KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 09 Tháng mười. 2012

Bà nội




Tác giả: Kim Thu

 

Bà nội               


Trưa hôm ấy tôi nhận được thư nhà.


"Bố mẹ gửi Thu !", bao giờ thư bố tôi cũng bắt đầu bằng một câu như thế. "Cụ mất rồi con ạ! Hôm qua, vừa xong đám tang...." 

Cả nhà gọi bà nội là cụ, từ khi chị Quỳnh Nga tôi có đứa con đầu. 
Tôi vịn vội vào ghế, ghé xuống ngồi. Bà mất rồi ! 

Nước mắt rơi lã chã, không đọc nổi những hàng chữ tiếp. Tựa hồ như một khối đá đang đè lên thân hình vốn bé nhỏ của tôi. Đêm ấy, ngồi một mình trong Câu lạc bộ cư xá, lòng buồn tan nát, tôi thấy mình như chìm trong hư vô. 

 Bà nội tôi lấy chồng từ năm mười ba tuổi. Hồi đó tảo hôn là bình thường. Sinh đẻ nhiều lần, nhưng bà chỉ nuôi được sáu người con. Ông nội tôi mất sớm, bà tôi một mình nuôi đàn con ấy với bao nhiêu dặm đường gian truân. Bà nội không đẹp, nhưng có lẽ cái đức chịu thương, chịu khó, chăm chỉ tần tảo, nhất là cắn răng chịu đựng của bà, đã níu được chân ông lại. Ông tôi lúc còn sống, là người ủng hộ, giúp đỡ đắc lực cho Việt Minh trong những ngày đầu kháng chiến.

 Bà nội tôi có hai con trai, bố tôi và chú Sơn, hai đứa con trai của dòng họ Nguyễn Ngọc. Năm 1946, hai anh em rủ nhau lên đường ra nhập Việt Minh cứu quốc. Bố tôi là học sinh trường Thăng Long, học trò cũ của Tướng Giáp năm xưa, lại là hàng xóm, những ngày cùng ở phố Nam Ngư. Chú Sơn đang học trường Sinh Từ, Hà nội. Có hai con trai tham gia kháng chiến, có hai con trai tòng quân cứu nước, bà tự hào lắm, bà đã là mẹ chiến sỹ.

 Những ngày tản cư ở Bạch Hạc Việt Trì, bà buôn bán đủ thứ, kiếm kế sinh nhai. Bán hàng ăn, nhưng khách là bộ đội, dứt khoát bà không lấy tiền. Bà mẹ già ấy cũng có con như những người lính trẻ. Bà nhớ thương con, bà cũng thương các anh chiến sỹ này là phải thôi. Bà mỏi mắt trông chờ đến ngày kháng chiến thắng lợi, cách mạng thành công, đến ngày hai đứa con yêu trở về đoàn tụ gia đình. Nhưng chiến tranh nghiệt ngã đã cướp đi một nửa niềm hy vọng của người mẹ. Trở về từ chiến khu Việt Bắc, chỉ có mình bố tôi. Chú Sơn đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Phú Thọ. 
      Bà tôi chẳng khóc được nữa, làm gì còn nước mắt để rơi. Bao nhiêu năm trời nhớ thương canh cánh. Bao nhiêu cái Tết, cái giỗ vắng bóng hai con. Nước mắt ngần ấy tháng ngày dâng tràn, ngập lụt tâm hồn người mẹ ở hậu phương. 


      Chú Sơn lúc nhập ngũ mới 17 tuổi. Chàng thanh niên Hà nội trẻ măng, vừa rời ghế nhà trường, chia tay với mẹ, lòng bao náo nức, hớn hở ra mặt trận, trong hào khí của cả nước những ngày đầu kháng chiến. Sau khi được đào tạo tại trường Võ bị Sĩ quan, Chú Sơn được chuyển về Sư đoàn 308. Và chú đã hy sinh trong trận Tu Vũ, mở màn cho chiến dịch Hòa Bình 1951. Liệt sỹ Nguyễn Ngọc sơn lúc ấy là chính trị viên trung đội, vĩnh viễn nằm lại trên đất trung du Phú Thọ, quê hương cách mạng; vừa sang tuổi 22, chưa đọng một mối tình. Sau này, bà và gia đình tôi mới biết, ngày ấy có một thiếu nữ ở Tu Vũ thương yêu chú lắm. Nhưng chú tôi đã khước từ, chỉ an ủi, rằng: chiến tranh chưa chấm dứt, đời bộ bội nay đây mai đó, em đừng đợi tôi làm gì.... 

