KGU News >>Người KGU >>Chúng ta
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 24 Tháng mười một. 2010

LỚP CHÚNG TÔI - VL76 (PHẦN 2)




Tác giả: HoaiPV

LỚP CHÚNG TÔI – VL76 (PHẦN 2)

(…Tiếp theo)

Nhóm “tóc dài quần loe” của lớp, ngoài Tiến Khoa, còn có Quý Nam, Anh Minh và Quý Huy.

 Quý Nam đá bóng hay, nhiều tiểu xảo (anh Uyển lớp OB73 chắc vẫn nhớ cú ngã trên sân KTX khi chèn bóng với Q.Nam?), chuyên là người đưa bóng cho đồng đội làm bàn. Món tóc dài với Quý Nam chỉ để làm dáng và "cho đỡ rụng" thôi! Nam rất thông minh, biết nhiều, hay nói, chỉ có điều chưa biết cách làm rung động trái tim phụ nữ nên cho đến bây giờ vẫn vườn không nhà trống. Huy có nhớ một câu chuyện Quý Nam bị một em Môn làm nhà ăn cưa đổ và rủ đi chơi. Tối hôm đó đi chơi về khi mọi người hỏi chuyện, Nam trả lời: nó nói với tao là thôi chỉ đi chơi hôm nay, lần sau không phải đi nữa, có gì thì ra nhà ăn muốn ăn món gì cũng được! Bọn tôi cười bò ra, còn bây giờ lớp chúng tôi treo giải, ai tìm giúp nửa còn lại cho Quý Nam thì sẽ muốn gì được nấy. Minh "gù" (chúng tôi gọi thế vì cái dáng đi hơi còng lưng của bạn) thì ngược lại với Q.Nam. Yêu từ nhỏ và mối tình từ thuở phổ thông vẫn bền vững qua tháng năm! Cháu Bạch Dương- phát thanh viên VTV, hiện nay ở TP HCM là kết quả của mối tình keo sơn ấy. Minh "gù" cũng như Quý Huy, sau khi về nước hai người chuyển sang công tác ở Bộ Ngoại thương, cùng ở Machinoimport, đều là gạo cội của Tổng công ty. Tóc dài của hai người "phát huy hiệu quả" tốt trong môi trường này. Huy lắm tài lẻ, một trong những tài ấy là cưa đổ một em dự bị mà rất im hơi kín tiếng (với “hệ số cưa” 9,5)! Huy đã kể chi tiết trong tự sự trên Studentkgu. Sự tích "cười ra khoáng sản" Huy cũng đã kể do một lần "trượt tuyết nghệ thuật" ở hồ Komxomôn sau đó phải vào viện cắm 2 cái răng giả sáng loáng. Về tài may mặc thì Huy là người duy nhất trong hội "thợ may" gồm 6 tên VL chung tiền mua con máy khâu M67 là biết cắt may các kiểu quần ống loe. Huy kể cứ 2 cái quần cũ cắt đầu gối ra nối ngược lại với nhau thế là thành một quần loe rất mốt, nối gối và có nẹp viền! Hầu như tất cả quần loe của "hội quần loe tóc dài VL76" là do Huy thiết kế và thực hiện. Có lẽ đây cũng là "xưởng may" quần loe duy nhất của hội SVVN vào thời gian đó. Còn riêng tài chụp ảnh của Huy chắc chưa mấy ai biết tường tận. Số là năm thứ nhất, lớp chúng tôi học nghề môn chụp ảnh. Huy ta mua đâu được cái máy ảnh Smena mới khự, bèn rủ cả lớp đi chụp ảnh - ôn bài. Cả lớp lặn ngụp khắp các danh lam thắng cảnh, ra cả hồ Komxomon thơ mộng nữa. Cuối cùng 36 phim cũng được chụp hết. Huy mở nắp máy ảnh ra, chưa ai kịp hiểu Huy định làm gì, thì roạt một cái, hắn ta đã kéo tuột cả cuộn phim ra…để xem ảnh chụp có đẹp không! Chắc chắn là đẹp rồi vì tối đen cả mà! Tích này chắc Thuỷ nhà Huy chưa được biết

Mười lăm tên lớp chúng tôi chia làm ba nhóm ở ba bộ môn. Riêng bộ môn quang học chỉ có mình Nam Phong, số còn lại chia đều cho hai bộ môn là Vật lý lý thuyết và vật lý bán dẫn thực nghiệm. Nam Phong quê ở Ý Yên, Nam Định. Gia đình có hoàn cảnh riêng, bố mẹ mỗi người một nơi. Phong thông minh, hùng biện. Trong lớp chưa ai "cãi" thắng được Phong, vì nếu có sắp thua, kiểu gì Phong cũng chuyển được sang vấn đề khác và cuối cùng phần thắng vẫn thuộc về Phong! Luận án tốt nghiệp của Phong được khoa đánh giá cao, nó mở ra một vấn đề khoa học mới, rất tiếc sau đấy Phong không có điều kiện tiếp tục công trình này. Về nước Phong  vào Viện kỹ thuật quân sự cùng Quý Nam, Hoài và Nhuận. Khuôn mặt chữ điền cùng đôi mắt sáng luôn cười khiến ai gặp một lần đều khó quên.

