KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 09 Tháng mười một. 2014

LỰA CHỌN




Tác giả: CucNT

LỰA CHỌN

 

Thiên Ân đứng nghiêm, dập chân đánh cốp trên mặt đường, giơ tay ngang chếc mũ theo giống tác phong nhà binh cất tiếng dõng dạc “ Chào mẹ! Tạm biết mẹ, con lên đường!” Tôi suýt phì cười trước sự nghiêm nghị của con nhưng vẫn có giữ nét mặt trang nghiêm, bắt tay con rất chặt “Tạm biệt con, chúc con lên đường mạnh giỏi!”. Thiên Ân quay người bước đi, tôi nhìn theo. Được mấy bước, bất giác cậu bé quay người, chạy tới, mắt rớm lệ, ôm chặt lấy tôi “Mẹ ạ! Con đi lính, còn lâu mới được về thăm mẹ, mẹ có nhớ thương con không?”. Tôi hôn lên má con, ôm chặt nó “Nhớ chứ! Và thương con rất nhiều nhưng mẹ tin con sẽ trưởng thành trong quân ngũ”.

Vậy là Thiên Ân đã trở thành người lính, sau nhiều năm lặn lội hết công ty này tới công ty khác xin việc mà không được.

Thiên Ân là con trai đầu của sếp tôi, khi tôi làm việc ở công ty cao su Belatex, tại thành phố Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 1999, sau 14 năm du học ở Kishinew, về nước, tôi nộp hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng không cơ quan nào nhận. Sau đó có người giới thiệu có công ty Belatex đang cần 1 phiên dịch tiếng Nga nên tôi đã được nhận vào làm. Sếp của tôi cũng là người mới, từ công ty Cao su Bình Dương về Vũng Tàu nhận chức phó giám đốc thay 1 anh vừa nghĩ việc trước đó. Chúng tôi lặn lội giữa rừng cây cao su suốt ngày vừa để hướng dẫn công nhân làm việc vừa để phiên dịch cho ông Giám đốc người Nga. Cứ cuối tuần, sếp lại về Bình Dương với vợ con. Hè đến, một buổi chiều, xong việc, tôi dắt xe ra về thấy 1 câu bé nước mắt lưng tròng, “Cô ơi con nhớ mẹ quá! Con muốn về nhà”. Tên cháu là gì?  “Tên cháu là Macxim, cháu là con ba Uy, cháu được nghĩ hè nên ba cháu đưa cháu tới Vũng Tàu ở với ba để ba đỡ buồn nhưng cháu nhớ mẹ và em quá”. Vừa lúc sếp tôi đi ra, tôi đề xuất, để em đưa Macxim về chơi với con em nhé! Anh Uy đồng ý. Tôi chở Macxim về nhà. Lũ trẻ ở xóm tôi thấy tôi đi làm về thì chạy ùa tới “ Mẹ Cúc! Mẹ Cúc về!’ Macxim cũng “Mẹ Cúc! Mẹ Cúc!”. Misa con trai tôi mới 2 tuổi lon ton chạy tới, xô anh Hoàng 5 tuổi ra để được mẹ bồng.

