KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 12 Tháng hai. 2012

NHÂN NGÀY VALENTIN 2012




Tác giả: TuanDK

TÌNH YÊU - ĐÔI ĐIỀU LƯỢM LẶT

Gay thật! Mình đà tuổi 60

Vẫn không bỏ được tính hay cười

            Ngày Tình yêu đến, ừ hay đấy

            Gom chuyện vui vui tặng mọi người.

Tình yêu - Món quà vô giá mà Thượng Đế (theo quan niệm phương Tây) hoặc trời đất (theo quan niệm phương Đông) ban tặng cho con người được người Nga gọi là Liubôv, người Pháp gọi là L’amour, người Anh gọi là Love và người Trung Quốc gọi là Ai xíng (đọc theo âm Hán - Việt là ái tình). Còn các cụ ta xưa thì gọi một cách nôm na và dễ hiểu là… phải lòng nhau.

Tình yêu tuy là thứ vô hình nhưng lại có sức mạnh vô cùng đáng sợ. Nó có thể làm cho vua phải nghiêng nước, tướng phải nghiêng thành và đã từng là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử. Không ít những con người lỗi lạc, trong đó có nhà thơ Nga vĩ đại Puskin đã phải hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tình yêu và danh dự.

Tình yêu có thể làm thay đổi cả quan niệm và nhận thức của mỗi con người. Nó làm cho Thị Nở cũng trở nên đáng yêu và Chí Phèo cũng hóa thành dễ mến. Một nhà thơ Nga cũng đã từng viết rằng:

Khi nàng yêu tôi, tuy tôi chỉ tốt như mọi người nhưng nàng lại cho rằng tôi là người tốt nhất

Khi nàng ghét tôi, tuy tôi chỉ xấu như mọi người nhưng nàng lại cho rằng người xấu nhất là tôi

Vậy tình yêu là gì mà kỳ lạ vậy?

Đức Phật dạy rằng: Đời là bể khổ, tình là dây oan. Chính vì vậy mà mọi đứa trẻ trên đời này, dù được sinh ra nơi cung vua phủ chúa hay trong túp lều tranh thì khi lọt lòng mẹ chưa hề thấy bé nào nở nụ cười tươi, mà tất cả đều cất tiếng khóc oa oa để bước vào “bể khổ” và mai này lớn lên tránh sao khỏi vướng lưới tình. Tác giả Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” cũng đã viết:

Thảo nào khi mới chôn nhau (rau)

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Nhưng thôi, đó là quan niệm của các bậc tu hành, xin miễn bình luận mà chỉ nêu ra đây để chúng ta cùng tham khảo và suy ngẫm.

Đối với các nhà văn nhà thơ, những người luôn “Ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì tình yêu là đề tài muôn thuở và là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Rất nhiều người đã lưu lại danh thơm muôn đời nhờ những bài thơ, cuốn sách viết về tình yêu đôi lứa. Đây là một đề tài vô cùng rộng lớn nên tôi chỉ xin nêu hai ví dụ nhỏ. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng đặt ra câu hỏi tình yêu là gì và tự trả lời như sau:

                              Đố ai định nghĩa được tình yêu?

                              Có khó gì đâu? một buổi chiều

                              Gặp người con gái ngây thơ ấy

                              Rồi thương rồi nhớ thế là yêu!

Thật là đơn giản phải không các bạn? Nhưng nếu chỉ có vậy thì sẽ thành tình yêu đơn phương mất rồi. Và biết đâu cô gái trong bài thơ đến một ngày nào đó lại phải viết một bài thơ tương tự như bài “Gửi người xưa lỡ yêu tôi” tặng nhà thơ cũng nên.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong một truyện ngắn của mình cũng đã từng viết một bài thơ vui về tình yêu qua lời một nhà báo như sau:

Chữ tình là chữ chi chi

Cho gan sắt đá cũng si vì tình

Xin em đừng đẹp đừng xinh

Em khuynh thành lắm, anh khuynh gia nhiều 

Khuyên em: em chớ mỹ miều

Anh giòn tán lắm, em liều theo ngay!