Đến năm 1985 Phong chuyển sang công tác ở Ban Đối ngoại, Uỷ ban KHXH, và thời gian này tài hùng biện của Phong có đất dụng võ! Công việc đang thuận lợi thì không may Nam Phong bị tai nạn mất ở Nga (năm 1992), để lại người vợ một mình. Chúng tôi luôn nhớ về Phong, nhớ về một người bạn giỏi giang, hùng biện và đôn hậu cùng những nét buồn buồn trên khoé mắt.

Người hay tranh luận với Nam Phong nhất là Lê Văn Khôi và Trần Nguyên Tường. Khôi nhanh nhẹn, tháo vát, khi nói cả mắt mũi tay chân đều "minh hoạ", đôi khi còn yểu điệu như con gái! Khôi "giàu " nhất lớp vì ngoài xe đạp Sport, máy khâu như mọi người, Khôi còn có cả đài Rigonda! Nhà Khôi ở phố Hàng Than- HN, chật chội như hầu hết các gia đình thuộc khu 36 phố phường. Hai hộ lớn ở chung, lấy đường đi giữa làm biên giới, riđô ngăn các cặp vợ chồng già, trẻ! Chính bố Khôi là thợ may chính hiệu đã dạy cho Quý Huy cách đo cắt quần "lật trái, lật phải" rất hài hước, chuyện này chắc chỉ nói truyền miệng được thôi! Khôi nguyên là “Viện sĩ” duy nhất của lớp (công tác tại Viện KHVN). Sau đó Khôi sang Ba Lan và sau khi bảo vệ luận án, Khôi ở lại làm cộng tác viên của Viện Hàn lâm KH Ba Lan.

Nguyên Tường là Nhà thơ lớn của lớp, thỉnh thoảng có tây tây, ta ta một chút. Nói vậy vì chúng tôi không biết lúc nào "hắn" say nữa! Có một lần thấy Tường say quá, chúng tôi đặt hắn lên giường, được một lúc hắn lại lăn xuống đất. Cứ lên lên xuống xuống như vậy đến cả chục lần, chán quá và thấy nghi nghi, chúng tôi bỏ ra ngoài và đóng cửa. Than ôi, qua lỗ khoá thấy hắn ta lại rơi xuống đất, chờ một lúc không thấy động tĩnh gì, hắn he hé  mắt nhìn nhưng không thấy còn ai bên cạnh nữa, vậy là lồm cồm bò dạy trèo lên giường, ngáy tít! Tường làm thơ nhiều, nhất là khi trái tim đập thình thịch! Những bài dạng " Chim ơi chim, chim có quả tim tròn", hoặc " Hàng dậu dài không ngăn nổi lòng ta" thì nhiều lắm! Những bài như Hồ Komxomon đăng trên trang Web của KGU cũng không hiếm. Có lẽ cũng vì trái tim của Nguyên Tường dễ xúc động nên khi Bố mất mà Tường đang ở Ulianôpsk không về được và những giọt nước mắt từ con tim hiếu thảo đã thành những giọt thơ. Bề ngoài của Tường trái với bên trong, gân guốc và nóng nảy! "Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha"- chẳng thế mà Tường đã từng "tay bo" cả với bạn cùng lớp, không phải một mà còn hai. Nguyên Tường thuỷ chung với mối tình thời thơ bé cũng như Nguyễn Anh Minh, hiện giờ vợ chồng Tường - Trà đang rất hạnh phúc bên con cháu ở TP HCM. Thầy giáo trường ĐHKHTN vẫn “luyện đan” đều đều ở các "lò" ấp trứng!

