KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 01 Tháng sáu. 2015

KGU KHÓA 1970-1976 NGÀY ẤY BÂY GIỜ




Tác giả: HoaiPV

KGU KHÓA 1970 - 1976

NGÀY ẤY – BÂY GIỜ

 

Đến hẹn lại lên, trong kỳ Hậu Du Xuân KGU 2015, khóa chúng tôi quyết định hè năm nay tập trung “kiểm điểm nội bộ” (nghĩa là chỉ có khóa 76 với nhau!) tại khu nghỉ dưỡng Biển Hồ, Quỳnh Lưu, Nghệ An để thuận tiện cho các bạn từ TPHCM ra. Quyết định như vậy vì năm nay tròn 45 năm ngày chúng tôi lần đầu tiên gặp nhau trên đất Kisinhop xa xôi, và cũng để có gì “sâu kín” dễ “thổ lộ” với nhau hơn!

Thời gian trôi qua thật nhanh! Nhớ ngày nào khóa chúng tôi 37 người, theo các chuyến tàu khác nhau rời ga Hàng Cỏ vào các ngày 26-27-29/7, 01-03/8/1970, sau khi dừng chân tại Iarkusk tổng kiểm tra sức khỏe và “tẩy trùng” một tuần, rồi nghỉ tại Matxcova chờ phân công ngành học, cuối cùng từng nhóm nhỏ về đến Kisinhop trong vòng tay thân thiết của gia đình KGU. Nhiều câu chuyện vui trong những chuyến tàu ấy cho đến hôm nay có người mới biết như việc Hải “bột” và Hạnh “đức Mẹ” lạc đoàn, về đến ga Kis không có người đón, lếch thếch “tay xách nách mang”, Hạnh cứ bắt Hải đi trước, còn mình theo sau với lý do chỉ để thỉnh thoảng cúi xuống kéo chiếc tất dài không chun hay tụt cho khỏi ngượng! hay chuyện Nhuận “salat” nằm trên tầng 2 không thắt dây bảo hiểm, nửa đêm rơi xuống đất, vẫn tiếp tục thưởng thức hộp sữa đặc Moloko đã đục sẵn vẫn còn “yên vị” trên miệng!…

Chúng tôi đã được các anh chị năm trên chăm sóc tận tình ngay từ những giây phút đầu tiên sau khi bước xuống tàu, bữa ăn lót dạ đã được chuẩn bị sẵn ở ký túc với ”cơ số nhòe”, nhất là táo! Sau đấy là những “bài học đầu tiên”, từ cách đi lại, cách ăn trong xtolovaia, cách lau nhà, cách sử dụng tualet, v.v và v.v…Các anh chị cũng đã dẫn chúng tôi đi mua quần áo trong số tiền 300 rup được cấp, sao cho “oách” hơn “quần áo bác Bửu” một chút! Vậy là chúng tôi được trang bị đầy đủ từ palto đồng màu lông chuột của lũ con trai và màu xanh xanh, đen đen của lũ con gái, cũng comle, plash và đôi giày đông nhìn hơi giống chiếc bánh mì baton một chút, nhưng màu sắc “ngon” hơn nhiều, giống như màu tóc của chú Xuân trong “số đỏ” của Vũ Trọng Phụng kia đấy! Kể ra với số tiền 300 rúp được như vậy cũng là khá lắm rồi ! ACE nhìn xem chúng tôi ngày ấy cũng không đến nỗi nào đấy chứ !

Kỳ kiểm tra sức khỏe trước năm học dự bị đã để lại cho chúng tôi những “ấn tượng” hãi hùng đến bây giờ như việc uống thuốc xổ giun,…Tuy nhiên cũng thật thú vị khi nghe chuyện chiếu X-quang, kỹ thuật viên cứ yêu cầu chị em không được quay lưng về máy chiếu, trong khi chẳng có ai như vậy! có lẽ câu “trước sau như một” là xuất phát từ đấy chăng?

