KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 03 Tháng tám. 2016

Nhìn lại 39 năm




Tác giả: HoaNT

                        Nhìn lại 39 năm

   Tháng 7/2016 đối với tôi quả thật là quá nhiều sự kiện, tôi bước vào tuổi 62 tuổi, vê hưu, con trai thứ 2  bước sang tuổi 18 và kết thúc THPT, thi đại học.

    Nhở ngày nào khi tôi đang học năm thứ 2 đại học Kisinhop thì nhận được thư của bố tôi viết 8/7/1973. Thư có đoạn viết

Thúy Hoa Yêu quý

          Bao giờ bức thư viết cho con vào dịp tháng 7 cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Đối với con đó là tháng kỷ niệm con cất tiếng khóc chào đời, con lọt lòng giữa niềm vui mừng của toàn quân dân sau chiến thắng Điện biên phủ lịch sử. Đối với bố mẹ đó là một niềm hạnh phúc khó lòng tả siết của 1 cặp vợ chồng lúc đó tuổi đã quá 30 đang trông chờ 1 đứa con đầu lòng mà bố mẹ đoán chắc phải là một cô “công chúa” .

Niềm hy vọng trước những ngày tháng 7 đáng ghi nhớ đó đã kèm theo một mối lo, con có biết tại sao không? Ai lại gần đến tháng đẻ rồi mà nghe tim thai đập yếu quá, có khi lại không nghe thấy mới sợ chứ. Bố mời 1 số bác sỹ có kinh nghiệm đến “ hội chân” tức là cùng khám để kết luận. Cũng có ông nói thế nọ, ông nói thế kia nhưng bố vẫn phải động viên mẹ là yên trí . Nhưng yên trí sao được khi bản thân mẹ con cũng thấy thai ít cựa quậy quá. Bố thì quả quyết là mẹ sẽ cho ra đời một cô con gái chỉ phải cái là sẽ ẻo lả, yếu đuối, và chắc là lành lắm. Điều đó đúng như dự đoán cách đây 19 năm nhưng tới nay thì không đúng nữa phải không con?

Vì ít nhất bây giờ con cũng ngót ngét 50kg tán róc hơn khiếu và ăn như tằm ăn rỗi, chứ có kém ai. Nhưng cứ nghĩ lại lúc ấy thì đúng là con bị đe dọa ghê quá. Trung bình 1 hài nhi khi lọt lòng phải từ 2,5kg trở lên thì con chỉ được 1,7kg. Mà lại nuôi dưỡng trong hoàn cảnh khangs chiến ở vùng rừng núi . Cứ cái việc kiếm đủ sữa hộp cũng đã vất vả rồi. Bố mẹ chắc cũng nhiều lần kể cho con nghe hồi con được 2 tháng, bố mẹ đi họp đêm, để con ở nhà cạnh buồng họp thôi, úp cho con một cái màn như lồng bàn, lúc khuya về đã hoảng hồn vì có 1 con rắn độc nằm cuộn khúc ngoài rìa màn. May nó lại ngoan ngoãn tuồn đi chứ nếu nó lách được vào màn đớp cho con một cái thì…! Và trong quá trình con lớn lên cho tới khi 9,10 tuổi thì nhiều bệnh tật quá, cứ có bệnh dịch gì là con cũng mắc làm mẹ con hết sức vất vả đấy, tất nhiên là bố cũng vất vả nhưng kém mẹ vì bố phải đi công tác luôn. Bố rất thương mẹ con, trong kháng chiến chống Pháp mặc dù gầy yếu ( có 37 ki lô thôi) nhưng đã chịu đựng gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhưng từ khi có các con thì rất vất vả, ốm yếu nhiều và đã phải thiệt thòi. Là một người chồng bố biết lắm chứ, mẹ con nghỉ ở nhà bây giờ cũng vẫn còn vất vả, buồn lắm đấy mặc dầu sức khỏe, đời sống bây giờ ngày càng cải thiện hơn.

Hôm nay ngồi trước ảnh cùng  bố mẹ thì tôi đã là một bà già, cân nặng hơn 60kg, to béo, với gia đình cùng chồng, 2 cậu con trai, cô con dâu và đứa cháu nội đên tháng 11 này sẽ chào đời. Tôi hồi tưởng lại những công việc gần 40 năm đi làm như một cuốn phim tái hiện trước mắt tôi.

Vâng ngày  30/5/2016 tôi nhận được thông báo của Bộ Y tế v/v về hưu vào ngày 1/8/2016. Thực ra tôi cũng rất bình tĩnh, đã đón chờ ngày này từ năm 2014 nếu như không có Nghị Định 40 của TTCP. Ai rồi cũng đến lúc về hưu nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy bâng khuâng, bồi hồi, mang mác nhớ nhung. Biết bao kỷ niệm dội về với tôi với những niềm vui, buồn với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình.

Đọc lại danh mục gần 60 bài báo đăng trong các tạp chí trong và ngoài nước, không kể các sách chuyên khảo và không biết bao nhiêu bài giảng đăng trong các lớp tập huấn chuyên ngành, trong các báo, phỏng vấn, các đề tài các cấp từ nhà nước, bộ, cơ sở … tôi thực sự tự cảm thấy tự hào với sức làm việc của bản thân. Tất nhiên so với mọi người khác may mắn hơn có điều kiện làm việc tốt hơn, có người nâng đỡ thì tôi chẳng là gì. Nhưng đối với tôi thì tôi tự hào vì đã được làm những viêc đúng bằng bàn tay, trí tuệ, đi bằng  chính đôi chân của mình. Đây là những việc mà tôi được tự tay tham gia hoàn thành các khâu từ A đến Z để tự khẳng định được mình, tự tin với bản thân.

Tôi bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm Hóa Diệt từ ngày 01/12/1977 và gắn bó với nó suốt cho tới tận khi tôi về hưu. Đây là phòng số 24 nằm trên gác 2, cạnh phòng khách của tòa nhà chính 3 tầng của Viện,là tòa nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc cách đây đã gần 100 năm, nhìn xuống là vườn hoa với cây hoa đại cổ kính lâu năm, sau này phòng thí nghiệm này chuyển tới khu mới của khoa Dịch tễ nhường chỗ cho phòng tiếp khách.

Không thể đếm được những cuộc đi công tác trong, ngoài nước bằng các phương tiện khác nhau, từ thuở ban đầu bằng tàu điện, ô tô hàng, xe buýt, tàu hỏa, xe máy, cho đến tàu thủy, máy bay. Mỗi lần đi như vậy lại gắn liền với những công trình phòng chống bệnh dịch bằng chính những sản phẩm hóa chất diệt côn trùng mà tôi cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, áp dụng thành công  mang yếu tố quyết định cho việc dập tắt một dịch bệnh do vecto truyền. Mỗi một công trình, bài báo lại là một kỷ niệm đáng nhớ, cứ đọc đến tên một bài báo nào tôi lại nhớ lại không khí làm việc cùng đồng nghiệp vất vả gian khổ như thế nào để viết được những bài báo mang tính chất khoa học, thực tế, đúc kết những kinh nghiệm cho lớp trẻ có điều kiện phát huy những ưu điểm và khắc phục rút kinh nghiệm những sai sót.

Năm 1971 tôi tốt nghiệp PTTH và được Nhà nước cử đi du học tại trường Tổng hợp Kisinhop, Liên xô cũ. Tôi là một trong rất nhiều người được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Khi đất nước có chiến tranh thì lại được học ở nước ngoài trong khi nhiều bạn cùng lứa đi bộ đội có bạn đã hy sinh anh dũng hiện đang nằm tại nghĩa trang Trường Sơn. Sau khi tốt nghiệp về nước tôi có danh sách làm việc trên thủy điện sông Đà. Hồi đó tôi nghĩ đơn giản, chờ quyết định là đi ngay nhưng bỗng nhiên cố Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là Bác sỹ Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân Y lúc đó, là bạn đồng nghiệp, thủ trưởng của bố tôi có hỏi về tình hính công việc của tôi và bác Cẩn đã nói với bố tôi là: cậu có 1 cô con gái, du học ở nước ngoài về thì nên cho nó làm việc ở Hà Nội và Bộ Y tế cũng đang cần những người như nó. Thế là sau khi bác Cẩn thảo luận với bác Nguyễn Đình Tứ tôi có quyết định của Bộ Đại học cử tôi về Bộ Y tế . Sau đó bác Cẩn viết 1 lá thư tay cho Gs. Hoàng Thủy Nguyên để tôi được làm việc tại Viện Vệ Sinh Dịch tễ học. Hồi bé nhà tôi ở 149 phố Huế nên  thường hay đi qua viện này với tên viện Vi trùng học và rất hay chơi ở vườn hoa Pasteur nhặt  các quả dừa non để ăn với các bạn. Tôi chẳng có khái niệm gì về Viện VSDT này cả chỉ thích viện có kiến trúc thời Pháp rất cổ kính, đẹp.

