KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 11 Tháng mười hai. 2013

KHI DÂN “CÃI CỌ” NGHE GIẢNG VỀ VẬT LÝ HẠT NHÂN HIỆN ĐẠI…




Tác giả: Meomun

 (Với lòng ngưỡng mộ chân thành từ một người thuộc lớp đàn em đến các anh chị khoa Lý KGU)

Tháng trước, mình có đọc trên web KGU bài thơ “Bạch Dương”, tác giả là một nhà vật lý, đồng nghiệp của giáo sư Đào Tiến Khoa. Sau khi post lên, bài thơ nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của nhiều người KGU. Mọi người bình luận rôm rả và câu chuyện đi đến nhận định những nhà vật lý là những người đa cảm và giàu tâm hồn nhất.  Nữ Đại sứ Huyền thì trích dẫn để khẳng định vật lý là môn khoa học tự nhiên lãng mạn nhất trong các môn khoa học cơ bản, cái nhìn của vật lý là cái nhìn chính xác nhưng đôi mắt của vật lý là đôi mắt thi vị và lãng mạn…

 

Suy ra từ người KGU thì cũng thấy quá đúng. Tuy các nhà vật lý lúc nào cũng luôn bận rộn, nhưng dấu ấn về trí tuệ, sự bay bổng và lãng mạn của họ trên văn đàn KGU góp phần đáng kể để trang web KGU có gì đó đặc biệt với bạn bè.  Người KGU vẫn nhớ những bài thơ tình của giáo sư Mai Xuân Lý xốn xang một thời trai trẻ với “lá Klion xanh xanh”, với biển không còn màu xanh khi vắng bóng “em”. Rồi những câu thơ như dòng phù sa lặng lẽ mà sâu nặng bồi đắp bến bờ của “Đệ Nhất Lục Bát” Đỗ Khắc Tuấn, những câu thơ rất trẻ trung, yêu đời “lao xao cuộc sống” của anh Dương Mạnh Cơ. Anh Đặng Thanh Lương bâng khuâng “thời gian” với những “cảm nhận đầu đời” về tháng ngày trong trẻo đã qua với những “Bé”, những “Mây” và cả khoảng lặng xao xuyến “Helsinki những ngày nắng ấm” và trong những ngày thảm họa hạt nhân Nhật Bản vẫn lung linh hình ảnh “một loài hoa dại” vươn lên trong nắng xuân... Những hồi ức sinh động về “cái thuở ban đầu lưu luyến”, hay là “chuyện tình Kommunalnik” của anh Trần Quý Huy, mà anh chị em vẫn quen gọi thân mật là anh Khửu, tiếc là anh dạo này núp hơi kỹ. Còn một trong hai tác giả của “những vần thơ tình ngô ngọng thời sinh viên” cũng là dân vật lý chính gốc - giáo sư Nguyễn Hoàng Lương, một người nhìn có vẻ rất khô khan và nghiêm khắc.  Xuất hiện có một chút xíu từ thuở hồng hoang mới lập web là chị Nguyễn Quê Hương, cô gái hiếm hoi trong làng toán lý, nhưng bài viết của chị về bạn bè cùng khóa, với văn phong đặc biệt mà chắc chắn chị được thừa hưởng từ người cha, nhà văn Nguyễn Thành Long làm mình nhớ mãi, rất mong được tiếp tục đọc những dòng viết của chị.  Mình rất ấn tượng với những bài viết rất giàu thông tin và đáng suy ngẫm nhưng không kém duyên dáng và cả hài hước của anh Phan Thanh Diện, chuyên gia Liên Xô học- Nga học của KGU, của một người đọc nhiều biết rộng như anh Ngô Văn Mơ (Văn)- dân Vật lý KGU duy nhất mà mình được hân hạnh "quen biết" từ thuở mình còn là sinh viên, rồi giáo sư Đào Tiến Khoa, anh Phạm Văn Hoài với bài viết về VL76 với chân dung rõ nét của từng người trong khóa, tóc dài, quần loe, chịu chơi mà học giỏi, tài hoa. Tất cả họ đều là dân vật lý KGU mình đấy thôi! Họ tài hoa quá, làm đôi khi mình cũng ước ao, giá mà mình có chút xíu tố chất của họ. Nhưng chỉ “đôi khi” thôi, vì nếu có được trí thông minh như họ thì mình cũng chẳng dám dấn thân và hy sinh cho khoa học được như họ!  Thời phổ thông, chả hiểu sao mà càng học lên thì mình lại rơi vào chuyển động "dốt dần đều" với các môn tự nhiên, nên vật lý cũng là nỗi ám ảnh của mình vào cuối cấp Ba. Vì thế, những ai giỏi  toán, giỏi Lý cũng gợi cho mình một cái gì đó bí ẩn và sự khâm phục.

