KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 11 Tháng chín. 2015

Đi thăm một số nhà thờ của Nam Định và Ninh Bình




Tác giả: HoaNT

Đã từ lâu trong tiềm thức của tôi đi thăm quan các nơi trong nước bao giờ cũng thường là thăm các nhà chùa vì không theo đạo. Chỉ có khi nào  đi công tác đến những nơi có các nhà thờ nổi tiếng như Nhà thờ đá Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà… thì được các đồng nghiệp dẫn đi tham quan còn chỉ vào nhà thờ khi có dịp ra nước ngoài. Từ đầu năm đến giờ tôi cũng vui chơi với người KGU rất nhiều trong dịp Du Xuân ở Ba Vì, rồi Đảo khỉ, Bờ Hồ, Bắc Giang… rồi đi rất nhiều nơi phối hợp với các đợt đi công tác như Cát Bà, Cao Bằng, Sầm Sơn, Nam Định, Phú Thọ, Hải Phòng… Khá nhiều lần tôi đã rủ Minh TL SV77 đi cùng nhân dịp bạn ở Úc về chơi, Lần này sau khi cùng Minh về Bắc Giang chơi Minh và tôi quyết định rủ mọi người thăm các nhà thờ của Nam Định là nơi có rất nhiều nhà thờ nổi tiếng, mới đầu tôi ngại không muốn  đi vì sợ mọi người không thích đi thăm nhà thờ, nhưng Minh bảo cùng lắm 2 đứa chúng mình đi cũng không sao cứ đi đi có ý nghĩa tâm linh lắm. Tôi đồng ý và cùng Minh lên kế hoạch, chọn thời gian sau đó gửi tin nhắn cho một số người KGU có “hoa chân” hay đi như chúng tôi. Gửi tất cả khoảng 15 tin nhắn thì chúng tôi nhận được khoảng 5-6 tin nhắn phản hồi trong đó có chị Bích Chi, chị Thành Trinh Thục Hóa 74, Lâm Thị Minh Hạnh đồng ý đi còn vợ chồng Huy-Thủy đang phân vân,anh chị Hạnh-Pha SV76  cũng thích đi nhưng ngại dạy sớm.  Trước hôm đi thấy mọi người ý ới hẹn nhau trên Facebook em Loan SV78 thiết tha xin đi cùng, chúng mình OK ngay vì đang ít người đi. Chị Tống Kim Thuần SV74 được chị Bích Chi gọi điện sướng quá nhận lời đi ngay. Thế là từ 5h sáng ngày 08/9/2015 ngõ 437 Kim Mã nhà mình đã rất nhộn nhịp tiếng nói chuyện râm ran của 11 người KGU: các chị Bích Chi, chị Thành Trinh Thục, Tống Kim Thuần  vợ chồng anh Huy VL76-Thủy, các em Loan SV76, Hạnh LT cùng 2 bạn, Trần Lê Minh, HoaNT. Rất tiếc  Đại tá Minh CK có việc bận đèo vợ đến rồi đi ngay. Chiếc ô tô Mecedes 16 chỗ ngồi ( xe này từng chở các đoàn KGU đi Đảo Khỉ nhiều lần) đã chờ sẵn đúng giờ trước ngõ để đón đoàn. Vừa khởi hành một lúc  thì trời đã đổ cơn mưa nặng hạt xối xả nhưng ra khỏi Hà Nội thì chẳng thấy mưa gì cả, cả đoàn dừng chân ở Hà Nam ăn sáng với món bánh đa cá rô đồng nóng hổi - đặc sản của vùng này. Đến Nam Định thì Minh đưa vào nhà anh Hưng VL76 thắp hương cho mợ anh Hưng và là bà nội của 2 cô con gái Minh-Hưng đồng thời đón chú Anh là em nuôi của anh Hưng đưa đoàn đi. Chú là người theo đạo nên  rất am hiểu về phong tục tập quán của Thiên chúa giáo. Lúc ra xe cô Hà vợ chú Anh rất chu đáo lại còn mang ra tận xe hơn chục quả bưởi cho mọi người đi đường ăn.

