KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 16 Tháng hai. 2016

Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?




Tác giả: Đức Toàn

Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả hai nước, gây hậu quả lâu dài cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những nét chính về cuộc chiến tranh này.

Từ nguồn sách báo, tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, chúng ta cùng nhìn lại diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh 1979:

Đó là cuộc chiến tranh xâm lược...

5 giờ sáng ngày 17/2/1979, khoảng 120.000 quân Trung Quốc tiến đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới (khi đó là 6 tỉnh: Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu và Quảng Ninh); mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng, Lạng Sơn. Quân đoàn 41A tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.

Cánh phía tây do các quân đoàn 13A và 11A đánh vào thị xã Lào Cai, Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A đánh từ Kim Bình vào Lai Châu. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Thị xã Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.

Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh yểm trợ.

Đánh nhanh mấy ngày đầu với chiến thuật biển người nhưng sau đó quân Trung Quốc phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Thông Nông (Cao Bằng) ở đông bắc và Lào Cai.

Tù binh Trung Quốc bị bắt năm 1979

Bộ đội địa phương cùng dân quân, tự vệ Việt Nam với tinh thần chiến đấu cao khiến quân Trung Quốc không thể tác chiến ở quy mô sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu.

Trận chiến tại Đồng Đăng diễn ra ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội NDVN. Thị xã Đồng Đăng do lực lượng của Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn.

Ngày 22/2, tại Pháo đài Đồng Đăng, quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập cửa chính; dùng súng phun lửa, lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.

Sau 5 ngày đêm, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm cùng một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh.

Ngày 26/2, Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN điều động Quân đoàn 2 từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã lập cầu hàng không, chở quân.

Đến ngày 28/2/1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Quân đội Việt Nam có chiến thuật ưu thế hơn nên còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipho (Vân Nam) của Trung Quốc để cảnh cáo.

Bộ đội Việt Nam bảo vệ Thị xã Lạng Sơn

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn. Trung Quốc điều thêm 2 sư đoàn để tăng viện. Tại đây, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ và phản ứng mãnh liệt trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Nhưng 1 tiểu đoàn lính Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau, bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng.

Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.

Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội NDVN cũng tập kết phía sau Quân đoàn 14.

Ngày 5/3/1979, Việt Nam phát lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày hôm đó, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt gọn.

Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.

Mặc dù vậy, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc, ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang. Cuộc chiến này kéo dài đến năm 1984, tiêu hao sinh lực lớn cho cả hai phía và để lại hậu quả nặng nề cho nhiều năm sau.

1 năm sau "giàn khoan 981", chúng ta đã gọi đúng tên một cuộc chiến khác...

Nhắc lại để chúng ta không bao giờ quên, không bao giờ mất cảnh giác với người hàng xóm đầy tham vọng bá quyền. Sự kiện giàn khoan 981 như một giọt nước tràn ly, để chúng ta hiểu và gọi đúng tên hơn bản chất của một cuộc chiến khác.

Những điều trăn trở

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 ít được dư luận thế giới quan tâm. Bởi hai nước láng giềng, có mối quan hệ gắn bó lâu đời nên nhiều nước thấy bất ngờ khi xảy ra cuộc chiến tranh này.

Từ năm 1989, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ thì báo chí Việt Nam cũng không đề cập tới cuộc chiến này nữa. Điều đó khiến dư luận trong nước không đồng tình. Trung Quốc nói là “Dạy cho Việt Nam một bài học” nhưng một số tướng lĩnh trực tiếp chiến đấu năm 1979 chỉ rõ rằng, đó là cuộc chiến tranh xâm lược.

Phải sau đó 35 năm (2014), một số ít tờ báo trong nước mới nhắc lại cuộc chiến này. Và một lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận phía Bắc mới được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), hơn 200 cựu chiến binh và thân nhân đã tổ chức lễ dâng hương và tưởng niệm 600 người đã hi sinh, hơn 1.000 người bị thương trong chiến dịch MB84 ngày 12-7-1984 đánh chiếm ba cao điểm bị quân Trung Quốc xâm lược.

Nhưng từ đó đến nay, tất cả lại rơi vào im lặng.

Hàng năm, chúng ta có nhiều dịp kỷ niệm ngày chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, nhất là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chống bọn Pôn Pốt nhưng riêng cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 và cuộc hải chiến Trường Sa thì bị bỏ qua.

Điều đó khiến người dân Việt Nam yêu nước rất bức xúc. Đặc biệt với những gia đình có con em bị thương vong trong 2 cuộc chiến này và các cựu chiến binh đã từng tham chiến. Bởi cũng là sự hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng họ đã bị lãng quên trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và hải chiến Trường Sa cần được đưa vào chương trình giáo khoa lịch sử cho các thế hệ học sinh và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào dịp 17-2 và 14-3 hàng năm.

Có như thế mới bảo đảm sự công bằng của lịch sử!