Tội nghiệp ! Thương cho đôi trẻ. Giá như chú sống được đến ngày chiến thắng, chứng kiến Trung đoàn 88 được vinh danh mang tên Trung đoàn Tu Vũ, và biết đâu hạnh phúc sẽ đến với đôi uyên ương.... Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu hứa hẹn đã bị trận chiến khốc liệt vùi dập. Chiến thắng Tu Vũ được Bác và Trung ương đánh giá rất cao. 
Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp. Trận đánh mở màn chiến dịch giành thắng lợi, Việt Minh hoàn toàn làm chủ tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình, tạo điều kiện cho chiến dịch triển khai lực lượng đánh bại âm mưu của Pháp chiếm đóng vùng giải phóng Hòa Bình. Ngày 14 tháng 12 năm 1951, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận đồn Tu Vũ đề nghiên cứu. Ông gửi thư khen ngợi trung đoàn 88.Trong đó có đoạn viết :  "Chiến thắng Tu Vũ là một trận công kiên lớn nhất, mở màn chiến dịch. Chiến thắng Tu Vũ biểu hiện tinh thần quả cảm hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu, chứng tỏ bước tiến bộ mới của trung đoàn 88 nói riêng và của quân đội nói chung. Tiến bộ không chỉ đơn thuần về kỹ thuật, chiến thuật mà còn cả về mặt tư tưởng của quân đội cách mạng chỉ biết tiến công, không biết lùi bước. Tôi gửi lời khen ngợi các đồng chí trung đoàn 88, đã nêu cao gương anh dũng tuyệt vời của quân đội..." 


Đất nước ghi công con trai bà với bao các liệt sỹ vô danh khác. Còn bà, bà chôn sâu đau xót, mất mát này vào xương, vào máu và dồn hết yêu thương cho bố tôi, đứa con trai duy nhất còn lại của bà. 
Cả hai anh em trước lúc tòng quân, đều mơ thành sinh viên trường Nhạc. Ước mơ làm nhạc cho đời, thêu những âm hưởng tuyệt vời lên bức gấm non sông đất nước. Mơ ước nhỏ bé ấy nằm lại trong nấm mồ liệt sỹ của chú tôi, an ủi hương hồn người chiến sỹ trẻ .....

Đất nước bắt đầu tái sinh. Những năm đầu thập niên 60, Hà nội trong mắt tôi thật là thanh bình. Bà nội tôi bắt tay vào tham gia rất tích cực các phong trào của khu phố. Ngày ấy, miền Bắc mình chưa có cụm từ : phường, khóm như bây giờ. 

Nhà tôi thuộc Khối 73, Khu Hoàn Kiếm, Hà nội. Bà nội tôi là đại biểu dân phố. Bà đi đốc thúc việc họp hành định kỳ. Bà là cán bộ già nhất trong Ban chấp hành phụ nữ Khu Hoàn Kiếm. 


  Đầu năm 1962 khắp nơi có khẩu hiệu "Vì đồng bào Miền Nam ruột thịt". Đặc biệt trong các gia đình hưởng ứng thực hiện Hũ Gạo tiết kiệm cho miền Nam. Có lần, đến bữa ăn, bố tôi hỏi đùa bà:

- Bà đã bỏ gạo vào hũ tiết kiệm chưa?

- Có chứ. Tôi cứ đong ba bò sữa, cho nhỉnh lên một tẹo, rồi vốc một nắm lại, bỏ hũ.

- Thế thì còn nói chuyện gì. Bố tôi vẫn đùa.

- Không thế thì có mà thiếu cơm cho lũ trẻ. 

Cả nhà cười. Bà nội tôi vừa muốn góp gạo cho phong trào, lại vừa muốn các cháu mình được no nê. 


   Lần khác, ăn cơm xong, bà bổ cam bảo bố tôi: 

-Anh ăn đi, cam của cụ Hồ đấy. Bà vẫn gọi bố mẹ tôi là anh, chị. 

-Con ăn nhiều rồi, bà ăn đi. Bố tôi muốn nhường bà. 

-Sao bà lại có cam của Bác Hồ? Bố tôi hỏi. 

-Tôi chả có. Sư thày chùa Lý Quốc Sư cho đấy. Sư thày vừa đi hội nghị Phật Giáo về. Cụ Hồ cũng đến dự, mang biếu hội nghị cam này. 
Bà tôi gọi Bác là cụ Hồ với một lòng tôn kính sâu sắc. Bà tôi chẳng kém tuổi Bác là bao. Bà tôi sinh năm 1894. 