Hết năm dự bị chúng tôi được chia thành 3 lớp: 16 đứa học sinh vật, 15 đứa học vật lý và 6 đứa học hóa. Chia tay nhau nhưng vẫn nhớ về nhau lắm, vì vậy đã có 3 cặp gắn mãi với nhau đến hết cuộc đời!

…Lần tập trung này có 12 người và 2 phu nhân, vắng một chút nhưng cũng là sự cố gắng lớn, nhất là các bà nội, bà ngoại! Vợ chồng Tường VL cùng con cháu bay từ trong SG ra từ nửa tuần trước, Tỵ B từ Việt Trì xuống trước một ngày. Thảo “béo” đang ngóng ngày con gái sinh, phút cuối vẫn quyết định có mặt!

 Trong số 37 người năm ấy, có 4 bạn đã đi xa mãi mãi là Thư, Tuấn “khịt”, Thìn (sinh vật) và Phong “thầy cãi” (vật lý), 6 bạn đang ở nước ngoài là Tâm-Lý, Hưng, Khôi, Đức và Thảo “gầy”. Loan CL sức khỏe không cho phép, Khoa VL, Sơn CL đều chủ trì Hội nghị ngành; một số bạn khác đến phút chót phải ở nhà do có việc đột xuất bất khả kháng như Thủy CL, Yến OB. Đặc biệt vợ chồng 2 PGS Hoàng Dũng và Phương Thoa, chiều 24/5 tay xách túi shashlut khấp khởi ra sân bay TPHCM, chỉ mong máy bay không delay, đến Vinh càng sớm càng tốt để khoe và chiêu đãi bạn (đồng thời “cám ơn” các quân sư ngày xưa đã từng “bày mưu kế sách lược” “cưa kéo” cho mình nữa!). Than ôi, khi ra checkout, vé đề ngày đi Vinh là 24/6 và ngày về lại TPHCM là 26/5!!! Vậy là khóc dở, mếu dở, tiền thì mua thịt làm shashlut hết mất rồi! Vé không đổi được chuyến! Toi!!! Vợ chồng đành quay về, nướng thịt lên nhấm nháp cùng với nỗi sầu riêng!

5h30 xe đón chúng tôi ở điểm đầu tiên, rong ruổi vài nơi trong thành phố, qua Linh Đàm đón Tỵ B và chính thức xuôi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đường sửa gần xong nên xe chạy bon bon, làm quên đi cái bụng đang đói chờ được ăn sáng. (chúng tôi phải đón Mạnh OB ở Phủ Lý xong mới được cùng ăn!). Mỗi người được quyền ăn hơn một hộp xôi chả nóng giòn! Riêng Pha được vợ “đánh dấu” cho hộp xôi có chả đã được cắt lát, còn lại mọi người cứ phải cắn ngập răng miếng chả to đuỳnh! Xe oto chúng tôi đi là xe hết sức đặc biệt, phải có biển số 1970 (năm đầu tiên gặp mặt) mới thuê! Nhà xe chiều khách nên đã cố gắng đáp ứng yêu cầu, ACE không tin xem kỹ ảnh đầu bài có phải đúng vậy không!?

Đường từ Phủ Lý qua Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, đến Vinh bây giờ đã “ngon” hơn rất nhiều, phần lớn là một chiều. Chúng tôi chỉ mất 5 tiếng đã đến Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An, đấy là chưa kể dừng lại Dốc Xây “ca hát” và thưởng thức kẹo sìu, kẹo dồi cùng nước chè mạn.

          

Qua thị xã Hoàng Mai, đi thêm khoảng chục cây số chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng sinh thái Biển Hồ nằm ngay đường ven biển Quỳnh Bảng lúc 11h15 (sở dĩ có tên gọi này là do chủ sở hữu là mấy anh em họ Hồ). Sau khi nhận phòng và ăn trưa tại Hội trường mới xây, cả hội lăn ra ngủ chuẩn bị cho lần xuống biển đầu tiên!

