NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 46 - 54 của tổng số 80 Blogs.




Chơi với cháu thích lắm, các bạn ơi!
Ngày đăng 09/12/2012 17:59:56

Ngày 12/12/2011 cháu nội của chúng tôi ra đời, em MoN đã nhanh chóng báo tin. Thế là các ông, các bà khắp nơi đã nhiệt liệt chúc mừng ông bà nội và bố mẹ cháu qua trang studentkgu.vn, địa chỉ email, điện thoại di động, điện thoại nhà riêng.

Ngày cháu đầy tháng, các bà Hội MK đến chơi rất đông. Các bà cười nói rổn rang, thay nhau bế, cháu vẫn ngủ khì.

Suốt thời gian qua, nhiều ông bà đã đến thăm cháu. Mới đây, 31/10/2012 nhà cháu đã được đón 15 ông bà đến chơi bàn chuyện Du Xuân và mừng ông Khánh ra Hà Nội. Gần đây nhất, trưa thứ Sáu, 7/12/2012 bà Diệu Linh từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã ghé thăm cháu.

Thay mặt gia đình, ông bà nội của cháu xin chân thành cám ơn các ông, các bà Hội Người KGU về sự quan tâm, săn sóc cu Vịt nhé!

Cu Vịt sắp tròn một tuổi!

Từ khi ra đời, cu cậu luôn là nhân vật trung tâm trong gia đình. Chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi, chuyện mặc… của nó trở thành mối quan tâm lớn của cả nhà. Hồi đầu đó là chuyện tắm cho cháu. Bà nội giành độc quyền tắm cho nó. Nay thì mẹ hoặc dì cháu làm việc này…

Tôi xin kể vài mẩu chuyện về đứa cháu nội yêu quý của chúng tôi.

1. Về quê nội, quê ngoại cu cháu xử sự rất đàng hoàng

Ở Hà Nội cứ thấy đông người hoặc người “lạ” đến chơi là cháu khóc, có khi khóc nức, khóc nở.

Thế mà cả hai lần về quê nội ở Ninh Bình và quê ngoại ở Tuyên Quang, cháu “xử sự” rất đàng hoàng. Gặp ai cháu đều mặt mày tươi tỉnh, miệng cười toe toét. Ai giơ tay đón là nhoài ra theo luôn.

Toàn là người nhà, người trong tộc họ cả mà, có ai là người lạ đâu!

2. Những chiêu trốn ăn

Món bột, món cháo dù có được chế biến ngon đến mấy cu Vịt vẫn cảnh giác cao độ. Cứ thấy bát bột được đưa ra là cậu ta giụi mắt, vò đầu bứt tai. Cậu muốn truyền một thông điệp: Ông bà, ba mẹ, cô dì ơi, con buồn ngủ lắm rồi, không kịp ăn bột nữa đâu!

Có thời gian cậu có chiêu: Cứ đến bữa ăn là chơi trò đuổi bắt với con mèo hoặc dùng xe tập đi chạy xung quanh bàn ăn đến chóng cả mặt. Cậu trốn ăn, cậu đánh bài lờ đấy mà!

Bây giờ tình hình có vẻ “gay go” to rồi. Đã 9 ngày nay cậu kiên quyết “phản đối” việc cho ăn bột, ăn cháo. Nhìn thấy thìa bột, thìa cháo là cu cậu ngặm chặt miệng lại. Nếu có nhanh tay đưa vào miệng dù chỉ là một chút bột, chút cháo, cậu phun ngay ra phì phì.

Cậu chỉ uống sữa mỗi ngày được 3 lần, mỗi lần khoảng 70-80 ml. Cậu có bú sữa mẹ một ít nữa.

Dỗ dành mãi cậu mới chịu ăn thêm ít hoa quả, vài hạt cơm. Mấy hạt cơm phải cho cho ăn bằng tay chứ dùng thìa là cậu quay đi luôn. Hứng lên cậu có ăn một chút bánh gạo.

Không biết bao giờ cháu chúng tôi mới ăn trở lại? Các ông, các bà có mẹo gì mách ngay cho ông bà, bố mẹ cháu với! Khẩn cấp! Khẩn cấp!

3. Phi xe như tên bắn

Anh cu này nghịch lắm.

Hôm rồi, cu cò lừa lúc mọi người không để ý đã tự “lái” chiếc xe tập đi lao như tên bắn từ phòng bếp qua phòng khách, bay vèo qua bậc tam cấp khá cao, rớt xuống sân đánh rầm. Chiếc xe đổ chỏng ngọng, cu cậu bị bắn ra ngoài.

Mẹ cháu lao ra, bế lên, ôm chặt lấy nó, khóc ầm ầm. Hai mẹ con cùng khóc. Ông bà dỗ dành, động viên mãi cả hai mẹ con mới nín.

Từ tình huống này, ông nội viết lên bảng hai điều cần đặc biệt chú ý: 1. Phải luôn để mắt đến cu Đức mọi lúc, mọi nơi; 2. Khi cu Đức ở trên xe tập đi phải đóng cửa kéo hoặc cửa gỗ ở phòng khách!

Sau hôm ngã rất đau tưởng cu cậu biết sợ. Ai dè, cứ đặt vào xe tập đi là cậu lại lao xe ra cửa phòng khách rất nhanh.

Cậu điều khiển xe rất tài, khi gặp chướng ngại vật, biết tiến, biết thoái rất nhịp nhàng. Có thể, sau này nó sẽ tự kiếm được "con" xe để đi chăng!

4. Giỏi nhất chuyện leo trèo

Sắp tròn một tuổi cu cháu của tôi mới biết đi theo cách lần tường, lần theo thành giường, hàng ghế.

Riêng cái khoản leo trèo thì cháu biết từ rất sớm và leo rất tài. Khi ông bế, nó liền tóm áo leo lên ngực, lên cổ luôn. Lúc đứng ở đầu giường cu cậu cũng tìm cách leo lên thành giường.

Nó đặc biệt thích cái ghế tràng kỷ ở phòng khách. Ông vừa đặt nó ngồi xuống ghế, nó nhao ngay đến bên thành ghế. Miệng mím chặt, hai tay bám chắc vai ghế, hai chân đạp đạp vào thành ghế, cố hết sức leo lên. Do thành ghế bằng gỗ rất trơn nên có hôm cu cậu bị trượt chân va đầu vào thành ghế xưng vêu cả đầu.

Cu cậu rất thích được ông nội dùng chân tung lên tung xuống. Được ông tung người lên cao, cậu cười khanh khách!

5. Ngứa răng, ngứa lợi cắn mọi thứ

Cu Vịt nhà tôi tóc mọc chậm nhưng cái khoản răng thì mọc rất nhanh. Đến nay đã có 8 cái răng rồi. Đang mọc thêm cái thứ 9. Trộm vía, khi mọc răng cậu không bị sốt. Ngứa răng, ngứa lợi cậu thích cắn mọi thứ. Cắn ghế, cắn thành giường, cắn vỏ kẹo, vỏ bánh, cắn sách, cắn ngón chân của chính mình… Thích nhất là cắn tay ông bà. Mấy cái răng của nó rất sắc nên bị nó cắn đau lắm! Đau nhưng cố nghiến răng chịu thôi.

Cháu mình cắn mình chứ có phải ai cắn đâu mà kêu la!

6. Rất khoái nghe ông “hát”

Ông nội của cháu rất ít khi dám hát trước đám đông. Thế mà với cu Vịt ông phục vụ hết lòng. Ông thường hát 3 bài cho nó nghe. Đó là bài “Cơn mưa đi trước, Đức lội theo sau”, “Như tiếng sấm vang rền”, “Пусть всегда будет солнце”. Bài “Пусть всегда будет солнце” ông nó chỉ thuộc được đoạn припев thôi. Thế mà khi nghe ông hát, nó rất thích. Cu cậu đứng dậy nhảy, hét vang và vung tay liên hồi.