Bây giờ ta thử xem xét quan điểm của các nhà khoa học tự nhiên - những người luôn luôn xem xét mọi vấn đề của tự nhiên dưới góc độ vật chất và những logic khoa học biện chứng.

Theo các nhà sinh vật học: Tình yêu là một quá trình tâm sinh lý vô cùng phức tạp giữa hai người khác giới (có thể cả ở động vật bậc cao nữa) mà mục đích cuối cùng của nó là nhằm thể hiện đặc trưng thứ ba của cơ thể sống là sản sinh ra những cá thể giống mình nhằm duy trì sự sống mà thôi. Thực ra những từ chuyên môn mà các nhà sinh học dùng để định nghĩa khái niệm này rất ngại nói ra ở đây nên tôi xin phép được viết tránh đi như vậy cho văn vẻ. Mặt khác ở đây cũng có một điểm cần bàn thêm là: Nếu tình yêu chỉ ở hai cá thể khác giới thì với những cặp đồng tính luyến ái đang xuất hiện ngày càng nhiều sẽ tính sao đây? Trong khi, ngày nay ở một số nước pháp luật đã công nhận họ có quyền bình đẳng như những cặp vợ chồng bình thường và quan niệm về vấn đề này ở nước ta cũng dần trở nên cởi mở hơn.

Các nhà hoá học lại nhìn nhận bản chất tình yêu dưới góc độ hóa chất. Sau khi đã làm vỡ oan không biết bao nhiêu chai lọ; đã phân tích tỉ mỉ các chất ôxít, bazơ, axít, muối; sắp xếp các phân tử thành mạch thẳng, mạch nhánh, mạch vòng rồi lại dùng phép crắckinh làm cho chúng vỡ vụn ra từng mảnh, họ đã đi đến kết luận hùng hồn rằng: Bản chất hoá học của tình yêu là... chất Ađrênalin - một loại hoóc môn do các tuyến nội tiết tạo ra làm cho chàng và nàng say nhau như điếu đổ. Khi chất này bắt đầu được sản sinh ra thì cũng là lúc:

Tình ta như lửa mới nhen

Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu

                                                                       (Ca dao)

Khi nồng độ Ađrênalin trong cơ thể đạt tới mức cao nhất thì cũng là lúc:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

                                                                 (Truyện Kiều)

Còn tới khi người mẹ trẻ nhìn chậu quần áo tã lót đầy ụ chưa kịp giặt, lấy tay vỗ nhẹ vào lưng đứa con hát rằng:

À ơi!

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

Mẹ còn...

thì cũng là lúc chất Ađrênalin trong cơ thể người mẹ trẻ này đã gần như cạn hẳn và là lúc tình yêu dễ đi vào khủng hoảng. Nếu bằng cách nào đó tạo ra được chất Ađrênalin nhân tạo dưới dạng thuốc uống, thuốc tiêm hay sirô, hoặc rượu thuốc gì đó thì chỉ cần một liều thuốc quý giá đó tình yêu nồng nàn sẽ trở lại với họ ngay. Và có lẽ anh chồng sẽ vớ vội cây ghita đứt dây bị bỏ xó bấy lâu nay, đánh lên bập bùng và cô vợ cũng sẽ tươi cười cùng chồng song ca rằng: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” ngay cho mà xem. Việc này có lẽ phải nhờ đến các nhà hoá học lừng danh đã từng được đào tạo tại KGU ra tay một chuyến và biết đâu giải Nobel hoá học danh giá đang chờ đón các bạn đồng môn khoa Hoá cũ của tôi trong một ngày đẹp trời nào đó cũng nên.