Nhưng khi vào làm việc tại Viện này tôi là một trong những người bị cho là trái ngành, trái nghề, bị đối xử như công dân loại 2 vì ở đây họ cho rằng chỉ có các bác sỹ mới là chủ nhân của viện này. Còn tôi lại nghĩ rằng ông Pasteur xuất  thân  là một nhà hóa học thì không có lý gì tôi là dân Hóa được đào tạo bài bản ở Liên Xô về lại không làm được gì. Chính vì cái ý nghĩ này đã giúp tôi cùng những dân tổng hợp ở Viện quyết phấn đấu, làm việc để chứng tỏ nghề của mình thật sự có ích cho viện. Chúng tôi phải làm việc gấp nhiều lần hơn, gặp nhiều khó khăn hơn, gồng mình nhiều hơn để khẳng định mình trong chuyên môn, nhất là những phụ nữ như chúng tôi thì lại càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phấn đấu. Cho đến tận bây giờ nghĩ lại tôi cũng thấy vui, thấy tự hào nhưng cũng tự khâm phục vì tại sao tôi lại có thể vùng vẫy và vươn lên trong giới khoa học bên ngoài nhìn có vẻ cao xa, tri thức, khoa học , văn minh nhưng bên trong cũng đầy rẫy những sự giả dối, nịnh bợ, đố kỵ, ganh đua…. Với phương châm bơ đời, vui vẻ hòa đồng với đồng nghiệp, chịu khó làm việc, không sợ bất cứ khó khăn gì,  tránh xa những điều đối kị, chịu thua đi một tý, chịu lép vế một chút, cố nhịn đi một chút, cố quên nhiều thứ, không biết nhiều thứ và kém hơn mọi người một chút,thiệt thòi hơn một chút nhưng chân thành, sống hết lòng với mọi người, đam mê với công việc, kiên trì, nhẫn nại, không sợ khó …  và nhiều điều nữa trong cuộc sống để làm việc, tồn tại, tự tin trong công việc gần 40 năm. 

Khi mới bước vào phòng thí nghiệm Hóa diệt  lúc đó có tên là Phòng Côn trùng thực nghiệm này tôi thấy mình may mắn vì đây là nơi duy nhất  phù hợp với khả năng ngành nghề của tôi và tôi có thể phát huy.Làm việc tại khoa Dịch tễ lại vào phòng thí nghiệm này có nghĩa là tôi phải đi công tác nhiều, tiếp xúc nhiều với bệnh dịch, hóa chất độc hại. Đầu tiên trước khi bước vào công việc tôi thường đến sớm quét dọn, lau chùi phòng thí nghiệm (đây là tác phong mà tôi đã từng làm ở Viện Hàn lâm khoa học Mondavia từ những năm thứ 2, đã từng thực tâp làm đề tài nghiên cứu khoa học), sau đó rửa ấm chén, đun pha nước cho các anh chị cùng Lab. Rồi tôi mới đọc, nghiên cứu tài liệu, làm quen với công việc mình sẽ phải gắn bó suốt cuộc đời. Ngày xưa không nhiều tài liệu như bây giờ. May là được bác sỹ Nguyễn Chác Tiến,  tổ trưởng của tôi (bây giờ anh cũng đã hơn 80 tuổi rồi và vẫn thường đến nhà tôi chơi, khi tôi không có nhà anh ngồi nói chuyện với chồng tôi hàng tiếng đồng hồ mà không chán), anh không biết tiếng Nga nên  cho tôi mượn quyển "Diệt côn trùng, diệt chuột, khử khuẩn" của Gs. Vaskov nguyên bản bằng tiếng Nga. Quyển sách này là của chính tác giả tặng cho anh Tiến từ nhưng năm chiến tranh. Là người thích đọc sách và nghiên cứu anh Tiến nhờ một người biết tiếng Nga viết thư thẳng cho tác giả xin mua lại cuốn sách này. Nhưng ông Vaskov đã viết thư cám ơn sự quan tâm của Bs. Tiến một người Việt ham hiểu biết và gửi tặng độc giả cuốn sách còn lại duy nhất của tác giả, một quyển sách quý, to dày 800 trang với các nội dung về 3 diệt.  Chính vì quyển sách này mà Bs. Tiến đã bị kỷ luật là dám liên hệ với nước ngoài để xin sách, đúng là một thời ấu trĩ. Cũng nhờ quyển sách này đã mở cho tôi một con đường đi sâu vào nghề Hóa diệt mà tôi gắn bó đến tận bây giờ. Một quyển sách quý viết về 3 diệt rất khoa học, tỷ mỉ cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy có một quyển nào bổ ích như thế này.  Quyển sách này được nộp vào thư viện của Viện sau đó chúng tôi mượn lại và  nay để trong tủ sách của phòng thí nghiệm. Hồi đó tôi say sưa đọc, dịch ra tiếng Việt cho mọi người trong phòng thí nghiệm cùng tham khảo.

    Những tấm DDVP diệt bọ chét do chính tay tôi cùng đồng nghiệp làm ra mà tôi đóng vai trò chủ yếu. Là dân loong toong mới vào làm, đúng chuyên ngành của tôi nên tôi đã phải pha chế, định lượng đã được đưa vào các nhà kho gạo, toa tàu để diệt bọ chét tự do trong vụ phòng chống dịch hạch năm 1978 có hiệu quả cao, tiện lợi. Tấm DDVP này đã được áp dụng hầu hết các tỉnh có dịch hạch lúc bấy giờ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Tp. Hồ Chí Minh…Lúc đó do điều kiện phòng ốc trong viện chật hẹp và làm việc với hóa chất Diệt côn trùng như DDVP là rất độc hại và bốc hơi ghê gớm (Những năm đó chỉ có DDVP  là nhóm lân hữu cơ đứng hàng đầu để thay thế DDT, 666 là những hóa chất nhóm clo còn độc hại hơn nhiều), chúng tôi đã phải xuống chuồng nuôi gia súc của viện để làm thí nghiêm, hút khí, phân tích, tẩm hóa chất, sản xuất các plak DDVP.  Nhớ những ngày xuống các kho gạo Lương Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định mà sợ vì bước vào là bọ chét bám đen cổ chân. Chuột nhiều vô kể, để tính nồng độ bọ chét chúng tôi phải thả chuột trắng buộc dây vào các khe của bao gạo , nếu lơ là là chuột đen trong kho  xông ra cắn ăn chuột bạch, có lúc phải giằng co kéo chuột bạch khỏi của chuột to trong kho vừa sợ, vừa thú vị. Đúng là lúc đó như kiểu điếc không sợ súng cứ liều mình như chẳng có, hết lòng cho các sản phẩm mới chống dịch, mà hồi đấy DDVP là đầu bảng chứ làm gì có loại nào hơn đâu. Sau này đọc mới biết là DDVP là chất gây ung thư, được xếp vào loại hạn chế sử dụng. Bây giờ cứ nói đến tên các chất diệt côn trùng như DDVP. DDT, 666, lanhdan. Malation là tôi có thể ngửi mùi là phát hiện chính xác.  Kết quả của công trình đầu tay tôi đã được có tên tham gia viết tổng kết tại Hội nghị khoa học của Viện, được đánh giá cao và được in thành báo đầu tay của tôi là công trình :

-Diệt bọ chét tự do trong kho lương thực bằng tấm DDVP xông hơi tiết chế

Tạp chí Y học thực hành 1982, tháng 7&8, trang 42-46

 

 


 Vào những ngày hè năm 1978 là lúc đang là cao trào của dịch hạch nhóm thí nghiệm của chúng tôi gồm các nhà y học, sinh học, hóa học được tham gia với Bộ Nông nghiệp và Giao thông vận tải nghiên cứu tấm DDVP  trên tàu hỏa. Lúc đó chúng tôi được toàn quyền ăn, ở, làm việc trên 1 toa tàu riêng từ Hà Nội- Tp. Hồ Chí Minh-Hà Nội để nghiên cứu. Cứ mỗi khi đến ga nào từ Bắc vào Nam và ngược lại, khi tàu dừng lại là tôi lại phải hút không khí, đặt và bắt bọ chét, đặt các tấm DDVP ngẩm trong bao tải có chất tiết chế sự bốc hơi  trong những toa tàu chở gạo, lương thực, thực phẩm, lấy mẫu gạo, thực phẩm, bảo quản…  để xác định nồng độ DDVP trong toa tàu, gạo, thực phẩm…. điều chỉnh nồng độ DDVP đủ diệt bọ chét truyền dịch hạch an toàn đối với người. Đề tài này được tổng kết trong bài báo:

