KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 09 Tháng bẩy. 2015

Ba tôi – Ông Bá Kroong




Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hoa - Hóa 72

Cuộc đời ba tôi ghi dấu từng chặng đường cách mạng. Những tưởng khi đất nước thanh bình, ông yên tâm hưu trí tuổi già bên con cháu; nhưng không, ông vẫn khắc khoải với “cái nghèo, cái chữ” của  đồng bào Tây Nguyên, nơi ông coi như quê hương của mình.

Một ngày trọn cuộc đời

Khi Bà mẹ “Âu Cơ” mang chúng tôi - những đứa con 5, 7 tuổi - xuống biển, lên tàu tập kết ra Bắc thì ba tôi lại lên núi. Sau Hiệp định Geneve (1954) ông là cán bộ nằm vùng, là Bí thư Ban Cán sự Đảng khu 7, Tỉnh Gia Lai (Bí thư Huyện ủy). Với những người “ở lại” như ba tôi (sau này được gọi là B trụ), chỗ ở là rừng, tăng võng là nhà, gia tài sự nghiệp là cái gùi mang sau lưng. Ông bí mật tổ chức chôn giấu vũ khí, muối, lương thực để hoạt động lâu dài, vận động đấu tranh chính trị cho tổng tuyển cử hai năm sau theo Hiệp định Geneve.

       Bà mẹ “Âu Cơ” và đàn con

Nhưng đã không có ngày hiệp thương tổng tuyển cử ấy. Kẻ địch âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chiến dịch tố cộng, những cuộc lùng bắt sát hại cán bộ diễn ra khắp mọi buôn làng. Bên dòng sông Ba, ông chứng kiến cái chết hào hùng của đồng chí Đêi, Bí thư Xã Kroong Hra, Kong Chro, Gia Lai. Tên quận trưởng Hrưng ra lệnh bằng giá nào cũng phải buộc đồng chí Đêi khai báo cơ sở cách mạng. Sau hai ngày dẫn đồng chí Đêi đi quanh làng mà không thu được kết quả, chúng treo đồng chí lên cây và dùng báng súng đánh. Chúng dồn dân làng trong đó có vợ con đồng chí Đêi và một số đảng viên hoạt động bí mật ra giữa làng, bắt đồng chí chỉ ai là cộng sản. Đồng chí Đêi toàn thân sưng vù, đẫm máu, chỉ có ánh mắt vẫn trìu mến nhìn đồng bào, vợ con:Để tao nói! Thưa đồng bào, tôi là cộng sản, là con em của đồng bào. Đồng bào nuôi tôi lớn lên, thương yêu tôi như núm ruột của mình. Tôi không thể phản bội đồng bào được. Tôi có chết chỉ mong đồng bào thương yêu đùm bọc nhau, đừng ai can tâm làm tay sai cho địch.” Không để đồng chí nói hết lời, bọn đch lôi đồng chí đi và dìm dưới dòng sông Ba. Trước khi chết, đồng chí Đêi còn hô to khẩu hiệu:Bok Hồ airh linh lang!”(Bác Hồ sống lâu muôn tuổi!)