Cu cháu thật khéo động viên vì ông nội nó là người duy nhất trong nhà có biết hát hò, nhảy múa gì đâu.

Như mọi đứa trẻ, anh cu rất thích xem chương trình quảng cáo. Cháu đặc biệt thích đĩa thâu chương trình Đồ rê mi và các chương trình ca nhạc nước ngoài. Gần đây cậu rất thích nghe Gangnam Style và video các bài hát của Xuân Mai thuở bé.

7. Thích đeo huân chương

Hôm ông nội đeo huân chương trên áo comple, cu cậu cứ nhìn trân trân. Ông bế lên, cậu ta cứ mân mê cái vật có mầu đỏ đỏ, vàng vàng trên áo ông. Ông bèn tháo ra và đeo vào áo của nó.

Cu cậu thích quá, cười toe toét!

8. Có thể cháu sẽ ham đọc sách

Hồi cháu 6- 9 tháng tuổi, ông nội thường đọc thơ, đọc ca dao cho nó nghe. Nó ra điều thích thú, nằm im lắng nghe.

Nay thì “lớn” rồi, cháu thích tự mở sách ra để xem.

Hy vọng sau này nó sẽ ham đọc sách.

 

 

Từ khi có cháu, đi đâu chúng tôi cũng muốn giải quyết công việc nhanh nhanh để còn chạy về nhà với nó. Chơi với cháu thích lắm, các bạn ơi!

 


Tóc em, má em bị vương tro bếp
Ngày đăng 30/11/2012 18:49:22

 

 

 

Có một chàng trai 17 tuổi xung phong vào lính. Luyện tập ba tháng biết lăn lê, bò toài, biết bắn đùng đoàng là được đưa ngay vào Hà Tĩnh. Được phân công cùng với Tiểu đội trưởng Nông Văn Mèn ở nhà bác Cậy, chàng thích lắm. Tối tối được chủ nhà mời ăn khoai lang luộc với nước chè xanh (nác mới) rất ngon. Nhà bác Cậy có em Lan ngoan hiền thế mới tuyệt chứ. Em hay hát hay cười. Giọng nói câu hò của em mới ngọt  ngào làm sao!

Thích em Lan lắm nhưng chàng chẳng biết tán thế nào. Tiểu đội trưởng Mèn thương thằng em quá bèn nói nhỏ với nó mấy câu.

Sáng hôm sau, chàng lính mới bị sốt không thể ra sông tập bơi vượt sông cùng khí tài súng ống với anh em trong tiểu đội được. Chàng nằm trên giường rên nho nhỏ.

Chàng bị ốm, Lan thương lắm. Nàng an ủi, dỗ dành: - Em nấu ù cho anh tô cháo hành nóng nhé! - Ừ, anh cám ơn Lan!

Lan vừa xuống bếp một tí đã thấy chàng chạy vào:- Em ơi! Anh bị sốt, người ngây ngấy rét! Cho anh ngồi nấu cháo cùng em với nhé!- Anh ngồi xuống đi. - Ở quê anh, anh cũng biết nấu cơm bằng rơm rạ đấy!- Thế à anh?- Mẹ anh dậy anh bỏ rạ vào như thế này này, rồi dùng que cời lửa thông hơi thế này này. Chàng làm hơi mạnh, tro bếp bay lên. Có mấy hạt tro bay lên mái tóc, đậu lên đôi má ửng hồng của Lan. Trông nàng xinh ơi là xinh !

-          Lan ơi ! Tóc em,  má em bị vương tro bếp rồi, để anh gỡ cho em nhé !

-          Ôi, anh !

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Mề đay cho gà trống trưởng trại
Ngày đăng 27/10/2012 11:51:07

 

Mề đay cho gà trống trưởng trại  (Truyện vui nhân ngày nghỉ)

            Meomun ghi lại

 

 

Vào một buổi sáng mùa thu mát mẻ, trang trại gà tổ chức lễ hội lớn, mừng 40 năm kể từ ngày có chú gà đầu tiên trong trang trại. Từ sáng sớm, gà trống trưởng trại đã diện comple rất bảnh, khoác tay gà mái hoa mơ đi dự lễ.

Trong lễ hội, gà trống trưởng trại chăm chú lắng nghe các gà trưởng lão phát biểu ý kiến chỉ đạo, căn dặn.  Lâu lâu gã lấy sổ ra ghi chép (nhưng bằng kí hiệu gà bới) để lĩnh hội lời vàng ý ngọc.

Thú vị nhất là đến mục văn nghệ, các cô gà mái tơ xoay tròn trong điệu nhảy múa làm gà trống trưởng trại dán mắt xem không chớp, đến nỗi gà mái hoa mơ lại phải nhấm nhẳn: - Cục ta cục tác/Đàn ông có khác/Đàn ông có khác! Gà trống trưởng trại cười ngượng nghịu vuốt vuốt mái tóc rồi quay sang trấn an gà mái hoa mơ: Ò ó o o/ Lo gì mà lo/Lo gì mà lo!

Rồi đến phần hồi hộp nhất trong buổi lễ: trao giải cống hiến cho trại gà và cho trưởng trại. Do công trạng hơn 30 năm cần cù cấy trồng trong trang trại, gà trống trưởng trại được thưởng mề đay. Mề đay hạng nhì nhưng cũng lấp lánh chả kém hạng nhất.  Khi được xướng tên, gà trống trưởng trại hồi hộp quá suýt vấp vào mấy cô gà mái tơ đang ôm những bó hoa tươi thắm để sếp cấp trên tặng cho gã.

Gà trống trưởng trại mũi phập phồng sung sướng, mắt lấp la lấp lánh, run run đưa tấm mề đay cho gà mái hoa mơ:- Cám ơn em đã dìu dắt anh từ thuở đầu bỡ ngỡ mới gia nhập trang trại... Rồi giọng chàng trầm xuống: - Này, giá như mề đay là tiền nhỉ, để anh nộp cho em! Gà mái hoa mơ lườm gà trống đến rách cả mắt:- Đúng là gà mờ! Bây giờ mề đay có kèm tiền thưởng đấy, đến mấy triệu cơ đấy, biết chưa?

Gà mờ trưởng trại đập cánh mấy lần vì không tin đó là sự thật: Ôi, mấy triệu, mấy triệu, nhiều thế, tức là bao nhiêu tấn thóc em nhỉ, nhiều thế mình ăn đến bao giờ mới hết chỗ thóc ấy?

Tự nhiên thấy xung quanh im ắng cả, gà mờ giật mình, hóa ra cả trang trại đang chăm chú theo dõi câu chuyện của vợ chồng nhà gà trưởng trại. Gà mờ trưởng trại ngượng nghịu ôm vai gà mái hoa mơ, thay cho lời cám ơn. Chứng kiến cảnh đó, tụi gà nhép kêu lên: Khiếp!Khiếp!Khiếp!

Gà mờ trưởng trại đem mề đay về nhà, chú gà con lon ton ra đón.  Chú rất thích cái gì đỏ đỏ vàng vàng gắn trên áo của gà trưởng trại. Chú cứ mân mê. Gà trưởng trại bèn đeo vào áo của nó. Chú gà con sướng quá, cười toe, cười toét!