Các nhà vật lý thì lại nhìn nhận bản chất tình yêu dưới dạng trường sinh học. Theo họ thì mỗi cơ thể con người đều tạo ra một dạng vật chất đặc biệt gọi là trường sinh học bao bọc xung quanh mình. Đó không phải là trường hấp dẫn, trường điện từ, trường hạt nhân… như ta đã biết. Nó có thể lan truyền trong không gian với tốc độ ánh sáng theo tần số nhất định ở mỗi người. Khi tần số của hai cá thể khác giới trùng nhau sẽ sinh ra hiện tượng cộng hưởng và hiện tượng “phải lòng nhau” bắt đầu xuất hiện. Tới khi sự cộng hưởng đó dần dần yếu đi thì tình yêu bắt đầu phai nhạt. Nếu giữa hai người cùng giới xảy ra cộng hưởng sóng sinh học thì họ sẽ lập tức yêu nhau và trở thành những người đồng tính luyến ái. Song vì dân số địa cầu giờ đây đã đông tới mấy tỷ người nên không thể đủ tần số riêng cho mỗi cá nhân nên số người có chung tần số cũng không phải là ít. Có lẽ vì thế mà một người có thể cộng hưởng với nhiều người khác nhau nên “ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ” phải không các bạn?

Thế còn các bác sĩ - những người biết rõ tường tận cơ thể con người đến từng mao mạch quan niệm như thế nào về tình yêu nhỉ? Thì đây một vị “lương y kiêm từ mẫu” đáng kính đã nêu ra định nghĩa như sau: “Tình yêu là một căn bệnh mãn tính mà tất cả mọi người đều mắc phải và không có cách nào chữa khỏi được. Nó bùng phát mạnh mẽ khi ta còn trẻ và hay tái phát lúc về già”. Như vậy, vị bác sĩ này có cùng quan điểm với nhà thơ Nguyễn Bính. Bởi chính Nguyễn Bính cũng đã từng coi tình yêu là một căn bệnh: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Diễn biến của “căn bệnh tình yêu” có thể tạm chia ra làm 4 giai đoạn như sau:

1. Thời kì “thân mật”: Đây là thời kì ủ bệnh. Vi rút ILY (viết tắt của cụm từ tiếng Anh I LOVE YOU) đã bắt đầu thâm nhập vào cơ thể. Lúc này thoạt nhìn bên ngoài thì cả chàng và nàng chưa có biểu hiện gì đặc biệt. Họ vẫn vui vẻ bình thường với tất cả mọi người và cả với nhau. Song với những bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ nhận thấy ở họ một số biểu hiện lâm sàng như họ hay để ý đến nhau hơn giữa chỗ đông người hoặc kiếm cớ gì đó để được gặp nhau một cách hợp lý như mượn nhau cuốn sách giáo khoa hay bảng tuần hoàn Menđêlêép chẳng hạn. Ở giai đoạn này có thể nói là cả hai bắt đầu nhìn nhau và nhìn sự vật xung quanh qua cặp kính màu hồng phơn phớt.

2. Thời kì “bí mật”: lúc này vi rút ILY đã thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và bắt đầu hoạt động mạnh mẽ khiến cho họ luôn ở trong trạng thái đắm say nhau song họ lại rơi vào trạng thái tâm lý rất giống với người mới biết mình bị nhiễm HIV là họ rất ngại người khác biết về “bệnh tật” của mình. Khi bị ai đó trêu chọc về chuyện này thì các chàng trai thường ngượng nghịu và kiên quyết phủ nhận tất cả. Còn các cô gái thì thường đỏ mặt lên và đấm lưng nhau thùm thụp. Cặp kính mà họ đeo lúc này đã chuyển thành màu hồng rực rỡ.Và tất nhiên họ đã “lén lút” bày tỏ tình cảm với nhau qua thư từ (đối với các thế hệ trước) hoặc điện thoại (với lớp trẻ ngày nay).