Một trong những thành viên nổi bật của lớp chúng tôi là Trần Quang Hưng, người đã chịu thua trong trận ăn trứng rán kể ở trên. Học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, giải năm thi toán miền Bắc năm 1970. Bố Hưng là liệt sĩ chống Pháp khi Hưng mới 1-2 tuổi. Phải nói "tay chiêu" của Hưng rất khéo, ngay từ khi học ở KGU và đến cả sau này. Cuộc sống thiếu bàn tay của Bố đã rèn cho Hưng phải biết làm nhiều thứ từ bé. Cũng bàn tay chiêu ấy đã làm rung động trái tim một hoa khôi OB77, khi tay họ chạm vào nhau (không biết tình cờ hay hữu ý) trong một tối cùng xem phim ở Khu nhà nghỉ Kommunannhich hay Lexnôi gì đó! Cái trán hói của Hưng cũng rất giỏi, kể từ việc đánh đầu đưa bóng vào gôn đến việc tư duy học tập, làm việc, kinh doanh. Về nước, dạy ở ĐH Bách khoa HN từ Vật lý lý thuyết, Hưng chuyển thẳng sang Vật lý vô tuyến, mà lại rất giỏi nữa. Thi tuyển NCS ngành Vô tuyến Hưng đạt điểm tuyệt đối 30/30. Sau này khi kinh doanh ở Ba Lan tốt, Hưng đã rất muốn mở trường ĐH Dân lập ở nhà theo cách đào tạo khác thiết thực hơn (lúc đó ở VN mới chỉ có trường ĐHDL Thăng Long), nhưng rất tiếc ý định đó chưa thực hiện được. Kinh doanh thua thắng cũng là chuyện bình thường, hy vọng Quang Hưng mãi sẽ vẫn trong vòng tay bạn hữu.

Ở Ba Lan hiện nay, ngoài Hưng, Khôi còn có Mai Xuân Lý. Câu chuyện "tìm trẻ lạc" ở nhà nghỉ Kommunannhich  của Khưu VL76 trên studentkgu là viết về Lý và Tâm OB76 đấy! Nhưng không phải đến sau này họ mới "lạc" đâu, mà đã lạc ngay từ hè khi kết thúc lớp dự bị kia! Lý rất thông minh, chỉ phải người hơi nhỏ con một tý, thành ra thỉnh thoảng khi bị bạn "bắt nạt" (vì Lý cũng hay tranh luận mà!), lúc ấy chỉ biết giở bài AQ là "nó đánh mình cũng như đánh bố nó thôi!", rồi lấy hai ngón tay xoắn một bên tóc mai lại. Nhiều lần thành quen, bên phía ấy tóc mai đến bây giờ đã duỗi thẳng được đâu! Hiện giờ Lý đã là GS- TSKH của Ba Lan, năm nào cũng về nước đôi ba lần tham dự HNKH.

Trong lớp chúng tôi hiện giờ vẫn có  ba người trọn đời “phấn đấu theo quân ngũ” là Quốc Hùng, Văn Hoài và Thế Nhuận. Cả ba đều là trò của bộ môn Vật lý bán dẫn. Hoài ở Viện KHCNQS, còn Hùng và Nhuận ở Học viện KTQS.

Quốc Hùng khéo tay, chữ đẹp, tiếng Nga cùng “trang lứa” với Khoa, Nam Phong, vì thế vở ghi của Hùng cũng thuộc loại “hay được mượn”. Hùng không hay đá bóng, cùng lắm thì đứng gôn cho bạn sút, nhưng bù vào đó tài vẽ thì nhất lớp! Chính Hùng là người cùng thiết kế, in ấn Thẻ cử tri mà Hội KGU sử dụng trong ngày lễ Bầu cử quốc hội tượng trưng một năm sau ngày chiến thắng 30/4/1975. Nhưng xuất thần nhất với Hùng có lẽ là những lúc thầm thương trộm nhớ, Hùng có thể vẽ lại khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy từ các góc  khác nhau, các bức ảnh lung linh đến mức chỉ nhìn phía sau lưng ta đã biết mái tóc thề ấy là của ai! Hùng là người duy nhất của dân Vật lý thực nghiệm quay lại KGU làm TS.

Thế Nhuận là người hiền lành nhất lớp. Người Thanh Hoá - đất nhiều Vua, nhưng Nhuận chỉ thích làm Dân! Nhuận không lẫn vào đâu được vì cái tóc “bò liếm” của mình! Bà giáo Nga văn Liubov Leonchepna rất yêu quý cậu bé ít nói, mà hình như bà ấy muốn ghép cho cô con gái nhỏ của mình. Rất tiếc Nhuận nhát quá, không thì bây giờ chẳng biết thế nào, có khi cũng là ông Đại sứ toàn quyền thứ hai của Hội KGU sau em Huyền ở Kisinhốp cũng nên! Nhuận sống tình cảm, không ồn ào và rất chu đáo với mọi người, có lẽ Nhuận chưa vắng mặt lần nào mỗi khi có chuyện buồn của bạn, và vẫn thầm lặng theo cách của riêng mình!