Đầu tiên là chúng tôi thăm Nhà thờ lớn ngay tại thành phố Nam Định. Nằm ở ngay trung tâm thành phố Nam Định, nhà thờ thiết kế đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm, trầm mặc.

 

Phía bên trong nhà thờ trông rất lộng lẫy. trang nghiêm. Chúng tôi ngồi vào ghế các con chiên để ngắm nhìn toàn bộ phía trên của nhà thờ và thấy quá ngỡ ngàng về vẻ đẹp bên trong của nhà thờ.

 

Một điều đặc biệt là trong nhà thờ không thấy có nhiều hòm công đức như các nhà chùa, có có thì các hòm công đức này cũng được đặt ở những nơi khá kín đáo tế nhị và các sơ hướng dẫn viên hầu như không nhận quà bồi dưỡng, khách đến thăm có tặng thì hầu hết là họ bỏ vào hòm công đức. Khuôn viên của các nhà thờ hầu hết đều khang trang, sạch sẽ, trang nghiêm, văn minh giống như đi thăm các nhà thờ ở các nước châu Âu. 

 

   Chúng tôi ghé thăm nhà trẻ trong nhà thờ thấy các cô giáo là các sơ dạy hát cho các trẻ. Lớp học rất sạch sẽ, sáng sủa với những khuôn mặt trẻ thơ khỏe mạnh, xinh xắn thật là đáng yêu.  


Từ thành phố Nam Định, xuôi theo quốc lộ 21 qua cầu Lạc Quần rẽ phải theo con đường chạy men sông Ninh Cơ tới thị trấn huyện Xuân Trường đi tiếp chừng hơn 1km là tới xã Xuân Ngọc nơi có Tòa Giám Mục Bùi Chu.

  Từ năm 1640-1954, Bùi Chu là vùng truyền giáo, sau đó vào năm 1960, giáo phận Bùi Chu được Tòa Thánh nâng lên bậc giáo phận chính tòa. Tuy có diện tích nhỏ nhất nhưng giáo phận Bùi Chu có số giáo hữu đông nhất trong Giáo Hội Việt Nam, nằm trong tỉnh Nam Định với hai con sông Hồng và sông Đáy bao bọc lấy toàn giáo phận.Đến với Bùi Chu, bạn không chỉ đang ghé thăm một xứ đạo lâu đời mà còn được chiêm ngưỡng vô vàn nhà thờ với kiến trúc đẹp và ấn tượng.

   Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ của đạo Kito, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu, một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu năm nhất nhì tỉnh Nam Định. Đầu nhà thờ là nhà xứ và có tháp chuông đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848, đây là cổng Tòa Giám Mục. Bên trái nhà thờ còn có cơ sở Dòng Nữ Đa Minh và Nhà Dục Anh (Cô Nhi Viện).

 

   Nguyện đường cao 35m- ngọn tháp vươn cao với Thánh Giá được nâng lên bởi tòa tam cấp, có dáng dấp Đông Phương lại Gô- Tích. Phần trên tòa nhà được dẫn vào bởi những bậc thang rộng. Bên tay phải cầu thang là tượng Thánh Giesu cõng Chúa Con trên vai mà không đâu có tượng này, ý nghĩa “Tình Cha”. Đối diện với tượng Thánh Giesu là tượng Đức Mẹ Sầu Bi ôm Con “Nghĩa Mẹ”. Cửa nhà nguyện 4 cánh, mỗi cánh là một công trình đầy ý nghĩa của các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa Giải. Vào trong Nhà Nguyện, như lạc vào động tiên không gian cao vút với tượng ảnh, bàn thờ, màu sắc... được sắp đặt một cách hài hòa. 


   Tầng dưới Nhà Nguyện là Nhà hầm các Thánh tử vì Đạo.