-Nghiên cứu xử lý bọ chét trong kho và trên tàu hỏa vận chuyển lương thực bằng tấm DDVP xông hơi tiết chế chậm phòng chống bệnh dịch hạch ở Miền Bắc Việt Nam

Công trình Nghiên cứu Y dược 1989.Nhà xuất bản Y học, trang 334-338

    Nhớ lại có hôm tàu bị trệch bánh do đâm phải xe sửa chữa của công nhân để quên trên đường tàu, toa của bọn tôi bị nghiêng hẳn đi, lúc đấy phát hiện mấy quả mìn, lựu đạn gì đấy của mấy anh công an tịch thu để nhờ toa đặc biệt của chúng tôi  lăn long lóc trên sàn tàu mà sợ phát khiếp, chỉ lo nó nổ lúc nào không biết. Hồi đấy không có nhiều thứ để ăn như bây giờ, mỗi lần tàu đỗ là chúng tôi xuống ăn mỳ “không người lái”, thế mà tôi cũng chén mỗi lần 2 bát làm cho mấy anh bộ đội, công an đi cùng thán phục “Sao con gái Hà Nội trông thanh cảnh mà ăn nhiều thế nhỉ” lại còn ngủ nhiều và say như chết nữa chứ, đúng là tuổi thanh niên ăn được, ngủ được mặc cho thời tiết mùa hè nắng nóng  dễ sợ mà lúc đó trên tàu không có điều hòa như bây giờ, cũng may là chi Phạm Ngọc Diệp làm cùng phòng thường xuyên bị mất ngủ, thức trông đồ nên tôi cứ yên tâm ngủ chẳng sợ gì cả. Chị Diệp cũng là người giúp và dẫn dắt tôi rất nhiều trong công việc, quá trình phấn đấu, trong cuộc sống

Đến cuộc chiến tranh chống Tàu, tháng 3/1979 cũng như rất nhiều đoàn viên thanh niên trong viện tôi xung phong tham gia lên biên giới khắc phục hậu quả chiến tranh trên mặt trận Lào Kai. Hơn một tháng đi suốt dọc từ Yên Bái đến Lào Kai ( Hồi đó là Hoàng Liên Sơn) tôi cùng với 2 anh bạn trẻ đồng nghiệp là Bác sỹ Đinh Sỹ Hiền và cố bác sỹ Đỗ Gia Cảnh cùng với anh Lấy lái xe Toyta trắng của viện đi lên các chốt để làm công tác Tiêm chủng và tẩy uế môi trường. Lúc bấy giờ để đi được sang Thành phố Lào Kai là phải lội qua một con suối, anh Lấy lái xe bảo với chúng tôi cứ đi bộ sang còn xe anh ấy lúc nào cũng sẵn sang quay về phía Hà Nội để khi nào bên tàu pháo kích sang là sẽ chạy thẳng về Hà Nội ai về kịp thì may chứ anh ấy sẽ không chờ lâu.Thế là 3 anh em chúng tôi hàng ngày cứ  mang vắc xin tả để tiêm cho chiến sỹ trên chốt, có hôm lên đến nơi có chiến sỹ chạy ra đón và nói rằng: may mà đã hỏi chỉ huy quân sự tỉnh nên biết chúng tôi là đoàn của y tế chứ không họ sẽ bắn vào nữ trẻ trong đoàn vì lúc đó rất nhiều nữ gián điệp là người Tàu sang Tp. Lào Kai mà trông tôi lại rất giống tàu. Đi ròng rã 1 tháng trời, đến lúc chúng tôi chẳng còn đồng xu nào vì lúc đó rất khó lấy tạm ứng mà lương mới ra trường chúng tôi chỉ có 60 đồng. Chợt nhớ là chúng tôi có mang theo một bao mì sợi khô để sau xe. Bác sỹ Hiền phân công tôi cùng với Bs. Cảnh mang xuống bến phà phố Lu bán để lấy tiền chi tiêu. Cả 2 chúng tôi vừa bước xuống phà thì đoàn của Bộ Y Tế do Bác Vũ Kiên là bố của Bình Kều lớp hóa 77 đi thăm mấy tỉnh Biên giới phía Bắc. Ngại quá Bs. Cảnh liền vác bao mì lẩn ra chỗ khác để tôi tiếp chuyện với đoàn của Bộ Y tế. Tạm biệt đoàn tôi liền cùng Bs Cảnh đi bán mì. Bán bao mì được mấy đồng bạc anh em chúng tôi mua luôn con cá về luộc ăn tươi vì cả tháng ăn toàn thịt trâu, bò chết sợ phát khiếp( chiến lợi phẩm chiến tranh), Bs, Hiền và Cảnh mua tặng tôi thành viên nữ trong đoàn mấy quả trứng gà. Nhớ mãi cảnh mỗi lần tắm là anh Hiền và Cảnh múc nước giếng cho tôi vì tôi không biết múc rồi cảnh giới mỗi người một hướng để tôi tắm vì hồi ấy những tỉnh miền núi không có nhà tắm mà có thì không có cửa. Hồi đó tôi say xe kinh khủng, lúc mới lên xe là nôn thốc nôn tháo cả mật xanh mật vàng, nằm bẹp dí trên ghế, cứ mỗi lần qua chỗ ao, mương cạnh đường là 2 anh nam giới tranh thủ vác xô xách nước cọ rửa ô tô. Sau rồi quen hết say mấy anh em trên xe lại đùa cười nói chuyện thoải mái, trêu chọc nhau suốt. Vì lạ nước lạ cái nên chân tôi bị lở loét hết cứ mỗi lần lội suối không dám xắn quần lên vì sợ các anh bộ đội chê là chân đầy “hoa gấm” . Đúng là hơn1 tháng ăn cùng ở cùng với các chiến sỹ quân đội Quân khu II lúc đó là những ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời của tôi. Đợt công tác cuối cùng trong đời làm việc của tôi lại là đợt đi giảng dạy cho lớp tập huấn các Trung tâm Kiểm Dịch. Tôi lại được gặp mặt nhiều anh chị em đồng nghiệp tại các tỉnh, hầu như anh chị em tuyến tỉnh đều rất biết và quý tôi, tình cảm của họ làm tôi cảm  động quá.

Laokai hôm nay khác hẳn với hồi năm 1979, đàng hoàng, to đẹp, lịch sự văn minh. Tôi lại có dịp đi Sapa và trèo thêm 640 bậc nữa sau khi đi cáp treo để chinh phục đỉnh Fansipan cao 3143m đứng trên mây ngắm nhìn thành phố  thật là toại nguyện.

Trong 39 năm làm việc thì có tới 30 năm gắn bó với Khoa Dịch tễ. Rất nhiều chuyến đi xa, dài ngày.Hầu hết các tỉnh của đất nước này đều in dấu chân chúng tôi những chiến sỹ áo trắng thầm lặng.Mỗi một đợt đi công tác là một kỷ niệm và không kể hết được. Cứ mỗi một đề tài, một công trình là có đầy ắp các số liệu, kinh nghiệm. Chăng hiểu sao mỗi lần đi công tác là tôi gặp nhiều sự cố: có lúc con bị tai nạn xe máy, xe đạp bị chui vào gầm ô tô nát tươm, hôm thì cả hai bố con đèo nhau bị tông xe, bố mẹ bị cấp cứu vào viện, nhà bị kiện cáo, tranh chấp, lúc thì con bị ngã xuống cống phải cấp cứu khâu vài mũi, rồi có khi ô sin bất chợt đòi về quê…Mỗi lần đi công tác  thì trên xe của tôi lúc nào cũng có các anh chị em đồng lứa nên các loại chuyện tiếu lâm được kể, những tiếng cười đùa râm ran suốt chuyến công tác. Đến lúc vào làm việc thì chúng tôi cũng hết mình không kể ngày đêm, tiếp xúc điều tra ổ dịch, can thiệp dập dịch luôn. Nhớ mãi những ngày đêm chống dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa …  những năm 80 thế kỷ trước ban ngày điều tra ổ dịch, lây máu, điều tra bệnh nhân, giám sát côn trùng, đêm phun hóa chất, đặt muỗi… đến 4-5 h sáng.