Ở gian nhà ngoài, ảnh Bác được bà tôi thuê thợ lồng khung kính rất trang trọng, phía dưới treo những chùm nho giả để trang trí, những quả nho chín mọng, màu tím lịm,trông thật hấp dẫn, được làm bằng một thứ vật liệu như sáp. Bà thường lấy chổi phất trần, phẩy những đám mạng nhện vừa giăng. 

 Bà nội rất thương mẹ tôi, thương như các con gái của bà. Bà biết mẹ tôi bôn ba từ nhỏ. Mười sáu tuổi được giác ngộ cách mạng. Năm mười bảy tuổi trong lúc đi liên lạc, mẹ tôi bị tây bắn. Bà tôi bảo: Gan thế, chỉ băng tay vào rồi lại đi tiếp. Trước năm 1950, mẹ tôi làm công tác phụ vận, địa bàn hoạt động chính của mẹ là đất Thanh Thủy,Thanh Sơn, Thanh Ba, Phú Thọ. Sau đó, theo yêu cầu của tổ chức, mẹ tôi chuyển về Tuyên Quang. 

 Sau tiếp quản Thủ đô, theo phân tích của bố tôi, bà nội đi khắp các gia đình họ mạc, vận động tuyên truyền: Ở lại với chính phủ cụ Hồ. Đừng xuống Hải phòng di cư vào Nam, như làn sóng của Giáo dân lúc ấy. Một mình bà tôi đã níu kéo, giữ chân được hầu như toàn bộ họ hàng bên nội. Ở lại với chính phủ, ở lại miền Bắc, cùng chung tay xây đắp hòa bình. 
Lại nói hồi phong trào xóa nạn mù chữ, rầm rộ khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Ở các chợ, người ta ngăn ngay ở lối vào chợ, để kiểm tra trình độ i tờ. Bị ngăn lại hỏi, bà tôi nói: 
-Sao tôi lại không biết chữ, tôi còn biết viết nữa kia.

Rồi bà đọc vanh vách dòng chữ viết sẵn trên bảng .

Bà học bao giờ thế nhỉ ?! Học hồi tản cư, học với các bác tôi, con gái bà.
Bà tôi có hai cuốn truyện để dưới gối. Buổi trưa bà bắt đầu đọc, giọng to khỏe, nhưng vẫn ê a. Tôi còn nhớ hai cuốn sách đó tới tận hôm nay. Một cuốn là chuyện cổ Trung Quốc, trong đó có rất nhiều tranh đẹp, với các nhân vật hoàng tử Tráo Su Thuần, công chúa Nan Má Nô Ra và cô người hầu Nan Com Trai. Rồi chuyện "Bức gấm chàng" của xứ Tây Tạng cũng nằm trong cuốn này. Cuốn thứ hai là "Vào tù ra tù" của Liên Xô. Cuốn này giấy đã ngả màu vàng. Ảnh minh họa trong đó tối lắm, trông thật nhom nhem. Cuốn sách viết về người chiến sỹ cộng sản Babuskin trong chiến tranh ái quốc vĩ đại của Liên Xô. Cuộc đời thăng trầm của anh phần lớn nằm trong các song sắt nhà tù. Bà tôi bảo: 

- Phải khôn như anh Ba-buc-kin (bà không nói được chữ „s“) mới lòe được địch. 
Bao nhiêu năm qua, kể từ tiếp quản Thủ đô, trưa nào cũng đọc, mà bà tôi không chán. Tấm gương trung kiên của người chiến sỹ cộng sản bị giam suốt trong ngục tối, gây một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong tiềm thức một bà lão Việt Nam.

Bà tôi thuộc nhiều tích lắm. Từ Lưu Bình Dương Lễ, Khuất Nguyên, Tình Riêng Nghĩa Cả, Bạch Xà Nương đến Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa….Bà tôi mê các tuồng cổ, với cô đào Kim Xuân, các kép Tiêu Lang, Mộng Dần… Bố tôi biết lắm và luôn chăm lo đến những nhu cầu văn hóa ấy của bà. Những vé ngồi hạng A trong các rạp Kim Phụng, Chuông Vàng bố mua mời bà, giá trị biết bao đối với bà tôi. Cũng có dăm lần, tôi được đi cùng, ngồi ở ghế kép, cạnh bà.

 
Bà hay đọc thơ, ca, hò vè cho chúng tôi nghe. Ca dao tục ngữ và những làn điệu trong thơ xưa đã đi vào mảng đời ấu thơ của chị em tôi. 
Bài con chim chích, đến giờ, tôi chỉ còn nhớ được đoạn kết. Tôi thích nó lắm, vì thật là dí dỏm và cường điệu hóa đạt tới đỉnh cao:

Đem về vừa xáo, vừa xào . 