Hội nam và nữ “độc thân” ở cạnh buồng nhau, nên cả hội thống nhất: nếu ai muốn gọi ai, cứ gõ vào cánh cửa ngăn hai phòng theo đúng quy ước là được, không phải alo gì cho mệt!

 Chiều xuống, khi gió biển thổi vào làm dịu bớt cái nắng hơn 40 độ đang ngự trị đất miền Trung, chúng tôi ào xuống biển. Năm nay người ra biển đông hơn có lẽ do nóng quá và học sinh các cấp cũng sắp sửa chia tay. Trên bờ hàng quán đã bắt đầu mọc lên, đôi chỗ đang xây nhà tầng. Vẻ hoang sơ năm trước đang dần mất đi. Nước biển thật kỳ diệu, bao mệt mỏi sau chặng đường xa gần như tan biến! Biển hôm ấy hơi động nên nhiều sóng, mấy chị em chỉ loanh quanh gần bờ không dám ra xa, còn anh em tha hồ nhảy sóng! Đang mải bơi lội thì vợ chồng Tường Trà cùng con và 2 cháu nội ngoại từ nhà (cách 15 km) đi xe tới. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, chỉ hơi buồn vì vợ chồng Dũng Thoa nhỡ chuyến!

Buổi tối, dưới ánh trăng non ở biển, chúng tôi chạm ly như chạm lại ký ức 45 năm trước, khi những đứa trẻ mới lớn lần đầu tiên gặp nhau tận mảnh đất Môn đa vi xa xôi, cách khói lửa chiến tranh Việt Nam hàng vạn cây số!Hiến CL77 quê ở Quỳnh Lưu cùng đến chia vui với chúng tôi

Thế rồi câu chuyện mới chính thức bắt đầu!

Sau “tuần bia” và chút rượu vang phảng phất mùi Kaberne của Mondavia, các cặp “xa nhau nhơ nhớ” một thời đã có đủ dũng khí “cụng ly” với nhau!

Trần Nguyên Tường bắt đầu đọc thơ như hơn 40 năm về trước. Tường đọc lại bài thơ khóc Cha với đầy đủ cảm xúc của những ngày đau đáu không về chịu tang Cha được. Chúng tôi lặng đi trong gió chiều hôm ở biển. Hai hôm nữa sẽ đến ngày giỗ Bố Tường!

Câu chuyện bắt đầu râm ran hơn khi mọi người bắt Tường đọc lại những bài thơ viết cho các “Nàng Thơ” của mình, ví dụ như “hàng dậu dài không ngăn nổi lòng ta” hay “chim ơi chim, chim có quả tim tròn” chẳng hạn! Cười chảy cả nước mắt!

          

Các nickname cũng lần lượt “lộ” ra như Thảo “phích”, Tỵ “di động”, Vân “lúng liếng”, Tuấn “khịt – Abu”, Nam “rù”, Minh “gù”, Nhuận “salat”, Huy – Lọ - Hoàng “cười ra khoáng sản”, Hạnh “đức Mẹ”, v.v... Mỗi nickname đều gắn với một “sự tích” khó quên!

Những câu chuyện năm dự bị trốn học ở nhà, vụ xem phim tư bản, vụ “tìm trẻ lạc” Tâm-Lý ở Kommunanhich, ...đều được nhớ lại với những chi tiết li kỳ như trong phim “trinh thám”! Không ai nghĩ các ông, các bà U70 còn “non” đến thế! Đến lúc về phòng đi ngủ để sáng sớm còn kịp dậy với mặt trời mà vẫn “hẹn” gõ vách ngăn đúng theo quy ước, tránh “nhầm”!

Sáng hôm sau biển lặng hơn rất nhiều, sóng mơn man bờ cát, nước cũng trong hơn. Mấy chị kịp “nâng” mặt trời lên, còn anh em chỉ giơ tay “đứng trước biển” thôi

Bên biển con người trở nên trẻ hơn, “cái bụng bự” hình như cũng thon hơn! 