Người cuối cùng trong lớp VL76 chúng tôi là Hoài, bạn là lớp trưởng của lớp từ năm thứ 3 trở đi, tất nhiên là của 15 thằng chúng tôi, còn ở trên khoa Vật lý thì lúc đó chúng tôi đã phân ra thành 3 nhóm: Vật lý lý thuyết (Khoa, Đức, Huy, Nam, Hưng, Dũng và Lý), Vật lý thực nghiệm bán dẫn (Hùng, Hoài, Nhuận, Tường, Minh và Khôi), Vật lý quang học (Phong). Hoài lúc nào cùng cũng là người rất chu đáo với anh em, tuy là ‘xếp’ nhưng rất dân chủ, động viên anh em đi xem phim TB để về…kể lại cho những bạn chưa được xem. Đặc biệt bạn rất quan tâm đến các em dự bị mới sang (chủ yếu là nữ) tất nhiên là để giúp đỡ các em những ngày đầu bỡ ngỡ. Nói như vậy là vì vợ Hoài hiện nay cũng chính là 1 em dự bị sang năm 1973 sau đi Ôdetxa học Khí tượng Thủy văn cùng trường với vợ Huy, nhưng thực ra lại ‘cảm’ em sau này khi đã về nước gặp lại em. Chắc thời gian ở KGU Hoài chọn lọc kỹ quá nên không ‘quyết’ được em nào chứ trong 15 đứa chúng tôi người mà chị em biết nhiều nhất, chơi thân nhất chính là Hoài lớp trưởng. 

...Lan man mãi, không biết đã viết đến ấn tượng thứ bao nhiêu của lớp VL76  rồi. Hình như chưa viết được gì, mà hình như đã viết hết. Muốn kể thêm về những lần cả lớp mang ga giường đi hái quả cho nông trường bằng phương pháp rất vật lý...là rung cây! (phát minh mang tính đột…phá!) hay những chuyến đi Hữu nghị về nông trường hoặc trường Internat, nhảy múa với những em gái mắt sáng ngời, má đỏ - những chuyến đi “bổ túc” tiếng Nga cực kỳ hiệu quả! Muốn kể thêm về những chuyến đi lao động theo Atriad cùng với các bạn sinh viên nước ngoài hoặc những chuyến đi tham quan, những kỳ nghỉ hè đầy thơ mộng, vấn vương; hay kể câu chuyện suýt “choảng” nhau với bạn Nga chỉ vì ủng hộ đội nào trong những trận khúc côn cầu nảy lửa giữa Liên Xô và Tiệp Khắc!...

Tháng 7/1976 chúng tôi về nước với bao ước mơ ấp ủ. Mỗi người một lĩnh vực, một niềm say mê, một cuộc sống gia đình riêng trong những năm tháng còn hết sức khó khăn “cơm áo, gạo tiền” của đất nước! Mãi đến năm 1986 - mười năm sau khi về nước chúng tôi mới chính thức gặp mặt nhau gần như đầy đủ lần đầu tiên tại căn phòng tập thể 12m2 của vợ chồng Hoài trong khu tập thể khí tượng Láng (tất nhiên vẫn có  những lần gặp nhóm nhỏ bốn năm người). Lần ấy đã có mặt các cháu thế hệ F1: Minh Anh (con gái Hưng - Minh), Kiên (con trai Nhuận - Dung), Giang (con gái Huy - Thuỷ) và Vân (con gái Hoài - Thanh). Rất tiếc bức ảnh kỷ niệm lần gặp mặt ấy không còn giữ được! Thời gian ấy cuộc sống đang thực sự khó khăn, chế độ bao cấp “tem phiếu” vẫn ngự trị, gia đình nào cũng có con nhỏ (bố mẹ vẫn phải tính toán mấy lạng tem phiếu nên mua thịt hay xương để được gấp đôi số lượng!), nhưng rất ngạc nhiên hôm đó chúng tôi vẫn nói chuyện nhiều về vật lý và “xếp hàng” thi nghiên cứu sinh!

          Trong mười năm sau đó, năm bạn trong lớp chúng tôi Đức, Khoa, Hưng, Khôi, Lý gần như thường trú tại nước ngoài, chủ yếu vẫn là hoạt động khoa học. Trong nước chia làm hai nhóm - Hà Nội và Sài Gòn. Các nhóm thỉnh thoảng vẫn tụ họp với nhau. Huy, Minh nối tiếp nhau đi “nâng cấp” nghiệp vụ tại Matxcơva; Hùng về làm NCS tại Kishinhốp; Tường bươn chải tại Nga sau đấy vào ĐHTH TPHCM cùng Hoàng Dũng; Quý Nam chuyển ngành sang Tổng cục hải quan.