Có những đêm một mình cùng với lái xe đi Vĩnh Phúc lĩnh hóa chất mang luôn xuống Hải Phòng dập dịch hạch trong sự hân hoan mong đợi của anh chị em đồng nghiệp Trung tâm Y tế Dự Phòng Hải Phòng. Nhớ những ngày phòng chống dịch tả ở Bắc Ninh, Đồ Sơn, triển khai uống vắc xin tả thật là vất vả mà vui, sau khi kết thúc lại được tỉnh chiêu đãi bằng mấy ngày nghỉ ở Đồ Sơn, Sầm Sơn, Hạ Long… bù lại những bữa ăn cơm tập thể hay do gia đình ở trọ nấu ăn. Hồi đấy đi công tác thường là ở nhà dân hoặc xôm lắm thì được ở nhà khách ủy ban, ăn mì "không người lái", cơm độn ngô, mỳ.Nhớ mãi khi chúng tôi được chiêu đãi  ăn phở tóp mỡ ở Bãi Cháy trong đợt chống dịch hạch năm 1978, phở thịt lợn cho đầy nghệ được trả tiền bằng séc ở mậu dịch ăn uống do Bs. Phan Thôi, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Nguyên chiêu đãi mỗi lần xuống Định Hóa chống dịch Viêm Não Nhật Bản. Rồi những bữa ăn thịt chó mắm tôm sau khi đi chống dịch tả ở Bắc Ninh, Hải Phòng….

 

Mỗi lần đi địa phương chống dịch lại tích lũy cho tôi những bài học kinh nghiệm để tôi có thể bổ sung làm mới vào các bài giảng cho các anh chị em đồng nghiệp ở tuyến tỉnh, các lớp trẻ. Lúc mới về viện tôi đã được tham gia giảng dạy cho các sinh viên Y6 trường Đại học Y Hà nội, thấy trẻ quá toàn bị sinh viên trêu, hỏi nhiều câu hỏi thắc mắc nhiều khi sợ run hết cả lên. Tiền bồi dưỡng giảng dạy hồi đó là mấy con gà, thỏ của sinh viên làm thí nghiệm.  Sau này ngồi trong các Hội đồng chấm Luận văn Tiến sỹ cho các em lại nhớ những buổi đầu đứng trên bục giảng

Chám LA

Có nhiều khi gặp phải những tình huống tai nạn nghề nghiệp đáng ghi nhớ. Vào những năm 90 khi những hóa chất độc hại nhóm clo và lân hữu cơ được ghi vào danh mục hạn chế sử dụng chúng tôi đề xuất cho ngành y tế sử dụng các hóa chất thuộc nhóm Pyrethroid an toàn hơn cho dân và lưu ý để bảo đảm an toàn khi sử dụng. Thế mà một lần đi xuống Trai Trang, Hưng Yên để thực hiện một đề tài rèm tre chống muỗi phòng chống sốt xuất huyết mặc dù đã tráng rất nhiều lần chai đựng hóa chất Permethrin  nhưng chưa kịp rạch chai để hủy thì một anh lãnh đạo địa phương thấy chai nhựa đẹp xin một vỏ chai mang về đã mang ra cầu ao tráng rửa. Đến tối chúng tôi nằm trong nhà thấy cá dưới ao cứ nhảy lên khỏi mặt nước nháo nhào rồi chết trắng ao. Đến đêm cả nhóm nghiên cứu rủ nhau lên đê ngồi bàn và chúng tôi quyết định trả 500.000 đồng  giá trị lúc bấy giờ khá cao bồi dưỡng công cho cả đoàn bồi thường cho chủ nhà để bỏ hết cả ao cá nổi chết, thay nạo vét lại ao.

 Những năm 80 đến cuối 90 thế kỷ trước khi mà đời sống còn bao cấp, cơ cực nhất là đối với dân nghiên cứu khoa học. Hầu hết chị em cùng lứa chỉ dám đẻ 1 con,chẳng dám đẻ con thứ hai vì khổ quá. Những năm này phòng thí nghiệm chúng tôi nghiên cứu và làm ra những que hương trừ muỗi cực hiệu quả, an tòa, đốt 1 nén hương lên là muỗi gục kín sàn nhà, lấy chổi quét hàng nắm muỗi. Mẻ hương trừ muỗi đầu tiên chúng tôi làm được tặng cho các đại biểu đại hội Đảng lầ thứ IV ai cũng thích. Lúc đầu chỉ làm quy mô trong phòng thí nghiệm để biếu không sau rồi nhiều nhu cầu quá, công đoàn khoa Dịch tễ chúng tôi xin phép Bộ Y tế  sản xuất quy mô nhỏ thử nghiệm chống dịch sốt xuất huyết, rồi sau đó chúng tôi làm kế hoạch 3 để cải thiện cho anh chị em trong khoa. Cửa hàng dịch vụ hương của viện lúc bấy giờ bán hương đắt hàng đến mức độ không đủ để bán mỗi lần phải phân phối, xếp hàng như tiêm vắc xin Pentaxim 5in 1 bây giờ, có hôm đập vỡ tan cả cửa hàng. Lúc đó đời sống khoa Dịch tễ được cải thiện rõ rệt tiền thu nhập gấp nhiều lần so với lương. Thấy thế Viện chủ trương nhập lại làm hương trừ muỗi ở quy mô lớn cỡ viện vì lúc đó tôi là thành viên trong BCH Công đoàn Viện nên phải lo tổ chức cải thiện cho cả viện. Các hoạt động công đoàn những năm trước chủ yếu là cải thiện đời sống cho anh em. Mỗi mẻ hương lúc bấy giờ thu được cả bao tải tiền hơn chục triệu, có nhiều lần tôi cùng các anh chị Chấp hành công đoàn chở ra ngân hàng gửi tiền lấy lãi để chia cho đoàn viên Viện nhân các ngày lễ tết. Mỗi khi có thịt bê bên Sabin đã lấy máu làm vắc xin thì công đoàn chia cho các công đoàn bộ phận khoảng 30-50 người, bê được chia ra từng xuất nhỏ gồm đủ các loại thịt, xương, tim, gan... Viện còn có trại chăn nuôi ở Mỹ Đình bấy giờ cho mỗi công đoàn một mảnh ruộng tăng gia trồng lúa để cuối năm lấy gạo cải thiện cho đoàn viên. Ai cũng phải đi làm cỏ, rắc phân, cấy lúa, gặt hái. Sợ nhất là khâu cấy đối với những nông dân"đường nhựa" như bọn tôi thì khó cực, vì cấy thế nào mạ cũng nổi lềnh phềnh lên. Mỗi lần đi tăng gia như vậy tốn bao nhiêu tiền ăn phở, bún, có lần chị Yên cùng phòng đi xe Babeta đèo tôi đằng sau mua bún tận làng Phú Đô cho rẻ và ngon cho cả khoa dịch tễ ăn trưa, xe bé lại đèo quá tải tôi bị bô xe quệt vào bỏng rộp cả chân. Có lần đi xe ô tô đổ phân xuống ruộng mà cả người và xe lăn tòm xuống ruộng, mấy chị em nhăn nhở cười lóp ngóp bò dậy bẩn ướt hết. Tốn bao nhiêu công sức mà cuối năm được mỗi người 1 kg gạo nếp ăn tết là cùng.

Ngày xưa đời sống quá khó khăn với lương cán bộ công chức có 60-70 chục đồng thì ai cũng phải làm thêm như nuôi gà, nuôi lợn, tôi phải bóc tỏi, dán các hộp Cao sao vàng bỏng rộp cả tay, nuôi gà trong WC lấy trứng cho con ăn, mỗi lần vào WC cu Hùng nhà này sợ phát khiếp vì bị gà mổ vào mông.Hồi ấy chỉ được ăn thịt gà toi mà cũng chẳng bị làm sao, nếu to quá thì bán cho hàng phở lấy tiền. Nhiều anh chị em còn nuôi lợn trong nhà mỗi khi lợn ốm lo phát sốt phát rét. Cả tập thể Viện VSDT Dốc Thọ Lão nhiều năm như một xưởng, nhà nhà dập đinh để đưa đi bán., nghĩ lại mà phát sợ một thời bao cấp. Cũng có thể tiếp xúc quá nhiều với hóa chất độc hại mà đã có tới 2 đồng nghiệp của tôi vừa mới về hưu đã mất vì ung thư, và 2 người bị ung thư phổi, đại tràng đe dọa đến tính mạng đang điều trị.  