Tắm biển, ăn sáng, nghỉ ngơi xong chúng tôi về thắp hương cho Bố của Tường ở Từ đường nội tộc mới xây dựng lại năm ngoái và thăm Mẹ. Bà đã ngót nghét 100 tuổi, mắt đã lòa và hay quên, nhưng thơ thì còn nhớ nhiều. Bà đọc cho tôi nghe một đoạn, tôi nhớ nhất câu:

               “ Yêu nhau cúc áo không cài

                    Để cho mai trúc mặc ai... làm gì thì làm”  mà thôi!!!

          

Tường được thừa hưởng “gien thơ” chắc là của Bà.

Trên đường về biển Quỳnh Nghĩa thưởng thức “hương biển” do gia đình Tường chiêu đãi, chúng tôi phải đi qua chiếc cầu có giới hạn chiều cao và tải trọng xe. Lòng vòng tìm đường khác mãi không được, cuối cùng mới hiểu ra bác Thăng chưa kịp cấm xe có thể qua giới hạn chiều cao bằng cách này:

         !

Chúng tôi chia tay với vợ chồng Tường và các cháu ở Quỳnh Nghĩa vì gia đình còn rất nhiều việc trong những ngày sau.

Chiều tối lại làm một chầu tắm biển, các thầy giáo được phân công “kèm cặp” trò nữ rất có trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc, từ tập nằm ngửa, nằm sấp trên sóng, bơi “chó”, bơi “bướm”, đến cả môn “đi dạo bộ” trên bờ (chả là có bạn Diệu, trước khi đi chồng đã dặn dò kỹ lưỡng xuống biển chỉ được phép nước ngập đến ống chân thôi!)

Sau cơm tối câu chuyện lại tiếp tục râm ran cho đến khi trăng non nhường hẳn chỗ cho những vì sao! (những ngôi sao ở đây rất lạ, Quý Huy nhìn thế nào mà vẫn thấy một thành hai, trong khi kiểm chứng, nhìn vợ một vẫn là một xịn!)

Sáng ngày thứ ba của chuyến đi, chúng tôi vào Vinh thăm đền Quang Trung trên núi Quyết, nơi ngày xưa Quang Trung Hoàng Đế chọn xây Phượng Hoàng Trung Đô để dời Đô từ Tây Sơn ra. Kinh thành vừa xây xong thì Hoàng đế qua đời, chưa kịp thực hiện ước nguyện về quê của mình! Trên đường vào Vinh đoàn ghé thăm quê hương Phượng Lịch, Diến Hoa, Diễn Châu của Hoài, cũng là quê của Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nơi có dòng sông Bùng – nguồn cảm hứng cho bài hát “Khúc hát sông quê” của anh. Xe qua các cây cầu mang tên mà dân Nghệ hay đùa “trong ai "Cấm" thì cấm, nhưng ngoài choa cứ "Bùng"!”. Kính cẩn thắp hương trước anh linh Người anh hùng áo vải Hồ Thơm xong, chúng tôi ngắm nhìn nơi Hoàng đế Quang Trung đã chọn, thấy nơi đây đúng là vị trí đắc địa. Phía nam là nơi hai dòng sông của Nghệ An  và Hà Tĩnh là sông Lam và sông La nhập vào nhau trước khi cùng đổ ra biển, phía Tây là quê của ông với những dãy núi chạy dài, phía đông là biển, còn phía bắc là những cánh đồng và triền cát trắng. Với con mắt của nhà quân sự, giỏi cả đường bộ lẫn đường thủy đây đúng là vị trí “đắc địa”

Chúng tôi không đến thắp hương khu tưởng niệm cũng như mộ Đại thi hào Nguyễn Du và đền thờ Đức ông Hoàng Mười nữa vì năm trước đã đến đây. mà dành thời gian thăm mẹ Tỵ A. Bà đã 101 tuổi và mới chuyển từ huyện Con Cuông (nơi được gió Lào nóng bỏng gần như “ưu ái” nhất) về Vinh với con gái lớn! Ngôi nhà nho nhỏ nằm khuất trong ngõ vắng. Bà và chị chiêu đãi món khoai và lạc luộc cùng với nước chè xanh – những “đặc sản” của vùng đất chói chang nắng gió. Bà còn khỏe và minh mẫn lắm. Chúc Bà còn khỏe mãi và truyền “gien” này lại cho con cháu!