  Sau năm 1996 - nghĩa là sau 20 năm ngày ra trường, lớp chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn, nhưng chủ yếu vẫn là nhóm phía Bắc, thời gian này thường có sự tham gia của các anh Lý khoá 1 và các em khoá dưới. Hoàng Dũng thỉnh thoảng ra HN công tác, anh em lại bù khú với nhau, còn Tường lâu chưa ra HN. Năm 1998 Quốc Hùng đề xuất ý kiến nhân có Hội nghị vật lý toàn quốc vào năm sau, lớp tìm cách mời và tổ chức cho Thầy Ximashkevich - từng là Chủ nhiệm khoa Vật lý sang thăm VN. Vậy là kế hoạch được thống nhất, từ việc góp tiền mua vé, cách gửi tiền cho Thầy (cũng hết sức cam go vào thời điểm ấy, may nhờ có anh Bôi CL75 đang ở Matxcơva giúp cho!), rồi kế hoạch chi tiết tiếp đón Thầy ở Hà Nội, Hạ Long và TP HCM, rồi đến cả những việc nhỏ như mua thuốc bệnh cho cô nữa (vợ Thầy bị bệnh tim nặng). Rất mừng mọi việc sau đấy đều rất hoàn hảo, chuyến đi VN của Thầy năm 1999 bằng cả máy bay và tàu hoả (từ Kisinhốp đến Matxcơva và ngược lại) thành công mỹ mãn với nhiều ấn tượng khó quên cho đến tận bây giờ! (Sau khi thầy trò du ngoạn thuyền rồng Hồ Tây và ghé “Quán Ông già” thưởng thức ẩm thực, Thầy còn ghi cả công thức pha chế nước chấm ốc luộc về cho vợ nữa cơ mà!). Quốc Hùng (VL76) và Xuân Hồng - Thanh Mai (VL77), những học trò trực tiếp của Thầy góp nhiều công sức cho thành công này!

          Có lẽ sau lần gặp gỡ ấy chúng tôi gặp mặt nhau thường xuyên hơn, và các cuộc gặp mặt đầu xuân hàng năm của Hội Toán - Lý cũng bắt đầu từ đấy! Đầu tiên là những buổi giao lưu tại một số địa điểm trong Hà Nội như Quán Sơn Thuỷ, quán Erisson, sau đó đi picnic xa hơn như như Thiên Sơn-Suối Ngà, V-resort hay lãng đãng trên sông Hồng. Những buổi giao lưu ấy không chỉ gắn chặt lớp chúng tôi hơn, mà còn tạo điều kiện cho ACE Toán -Lý tìm lại được nhau, hiểu nhau, tụ hội và gắn kết với nhau hơn trong gia đình nho nhỏ của KGU. Quang Ngọc (TS 79), Xuân Hồng (VL 77) đã đóng góp hết mình cho công việc này.

          "Luật bất thành văn", mỗi khi có bạn cùng lớp như Dũng từ TP HCM ra, Lý - Đức - Hưng từ nước ngoài về, hoặc Khoa về “định cư” hẳn ở Hà Nội, chúng tôi lại gặp riêng lớp với nhau. Quán “Tri kỷ” lúc ấy trở nên đúng nghĩa tròn trịa của nó! Năm 2009, người mẹ tần tảo của Hưng mất, chúng tôi gặp nhau cùng sẻ chia nỗi mất mát tại Nam Định. “Chia buồn sớt vui” vẫn là Đạo của những người bạn! Chính vì thế sau buổi tôn vinh “Nhân tài đất Việt” tối 21/11/2010 vừa qua, trong đó GS-TS Đào Tiến Khoa của chúng tôi vinh dự nhận giải Nhất về “Cụm các công trình nghiên cứu phản ứng hạt nhân”, chắc chắn lớp VL76 thế nào cũng phải gặp nhau rồi!

Nhiều chuyện lắm mà cũng ấn tượng lắm, nhưng có lẽ để lại sẽ viết sau. Chắc chắn những câu chuyện Tình bạn, Tình yêu của một thời trai trẻ lớp tôi chưa được kể hoặc mới chỉ chấm phá sẽ rất dài - âm thầm, mãnh liệt, mơ mộng như tính cách của chính chúng tôi! Giọt mật Tình yêu mãi vẫn ngọt như giọt nắng thu trải vàng trên con đường Kuznhetskaia, Benderskaia dẫn từ khu KTX đến cổng trường KGU thân yêu!

          Đã tròn 40 năm từ khi lớp chúng tôi gắn với nhau dưới mái trường KGU. Thời gian trôi thật nhanh, nửa đời người còn gì! Mái tóc hầu hết đã pha sương, có người còn bạc trắng. Vậy mà kỳ lạ, gặp nhau vẫn thấy như cái thuở ban đầu, vẫn mày tao chí tớ, vẫy huyên thuyên trêu chọc nhau như những đứa trẻ! Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giám đốc, sĩ quan cao cấp, “doanh nhân già” vẫn trở lại cái thuở cô giáo tiếng Nga dẫn cả lớp ra công viên học tiếng, cô giáo chỉ thùng rác: "Это урна”, cả hội đồng thanh đọc theo rồi cười như nắc nẻ!