 Những năm trước để có một đề tài được nhà nước cấp tiền đối với chúng tôi là vô cùng khó mà có thì cũng chẳng đến lượt tôi. Đã xác định như vậy nên tôi hoàn toàn tự thân vận động bằng  cách mày mò, học hỏi, đọc sách… để tìm những đường đi cho mình..  Có thể nói rằng cả cuộc đời đi làm của tôi là học. Học qua sách vở, tài liệu, học qua đồng nghiệp. Nhớ mãi những buổi vào Viện Sốt rét học chuyên môn, vào Đại học Quân Y học các môn chuyển đổi sang ngành y, vào trường Tổng hợp học chuyên đề, học các lớp tập huấn chuyên môn trong và ngoài nước, học chính trị trung cấp đến lý luận cao cấp, học ngoại ngữ... học nhiều và thi cũng nhiều. Đợt thi cuối cùng có lẽ là thi Nghiên cứu viên cao cấp vào năm 2009.

Qua sách vở chúng tôi lại nghiên cứu thêm Mồi độc diệt ruồi phù hợp với điều kiện Việt Nam cho Khoa Dịch tễ  sản xuất còn nhường phần làm hương cho công đoàn Viện. Đấy là kết quả của các đề tài mà tôi được trực tiếp đóng vai trò gần như chủ chốt cùng với các anh chị em trong phòng Thí nghiệm Diệt côn trùng và đề tài này đã mang lại cho chúng tôi bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam.

-Nghiên cứu cách pha chế công thức hương trừ muỗi Ae.aegypti để phòng chống dịch Sốt xuất huyết dengue.

Công trình Nghiên cứu Y dược 1989.Nhà xuất bản Y học, trang 135-139.

- Kết quả nghiên cứu mồi độc diệt ruồi lân hữu cơ, propoxur, carbamat ở phòng thí nghiệm

Công trình Nghiên cứu Y dược 1989.Nhà xuất bản Y học, trang 357-363.

-Use mosquito coil to provent and control dengue haemorrhagic fever in Hai Hung province, Viet Nam

2000 china international household insecticide & pest control equipment congress, 10/2000, Hangzhou, China, p.14-15

 

rất nhiều bài báo mà tôi cùng các đồng nghiệp thử nghiệm trực tiếp hoàn thành và cũng mang khá nhiều lợi ích về  khoa học và kinh tế.

Cũng rất may là có nhiều đồng nghiệp ủng hộ, giúp tôi nhiều trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống. Nhớ lần cùng với chi Pgs. Đinh Kim Xuyến đi Bắc Mê, Hà Giang điều tra vụ dịch than. Lúc đầu chúng tôi đi bằng ô tô xong đến đoạn đường khó chuyển sang đi bằng xe của Trung tâm YTDP Hà Giang, đến lúc không có đường nữa thì chúng tôi đi bằng xe ôm do các cháu dân tộc thông thạo đường cầm lái. Ngồi lên xe máy ôm chặt lấy các cháu mà sợ phát khiếp vì tròng trành, nguy hiểm rồi đến lúc phải đi bộ, trèo đèo lội suối mệt đứt hơi, vừa đi vừa thở hổn hển . Qua suối có lúc tôi còn bị nước cuốn ngã dúi ngã dụi tưởng chết đuối, mệt quá tôi định ngồi lại chờ mọi người về nhưng lúc về thì mọi người lại đi đường khác nên tôi đành phải cố. Cuối cùng cũng đến được bản có dịch than trong tiếng cồng chiêng đón mừng rộn rã vì lần đầu tiên dân bản được đón đoàn của Chính phủ đến thăm bản.

Nhớ mãi những lần đi công tác Thái Bình  lấy máu gà làm đề tài cúm AH5N1 với anh chị em Dịch tễ, vi rút. Lúc lấy xong máu chẳng thấy kim đâu, cô chủ gà bảo gà nuốt kim rồi một anh bên thú y bèn mổ gà để lấy kim mà chẳng thấy kim đâu bèn  khâu diều gà lại, cuối buổi chủ gà mang gà bị chết bắt đền. Những ngày chống dịch SARS, cúm AH5N1 thật là khẩn trương, vất vả. Có rất nhiều kỷ niệm trong những đợt đi công tác mà không thể kể hết được chỉ biết rằng vất vả, cực nhọc nhưng vui và hiệu quả.

-Tỷ lệ mắc và tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp cấp tại Thái Bình, 2002-2005

Tạp chí Y học dự phòng, Tập XVIII số 4(96)/2008, trang 5-11

 

-National influenza surveillance in Viet Nam, 2006-2007, Vacine XXX( 2009) XXX - XXX

 

Những năm mới về viện tôi tham gia công tác Đoàn khá tích cực và đã từng là Bí thư đoàn viện gần 10 năm, vì lúc đấy nghĩ là mình ế, chưa lấy chồng thì phải lăn vào làm việc cho quên đi, tối đi học thêm tiếng Anh  không biết mệt mỏi. Cũng chính là được đồng nghiệp quý mến mà tôi được vào Đảng từ năm 1980, lúc 26 tuổi trẻ nhất Viện, chính thức năm 1982 trước sự ngạc nhiên của nhiều người, chẳng thế mà năm 2012 tôi là nữ viên chức duy nhất trong viện được nhận danh hiệu 30 năm tuổi Đảng  chứ mọi người khác đều nhận ở nơi cư trú vì đã về hưu.  

Tôi nhớ mãi hôm kết nạp đảng, trước khi vào họp do bị nhiều sức ép với nhiều lý do khó hiểu mà chú Nguyễn Trung Thành lúc đó là trưởng khoa kiêm Bí thư Chi bộ Dịch tễ không đọc nổi Quyết định kết nạp tôi đã phải nhờ Bs. Biền chi ủy viên đọc hộ vì chú nói rất xúc động chưa bao giờ chứng kiến lễ kết nạp đảng viên quá trẻ ở viện này. Thời gian dự bị của tôi kéo dài 18 tháng vì lúc đó tôi chưa hết 2 năm tập sự.  Sau này  rút kinh nghiệm từ bản thân mình chi bộ Dịch tễ kết nạp rất nhiều các bạn trẻ với cách nhìn thoáng hơn rất nhiều các chi bộ khác. Thế rồi do cơ cấu  cần trẻ hóa đội ngũ tôi lại được đề xuất vào BCH Đảng ủy  từ năm 1982 Tôi là Bí thư Đoàn Viện liên tục hơn 10 năm và Chủ tịch Công đoàn Viện gần 20 năm, Phó bí thư Đảng ủy 2 nhiệm kỳ, Đảng ủy viên liên tục 28 năm  từ năm 1982 – 2010, Phó CN khoa Dịch tễ từ năm 1991-1999 và chủ nhiệm khoa từ 2000-2006, Chủ nhiệm khoa Côn trùng Y học 2006-2009. Tòa nhà Dịch Tễ bây giờ chính là món quà tặng của cố Gs. Viện trưởng Hoàng Thủy Long thiết kế cùng với chúng tôi cách đây hơn 20 năm cho khoa Dịch tễ mà lúc đó tôi là trưởng khoa.

Đến  đầu năm 1987 khi đã 33 tuổi, sau 8 năm tìm hiểu tôi quyết định lấy chồng, một đám cưới đông chưa từng thấy ở Cung thiếu nhi với sự có mặt của gia đình, họ hàng và bạn bè hai cơ quan. Đến 16/10/1988 thì con trai đầu tiên ra đời trong niềm vui của tất cả mọi người. Năm 1999 tình hình kinh tế khó khăn quá, chồng tôi phải đi lại Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp, vừa nghiên cứu vừa làm kinh tế. Tôi về nhà bố mẹ đẻ sống để tiện việc nuôi con, học ngoại ngữ buổi tối, làm Nghiên cứu sinh. Đến nay cháu  đầu cũng đã tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế ở Anh quốc về, hiện đang làm tại Ngân hàng Viettinbank,