Lòng dân hừng hực căm uất, thanh niên buôn làng thành lập các tổ du kích, dùng dao rựa bí mật thủ tiêu những tên ác ôn, những tên phản bội nguy hiểm. Tuy nhiên, có một trận đánh mở đầu, có tiếng súng nổ, không bí mật do ba tôi tổ chức để giết tên Kêi, một huyện ủy viên khu 7 phản bội. Tên Kêi ham rượu bị địch bắt. Chỉ sau vài báng súng là hắn van lạy rối rít, hứa làm chỉ điểm. Hắn dẫn địch đi khắp các buôn làng, khui hầm vũ khí, chỉ mặt cán bộ và cơ sở cho địch bắt. Chiến dịch tố cộng của Mỹ-Diệm đã dồn những người “B trụ” như ba tôi tới chân tường: phong trào tan vỡ, cán bộ và dân hoang mang. Phải chống lại chúng nó bằng vũ trang hay là chết? Tình thế cấp bách buộc ông, một bí thư huyện ủy, phải bước ra khỏi cuộc đấu tranh chính trị, tổ chức một trận đánh vũ trang khi chưa được phép của cấp trên. Đội du kích của ông có hai khẩu súng (một súng lục mà ông được trang bị, một khẩu garăng, chiến lợi phẩm cán bộ Thung nhặt được khi quân Pháp bỏ chạy) và 20 tay đao của du kích xã Yahội và Yang Bắc. Ông đã nhận được mật báo: Tên Kêi dẫn địch đi lùng sục ở xã Yang Trung, nhất định sẽ trở về trại An Khê, Gia Lai trước ngày 26/10/1958 để dự Lễ kỷ niệm ngày Ngô Đình Diệm phế truất vua Bảo Đại. Sáng ngày 24/10/1958, đội du kích của ông đã ẩn mình mai phục. Đúng như dự đoán, khoảng 3 giờ chiều bọn chúng lọt vào ổ phục kích. Ông và cán bộ Thung cùng nổ súng, anh em du kích  đồng loạt nhảy lên chém địch. Tên Kêi bị chém chết tại chỗ. Bọn còn lại hoảng hốt qung balô, vác súng bỏ chạy. Một lúc sau, hoàng hồn,sực nhớ” mình có súng, chúng quay lại bắn thì những du kích người dân tộc đã thu balô rút về vị trí an toàn. Sau khi tên Kêi bị giết, bọn địch co cụm, không dám ngang nhiên lùng sục nữa. Cán bộ, đồng bào trong cả huyện như trút được gánh nặng và phong trào dần được khôi phục. Còn ba tôi, người bí thư huyện ủy, người tổ chức trận đánh thì bị phê bình là “manh động, vô kỷ luật”. Có lần tôi hỏi ông: “Trong chiến tranh, quân lệnh như sơn, ba vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng vậy mà sao chỉ bị phê bình?” Ông nói: “Đó là ý đảng lòng dân. Mãi tới cuối năm 1959, Nghị quyết TW 15 chuyển cuộc đấu tranh ở miền Nam sang chính trị kết hợp với vũ trang thì ông mới tìm được cảm giác thanh thản. Trận đánh này của ông được cán bộ Tỉnh Gia Lai nhắc đến mãi về sau được ghi nhận trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Gia Lai”. Khi nhận Huy hiệu 60, 65 tuổi Đảng (tháng 9/2015 này là 70 năm), ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tiếng súng “vượt rào” năm xưa. Ông rưng rưng nghẹn ngào trong nước mắt:Cuộc đời ba trải qua hai cuộc kháng chiến, ba đã làm được nhiều việc cho cách mạng, nhưng trận đánh đó thật đặc biệt, ngày đó ba sống có ý nghĩa nhất, có thể một ngày đó là trọn cuộc đời ba”.

Tình người Tây Nguyên

Người Bahnar đặt cho ba tôi tên Bá Kroong (tên hoạt động của ông là Phạm Hồng). Ông ở trong rừng, đóng khố và nói tiếng Bahnar. Chị Ngăm, người dân tộc, chỉ dẫn cho ba tôi cách mặc áo “ló”: “Mày bụm cái của mày lại, tao quấn cho!”. Ông bảo:Thấy người ta mặc thì đơn giản, đến lượt mình tròng vô, đi vài bước là tuột. Chừng mặc được rồi thì lại thấy trống trơn như “trống rỗng”, đi lại trong rừng cây lá cứa vào người rặm xót và ngứa ngáy. Nhưng rồi dần dần cũng quen và quen tới 20 năm...”

 

          Ông Bá Kroong ấy đã trở thành người Bahnar.

Ông ở trong rừng, giữ được bí mật của người nằm vùng. Dân bản nuôi ông, che chở cho ông và luôn tin rằng cán bộ không bỏ mặc dân. Đường dây liên lạc đến xã do người dân tộc địa phương đảm trách, họ chuyển tài liệu rất kịp thời và không bao giờ thất lạc.