Nước mắm Phú Quốc truyền thống đã ra Hà Nội
Ngày đăng 13/08/2012 13:09:50

Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn truyền thống đã có mặt ở Hà Nội

    NghiPH

Sáng nay tôi đã đến 369B Nguyễn Trãi mua nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn. Đem về nhà tôi rót ngay ra để nếm. Nước mắm Khải Hoàn có màu cánh gián rất đặc trưng. Nghe nói màu cánh gián đặc trưng là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải do pha màu. Màu này có được là nhờ cách ướp tươi khi cá còn máu trong thân cá và do thời gian ủ trong thùng gỗ ít nhất là 12 tháng. Tôi ngửi thấy mùi thơm dìu dịu không gắt. Tôi lấy một cái thìa nhỏ múc một ít nước mắm đưa lên miệng. Một hương vị đậm đà thơm ngon lan tỏa. Tôi thưởng thức từng tí, từng tí một. Nhận ra một vị ngòn ngọt thấm dần, thấm dần ...

Chăm chú theo dõi cách nếm nước mắm Khải Hoàn của tôi, con dâu tôi hồ hởi hỏi:- Nước mắt Phú Quốc Khải Hoàn có ngon không ba?- Ngon, ngon tuyệt! – Con lấy một ít quấy bột cho cu Vịt, ba nhé?- Con lấy đi. Đây là mắm thật, mắm sạch, mắm tự nhiên. Độ đạm cao. Chắc chắc sẽ rất tốt cho trẻ con đấy!

Tìm hiểu thêm tôi được biết: Cùng với Thịnh Phát, Khải Hoàn là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm làm nước mắm từ nhiều đời nay trên đảo Phú Quốc. Doanh nghiệp Khải Hoàn chế tạo ra nước mắm Phú Quốc thương hiệu Khải Hoàn là nước mắm cốt, ủ từ cá cơm Phú Quốc và muối biển Bà Rịa- Vũng Tàu trong thùng gỗ với thời gian từ 12 đến 15 tháng.

Cá cơm ở Việt Nam có nhiều loại, nhưng loại nổi tiếng nhất để làm ra nước mắm ngon nhất, tốt nhất là cá cơm Than đen, Than đỏ, Sọc tiêu chỉ có ở vùng biển bao quanh đảo Phú Quốc.

Cá cơm được đánh bắt bằng lưới làm từ sợi tơ, nhuộm bằng nhựa cây sắn. Cá được vớt lên bằng vợt, xúc rửa bằng nước biển rồi chuyển xuống hầm tàu. Tại đây, cá được trộn muối ngay lập tức, với tỉ lệ 3 cá 1 muối. Cá đã được ướp muối gọi là Chượp. Khâu ướp muối rất quan trọng. Nó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước mắm sau này. Nếu cá bị ươn sẽ giảm độ đạm đáng kể trong nước mắm, sẽ không giữ được màu sắc tươi sáng tự nhiên và hương vị thơm ngon của nước mắm.

Chượp được đưa khẩn trương về nhà thùng, đổ vào thùng để ủ. Khoảng thời gian đưa cá từ nơi đánh bắt về nhà thùng là rất quan trọng. Thời gian càng nhanh, cá càng tươi, càng là điều kiện tốt cho một thùng nước mắm chất lượng.

Thùng ủ nước mắm phải là thùng gỗ làm từ gỗ cây Bời lời, cây gỗ Trai, gỗ Vên vên… trên đảo Phú Quốc. Ở các nơi khác thường thì  người ta ủ trong vại sành hoặc bể bê tông. Ủ trong thùng gỗ bảo đảm nhiệt độ trong thùng cá khá ổn định. Nó làm cho Chượp được chín dần dần, từ từ, từng bước một theo đúng lẽ tự nhiên của việc ủ cá.

Trong thời gian ủ cá trong thùng, ở một số nơi người ta dùng phương pháp thủy phân hóa học để đẩy nhanh quá trình phân hủy cá nhằm rút ngắn thời gian làm nước mắm. Hoặc người ta dùng cách đánh nát, quấy đảo cá để thúc đẩy quá trình ra nước mắm. Ở doanh nghiệp Khải Hoàn người ta không dùng các phương pháp nói trên. Thời gian ủ cá tự nhiên từ 12 đến 15 tháng phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Không có bất kỳ tác động nào vào sự phân hủy tự nhiên của cá trong quá trình ủ trong thùng cá.

Sau 12-15 tháng, nước cốt thứ nhất được rút ra. Ban đầu là nước mắm cốt có độ đạm trên 30, tiếp đến là nước mắm long có độ đạm trên 20. Sau khi đã rút kiệt đạm trong Chượp, các loại nước mắm mới được đấu trộn lại để có độ đạm theo tiêu chuẩn. Bằng phương pháp kéo rút nước nhất- phơi- đổ lại vào thùng mắm cái, Khải Hoàn đã tạo ra nước mắm có độ đạm 40-45 độ đạm- là độ đạm cao nhất bằng cách chế tự nhiên. Còn đối với nước mắm công nghiệp, nước mắm có pha thêm chất phụ gia để gia tăng độ đạm nhân tạo thì chỉ số có thể lên tới 50, 60 độ đạm.

Khải Hoàn đã trang bị cho mình tàu đánh cá, nguồn muối ướp cá, hệ thống thùng gỗ đủ để ướp cá và cả  phòng kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Anh chị em Hội Người KGU muốn thưởng thức nước mắm truyền thống Phú Quốc: Sạch, nguyên chất, thơm ngon, tinh khiết, hương vị đậm đà khó quên; không phụ gia, không chất bảo quản, không chất định vị, định màu; độ đạm cao tạo ra hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống thì hãy đến địa chỉ 369B Nguyễn Trãi để mua.

 

Ghi chú: Địa chỉ 369B Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội nằm trên vòng xoay (bùng binh) Nguyễn Trãi- Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển (ở về phía đường Nguyễn Xiển- Nguyễn Trãi). Số nhà này nằm giữa một bên là Ảnh viện Áo cưới Romantic (bên phải) và một bên là Hotel Hoàng Long (bên trái).  

Nếu đi từ trung tâm thành phố ra, ta đi qua Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gặp ngã tư, đi theo vòng xoay theo chiều rẽ trái quay về trung tâm TP ta sẽ thấy địa chỉ này ngay góc đường.

Còn nếu đi từ Hà Đông ra thì ta cứ vượt qua ngã tư sang bên kia là tới.

Đi từ phía Hồ Linh Đàm, khu Định Công ra thì từ đường trên cao hoặc các đường khác đi ra đường Nguyễn Xiển, tới ngã tư là tới (không vượt sang bên kia).

Nếu đi từ hướng Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương tới, ta đi vào đường Khuất Duy Tiến, đến vòng xoay Nguyễn Trãi- Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển ta rẽ trái vào đường Nguyễn Trãi là thấy địa chỉ 369B ở góc đường phía đối diện.

  

 

 

 

 

 


Ra trận như là lẽ sống
Ngày đăng 25/07/2012 11:29:40

NghiPH

 

 

 

Bạn đã đọc cuốn Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân chưa? Đây là cuốn nhật ký do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2005. Tôi đã đọc liền một mạch cuốn nhật ký này. Đây là những trang viết của một con người, một chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với gia đình, với quê hương đất nước. Đọc hồi ký của anh, tôi cảm nhận một tâm hồn trong trẻo, trẻ trung, sôi nổi, đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng đất nước.

 

Mỗi người có cảm nhận riêng khi đọc cuốn hồi ký này. Xin giới thiệu với anh chị em một số đoạn mà tôi đồng cảm nhất. 