          

Buổi sáng ngày thứ tư chúng tôi lại bơi dưới ánh bình minh một lần nữa cho “bõ thèm”! Sau đó tranh thủ mua ít cá tươi về làm quà, và đúng 9h kém 15 (đi hơn về kém!), đoàn tạm biệt Biển Hồ, chào đất Quỳnh Lưu, chiếc xe mang biển số 1970 đưa chúng tôi “trực chỉ” Hà Nội thẳng tiến!

 

...45 năm, quãng thời gian quá nửa đời người đã qua đi. Cám ơn số phận đã cho chúng tôi gặp nhau, đã sống với nhau trọn nghĩa tình. Du Xuân 2016 chúng tôi sẽ lại gặp nhau trên đất Bình Định – Tây Sơn cùng tổ ấm KGU thân thiết. Và Hậu Du xuân, khóa 76 hẹn nhau sẽ “làm riêng” một chuyến về Huế, kỷ niệm 40 năm ra trường, sẽ lại cùng nhau thưởng thức chiếc bánh nậm bên bờ sông Hương, nơi đã làm bao con tim rung động:

                                    “Sông Hương đâu phải dòng rượu mạnh

                                    Mà sao ai qua cũng say?

                                    Bến vắng, trăng soi, tóc nào buông gội

                                    Mà để lòng sông ngan ngát Hương bay?”

 

                                                             Hà Nội, những ngày tháng 5/2015 lửa cháy!


Người post: HoaiPV

Ngày đăng: 01-06-2015 15:03






Xem 11 - 20 của tổng số 41 Comments



Từ: ThoaNP
11/06/2015 12:12:05

Anh Tánh là người đi đón em ở sân bay hè năm 1971.


Em không học dự bị ở Kis mà học ở Minsk. Cả hội Dự bị Minsk khoảng 150 tên, tỏa đi các thành phố ở LX, mỗi nơi đều ít nhất cũng vài tên, duy chỉ có một mình em là SQ phân về Kis (trước đó thông báo là về Mat, đến phút chót đổi lại). Phải hơn 30 năm sau em mới biết được lý do là do bạn Trần Lan (con gái tướng Trần Sâm - thật sự cũng không biết về vị tướng này) kể lại. Lẽ ra em về 1 trường Hóa ở Mat (theo nguyện vọng học Hóa, phát biểu với bác Bửu sau kỳ thi Đại học), bạn Lan theo phân công sẽ về trường nào đó ở Astrakhan hay đâu đó. Tuy nhiên do là con gái tướng Trần Sâm (có thể không do Bố bạn đề nghị mà do các cộng sự) nên sứ quán chuyển bạn Lan về Mat thế chỗ em. Trường bạn Lan thì không có ngành Hóa, nên SQ chợt nhớ ra Kis và điều em về đây. Giờ thì không thấy sao nhưng hồi đó em bất ngờ lắm vì cả lũ bạn sắp đi Mát với nhau đã có bao nhiêu dự định chơi chung, sát hôm đi mới được thông báo thay đổi. Hội Minsk ra sân bay tiễn em rất đông, dúi cho mấy túi quà trái cây, ..., mấy đứa còn khóc lóc vì thấy em đi một mình. Xuống sân bay còn đang bỡ ngỡ thì anh Tánh ra giới thiệu và đưa về, khỏi nói em cảm động thế nào.


Anh Tánh lúc đó như một người anh quan tâm chăm sóc các em năm dưới rất chu đáo.