Là bí thư huyện ủy, ông đưa thanh niên ra rừng, sống nửa hợp pháp: Địch vào làng, thanh niên ra rừng; địch đi thì thanh niên trở về làng. Rừng núi mênh mông, bản làng xa nhau, nhưng khi ra rừng thanh niên có cơ hội tập trung học chữ, học chính trị, ca hát, văn nghệ. Thanh niên đấu tranh lôi kéo” chủ làng, rồi chủ làng cũng đứng về phía họ để giấu “quốc gia” về cuộc vận động chống bắt lính :Thanh niên nó ham cái rẫy, ham đi săn hơn đi lính quốc gia, nó nói quốc gia có đốt làng thì đốt, nó làm làng khác!” Cứ thế ba tôi cảm hóa dần dần, chiếm được lòng tin và tình thương của dân bản. Không chỉ thanh niên mà các em bé cũng thương ông. Thằng bé Byeh, cháu ngoại Già Suýt, thường quấn quít bên ông. Byeh hay mang ra rừng cho ông khi thì bó rau lúc thì trái cà. Ba tôi nói nó tầm tuổi với chúng tôi, nó làm ba nhớ chúng tôi ở ngoài Bắc quá. Byeh cùng ăn cùng ngủ với ba tôi như tình cha con. Già Suýt nói:Để tao làm lễ cúng Giàng cho Bá Kroong nhận thằng Byeh làm con. Tao cũng cho luôn ba đứa chị nó là con Uyn, con Ur, con Byak làm con Bá Kroong đó à!” Nói là làm, ngay tối hôm sau Già Suýt mang gà và rượu ra rừng làm lễ cúng Giàng. Hóa ra, cúng Giàng là cắt tiết gà vào ghè rượu thấm rượu đó quanh vú người cha, các con sẽ bú vú cha. Thằng Byeh làm vậy thì được chứ các cô chị cũng đã 17,18 tuổi rồi! Ba tôi cười hiền nói Già Suýt tìm cách khác. Cuối cùng, Già Suýt thấm rượu quanh vú ba tôi, vắt vào ghè rượu và ba cô chị uống rượu cúng Giàng. Vậy là ba tôi có một gia đình ở làng Đê Kroong Hra. Núi rừng Tây Nguyên là quê hương của ba tôi, người dân Tây Nguyên là cha, là con của ba tôi. Tình cảm đó theo ông suốt cuộc đời, những kỷ niệm đó không bao giờ phai mờ trong ký ức của ông.

Sau giải phóng, là Chủ tịch Tỉnh Gia Lai – Kon Tum hàng năm Tết đến, ông thường đi thăm dân bản, thăm các gia đình đã cưu mang ông. Có lần về đến làng Đê Kroong Hra không thấy Già Suýt và thằng Byeh ra đón, hỏi mới biết chị Byak của nó đang sốt cao do khi sinh bị sót nhau. Ông lập tức chở Byak lên Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Còn Đinh Tiêk, liên lạc viên của ông những tháng ngày gian khó, tuy giờ đã là kỹ sư nông nghiệp, trưởng Ban Dân tộc miền núi Tỉnh Gia Lai, đại biểu Quốc hội Khóa 8, ông nhớ hoài cậu bé Tiêk mỗi khi ra rừng chuyển tin thường dùng tay tách các bụi cây tìm đường. Ngày đó, ông hỏi sao không dùng rựa phạt cây, Đinh Tiêk nói: “Sợ để lại dấu vết, tụi lính nó phát hiện được.” Ông rất quan tâm đến cuộc sống của con em các cán bộ Cách mạng đã hy sinh. Krun, con đồng chí Đêi, người chiến sĩ bị bọn địch dìm xuống sông Ba, nay là công nhân sửa chữa máy của Đài phát thanh. Ông ba lần về Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định và đã tìm được gia đình cán bộ Thung, người cùng ông tổ chức trận đánh “vượt rào” năm xưa (Thung là tên hoạt động của bác ấy). Bác Thung sau đó đã hy sinh trên đường công tác, không hài cốt, không bia mộ. Chúng tôi thắp nhang trên bàn thờ bác ấy và giúp cho các cháu nội của bác ấy công ăn việc làm tại Quy Nhơn.

              

   Từ phải qua: H’Yot chính là người du kích đã “hạ” tên Kêi, ba má tôi, vợ chồng liên lạc viên Đinh Tiêk bên Bầu rượu cần cùng với chú Tam – nguyên Chủ tịch Tỉnh Gia Lai. 