 

. Sợ sớm bị hy sinh

 

“Mình sẽ chiến đấu cho thật tốt, có mất mạng mình thì sẽ cũng phải đổi lấy vài ba mạng Mỹ đã, chẳng có gì đáng sợ lắm. Người ta đánh được, mình cũng đánh được thôi. Quý hồ đừng có mà chết sớm quá, phải khôn, phải cho thật nhanh nhẹn, tháo vát, ít nhất cũng phải được vài ba trận đã chứ. Có lẽ nào mới chỉ trận "đụng độ" đã quy tiên, đã "ngoẻo" rồi!”.

 

Anh Lân ơi! Anh đã nghĩ hệt như tôi trên đường vào chiến trường.

Người ta oánh được thì mình cũng oánh được. Nhưng đừng ngoẻo sớm quá. Sợ nhất là chưa bắn được viên nào đã trúng đạn lăn kềnh ra rồi! 

 

. Nhớ về những người thân yêu để ta vững tin hơn

 

“Ở đây, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pôluya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò, nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ. Con mang đi theo hai chiếc ảnh, một cái chụp ba, con và em Ly, một cái chụp ba, con và em Phượng (cái này đã mất ở trong Nam) để xem cho đỡ nhớ. Lúc nào con cũng giở ảnh  ra xem và mỗi lần như vậy, ruột gan bị cồn cào quá chừng. Những lúc chờ địch lên, ngồi trong công sự, con nhìn ảnh và thầm gọi tên từng người, trong bầu không gian tĩnh mịch, cái xú khí nặng mùi chết chóc, con thường tự hỏi và tưởng tượng ra: lúc này, ba đang làm gì? mẹ đang làm gì? các em đang làm gì?...

…Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng!”

 

Ai mà biết được lúc nào ta sẽ chết. Ta viết nhật ký như là viết di chúc.

Lúc chờ địch tràn lên, người chiến sĩ nhìn vào tấm ảnh mang theo và thầm gọi tên từng người thân yêu trong gia đình.

 

Hướng về những người thân yêu trong những lúc chờ đợi căng thẳng trước những trận chiến khốc liệt để ta vững tin hơn.

 

Anh chị em có thấy không người chiến sĩ ra trận rất lãng mạn. Anh tả một đêm trăng sáng rất mộng mơ:  Pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó…

 

. Một trận đánh khốc liệt

 

«Lúc căng thẳng nhất đó, con vẫn bình tĩnh lắm. Biết là sẽ rất ác liệt, và cũng có thể sẽ chết ở đây. Nhưng không phải vì hiểu thế để mà dẫn tới chỗ lùi bước, hoảng sợ. Đàng hoàng lắm, giờ nghĩ lại con vẫn thấy buồn cười và có chút tự hào về con: tự thưởng nhiều quấn thuốc lá hút sau một đợt tấn công của địch. Máy bay sà sát ngọn tre, kêu gọi "hồi chánh với chính phủ", con liền giơ súng lên, ngắm và làm cho một loạt. Nhưng rồi cái lo sợ nó đến ngay, anh em chúng con thay nhau chết và bị thương. Số người còn ở lại tuyến trước rất ít, đạn bắn đã bắt đầu thấy lẻ tẻ rời rạc... Một đồng chí phụ trách B41 bị pháo làm lòi ruột. Con trông thấy, cuống cả lên, nếu bỏ súng mà chạy tới băng cho đồng chí đó thì nguy hiểm vô cùng. Con là chủ chốt nhất vì lúc này, chỉ có loại súng của con mới phát hỏa mạnh được. Nhưng rồi con cũng trườn tới băng, băng một cách vội vàng. Sau này đồng chí đó cũng hy sinh nốt. Vết thương quá nặng và máu ra quá nhiều.

….Vắng lặng quá! Con lang thang hết hầm này sang hầm nọ, lần theo vết máu đã khô của mấy đồng chí thương binh trước đã lùi vào đây. Gọi xuống từng hầm một xem có bộ đội không, nhưng chẳng hề có lấy một tiếng đáp. Lang thang như vậy trong trạng thái hết sức cô độc, vắng vẻ đã làm con cảm thấy sợ. Té ra con là người cuối cùng còn sót lại đây».

Trong một trận đánh, lính Mỹ và lính của Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự yểm trợ đắc lực của không quân, hải quân, pháo binh tấn công quyết liệt quân ta.

Đơn vị của anh Lân hy sinh và bị thương gần hết, chỉ còn 2 người: Tiểu đội trưởng và Hoàng Thượng Lân. Anh đã bình tĩnh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quả lựu đạn cuối cùng và lăn ra bất tỉnh vì quá mệt mỏi và do máu từ vết thương chảy ra rất nhiều. Tỉnh dậy, anh đi tìm đồng đội. Không thấy một ai. Cả một không gian vắng lặng. Anh rơi vào trạng thái cô độc và cảm thấy sợ.

Lúc ầm ầm đạn bom ta đâu sợ.

Lúc vắng ta lại sờ sợ.

Thế mới là Người, anh Thượng Lân ơi!

 

. Chiến trận nơi thử thách bản lĩnh con người

 

« Chỉ vài ba cá nhân còn rớt lại là làm hại đơn vị: T. - một thằng ba hoa, lắm mồm nhất - vào đây hóa ra nhát như một con gián. P. cảm tình Đảng, ở ngoài Bắc ai cũng phục về tài nói, tài làm; nhưng khi vào đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống xích lại, P. đã nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc... ».

 

Nhiều khi giữa lời nói và việc làm không đi liền với nhau.

 

Người ta có ai giống ai đâu. Vì vậy, quân đội mới tổ chức ra các đơn vị thu dung để thu gom một số anh em sợ ra trận đi trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà.

 

Những anh em này cũng đã làm những công việc có ích phù hợp với tạng người của mình.

 

 

 . Những cái chết bất ngờ

 

“Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả.

 

Dạo này địch đánh phá mạnh. Pháo biển Cửa Việt, Dốc Miếu, Cồn Tiên... bắn tung tóe khắp mọi nơi. Lân còn sống, đang và đã quen với bom đạn lắm rồi. Trúng thì chết thôi! Chẳng sao cả!

 

Đồng chí Việt hy sinh vì pháo đêm 6 tháng 10. Lúc pháo bắn cấp tập, Việt còn đùa bỡn, chửi tếu: "Ngu! Bố đây mà sao bắn mãi không trúng?". Vừa dứt lời, chẳng may một quả khác bay đến trúng giữa hầm.

 

Đồng chí Vĩnh B trưởng B1 đã hai năm ở chiến trường. Đánh đã nhiều trận mà không hề xây xát lấy một miếng da. Đêm 9/10, đi địa hình thôn 8 với Kịa, bị phục kích, Kịa chạy thoát, còn Vĩnh bị trúng năm viên đạn "cực nhanh", chết. Tội nghiệp! Hôm hành quân vào Nam, dọc đường ở Vĩnh Thành, Vĩnh tình cờ gặp người yêu. O ấy tặng cho Vĩnh một chiếc khăn mùi xoa mới, thêu khá đẹp và hẹn: "Khi quay ra, phải nhớ vào nhà em đã nhé!".

Hồi ở chiến trường giữa tiếng bom rơi đạn nổ ầm ầm, lính tráng chúng tôi đã từng tếu táo: Trúng này ! Quả này trúng này ! Bố mày ở đây mà đ. biết à!

 

. Những giờ phút ngắn ngủi được ngồi bên những người con gái

 

« …Mấy o kể chuyện về một mối tình của anh ả nọ ở trong Vĩnh Sơn thật keo sơn thắm thiết. Nhưng rồi ả nọ bỗng chẳng may trúng bom, cụt mất một chân. Anh nọ đã xa lánh ả và bỏ hẳn. Kể xong, o Kính ngẩng mặt nhìn mình, thở dài, lắc đầu, kết luận: "Các anh là một lũ vô đạo đức!".