Macxim hòa vào lũ trẻ, chơi đùa, cười như nắc nẻ. Macxim cũng như Hoàng và Misa sinh ra ở bên Nga nên khi Macxim nói vài câu tiếng Nga thì Hoàng và Misa thích thú lắm.  3 đứa chơi với nhau rất vui. Chiều chiều tôi chở 3 con ra biển tắm,  bãi cát trắng, trãi dài và bằng phẳng ở bờ biển Bãi Sau,  nước biển  trong xanh gợn nhẹ theo làn sóng. Tôi dặn 3 con chỉ được chơi đùa xung quanh mẹ, nơi nước biển chỉ đến ngang lưng khi chúng ngồi xuống. Các con ngoan ngoãn nghe lời. Mọi mệt nhọc của 1 ngày làm việc tan biến khi nhìn các con tôi đang tung tăng giữa làn nước trong ánh hoàng hôn nhuộn tím mặt biển. Macxim về nhà ở Bình dương, kể líu lo với ông bà, mẹ và đứa em về mẹ Cúc, em Hoàng, em Misa. Cả nhà tới Vũng Tàu chơi, Macxim và Thiện Hạnh ở lại chơi đến hết hè. 4 anh em thi thoảng lại trêu chọc nhau. Mẹ Cúc phân công, Macxim 6 tuổi làm anh cả, Hoàng 5 tuổi là anh Hai, Thiện Hạnh 4 tuổi , anh ba, Misa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi, làm em út. Làm anh phải làm gương, nhường nhịn em, làm em phải ngoan nghe lời anh, các con nhớ rồi chứ “ Vâng ạ! 4 đứa ngoan ngoãn gật đầu”.

Cứ thế, hè, các dịp nghĩ lễ là Macxim , Thiện Hạnh được ba Uy đưa về Vũng Tàu chơi với mẹ Cúc và 2 em. Lúc nào khó bảo, mẹ Hoa lại dọa “không nghe lời, không cho đi mẹ Cúc nữa’. Hai con lại chăm ngoan.

Được 2 năm thì công ty cao su Belatex giải thể, Sếp  Uy về lại Bình Dương làm việc, tôi cùng 2 con chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Thi thoảng các con lại gọi điện, mẹ Cúc ơi! Ba Uy làm tổ trưởng tổ sản xuất, mẹ Hoa làm công nhân cạo mủ cao su, các bạn con 1 buổi đi học, 1 buổi đi mót mủ cao su, cực lắm! Ba mẹ dặn chúng con học giỏi, sau này đậu đại học được lên ở cùng mẹ Cúc.”  “ Ừ! Các con học giỏi nhé! Các con sẽ học đại học, ra trường xin việc làm ở các công ty, sẽ không phải vất vả đi cạo mủ cao su như mẹ Hoa nữa nhé!”

Rồi Macxim lên cấp 3 học trường Nguyễn Khuyến, Tp. HCM. Thi thoảng tôi tới thăm con, mua cho con 1 chút quà. Lúc nào Macxim cũng khẽ khàng từ chối, mẹ con lo cho 2 em ăn học mà, con ăn tập thể nên tạm ổn mẹ ạ!  Ba mẹ làm việc rất cực nhưng vẫn dành tiền cho con học ở Sài Gòn chứ mấy đứa bạn con 1 buổi đi học, 1 buổi mót mủ cao su, có đứa ăn cắp mủ bị bảo vệ đánh gãy cả tay.

Một lần tôi đến thăm con nhưng bác bảo vệ trường bảo Macxim đã chuyển trường, tới đâu bác không rõ.

Rồi tôi ly hôn, đi thuê nhà ở, tôi đổi số điện thoại để tránh phiền phức. Đôi lần tôi gọi về Bình Dương nhưng không ai bắt máy. Khó khăn bủa vây tôi tứ phía khi nhà trọ lâu lâu lại lên giá, giá cả tăng hàng ngày đến chóng mặt. Chật vật với cuộc sống để lo kiếm tiền ăn, tiền học tiền thuê nhà, tôi trở nên trầm mặc. Đôi lần trong đêm sâu thẳm bởi giấc ngũ không đến, tôi thầm trách anh Uy và Hoa đã không hề quan tâm xem hiện nay tôi sống chết  ra sao dù tôi đã nhận con họ làm con kết nghĩa của mình. Rồi cuộc sống cũng trôi đi theo quy luật của nó.

Một buổi tối, khi đang xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nước mắt đang giàn dụa vì những cảnh gặp lại nhau diễn ra đầy xúc động tên màn ảnh thì tiếng chuông điện thoại reo “Alo! Mẹ Cúc phải không ạ! Là con đây! Macxim đây!”.