Người sống thực hiện di nguyện của mình

Ba tôi thường tâm sự: “Thế hệ của ba đã dành được độc lập, tự do cho đất nước. Nay thấy con cháu làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời, lại còn hiểu biết cả thế giới, ba thấy tự hào và mãn nguyện quá!” Ông muốn sau khi mất, sẽ được rắc tro trên hàng cây trước UBND Huyện Kong Chro, Tỉnh Gia Lai, nơi còn đọng âm vang tiếng súng của ông năm ấy. Ông mong muốn dùng số tiền tiết kiệm của mình để làm Quỹ Học bổng cho trẻ nghèo hiếu học Huyện Kong Chro.

Nhưng nỗi khắc khoải với “cái nghèo, cái chữ” của đồng bào Tây Nguyên trong ông còn mạnh hơn cái chết. Và ba tôi lại nghĩ khác, làm khác: Tại sao mình không tự thực hiện di nguyện của mình khi còn sống? Vậy là tháng 7/2007 ông làm tờ trình gửi UBND Tỉnh Gia Lai xin thành lập “Quỹ Học bổng Gia đình Phạm Hồng”. Ông đã gửi Sổ tiết kiệm 200 triệu (tương đương mười lượng vàng) vào ngân hàng. Cứ tháng 9 hàng năm, Chủ tịch Huyện Kong Chro sẽ rút tiền lãi, phối hợp với Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, trao học bổng cho những trẻ nghèo hiếu học trong buổi lễ khai giảng. Đến nay Quỹ Học bổng này đã thực hiện qua 8 năm học. Mỗi năm 20 đến 30 trẻ được nhận học bổng như ghi nhận tình thương và đóng góp của ba tôi cho huyện nhà. Chủ tịch huyện đều đặn gửi danh sách những trẻ nhận học bổng và thư cám ơn cho ông. Ba tôi nói: “Làm xong Quỹ Học bổng này, ông vui lắm, thấy khỏe ra và chắc ông sẽ sống thêm nhiều năm nữa…”

        Nhưng tôi hiểu cái vòng “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người… Sau này, khi ba tôi ra đi, chúng tôi sẽ đem ông về lại với núi rừng Tây Nguyên. Những suất học bổng ấy của ông sẽ được chúng tôi duy trì và phát triển giá trị để ba tôi, ông Bá Kroong, mãi mãi được sống trong lòng người Bahnar.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 7 năm 2005.


Người post: HienVC

Ngày đăng: 09-07-2015 00:12






Xem 21 - 29 của tổng số 29 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: TuyetHA
09/07/2015 15:45:57

Chị Hoa ơi, câu chuyện về ba chị - Cụ Phạm Hồng, Bá Kroong càng làm cho chúng ta vô cùng cảm phục và tự hào về thế hệ những người cha của chúng mình - Những người dù xuất thân từ thành phần nào, dù ở vị trí công tác nào, một khi đã dấn thân vào con đường CM là không một khó khăn nguy hiểm nào có thể ngăn cản bước chân của họ, những con người suốt một đời luôn cống hiến hết mình cho đất nước, cho nhân dân không màng danh, lợi. Chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ có một thế hệ như thế! Chỉ tiếc rằng bây giờ thật hiếm hoi tìm được những tấm gương vì nước vì dân như các cụ! Cho em qua chị gửi tới cụ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc! Kính chúc Cụ - Bá Kroong khoẻ mạnh và sống thật lâu cùng con cháu!



Từ: CucNT
09/07/2015 14:52:24

Bài này chị viết từ năm 2005 mà nay em mới được đọc. Xúc động quá! Thật ngưỡng mộ những người con ưu tú của dân tộc như ba của chị. Chị viết chuyện có thật mà hay như tiểu thuyết. Chúng ta đã chiến thắng ngoại xâm nhờ 1 thời cả dân tộc đã đồng lòng như thế.


Tấm gương của ba chị, rất nhiều quan chức thời nay phải học. Núi rừng Tây nguyên hùng vĩ ghi dấu hình ảnh, công lao của ông và những đồng chí khác. 


Chị ơi! Ba chị giờ ở đâu, Sài Gòn hay Quy Nhơn. Hôm nào Hội Kgu ghé thăm ba chị nhé!



Từ: GiangHV
09/07/2015 14:18:22

 


 


 Chỉ có thể nói "Vô cùng kính trọng!". 