 

          Đấy là “LỚP CHÚNG TÔI”, mấy chữ mà ai trong đời cũng muốn thốt lên ít nhất một đôi lần bằng cả tình yêu trọn vẹn trong trái tim mình!

                                     Hà Nội ngày cuối Thu 2010

                          Văn Hoài – Quý Huy (VL76 KGU)

 


Người post: HuyTQ

Ngày đăng: 24-11-2010 18:06






Xem 11 - 20 của tổng số 26 Comments



Từ: HanhLT
27/11/2010 15:19:46
Phong có cô bạn tâm giao là hàng xóm của mình vì thế tụi mình thường gặp bạn và cũng biết kha khá về Phong, bạn có vợ tên Hòa, hai vợ chồng không có con vì vậy Phong cũng buồn.
OB 77, nếu mình kho nhầm chỉ có Phẩm Hạnh, CT ở cty ong. Hôm trước gặp Bình tàu được biết hiện nay em đang bị bệnh...


Từ: KhoaDT
27/11/2010 09:47:41
Xin chào "Tướng" Tuyết. Mình nhớ là VL76 có vẻ đã ít giao lưu với OB77 trong những năm KGU (trừ ông Hưng!!!), có đúng không. Mình chỉ nhớ trong hội các bạn OB77 có một bạn nữ rất vui vẻ và friendly với tụi VL76 là bạn Hạnh (không nhớ họ và đệm). Các bạn khác gặp thằng cha "dài loe" là mặt thường "đâm lê" nhưng Hạnh bao giờ cũng cười và chào anh. Hồi đó mình cảm động lắm. Về nước có gặp bạn Hạnh 1-2 lần nhưng cách đây chắc cũng 10 năm rồi. Ai gặp cho gửi lời chào và mời Hạnh tham gia hội KGU nhé.
Dear SƠN, rất mừng là thấy Sơn đã xuất hiện trên diễn đàn KGU, như vậy dân KGU 70-76 chúng ta chăc là nổi nhất trang Web đấy (ông Hải OB76, Thoa CL76, Huy VL76...). Sơn nhớ dai thật đấy, hôm nọ gặp Phư cũng nhắc là nhớ anh Khoa hát bài tiếng Anh hay, bây giờ Sơn remind lại mình mới nhớ cụ thể bài nào (cứ tưởng là một bài khác về bác Hồ). Hẹn gặp nhé.


Từ: TuyetHA
26/11/2010 22:17:25
Đang ấp ủ một bài viết về lớp OB=77 thì các anh đã trình làng trước rồi. Đọc bài về lớp VL-76 mới thấy cuộc sống sinh viên thủa ấy tuy ở các khoa khác nhau, khác nhau về chuyên ngành học nhưng cũng có nhiều điểm giống nhau. Cũng chuyện may quần loe, chuyện xem phim tư bản để rồi có người hối hận không nhận đoàn viên 4 tốt và danh hiệu SV tiên tiến khi bình xét cuối năm và kéo theo cả lớp chẳng ai dám nhận nữa, chuyện giờ thể dục phải chạy quanh hồ Komsomon thì chỉ chạy 1 đoạn đến khi khuất tầm nhìn của thầy là kéo nhau vào bụi cây ngồi chơi, trốn thầy, chuyện nấu ăn, chuyện chơi bóng (con gái chỉ chơi bóng chuyền thôi), chuyện với bà giáo dạy Sử Romanova và rất, rất nhiều chuyện ở cái tập thể 14 con người của OB-77.Anh Hưng là rể của lớp này, nhưng rất tiếc một mối tình rất đẹp, một đôi trai tài, gái sắc lại bị đứt gánh giữa đường. Trong thâm tâm tôi vẫn mong có ngày tái hợp của Minh-Hưng.


Từ: SonTM
26/11/2010 20:32:59
Huy còn thiếu một chi tiết là vào những năm 70 của thế kỷ trước danh ca Demis Roussos nổi tiếng với bài ca “Goodbye my love goodbye!”. Huy với cái magnhitofon to đùng đi đâu cũng mở bài hát đó, nhất là khi ở nhà nghỉ Kodru. Đào Tiến Khoa đã copy lại bài hát đó và trình bày lại bằng tiếng Anh thứ thiệt tại hội diễn văn nghệ của đơn vị với phong cách điêu luyện và được khán giả hôm đó vỗ tay nhiệt liệt.


