KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Chủ nhật 28 Tháng tám. 2011

Rười hồi sinh




Tác giả: NghiPH

NghiPH

Vùng cát trắng Quảng Bình có những vạt rười

Bao năm chở che cho người, cho đất

Rười với bà con

Gắn bó sắt son

Rười dùng làm phên,

bện chiếu, lợp nhà

Rười là bạn ta

Cuộc sống của ta

 

Thiếu chất đốt, người ta chặt phá

Nấu cơm, nướng cá

Triền miên

Rười không còn

Nước ngọt đâu còn

Không còn rười

Vùng biển lạnh hoang

Không còn rười

Nỗi ưu tư hằn khuôn mặt người

 

Rười hồi sinh

Vùng cát hồi sinh

Cua, rắn, rùa bò về làm tổ

Mạch nước ngầm đùn lên

Gió đưa hạt rười đi xa

Gieo mầm sống  xanh

Trên những cồn cát trắng

Lạnh hoang

 

 

Màu xanh về đây

Cát trắng thôi bay

Người dân vùng biển cười tươi

Rười ơi, rười ơi!

Từ nay, rười vui sống

Giữa thiên nhiên và giữa con người

Rười ơi!

Rười ơi!

 

 

!

 

Rười là loài cỏ có thể che chở cho vùng cát khắp các tỉnh miền Trung

Nhờ có cấu tạo đặc biệt về bộ rễ, về cành lá mà rười có thể chịu được mọi loại khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Có thể nói, tính cách của người miền Trung có nhiều nét của loài cây kiên cường, bất khuất này.

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 28-08-2011 17:05






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: LyTM
09/09/2011 20:34:28

Sau khi đọc lại bài rười, xem thêm về rười trong web, xin viết thêm mấy dòng này, trúc trắc, khó khăn mà tự do như kiếp cỏ rười phủ bãi cát nóng rang, để chia vui cùng anh Tổng:


Nếu là cỏ cây xin làm rười nhỏ,


Đem nước ngọt về cho đồng cát khát khô,


Rười mọc nhanh cho rắn, rùa bò,


cho con cua, con cáy,..., sinh bầy, làm ổ


Cho sự sống trào dâng tình đất đó,...


Ôm bám sâu, rười giữ chặt đất này,


Rười rào rạt vui cùng gió đêm ngày,


Ghì lấy đất, chở che khi dông trời bão tố,


Đất quê mình chang chang nắng đổ,


Giọt mưa nào vội bay đi tít trời nam,


Hay mải vui cùng ai vùng đất bắc,


Chỉ còn rười rào rạt, gọi mạch ngầm ngọt mát,


nước của sinh sôi dào mạch trở về,


Ôi, cây rười xứ quê cát khô, o nớ,


Sống vô tư, chính danh loài cây cỏ,


Mà tình thương dào dạt của kiếp người,


Là cây cỏ vui nhiều như với kiếp rười,


tự tại, phiêu diêu trong mênh mang


ngả nghiêng bốn phương trời,


Hít khí trời, đùa vui cùng mạch nước,


Thì cứ mọc, cứ lan về vùng khô phía trước,


làm manh chiếu, đắp chân người cả ngày quần quật


hay chở che, trên nhà nhỏ, nóc cao


hay quần vui ào ào, cùng dân quê, chiếu rượu,


Sống- làm rười vô tư dưới trời lồng lộng gió,


khô- làm bao điều to, nhỏ cho người,


Rười nghĩ đi, nếu được chọn kiếp người,


có làm chăng hay chỉ kiếp rười vi vu mãi?



Từ: NghiPH
29/08/2011 17:48:15

Xin cung cấp thêm thông tin về cây rười- một loại cỏ hiếm, đặc biệt có sức sống mãnh liệt, có tác dụng chống cát bay, cát nhảy cho anh HienVC và LyTM biết:


Cây rười trên cát trắng miền Trung
Cập nhật ngày 17/12/2008 lúc 9:28:00 PM. Số lượt đọc: 393. Web: thiennhien.net


Trải qua cuộc đấu tranh sinh tồn lâu dài trên mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, cây rười đã tự tạo ra cho mình khả năng quí hiếm là sống được trên cả vùng đất khô cằn nóng cháy ngập úng dài ngày. Đây là loài cây cần bảo vệ và nghiên cứu kỹ, đồng thời có thể đem nhân trồng ở những địa phương khác có môi trường phù hợp.