 

Đêm hôm trước, chừng 2 h sáng mình lên mạng thấy email của chị Phương Thoa thông báo về seminar của giáo sư Đào Tiến Khoa,được tổ chức vào 8 h sáng hôm sau ở Đại Học Sư Phạm TP HCM, chủ đề về “Origins of elements”. Lúc đầu, mình lơ đãng vì thấy nó quá xa lạ với sở thích cá nhân, có nghe cũng chả hiểu gì mà cũng chẳng cần thiết cho cái cần câu cơm- nghề nghiệp của mình. Nhưng rồi mình chợt nghĩ hay là cứ thử nghe xem, lại có dịp được chiêm ngưỡng “nhân tài Đất Việt” tận mắt nữa!

 

Thế là sáng sớm hôm sau, mình lấy can đảm đến hội trường Đại Học Sư Phạm, nơi GS Khoa sẽ có buổi seminar. Hiểu nỗi “sượng sùng” của người ngoại đạo như mình trong một seminar chuyên ngành, GS trấn an: “Yên tâm đi, chắc em hiểu được 50%!!! Mà tới chỗ nào không hiểu hay không muốn nghe nữa thì cứ việc ra về! Đây không hẳn là một seminar, mà là một buổi gặp gỡ thân mật với các sinh viên, nghiên cứu sinh thôi!”

Mình mang theo cái e dè của người ngoại đạo bước vào hội trường. Xung quanh mình toàn là các bạn trẻ, rất trẻ, thế mà nhiều bạn đang là nghiên cứu sinh. Một tình cờ thú vị là mình gặp lại bạn cũ, PGS- TSKH Lê Văn Hoàng, là người tổ chức seminar này. Bạn Hoàng người Huế, nói năng vẫn duyên dáng, nhỏ nhẹ, rất Huế như ngày xưa, ngày mà bọn mình “lác cả mắt” khi được học cùng với một người vừa đi thi Olympic vật lý ở Bulgary về. Hơi xấu hổ là mình phải hỏi nhỏ anh Khoa là “ai thế, em nhìn thấy quen quen”, còn bạn thì đọc rõ cả họ tên mình, đúng là trí nhớ của nhà vật lý!  GS Khoa nhìn quanh và hỏi mình: “- Chị Thoa có đến không? Có khi “bà ấy” chỉ gửi mail thông báo thôi chứ chẳng tới đâu nhỉ!”  

 

Chắc tại anh Khoa nhắc quá nên bài giảng bắt đầu được một lúc thì thấy chị Thoa đi vào. Từ trên bục giảng, mình thấy anh Khoa cười rạng rỡ. Rồi trong bài giảng, thỉnh thoảng anh Khoa lại chêm vào vài câu trêu chị Thoa, kiểu như: “- Cái này chắc bà Thoa biết rõ” ,  hay là “phải thế không chị Thoa?”, làm sinh viên hết thảy quay đầu lại nhìn xuống bàn cuối, nơi chị Thoa đang ngồi nghe chăm chú như một sinh viên.