 

   Ngay tại gian giữa, nhiều người sửng sốt và cảm động, lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ cho Con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng xanh biếc; võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng. Đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam. Đức Mẹ Việt hóa với áo dài tím nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài kiểu quý phái, mái tóc đen óng ánh. Cặp mắt mẹ âu yếm nhìn Đứa Con đang khát sữa. Trên đầu tượng Đức Mẹ có dòng chữ “…Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú”. Nhiều người mẹ đã đến đây để cầu xin cho có sữa nuôi con và biết cách dạy con. Phía trần nhà trên đầu Đức Mẹ là một bức phù điêu tuyệt tác, tả khung cảnh vinh hiển của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam trước vị vua Vinh Hiển là Đức Kito Phục Sinh.

 

   Người phụ nữ chuông “Nữ nhân chung”. Đây là một công trình độc đáo hầu như không tìm đâu có trên thế giới. Chuông nặng 9 tạ, có chân tay đàng hoàng. Chuông này mang sự tích về Đức Chúa Gieessu Phục Sinh, trao trách nhiệm cho bà Maria Madalena đi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho khắp thế giới. Bà được ví như cái chuông vang lên cho mọi người biết

     Nổi bật nhất ở Vườn Kinh Ave Maria 2 là đỉnh hương rất lớn bằng đồng: nặng chừng 3500kg, có tượng Đức Mẹ đứng trên.

 

     Mở cửa vườn, chúng ta sẽ gặp một Cỗ Tràng Hạt rất lớn, nặng 2,2 tấn. Mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10m.

   Bên phải là một bức tường cao, trên đó gắn sẵn những bản kinh Ave Maria, tức là bản kinh “Kính Mừng Maria” bằng các thứ tiếng trên khắp thế giới. Tổng số bản kinh là 150, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20mx1,2m. Trong vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn: Thánh Francis với con chó sói. Ở phía giữa hành lang là pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ dâng hoa cho Đức Mẹ. Xa hơn ở cuối hành lang là tượng Thánh Don Bosco cao 3m và Thánh Đa Minh Savio (St.Dominic Savio).

 

   Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ tại Giáo phận Bùi Chu xưa kia, trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi.

 

  Nhạc khí tại Giáo phận: Là những nhạc cụ được chế tác độc đáo công phu mang nhiều ý nghĩa: Trống cái, kèn đồng, đàn lira, chiêng cồng.  Ảnh dưới là Kèn đồng Trumpet lớn nhất Việt Nam dài hơn 5m cao 1,6m, nặng 300kg, được ghi vào Sách Kỷ lục Việt Nam..,

 

 

   Phục sinh đường là tổ hợp công trình kiến trúc nhiều ý nghĩa biểu tượng:

Có 4 ngôi nhà nói lên ý nghĩa của 4 sự: Chế, Phán xét, Thiên Đàng và Hỏa ngục.

   Mặt trước  có tượng thiên thần thổi loa. Vào ngày tận thế các Thiên thần thổi loa báo động cho người chết sống lại. Dưới chân Thiên thần là một đồng hồ chạy ngược, bởi vì khi chết người ta hết thời giờ lập công, mà Thiên Chúa chỉ xét xử những gì xảy ra trong qua khứ.

   Trên nóc nhà có 12 tượng các thánh Tông Đồ ngồi trên 12 ngai tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. Phía trên cao còn có 4 pho tượng các Thánh Sử là các tác giả 4 sách Phúc Âm: Matthew, Mark, Luke và John.

   Tầng dưới tòa nhà cất giữ 23 bộ xương các anh hùng tử đạo của Bùi Chu. Tầng giữa là nơi cử hành nghi lễ. Giữa gian có tượng Chú Phục Sinh. Tầng trên giống như một phòng triển lãm các đồ thờ như: áo Lễ, chân nến, bình thánh, yên sách v.v. và một số pho tượng.

 Phía sau tháp Thăng Thiên, bàn tay Chúa đang kéo tay người ta lên Thiên Đàng.

 

    Tòa Giám Mục Bùi Chu là một tổ hợp với nhiều công trình, hiện vật kỳ thú hấp dẫn không hề giống nơi nào. Không chỉ có chúng tôi mà cũng có nhiều khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu. Lúc này trời đổ mưa rất to, tay cầm ô mà gió bật tung cả ô lên, tất cả đều bị ướt hết, lại tiếp tục lên ô tô ngồi một lúc lại khô, ai mang theo áo, váy sơ cua thì thay.