3. Thời kỳ “trăng mật”: Lúc này tất cả mọi việc đã trở nên hết sức rõ ràng. Vi rút ILY hoạt động vô cùng dữ dội khiến cho họ không còn sợ sệt bất kỳ điều gì nữa. Ánh hồng của cặp kính đã làm át hết tất cả những mảng xám và đen trên gương mặt họ khiến họ nhìn nhau chỉ thấy một màu hồng tươi rói. Họ công khai rủ nhau đi công viên, rạp hát nếu ở thành phố hoặc ra gốc đa đầu làng hay bờ tre, tảng đá ven sông suối (nếu ở nông thôn, miền núi). Tiếp đó họ ngang nhiên dẫn nhau ra uỷ ban phường, xã đề nghị chính quyền xác nhận “bệnh tật” của họ ký tên đóng dấu vào một tờ giấy được gọi là “giấy đăng ký kết hôn”. Rồi họ mở tiệc linh đình mời tất cả họ hàng, anh em, bạn bè tới chung vui. Để tận hưởng tuần trăng mật tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, họ có thể đi thăm những nơi danh thắng trong nước hoặc ra nước ngoài để thưởng thức cảnh đẹp và của ngon vật lạ xứ người. Ở thời kỳ này, họ luôn ở trong trạng thái ảo giác là cả thế giới đều được nhuộm màu hồng và con đường trước mặt họ đang nở đầy hoa.

4. Thời kỳ “vỡ mật”: Đây thường là lúc họ đã có 1 hoặc 2 con nhỏ. Kinh tế gia đình có nhiều khó khăn túng thiếu và họ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống lứa đôi cũng như trên đường công danh sự nghiệp. Xét về mọi phương diện thì hầu như tất cả đã tới hồi kết thúc. Về mặt sinh học, đặc trưng thứ 3 của sinh giới đã được thể hiện vì họ đã có con để duy trì nòi giống. Về mặt vật lý thì sóng sinh học của hai người đã bị lệch pha nên không thể nào cộng hưởng được nữa. Về mặt hoá học thì chất Ađênalin đã hầu như cạn kiệt. Còn về mặt dịch tễ học thì vi rút ILY gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Chỉ còn một số rất ít vi rút ẩn sâu trong tim óc họ, song khả năng tái phát bệnh là rất nhỏ. Cặp kính họ đeo giờ đây đã hoàn toàn biến thành màu trắng. Những mảng xám và đen trên bức chân dung mỗi người trước đây bị ánh hồng che lấp thì nay hiện ra rõ mồn một. Thậm chí ở một số cặp vợ chồng, cặp kính đã nhuốm màu đen. Tình yêu của họ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Để cứu vãn tình hình, theo các bác sỹ, họ cần dùng một loại kính thuốc đặc biệt. Đó là loại kính màu xanh. Khi đeo kính này, họ sẽ thấy những nét cau có khó nhìn trên gương mặt “đối phương” sẽ dịu dần đi và những nét đáng yêu thuở nào tưởng chừng đã vĩnh viễn mất đi sẽ lờ mờ xuất hiện trở lại. Khi nói với nhau, họ sẽ tự giác vặn nhỏ “chiết áp” âm lượng nơi thanh quản xuống mức cần thiết. Giọng điệu từ nốt “Sí” chói tai được hạ xuống thành nốt “Đồ” êm dịu. Thay cho việc soi mói nhau để tìm ra khiếm khuyết của người bạn đời, cả hai sẽ cùng quay nhìn về một phía. Đó là phía những đứa con còn thơ dại của họ đang mếu máo khóc vì bố mẹ cãi nhau. Họ sẽ âu yếm dỗ dành chúng và đồng thanh hứa rằng từ nay bố mẹ sẽ nguyện làm... “cá chuối đắm đuối vì con”.

Về sự tái phát của căn bệnh lúc về già, vẫn theo vị bác sĩ nọ, được chia thành hai thể là hướng nội và hướng ngoại.

Đối với thể hướng nội: Thường xảy ra khi con cái họ đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình riêng. Lúc này, số virút ILY còn sót lại trong cơ thể đột nhiên được nhân lên gấp bội và chúng tập trung về não bộ và trái tim của mỗi người. Hai ông bà lão tự nhiên cảm thấy yêu đời và yêu quý nhau hơn. Họ thường cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ thời tuổi trẻ của mình và luôn luôn quan tâm đến đời sống sinh hoạt của nhau từ bữa ăn đến giấc ngủ, lo lắng cho nhau mỗi khi trái gió trở trời. Và câu ngạn ngữ “con chăm cha không bằng bà chăm ông” trở nên chính xác hơn bao giờ hết.