Hóa ra bài giảng của GS Khoa không chỉ về “origins of elements” như trong email thông báo, mà còn về lịch sử vật lý hạt nhân hiện đại, phần này thì mình hiểu gần hết (!!!) vì tóm tắt về tiểu sử của các nhà bác học từ thời Pitagor, Galie, Copecnic… cho đến một số nhà vật lý hạt nhân hiện đại, nhưng đến phần các học thuyết của họ thì mình mải mê xem ảnh và…thử kiểm tra lại trình độ tiếng Anh của mình, vì bản trình bày Powerpoint cũng bằng tiếng Anh. Buồn cười, mình thấy có cụm từ như “the heart of the matter”, chắc chắn dân học luật như mình chỉ biết “matter” là “vấn đề”, nhưng đến khi anh Khoa giảng (bằng tiếng Việt và nhiều khi chen lẫn tiếng Anh vì nhiều thuật ngữ khó tìm ra từ tương ứng bằng tiếng Việt) thì mình mới hiểu “matter” còn có nghĩa là “vật chất”, và “the heart” không chỉ có nghĩa là “trái tim” mà còn có nghĩa là “trung tâm”, hihi.

 

Mình cũng thích phần về lịch sử tạo thành vũ trụ và nguồn gốc các nguyên tố, vì GS Khoa giảng rất sinh động và cuốn hút.  GS sử dụng hình ảnh minh họa và tóm tắt các ý chính rất rõ ràng, nên các bạn trẻ rất chăm chú lắng nghe và có vẻ hiểu bài, mình đoán thế. Thỉnh thoảng GS ngừng lời, hỏi xem có ai biết khái niệm này chưa, nghe đến cái tên này chưa! Đến “Hubble” thì mình cũng hòa theo tiếng “có ạ” của vài bạn sinh viên, vì mình cũng biết được “Hubble telescope” là mang tên một nhà vật lý học người Mỹ, hihi! Có lúc GS cũng hơi thất vọng khi thấy các bạn trẻ lắc đầu, GS quay sang trách nhẹ TS Hoàng “Cái này phải hỏi thầy Hoàng tại sao thôi!” Còn mình, mình bị cuốn hút vào những hình ảnh minh họa thật đẹp về những red-giants, super-giant, “Supernova” và “Crap Supernova” với đủ màu sắc được ghi nhận qua những ống kính viễn vọng hiện đại nhất. Mình mơ màng nghĩ tới những ngôi sao khổng lồ khi kết thúc vòng đời của mình thì tạo ra những vụ nổ supernova mà đến khi ở trái đất nhìn thấy được qua những ống kính viễn vọng thì quá trình đó đã xảy ra trước đó cả ngàn năm.

(ảnh trên slide về "Crab Supernova", có hình con cua thật!)

Cả khi “chết” đi rồi, sau tiếng nổ “bùng” kéo dài hàng bao nhiêu năm thì những siêu sao mới đó lại bắt đầu một quá trình mới, một quá trình tái tạo năng lượng, bởi vật chất không ngừng chuyển động, như lời GS Khoa nói. Đang nghe GS Khoa giảng, mình lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “trong tiếng thở của thời gian rất khẽ” và tự hỏi không biết nhà thơ có được nghe giảng về khái niệm tương đối và tuyệt đối của không gian-thời gian trong vật lý hiện đại không!!! Mình ấn tượng đoạn GS Khoa kể về cô thực tập sinh Jocelyn Bell và phát hiện của cô về “pulsar” (mà mình hiểu một cách văn vẻ là “mạch đập của ngôi sao”, chả biết đúng không), nhưng cuối cùng người đoạt giải thưởng Nobel năm 1974 không phải là cô ấy, mà là người thầy của cô. Sự kiện đó cũng đã làm dấy lên những ý kiến phản đối trong giới chuyên môn lúc bấy giờ về sự bất công và phân biệt đối xử. Còn GS Khoa cũng hài hước: “- Thì sinh viên mới là người ngồi gặm bánh mì, uống Cola-cola dài dài để theo dõi thí nghiệm chứ ông thầy thì chỉ lâu lâu đến xem qua tình hình thế nào thôi!” khiến sinh viên đang nghe đều cười rộ lên vui vẻ.