Là Bí thư đoàn TNCS HCM từ những năm 80 cho đến năm 1990 lúc tôi đã có con và 36 tuổi. Nhớ những ngày tham gia công tác đoàn của Viện với các phong trào thiếu nhi, nhiều thiếu nhi ở tập thể viện do chúng tôi phụ trách nay trở thành lãnh đạo cục, vụ trên Bộ Y tế, trưởng khoa của Viện bây giờ. Lần đâu tiên Viện được được Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo tại Hội thao Khoa Học Tuổi trẻ toàn quốc năm 1986 do tôi đứng đầu tập thể với Đề tài ”Mô hình phòng chống dịch Sốt Xuất huyết tại Việt Nam”.  Nhiều năm liền đưa dẫn đoàn Viện đi thi Hội thao tuổi trẻ ngành Y, đây là Hội thao do các Gs. Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Đức Trạch khởi xướng cho sân chơi của thanh niên mấy viện lúc bấy giờ sau này thành phong trào chung của toàn quốc. Nhiều ACE thanh niên Viện đã giành giải nhất như các chị Tuyết, chị Trinh, Gs. Ngà PT, PgsBình Minh,PGs.Hiền Thanh…Những năm đấy phong trào đoàn  Viện sôi nổi với nhiều hoạt động bổ ích từ  văn nghệ,làm kinh tế, nghiên cứu khoa học đến lao động, bán sách, bán hương trừ muỗi lấy tiền gây quỹ đoàn. Nhớ lắm những buổi đi thi Hội thao khoa học, văn nghệ đêm về cả lũ lại xì xụp bát phở nóng hổi giữa đêm khuya Hà Nội bằng tiền thưởng thu được

Mãi đến năm 1991 lúc đó tôi đã 37 tuổi  lần đầu tiên tôi được đi tập huấn ở Inddonexia, dẫn đầu một đoàn 4 người, ngoài tôi ra không ai biết tiếng Anh, tôi vừa kiêm trưởng đoàn, phiên dịch và phục vụ ăn uống cho cả đoàn. Một cuộc đi nước ngoài khá lý thú và nhiều kỷ niệm, lúc nào có thời gian tôi sẽ kể lại các cuộc đi nước ngoài với những kỷ niệm chẳng bao giờ quên được.

Từ những năm 80 tôi bắt đầu làm việc với các chuyên gia nước ngoài, tiếng Nga hầu như không bao giờ sử dụng, biết vậy nên  tôi đã học các lớp tiếng Anh ngoài giờ từ khi bắt đầu về nước. Đến năm 1991 tôi mới được tham gia vào đề tài nước ngoài rồi năm 1992 tôi chính thức được chủ trì một đề tài với Nhât phối hợp giữa Viện tôi và trường Đại học Nagasaki cùng Gs. Igarashi, một giáo sư nổi tiếng của Nhật Bản hết lòng với Việt Nam từ những năm chiến tranh.

Tôi đã được làm việc dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Gs. Igarashi và Gs. Hoàng Thủy Nguyên nhiều năm trong các đề tài phòng chống sốt xuất huyết và đã có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng trong và ngoài nước mà tôi được tham gia và đứng tên như:

-Permethrin-treated bamboo curtains  to control Ae.aegypti in rural village of Viet Nam

Dengue newsletter, WHO, March 1993, V.18,p. 21-23

 

-Country report on dengue Fever/ Dengue  fever and Japanese encephalitis in Viet nam

Tropical Medicine, 1994 Vol.36,No 4,12/1994, p. 170-176

 

-The effect of olyset net screen to control the vector of dengue fever in Viet Nam

Dengue Bulletin, WHO, 12/1996, p.87-93 

 

 Có tới hơn 20/60 bài báo có tôi tham gia được đăng trong các tạp chí nước ngoài khá nổi tiếng. Trong 7 năm cuối không quản lý tôi cũng tham gia các đề tài với 20 bài báo trong đó có tới hơn 10 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài.

 Tôi nhớ mãi hình ảnh Gs. Igarashi  là nhà vi rút học đầu tiên đã phát hiện ra phương pháp chẩn đoán sốt xuất huyết trên tế bào muỗi và phương pháp PCR mà tôi là người Việt Nam đầu tiên được Gs. Igarashi trực tiếp cầm tay hướng dẫn tôi cầm pipet Mal nhỏ từng giọt dung dịch sinh phẩm tại lớp tập huấn phòng chống Sốt xuất huyết lần thứ nhất của Tổ Chức Y tế thế giới tại trường Đại học Nagashaki Nhật Bản hồi tháng 8/1994. Tại đây lần đầu tiên tôi được đứng trên bục đại diện cho Việt Nam có bài báo cáo bằng tiếng Anh trên hội nghị quốc tế. 

Năm 1996 tôi hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sỹ với đề tài: Phòng chống véc tơ truyền sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam bằng biện pháp hóa học, với sự hướng dẫn của Gs. Trần Văn Tiến- Nguyên phó viện trưởng kiêm trưởng khoa Dịch tễ lúc bấy giờ. Đây là kết quả công lao của các thầy, các anh chị em đồng nghiệp của tôi đã đúc kết nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tế tại các ổ dịch sau hơn 20 năm về viện tại các tỉnh phía Bắc.

Từ những năm 1995-2014 hàng năm tôi được cử đi dự các Hội thảo tại các nước như: Nhật Bản, Lào, Campuchia, Malyssia, Trung Quốc, Úc, Mỹ, Mali…. Và nhiều lần đại diện cho Việt Nam đọc báo cáo tại các Hội nghị khoa học với các đề tài về: hóa chất diệt côn trùng, sốt xuất huyết, cúm...

Tháng 8/1998 tôi đi kiểm tra sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam từ Sài Gòn tôi cùng các đồng nghiệp đi vào Mũi Cà Mau, trên đường đi cứ ngủ li bì trên xe ô tô, sau gần 1 tháng rong ruổi công tác ra Hà Nội tôi phát hiện mình có thai thằng cu Hà hơn 2 tháng rồi mà chẳng biết gì. Lúc này tôi đã 43 tuổi rồi, ngại quá nhưng được sự động viên của gia đình và đồng nghiệp tôi quyết định để sinh đứa con thứ 2 lúc tôi 44 tuổi với bao nhiêu khó khăn cùng sự thán phục, ngạc nhiên của mọi người. Đến hôm nay cháu cũng đã 18 tuổi vừa tốt nghiệp THPT, Đại học và hôm vừa rồi cũng cùng tôi chinh phục đỉnh Fansipan rồi đi đến mũi Tràng Vĩ-Địa đầu Móng Cái.

Thời chúng tôi trong viện ai cũng chỉ dám đẻ một con vì cuộc sống của những người làm công tác nghiên cứu khoa học quá khó khăn, đẻ đứa thứ 2 như tôi quả là hiếm và quá dũng cảm vì lúc đầu chẩn đoán là rau tiền đạo trung tâm nên bố mẹ tôi đều là chuyên môn y đã vô cùng ái ngại cho tính mạng của con gái khi biết tôi bất chấp nguy hiểm đến tính mạng  quyết sinh con cho bằng được. Thế rồi tôi đã chiến thắng một lần nữa khi sinh cậu thứ 2 nặng 3,2 kg. Đáng ra là đẻ thường nhưng tôi xin đẻ mổ cho an toàn.Với biết bao khó khăn khi sinh và quá trình nuôi ăn học cho tới ngày hôm nay cháu cũng đã vào đại học.  

 

 Đúng  lúc con nhỏ mới 2 tuổi tôi nhận quyết định chủ nhiệm khoa Dịch tễ kiêm Chủ tịch Công Đoàn Viện, rồi BCH Đảng ủy, BCH Công đoàn ngành Y tế VN….Lần đầu tiên khoa Dịch tễ của Viện có trưởng khoa là nữ, trẻ. Sợ và hóc búa nhất vẫn là cái chức Chủ nhiệm khoa Dịch tễ một khoa chủ chốt của Viện, ngành Y tế Dự phòng. Làm nhiệm vụ nặng nề nhưng trong sự đố kỵ, ghen tỵ của một số  người  không ủng hộ khiến tôi đã phải vất vả, đối phó, căng thẳng tranh thủ sự ủng hộ của những người tốt, nhiệt tình  yêu quý tôi trong khoa nên chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch. Sống hết mình vì mọi người, hầu như các đại hội đoàn, đảng, công đoàn rồi bất cứ bầu báng gì tôi cũng đạt số phiếu gần như tuyệt đối, ấy thế mà cũng có một số người không đồng tình, chống đối thậm chí có những lúc gây cấn như  năm 2003 khi tôi làm thủ tục học hàm cũng có thư nặc danh chống đối song với sự sáng suốt của Hội đồng chức danh dựa trên những thành tích khoa học  của tôi  đã bác thư nặc danh tố cáo tôi do nội dung thư mang tính chất đố kỵ, ghen ghét, nhỏ nhen... Và rồi tất cả cũng qua hết vì mọi người cũng rất hiểu tôi là người như thế nào. Đang đêm Gs. Lộ NV., Thư ký  Hội đồng Chức danh Nhà nước gọi báo tin mừng trước khi tôi chuẩn bị sang Trung Quốc dự Hội nghị về Hóa chất Diệt Côn trùng tháng 10/2003 là tôi được phong PGs. với tỷ lệ phiếu cao tuyệt đối.

tôi

Tôi đã phối hợp, liên kết khoa Dịch tễ với các khoa chuyên môn như vi rút, vi khuẩn … thành một kíp trong việc chẩn đoán, phòng chống dịch một cách liên hoàn, khoa học, có hiệu quả, vui vẻ, đoàn kết giữa các khoa. Phải nói là những năm 1998-2003 là những thời gian vất vả nhất vừa công việc chuyên môn, đoàn thể, gia đình nhưng rất hiệu quả. Khoa Dịch tễ là khoa đầu tiên của viện đat Huân chương Lao Động Hạng 3 trong công tác phòng chống dịch trong thời gian tôi là trưởng khoa.Nhiều anh chị em trong khoa đạt danh hiệu Thầy thuốc Nhân Dân, Thầy thuốc ưu tú, Bằng khen Chính phủ, Bộ Y tế, Chiến sỹ thi đua....