Được ba bát đầy 

Ông thầy ăn một 

Bà cốt ăn hai

Cái thủ, cái tai 

Đem về biếu chúa

Chúa hỏi thịt gì 

Thịt con chim chích


Rồi:                                                         

 Con cò mày đi ăn đêm 

Đậu phải cành mềm, lăn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao 
Tôi có lòng nào, ông xáo ông ăn 

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con...

        
Bà nội tôi là con gái Thủ Khối, Bắc Ninh, nghiện thuốc lào nặng, ăn trầu cắn chỉ môi. Bà têm trầu khéo lắm. Nhìn những miếng trầu cánh phượng trong âu đồng của bà, tôi nhớ đến miếng trầu trong tích Tấm Cám, lúc nhà vua ngự giá, ghé quán nước bà lão và cô Tấm.... 

 

Sợ bị nhiễm độc phổi do hút thuốc lào, bố tôi dấu cái bát điếu bà vẫn hút. Cái bát điếu ấy lúc nào cũng sáng choang. Bà thường đánh nó bằng miếng chanh với chút tro bếp. Những chỗ được viền bằng đồng, sáng loáng lên như vàng tây vậy. Còn những hoa văn của lớp sứ nữa chứ, nó đẹp làm sao. Màu xanh sứ Trung Hoa có một sức hấp dẫn đối với tôi, ngay từ ngày ấy. 
Bà buồn lắm, thèm, nhớ thuốc lào. Nhưng con trai đã nói, cái gì cũng đúng, bảo gì bà cũng thấy phải. Bà tôi chuyển sang hút thuốc lá. Ngày ấy lấy đâu ra thuốc lá đầu lọc.Thường là Trường Sơn, có Tam Đảo đã khá, ngày Tết, bà có Điện Biên bao bạc bố tôi biếu, sang lắm rồi, bà lão chẳng mong hơn.     

 Bà tôi thường xuyên đi lễ chùa, có tâm Phật từ ngày bà còn trẻ, bà lễ chính ở chùa Lý Quốc Sư và chùa Bà Đá.                             

Năm tháng qua đi, bà yếu dần, đi lại khó khăn. Bà không ngồi xếp chân bằng tròn trên chiếu, những lúc đọc kinh, lễ Phật trên chùa được nữa, và bắt đầu lễ ở nhà. Bà vẫn bảo: „thứ nhất là tu tại gia „ cháu ạ. Bà có một chuỗi hạt bồ đề rất đẹp, chẳng biết nhà chùa nào tặng. Bà còn có một cái chuông nhỏ, nhưng tiếng khá đanh, vang lắm và một cuốn kinh Phật. Trong cuốn kinh, có chỉ dẫn cho các phật tử và quý đạo hữu, đến khi nào  

phải gõ ba hồi chuông.

 Một lần bố tôi lại hỏi bà: 

-Bà có đọc được y như sách Phật viết không?

-Có chứ, tôi đọc hết, đọc cả dòng này : Đánh ba hồi chuông! 

Thế là bố tôi lại cười.  



Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, sau Mồng 5 tháng Tám 1964 bà và chị em tôi sơ tán về Thường Tín Hà tây, quê mẹ tôi. Những năm này thật là vất vả. Và cũng là những năm tháng ghi một dấu ấn không phai nhạt trong kí ức tuổi thơ của chúng tôi. Đó là tấm lòng đồng bào địa phương, là các bà, các bác mở rộng cánh cửa đón gia đình chúng tôi, ôm chúng tôi vào lòng, chia sẻ tất cả những gì họ có. Một tình người đẹp hơn tất cả. Tôi khắc mãi vào tâm khảm mình những tấm lòng vàng ấy. 

 Chắc các bạn đọc còn nhớ hai chữ Nghỉ Mùa. Với chúng tôi nó là những ngày mong đợi. Làng tôi náo nức từ sáng sớm đến đêm khuya. Khắp nơi chỉ thấy tiếng cười - nụ cười của vụ mùa bội thu, bom nổ ngày, thì gặt đêm. Chẳng riêng người lớn, con nít cũng lăng xăng, chẳng biết sợ bom đạn là gì. Quê tôi lúc ấy, chỉ thấy một màu vàng của lúa, màu vàng trù phú, đẹp như trong tranh. 

Có một năm, nhớ nhà quá, chúng tôi xin bà cho ra Hà nội dịp nghỉ mùa. 
-Bà, cho cháu với Vân ra Hà nội, được nghỉ học một tuần bà ạ. 
-Ra Hà nội? Ra thế nào được, bom rơi, đạn nổ, rồi tránh vào đâu. Bà tôi kêu lên.

-Không có bom đâu bà, bà cho chúng cháu đi nhé. 