Đối với thể hướng ngoại: Số virút ILY trong người họ cũng được nhân lên nhưng chúng không tập trung về não bộ và trái tim như trong thể hướng nội mà lại tập trung hết về mạng mỡ. Vì vậy, dạng tái phát này còn được gọi là “Hội chứng RM” (tức rửng mỡ). Khi đó một trong hai người thường là các cụ ông song cũng không hiếm trường hợp là các cụ bà lại không hướng về người bạn đời của mình mà lại hướng sang một người khác giới khác như người hàng xóm, người đồng đội cũ, người yêu cũ hoặc bất kỳ một người nào đó… Đây là một dạng tái phát rất nguy hiểm và khó chữa. Để khống chế dạng bệnh này chỉ còn cách duy nhất là nhờ sự động viên tha thứ của người kia, của con cháu và anh em họ hàng hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể như chi bộ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… song nếu biện pháp trên vẫn không có kết quả thì con cháu chỉ còn cách chắp tay mà lạy sống các cụ.

Thưa các bạn!

            Trên đây là một số điều mà tôi đã lượm lặt được về tình yêu theo quan điểm của các giới khác nhau. Nhân ngày Lễ Tình yêu Valentin, xin được mạnh dạn trình bày để góp vui với Hội Người KGU chúng mình. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo anh chị em trong Hội.

            Để kết thúc bài viết này, tôi xin viết tặng các bạn bài thơ có nhan đề là “Kính”. Đó là một trong những bí quyết giúp cho mỗi cặp uyên ương giữ gìn tổ ấm  gia đình. Bài thơ như sau:

E ấp thuở ban đầu kính hồng tươi rực rỡ

Tháng năm trôi kính dần hoá không màu

Tình mãi đẹp nếu đôi ta cùng biết

Chung cặp kính xanh màu… thông cảm ngắm trông nhau

Nếu bạn nào thấy thể thơ mới trúc trắc khó đọc thì xin đổi thành thể lục bát như sau:

Chớm yêu kính rực rỡ hồng

Tháng năm trôi, kính thành không sắc màu

Cho tình thắm thiết dài lâu

Nhớ chung cặp kính xanh màu cảm thông.

Chúc các bạn có một tình yêu thật đẹp và nhớ luôn ngắm người bạn đời của mình bằng cặp kính màu xanh.


Người post: TuanDK

Ngày đăng: 12-02-2012 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

02/03/2012 17:16:23

Hôm nay em mới đọc kỹ bài này. Anh Tuấn viết khá hay, mổ xẻ tình yêu từ góc độ Lý, Hóa, Sinh, Y học (thiếu mất Toán học anh ơi).


Xem ra tình yêu là khá phức tạp và phong phú. Viết về đề tài này là muôn vàn bài viết, nhưng bài của anh Tuấn vẫn rất đặc sắc với sự mổ xẻ khoa học.


Em cũng sẽ cố viết cái gì đó về tình yêu. Hẹn sang năm vậy, anh Tuấn à.



Từ: NgaHT
23/02/2012 16:18:19

Cảm ơn anh Tuấn đã viết 1 bài phẫu thuật tình yêu thật chí lý.



Từ: HanhLM
17/02/2012 10:54:45

Cám ơn "nhà tình yêu học" Đỗ Khắc Tuấn. Anh đã thai nghén đề tài này, dày công phân tích, tổng hợp và cho ra đời một "công trình nghiên cứu đồ sộ" về TÌNH YÊU. Em đọc say sưa (và chắc nhiều anh chị em KGU cũng thế). Anh Tuấn thật có con mắt tinh đời và suy ngẫm sâu xa về vấn đề muôn thuở của loài người.


Anh viết nhiều nữa đi, viết văn cũng tốt mà thơ thì cũng quý. Mọi người luôn mong chờ những tâm sự, chia sẻ của anh đấy, anh ạ.