Hôm gặp lại Trần Lan sau mấy chục năm, Lan kể chuyện và hỏi Thoa có buồn việc này không. Không phải bây giờ, mà từ rất lâu mình đã cảm ơn số phận cho mình về học ở Kis, được có bao nhiêu bạn bè thân thiết và xây dựng cuộc sống gia đình như hôm nay. Đúng là Trời có mắt và cuộc đời mình thật may mắn.


Em cảm ơn anh Tánh, và luôn khâm phục sự nhiệt tình của Anh với bạn bè Hội KGU. Anh Tánh chị Mai thật hạnh phúc. Em chúc gia đình Anh Chị luôn vui tươi.



Từ: TanhVH
11/06/2015 09:28:22

Những cuộc hội ngộ khóa đầy xúc động. Anh chị em khóa 76 cũng để lại cho những Nguoikgu thế hệ ấy rất nhiều kỷ niệm đẹp và bây giờ các Ông, Bà K76 vẫn là những người tích cực tham gia hoat động của cái Hội "chơi là chính" của chúng ta



Từ: Guest LamTB
09/06/2015 18:48:04

Cám ơn chị Thoa đã giải mã câu thơ đã làm chúng em vừa tức vừa buồn cười suốt hồi đó. Thỉnh thoảng có những vụ việc thời sinh viên được giải mã trên web này cũng rất vui đấy ạ.


Em cũng cám ơn anh Hải NV (mà có đứa nói ngọng, nó cứ gọi anh là Hải Lông), nhờ mấy ảnh HN Hóa Sinh anh post, em nhìn thấy cô PT Châu, sếp em, vẫn trẻ đẹp như thế, như "cô tiên ấm tích" ngày xưa. Cô Trần Thị Ân là tác giả chủ biên GT Hóa Sinh học đầu tiên của VN, cô là người thầy khả kính nhất của ngành HS học VN. Tiếc là trong ảnh em không thấy có cô Nguyễn Thị Thịnh, thầy Lê Ngọc Tú cũng là những cây đa cây đề của làng HS mà em cũng rât yêu mến và kính trọng.



Từ: Guest HoaiPV
09/06/2015 06:10:58

Cám ơn cả nhà đã "còm" rất nhiệt tình! Cũng rất cám ơn KGU Tp HCM đã tổ chức đón nhạc sĩ Hải TB để vợ chồng Thoa Dũng có "lý do chính đáng" xử lý cả mấy ký shashluc và khoá 76 chúng tôi cũng bớt phần áy náy! Thoa ơi, anh Mai Xuân Dương VL75, sau khi tốt nghiệp về dạy ở khoa lý ĐHSP Xuân Hoà. Anh đã nghỉ hưu, về quê "ẩn dật" ở Thanh Hoá. Vì con hiện ở HN nên thỉnh thoảng Nhà thơ có quá bộ ra thăm Thủ đô! Hồi tháng 4 anh ấy đã nhận lời tham dự Du xuân của Hội KGU, nhưng sau không rõ vì sao lại không đi được. Hay vì Nhà thơ biết cả Thoa và Diệu đều sẽ có mặt ở Du xuân nên "sợ"!!?



Từ: ThoaNP
08/06/2015 23:04:47




Nhắc lại câu thơ "Bỗng em cười vang, tiếng con chó sủa ..." thì sự tích là như sau:


Năm đó mình học khoảng năm 1 hay 2, cùng khóa có Diệu ở Khoa Sinh. Bữa đó tình cờ đi học về cùng đường với Diệu và một anh năm trên tên Dương (VL75) (mình không nhớ rõ phải tên chính xác không, nhưng chắc chắn là lớp VL75). Dọc đường Diệu kể chuyện tinh nghịch hồi học phổ thông (hay sơ tán) dưới nông thôn. Có 1 chuyện là xẩm tối rủ nhau đi ăn trộm trái cây trong vườn nhà người ta. Ăn trộm vì vui là chính chứ không phải vì tham (ăn)! Do vậy có lúc buồn cười quá không nhịn được, phá lên cười làm chó sủa vang, chủ nhà ra đuổi. Chuyện tào lao suốt dọc đường đi cũng không nhớ hết nổi. Ai ngờ sau đấy khoảng 1 tuần thì lễ 8/3, Hội KGU mình làm báo tường, và thấy xuất hiện bài thơ của anh Dương có dòng chữ nhỏ dưới tiêu đề "Tặng các em D và T”. Bài thơ khá dài, nhưng giờ mình không nhớ được câu nào của bài thơ này ngoại trừ câu  "Bỗng em cười vang, tiếng con chó sủa". 
Anh Duong oi, hien anh dang o dau, lam gi?