-Bà về đây để trông con cho bố mẹ cháu, nếu điều gì bất trắc xảy ra, bà biết nói với bố mẹ cháu thế nào? Bà làm sao đền được cho bố cháu….. 
Lúc ấy, làm sao chúng tôi hiểu được lo âu của bà. Bà nguyền rủa cuộc
chiến tranh trước đã cướp mất chú Sơn. Bà lại lo cho chúng tôi trong cuộc chiến tranh này, cho những đứa cháu nội máu mủ của bà, bà có lý chứ! 
Chúng tôi bắt đầu tuyệt thực. Mỗi đứa đứng một góc nhà, như những pho tượng nhỏ,chẳng nhúc nhích, chẳng cử động, bỏ bữa ăn trưa. 
Đến non chiều, bà tôi hoảng hết cả người, và „xuống thang“: 
-Bà cho ra Hà nội, mai rồi ra, bây giờ phải đi ăn cơm đã, hai đứa đói lả ra rồi còn gì.
Chúng tôi mềm nhũn cả người như con chi chi, đói hoa cả mắt, nhìn bà mà nước mắt muốn rơi . Kỷ niệm ấy với bà nội, tôi làm sao quên được.

 Sau giải phóng Sài gòn, ngoài bắc, nhà nhà có tivi. Các đời tivi được tiếp quản lại của miền Nam, nó tập tàng cà khổ làm sao. Lúc có hình, thì mất tiếng, lúc đài nói được thì hình trôi. Lần ấy đang chương trình thời sự có thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện, thì tivi trôi như nước tuôn trên thác Bản Giốc. Bố tôi bảo cậu Châu, em trai tôi: 
-Ngó bên cụ Minh xem sao con !
Bà tôi ngạc nhiên ra mặt:

 -Tôi tưởng ông Đồng vào nhà mình thôi chứ, lại sang cả nhà cụ Minh à? 
Cả nhà lại cười bà.

Ngày đầu mới có tivi, ngồi vào xem, bà tôi cứ chỉnh sửa lại áo quần và ngồi cho ngay ngắn, bà sợ trong tivi, cô phát thanh viên nhìn thấy mình không trang nghiêm. Tội nghiệp bà tôi, vẫn cổ lỗ như ngày xưa. 

 Cuối năm 1986, bố mẹ tôi vào Sài gòn có công việc với vợ chồng cậu Châu. Lần ấy, trước lúc bố tôi ra cửa, bà nội hỏi bố: 

-Anh đi có lâu không?

-Xong việc, con ra ngay bà ạ.

Như một linh tính, mà sau này thỉnh thoảng nhắc đến bà, bố mẹ tôi vẫn nhớ mẩu đối thoại ấy.

Bố mẹ tôi đi rồi, thì bà lâm bệnh, sang tuổi 92 rồi. Nhớ lại những năm đầu thập niên 60, bà tôi còn là người đi đốc thúc phong trào thể dục buổi sáng của khu phố. Dù ngày đông giá rét, bà vẫn gương mẫu là người đứng tập theo nhạc thể dục buổi sáng của đài phát thanh, hồi ấy bà đã 70 tuổi ! 
Bây giờ bà lão ấy nằm đây, bé nhỏ còm cõi, gần đất xa trời, từng giờ từng phút chiến đấu chống trả với cái chết đang đe dọa. 
Chị Nga tôi đã gửi điện khẩn vào Sài gòn, báo bố mẹ tôi ra gấp. 
Chăm sóc bà tôi những ngày cuối đời, là tất cả các cháu gái của bà. Cũng may, có Yến, em gái nhỏ nhất của tôi học Y. Có lần cho bà ngậm miếng sâm ngâm lại lần thứ hai, bà tôi bảo:
-Sâm nhạt lắm Nga ạ !

Chị tôi thương bà thắt ruột, vội cử người đi mua thêm sâm, để bà cầm cự tới lúc bố mẹ tôi về. Tối hôm ấy, bỗng bà hỏi chị : « Chắc bố chẳng có tiền làm ma cho bà đâu Nga nhỉ? »
Chị tôi lặng người vì câu hỏi ấy, vội lấy bừa một cuốn sổ dày, chỉ cho bà: 
-Có bà ạ, sổ tiết kiệm bố cháu vẫn để dành cho bà đây.