   Chúng tôi đi tiếp đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Phú Nhai (hay còn gọi là Nhà thờ Phú Nhai, Đền Thánh Phú Nhai) là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Giáo phận Bùi Chu, Việt Nam. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.

 

    Chúng tôi lại đi tiếp đến Nhà thờ Đá Ninh Bình, trên đường đi dừng chân thưởng thức đặc sản cơm cháy thịt dê Ninh Bình.

 

   Nhà thờ đá Phát Diệm là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như "kinh đô công giáo" của Việt Nam. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòacủa giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam.

 

   Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá  gỗ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục - linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.

 

   Nhà thờ được xây dựng với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19. Từ hướng Nam đi vào nhà thờ Phát Diệm gồm các phần: Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá.

   Theo như  cô sơ hướng dẫn viên phục vụ nhà thờ cho biết: "Nói công trình này giống đình chùa là rất đúng. Cha Trần Lục - người kiến trúc sư của công trình có mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam; nói lên tính đoàn kết".

Chúng tôi được đặt chân lên Phương Đình:  công trình này khởi dựng năm 1899, là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Trên 4 đỉnh tháp có 4 pho tượng bốn vị Thánh Sử, mà từ đường nét, tư thế đến đường mây nếp áo khiến ta dễ lầm với các pho tượng trong các đền chùa Việt Nam.

Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa được ví như cả 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình  Thanh Hóa) nghe thấy. Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa. Anh Huy VL76 là “mì chính cánh” của đoàn được đại diện rung 1 hồi chuông

   Sau đó chúng tôi đi vào Nhà thờ lớn: Nhà thờ chính được xây dựng từ năm 1891 với tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.

   Đáng chú ý nhất là Nhà thờ đá: Khởi công xây dựng từ năm 1883. Tên nguyên thủy: Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ, còn được gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa...

 

   Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.

  

    Đến đây thì đã muộn, chúng tôi quay về Nam Định, cả đoàn rẽ vào nhà anh Hưng VL76 để thăm nhà, tại đây qua lời  cô chú Anh-Hà  chúng tôi đã  được biết gia đình anh Hưng là gia đình Đạo gốc, mẹ anh đã đóng góp rất nhiều cho các nhà thờ không những trong tỉnh Nam Định mà còn rất nhiều nơi khác, minh chứng là có rất nhiều bằng, giấy khen ghi nhận công lao của bà. Lúc còn sống bà rất được mọi người yêu mến nên lúc đi từ chợ vào nhà các cô bán hàng chào hỏi nhiệt tình với Minh và các bạn. 

   Trước khi chia tay cô chú Anh-Hà lại còn có quà đặc sản Nam định là chuối, bánh gai Nam Định, còn bạn Minh lại tặng cho mỗi người gói cơm cháy Ninh Bình. Xin cám ơn cô chú Anh-Hà cùng Minh đã tạo cho cả đoàn một cơ hội thăm các nhà thờ tại Việt Nam để chúng tôi được biết thêm những điều tốt lành, đẹp đạo của giáo dân, đạo phái nào cũng dạy cho người ta làm  những điều tốt lành, bình an, thánh thiện và bài trừ những điều ác.

   Một cuộc đi chơi thật thoải mái, đầy ý nghĩa thắm tình bạn bè. Chỉ riêng Nam Định đã có tới 15 nhà thờ đẹp nổi tiếng, hôm nay chúng tôi mới thăm được có 3 điểm, sẽ còn phải đi tiếp nữa. Khi còn sức khỏe, còn đi được thì nên tranh thủ đi thăm các danh lam thắng cảnh của Việt Nam mình thôi cũng vô cùng lý thú người KGU ơi.

 

( Một số dữ liệu trong bài này được sưu tầm trên mạng qua google)

 


Người post: HoaNT

Ngày đăng: 11-09-2015 04:04






Xem 11 - 20 của tổng số 23 Comments



Từ: NghiPH
13/09/2015 18:40:31

 


Qua bài viết và ảnh của chị HoaNT và qua comments kèm ảnh của các anh, các chị, các bạn, tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự độc đáo của các nhà thờ ở Nam Định và Ninh Bình và ở một số nơi khác. Xin cảm ơn chị HoaNT và các bạn!


