KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 22 Tháng một. 2016

LỊCH SỬ: SỨ QUÂN ĐỖ CẢNH THẠC




Tác giả: TungDX

Mời ACE thưởng thức tiếp món lịch sử về vương triều Ngô Quyền - đầu tiên sau ngàn năm bắc thuộc

PHÁT BIỂU TỔNG KẾT HỘI THẢO

Về ĐỖ CẢNH THẠC

Dương Trung Quốc

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

        Hôm nay, ngày đầu Xuân năm Nhâm Thìn (9-2-2012), tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, chúng ta tụ hội về đây để tổ chức Hội thảo khoa học Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc – Danh nhân Lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Điều đầu tiên thay mặt Ban Tổ chức cuộc Hội thảo, chúng tôi xin lỗi là trong số gần 20 bản báo cáo đầy tâm huyết, công phu và khoa học, thì tại Hội nghị này, chúng ta chỉ có thời gian trình bày được 8 bản, nhưng tất cả các báo cáo đều được in vào Kỷ yếu gửi tới các vị tham dự Hội thảo. Ngay sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ biên tập lại, bổ sung thêm tư liệu, phiên dịch phần chữ Hán cần thiết và xuất bản thành sách. Bây giờ, cho phép tôi phát biểu một số ý kiến ngắn gọn, để kết thúc Hội thảo.

          Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là một trong 12 vị sứ quân sống và hoạt động vào thế kỷ X. Trước đây dưới thời quân chủ, các nhà sử học vì đứng trên lập trường chính thống của Nho giáo, khi bàn về vị trí, vai trò lịch sử của 12 sứ quân thường phê phán khá nặng lời. Nhưng vài chục năm gần đây, dưới cái nhìn của phương pháp luận sử học mới, cùng với những phát hiện mới về sử liệu, các nhà sử học của chúng ta đã có những kiến giải khác tích cực hơn đối với 12 sứ quân nói chung và sứ quân, tướng quân Đỗ Cảnh Thạc nói riêng. Chính vì lẽ đó, chúng ta có mặt tại đây để tưởng nhớ Một vị Tướng quân – Một Danh nhân của Kinh đô Thăng Long – Hà Nội và của Đất nước.

Một điều rất đáng ghi nhận là tất cả các báo cáo dưới nhiều góc độ khác nhau, dưới nhiều khía cạnh khác nhau đều nhất trí đánh giá cao thân thế, sự nghiệp và cống hiến của Đỗ Cảnh Thạc. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo đức, nhân ái và văn hóa. Tài năng của Đỗ Cảnh Thạc không phải chỉ được thể hiện trên lĩnh vực chính trị, “trị quốc an dân”, mà cả trong lĩnh vực quân sự. Khi còn là một vị tướng trẻ, tài năng xuất sắc của Vương triều Ngô (938-967), Đỗ Cảnh Thạc đã sát cánh bên cạnh chủ tướng Ngô Quyền làm nên Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào cuối năm 938, đánh bại đội quân Nam Hán xâm lược, chấm dứt thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc. Có thể nói Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc đã bằng tài năng, trí tuệ của mình cùng với Ngô Quyền và nhiều tướng lĩnh nhà Ngô khác đã góp phần lớn lao đưa lịch sử nước ta bước sang một thời đại mới: Thời đại quân chủ Việt Nam độc lập và tự chủ kéo dài gần 10 thế kỷ.

          Một điều được nhiều nhà khoa học đặt ra là: Vào khoảng giữa thế kỷ X, có phải 12 sứ quân, trong đó có Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tụ tập quân đội rồi đánh lẫn nhau không? Và vì thế, phải chăng trong đất nước ta ngày ấy đã xẩy ra hiện tượng “loạn 12 sứ quân”? Nhiều bản báo cáo đã đề cập tới vấn đề này, trong đó luận văn “Loạn 12 sứ quân” của PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt đã bàn một cách thấu đáo hơn cả để rút ra kết luận: “Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, truyện kể, tuyệt nhiên chưa hề nói đến các sứ quân thôn tính lẫn nhau…”. Nhìn chung, các nhà khoa học đều thống nhất nhận định: Trong tình trạng đất nước vô chủ vào cuối triều đại nhà Ngô, để duy trì trật tự, kỷ cương, các hào trưởng địa phương buộc phải thiết lập chính quyền tại vùng đất của mình là hợp quy luật. Bấy giờ Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, vốn là một vị quan của triều đình nhà Ngô chiếm cứ Bảo Đà, rồi Thành Quèn để duy trì sự ổn định, tạo điều kiện cho người dân vùng đất Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) có thể sống yên bình là điều cần thiết và thuận lòng dân.