Xuống Ga Hàng Cỏ, bố mẹ tôi, chẳng ai nói với ai một lời, mạnh ai nấy rảo bước cho nhanh, hy vọng còn về gặp được bà. 
Bà nội bây giờ trông chẳng còn là người. Bà bé như bó mạ khô. Mặt xám lắm, khiến những vết đồi mồi không còn nhìn thấy rõ như trước. Bà nằm ngửa, mắt nhắm nghiền. 
-Bà ơi con đây, Cẩm đây bà ạ! Bố tôi khẽ chạm vào cái thân hình bé nhỏ, một phần sống, chín phần chết ấy của bà. 
Bà hé mắt, thều thào: 
-Thế chị Bình đâu? 
-Con đây bà ạ. 
Mẹ tôi cúi sát xuống bà, nước mắt mẹ nhỏ xuống gò má nhăn nheo của bà. Mẹ tôi chết từng khúc ruột, thương bà quá. Cả một biển trời thương yêu, đau đớn, xót xa, bóp nghẹt lấy tim mẹ. 
Bà nội tôi trút hơi thở cuối cùng, thanh thản ra đi. 
Bà đợi đấy, đợi cho kỳ được để gặp bố mẹ tôi, để giối giăng với các con, với con trai duy nhất còn lại của bà. Bây giờ thì bà sẽ yên lòng để nhắm mắt và hai tay buông xuôi. 
Bà từ biệt cuộc đời trần lụy, về với cõi vĩnh hằng, về với chú Sơn tôi, nơi thiên thu ấy. 
Khép lại trang cuối cuộc đời, chấm hết những lo âu, toan tính đè nặng bao nhiêu năm trường lên đôi vai già nua của người mẹ. Người mẹ chiến sỹ, người mẹ liệt sỹ, người phụ nữ Việt nam hết sức bình dị, nhưng đã đến với sự nghiệp cách mạng bằng cả tấm lòng và trái tim đầy nhiệt huyết. 
 Bố tôi gom những kỷ vật còn lại của bà vào một cái tráp nhỏ, rồi đặt ngay ngắn dưới tấm Huân chương kháng chiến hạng ba, cùng với Bảng vàng danh dự và tấm bằng Mẹ liệt sỹ … tất cả những huân, huy chương mà Chính phủ đã trao tặng bà ngày nào. Và rất nhiều giấy khen của Khu Hội Phụ nữ, giấy mời họp của chi hội Phật tử, bằng khen của Thành phố sau các đợt tổng kết và sơ kết thi đua.... 
Còn đây là chuỗi hạt bồ đề với quả chuông lúc bà niệm Phật, những mong bà được thanh thản vãng sanh về miền cực lạc. 

Tháng sáu năm 2010, tôi ra Hà nội được hai ngày. Ngay trưa đó, hai chị em tôi ghé thăm mộ hai bên nội, ngoại. Cậu Châu cúi xuống thắp nhang, ở mộ bà, cậu đặt thêm bao thuốc lá ba số đã mở, rút một điếu lặng lẽ châm, cậu đưa mắt nhìn tôi. Lòng tôi chợt lắng xuống, thương nhớ bà biết bao và hiểu được yêu thương vô bờ bến đang dâng lên trong lòng em mình, đích tôn yêu của bà. 
               
                        Bà có hai con trai đi bộ đội 
                        Kháng chiến thành công, chỉ một trở về. 
                        Gom yêu thương chắt chiu từ năm tháng 
                        Hiến cho đời thêm ngọc, thêm hoa. 

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 09-10-2012 15:03






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HienVC
17/10/2012 18:02:22

Trong con mắt của những đứa cháu nội, cháu ngoại ở bất kỳ lứa tuổi nào thì bà nội, bà ngoại mãi mãi bao giờ cũng là những người hiền từ nhất !



Từ: HuyenBT
13/10/2012 01:45:23



Em thật khó khăn khi viết những dòng này. Em vừa đọc, vừa trốn. Em sợ rồi đến một lúc nào đó, (đã gần từng ngày, từng ngày), em cũng sẽ lại viết những dòng như thế . Bà của em đã gần 100 tuổi. Em đang đợi lần về thăm tới, cầu mong, cầu mong!


Có lẽ chị đã nói hộ tất cả mọi người về bà của mình. Bà của ai cũng thế. Đọc com của mọi người, em còn nhận thấy một điều nữa : cháu nào cũng yêu, cũng thương, cũng kính, cũng mãi nhớ bà. Mấy chị đang bắt đầu làm bà, đang bắt đầu được cảm nhận thêm một tình cảm mới- tình bà, có phải thế không?


Chị Phương Thảo ơi, những gì chị chọn để gửi đến cho người KGU luôn là những gì rất cảm động. Em chắc không ít nước mắt đã rơi, khi chị chọn post câu chuyện này. Em cảm ơn chị Thu, chị Thảo, cảm ơn Bà nội của chị Thu.