Cám ơn chị Lý - cánh tay phải không thể thay thế được của anh, người liên lạc viên nhiệt thành của anh với Hội KGU. Em chúc anh chị mãi mãi hạnh phúc và bình an.



Từ: TuyetHA
14/02/2012 23:12:20

Rất cám ơn anh Tuấn đã có bài viết tuyệt vời về tình yêu với sự phân tích cặn kẽ theo mọi khía cạnh. Bái phục tài viết văn và tài làm thơ của anh. Đọc các bài thơ và bài viết của anh, em chỉ còn biết gật gù:"Đúng ơi là đúng!". Một lần nữa xin cám ơn anh! Mong anh cứ xuất hiện đều đều để  mọi người được thưởng thức tài của anh nhé! Nhân ngày Valentin 2012, chúc "cặp kính xanh màu cảm thông" mãi mãi song hành cùng anh, chị.



Từ: HoaNT
14/02/2012 15:59:03

Cám ơn anh Tuấn, em đã đọc tất cả các bài anh viết từ thơ đến văn đều rất hay và rất kỳ công, rất muốn com. các bài nhưng lại sợ vốn văn thơ ngắn ngủi của mình có hạn nên chỉ dám đọc thôi. Em là Hoa NT học lớp CL77 cùng với Lưu Kim Thanh và ngày xưa được anh chụp ảnh cùng với bọn lớp em đấy, chắc anh vẫn còn nhớ.


Chỉ còn một tuần nữa sau ngày Valentin năm nay thì nhà em cũng kỷ niệm đám cưới bạc muộn mằn sau nhiều bạn cùng lứa. Mấy năm gần đây nhà mình mới có mốt kỷ niệm ngày Valentin chứ ngày xưa chưa có khái niệm này đâu mọi người nhỉ. Bây giờ giở các quyển sổ cũ ra tình cờ thấy có trang ghi các khoản cho đám cưới tổng cộng chỉ có khoảng 30 đồng thôi rất đơn giản: cái vỏ chăn được tận dụng vải chéo hoa bọc khung xe đạp ông xã mua ở Ba lan về đến bây giờ vẫn còn chưa bị rách thỉnh thoảng mang ra dùng vẫn cảm thấy ấm áp.


Nhân ngày Valentin chúc anh chị và mọi người sức khoẻ, hạnh phúc và có tình yêu bất tận.



Từ: ThinhTT
14/02/2012 09:53:03

Cảm ơn Anh tuấn đã có bài viết nhân ngày Valentine rất hay và công phu. Nhân ngày này cũng góp với ACE bài thơ sưu tầm khuyết danh Về Tình yêu:


Đôi Dép


Bài thơ đầu " Tôi viết tặng Em"


Là bài thơ kể về Đôi Dép


khi nỗi nhớ trong lòng da diết


Dù vật bình thường, cũng hóa thành thơ


 


Hai chiếc dép kia! Gặp gỡ tự bao giờ?


Yêu nhau không? mà chẳng rời nửa bước


Cùng sánh vai bao nẻo đường xuôi ngược


 Lên thảm nhung, xuống bùn cát vẫn cùng nhau


 


Cùng bước, cùng mòn, không "kẻ thấp người cao"


Cùng chia sẻ, mặc người đời chà đạp


Dầu vinh nhục, không đi cùng người khác,


Số phận chiếc này phụ thuộc vào chiếc kia


 


Nếu ngày nào, một chiếc...mất đi.


Mọi thay đổi đều trở nên khập khiễng


Giống như đúc nhưng người đi vẫn biết


Hai chiếc này không phải một đôi đâu!


 


Như chúng mình, trong  những dịp xa nhau


Là hụt hẫng, cứ bước nghiêng về một phía


Dẫu bên cạnh, đã có người thay thế


Mà trong lòng, với nỗi nhớ, cứ chênh vênh


 


Đôi dép vô tư, cứ khăng khít, bước song hành


Chẳng thề nguyện, mà không bao giờ phản bội


Lối đi nào cũng có mặt cả đôi,


Không thể thiếu nhau, trên mỗi bước đường đời


Dẫu mỗi chiếc, Ở một bên, phải trái.