Từ: HanhLM
26/11/2010 11:19:19
Đọc liền một mạch 2 phần của bài "Lớp chúng tôi - VL76" của anh Huy - anh Hoài và comments bổ sung của các anh chị trong VL76 và ngoài VL76, em chỉ viết được "8 chữ vàng":
“Yêu quý - Cảm phục - Ngưỡng mộ - Tiếc nuối!”
Xin cám ơn cả tập thể VL76!


Từ: Khửu
26/11/2010 10:29:44
Dear Khoa, đúng thế năm 1981-1984 tôi sang Академия Внешней торговли СССР thì dùng tên mới là Чан Кви (bỏ hẳn Ху.. đi cho chị em đỡ sợ!). Cho nên từ khi đi làm (sau 1984) thì tên nick của tôi lại là Kvi như Khoa đã 'bật mí' (vì nó hơi 'tình báo' mỗi khi đi hoạt động CM với cái tên này tôi bảo là nười Nhật hay HQ, ĐL là mua hàng được ngay không bị đuổi). Còn đối với ACE KGU thì đương nhiên tôi là Khưu (Khửu, Khìu hay bất cứ chữ gì có Khờ tôi đều ôkê hết).
Tôi rất cảm ơn số phận đã gắn kết chúng tôi trong cái tập thể VL76 này và giờ đây khi đã sang quá nửa sườn dốc bên kia của cuộc đời tôi lại thấy như mình trẻ lại khi được gặp gỡ giao lưu lại với các chiến hữu một thời oanh liệt cho dù giờ họ có những địa vị XH cao thấp khác nhau, đúng thế chứ các bạn nhỉ. Mong các bạn viết thêm những kỷ niệm đáng nhớ khác để chúng ta cùng chia sẻ.


Từ: ThanhLK
26/11/2010 00:02:38
Không ngờ các anh "vừa vật nhau vừa cãi lý" 76 lại có một tập thể hay như vậy. Em cũng hay chơi cầu lông với anh Phong khi học năm thứ nhất thứ hai và có dịp gặp anh ấy một lần không lâu ở phố Hàng Gà trước khi anh ấy bị mất. Ý kiến của anh Hải bột rất hay đấy, nếu có thể các anh hãy viết nhiều về anh Phong trong một bài riêng.
Theo em, bên Ob. 3 cũng có một lò "tự sản xuất quần loe nữ" và đan áo len xuất khẩu sang "các khoa khác" đấy.
Tiếc là các anh VL mải nhảy múa với các em "mắt sáng ngời, má đỏ..." nên dân CL không có cơ hội trao đổi chia sẻ kinh nghiệm may quần loe...