Cuộc gặp gỡ nhanh chóng diễn ra sau đó tại quán cà phê trong tiếng hát tha thiết của Khánh Ly về 1 bài nhạc Trịnh “Đá mòn mà tình có mòn đâu!”. Macxim đã trở thành 1 thanh niên cao lớn, cương nghị, con chậm rãi kể “Con học ở trường Nguyễn Khuyến được mấy tháng thì ba Uy bị nhồi máu cơ tim, đưa đi bệnh viện chợ rẫy. Hai tháng ba nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, những lúc tỉnh dậy là lúc ba dặn con và em Thiện Hạnh phải học lên Đại học dù bất cứ hoàn cảnh nào. Mẹ Hoa bán hết tất cả những gì có trong nhà để chạy chữa cho ba, cả nhà khánh kiệt, vay mượn khắp nơi. Con phải  chuyển sang học ở trường dân lập có học phí thấp hơn. Con gọi cho mẹ nhiều lần nhưng tổng đài báo số điện thoại này chủ thuê bao đã không còn sử dụng. Chạy chữa cho ba ở Sài Gòn nên điện bàn ở Bình Dương không đóng cước cũng bị ngưng luôn. Ba Uy phải lắp 5 sten trong mạch máu nên bây giờ không thể làm việc. Mẹ Hoa phụ bán quán kiếm tiền nuôi cả nhà. Gần đây, mẹ Hoa xuống Vũng Tàu, tìm mấy người quen trước đây của mẹ Cúc xin số điện thoại nên con mới liên lạc được với mẹ.  Gặp lại mẹ, con mừng quá,cả nhà vẫn nhắc mẹ luôn.Tôi cầm tay con, thương xót, gia đình con đã trải qua bao sóng gió  vậy mà mẹ không biết để thăm hỏi. Trong tôi dào lên một niềm ân hận, vậy mà đã có lúc tôi thầm trách họ. Macxim tiếp tục: “Ngày con thi Đại học, mưa tầm tã, Ba Uy nhất định lên Sài Gòn chở con đi thi. Ba đứng ngoài cổng trường chờ con cả buổi, khi con ra, người ba ướt đẫm. Con trách ba sao không kiếm quán nào mà ngồi, ba chỉ ra xung quanh, con xem, hàng ngàn phụ huynh đều như ba cả, họ đứng đó chờ đợi con mình ra để xem con làm bài thế nào, đậu đại học mới thay đổi được số phận con ạ! Ngày con nhận giấy báo trúng tuyển Đại học cả họ hàng nhà con mừng lắm, mẹ Hoa chạy khắp rừng cao su khoe với bạn bè, “con mẹ đậu đại học rồi”. Ba Uy rơm rớm nước mắt “Giờ ba có chết cũng yên lòng”. Con học Đại học Công Nghiệp 4, 1 buổi đi học, 1 buổi phụ cô chủ nhà cắt chỉ áo quần kiếm tiền nộp học. Cô là bạn của ba mẹ nên cô không lấy tiền thuê nhà. Buổi tối con đi học thêm tiếng Anh nên cũng biết tiếng Anh khá khá. Con tốt nghiệp Đại học rồi, em Thiện Hạnh cũng đang học năm thứ 2 Đại học Bình Dương. Con không quen ai ở Sài Gòn nên mẹ Hoa bảo con đi tìm mẹ Cúc, nhờ mẹ Cúc xin việc giúp. Macxim đưa cho tôi bằng tốt nghiệp đại học công nghiệp 4, khoa tài chính ngân hàng, xếp loại trung bình. Tôi thầm kêu lên "Trời ạ! Con của bạn mẹ Tốt nghiệp học viện ngân hàng chính quy, loại giỏi còn chưa xin được việc làm, bằng Đại học này của con làm sao mà xin đây"  nhưng tôi không muốn con thất  vọng sau bao năm mẹ con mới gặp lại nhau nên hứa là mẹ sẽ liên hệ xem sao.