 


 



Từ: HanhLT
13/09/2015 06:19:44

Bài viết của em Hoa rất hay và chi tiết.Không ngờ ở NĐ lại có nhiều nhà thờ đến thế,có lẽ đây là vùng có người theo đạo nhiều nhất miền Bắc.Thật tiếc là lỡ mất dịp đi này,hay nhất là có hướng dẫn viên đi cũng.



Từ: Khửu
13/09/2015 04:27:35

 


Mình bổ sung thêm một vài chi tiết còn nhớ được của sơ hướng dẫn viên: theo lịch sử của giaó hội VN thì Kito giáo được truyền đạo vào VN từ năm 1533, tuy nhiên từ đầu thế kỷ 16 thời vua Minh Mạng trở đi đến hết TK18 tức là gần 300 năm đạo công giáo bị cấm tuyệt đối ở VN và đạo bị đàn áp dữ dội. Các thánh tử đạo hầu hết đều hy sinh tính mạng để bảo vệ đạo trong giai đoạn này, cho đến nay VN đã có 117 thánh tử vì đạo được Toà thánh Vatican tôn vinh. Đây không phải là những linh mục, cha cố hay con chiên tử vì đạo một cách bình thường mà phải có các dấu hiệu hiển thánh (ví dụ có người chết đã hàng trăm năm nhưng khi đào mộ lên vẫn còn máu tươi???). Mãi đến năm 1862 vua Tự Đức mới ra chiếu phục hồi đạo Kito giáo, cũng do vậy nên nhà thờ đá Phát Diệm do cha Phêro Trần Lục thiết kế phải kết hợp hài hoà với phong cách chùa chiền Á đông, hơn nữa ngài đã phát triển được sự giao thoa giữa công giáo và các tôn giáo khác, điều mà tới tận năm 1962 Toà thánh Vatican mới ra được một quyết định lịch sử về quan hệ giữa giáo hội với các dân tộc và tôn giáo khác nhau gọi là Công đồng Vaticano II. Nhà thờ đá PD được xây dựng từ 1865 trong vòng 34 năm, trong đó có 10 năm đầu chuẩn bị, năm 1899 bắt đầu xây Phương Đình thì ngài mất và được an táng ngay trong hầm mộ của thánh đường. Trong quá trình tham quan chúng tôi được anh Anh con nuôi của bà mẹ anh HưngTQ VL76 kể cho nghe và giải thích khá nhiều về lịch sử phát triển cũng như sự khác biệt giữa các dòng giáo phái khác nhau của đạo Kito giáo. Phải nói đây là một chuyến đi rất bổ ích và lý thú. Một lần nữa cảm ơn em MinhTL (dâu VL76) đã có phát kiến về chuyến đi này, em HoaNT nhà tổ chức và tất cả mọi người đã tham gia nhiệt tình.


 


@KhoaĐT: hôm mẹ mất (10/2009) Hưng có về và bọn mình gồm Huy, Hoài, Hùng, Nhuận đã thay mặt VL76 về viếng bà. Bố Hưng là liệt sĩ chống Pháp và anh ruột Hưng cũng là liệt sĩ thời chống Mỹ (chết trong thời bình nhưng do vết thương thời chiến tranh nên vẫn được công nhận LS). Nếu Khoa đi hôm vừa rồi chắc chắn đã có 2 chàng trai phong độ đấy.


 


 



Từ: Guest KhoaDT
12/09/2015 21:31:33

Một chuyến đi thực sự bổ ích. Hoa và các bạn có biết số lượng người công giáo ở Nam Định, Ninh Bình... bây giờ là bao nhiêu không? Cách đây nhiều năm đã có tin đồn là Giáo Hoàng sẽ sang thăm VN, nhưng chắc còn lâu mới xảy ra. Mình cũng không biết nhiều về Hưng VL76 từ khi ông này biệt tăm đi làm KD ở Ba Lan. Hôm bà mất Hưng có về quê không? Mình nhớ là bố Hưng là liệt sỹ từ thời chống Pháp? Trông chàng trai duy nhất của đoàn Hoa thực sự phong độ lắm.  



