NgocBQ
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Giảng dạy tại FLI ở FPT giúp tôi giữ nghề
Ngày đăng: 19/11/2011 11:19:35

Tôi từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nay lại tham gia giảng dạy tại Học viện Lãnh đạo FPT (FLI). Nghề giáo là một nghề cao quý và có giá trị với xã hội, cho dù nền kinh tế và thời cuộc có thay đổi thế nào đi nữa. Trong FPT có khá nhiều bạn từng là học sinh của tôi. Đa phần các bạn ấy bây giờ là cán bộ cốt cán của FPT (có nhiều Level 6,7). Tôi tự hào có đóng góp một phần trong việc phát triển nguồn nhân lực trong FPT.  Điều hành và giảng dạy tại FLI chiếm một phần không nhỏ quỹ thời gian của tôi. Nhưng với tôi, đó thực sự là việc làm có ý nghĩa. Nó cũng giúp tôi giữ được nghề giáo.

Đánh trống khai giảng 1 lớp học tại FPT

Tôi tham gia FLI từ tháng 8/2009, với nhiệm vụ ban đầu chỉ là set-up FLI. Sau đó, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình giao cho tôi việc điều hành FLI. Dù vậy, anh Bình vẫn là Giám đốc FLI, tôi chỉ là “người giúp việc” cho anh ấy.

FLI đã và đang thực thi việc tổ chức đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo của FPT. Chúng tôi đã tiến hành nhiều khóa đào tạo, nhiều Câu lạc bộ (CLB) chuyên môn, cũng như CLB dạng mentoring (dạng Sư phụ - Đề tử) các buổi sinh hoạt định kỳ như: FLI Club, Leader Talk, hay tham gia tổ chức đào tạo 3G cho một số công ty thành viên.

Trong các khóa học, có lẽ MiniMBA là có tiếng vang nhất. Nhưng không chỉ thế, còn có nhiều tiếng “soạt”, tiếng “xịt” nữa đấy. Trên thế giới, MBA là khá chuẩn, nhưng MiniMBA thì gần như không có. Chúng tôi phải cùng Viện Quản trị Kinh doanh FSB (thuộc Đại học FPT, trước kia là trường HSB) thiết kế từng môn học sao cho với thời lượng bằng 1/3 MBA nhưng vẫn đủ các kiến thức cần thiết nhất.

Thực tế, cán bộ FPT cần gì, cái gì là hữu ích, là quan trọng với họ không đơn giản thấy ngay cho mỗi môn. Tôi đã phải tham gia xem xét nội dung của hầu hết các môn học. Do tính chất “dồn toa” từ khi chưa tổ chức khóa này nên trong ba năm 2010-2012 phải đào tạo gần 800 học viên. Mỗi học viên học 2 đợt, cho 2 năm. Mỗi đợt trung bình 25 buổi học. Cuối tháng 11 năm nay sẽ có “lứa” đầu tiên tốt nghiệp MiniMBA.

Có nhiều khó khăn từ phía học viên, như  bận thêm (thời gian học là vào cuối tuần hoặc sau 6h chiều để đảm bảo ít ảnh hưởng công việc). Khi đi làm rồi cũng có tâm lý ngại đi học, nhưng chắc rằng, chẳng ai có đủ kiến thức, kinh nghiệm. Còn rất nhiều thứ bổ ích cần học thêm. Ngay anh Trương Gia Bình gần đây rất chịu khó tìm hiểu thêm về Quản trị Tài chính trong doanh nghiệp và khái niệm Balanced Scorecard. Chưa kể, những bằng cấp như MiniMBA sẽ được chuẩn hóa trong FPT. Ngoài ra, tham gia MiniMBA là có một môi trường liên bộ phận, liên công ty, các học viên sẽ gần gũi nhau hơn, có điều kiện hỗ trợ, phối hợp công việc tốt hơn ở ngoài khóa học.

Theo thiết kế, mỗi môn đều có một buổi trình bày về thực tế FPT. Tôi có tham gia dạy môn FPT Way (đóng thế cho anh Trương Gia Bình), Quản trị dự án, Hệ thống quản trị FPT, Quản trị công ty và Quản trị hệ thống thông tin (toàn những môn xa lạ với những gì tôi đã được học tại KGU) . Tôi có điều kiện đã trải qua một số ví trị công việc liên quan tới các môn đó tại FPT nên tôi cố gắng truyền tải, chia sẻ những gì có được đến các bạn trẻ hơn. Sau nữa, tôi vẫn tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đào tạo cán bộ thuộc về trồng người. Người ta dễ ham trồng cây lắm (ai mà chẳng thích kiếm tiền), nên nếu có điều kiện hãy tham gia trồng người. Cái đó giúp cho FPT phát triển bền vững hơn.