Macxim đi phụ quán ăn cho một nhà hàng kiếm sống. Thứ 7 lại về quây quần cùng Hoàng và Misa.  Ai đến nhà cũng khen mẹ Cúc có 3 thằng con nhìn vừa khỏe mạnh vừa sáng sủa  thế kia, hạnh phúc nào bằng. Tôi biết đằng sau tiếng cười đùa của con là nỗi niềm đáu đáu hy vọng mẹ Cúc nhanh nhanh xin được việc làm cho con.

Tôi đã liên hệ nhiều nơi, vận dụng tất cả mọi mối quen biết để gửi hồ sơ nhưng ở đâu cũng trả lời chưa có cơ hội, cũng có nơi gọi lên phỏng vấn nhưng bị rớt. Có nơi đặt thẳng vấn đề là mất mấy trăm triệu đồng.Làm sao chúng tôi có thể kiếm ra số tiền đó cơ chứ?

Con đã nuôi ước mơ từ những ngày đầu cắp sách đến trường, đã nổ lực vươn lên vượt qua nghèo khó để tốt nghiệp Đại học. Trong những năm tháng miệt mài học tập con mang theo lời dặn của ba mẹ rằng chỉ có học lên con mới thoát nghèo, con sẽ có việc làm và thu nhập xứng đáng không như bạn bè của con đang lam lũ giữa rừng cao su bạt ngàn mót những giọt cao su còn sót lại để mưu sinh.

Tôi biết nói gì với con khi mà buổi chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sáng nay “nóng” lên khi Đại biểu Thân Đức Nam – TP Đà Nẵng đề cập đến 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, phải tìm những việc làm không liên quan đến nghề đào tạo của mình và đặt ra câu hỏi trách nhiệm với người đứng đầu ngành giáo dục.

“Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có tới 26,2% cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách, cho biết ngay cả những cử nhân đã đi làm cũng gặp không ít thách thức, khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% thiếu kiến thức chuyên môn.” (theo Vietnamnet).

Tôi kể cho con nghe hồi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về nước, mẹ cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin việc và cuối cùng phải làm phiên dịch tiếng Nga chẳng liên quan gì đến nghề luật của mẹ.

Sau hai năm bưng bê, dọn rửa chén bát cho một nhà hàng, một hôm, từ Bình Dương lên, Macxim nói với tôi “Mẹ ơi! Con đi lính nha mẹ!. Năm nay con 24 tuổi rồi, nếu đợt tuyển nghĩa vụ quân sự này con không đi, năm sau con sẽ hết tuổi, không được đi nữa. Biết thế này con đi hồi 18 tuổi, hồi đó mẹ Hoa bảo “May là con đậu đại học bằng không là phải đi lính đó”. Ba Uy bảo con đi lính rồi trở thành sỹ quan chuyên nghiệp hay hơn là đi phụ quán thế này.

Tôi đồng ý! “Mẹ nghĩ là ba Uy nói đúng. Hồi trước Hoàng cũng chọn con đường đi lính nếu không đậu đại học. Mẹ chưa nghĩ đến những lý tưởng cao cả khi con cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu. Mẹ chỉ nghĩ con đi lính sẽ có môi trường tốt cho con rèn luyện trưởng thành và trước mắt đó cũng là nơi con để con sống mà không phải chạy hết chỗ này chổ khác mưu sinh. Con tốt nghiệp đại học rồi, đã trang bị cho mình 1 kiến thức cơ bản, trong quân ngũ càng trưởng thành nhanh hơn, không có gì đáng ân hận cả con ạ. Mẹ không thể xin việc cho con, con đừng giận mẹ nhé!.” “Không sao mẹ ạ! Con biết mẹ thương con mà. Các bạn tốt nghiệp Đại học cùng khóa với con cũng chưa ai xin được việc làm theo đúng chuyên môn cả mẹ ạ.”