 

Mình không chịu, ngồi bịa ra, kể cho mấy o nghe về sự phản bội của đằng phụ nữ và cũng kết luận: "Đàn bà các o thật là một giống dã man !!!".

 

O Cường quê ở Vĩnh Tú, trắng trẻo, đẹp mặt, đẹp người. Vui tính và có học thức, tế nhị trong khi nói năng cười cợt. Có lúc mình nghĩ thầm, giá đừng có chiến tranh, mình sẽ "xách" o ta ra ngoài đó, chắc "ông bô bà bô" mình chẳng thể chê lấy được một câu nào! Cường cứ đòi nhận làm "chị", và đòi "út" Lân làm em để: "Ả có trách nhiệm lo lắng cho tương lai của út. Út có thiếu thốn gì, cứ bảo với ả sắm sửa cho!". Và Cường căn dặn mình: "Út đừng đi "cưa" (tức là tán tỉnh) kẻo khổ chị. Cưa lắm hàng xóm họ chê bai là chị không biết dạy dỗ em!".

 

Mình giả bộ thật thà, như một đứa em ngoan, nói: "Vâng ạ, chị dạy đúng. Út sẽ nghe lời chị, út chẳng đi cưa ai đâu. Khi nào buồn, út chỉ tìm đến chị chơi cho đỡ buồn thôi!". Mình nhấn rõ câu "Chỉ tìm đến chị chơi thôi" một cách thích thú.

 

Cường bụm môi lại, lườm mình, rồi bất ngờ cười phá lên, trong trẻo ».

 

 Anh Thượng Lân ơi! Đây đúng là những giờ phút thần tiên.

 Được ngồi kề bên các o trong nớ. Được các o truyền cho hơi ấm. Được hít hà cái mùi con gái. Được nghe giọng nói trong trẻo của các o. Được tán đủ chuyện trên trời dưới bể với các cô gái xinh ơi là xinh! Những giờ phút ta sống như trong mơ!

 

. Hoàng Thượng Lân ơi, anh là ai?

 

Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) sinh năm 1946 tại Hà Nội. Là một người tài hoa, anh chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ: ghi-ta, sáo, kèn ácmônica... Ngay từ nhỏ, cậu bé Lân đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Nguyên là sinh viên của Trường Mỹ thuật Hà Nội (bạn cùng trang lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng,...), Lân xung phong vào bộ đội tháng 7.1967. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và hành quân vào chiến trường miền Nam.

 

Đầu năm 1968, đơn vị của Lân đã vào đến Vĩnh Linh, sau đó thì sang hẳn với đồng bào Gio Linh - Cam Lộ để bám dân, chống càn và giữ đất. Đó là một địa bàn vô cùng ác liệt. Máy bay địch quần đảo suốt ngày trút bom đạn. Các trận địa pháo của chúng từ các tàu chiến ngoài biển, từ các căn cứ trên đất liền luôn sẵn sàng dội xuống bất cứ lúc nào. Đơn vị của Lân được trang bị chủ yếu là các loại vũ khí hạng nhẹ (các loại súng bộ binh như AK, B40, DKZ...), nên họ phải ngồi trong hầm cát, lăn lê, bò, trườn dưới cái nắng đổ lửa của vùng "gió Lào cát trắng" chống lại với các loại xe tăng, đại bác và máy bay hiện đại của kẻ thù...

 

Chàng trai Hà Nội tài hoa Hoàng Thượng Lân vốn chỉ quen vẽ tranh, chơi đàn, thổi kèn... đã trực tiếp tham dự hàng chục trận đánh đẫm máu với bọn lính Mỹ - ngụy. Tiêu biểu như trận chống càn ở Đại Độ (Cam Lộ) bên sông Cửa Việt, suốt ngày quần nhau với giặc, cả đơn vị thương vong hết, chỉ còn một mình Lân; anh bị thương, đi lạc đường nhưng tối đến vẫn tự dò đường để trở về hậu cứ... Sau trận đánh này, anh đã được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và Huân chương Chiến công giải phóng. Ba tháng sau, Lân bị thương lần thứ hai trong một trận đánh ở Mai Xá (Gio Linh)... Đầu năm 1970, Hoàng Thượng Lân được ra Bắc an dưỡng. Tiếp đó, anh được đi học Trường Bồi dưỡng văn hóa thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để thi vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Nhưng sau đó Hoàng Thượng Lân đã có một quyết định khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và không ai ngăn cản nổi: Xin được lại vào chiến trường B! Vậy là, tháng 4.1971, một lần nữa Hoàng Thượng Lân vượt Trường Sơn vào chiến trường!

 

Ra trận chiến đấu vì quê hương đất nước đã trở thành lẽ sống của anh!

 

…Tháng 10.1971, trong một lần vượt sông Xê Băng Hiên đi làm nhiệm vụ, Hoàng Thượng Lân mang theo tập bản thảo mới viết định gửi ra Hà Nội, nhưng khi anh còn đang bơi giữa dòng, thì một loạt bom B52 dữ dội của kẻ thù đã trút xuống... Mộ của anh được đồng đội đặt trên một quả đồi cao, gần binh trạm, sau đó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

…Có thể nói, những người lính Quảng Trị lúc bấy giờ đặc biệt quý trọng Hoàng Thượng Lân và coi anh như một người "Anh hùng" của những người lính sinh trưởng ở Hà Nội, không những vì phong thái hào hoa, phong nhã cùng những tri thức hiểu biết của Lân mà cái chính là vì cách đánh trận quá dũng cảm của anh. Có những trận, Hoàng Thượng Lân bật dậy từ chiến hào, tay vác súng máy RBD lao thẳng về phía địch, vừa chạy vừa bắn rất dũng mãnh, bất chấp việc có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chính vì cách đánh trận dữ dằn, quá dũng cảm như vậy nên đồng đội ngày ấy thường gọi anh là "đại ca".

 Một trong những bức ký họa của Hoàng Thượng Lân


Lạc tiên, bạn hỡi, lạc đi đâu?
Ngày đăng 09/06/2012 19:39:38

Ở quê tôi, ven các trái núi đều có lạc tiên. Nhưng chân núi Nương Sơn và núi Voi là những nơi có nhiều lạc tiên mọc nhất. Lạc tiên là một loài cây dây leo, thân mềm, rỗng, có nhiều lông thưa. Dây lạc tiên có nhiều nhánh. Chúng bò ngang, bò dọc trên các tảng đá, trên các cành cây, bụi cỏ, hàng rào bằng các cánh tay bé nhỏ, tròn tròn. Lạc tiên quê tôi mọc thành bụi khá rậm rạp.

Loài cây này có hoa rất đẹp. Hoa lạc tiên có nhiều lớp. Dưới cùng là 10 cánh hoa trắng tinh xòe ra. Tiếp đó là một vòng tròn với các tua nhỏ mầu trắng tím. Trên cùng là đài, nhụy hoa lung linh như một tòa lâu đài tí hon. Hoa lạc tiên tỏa ra hương thơm hấp dẫn ong bướm đến hút mật, thụ phấn cho hoa.

Mấy đứa con gái hay ngắt hoa lạc tiên kết thành vòng hoa nho nhỏ đội lên đầu, trông đứa nào cũng xinh. Bọn con trai bảo bọn con gái không nên hái mà để hoa kết trái.