Điều tâm đắc nhất khi tham gia giảng dạy MiniMBA tại FPT là việc tôi đã trình bày cho các học viên hiểu rõ rằng: “Bất kỳ ai cũng có thể đánh NC/NX, cho bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, miễn có điều không tuân thủ hoặc tiềm năng dẫn tới không tuân thủ”.

Ngày 20/11 tôi cùng các bạn phổ thông đi thăm các thầy cô của mình. Năm nào cũng vậy. Tôi không phải thăm thầy cô của các con tôi. Bây giờ chúng đã lớn, cháu nhỏ đang học ở nước ngoài nên không còn thủ tục đó nữa. Hồi bọn trẻ còn nhỏ thì vợ tôi hay đảm nhận việc này.

(Trích từ báo Chúng ta, báo nội bộ hàng tuần của FPT, số ngày 17/11/2011)

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: HaiNV
22/11/2011 12:24:24

Cám ơn HT Ngọc đã cho biết thông tin đầy đủ về MiniMBA. Quan trọng là FPT đào tạo nguồn nhân lực cho mình, học để hành, chứ không phải vì bằng cấp. Ai muốn MBA (Thạc sỹ QTKD thực thụ) có thể học lên, mà tốt nhất là nên: học thì ra học, làm thì ra làm!


By the way, cám ơn HT Ngọc nhiều vì Trang MUSIC hôm nay đã hoạt động trở lại.


VIVA MUSICA!



21/11/2011 00:06:35

Gửi anh HảiNV,


Không giống như MBA khá chuẩn mực trên thế giới, MiniMBA là thứ mà chủ yếu VN "sáng tạo" ra. Mỗi cơ sở đào tạo tự sáng tác ra cái gọi là MiniMBA của mình. Và nên nhớ rằng MiniMBA không là một bằng chính thống được công nhận rộng rãi. Nó chỉ là 1 loại chứng chỉ.


FPT cũng cơ cấu MiniMBA theo cách của mình. Về cơ bản MiniMBA của FPT giữ cấu trúc các môn cơ bản của MBA. Các môn này được rút về 3 buổi học (mỗi buổi 3h), cộng với 1 buổi giảng viên FPT dạy về môn đó dưới góc độ của thực tiễn FPT. Các môn MBA chuẩn thường là 10 đến 12 buổi. Do vậy việc rút xuống 3 buổi đòi hỏi phải khá chi tiết cụ thể. FPT chỉ giữ lại những gì thiết thực, có thể ứng dụng ngay vào thực tế.


Ngoài ra FPT có bổ sung 1 số môn khác, như "Truyền thông trong doanh nghiệp", "Văn hóa DN", hay "Quản trị công ty", cũng như một số chuyên đề đặc thù với FPT như "FPT Way".


Tổng số giờ học của MiniMBA của FPT vào khoảng 150h.


Việc yêu cầu nhiêu cán bộ FPT đi học MBA là không khả thi. Thay vào đó, FPT đào tạo rộng rãi MiniMBA cho các cán bộ tầm trung trở lên.


Học viên sau khi có chứng chỉ MiniMBA của FPT có thể học tiếp để có bằng MBA đầy đủ mà thời gian chỉ học thêm phần thời gian còn lại.



Từ: KietNA
20/11/2011 10:59:32

"Kinh Tế" ở Việt Nam hiện nay là kinh tế thị trường.
Ngoài các trường tiểu học công lập (phổ cập cho toàn dân) và các trường đại học công lập (bao cấp), thì "Các Kiểu Trường Khác" cũng là doanh nghiệp. Họ bán hàng cho khách hàng của họ (là học viên).
Mục đích chính của Họ là bán hàng kiếm lời để tồn tại và phát triển.
Do vậy quan hệ Thầy-Trò cũng chỉ là quan hệ NgườiBán-NgườiMua, giá thỏa thuận.
Nếu Hàng và Giá anh bán Tôi thấy hợp lý, và Tôi cần, thì Tôi mua.
Mua Hàng xong, trả tiền xong, thì tạm biệt.
Anh chẳng nợ Tôi, Tôi cũng chẳng nợ Anh cái gì hết.



Từ: HaiNV
20/11/2011 01:33:12

Ta cần phân biệt học lấy bằng cấp (Degree) hay lấy chứng chỉ (Certificate), học để "hành" hay chỉ lấy cái bằng/ chứng chỉ cho "oai"?