Tội ác của lính Trung Quốc ở biên giới Việt - Trung năm 1979

Những từ ngữ trên tấm bia ghi nhớ tội ác còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ, và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn của quân xâm lược Trung Quốc.

Đức Toàn

 

 

 

 


Người post: SonTM

Ngày đăng: 16-02-2016 05:05






Xem 1 - 10 của tổng số 15 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: 3Chai
02/03/2016 00:24:01

Cảm ơn tác giả.



Từ: ChiNB
24/02/2016 21:09:00

Không ai có thể quên, mãi không thể quên. Đối với gia đình chúng tôi, cả hai người đều ở trong quân ngũ và mới có con gái đầu lòng được mấy tháng. Lệnh Tổng động viên được phát ra cũng là lúc chúng tôi quyết định gửi cháu vào Đà Nẵng với ông bà ngoại, phòng cuộc chiến sẽ tiến sâu hơn nữa. Lúc đó, ý nghĩ " đời con lại sẽ phải trải qua chiến tranh rồi" làm chúng tôi buồn và thấy căm thù quân bành trướng TQ vô cùng. Hồi đó cả nước sôi sục, những bài hát như " Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh" - người chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 17/2 luôn vang lên trong các cuộc họp Chi đoàn lúc đó. Có một điều buồn nữa sau này,  mặc dù ở trong quân đội nhưng chúng tôi cũng không được thông tin gì nhiều về cuộc chiến 1984 ở Vị Xuyên và 1988 ở Gạc Ma, tất cả đều được dấu kín, chỉ có những ai làm nhiệm vụ nghiên cứu phải lên biên giới thì lên (như anh MinhCK), còn cụ thể chiến sự xảy ra thế nào, thương vong ra sao không ai biết. Lịch sử sẽ còn là lịch sử nữa không nếu thiếu hẳn những bài học rút ra từ cuộc chiến chống xâm lược này? Đừng để các thế hệ trẻ không biết gì về một cuộc chiến " bạn-kẻ thù lại đánh bạn" của mình như thế.



Từ: SonTM
18/02/2016 03:08:26

 


 


 


Vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 cả nước Việt Nam sôi sục vì sự phản bội của lũ phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng cũng chẳng có gì lạ vì trong Đại cách mạng văn hóa trước đó nội bộ họ còn tiêu diệt lẫn nhau cho nên chúng có xá chi đến bè bạn và hàng xóm.


Tôi còn nhớ mãi khi lệnh tổng động viên được ban hành, chúng tôi những giảng viên trẻ của Trường Đại học Xây dựng cùng với sinh viên khóa 22 và 23, những sinh viên trên người còn khoác áo lính từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lên đường đào phòng tuyến chống quân Bành trướng và sẵn sàng cầm súng khi quân Tàu tiến đến phòng tuyến. Những ngày gian khổ đó đã ghi sâu trong tâm khảm của mỗi người chúng tôi.


Bài học ngày 17/2/1979 luôn nhắc nhở chúng  ta đừng bao giờ mất cảnh giác trước những lời nói hoa mỹ của ông bạn hàng xóm đã và đang xấu chơi. Dù có 16 chữ vàng hay 1000 chữ đi chăng nữa tôi không bao giờ tin!


 




 


 


 


 


 



Từ: KhanhT
18/02/2016 00:07:36

 


Ngày 5/3/1979 Chủ tịch Trường Chinh chủ trì cuộc họp bất thường của UBTVQH quyết định Tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược:







 Trong bài hiệu triệu quân dân vào thời điểm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại! Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi! Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn năm!







 



Từ: HanhLT
17/02/2016 22:09:27

Không sợ khó,không sợ khổ chỉ sợ không công bằng..cuộc chiến chống tầu ngày ấy cả miền Bắc gồng mình,chả ai quên cả,hiện nay mn còn hiểu tầu hơn ngày ấy,nhưng lãnh đạo dường như dễ quên hơn thì phải.Mỗi lần nhìn thấy đường sắt trên cao dang dở..xin lỗi cả nhà trông như bãi phân đổ giữa đường chưa có người hót.



Từ: TungDX
17/02/2016 22:04:22

Trong gia đình Thuocphongthuocno có hai chứng nhân của hai cuộc chiến: Em trai mồng 7/1 ôm súng qua Phnongpenh...; Chú 17/2 giáo viên chạy từ trường Thanh niên dân tộc Quảng hòa về xuôi...


Từ thủ phủ Kim bôi Hòa bình của Thuocphongthuocno bấy giờ một tiểu đội đã thành lập nhập vào lực lượng tăng cường cho biên giới...