    Tôi cũng tham gia đào tạo 5 tiến sỹ, thạc sỹ, các nghiên cứu sinh của tôi đều là các cán bộ chủ chốt tại các viện Nghiên cứu, Bộ y tế, các Bệnh viện tỉnh, huyện, Trung tâm Y tế dự phòng làm đều phát huy và làm việc có hiệu quả, chất lượng.

Đến năm 2006 Khoa Côn  Trùng & Động Vật Y học được thành lập do tôi đề xuất và tôi được  bổ nhiệm là trưởng khoa đầu tiên đến năm 2009 thì tôi thôi quản lý để làm công tác chuyên môn. Năm 2014 đáng lẽ về hưu nhưng cũng do sinh vào tháng 7 khi Nghị Định chính phủ được áp dụng cho phép các PGs được làm việc thêm 2 năm nữa nên tôi là một trong những người duy nhất được hưởng chế độ này của Bộ Y tế.

Trong quá trình làm việc với Khoa CT& ĐV Y học này tôi cũng hết lòng với các đồng nghiệp trẻ trong công việc. Tôi cùng với tập thể khoa gồm hầu hết các bạn trẻ tìm kiếm,tham gia các đề tài nghiên cứu phục vụ chống dịch và năm nào cũng tham gia 2-3 bài báo trong và ngoài nước.

-Thực trạng sử dụng hóa chất diệt côn trùng ở Việt Nam từ năm 2011-2012

Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 2 (137)/2013. Trang 111-117.

-Thực trạng quản lý hóa chất Diệt côn trùng ở Việt Nam hiện nay

Tạp chí Y học dự phòng, tập XXIII, số 6 (142)/2013. Trang 97-103.

-Epizootiological study of rodent-borne hepatitis E virus HEV-C1 in small mammals in Hanoi, Vietnam" 

        Journal of Veterinary Medical Science. 2016

 

Năm nay khoa CT& ĐV Y học của chúng tôi kỷ niệm 10 năm ngày thành lập khoa. Trưa 28/7/2016 là ngày cuối cùng làm việc của tôi ( vì 2 ngày cuối tháng là ngày nghỉ) toàn khoa tôi cũng nhận được Thư mời của Ts. Trần Vũ Phong, Trưởng khoa với nội dung thật là trân trọng qua hộp thư riêng của Khoa :  

Kính gửi cả nhà,

 Để trân trọng cảm ơn những đóng góp của PGS. Nguyễn Thúy Hoa cho Khoa Côn trùng và Động vật y học, Ban chủ nhiệm khoa xin kính mời toàn thể thành viên trong Khoa tới dự buổi liên hoan vào 11 giờ 30 phút ngày thứ Sáu 29/7/2016 tại Nhà hàng Chả cá Kinh kỳ.

 

   Ban Giám đốc Viện kính mời các thành viên trong Khoa họp mặt với PGS. Nguyễn Thúy Hoa vào hồi 10 giờ 30 ngày thứ Hai,1/8/2016 tại Phòng khách của Vện.

Trưa ngày 1/8/2016 Viện tôi cũng tổ chức một buổi gặp mặt tại Viện và Công Đoàn Khối Hậu Cần  mời bữa cơm trưa với các cán bộ chủ chốt cùng với nhiều đồng nghiệp đã làm việc cùng thời với tôi. Một cuộc chia tay vui vẻ, tình cảm, đầm ấm, chu đáo.

 Gần 40 năm qua trong nhiều niềm vui, nhiều thành công nhưng cũng nhiều nỗi buồn: năm 1987 bị thai lưu, năm 2003 bố mất, từ năm 2000-2005 ra hầu tòa án vì tranh chấp ngôi nhà 36 Hà Trung suýt mất nhà, năm 2006 phải bán ngôi nhà  phố cổ mặt tiền này đã gắn bó với dòng họ Trần gần 100 năm và với gia đình tôi 20 năm để mua nhà hiện tại ở Kim Mã, bố mất năm 2003, năm 2010 mẹ mất…. xong mọi sự đều qua đi. 20 năm cả nhà tôi mang tiếng ở nhà phố cổ, mặt phố trị giá tới gần 2000 cây vàng, nhưng sống chung đụng, tranh chấp, 4 người trên 1 giường chật chội khó chịu chẳng dám kêu ca, đúng là sống trên đống vàng mà nhịn đói.

Cuoi Hung

Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại làm được từng ấy việc. Làm công việc chuyên môn thuần túy là thích hợp nhất đối với tôi chứ cứ dính vào quản lý là tôi thấy phiền phức nặng nề, vất vả, phức tạp nhất. Hầu hết các đồng nghiệp trẻ dưới thời tôi làm trưởng khoa được tôi giới thiệu, bảo lãnh đi học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài thông qua các dự án với Nhật, Úc, Mỹ…. Các anh chị em kỹ thuật viên trong khoa cũng được tôi giới thiệu và xin học bổng đi học tập tại các phòng thí nghiệm nổi tiếng ở nước ngoài. Lần đầu tiên dự án với CDC Hoa Kỳ do tôi làm Điều phối viên được ký kết ở Việt Nam, cùng với nhiều dự án tôi được chủ trì, tham gia đều đi vào cuộc sống mang nhiều lợi ích cho công tác phòng chống dịch trong cộng đồng. Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn Viện hàng năm trước đây tôi đề xuất 5-10 người đi tham quan nước ngoài bằng quỹ phúc lợi của Viện. Kết thúc 39 năm làm việc  hết lòng với Viện VSDTTW dưới quyền 7 đời Bộ trưởng, 4 đời Viện trưởng, 3 đời trưởng khoa tôi cảm thấy thoải mái, toại nguyện với những gì mình làm được. 

  Kết thúc những năm đi làm của tôi là phần thưởng Huân chương Lao Động hạng 3 với rất nhiều giấy khen, bằng khen, huân huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Vì sự nghiệp tuổi trẻ, Người tốt việc tốt Thủ Đô Bằng lao Động sáng tạo, Vì sự nghiệp Công Đoàn, Vì sự nghiệp Tuổi trẻ… rất rất nhiều.

Nhưng tất cả đấy chỉ là phù phiếm, có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với tôi bây giờ là tôi có một gia đình tất nhiên không hoàn hảo, tuyệt vời như các gia đình khác được ca ngợi trên TV, báo chí nhưng đối với tôi là tuyệt vời với 3 người đàn ông yêu quý cùng cô con dâu cả và cháu nội sắp ra đời với 1 ngôi nhà là lộc của các cụ để lại rộng khoảng 70m2 nằm trong ngõ nhìn ra đường Kim Mã.Suốt cả cuộc đời vợ chồng tôi đều là dân làm khoa học đạt được tất cả các danh vọng khoa học nhưng cũng chỉ đủ tiền ăn cho cả gia đình, nuôi ăn học cho 2 cậu con trai chứ không đủ tiền mua đất làm nhà, không đủ tiền cho con đi du học. Phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi mà đồng lương hưu hạn chế, tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu đi, nhiều bệnh xuất hiện, còn nhiều trách nhiệm với gia đình, con cái nhưng tôi tin là sẽ vượt qua.