25/11/2010 23:28:52
Tôi kém các anh 3 năm. Khi mới sang chúng tôi ở cạnh mấy anh Lý 76, các anh Hoài, Hưng và Hùng. Hình như các anh ở phòng số 4, còn chúng tôi (mấy đứa Toán 79 cùng Hồng Đức Lý 77 và 1 cậu người Môn) sống ở phòng số 5 của Ob 1. Chẳng gì Toán Lý là 1 đơn vị của hội đồng hương sinh viên VN. Cái gắn kết ấy đến bây giờ chúng tôi vẫn giữ.
Chúng tôi vừa mới sang, vào học ngay năm thứ nhất nên cũng có chút khó khăn (những năm trước thường được học dự bị 1 năm). Chúng tôi hay được các anh hỏi han, giúp đỡ. Tôi nhớ buổi tối chúng tôi thường ăn ở nhà ăn, còn các anh hay nấu cơm, giờ các anh ăn cơm thì tôi anh sang buồng các anh hỏi chuyện Khi đấy tôi cũng chẳng rõ các anh Lý này thế nào, giỏi giang ra sao, là hàng xóm thì sang chơi thôi.
Thế rồi đến kỳ thi học kỳ 1. Có 1 buổi trưa tôi gặp các anh chị Lý 77 vừa đi thi về và nhờ anh Hùng giải 1 bài thi nào đó (mà hình như các anh chị chưa giải thấu đáo). Tôi tò mò đứng nhìn, vì họ đều năm trên, còn tôi mới vừa vào đại học. Anh Hùng vừa viết, vừa giảng giải, tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Tôi chỉ hiểu rằng, cuối cùng bài toán được giải xong và rõ ràng. Tôi cũng hiểu, các anh lớp này học giỏi lắm, nhìn các anh chị năm dưới nhờ vả là thấy ngay.
Nói chung chúng tôi nhỏ hơn các anh Lý 76 nhiều, nên dù ở sân bóng, trong bếp hay ở góc đỏ, thường dựa cột mà nghe các anh ấy hò hét, cãi chọc nhau. Khoa Toán Lý sinh hoạt chung thì các anh ấy cũng ầm ĩ nhất. Ít nhất về số lượng con trai, lớp Lý 76 áp đảo các lớp khác.
Anh Đức có em gái học cùng dự bị với tôi nên tôi cũng hay hỏi chuyện anh ấy. Nghe đồn anh này học giỏi và chăm chỉ lắm. Phải tội ít nói hơn các anh khác. Sau tôi cùng dạy ĐHBK HN cùng anh. Rồi cùng được cử đi sang Pháp làm NCS. Tôi và anh kể như vậy cùng nhiều trường với nhau. Bây giờ anh ấy làm việc ở Anh, tôi sang anh thăm con gái nhiều lần nhưng không gặp được anh ấy.
Dạo ấy tôi ít gần mấy anh quần loe tóc dài, trông các anh ấy có vẻ khó gần. Thế mà trong đám ấy, anh Huy sau này lại là rể lớp tôi. Cái kỳ nghỉ hè năm 1975 ở nhà nghi Komunanhik ấy, tôi chẳng biết gì chuyện của anh ấy và Thủy. Có thể dạo ấy tôi còn bé quá chăng?
Tôi hay gặp các anh ấy trên sân bóng. Đội các anh ấy chơi đều lắm, rất hay vô địch. Đội hình tôi nhớ được là Hoài, Hưng, Đức, Nam, Nhuận thì phải, còn thủ môn thường là anh Khôi. Nhưng có lần đội Toán chúng tôi thủ hòa đội các anh ấy, để rồi lần ấy chức vô địch lọt vào tay Sinh 78. Giải đấy các anh ấy cãi nhau ghê lắm vì mất chức vô địch.
Tôi có 1 kỷ niệm không quên với các anh Lý 76. Chẳng là tôi được cử làm giao liên cho một anh lớp ấy, chạy giữa Ob 1 và Ob 4. Câu chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng mãi là 1 kỷ niệm ko bao giờ quên.
Sau khi các anh Lý 76 về, khoa Toán Lý vì thế cũng không được phong độ như trước.
Hồi ấy tôi hay nói chuyện với anh Hoài nhiều nhất. Vào 1 ngày anh ấy sắp về nước, tôi còn hỏi anh ấy 1 câu rất đàn ông, chẳng biết anh ấy còn nhớ hay ko? Rồi Tết 2003, anh gọi điện cho tôi bàn về Du Xuân cho hội Toán Lý KGU. Thế là đã 8 Du Xuân rồi, lần năm nay trở thành của toàn Hội KGU.
Web KGU ra đời, tôi lại tiếp tục giao lưu với mấy ngự lâm quân VL 76. Duyên nợ với các anh ấy chẳng bao giờ dứt.


Từ: HaiNV
25/11/2010 19:51:02
Các bạn cũng như mình đều rất thương tiếc Nam Phong, một người bạn giỏi giang, có ý chí, sống hết lòng với bạn bè, nhưng chẳng may mất sớm. Mình vẫn rất nhớ năm dự bị, mình ở cùng phòng với Phong, bọn mình đã cùng chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn. Sau này về nước, khi Phong làm ở Viện KTQS rồi chuyển sang Viện KHXH bọn mình vẫn còn thỉnh thoảng gặp nhau. Theo mình, nếu có thể thì Hoài - Huy hay các bạn khác của lớp VL76 nên có một bài viết riêng, viết nhiều hơn về Nam Phong.


Từ: KhoaDT
25/11/2010 16:53:42
Đoạn Huy và Minh sang Mát là thời gian tôi "khổ hạnh" trong Dubna. Ra thăm các ông lần nào cũng thấy bản thân rất "âm lịch", không biết gì về các thông tin hoạt động kinh tế của dân Viện tại Mát (hàng nào đang hot, máy khâu, nồi hầm bán ở đâu...). Tôi còn nhớ ông Huy trong thời gian "nâng cấp nghiệp vụ" ở học viện ngoại thương Matscova ở gần metro Yugo-Zapadnaya mà hay nhất tên Nga của ông ấy không phải là Khưu mà là "Kvi", nghe thoáng cứ như tên nick của một nhân viên tình báo. Không hiểu sao ông ấy lại dấu nhẹ tên nick thứ hai này? Sau khi Huy về nước thì TX Thanh "củ chuối" cũng sang "nâng cấp" tại đúng học viện đó và cả nhà Khoa đã từng ra đấy chơi với Thanh một hai lần. Chú Thanh chưa vợ nên rất quý 2 con gái của Khoa, dẫn đi Park Kultury, chụp ảnh, ăn shashlykh cừu... Mình sẽ tìm lại photo chụp những ngày ấy đưa lên mạng cho anh em KGU cùng thưởng thức. Thân mến, Khoa (VL76)




Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s