 

GS cũng chia sẻ về những đam mê, những khao khát của người làm công tác khoa học trong chặng đường gian khổ kiếm tìm lời giải liên quan đến bản chất của những hiện tượng, những hy sinh và niềm hạnh phúc khi thành công, dù chỉ là ban đầu và trước mắt chúng ta, điều chưa biết thì mênh mông còn điều đã biết luôn hữu hạn. Qua trao đổi của GS với TS Hoàng lúc chưa bắt đầu hội thảo, mình biết là GS đã có được 1 học trò “ruột” rất có năng lực là em Lộc, người được xem như sẽ tiếp bước con đường của GS. Hàng năm, ngoài công việc chính ở Viện Năng Lượng Nguyên Tử, GS còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Mình cũng hiểu sơ qua về những khó khăn, những ưu tư của các thầy trong việc đào tạo thế hệ kế thừa ở môi trường Việt Nam, nhất là ở những môn khoa học cơ bản.

Mình dự kiến chỉ ngồi nghe bài giảng của GS Khoa đến chừng 9.30 thì quay về công ty để làm việc, nhưng mình cũng như các sinh viên, cũng quên luôn khái niệm thời gian (mà vừa được nghe thầy giảng qua) để ngồi nghe đến gần hết buổi sáng một cách hào hứng. Qua bài giảng, mình cũng cảm thấy là các nhà vật lý từ ngàn xưa quả thật đã rất lãng mạn với những giấc mơ chinh phục các vì sao, chinh phục vũ trụ. Là một người KGU, mình rất tự hào khi nghe TS Hoàng giới thiệu về KGU-Moldova là nơi đã đào tạo GS Đào Tiến Khoa, một chuyên gia về vật lý hạt nhân hàng đầu và nhiều nhà vật lý có tên tuổi như GS Mai Xuân Lý, PGS Hoàng Dũng, Nguyễn Mạnh Đức…

 

Kết thúc seminar, mình “báo cáo” với GS Khoa là mình hiểu được 50%, nhưng là 50% của phần giới thiệu tóm tắt về các nhà bác học từ cổ chí kim thôi! Cám ơn GS Khoa!

 

(Chị Thoa:- Cho mình xin soft copy bài trình bày của Khoa nhé!)


Người post: VanNH

Ngày đăng: 11-12-2013 13:01






Xem 11 - 20 của tổng số 85 Comments



Từ: Meomun
22/12/2013 21:03:24

@Anh Hiền, thế thì chẳng những các nhà VL KGU mà tất cả các "nhà" khác đều phải thán phục các bà bán hàng ngoài chợ, họ không cần calculator, tính nhẩm rất nhanh, chẳng mấy khi nhầm, chỉ lâu lâu có nhầm cố ý để thiệt cho người mua, hihi.


@Anh Cơ: Em trích lại câu trong bài sưu tầm của anh, kèm theo hình ảnh, vì... thấy hay quá, hihi:


"Nếu thi ca đi tìm cái đẹp, triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì khoa học đi tìm sự thông thái. Vật lý trên con đường đi tìm sự thấu hiểu đã ấp iu một ước vọng khôn cùng là Lý thuyết cuối cùng (The Final Theory) như một biểu hiện tột cùng của sự lãng mạn.






image003a






Lý thuyết cuối cùng - The Final Theory







Từ: HienVC
21/12/2013 10:08:40

@ ThoaNP : Khi nhận được bài test như vậy nhà VL KGU rút mục kỉnh và iPhone, bấm vào ô Calculator sau đó reo to lên một tiếng "Eureka" như bậc tiền nhân của mình hơn hai chục thế kỷ trước và đưa cho người ra bài test ( hải quan, biên phòng v.v ) iPhone của mình !



21/12/2013 07:53:37

 


@:Meomun và các Ace ơi, tham khảo "Sự lãng mạn của Vật Lý" tại trang WEB này nha:


http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/khoahoc-vanminh/2006/5/50953.cand?Page=1


 



 


 



Từ: ThoaNP
21/12/2013 01:31:27

Anh Hiền ơi, VL của KGU mình tuy giỏi thật nhưng đã ai được giải Nobel đâu. Chắc khi quyết định cho hay không vào Mỹ, để kiểm tra xem có đúng là VL của KGU không, Hải quan chỉ cho bài cỡ 5 + 7 = ? thôi.