Chúng tôi là một bữa liên hoan đễ tiễn đưa Thiên Ân (tên khai sinh của Macxim). Câu chuyện rôm rả quanh bàn ăn nhắc lại những tháng ngày khi 3 đứa còn nhỏ và ước mơ của mỗi đứa khi bước chân vào giảng đường Đại học.Tôi cảm thấy mừng vì cả 3 đứa con tôi coi chuyện Thiên Ân sau khi tốt nghiệp Đại học chọn nghề binh nghiệp là chuyện bình thường. Hoàng bảo Hoàng học nghề xây dựng cảng biển, sau này ra Đảo Hoàng Sa xây cảng. Macxim phụ họa, con cũng sẽ ra đấy, mẹ đi thăm chúng con nhé! Nhất định rồi, ở đất liền hay biển đảo đều tốt con ạ! Vì đó đều là chủ quyền của Tổ quốc ta.

Mỗi người đều chọn một con đường để vào đời. Tôi tin rằng Thiên Ân đã lựa chọn đúng. Con đã nhập ngũ được 4 tháng nay, đóng quân ở Bình Phước. Tuần trước, mẹ Hoa vào thăm, đưa điện thoại cho Macxim nói chuyện “Mẹ Cúc ạ! Con được chọn vào tổ đặc công, rèn luyện cực lắm, mỗi ngày phơi nắng 4 tiếng, đen nhẻm rồi, xấu trai lắm!” “ Con của mẹ, con rèn luyện tốt nhé! Con càng trưởng thành vững chãi thì mẹ thấy con càng đẹp trai và đáng yêu!Mẹ tự hào về con!”.

Tp. HCM tháng 11 /2014

Cucnt

 

 

 

 

 

 


 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 09-11-2014 19:07






Xem 11 - 20 của tổng số 28 Comments



Từ: Guest Quang Thao
13/11/2014 15:33:12

Quân đội vừa là trường đời vĩ đại, nếu có nghị lực và phấn đấu tốt cũng sẽ thành công có khi còn vang dội hơn đi làm các doanh nghiệp. Chúc Con của mẹ Cúc thành công.



Từ: Guest khuyentn
12/11/2014 23:23:56

Đối với con gì là người có một sức sống vô cùng mạnh mẽ, là người truyền cho con rất nhiều cảm hứng cả trong công việc lẫn cuộc sống. Cuộc đời của gì là một chuỗi những thăng trầm. Từ cô học trò nghèo vùng quê chân lấm tay bùn, đến nữ sinh chuyên văn trường Phan. Từ miền gió lào cát trắng đến nước Nga xa xôi. Từ du học sinh trường Luật đến cựu sinh viên lang thang gõ cửa khắp các công ty để tìm việc làm. Từ nhà trọ đi thuê đến căn nhà hoành tráng ở Sài Thành. Mỗi câu chuyện đều có một sức hấp dẫn riêng. Con tìm thấy trong những câu chuyện ấy là những khó khăn không của riêng ai, là nghị lực phi thường trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất và cả những niềm tin vào chính bản thân mình. Con cảm ơn gì nhiều lắm. Chúc gì luôn mạnh khỏe ạ!