Từ: ChiNB
12/09/2015 17:11:54

Hoa ơi, giỏi quá vì đã viết được một bài dài, hay và rất đầy đủ về chuyến đi của chúng mình. Qua bài của Hoa chị mới nhớ được nhiều hơn những điều đã được các sơ ở các nhà thờ Nam Định và Ninh Bình đã kể trong chuyến đi. Bài rất sinh động nhờ có nhiều tư liệu kèm hình ảnh (chứng tỏ trình độ IT của Hoa, sau khi được HT Ngọc tập huấn đã cao hơn hẳn).


Đến nhà Hưng, nghe kể về bà mẹ của Hưng, bà đã sống và hết lòng vì đạo của mình, được cả giáo dân quanh vùng tin yêu, ngày tang lễ của bà, hàng người bà con giáo dân và hàng xóm xếp hàng cả cây số để vào viếng, thật ngưỡng mộ.


Cám ơn hai em Lê Minh và Hoa nhiều lắm nhé đã tạo nên một chuyến đi ấn tượng về khung cảnh, thời tiết, con người, tâm linh...


Còn điều này nữa, đạo Thiên Chúa dạy con người nhiều điều, trong đó có hai điều này, chắc các đấng mày râu thích thú lắm đây:





Từ: LuongDT
12/09/2015 06:34:52

 


Cảm ơn dàn Hoa hậu KGU đã giới thiệu cho ACE du lịch về với Bùi Chu Phát Diệm với những kiến trúc nhà thờ độc đáo. Địa danh này tôi đã từng nghe nói nhiều nhưng quả thật đến hôm nay mới được biết rõ hơn. Qua các bức ảnh chụp của các bạn tôi đã hình dung được kiến trúc phương tây được đến với Việt Nam như thế nào: từ nhập nguyên bản đến hoà nhập như thế nào với văn hoá bản địa. Cụ thể là


Nhà thời lớn ở Hà Nội được copy từ nhà thờ Đức bà ở Paris có kiến trúc Gothic, Nhà thờ lớn lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh mang kiến trúc của Roma. Còn nhà thờ làm bằng đá ở Phát Diệm Ninh Bình lại có kiến trúc rất độc đáo được đúc kết từ những nét  kiến trúc độc đáo phương Tây (Roma) thẳng nhọn cao vút vào không trung với những đường cong mềm mại của cái các mài đình, chủa của kiến trúc phương Đông. Đó là sự hoà quyện tuyệt tạo nên nhà thời đá Ninh Bình. Muốn phát triển những người truyền giáo phương Tây đã phải hoà nhập với văn hoá truyền thống của Việt Nam với những hoa văn đặc thù được trang trí trong các đền, chùa. Chiếc áo của các cô gái Việt cũng đã được khoác vào Thánh Maria. cả chiếc võng gắn liền với lời ru của bà  cũng được đưa vào nhà thờ. Tất cả những thứ đó chúng ta không thể tìm thấy trong bất cứ nhà thờ nào ở phương Tây.



Nhà Thờ lớn ở TP Hồ Chí Minh



Nhà thờ lớn ở Hà Nội



Nhà thờ Đức Bà ở Paris





Toà Thánh Vatican



Nhà thờ Đá Phát Diệm



Kèo nhà trong nhà thờ Đá - nét trang trí đặc thù trong đề chùa Việt Nam


 


 


 


 



Từ: LamTB
12/09/2015 04:30:27

Hai bạn nhiều hoa chân Hoa và Minh lại có công mở đường cho một tua du lịch mới mà chúng mình không thể bỏ qua. Đọc bài của Hoa rất hấp dẫn với cả lời kể và ảnh minh họa. Cám ơn hai bạn.