 




Từ: ThoaNP
12/10/2012 21:32:42
Mình mới được đón Bà Nội các con mình (tức mẹ chồng) đến ở cùng được 1 tháng nay, và "sẽ ở đến chết" (là lời của Cụ). Nhà thật vui, dù có bận hơn. Người lợi nhất là Dũng vì trước đây dù có thích cũng ít dám thổ lộ với vợ những món ăn khoái khẩu mà mất nhiều thời gian nấu nướng. Bây giờ thì mình thường xuyên đổi món cho Bà ăn ngon miệng nên Dũng được hưởng ké. Người thiệt thòi nhiều nhất là bé Dâu (em Củ Cải) vì nếu muốn được bà nội (tức là mình) trông thì bố mẹ nó phải chở đến nhà mình để vừa trông cụ vừa trông cháu luôn. Mỗi khi Bà làm được việc gì đấy giúp con cháu, bà rất vui làm mình cũng vui. Chỉ thương nhất các bạn của Bà, toàn những người dù là lứa đàn em, cũng trên 75 cả rồi, leo cả mấy chục phút mới lên được cầu thang nhà mình để thăm bà (tụi mình ở nhà tập thể lại trên tầng thượng). Ai ra về cũng nói "chắc chỉ lên thăm bà được 1 lần này thôi". Nếu không phải là nhà tập thể thì mình đã cho làm thang máy rồi. Tự mình cũng ngạc nhiên vì sao mình thấy rất vui vẻ khi có Bà ở cùng, mặc dù trước đây, khi chưa tách ra riêng cả đại gia đình (bố mẹ Dũng và gia đình của tất cả 4 anh em trai) đều sống chung 1 nhà cả hơn chục năm, mà mình không cảm thấy nhẹ nhõm vui vẻ như bây giờ. Hay là vì lúc trước còn đầy đủ 4 bố mẹ nên cứ làm món gì ngon cho bố mẹ chồng lại nhớ bố mẹ mình ở xa. Bây giờ tất cả các cụ đã đi xa, chỉ còn mỗi mẹ chồng nên mọi tình thương dồn hết về cho cụ.

Hình như mình com hơi lạc đề.



Từ: KhanhT
12/10/2012 20:32:54

Ai cũng có Bà Nội, Bà Ngoại, là mẹ của bố mình, mẹ mình. Ai cũng có một mẹ, một bố, cũng có người có hai ba bà nội, bà ngoại như mình chẳng hạn, có hai bà ngoại cơ, khác nhiều người do hoàn cảnh mình không được gặp trực tiếp các Cụ như nhiều bạn, bởi Bà Nội, Bà Ngoại mất từ khi mình mới 1-2 tuổi, Bà Ngoại hai thì ở xa, thời chiến tranh nên cũng không được gặp đến khi Bà mất. Mình nghe về Bà, biết về Bà là qua Mẹ mình, Mẹ yêu Bà lắm và mình yêu Bà Nội Bà Ngoại cũng như yêu bố mình mẹ mình vậy. Viết được ra những tình cảm yêu mến đó một cách chân thật, sâu đậm mà dung dị như đời thường vẫn thế thì phải nói là bài viết của Kim Thu thật hiếm có. Mà này các nữKGU bây giờ cũng đã là Bà Nội, Bà Ngoại nhiều lắm! Bà Nội, Bà Ngoại, Mẹ - các Bà Mẹ Việt Nam kính yêu vô cùng!



Từ: LienTP
12/10/2012 10:17:01

Bài viết về bà nội cảm động quá, mình tìm thấy trong đấy những nét yêu thương của bà nội mình. các cụ ngày xưa gian khổ khó khăn, chịu đựng nhiều, mà luôn để lại tình yêu thương vô bờ bến cho các con cháu.


Cảm ơn tác giả Kim Thu nhé.



Từ: NgocNT
11/10/2012 12:16:05

Chị Thu ơi, đọc bài chị mà như trải được tấm lòng! Nghĩ đến bà nội em như thấy mình có lỗi vậy! Bà nội em ra đi ở tuổi 87, không một ngày nằm, không một ngày con cháu được phục dịch, chỉ chiều hôm trước ăn vài hạt cơm thôi! Cuộc đời bà em vất vả lắm vì nhà nghèo, con cháu đông, ông nội em lại mất sớm, chỉ có bố em là ở thành phố, làm công chức nên cũng không dư giả gì nên bà cũng không hưởng được ngày nào gọi là sung sướng! Em là cháu gái bà yêu quý nhất, hồi nhỏ toàn ngủ với bà, ngày đông bà toàn vào nằm trước cho chăn ấm trước để em chui vào sau thôi! Cứ mỗi lần về quê thăm mộ bà, chắp tay đứng trước bà là nước mắt lại tuôn trào!