Từ: Guest Chuc Linh
12/11/2014 17:16:34

      Một bài viết thật cảm động. Cúc viết được những bài hay và cảm động như vậy phải chăng trong tâm hồn Cúc là cả những đau buồn, giằng xé của tình người, của tình yêu thương. Thật đáng buồn cho việc đào tạo của nước mình. Tôi còn nhớ câu của một nhà giáo tâm huyết nói rằng: "Bây giờ việc đào tạo người ta không cần biết xã hội cần gì mà người ta chỉ cần giảng giậy cái gì người ta có" Cho nên bây giờ đầy cử nhân, đầy kỹ sư... sắp tới sẽ đầy những tiến sỹ, thạc sỹ, để làm gì? Xã hội không cần nhiều đến như thế. Một mớ háo danh, đầu óc thì rỗng. Có lẽ trên thế gian này chỉ có nước mình mới có kiểu đào tạo như vậy. Tôi còn nhớ hồi tôi chưa về hưu tôi đã đứng ra để bảo vệ lấy bằng được một cậu trung cấp về phòng tôi, thay bằng lấy hai tiến sỹ. Người làm được việc thì ít mà người có bằng cấp thì quá nhiều. Nên làm một người lính trước khi làm sỹ quan. Làm người thợ trước khi làm thầy. Không hiểu các quan lãnh đạo ngành giáo dục biết bao giờ mới hiểu được như vậy.


    Chúc mừng cháu Thiên Ân đã tìm ra hướng đi của đời mình. Nhưng cháu hãy xác định hoặc sau 3 năm nghĩa vụ (với các nghành đặc biệt- Đặc công) trở về cháu sẽ làm gì? Còn nếu phục vụ Quân Đội lâu dài thì cũng phải chọn một ngành đặc thù QS thì hãy nên phục vụ trong Quân Đội, vì môi trường đó cũng vất vả, chọn lựa và cũng khá tàn nhẫn (nếu không đúng ngành đặc thù QĐ). Chúc cháu thành công trên bước đường mà mình đã chọn



Từ: CucNT
12/11/2014 16:58:58

Cảm ơn chị Hương đã đồng tình và cổ vũ cho "lựa chọn" của mẹ con em. Em cũng hy vọng rằng con em sẽ trưởng thành theo con đường binh nghiệp và cháu sẽ không bao giờ phải nói lời ân hận cho lựa chọn của mình


Em đọc 1 mạch tâm tình của guest xứ cày HT (Có lẽ là xứ cày Hà Tĩnh) trong nỗi niềm xúc động. Hình như anh đang dùng bút pháp văn học để ca ngợi em, làm em cảm thấy xấu hổ. Misa con trai em giới thiệu với bạn gái "Nhà anh đông anh , em lắm, ba anh thì nhiều con đẻ, mẹ anh thì lắm con nuôi. mẹ anh không phân biệt, yêu thương hết thảy nhưng mẹ nghiêm khắc lắm à nha!". Thực sự em rất yêu trẻ con và cảm ơn thượng đế đã đưa đến cho em những đứa trẻ thật dễ thương. Tiếc rằng trong cuộc sống, đôi khi dù vô cùng thương con, em cũng không giúp được gì nhiều cho chúng. Với Macxim, em đã từng day dứt vì không tìm được việc làm cho con nhưng khi em cũng như ba cháu khuyên con nhập ngũ để trưởng thành trong quân đội thì con đã chấp nhận và rất hiểu tình cảm mẹ dành cho con. 


Cảm ơn guest dân cày HT đã dành cho mẹ con em những động viên, cổ vũ chân tình.