          Hội thảo của chúng ta cũng đưa ra một vấn đề nữa cần được lý giải là sẽ nhìn nhận thế nào khi Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là vị sứ quân giữ thái độ chống lại Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh kiên quyết nhất. Bản Thần tích Độc Nhĩ Đại vương cho biết: Đinh Bộ Lĩnh được Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn, Phạm Trù phò giúp đã dẹp được 11 sứ quân, vì “trăm trận trăm thắng”, nên có danh hiệu là “Vạn Thắng vương”, chỉ còn lại Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc mà thôi. Chúng tôi thiết nghĩ để hiểu rõ hành động nói trên của Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, chúng ta cần vận dụng sự phân tích về Thời và Thế của người xưa. Nếu nói về “Thời”, thì lúc bấy giờ về mặt chính danh vẫn ở vào cuối triều đại nhà Ngô, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh chưa lên ngôi Hoàng đế, vương triều Đinh chưa được thành lập. Nói về “Thế”, thì việc kiên quyết chống lại Đinh Bộ Lĩnh của Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là việc làm của bậc trung thần, nghĩa sĩ của triều Ngô, với mong muốn “hưng diệt, kế tuyệt”, phục hưng lại cái vương triều mà họ Đỗ từng tận tụy phục vụ. Chúng tôi cho rằng để đánh giá một sự kiện, một nhân vật trong tiến trình lịch sử, cần phải có cái nhìn biện chứng như trên, thì mới có thể giúp chúng ta rút ra những kết luận khách quan và công bằng được. Hành động chống đối của Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đối với Đinh Bộ Lĩnh có thể so sánh với hành động của Nguyễn Bặc vào cuối triều Đinh, khi kiên quyết chống lại Phó vương Lê Hoàn vào cuối năm 979. Bấy giờ Lê Hoàn chưa lên ngôi Hoàng đế. Cách đây khoảng 15 năm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học đã tổ chức Hội thảo về Định Quốc công Nguyễn Bặc tại Cố đô Hoa Lư. Giới sử học đã làm rõ công lao, sự nghiệp của Nguyễn Bặc, và coi ông là bậc trung thần, nghĩa sĩ của vương triều Đinh, theo chúng tôi, chúng ta cũng có thể nhận định về Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc như vậy. Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng trung nghĩa của vương triều Ngô, do vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền sáng lập.

Qua cuộc Hội thảo này, các nhà khoa học về cơ bản đều thống nhất ý kiến cho rằng: Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng tài ba, một danh nhân lịch sử Việt Nam ở thế kỷ X. Sự nghiệp của Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc được ghi dấu ở ba lĩnh vực: 1. Cùng với Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy trên sông Bạch Đằng cuối năm 938; 2. Làm quan dưới thời nhà Ngô, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền quân chủ độc lập, tự chủ vừa bước ra khỏi đêm trường 1000 năm Bắc thuộc; 3.Duy trì trật tự kỷ cương xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vùng Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) sống tương đối yên bình trong khi chính quyền trung ương của nhà Ngô đã sụp đổ.

Dĩ nhiên trong cuộc Hội thảo này, bên cạnh những vấn đề đã nhất trí và đã được làm sáng tỏ, thì vẫn còn một vài vấn đề, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu như: Thần tích Độc Nhĩ Đại vương cho biết Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Bính Tý (916), nhưng nhiều nguồn tư liệu khác lại ghi ông sinh năm Nhâm Thân (912), vậy thì Sứ quân họ Đỗ thực sự sinh năm nào? Ngay tên của thân phụ và thân mẫu Đỗ Cảnh Thạc, mỗi tài liệu chép một khác. Có tài liệu nói: Cha ông là Đỗ Thạc, mẹ là Trần Thị Thọ, nhưng có tài liệu lại chép: Cha ông là Đỗ Quảng Lăng, v.v… Ngoài ra, còn vấn đề nữa là nơi mà Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc trút hơi thở cuối cùng cũng không được ghi chép thống nhất. Có tài liệu ghi: Đỗ Cảnh Thạc bị trúng 1 mũi tên tẩm thuốc độc, chạy đến chân núi Sài Sơn thì mất. Lại có tài liệu nói: Đỗ Cảnh Thạc trên đường chạy về phía Bắc, nhưng đến dưới núi Đồng Lĩnh, phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc, thì bị chết, v.v… Những điều còn mâu thuẫn trên đây, sau này chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tại Bái đường Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thành phố Hà Nội, thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các vị có mặt ở đây, chúng tôi xin trân trọng kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai, UBND thị trấn Quốc Oai mấy việc sau:

Thứ nhất: Do sự cống hiến cũng như đạo đức của Đỗ Cảnh Thạc, nên Nhà nước quân chủ Việt Nam từng có sắc phong cho ông làm Thần thành hoàng với các mỹ hiệu là: Đỗ Lang Đại Thần hoặc Đỗ Lang Đại Thần Quân và cuối cùng là: Độc Nhĩ Đại vương Thượng đẳng thần, và cho phép nhân dân nhiều nơi phụng thờ. Chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cùng với chính quyền địa phương cần có kế hoạch bảo quản, tu bổ nâng cấp những ngôi đền thờ Đỗ Cảnh Thạc để tương xứng với công lao của ông đối với nhân dân trong vùng.

Thứ hai: Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc không chỉ có công với vương triều Ngô, mà ông còn có công với nhân dân Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội), vì thế, chúng ta nên chọn một con đường ở thị trấn Quốc Oai chẳng hạn, để đặt tên là “Đường Đỗ Cảnh Thạc”.

Đề nghị Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Huyện Thanh Oai, Lãnh đạo thị trấn Quốc Oai – nơi có nhiều di tích lịch sử liên quan tới Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, cần quan tâm tôn tạo nơi thờ tự và phần mộ Đỗ Cảnh Thạc cho xứng đáng với sự nghiệp của một Danh nhân lịch sử và tương xứng với lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với ông.

Xin trân trọng cảm ơn


Người post: TungDX

Ngày đăng: 22-01-2016 13:01






Xem 11 - 11 của tổng số 11 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: CuongLV
23/01/2016 04:45:57

  Có phải Tung ĐX là hậu duệ của Cụ Đỗ Cảnh Thạc (theo gia phả họ Đỗ Canh Họach ) chăng ???




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s