Cám ơn chị rất nhiều vì bài viết đầy cảm xúc về bà để cho em có dịp được "còm" và nói những suy nghĩ của mình về bà nội!



10/10/2012 16:44:37

Cám ơn chị Kim Thu, bài viết của Chị rất hay. Com của anh Tấn Định cũng tuyệt. 


Bà Nội em mất từ lúc Bố em mới 2 tuổi, ngày ấy Bà mới 21. Huhu... Đến một cái ảnh của Bà cũng không có! Ngày còn sống, Ông em bảo em giống Bà nội. Hôm nay, khi em đọc bài của Chị, lại nhớ Bố, nhớ Ông nội, Bà nội... đang ở trên trời. 


 



Từ: HoaNT
10/10/2012 10:47:10

Bà nội của mình có 10 con, bố mình là thứ tư nhưng là người có trách nhiệm với bà nhiều nhất  trong những năm cuối đời của bàvì vừa là bác sỹ lại có lương cao hơn các cô chú  bác trong nhà, nhà mình lại ít con nên bà cũng hay ở cùng với nhà mình vì vậy mình cũng có rất nhiều kỷ niệm với bà. Bà nội mình có rất nhiều cháu nhưng cháu nào bà cũng yêu quý như nhau. Bữa cơm cuối cùng mình được ăn với bà là bữa cơm bà tiễn mình đi học ở Kis. Bữa cơm đấy bà chiêu đãi mình món măng luộc chấm mắm tôm vì bà bảo bên Tây không có những thứ đấy. Bà rất tự hào vì lần đầu tiên có cháu đi học ở nước ngoài nên sau này chú mình có kể rằng: chú vẫn giữ những bức thư của mình gửi về cho bà từ Liên xô, mỗi khi có ai đến chơi bà đưa thư nhờ đọc hộ ( mặc dù bà là bà là vợ ông giáo  bà có thể đọc, sách, báo thường ngày) để khoe có cô cháu gái học ở nước ngoài gửi về. Bà mất năm 1972 lúc mình còn đang ở Kis. nghe nói đám ma của bà đông lắm đông chật cả phố Yên Bái, Hà Nội vì bà có nhiều con cháu cũng như các học sinh của ông nội mình nữa. Trước lúc mất bà còn nhớ để chia quà cho con cháu, ai cũng được quà của bà, nhà mình được bà tặng mâm đồng. Bây giờ bố mẹ mình đều được yên nghỉ cùng với bà ở Thổ Khối, Gia Lâm , Hà Nội ngay dưới chân cầu Thanh Trì. Chúng mình luôn về thắp hương cho các cụ, và mỗi lần về đứng trước mộ bà là lại gợi lại cho mình nhiều kỷ niệm về bà. Cám ơn Thu đã gợi lại cho mình nhiều nỗi nhớ về bà nội kính yêu của mình.



Từ: BinhNH
10/10/2012 08:15:06

Thu oi


Bai viet cua Thu rat hay, minh doc ve ba Thu ma nhu doc ve chinh ba noi minh. Ba minh cung co cuoc doi gan giong nhu ba Thu . Ba minh mat nam 98 tuoi. Ba noi duoc tat ca con chau va nguoi than yeu quy.


Cam on Thu da ke lai cau chuyen tam tinh dep de va cho minh cung nho lai nguoi ba yeu quy



Từ: LyTM
10/10/2012 08:09:10

 


Cảm ơn chị Kim Thu đã trải lòng về bà nội của chị, một người mẹ Liệt sỹ, một người bà rất đỗi bình dị mà đầy lòng yêu nước, thương nòi và thủy chung như nhất. Đọc về bà mà thấy lệ nhòe, chị đã nói hộ chúng ta về người bà mà chúng ta cũng muốn viết mà không viết ra được. Xin cầu mong bà được bằng an và sớm trở về với cõi nhân gian, hạnh phúc hơn.


Theo chiều dài lịch sử


những tháng ngày gian nan,


dứt ruột dâng con cho đất nước khải hoàn,...


Chắt nước mắt thành nắm gạo


chắt nước mắt thành lời ru,... 


Dẫu xa rồi, mãi cõi thiên thu,


ân tình ấy núi sông này xin nhận


để cháu con, thương một đời lận đận,


vẫn dâng cho đời mẫu người Mẹ Việt Nam!


Ôi, những tháng năm,


giọt nước mắt và mồ hôi chân chất


mãi dung dị như cây đời ngọt mật


một tấm lòng son lưu luyến với giang san!


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9764
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7158
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s