Diệu thì mình đã gặp lại vài lần rồi.


Chuyện này trước đây mình đã chia sẻ trên mail đàn.




Từ: Guest LamTB
08/06/2015 02:05:10

Hoan hô Khóa 76 đã có một hành trình kỷ niệm 45 năm độc đáo, mặn nồng. Khóa 77 chúng em nhất định học tập, phải không các bạn?mà phải cố tụ tập đông đủ cơ. Đọc bài của anh Hoài lại nhớ nhiều kỷ niệm về khóa 76. Chính K76 đã đón tiếp K77 ngày đầu tiên về tới Kishinov và được phân công kèm cặp các em học tiếng những ngày đầu. Nhưng K77 nghịch vô địch. Câu thơ: "Bỗng em cười vang, tiếng con chó sủa" có phải của nhà thơ 76 tặng nữ 77 không? Lại nhớ một SN nọ của 2L, chúng mình tụ tập, hát nhảy om sòm. Hôm sau dưới bảng tin KTX có tin nhắn: "Ai mất ngựa thì lên P302"...


Xin báo cáo với anh Hoài là Sashluc của chị Thoa chuẩn bị cho K76 đã được K77 tiếp thu ngay ngày hôm sau nhân buổi gặp mặt bạn Bắc Hải tại nhà Lam. Mặc dù rất ngậm ngùi vì vụ hủy vé của anh chị Dũng Thoa, hôm đó ai cũng sung sướng vì Sashluc ngon quá.


Chị Tỵ A ơi chị giống mẹ chị quá. Thật mừng khi các anh chị còn về thăm được các mẹ của bạn mình khi các cụ đã ngót 100 tuổi.


 



Từ: ChiNB
07/06/2015 20:49:28

Chúc mừng cuộc hội tụ 45 năm Ngày gặp mặt của khoá 76. Rất tiếc là đã không tham dự cuộc vui này với các bạn và cũng tiếc là khoá 76 vắng nhiều quá. Mong rằng các khoá của chúng ta luôn có những cuộc gặp mặt như thế này. Quỹ thời gian còn lại của chúng ta không còn nhiều nữa đâu. 



Từ: ThoaNP
07/06/2015 17:48:11

Cảm ơn Hải. Mình chỉ gặp cô được vài lần hồi năm 76, nên giờ không nhận được ra cô, nếu Hải không chỉ. Mong cho cô vui sống khỏe bên con cháu. Nếu Hải có dịp liên lạc cho tụi mình gửi lời thăm Cô nhé.



Từ: HaiNV
07/06/2015 17:44:18


Post mãi mới được đấy Thoa à. Bác Ân cũng không khỏe lắm, phải có em Ánh đưa đi và về sớm nên mình cũng không nói chuyên được với bác nhiều. Mình có nhắc lại là xưa mình đã vài lần đến nhà bác ở Phố Nguyễn Chế Nghĩa chơi với Đức, bác có lấy số ĐT và email của mình. Hôm tham gia Hội nghị có mình và MạnhNX K76.




Từ: HaiNV
07/06/2015 17:28:36


 


 


 


 


 


 


 


Ảnh bác Trần Thị Ân (kính đen) - Mẹ bạn Nguyễn Mạnh Đức VL76 tại Hội nghị Hóa sinh toàn quốc ngày 21/5/2015 (tháp tùng bà là em Ánh - em gái bạn Đức, không có trong ảnh).


 






Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9763
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7158
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s