Hoa lạc tiên kết trái là cả một quá trình. Lúc đầu các cánh hoa, tua hoa co lại thành một hình tròn bao quanh nhụy hoa. Các cánh hoa và tua hoa rụng dần, quả lạc tiên hình thành. Đồng thời, có một cái lưới xanh nhỏ xinh hiện ra và ngày càng lớn lên bao quanh quả lạc tiên.

Khi còn bé quả lạc tiên có mầu xanh nhạt, sau xanh thẫm, xanh vàng, rồi dần dần chuyển sang mầu vàng. Nhìn quả lạc tiên vàng ươm nằm trong một lớp lưới bao bọc trông rất đẹp.

Khe khẽ bóc vỏ quả lạc tiên ta được hưởng thụ một mùi hương thơm phức. Chúng tôi đưa lên mũi hít hà:- Chà thơm quá! Thơm quá! Rồi hút lấy chất nước chua chua ngòn ngọt. Ruột quả lạc tiên có những hạt đen nhỏ. Chúng tôi bảo nhau nhai chầm chậm để thưởng thức vị bùi bùi của hạt lạc tiên. Trong các thứ hoa quả kiếm được ven núi, trái lạc tiên đặc biệt cuốn hút chúng tôi. Khi lạc tiên chín rộ, mấy đứa con gái hái quả lạc tiên để chơi trò đi chợ mua đồ hàng.

 

Quả lạc tiên để chín vàng ăn mới ngon. Chúng tôi bảo nhau không đứa nào được ăn non. Có lần nhìn thấy quả lạc tiên mới hơi vàng vàng chúng tôi bảo nhau để dành chưa ăn vội. Sáng hôm sau chúng tôi chạy lại bụi lạc tiên để thưởng thức thì những trái lạc tiên vàng ươm đã bị các chú chim hoặc rắn ăn mất rồi. Hóa ra đâu chỉ có chúng tôi thích ăn những trái lạc tiên. Nhiều loài khác cũng thích thứ quả thơm ngọt này. Mọi loài đều bình đẳng trong hưởng thụ sản vật của giới tự nhiên. Vả lại khi các loài động vật này ăn còn giúp lạc tiên tiếp tục sinh sôi nẩy nở.

Vừa rồi về quê tôi tìm đến những nơi có bụi lạc tiên rậm rạp khi xưa. Không thấy chúng đâu nữa. Lạc tiên ơi! Các bạn lạc đi chốn nào?

 


Hạt sương và hoa trắng
Ngày đăng 23/05/2012 19:17:35

 

 

Những bông hoa trinh trắng vừa nở hôm qua. Sớm nay, những hạt sương trong veo đậu nhẹ nhàng trên những cánh hoa trắng ngần.

Bên những cánh hoa tinh khôi, trắng trong những giọt sương ban mai thêm long lanh, lung linh.

          Đính hạt cườm sương ban mai lóng lánh những bông hoa trắng trong càng huyền ảo, mộng mơ.

Phương đông ửng hồng. Mặt trời đang lên. Góc sân chú chim thoăn thoắt chuyền cành vạch lá, tìm sâu. Ngày mới bắt đầu. Giữa bầu trời xanh mây trắng giăng ngang.

Những hạt sương trong veo sẽ bay đi. Những bông hoa trắng sẽ tàn. Nhưng chúng đã có những phút giây sống đẹp bên nhau.  

 

 

 

 

 

 


Hướng dẫn đăng nhập, comment, đăng bài
Ngày đăng 13/05/2012 11:56:37

Hướng dẫn đăng nhập, comment các bài viết và đăng bài trên studentkgu.vn

Thưa anh chị em!

Vừa rồi có khá nhiều anh chị em mới được đăng ký là thành viên của trang web của Hội NguoiKGU. Thế nhưng, dường như các anh chị chưa tham gia viết comment, chưa viết bài đưa lên mạng. Rất có thể, anh chị em còn lúng túng chưa biết đăng commnet, đăng bài như thế nào. Vì vậy, tôi xin hướng dẫn anh chị em mới là thành viên và cả những anh chị em đã là thành viên từ lâu như các anh Lê Huy Hàm, Lê Quang Tiến, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Tiến Thắng…đăng nhập, comment và đăng bài trên studentkgu.vn (thay vì chỉ đưa tin, bài lên địa chỉ email: nguoikgu@googlegroups.com của Hội).

Bài hướng dẫn có 4 phần: Phần 1 hướng dẫn đăng nhập; phần 2 hướng dẫn comment các bài viết; phần 3 hướng dẫn đăng bài; phần 4 hướng dẫn các thao tác về ảnh.

Với những người lần đầu tiên tiếp xúc với trang mạng của Hội thì trước mắt hãy làm quen với việc đăng nhập và comment các bài viết. Sau đó mới tìm hiểu các thao tác khác.

I. Hướng dn đăng nhập vào trang studentkgu.vn

Muốn comment, muốn đăng bài trước hết ta cần làm thủ tục đăng nhập (đi qua cổng).

Mở trang web của hội ta ra. Nhìn lên trên cùng góc phải màn hình có 2 chữ Đăng nhập. Kích vào hai chữ này.

Ta thấy có dòng chữ: Thành viên đăng nhập

Tại ô Usename anh chị em ghi ký hiệu tên đúng như Hội trưởng đã đăng ký. Thí dụ: NghiPH, CucNT, NgocNT, NgocNN, NgocNB (lưu ý: Viết tên không có dấu).

Tiếp theo tại ô Mật khẩu: Anh chị em ghi ký hiệu tên như ở ô Usename và ngày tháng sinh. Thí dụ: NghiPH0302.

- Kích vào ô Ghi nhớ

- Kích vào Đăng nhập

Anh chị em đã đăng nhập thành công.

(Lưu ý: Viết hoa chữ đầu tiên và hai chữ viết tắt họ, tên đệm; viết liền nhau cả chữ và các con số; viết đủ 4 chữ số. Nếu viết sai một chữ nào đó, một con số nào đó hoặc viết hoa không đúng là không đăng nhập được).

II. Hướng dẫn comment các bài viết

Đăng comment là thao tác dễ nhất nên rất mong anh chị em sớm tham gia.

- Sau khi đăng nhập xong. Muốn comment cho bài nào thì anh chị em mở bài đó ra.

- Kéo xuống dưới bài có một khung trống có tên Bình luận của bạn. Anh chị em viết bình luận vào ô này. (Lời khuyên: Nếu viết rất ngắn thì viết trực tiếp vào khung này. Còn viết hơi dài dài thì viết ở ngoài, sau đó copy, dán (paste) vào).

- Cuối cùng kích vào Gửi thảo luận.

Comment của anh chị em đã được đưa lên mạng.

III. Hướng dẫn đưa bài lên trang studentkgu.vn

- Vì bài viết bắt buộc phải có ảnh minh họa (nếu không có ảnh minh họa thì không thể post bài lên được) nên trước khi đưa bài lên mạng em cần tìm một tấm ảnh và dùng photoshop thu nhỏ ảnh lại (theo hướng dẫn tại mục III dưới đây).

- Nên viết bài ở ngoài sau đó copy dán vào, chứ không nên viết trực tiếp.

Anh chị em đưa bài lên mục nào thì vào mục ấy. Thí dụ: Ta cần đưa bài lên Mục Văn học.

- Kích vào Mục Văn học. Giả định ta muốn đăng bài ở Tiểu mục Ký- Luận

- Nhìn xuống giữa trang có tiểu mục Ký- Luận. Kích vào Ký- Luận

- Nhìn lên phía trên cùng của trang web đang mở ra có dòng chữ: KGU tạo bài viết (ở giữa trang). Kích vào dòng chữ này.

Hiện lên một trang có nhiều ô. Các thao tác tiếp theo như sau:

- Tại ô Tiêu đề: Ta hãy ghi tên bài viết.