 

   Chỉ biết rằng cả cuộc đời đi làm của tôi tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng đã được học hành tử tế thì không có gì là trái ngành cả, học là làm được. Con đường đến với vinh quang trong khoa học đầy chông gai không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Bản thân tôi đã mang sự hiểu biết  về hóa học của mình vào chuyên ngành sâu phục vụ đắc lực cho công việc phòng chống bệnh, có hiệu quả thật sự. Tất cả sự phấn đấu, lao động, bền bỉ đã tạo nên thương hiệu cho bản thân tôi. Tôi tự hào vì mình đã đi bằng chính đôi chân, làm việc bằng chính đôi tay, tri thức của mình và tôi tự đánh giá là tôi đã thành công trong cuộc đời đi làm nhà nước của tôi, hầu như không có những khuyết điểm, sai lầm  trầm trọng.

Bây giờ nghỉ  hưu là thoải mái, thanh thản, lo việc gia đình là phù hợp với quy luật, có thời gian đi chơi với bạn bè, gia đình, tham gia các loại hội hè, tổ chức xã hội mà mình yêu thích.

 

 

Đã đến lúc tôi cần phải dành thời gian cho mình, cho gia đình,chồng, con, bạn bè…. thích nhất là không phải dậy sớm đúng giờ để lấy dấu vân tay điểm danh theo quy định mới của Viện.

Vâng từ nay cuộc đời tôi sẽ bước sang trang mới, không biết nói gì hơn chỉ biết chân thành cám ơn ĐƯ, BGĐ,  gia đình, các đồng nghiệp, bạn bè yêu quý đã động viên tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành công việc. Xin cảm ơn những tình cảm quý giá của tất cả ACE Viện đã dành cho tôi suốt 39 năm qua. Xin chúc tất cả mọi người ở lại sức khỏe, nhiều niềm vui, nhiều thành công trong cuộc sống và đoàn kết giữ vũng danh hiệu của Viện VSDTTW.

Xin mọi người hãy đừng quên chúng tôi những người đã về hưu cũng đã góp phần nhỏ bé của mình cho Viện VSDTTW yêu quý. Tôi yêu Viện VSDTTW như gia đình thứ 2 của tôi.

 


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 03-08-2016 03:03






Xem 11 - 20 của tổng số 31 Comments



Từ: Guest xuyendk@iccvb.org.vn
07/08/2016 04:35:28

Chúng ta, những NGƯỜI làm YTDP là vậy, luôn thầm lặng! Chỉ có bản thân mình mới hiểu hết gian truân , hiểu hết đắng cay, nghiệt ngã...!Những năm tháng còn lại là HẠNH PHÚC của cuộc đời! HẠNH PHÚC của CHÚNG TA là trọn vẹn cuộc đời say mê khoa học, phục vụ dân, RA VỀ THẬT THANH THẢN. Chúc HOA luôn HẠNH PHÚC, hãy nhớ đến NHAU NHÉ BẠN THÂN YÊU!



Từ: Guest TQH
07/08/2016 01:27:28

Ba chín năm gắn liền cùng "dịch tễ"


Ba chín năm vì "y tế dự phòng"


Ba chín năm miệt mài không ngừng nghỉ


Ngoảnh lại nhìn, tường lớp lớp rêu phong.


-TQH-


Chúc cô luôn mạnh khỏe và vui vẻ



Từ: Guest Ngan NT
06/08/2016 23:52:29

Em đã đọc và ngưỡng mộ sự phấn đấu không mệt mỏi trong suốt mấy chục năm của chị. "Giỏi việc nước đảm việc nhà" chị không chị hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn có một gia đình hạnh phúc, các cháu chăm ngoan, trưởng thành. Về hưu rồi chị sẽ có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống. Em chúc chị luôn khỏe mạnh, hạnh phúc chị nhé.



Từ: Guest nguyen thi thanh Hà
06/08/2016 22:01:05

Thật cảm phục người bạn ,người đồng nghiệp và đồng thời cũng là bác họ tôi. Một người đã vượt qua bao khó khăn vất vả để khẳng định mình và gặt hái những thành công. Mong bác sẽ sung sướng và nhàn  hạ hơn nửa đời còn lại . Hà với tư cách là một nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng chỉ thấy buồn là sao bao công sức, tiền bạc như thế của ND đã đang đổ ra mà hiệu quả phòng chống dich nhất là Sôt xuất huyết vẫn hoành hành, thậm chí còn ngày càng xẩy ra với quy mô và sức tàn phá lớn hơn???. Còn các hoá chất dùng chống dich liệu ảnh hưởng đến môi trường đến mức nào ? Chắc cũng cần phải cân nhắc, và hiểu thấu đáo bản chất của vấn đề...Vì những sai sót trong khoa học là khôn lường, và không được phép



Từ: Guest NgocNT
06/08/2016 17:35:51

Chị ơi đọc bài viết của chị thấy khâm phục chị quá! 39 năm không phải lúc nào cũng thuận lợi! Chị đã vương lên và tỏa sáng với nụ cười hiền hậu, nhân ái và tấm lòng vị tha tuyệt vời! Chắc chắn 39 năm đã qua sẽ là điểm tựa và cũng là bệ phóng vững chắc cho chị trong 39 năm tới nữa, có thể không phải trong lĩnh vực vệ sinh dịch tễ đâu mà còn nhiều nhiều nữa! Đọc bài của chị thì thấy nhiệt huyết lắm! Chắc chắn một nahf văn, một phóng sự gia hay một nhà gì đó nữa đã, đang và sẽ xuất hiện nữa thôi! Em chúc chị 39 năm tới đầy ắp tiếng cười, niềm vui và sự kiện thành công chị nhé!


 



Từ: Guest HuongLe
06/08/2016 13:33:22



Đọc xong bài viết của Hoa với đầy ắp các sự kiện, kỷ niệm vui có buồn có và những thành tích đạt được trong suốt chặng đường 39 năm công tác ở Viên VSDT (như những thước phim tư liệu với những hình ảnh minh họa) mình thật sự khâm phục và ngưỡng mộ bạn gái của mình.  Một con người khiêm nhường nhưng đầy nhiệt huyết, luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học giúp dân (đặc biệt cho đồng bào vùng sâu, vùng xa) và xã hội. Bằng chính sức lao động và bàn tay khối óc của mình, bạn đã áp dụng hiệu quả kiến thức học được để đem lại những công trình, sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn cao, mà không phải nhà nghiên cứu khoa học nào cũng có được. Sống chân thành, giản dị, tận tụy trong công việc, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, nên trong 39 năm công tác đã qua, dù đôi khi gặp khó khăn trắc trở, bạn đã luôn được các đồng nghiệp yêu quý, ủng hộ. Chúng mình thấy thật tự hào về bạn vì CL 77cũng có những người không chỉ có nói mà còn làm được nhiều việc đáng nể đấy chứ! Giờ là một trang mới của cuộc đời lại bắt đầu. Chúc bạn mình luôn mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết và tình yêu để sống hạnh phúc bên chồng, các con và cháu nhé. 




Từ: Guest CấpTT -sv72
06/08/2016 00:19:40

Được chị Ngọc Hoa ới là chị vào ngay trang web thân yêu của hội ta để đọc một mạch bài của HoaNT .Chị thật cảm phục tinh thần lao động đầy nhiệt tình , năng động , không quản ngại gian khổ của H. H thật xứng đáng với những danh hiệu đã đạt được , thật hãnh diện cho cả hội ta , nhất là cho các chị em KGU .Chị thấu hiểu được những khó khăn khi dân tổng hợp vừa ra trường về làm việc ở cơ sở y tế , đòi hỏi phải tự thân học hỏi những lĩnh vực y khoa mới mẻ , tham gia giảng dạy và đúc kết kinh nghiệm để khẳng định được mình mà phục vụ tốt người bệnh , và cũng       chẳng màng đến danh hiệu , quyền lợi mà chỉ Bác sĩ mới được hưởng .Em vốn đầy năng lượng trong công việc, trong hoạt động xã hội , chúc  H nhiều sức khỏe để đủ năng lượng tiếp tục gánh vác chức Bà nội nhé .


 



Từ: Guest Hoa Minh
05/08/2016 01:10:26

 


Chị Hoa ơi, đọc bài viết của chị em càng thấy cảm phục và yêu quý chị hơn.



Từ: Guest Bạn bè
04/08/2016 22:16:20

Đọc xong bài viết của bạn,Mình nghĩ bạn xứng đáng được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhất vì sự nghiệp KH và sức khỏe của cộng đồng.Viện VSDT nên làm lại đề nghị



Từ: Guest Minh TL
04/08/2016 21:46:10

Rat tuyet voi Hoa a ! Chung minh rat tu hao ve cau day ! Chuc Hoa luon vui khoe nhieu niem vui hanh phuc voi gia dinh va ban hưu yeu quy ! 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s