Nhắc đến dải đất ven biển miền Trung, nhiều người sẽ dễ dàng liên tưởng đến những rừng phi lao và đồi cát trắng. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, thiên nhiên khi tạo ra dải cát ven biển này đã sản sinh ra một giống cây đặc hữu mà sứ mạng của nó là bảo vệ bền vững vùng đất cát trắng từ trước khi có con người xuất hiện ở đây. 


Đó chính là cây rười. Có thể trước đây, cây rười đã từng có mặt trên khắp miền Trung. Theo thời gian, do tác động của môi trường sống và có thể do chính con người khai thác nhiều mà giống cây này bị mai một dần. Điều may mắn là giống cây rười qua bao thăng trầm, hiện tại vẫn còn gần như nguyên vẹn ở vùng cát ven biển thuộc huyện Quảng Ninh và LệThủy. 


Cây rười là một loài cỏ hiếm, chỉ sống ở vùng cát trắng, cách xa vùng đông dân cư nên ít ai biết đến ngoài người dân ở các vùng ven. Để thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, cây rười có hình dáng bên ngoài rất đặc trưng và khác biệt với các loài khác. 


Nhìn bề ngoài, cây rười giống như cây tre thu nhỏ nhưng không có gai, không có lá, mà có bông trên ngọn từ khi trưởng thành cho đến lúc già. Rười có thân ngầm, rễ chùm, đặc biệt, từ thân ngầm dưới mặt cát chồi lên là cành cây, cũng chính là lá rười khá cứng màu xanh. Cành lá rười có hình ống đốt, cao trung bình trên dưới 1 m, đường kính khoảng 3mm đổ lại. Cấu trúc hình thái của cây rười đã nói lên quá trình đấu tranh sinh tồn để thích nghi với điều kiện sống trên môi trường cát khắc nghiệt.  


Sức sống của cây rười thật đáng nể. Rười có thể sống bình thường trong điều kiện khô hạn suốt những tháng hè nóng bỏng với nhiệt độ mặt cát là hơn 50C. Ngược lại, về mùa mưa, chúng có thể sống ngập trong các bàu nước tới 2, 3 tháng. Tuy rất dễ cháy, nhưng cây rười cũng nhanh chóng được nhân lại từ hệ thống thân ngầm dưới cát. Miền Trung là vùng thường có gió bão, khi gặp bão, cát trở thành một màn đạn do bão thổi đi, các loài cây bình thường khác rất dễ bị thương tổn hoặc khó tồn tại. Riêng cây rười, do cấu trúc lá chính là cành hình ống nhỏ khá cứng và ngẳn nên giảm được lực cản của gió bão và sự va đập của cát bay. Mặt khác, cành rười có độ đàn hồi, có thể ngả theo chiều gió nên tránh được gãy gập. 


Rười có thể sống phát triển liền bì như thảm cỏ, lại cũng có thể sống thành cụm rải rác trên bãi cát hoặc sống ở tầng thấp dưới tán của các loài cây lớn khác, tạo thành một thảm thực vật bảo vệ vùng đồi cát. Rười sinh trưởng từ thân ngầm nằm dưới mặt cát hoặc từ hạt trong bông rười. Cây rười tự phát triển và đào thải quanh năm. Nơi cây rười sinh sống, mặt cát được lèn chặt bởi thân ngầm cùng bộ rễ chùm khỏe của nó bám sâu xuống lớp cát kết hợp với cành lá trên mặt đất không cho cát bay. 