Từ: HienVC
20/12/2013 23:03:54

 


 


Tấm gương của nhà VL nổi tiếng


Chắc nhiều ACE KGU cũng cùng chia sẻ nỗi bực mình với mình khi đi qua biên giới do phải trả lời những câu  hỏi khùng khùng của các nhà chức trách ( biên phòng, hải quan v.v ) mà người Nga hay nói trong những trường hợp như vậy là  “Нормалn 0;ные люди таких вопросов не задают”. Nhưng sau khi đọc xong đoạn sau về trường hợp xảy ra với Enrico Fermi ( 1901-1954), một trong những nhà VL lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, người Italia, giải thưởng Nobel năm 1938 thì tôi thấy mình hãy còn quá may mắn !
“Можно дискутировk 2;ть о том, в каком объеме человеку необходимо знать математику. Но действителn 0;ность всегда забавнее любого анекдота...
При въезде в США при проверке уровня образованиn 3; известного физика, нобелевскоk 5;о лауреата Эн ;рико Ферми попро ;сили найти сумму: 15 + 27 = ?”


Không biết trong các nhà VL KGU có ai được yêu cầu giải bài tập như vậy không ?


 


 


 


 



Từ: Meomun
20/12/2013 21:44:25

@Chị Nga: Hihi em thì nhớ những gì mình thích hoặc tự nhiên nó đập vào mắt mình, còn cái gì phải cố mà nhớ (ví dụ học bài) thì không nhớ, khổ thế. Em có nhiều bạn ở Đà Nẵng nên em hy vọng sẽ được gặp chị và chị Ba ngoài ấy. Chúc bà nội kiêm bà ngoại  Giáng Sinh thanh bình nhé, Đà nẵng dịp này chắc đẹp lắm chị nhỉ!


@Anh Cơ: Cám ơn đồng hương quê ngoại đã động viên em MM, bài sưu tầm anh post hay quá, anh có biết tác giả là ai không ạ? Bài viết có nhắc tới bức tượng "Người suy tư" (The Thinker) của Rodin chắc ai cũng biết và thích bức tượng này. Nhưng em thấy họ tả bức tượng  có " cánh tay trần đặt lên vầng trán cao" thì không đúng lắm, phải là mu bàn tay chống cằm chứ nhỉ? 


 


 


 


 


 



Từ: NgaHT
20/12/2013 20:51:21

@MM ơi. em có trí nhớ tốt thật. Nhũng điều đọc qua trong web em cũng nhớ. Chị đã yêu thích các hạt cơ bản từ khi còn học phổ thông. Hồi ấy còn mua quyển sách dày cộp viết về các hạt cơ bản để đọc. Tuy không hiểu hết cả nhưng cũng rất thích. Ngày về viện hạt nhân, chị cũng hy vọng được nghiên cứu tiếp. Nhưng chờ mãi, viện hạt nhân không phát triển. Vậy là chị chạy biến khỏi viện hạt nhân. Đến bây giờ, khi hạt nhân phát triển thì mình đã về vườn lo chăm hạt giống của dòng họ rồi. Chị đã có cả cháu nội và cháu ngoại rồi. Cảm ơn MM nhé.



20/12/2013 20:41:38





Sự xuất hiện trở lại của Meomun đã làm náo động WEB đàn Kgu. Bài viết của Meomun-một món quà độc đáo đã thu hút sự chú ý của cả chợ KGU. Luôn với cách viết sắc sảo xen lẫn hài hước, năng lượng của Meo mun đã lan tỏa sang mọi người; cứ như hiệu ứng Dômino, các Ace sôi nổi háo hức vào ra comment. Thật là hiếm có dịp đông đúc náo nhiệt như thế này.



Cũng như KhoaDT và nhiều người mong đợi, Meo mun ơi, em hãy viết về các lĩnh vực khác nữa đi, có lẽ còn hay hơn lĩnh vực Vật lý của dân “Vờ lờ” các anh nhiều để mọi người lại được thưởng thức những bữa đại tiệc nhé.