Khi con gái mình học Kinh tế tại University of Warwick (UK),  rồi học Thạc sỹ Khoa học tại Warwick Business School - University of Warwick, mình đã tìm hiểu khá kỹ về các chương trình MBA (Thạc sỹ QTKD) và Executive MBA (Thạc sỹ Lãnh đạo QTKD) của các nước Anh, Mỹ... Các chương trình Full Time để lấy Degree (học vị) đều phải mất 1 - 2 năm. Trong thực tế, chương trình 1 năm có thể dao động từ 10 -18 tháng, còn chương trình 2 năm là 20-24 tháng. Đầu vào rất khó và phải đảm bảo nghiêm ngặt số tín chỉ rất cao!  


Mình cũng đã đọc qua thông tin về các chương trình sau đại học "năng động" được gọi là MiniMBA, các nước có đấy, nhưng không phải là phổ biến lắm, thời gian học thường là dưới 100 giờ, thực chất các chương trình này không phải là học để lấy học vị mà để lấy chứng chỉ (một loại chứng chỉ sau đại học), học thiết thực cho việc hành, nhưng học xong không mang học vị Thạc sỹ QTKD như khi học Full Time MBA hay Executive MBA!


P.S. Đề nghị HT cho biết thêm về những tiếng "xịt" và "soạt" là gì nhé! Các vị đã học MiniMBA ở chỗ Ngọc có được gọi là Thạc sỹ QTKD không?


Tra trên "Google" với khóa từ "MiniMBA thạc sỹ/ thạc sĩ" ta được các tên gọi rất "thoải mái" như: THẠC SỸ/ SĨ QTKD RÚT GỌN/ NGẮN HẠN/ THU NHỎ/ CẤP TỐC/ MINI... Có thể xem khá nhiều thông tin về MiniMBA, bao gồm CT của FPT:


http://www.google.com.vn/search?hl=en&source=hp&q=MiniMBA+th%E1%BA%A1c+s%C4%A9&btnG=G oogle+Search&gbv=2&oq=MiniMBA+th%E1%BA%A1c+s%C4%A9&aq=f&aqi =&aql=&gs_sm=s&gs_upl=0l0l0l2106l0l0l0l0l0l0l0l0ll0l0


http://www.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/34610/mini-mba-them-lua-chon-cho-dau-tu-kien-thuc.html


http://en.wikipedia.org/wiki/Mini-MBA


http://vozforums.com/archive/index.php?t-1704223.html



Từ: KietNA
19/11/2011 19:17:02

Tôi có học một khóa 6 tháng tại Kiep, Liên Xô cũ, do Viện Kỹ Thuật Quân Sự tổ chức. Tận 6 tháng (chỉ có ăn và học, không làm bất cứ việc gì khác), cả lý thuyết và thực hành để nắm bắt duy nhất 1 thiết bị radar điều khiển pháo phòng không. Sau khóa học chỉ được 1 chứng chỉ thôi.


Ở Việt Nam, tôi đã học 3 năm để lấy bằng thạc sỹ CNTT tại đại học bách khoa Tp.HCM.
Nói thật là 3 năm đó các thầy chẳng cho tôi được cái gì, ngoài việc ghi danh và đóng tiền để có thể bảo vệ luận văn tốt nghiệp.


Tôi còn học 1 khóa, tại Tp.HCM, có đúng 3 buổi, đóng 500 ngàn đồng (hồi đó tương đương 1 chỉ vàng), nhưng được Pháp cấp một chứng chỉ khá ngầu: "Quản Lý Dự Án Phần Mềm". Sau 3 buổi học đó, cái mà tôi thấy rõ ràng nhất là mất 1 chỉ vàng. Tuy nhiên với cái chứng chỉ do Pháp cấp, tôi đủ điều kiện để làm một sếp quản lý các dự án phần mềm.



Từ: HaiNV
19/11/2011 17:42:53

Dạy làm Lãnh đạo là một việc rất khó, Thầy phải là một nhà Lãnh đạo tốt (tức là có "Đạo" trong tay rồi) thì mới có thể "truyền nghề" cho trò. Tuy nhiên, mình cũng hơi tò mò một chút về cái tên MiniMBA, Thế Giới có ai làm nhiều MiniMBA hay đủ thứ "MBA cấp tốc" khác như VN ta không? Dạy tắt, dạy ngắn quá liệu có nên không? So với MBA "thực thụ" thì thế nào? Ta nhiều "LĐ doanh nghiệp giỏi", bằng cấp MBA đủ loại sao không khá lên?


Nhân ngày 20.11., xin chúc Thầy giáo NgọcBQ và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt, tiếp tục dạy dỗ được nhiều thế hệ LĐ doanh nghiệp, có thể không riêng cho FPT!


P.S. (Dù hơi "lạc đề" với topic của trang Blog này!): Phiền HT kiểm tra xem hộ tại sao trang MUSIC mấy hôm nay không vào được???