Từ: Guest XứCàyHT
11/11/2014 23:59:22

...Mẹ Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng. Quái dị nhưng không quái thai: Nở trăm người con khỏe đẹp, sinh thái cân bằng - 50-50, tự sinh cơ lập nghiệp, không cần ai giúp định hướng, lựa chọn. (Nhưng đó chỉ là truyền thuyết)... Có những bà mẹ VN lúc đẻ con không quái thai, nhưng con lớn lên thành quái thai, quái nhân, quái di: trộm cắp, giết người, cướp của, nghiện ngập...Nguyên do đa phần cũng bắt nguồn từ cách giáo dục, cách định hướng và quên giúp con lựa chon đường đi của các bậc phụ mẫu. Người mẹ - tác giả CucNT (qua những bài viết có lồng ghép nội dung tự truyện) có nhiều con: con đẻ, con nuôi, con kết nghĩa, con mới của chồng cũ, con cũ của chồng mới... Mỗi người con đều có một tình cảm đep, một quan hệ mẫu tử tình thâm, một hướng đi đúng cho mình, không rập khuôn, không ảo vọng...Mẹ CucNT đã làm được nhiều cho các con. Nay lại thêm một Thiên Nhân: biết lựa chọn và (theo tôi) là lựa chon đúng, khôn ngoan.  Thật hiếm có người mẹ nào nhiều con, nhiều kiểu con mà các con mình lại biết lắng nghe, biết lựa chon được như thế. Chúc mừng mẹ con CucNT. Cảm ơn tác giả CucNT đã kể lại một câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị nhưng dẫn dắt hay và giàu chất văn chương. Trong thế giới con người đang cố đuổi bắt cái bóng "hữu danh vô thực", thì "Lựa chọn" chính là câu chuyện có ý nghĩa và nóng hổi tính thời sự. 



Từ: HuongNT
11/11/2014 20:45:38

Đọc xong "Lựa chọn" chị thấy em quả là một người mẹ thật nhân hậu. Nhìn hình bốn cậu con trai dễ thương quá! Lựa chọn của Thiên Nhân vừa rồi là rất đúng đắn đấy Cúc ah! Ra trường hai năm không tìm được việc làm thì đi bộ đội vừa là môi trường rèn luyện tốt và cũng là cơ hội để biết đâu đấy nếu cháu yêu con đường binh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển lên một khi cháu rèn luyện tốt và có nguyện vọng phục vụ trong quân đội lâu dài. Chúc Thiên Ân thành công trên con đường mà cháu lựa chọn!



Từ: CucNT
11/11/2014 17:46:24

Cảm ơn anh Thắng đã chia sẻ với mẹ con em "Tình người thì ai chẳng có, dù ít dù nhiều. Nhưng điều kiện thể hiện lại là 1 chuyện khác" Đúng thế anh ạ! Em đã rất day dứt vì không thể giúp cho con dù chỉ là tìm 1 việc làm đúng với nghề đã học để mưu sinh.


Cảm ơn chị Tuyết đã cổ vũ mẹ con em trước 1 lựa chọn


Thực trạng hiện nay của đất nước thật đáng buồn. Lâu nay người ta đã báo động về ngành giáo dục nhưng mọi cuộc cải cách hầu như chỉ để bán sách giáo khoa. Theo em điều cơ bản nhất phải là  dạy cho học sinh tính trung thực và tình yêu lao động. Học sinh bây giờ học cả ngày, tối về học thêm, chẳng có thời gian để lao động chân tay vì thế các em không yêu lao động và tư duy theo kiểu kiếm 1 cái bằng Đại học để tìm 1 việc lương cao mà nhàn thân. Vì ai cũng tư duy như thế nên có những gia đình nông thôn rất nghèo, có mấy sào ruộng để trồng trọt cũng đem bán đi để lấy tiền cho con ăn học. Học xong, không xin được việc làm, ruộng nương cũng chẳng còn mà cày cấy, cả gia đình rơi vào bế tắc, đã nghèo lại còn nghèo hơn. "Đất nước đang cần những bàn tay vàng..." Em rất tâm đắc với những ý kiến của chị Tuyết. Cảm ơn chị!



Từ: TuyetHA
11/11/2014 13:51:25

   Trước tiên phải chúc mừng Macxim (THiên Ân) đã lựa chọn cho mình một con đường đi phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của cháu. Tốt nghiệp ĐH, cháu có một nền tảng kiến thức căn bản cho bản thân, vào quân ngũ với đức tính chịu thương chịu khó, yêu lao động, sống có kỷ luật, chắc chắn cháu sẽ mau chóng trưởng thành.