Nhân chủ đề của Meomun mình cũng sưu tầm được đôi điều về sự lãng mạn của Vật lý xin post lên phụ họa, chia sẻ cùng cả nhà:         








Vật lý có là môn khoa học tự nhiên lãng mạn. Sự lãng mạn của vật lý là ánh lấp lánh của những tinh cầu, là sự lung linh của những hành tinh trên dải Ngân Hà, là sự long lanh của những hạt cơ bản cấu thành nên vũ trụ, là sự tương đối và tuyệt đối của thời gian - không gian, và cả sự im lặng thách thức của siêu nhiên...



Như cái vòng xoáy âm dương trong Thái cực đồ phương Đông, vật lý nghiên cứu từ những vấn đề vi mô nhất đến những vấn đề vĩ mô nhất của tự nhiên mà cuộc sống nhân loại không ngừng đi tìm lời giải đáp. Cuộc sống vốn chứa đầy những huyền ẩn, thậm chí những điều tưởng như giản đơn nhất cũng chứa đựng muôn vàn bí ẩn mà ta chưa khám phá hết. Thế nên trong hành trình đầy gian khó, với thiên chức nặng nề của mình, vật lý học đã hóa giải những bí huyền của tự nhiên và xã hội. Và nó còn tiếp tục giải mã những huyền bí ấy...



Cái nhìn của vật lý là cái nhìn chính xác, thậm chí là chính xác đến từng micromet, nanômet và hơn thế nữa, nhưng đôi mắt của vật lý là đôi mắt thi vị và lãng mạn khi nó hướng cái nhìn ấy lên bầu trời đầy sao, vào khoảng không bao la và thăm thẳm Thái dương hệ, vào tận thấu bản chất và những vận động bất tận của sinh thể, vật thể... Và đôi mắt lãng mạn đó thấu thị quá vãng, tiên lượng tương lai để rồi trở về với ánh mắt hồn nhiên mà thấu cảm, uyên thâm mà trong sáng ngây thơ thuở ấu thơ nhân loại.



Đôi mắt vật lý có phải là đôi mắt luôn suy tư, ưu trầm? Dường như là cái đăm chiêu trầm tư trong bức tượng Người suy tư thế kỷ của một nhà điêu khắc thời kỳ Phục Hưng.



Bức tượng đá tạc hình người đàn ông trong tư thế ngồi, cánh tay trần đặt lên vầng trán cao, ánh mắt miên man suy nghĩ. Người đàn ông vẫn ngồi đó từ thế kỉ ánh sáng, vẫn trăn trở những dòng ý nghĩ. Xung quanh pho tượng trắng, hàng bạch dương vẫn xào xạc lá và làn tuyết trắng vẫn rơi ngọt xuống bàn chân chàng. Và quanh đầu chàng là những dấu hỏi tại sao, những nguyên tử electron chuyển động theo quỹ đạo của vòng nguyệt quế khi chàng thốt lên “Oreka”... Hay dường như là ánh mắt ưu tư khi ngàn lần nhìn trái táo rơi của Isaac Newton, ánh mắt tinh anh trên Gương mặt thế kỷ XX A. Einstein pha chút mộng mị trong giấc chiêm bao với khát vọng ánh sáng về bản giao hưởng dở dang của Lý thuyết trường thống nhất. Hay ánh mắt cười vô ngần nhẹ mà thiên cao của Copernic, ánh mắt kiên nghị của Bruno trước khi bước lên giàn hỏa thiêu...



Niềm đam mê khoa học và cả lòng dũng cảm nữa đã chắp cánh cho sự lãng mạn của vật lý bay lên tới đỉnh Olympia của mình. Ở nơi đó sẽ không phải là nơi trú ngụ của các vị thần linh như trong thần thoại Hy Lạp, La Mã mà là nơi ngự trị của trí tuệ loài người, của niềm tin và những thành quả nghiên cứu khoa học của loài người. Ở nơi đó sẽ tràn ngập ánh sáng, đẹp đẽ và thiên lương. Vật lý lãng mạn bội phần có lẽ bởi nó nghiên cứu quang học và tương tác ánh sáng (dù là ánh sáng chói chang của vầng thái dương, ánh sáng lạnh cung Quảng Hà hay ánh le lói hắt ra từ phía cuối đường hầm) để thấy được ánh sáng khi là hạt khi là sóng và sự chuyển hóa thần kỳ giữa hai trạng thái đó...