 


Khi "Tôi" yêu "Em" ở những điều ngược lại,


Gắn bó đời nhau, bằng một lối đi chung.


Hai mảnh đời, thầm lặng bước song cùng


Sẽ dừng lại,khi chỉ còn một đứa


 


Chỉ còn một là không còn gì nữa!


Vì không còn tìm lại được đứa kia!


 



Từ: HaiNV
13/02/2012 20:35:41

Hoan hô anh Tuấn có bài viết hay, thơ hay nhân ngày Valentine! Với tư cách là dân sinh vật (sinh hóa) em chỉ xin đóng góp một chút với anh về "hóa chất tình yêu" thôi. Thực ra, các "hóa chất tình yêu" có thành phần rất phức tạp. Ngoài Adrenalin (như anh nói), còn có hàng loạt hóa chất (nội tiết tố/ hormone) tham gia vào quá trình này. Đó là: các steroid hormone như (O)estrogen, Testosterone...Rồi đến Dopamine, Serotonin, Oxytoxin, Vasopressin, Endorphin...Mỗi thứ hóa chất giúp cho ta có một trạng thái tình cảm (trong tình yêu và cuộc sống) rất khác nhau! Có thể tham khảo một phần ở đây:


http://dantri.com.vn/c130/s130-189889/hormone-va-cam-giac-yeu.htm



Từ: ManhNX
13/02/2012 03:11:36

Một bài luận rất hay đúng vào dịp Lễ Valentine.


Khi còn yêu thì mọi thứ đều đẹp.


Mong mọi người nhận được chocolate vào ngày Lễ Valentine.


Các đức phu quân không kiếm được chocolate thì đưa tạm ... cũng được.


 



Từ: ThanhLK
13/02/2012 00:47:54

Đúng là một “Bài luận” tuyệt vời về tình yêu. Đặc biệt, đọc bài thơ có nhan đề “Kính” của anh TuấnDK, em muốn chép ra đây bài thơ sưu tầm mà em rất thích, về “đôi kính - cửa sổ tâm hồn” để anh và các ACE KGU cùng chia sẻ.


Lời của mắt (Khuyết danh)


Phút biết em là phút gặp mắt em nhìn
Phút hiểu em cũng là phút ấy
Bởi giếng quá trong nên dễ nhìn thấy đáy
Bởi mắt quá trong nên mắt nói rất nhiều.

Có lẽ mắt muôn đời vẫn nói hộ lời yêu
Anh chẳng dám nhìn nhiều đôi mắt ấy
Đừng hỏi anh không nhìn sao thấy
Cho anh hỏi một lời: Sao em cứ nhìn anh?



Từ: ThoaNP
13/02/2012 00:33:17

Cảm ơn anh Tuấn đã post bài này đúng vào một ngày rất đặc biệt đối với chúng em. Hôm nay là kỷ niệm 35 năm ngày cưới Dũng Thoa. Chúng em cũng vừa đón thêm một cháu nội gái (cháu sinh hôm 6/2, được 1 tuần rồi). Khỏi phải nói chắc anh cũng biết gia đình em vui như thế nào.


35 năm, chúng em cũng trải qua đầy đủ các giai đoạn, cung bậc như anh đã đúc kết. May mà đến giai đoạn cuối cùng có vẻ hướng nội nhiều hơn. Tập thể KGU là nơi mọi người đã biết Dũng, Thoa từ khi là những cá nhân đơn lẻ cho đến lúc nên ông nên bà nên chúng em trân trọng lắm. Đến giờ trong gia đình em vật dụng trên bàn ăn đẹp nhất vẫn là cái tô sứ hoa rất đẹp mà lớp VL76 năm đó đã góp tiền mua tặng quà cưới. Hồi đó mọi người phải nhờ vào tiêu chuẩn Tôn Đản của nhà NMĐức mới mua được tô đẹp như vậy. Mỗi lần nhà có tiệc tùng, mang ra dùng em vẫn hay nhắc với con cái, tô này còn già tuổi hơn các con đấy.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s