Từ: Meomun
12/09/2015 03:58:36



@Chị Hoa: Các chị đi được nhiều nơi thế, nhìn mà thấy “gato” quá. Bao giờ có thời gian, em cũng mong được đi Nam Định, Ninh Bình. Đọc bài của chị, em có thêm nhiều thông tin, nhất là học được thêm 1 số thuật ngữ, ví dụ “giáo hữu” có phải là “giáo dân” không chị? Chị chụp được nhiều ảnh đẹp quá! Hồi về Thái Bình quê ngoại, em thấy có nhà thờ chính tòa ở ngay TP Thái Bình, khá to và đẹp, có nhiều tượng nhưng em chụp xấu quá. Tiếc là cái ảnh chính diện thì có dính cái “mẹt” của em nên cũng ngại post, hihi.




Dạo còn ở Biên Hòa, cứ dịp Noel là cả nhà em đi đến khu vực Phúc Hải và Hố Nai để xem các nhà thờ trang hoàng lộng lẫy trong dịp lễ. Khu vực Hố Nai, Bùi Chu là “thủ phủ” của bà con công giáo. Có chỗ chỉ cách vài trăm mét lại thấy một nhà thờ, rất nhiều, kiến trúc cũng đa dạng. Em cũng chưa có dịp đi vào bên trong các nhà thờ và không phân biệt được đâu là nhà thờ Thiên chúa giáo, hay Kitô giáo (?), Cơ đốc giáo (?) , hay Tin lành, nếu chỉ nhìn bên ngoài.  Thực ra em cũng không hiểu bản chất các tôn giáo này nó khác biệt nhau thế nào (trừ đạo Tin lành có vẻ khác hơn). Ở Biên Hòa, số người theo đạo rất nhiều, đa số là dân Bắc 54, họ vẫn giữ được tiếng nói không bị lai tạp,mọi nề nếp, phong tục đến món ăn kiểu Bắc. Hồi đi Cali, em được đến thăm một nhà thờ làm toàn bằng kính rất đẹp, chắc nhiều anh chị đã đến rồi. Em chụp từ xa nên không rõ lắm.


   


 




Từ: HoaNT
11/09/2015 22:29:19

   Thanh LK và mọi người ơi lúc đầu mình cũng rất lúng túng và ngạc nhiên khi vào nhà anh Hưng VL76 thắp hương cho mẹ anh ấy thì thấy Minh TL và vợ chồng chú em anh Hưng thắp hương vào bát hương để trên bàn thờ chúa. Còn Đức Mẹ sinh ra Chúa thì mình nghĩ ở VN mình mẹ là thường cho con bú. Rất thich là lần này đi thăm các nhà thờ có các cô sơ là hướng dẫn viên thuyết minh rất hay, các sơ đều có trình độ, dịu dàng, cuốn hút người nghe. Các cô sơ thường rất hay nhấn mạnh đặc điểm các nhà thờ ở Việt Nam là mang tính chất  pha trộn Á Đông với phương Tây, hòa trộn nhưng không hòa tan qua các thiết kế các nhà thờ có dáng dấp mái đình chùa cong cong, ngói nghiêng, các hình tượng trên các tường, cột là hình cây tre, các bức họa 4 mùa là tùng, cúc, trúc, mai...  mọi thứ đều rất gần  gũi, gắn bó với thường dân VN. Còn rất nhiều điều ngỡ ngàng, lý thú, đặc sắc, bí ẩn khi vào thăm các nhà thờ và có thời gian cùng với sự quan tâm  mới tìm hiểu được.


Rất cám ơn ACE đã đọc và com. cho bài này.



Từ: ThanhLK
11/09/2015 21:52:56

Chúc mừng Hoa có bài phóng sự dài với nhiều thông tin và hình ảnh chân thực. Mình cũng đã đến thăm nhà thờ  Phát Diệm và nhà thờ ở Trung tâm Nam Định, nhưng chỉ nhớ là Ấn tượng, còn chi tiết thì quên nên đây là một dịp cập Nhật lại các thông tin. Đc điểm đặc biệt là có tượng Đức mẹ cho con bú và Lư Hương trong tượng ở nhà Thờ. Phải chăng đạo giáo vì thế đã đi vào lòng dân trên đát Việt ?





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9764
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7160
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s