    Đọc câu chuyện của Cúc càng thấy thật buồn với thực trạng giáo dục đào tạo hiện nay của đất nước, đua nhau mở thật nhiều trường ĐH bán công, dân lập để đáp ứng nguyện vọng của số đông bậc cha mẹ: cứ phải cho con học ĐH thì mới mong có được công việc "ngon lành" sau này, không cần biết đến nguyện vọng của con cái, năng lực của chúng ra sao và khả năng của gia đình thế nào? Cuối cùng xuất hiện một thế hệ cử nhân "èo uột", hết sức lãng phí. Bản thân các cô cử, cậu cử cũng thấy mất niềm tin vào chính mình, vào xã hội.


   Đất nước đang rất cần những người thợ có trình độ chuyên môn vững vàng, những "bàn tay vàng" nhưng lại thiếu những trường dạy nghề đáp ứng được nhu cầu đó. Câu chuyện này chắc hẳn ít ai không biết đến nhưng tại sao không làm được? Trách nhiệm của những người đứng đầu ngành GD ở đâu? Trách nhiệm của cả bộ máy quản lý, lãnh đạo nhà nước ở đâu? và cả trách nhiệm của những người làm cha mẹ nữa???Mọi người có theo dõi chương trình "Những đứa trẻ hay chuyện" trên VTV3 không? Đáng để xem lắm. Không biết đến bao giờ mới có sự thay đổi tích cực, đúng đắn trong công tác GDĐT của nước nhà?



Từ: ThangNT
11/11/2014 09:38:11

Bài viết thật cảm động. Sao cái số người việt nam ta nó vừa kiêu hùng lại vừa khổ thế. Tình người thì ai chẳng có, dù ít hay nhiều. Nhưng điều kiện để thể hiện lại là một chuyện khác. Phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh chung của xã hội, của đất nước. Cho nên cầu chúc cho mọi người luôn gặp may mắn trong thời buổi không ít bất an như hiện nay.



Từ: CucNT
10/11/2014 20:32:10

Em đã từng nói chuyện với mấy đứa bạn em là quan chức ở Hà Tĩnh, sao không tuyển lao động VN đang thất nghiệp rất nhiều mà lại để nhà thầu tuyển bao nhiêu lao động Trung Quốc. Các bạn trả lời, dân quê mình sẵn sàng bán cả ruộng nương để cho con đi học Đại học chứ không mấy ai muốn cho con làm công nhân. Những người làm công nhân ở Vũng Áng tay nghề không có, họ từ đồng ruộng đi ra nên ông chủ phải bỏ ra 1 khoản kinh phí để đào tạo và hiệu quả công việc vẫn không ăn thua nên lương thấp. Em nghĩ thay vì đổ bao công sức để học cho được cái bằng Đại học (Trí tuệ mỗi người khác nhau, không phải ai cũng có thể dễ dàng học được kiến thức Đại học), họ nên học 1 cái nghề, lao động chân tay cũng cần học nghề cho điêu luyện và yêu nghề đó thì thu nhập sẽ đủ sống Đúng như ý kiến của chị Ba. Chúng ta đang chạy theo bằng cấp quá nhiều. Bác sỹ Trần Bồng Sơn từng nói, tôi đến nhiều phòng khám thấy treo bảng quảng cáo Tiến sỹ, bác sỹ  A B, C Thì ra dân đi khám bệnh là đến tiến sỹ chứ không phải đến bác sỹ ...


Chị Huyền ạ! Rất cảm ơn chị vì đã ủng hộ mẹ con em. Rất nhiều đứa trẻ khi tốt nghiệp Đại học không xin được việc làm đã buồn chán thất vọng. Riêng con em đã có 1 lựa chọn và tự mình chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Hiện nay, cháu đang thời kỳ huấn luyện rất vất vả nhưng cháu không kêu ca hay tỏ ra ân hận gì cả. Em sẽ chuyển những lời chúc ân tình của gia đình Kgu đến cháu. Cảm ơn tất cả!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s