- Tại ô: Ảnh minh họa: Tìm ảnh cần đưa lên minh họa. Kích vào file ảnh này. Tiếp theo kích vào Open. Nếu ảnh phù hợp (không lớn quá về kích cỡ) nó sẽ hiện lên ở khung Ảnh minh họa Browse file

- Tại ô Tác giả: Ta ghi tên của mình như đã được đăng ký, ví dụ: NghiPH, CucNT, NgocNB.

- Tại ô Giới thiệu: Có thể viết hoặc không viết giới thiệu bài viết (nghĩa là có thể bỏ qua ô này).

- Tại một khung trống to phía dưới ta dán (paste) bài đã copy vào.

- Cuối cùng kích vào chữ: Sumit news.

Bài đã được đưa lên cùng ảnh minh họa tại tiểu mục Ký- Luận của Mục Văn học.

IV. Hướng dẫn các thao tác về ảnh

(Hướng dẫn thu nhỏ kích thước ảnh, lập album ảnh, minh họa và chèn ảnh vào bài viết)

Hiện nay còn một số anh chị em chưa thông thạo việc minh họa ảnh và chèn ảnh vào các bài viết. Tôi xin hướng dẫn cách làm đơn giản như sau.

A. Hướng dẫn thu nhỏ kích thước ảnh

Muốn đưa ảnh lên mạng, ảnh cần phải được thu nhỏ kích thước. Anh chị em cần cài phần mềm Adobe Photoshop vào máy tính của mình. Việc thu nhỏ ảnh, được thực hiện như sau:

1. Vào Adobe Photoshop

2. Nhấn vào File

3. Nhấn tiếp vào Open

4. Tìm ảnh trong máy tính cần thu nhỏ. Nhấn Open.

5. Ảnh hiện lên trong khung Adobe Photoshop

6. Nhấn vào Image, tìm Image size nhấn vào đó

7. Hiện lên một khung.

Ta ghi vào mục Width: Con số từ 300 đến 400, nếu ảnh đó sẽ đưa vào chèn bài. Ghi từ 500 đến 600, nếu ảnh này chỉ để trong album. Các ô khác không cần quan tâm vì đã có sự tự điều chỉnh. (Nếu ảnh được chụp theo chiều thẳng đứng thì ghi theo cách ngược lại).

Nhấn Ok.

8. Ta đã có ảnh thu nhỏ bên góc trên cùng bên trái. Ta nhấn vào ô ngoài cùng bên phải của tấm ảnh để tắt.

9. Hiện lên dòng chữ: Save changes to the Adobe Photoshop docunment, có 3 ô nhỏ: Yes No Cancel

Ta nhấn vào: Yes

10. Hiện lên bảng Jpeg Options

Có ô Quality.

Ta nên chọn Medium hoặc High

Sau đó bấm Ok

Ảnh của bạn đã được thu nhỏ kích thước nhưng xem vẫn khá rõ.

Tiếp tục thu nhỏ kích thước các ảnh khác ta cũng làm theo thứ tự trên đây.

B. Hướng dẫn lập album ảnh

1. Vào Góc ảnh ở phía trên màn hình bên phải

2. Vào Upload your pics

3. Hiện lên ô: Upload Hình ảnh. Có các mục nhỏ, ta làm các động tác như sau.

4. Tại Mục Tiêu đề của ảnh:

Ta đặt tên ảnh dự định đưa vào album

5. Tại Mục ảnh:

Ta không cần ghi gì cả.

6. Tại mục Album:

Ta kích vào Tạo mới. Ta ghi tên album theo ý mình. Thí dụ: Mùa thu Vàng.

7. Mục Tags: Ta không cần ghi gì cả

8. Tại Mục Hình ảnh:

Ta nhấn vào Browse…

9. Hiện lên một khung để ta tìm ảnh từ máy tính đưa vào. Ta tìm ảnh cần đưa vào album, nhấn vào ảnh này, rồi nhấn Open

Hình ảnh đã được lưu vào Mục Hình ảnh

10. Nhấn vào Upload ảnh tại khung xanh phía dưới

Ảnh đã được đưa vào album ảnh của anh chị.

Để tiếp tục đưa ảnh vào Album ta nhấn vào Đăng tải dữ liệu ở phía trên màn hình.

Thấy có Upload ảnh. Ta nhấn vào đây và tiếp tục làm như hướng dẫn ở trên.

Lúc nào rỗi, anh chị em thử làm đi nhé.

Một điều quan trọng là ảnh đưa vào Album cần dùng Adobe Photoshop để thu nhỏ kích thước ảnh đến mức hợp lý.

C. Hướng dẫn minh họa ảnh

I Giả định thứ nhất: Ta cần có ảnh minh họa khi lần đầu đưa bài lên trang Web

Ta làm như sau:

1. Ta vào mục cần thiết

2. Nhấn vào ô Tạo bài viết ở phía trên màn hình

3. Hiện ra các ô:

- Tiêu đề: Ta đặt tên bài viết

- Ảnh minh họa: Ta thao tác như sau: Ta nhấn vào chữ Browse file.

Tìm ảnh để minh họa đã thu nhỏ trong máy tính. Nhấn Open. Ảnh đã được lưu vào Mục ảnh.

4. Dán bài viết vào khung cuối.

5. Nhấn vào Summit news ở cuối trang

Bài và ảnh của bạn đã được đưa lên.

II. Giả định thứ hai: Ta cần đưa ảnh vào bài đã đưa lên mà chưa có ảnh minh họa

1. Ta mở bài viết ra

2. Nhấn vào Edit

3. Vào Mục ảnh: Ta nhấn vào chữ Browse file

- Tìm ảnh để minh họa đã được thu nhỏ kích thước. Nhấn Open. Ảnh đã được lưu vào Mục ảnh.

- Nhấn Summit news ở cuối trang

Ảnh của bạn đã được đưa lên đầu bài viết để minh họa.

D. Hướng dẫn chèn ảnh vào bài đã đăng

Anh chị em làm từ từ theo các thao tác sau đây là chèn được ảnh:

1. Khi đã vào trang mạng studentkgu.vn ta vào Góc ảnh.

2. Đến album ảnh của mình hoặc album ảnh của anh chị em khác trên Góc ảnh

3. Mở album ảnh

4. Tìm ảnh mà mình cần

5. Mở ảnh này ra

7. Ảnh hiện ra, hãy kéo chuột xuống phía dưới, thấy có những mục sau đây:

Ngày:

Lượt xem:

Comment:

Độ phân giải:

Dung lượng:

Url của hình ảnh//Link:

Thí dụ: http://www.studentkgu.vn/file/pic/gallery/4337_view.jpg

Copy toàn bộ dòng chữ này

7. Trở lại trang chủ

Mở bài cần chèn

8. Kích vào Edit. Toàn bộ bài cần chèn đã ở trong khung edit

9. Chỉ chuột vào chỗ cần chèn

10. Chuyển lên phía trên của khung, kích vào ô có biểu tượng cây xanh. Từ trái sang phải, bắt đầu là ô có hình cái kéo đến ô này là ô thứ 6.

11. Kích vào ô này

12. Hiện ra một khung có tên là Insert/edit image

13. Dán dòng đã copy từ Góc ảnh vào khung ô nhỏ có tên là Image URR

14. Nhấn vào Insert, một khung nhỏ hiện ra, kích tiếp vào Ok

15. Sau cùng, nhấn vào sumbmit news

Ảnh đã được chèn vào chỗ thích hợp.

Chúc anh chị em thành công!

 

 

 

 

 


Mùi cỏ cháy
Ngày đăng 08/05/2012 09:03:01

Không còn đạn, dương lê xốc tới...