 


 


 



Từ: Guest BìnhPT
09/07/2015 12:17:39

Thế hệ của của ông là cả đời hy sinh cho đất nước. Nay đến khi đã về già, ông lại lo tiếp cho thế hệ măng non. Đây luôn là những tấm gương cho chúng ta noi theo. Em đã có 10 năm đi công tác Tây Nguyên liên tục nên cũng yêu quý mảnh đất đó lắm và em cũng nhiều lần được làm việc với bác Tam. Những lần phê duyệt về Phát triển kinh tế văn hóa xã hội Tây Nguyên đều có rất nhiều cán bộ làm việc tại Tây Nguyên tham dự, có khi có bác mà em không được biết cũng nên.


Chị Hoa cho chúc em gửi lời chúc sức khỏe đến ba má chị. Mong sao quỹ học bổng của ông sẽ còn phát triển.



Từ: LyTM
09/07/2015 11:31:49

Cảm động quá chị Hoa ơi, về sự kiên trung và tấm lòng hào sảng của ba chị, về sự kiên cường hy sinh của ông và đồng đội bà con dân tộc trong cuộc chiến gia khổ! Em xin cảm ơn chị. Chị cho em được gửi lời kính chúc ông sức khỏe và hạnh phúc! chị và gia đình có  quyền tự hào về tấm gương hết lòng vì đất nước, nhân hậu và thủy chung của ông chị ạ! Trong thời buổi này, người làm được điều như ông cho trẻ nghèo được khuyến khích học không có nhiều.


Em xin viết tặng ông mấy dòng ạ:


 


Đã qua thưở ở rừng đánh giặc


từ thương đau, từ tàn ác kẻ thù,


từ hy sinh, đau khổ mịt mù


chẳng có gì ngăn bước chân vì nước!


 


Trước hờn căm kẻ thù không chịu được


quyết cho dân thoát tàn độc ác ôn,


dạy cho dân dũng khí chẳng sờn,


rèn cháu con cùng một lòng đánh giặc!


 


Hòa bình rồi, lòng người trong vằng vặc


thương dân nghèo, mong rạng rỡ tương lai,


Quỹ khuyến học vì đất nước nay mai,


Bá Kroong, ông là người CHÂN CHÍNH!


 


Chị Hoa ơi, em viết nhưng bấm nhầm lúc post nó bay mất, viết lại ngắn thôi! em cám ơn chị!



Từ: BaLX
09/07/2015 11:18:17

Ảnh ba má chị Hoa đẹp lão quá. Ông đúng là người con của núi rừng Tây Nguyên, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã giành cho miền đất Tây Nguyên, em kính chúc ba má chị sống lâu cùng con cháu.n



Từ: ThoaNP
09/07/2015 08:46:45

Cảm ơn Chị Hoa. Bác thật vĩ đại, cả cuộc đời gắn bó với cách mạng Tây Nguyên. Ảnh Bác lúc trẻ đẹp quá, đúng là chàng trai Tây Nguyên. Nhà chị giữ được nhiều ảnh quý nhỉ. Ảnh hồi bé chị cũng có những nét như sau này, nhìn là nhận ra ngay. Ba chị giờ đang ở đâu, Quy Nhơn hay Sài Gòn. Nếu là ở SG thì tụi em đến thăm được không ạ? Nếu ở Quy Nhơn thì sang năm Du Xuân mình ghé thăm Bác nhé.


Em ngưỡng mộ Bác quá. Chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu với con cháu.



Từ: NguyetTM
09/07/2015 08:11:25

Chị Hoa ơi, xin cảm ơn chị đã cho em biết đến người cha thật đáng kính trọng và khâm phục của chị, và như chị Phong nói đúng Bá Kroong như "Đại bàng của núi rừng Tây nguyên" vậy. Có lẽ giá trị của con người Việt Nam là nhờ khí phách, tâm hồn và cuộc đời của những người như Bá Kroong. Xin chúc mừng hạnh phúc to lớn của gia đình, mong cả đại gia đình chị luôn mạnh khỏe và tỏa hơi ấm cho đồng bào nhé. Con kính chúc Bá Kroong sống lâu muôn tuổi ạ.



Từ: PhongPT
09/07/2015 03:51:24



Cuộc đời dữ dội và nghĩa tình như đại bàng núi rừng Tây nguyên của Ba hiện lên thật ấn tượng qua câu chuyện cảm động của con gái. Đã có một thời như thế, đã có những người như thế.





<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s