Đức hạnh của nghệ thuật là niềm rung cảm hướng tới chân - thiện - mỹ và những giá trị nhân văn. Phẩm hạnh của triết học là hoài nghi. Và tôn giáo nặng trĩu đức tin. Còn phẩm chất của khoa học là ngạc nhiên trước những điều tưởng như hiển nhiên nhất. Ngạc nhiên ngước nhìn trái táo rụng xuống đất mà vật lý có được định luật vạn vật hấp dẫn, ngạc nhiên khi ngâm mình trong bồn tắm mà vật lý có được định luật Achimet. Ngạc nhiên, ngạc nhiên và ngạc nhiên... Những cái ngạc nhiên vĩ đại và lãng mạn.



Nếu thi ca đi tìm cái đẹp, triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì khoa học đi tìm sự thông thái. Vật lý trên con đường đi tìm sự thấu hiểu đã ấp iu một ước vọng khôn cùng là Lý thuyết cuối cùng (The Final Theory) như một biểu hiện tột cùng của sự lãng mạn.



Liệu chúng ta có thể nhận thức được bí mật cuối cùng của vũ trụ không? Thế giới hiện thực, vừa cụ thể vừa hết sức trừu tượng, vừa hỗn mang vừa trật tự, vừa mâu thuẫn lại vừa thống nhất. Vật chất và trường, năng lượng và khối lượng, không gian và thời gian, sóng và hạt, hạt và phản hạt... Những đặc tính đó lại chuyển hóa nhau bằng chữ Dịch.



Liệu chúng ta có thể biết cái không thể biết được hay không? Vật lý, cũng như thế giới khách quan mang trong mình những tính chất trái ngược nhau, mô tả khái quát hiện thực bằng những định lý, định luật, lý thuyết vừa hết sức chính xác, rõ ràng song cũng chính vì thế mà nó có một vẻ lãng mạn riêng.













Giấc mơ chú Cuội cung trăng bây giờ không phải là điều quá vời xa với loài người nữa, motip du hành xuyên không - thời gian trong chuyện Từ Thức gặp tiên về mặt lý thuyết cũng không phải là hoang đường nữa. Vật lý lãng mạn nhất trong các khoa học tự nhiên không phải vì nó gần gụi với thi ca bởi việc giải thích những bí ẩn mã hóa trong những huyền thoại ngàn xưa hay những chuyện viễn tưởng, giả tưởng mà vì nó triết thuyết. Như một vị thiền sư già ngồi công án bên gốc cây cổ thụ để chứng ngộ bản thân và cộng đồng trong tổng hòa các mối quan hệ tương hỗ trên hết thảy các lĩnh vực: tự nhiên, xã hội và tư duy.





Vật lý học không chỉ song hành cùng những bước tiến thăng trầm của văn minh loài người, nó cũng chính là lịch sử sự sống. Khoa học không biên giới, nghệ thuật có cội nguồn như ai đó đã từng nói thì vật lý học trên hành trình phát triển của mình đã bắt gặp nguồn cội sự sống. Là một khoa học chuyên ngành nhưng ở một góc độ, vật lý chạm đến những vấn đề cốt lõi của triết học là bản thể luận, nhận thức luận.





Không phải ngẫu nhiên mà Fritjof Capra thấy cái đạo của vật lý và viết thành sách nếu vật lý chỉ là một cái gì đó khô khan mà thiếu đi vẻ lãng mạn của mình. Chính sự lãng mạn sâu xa của vật lý đã cho ông cái nhìn uyên nguyên về thế giới và xã hội, về cội nguyên sự sống và ý nghĩa thâm nguyên của cuộc sống. Cuốn sách Đạo của vật lý (Nguyễn Tường Bách biên dịch, NXB Trẻ, 1999) của ông là một tiếng nói về sự gặp gỡ giữa vật lý học hiện đại và triết học phương Đông ngàn xưa.