     Tối 01/5/2012 vợ chồng tôi đến Trung tâm chiếu phim quốc gia xem phim Mùi cỏ cháy. (Biên kịch: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đạo diễn chính: Nguyễn Hữu Mười). Con trai tôi mua vé xem phim tặng ba mẹ. Mấy năm trước cả nhà tôi đã đến Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Thành Cổ thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Con trai tôi chăm chú xem các sơ đồ, các sa bàn về các trận chiến khốc liệt năm 1972, đặc biệt những vị trí mà đơn vị ba nó chốt giữ.  

 

     Trong các phim về chiến tranh của Việt Nam tôi đã xem (như Hoa ban đỏ về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đừng đốt được dựng theo cốt truyện của Nhật ký Đặng Thùy Trâm…), Mùi cỏ cháy đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

     Mùi cỏ cháy là bài ca bi tráng về những người lính trong 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 rực lửa. Mùi cỏ cháy đã dẫn dắt người xem theo số phận của 4 anh lính trẻ Hoàng, Thành, Thăng, Long - những trai tân trước khi nhập ngũ đã ra công viên chụp một bức ảnh kỷ niệm, nghịch ngợm tranh nhau đặt tay vào bầu vú nở nang của bức tượng cô gái đang đọc sách. Họ là những người lính- sinh viên cùng trang lứa với nhiều người KGU chúng ta. Những năm 1970- 1971, miền Bắc dường như đã cạn người trẻ, khỏe. Chính quyền gọi nhập ngũ những sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba. Các tân binh này được huấn luyện cấp tốc và được tung ngay vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.

 

     Có thể chia phim thành 2 nửa: Nửa đầu nói về thời gian những người lính huấn luyện trên đất Bắc và hành quân vào Quảng Trị. Nửa sau mô tả chiến trận vô cùng khốc liệt: Lính dù của chính quyền Sài Gòn với sự chi viện hỏa lực tối đa của pháo binh và không quân dồn sức tấn công để cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị; quân ta chỉ với những khẩu súng bộ binh, không đủ cơ số đạn tối thiểu phải căng người ra giữ Thành Cổ.

 

      Hàng loạt cảnh đau thương, bi tráng diễn ra: những thân người bị bom đạn băm nát khi vượt sông Thạch Hãn sang Thành Cổ trong tiếng gọi “Mẹ ơi” xé lòng; lính dù phía bên kia dàn hàng ngang theo sau xe tăng, xe bọc thép hết đợt này đến đợt khác bền bỉ tấn công quân ta; quân ta hết đạn, không có quân tiếp viện, chỉ còn cách dương lưỡi lê lao vào kẻ địch; một chiến sĩ bị thương, hai mắt bị băng kín vẫn lao ra phía trước hỗ trợ đồng đội; chàng trai lần đầu ra trận sợ rúm cả người khi chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy định tháo lui; lính ta trên đường khênh những bao xác tử sĩ đã trúng pháo bầy, pháo chụp của địch; các chiến sĩ chôn cất nhau trong cơn mưa tháng bảy xối xả, chôn cất đối phương chu đáo; các tử sĩ vừa được chôn cất đã bị bom đạn hất tung, xé nát…

 

      Trong phim ta gặp Thành, một anh lính vui tính hay hát chèo, luôn ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây, day dứt vì khi mẹ giận lại không chịu nằm yên cho mẹ đánh.  Bây giờ ở giữa chiến trường, anh ước mong lắm chóng đến ngày trở về được nằm xuống để mẹ đánh cho một trận thật đau.

 

      Còn chàng Long, người trước giờ nhập ngũ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ra tòa ly hôn nhưng vẫn  hy vọng bố mẹ sum họp nên đã chạy về nhà xếp hai cái giường ly thân làm một và mang theo ra trận tấm ri-đô ngăn đôi căn phòng nhỏ. Trong giây phút sắp từ giã cõi đời, anh đã được gối đầu lên tấm ri-đô đó. Anh đã vĩnh viễn nằm xuống dưới bùn lầy Quảng Trị, mang theo ước mơ về một tương lai sum họp gia đình, mang theo cả khát vọng tình đầu vừa chớm nở bên bờ giếng với một cô gái có vẻ đẹp bình dị, mặn mà trong những ngày anh tạm nghỉ tại nhà dân giữa chặng đường ra trận.

 

       Thăng mang bóng dáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, viết nhật ký miệt mài với những dòng tiên tri tháng 4/1975 sẽ là ngày toàn thắng. Khi lao ra sông Thạch Hãn cắn răng vào dây điện nối liên lạc cho đài chỉ huy, anh đã bị địch xả súng giết chết. Hoàng chàng thi sĩ đem theo chú ve con của tuổi thơ trong suốt chặng đường hành quân….

Hát chèo giữa chiến trận

       Trong phim có những khoảng lặng hiếm hoi, quý giá của người lính trên đường hành quân gian khổ và trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Có chàng trên đường ra trận vẫn say sưa chơi đánh trận giả với trẻ em nơi đóng quân bằng những khẩu súng làm từ sống tầu lá chuối. Khi chia tay, người lính đã chia những hòn bi cho bọn trẻ. Những chàng lính trẻ non tơ chưa dứt khỏi tuổi thơ hồn hậu mà.  

         Giữa bom rơi, đạn nổ ta vẫn được nghe tiếng rền rã của chú ve kim, tiếng cọ cánh của chú dế mèn, vẫn thấy những viên bi ve giấu dưới đáy ba lô.  Lời hò hẹn với cô gái nơi giếng làng trong tiếng ghi ta bập bùng “Anh sẽ về!”, “Anh sẽ về!”, điệu chèo cổ giữa hoang tàn trận mạc, tiếng đọc thơ giữa trùng trùng bước chân về phía trước:“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc... sao mà da diết. Cảnh các chiến sĩ ta khi nhặt được tấm ảnh người mẹ của đối phương đã rất đau xót vì con của người mẹ ấy ra đi mà không có ngày về. Rồi cảnh chú ve sầu trên ngực người lính vừa ngã xuống. Người lính từ giã cõi đời, chú ve sầu chết. Người lính ấy, trong ký ức chúng ta cứ mãi mãi tuổi đôi mươi. 

 

Chia tay với người yêu

 

        Rồi lời huấn thị của Đại đội trưởng Phong, khi đứng trong đội hình tân binh “Kiến cắn không được gãi, con gái đi qua không được nhìn”, nghe thật kiên quyết, dõng dạc, nhưng khi hai cô gái thắt đáy lưng ong, vai quàng súng trường đạp xe qua, tất cả những chàng lính trẻ và người chỉ huy từng trải đều ngước mắt nhìn! Đó là những khung hình đẹp, lay động lòng người. Những tình cảm sâu nặng, nhân ái, nhân văn lấp lánh trong trái tim người lính là hành trang thiêng liêng, là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp họ vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, khốc liệt.

 

        Vợ chồng tôi rất xúc động khi xem phim này. Chúng tôi đã lặng đi, nấc lên. Mắt chúng tôi đỏ hoe, ngấn lệ. Thương lắm, nhớ lắm những đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi khi mới bước vào tuổi mười chín, đôi mươi ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1972 rực lửa ấy!

        Cám ơn nhà biên kịch, cám ơn các đạo diễn, các diễn viên và cả đoàn làm phim đã cho tôi xem một bộ phim chân thật về cuộc chiến đã qua.

        Tối hôm qua, vợ chồng tôi ở nhà trông cháu để con trai và con dâu đi xem Mùi cỏ cháy.

Thả hoa tri ân