NHẮN QUÂN BÀNH TRƯỚNG


Chiếc lá nho cuối cùng rơi xuống


Chúng lộ nguyên hình lũ bành trướng Bắc kinh


Bấy lâu nay giấu mặt trá hình


Trà trộn tự xưng mình cách mạng


Như vầng dương toả sáng giữa tròi


 


Nhưng hôm nay


Khi chiếc lá nho rơi


            &nb sp;           Trơ mặt mẹt lũ con giời Đại hán


Nổ súng tấn công vào bè bạn


Xưng bá xưng hùng, miệng niệm nam mô


Ve vãn Nhật, SAM, xoắn xuýt NATO


 


Với Việt nam ta ư đâu phải lần đầu


Dẫn thân sang theo lối mòn xưa cũ


Bay sẽ sớm về chầu ông tổ


Đây Đống đa, Chi lăng xác cha ông bay còn đó


Giữa năm châu tỏ rõ mặt gian hùng


Sau keo đầu chưa hết thói hung hăng


Còn tiếp tục sắp quân Nam phạt


 


Báo cho hay


ẢI Chi lăng dẫu chật


Đống đa tiền bối bay xác đã chất thành gò


Nhưng vẫn đủ làm mồ chôn quân hậu thế


      Ngày 28/4/1979ĐXTung –Ban Phân tích


 



Từ: Guest Life
17/02/2016 19:01:19



Xin đọc thêm:


37 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc: Quên là có tội!


Thứ tư, 17/02/2016 - 08:27


http://dantri.com.vn/chinh-tri/37-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-quen-la-co-toi-201602170 82846547.htm




17/02/2016 16:12:01

 


Những khái niệm như lịch sử, ý thức hệ, lợi ích dân tộc (thuộc phạm trù khoa học nhân văn) không được định nghĩa chính xác, ko được được hiểu thấu đáo. Cái gì là khách quan, cái gì là lâu dài vĩnh viễn cũng bị nhầm lẫn.


Cũng vì vậy cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2/1979, một cuộc chiến hào hùng, đã không được nhắc đến nhiều như những cuộc chiến khác. Cũng vì vậy mà sự hy sinh của hơn 60 binh sỹ VNCH bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 trước TQ cũng rất ít được nhắc tới. Có 2 sư đoàn của QĐNDVN, sau trận Vị Xuyên 1984, đã bị giải thể, khiến các cựu chiến binh Vị Xuyên luôn cảm thấy bơ vơ.


Ở khúc đoạn này, lịch sử chưa được viết ra như đúng nó vốn có. Tiếc thay


 


 



Từ: Guest CấpTT
17/02/2016 08:37:39

Rất cảm ơn tác giả ĐT đã cho tôi biết nhiều thông tin cụ thể  về cuộc chiến b giới phía Bắc cũng như  bài của CKMinh trước đây . Lâu  nay tôi cứ áy náy và luôn tự trách mình sao biết ít về cuộc chiến này thể và  không hiểu tại sao cuộc xâm lược của người Trung quốc lại bị bưng bít như vậy ? Còn nhớ sau giải phóng m nam được học NQ 4 của Đảng có nói kẻ thù lâu dài của Việt Nam là thế lực bành trướng TQ , rồi sau đó không nghe nhắc tới nữa ? Tôi nghĩ đã  là người dân Việt yêu Tổ quốc mình thì không ai quên lãng được sự hi  sinh của đồng bào chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc , nhưng các lãnh đạo  nhà nước phải cho dân biết rõ ràng cụ thể để người dân Việt hiểu , không những thế mà phải cho thế giới và người dân T Quốc biết những thông  tin  thật về cuộc chiến  này. Rất mong được đọc nhiều những  thông    tin về chủ đề này. Xin thắp nén hương tưởng nhớ và biết ơn những đồng bào chiến sĩ đã hì sinh để giữ gìn biên cương của Tổ quốc !



Từ: Guest Dang kim Chi
17/02/2016 05:33:02

tôi quê ơ Phù Đổng Gia lâm Hà Nội nhưng me tôi sinh tôi ỏ Xứ lạng. Thủa học trò tôi là học sinh cấp 3 Việt Bắc thị xã lạng Sơn. Quê hương thứ hai xứ lạng và tuổi thơ tôi đầy ắp những kỷ niệm bạn bè ...và hương hoa hồi chân chất quyến rũ. năm 1979 khi đang học tại KÍINHÊP thì quân tàu đánh chiếm thị xã quê tôi dọc dẫy phố Trần Đăng Ninh nhà tôi có mấy người không chạy kip bị chết vì đạn quân tàu. Nhà tôi bị sập mái và tường có nhiều cết đạn . Nhưng điều tôi không thể quên đó là bạn chúng tôi hồi lớp 10 ( bạn Hùng) được gọi vào quân đôi (mặc dù bạn ấy đã tòng quân đánh mỹ  sau đó trở về và 1979 gọi lại) đã ngã xuống vì đạn của quân tàu khi chiến đấu bảo vệ biên giơí lang Sơn. Tôi xa xứ lạng đã lâu rôi và quê hương xứ lạng đổi thay nhiều lắm nhưng mỗi khi nhắc về cuộc chiến này tôi không khỏi xót thương cho bạn tôi và thật khó nói khi trong đám học sinh lớp tôi cũng có nhiều bạn là người hoa, người tày người Nùng Xứ lạng. Nếu không nhớ về cuộc chiến này và những người con đã vì nước mà hy sinh thì thật là có tội.    




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s