Ngoài tác dụng bảo vệ ổn định địa hình vùng cát, loài rười còn khoác lên nơi đây tấm áo màu xanh dịu mát. Trong suốt quá trình hình thành phát triển của vùng đất cát này, loài rười đã góp phần lớn bảo vệ môi trường sinh thái bền vững nơi đây. Trong khoảng vài ba trăm năm trở lại đây, con người mới tham gia trồng cây phi lao chắn cát, ngược lại, cây rười cũng bị chính con người có lúc tàn phá bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những đồng rười nguyên sinh khá rộng lớn trên vùng cát huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Chúng ta cần tôn trọng thiên nhiên đã sản sinh ra loài cây đặc hữu này và dành môi trường sống tự nhiên cho cây rười. Mặt khác, có thể thử nhân rộng giống cây này trên những vùng cát khô cằn của ven biển miền Trung nhằm mục đích bảo vệ môi trường.  


Bên cạnh đó, cây rười còn là nguồn nguyên liệu làm chất đốt cho người dân vùng ven hàng đời nay. Ngoài ra, rười còn dùng để che nhà hoặc che chắn vườn tược, làm thức ăn cho trâu bò… Trước đây, do khan hiếm chất đốt, cây rười đã có thời kì bị khai thác đến cạn kiệt, thậm chí người ta còn nhổ cả thân ngầm cùng rễ đem về đun. Những năm gần đây, do có nhiều nguồn chất đốt khác nên cây rười đã phát triển trở lại.


Tuy nhiên, có một nguy cơ khác nảy sinh: vùng đất rừng phòng hộ bao gồm rừng cây phi lao trồng cùng cây rười mọc tự nhiên trước đây do lâm ngiệp cùng chính quyền địa phương sở tại quản lý; hiện nay, chủ trương của nhà nước là giao khoán đất rừng cho người dân, người được khoán đất có thể phá hại cây rười để trồng các loài cây cho thu hoạch kinh tế lớn hơn.  


Như thế, trong tương lai, những đồng rười nguyên sinh có thể bị xâm hại, làm mất đi cảnh quan đẹp của vùng đất cát. Điều quan trọng là, cây rười có thể là một nguồn gen quí, một giống cây đặc hữu mà sứ mạng của nó đã gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất cát miền Trung. Cho đến nay, nhiều loài cây từ nơi khác đã được con người đem trồng chắn cát, tuy nhiên, cây rười bản địa đã góp phần không nhỏ tạo thành rào chắn không cho cát bay.


Thiển nghĩ, chúng ta cần phải bảo vệ và tạo môi trường phát triển tự nhiên cho cây rười, đồng thời có những nghiên cứu rõ hơn về giống cây khá đặc biệt đã được tự nhiên chọn lọc phù hợp với môi trường sống trên đất cát cằn cổi và khắc nghiệt này.


 



Từ: HienVC
29/08/2011 17:30:38

Loại cỏ này thì mình đã nhìn thấy nhưng không biết gọi tên là gì.


Cảm ơn TBT.



Từ: NghiPH
28/08/2011 18:21:43

Lý TM ơi! Cây này anh chỉ thấy mọc trên vùng cát mặn Quảng Bình. Nó được gọi là cây cỏ rười. Không giống cây cói trồng ở Kim Sơn quê Ninh Bình của anh đâu. Nó cũng được dùng lợp nhà và bện chiếu. Chức năng quan trọng nhất của các vạt cỏ rười là giữ nước ngọt cho vùng cát. Có rười sẽ có hệ sinh thái vùng cát mặn. Rười sẽ gọi cua, rùa, rắn, chim muông... về với vùng biển vốn hoang lạnh. Rười chính là cuộc sống của vùng cát trắng Q B.


Còn chữ kia, người ta dùng khá nhiều. Em cứ kiểm tra lại mà xem. Nhưng để tránh hiểu lầm, anh đã chỉnh lại. Cám ơn em!



Từ: LyTM
28/08/2011 18:08:09

Anh Nghị có phải rười là cây cói không? sao chưa bao giờ em nghe thấy cái tên này nhỉ? cứ tưởng bác Tổng viết sai chính tả! hi hi, nhầm nhọt sang chuyện quý mến con ruồi! hehe,... Mà dùng từ gì không dùng, dùng từ "phân" ưu hằn lên mặt ngưòi!" nghe cứ sợ thế nào ấy!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s