"Vật lý học hiện đại xác nhận một cách kỳ lạ một trong những ý tưởng cơ bản của đạo giáo Đông phương: tất cả mọi khái niệm mà ta dùng để mô tả thiên nhiên đều bị giới hạn; đó không phải là những đặc tính của thực tại như ta đã từng có khuynh hướng tin tưởng, mà chỉ là những sáng tạo của trí óc, chỉ là cái bản đồ chứ không phải sông núi, đất đai. Cứ mỗi lần ta nới rộng lĩnh vực của kinh nghiệm, những giới hạn của tư tưởng thuần lý trở thành hiển nhiên và ta phải thay đổi, có khi phải từ bỏ, một vài khái niệm mà ta có".





Tự bản thân vật lý từ sâu xa đã mang trong mình tính lãng mạn, và điều lãng mạn nhất và cũng là huyền nhiệm nhất chính là nơi khởi thủy vạn vật mà vật lý học và tất thảy mọi khoa học cổ xưa và hiện đại đã, đang và sẽ mãi còn kiến giải. Cuộc thảo luận giữa các thuyết trình viên là các nhà khoa học GS.TS thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, GS.TS vật lý Phạm Xuân Yêm, TS vật lý kiêm nhà Phật học Nguyễn Tường Bách tại Phật đường Khuông Việt (Paris, Pháp) ngày 29/5/2005 nói về sự tương đồng giữa thế giới quan vật lý học hiện đại và triết lý Phật giáo cũng minh chứng điều đó.





Bohm du nhập thuyết âm dương, Erwin Shrodinger viết Vệ Đà của một nhà vật lý, Nguyễn Tường Bách trình bày trong cuốn Lưới trời ai dệt? (NXB Trẻ, 2004) từng bước đi lần mò của khoa học từ Aristote để giải thích vũ trụ và những lý thuyết của Phật giáo xưa 25 thế kỉ rồi mà nay hầu như mới là một tổng hợp so sánh lý thú giữa sự phát triển của nhận thức về vũ trụ trong khoa học vật lý và vũ trụ quan Phật giáo để thấy các nhà vật lý thiên văn đã gõ cửa tìm vào tòa nhà minh triết phương Đông, thắp thêm ánh sáng cho những câu hỏi mới mà họ đặt ra trong đầu.





Có nhà vật lý trứ danh nào không mang một câu hỏi triết lý ở trong đầu về vật chất, về vũ trụ và có bao nhiêu những người khai phá ra Cơ học lượng tử cũng đồng thời là triết gia?





Max Planck có bao giờ giấu giếm mình có một tâm hồn tôn giáo sâu sắc, Einstein có ngại ngần gì thốt ra những câu thán phục Phật giáo? Tách ra khỏi tôn giáo và thần quyền để trưởng thành, khoa học vật lý dường như bao giờ cũng trường tương tư với triết lý và tính thiêng liêng. Khoa học cứ là khoa học và tôn giáo cứ là tôn giáo, nhưng hai dòng chảy thiên thu đó có chung một nhánh là vẻ đẹp tiềm ẩn của đời sống, sự lãng mạn của tâm hồn. Thế thì, sự lãng mạn của vật lý hay là sự lãng mạn của con người?



 



 



Từ: Meomun
19/12/2013 13:26:49

@Anh Hiền: Sếp:- "Tự kiểm điểm mình, tôi thấy mình còn có khuyết điểm nhỏ là thù dai, nhớ lâu. Đề nghị các đồng chí cứ thẳng thắn, mạnh dạn góp ý kiến cho tôi".


(Hổng biết có ai thù đàn em cái chuyện chính tả không đây, lo quá, hihi!!!)


 

 



Từ: HienVC
19/12/2013 11:22:46

@ MM : Sai thì nhận, nhận thì sửa là chuyện bình thường.
Chuyện không bình thường là : " Tôi xin thành thật nhận các khuyết điểm mà các đ/c đã nêu, xin hứa với các đ/c khi nào có đ/k tôi sẽ sửa chữa ". Và chờ đợi đến " mùa quýt sang năm " ! 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s