay tôi vẫn còn đang hướng dẫn 2 Nghiên cứu sinh, tham gia các Hội đồng Đề tài Nhà nước, Hội đồng tư vấn của Bộ Y Tế...
Hôm này kỷ niệm 30 năm ngày cưới vợ chồng tôi sẽ mời các ông phù rể và một số bạn bè ăn tại hàng Café CCCP với các món ăn Nga thời sinh viên vì các anh phù rể này hồi đó đều là các Tiến sỹ được đào tạo ở Liên xô cũ, Ba Lan, Đức nay đã về hưu và lên chức ông nội, ông ngoại hết rồi.
Cầu mong mọi điều bình an, ổn định, hạnh phúc, tràn đầy niềm yêu thương và đầy tiếng cười đến với gia đình mình.
Người post: HoaNT
Ngày đăng: 21-02-2017 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |