KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 22 Tháng mười. 2012

Thời bao cấp




Tác giả: Kim Thu

THỜI  BAO  CẤP 

Người dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nếu không quên cuộc kháng chiến chống 
Mỹ, đặc biệt giai đoạn thời chiến, thì cũng sẽ không thể quên được THỜI BAO CẤP. 
Quản lý hộ khẩu để phân phối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm .v.v.. theo chế độ tem phiếu là nguyên tắc cơ bản của THỜI BAO CẤP


       
Đã một nửa thế kỷ qua đi, nhưng thời kỳ ảm đạm của giai đoạn kinh tế ấy, chưa thể phai nhòa trong tâm khảm người dân miền Bắc và người dân Hà nội chúng ta. Đối với phụ nữ, cho đến hôm nay "cái mặc" trở thành nhu cầu tối cần thiết trong cuộc sống. Họ làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho đời. Nó phải đẹp, chứ không riêng lành lặn và đủ ấm như cái thời bao cấp.

 
       Hình ảnh cái quần lụa đen của chị em phụ nữ ngày ấy, khiến tôi nhớ và xót xa cho một thời tuổi trẻ. 


Cái quần lụa đen ta- tăng nó mỏng, rét đến cắt da, cắt thịt mỗi khi đông sang và nhất là những đợt gió mùa đông bắc tràn về. Có lẽ trên thế giới không đâu khốn khổ hơn những người phụ nữ VN trong những năm này. Mỗi một đầu người chỉ được một cái quần lụa đen một năm! Người đọc có nghe nhầm không?! Con số không thể tin được, mà có thật. Thường là lụa chéo, ta-tăng, dịp nào sang thì có sa-tanh. Mỗi quần thường 2 mét, nếu là lụa khổ đơn ( khổ 70). Nếu là khổ đúp, thì chỉ mua một mét là vừa đủ một quần. Những phụ nữ cao, quần phải can cạp ngoài, chứ không có mà ngắn hững ngắn hờ. Tuy thế, chị em trên thành phố vẫn còn tươm hơn nhiều so với phụ nữ nông thôn. Ở quê tôi, phần lớn là mặc quần vải. Có cái chéo go hay láng, thì còn tốt, còn bền. Các chị, các cô trẻ, hôm nào diện thì cái quần phíp, quần lanh đen, láng o, trông cũng mềm mại. Còn các cụ già, thương lắm, phần lớn mặc vải quê dệt thủ công, rồi nhuộm lại, đến lúc nó bạc phếch, trông thật không biết là màu gì. Ngẫm lại cái mặc ngày xưa ấy mà rớt nước mắt.

 
Thời kỳ này vải vóc, quần áo được phân phối theo chế độ phiếu vải. Mỗi phiếu 4 mét. PHIẾU VẢI NỮ tiêu chuẩn được một quần lụa đen/ năm và PHIẾU VẢI NAM sau này, hình như tới đầu thập niên 70, các anh được mua một quần simili/ năm. 

Chàng nào diện quần "si" (simili), áo "lon" (nylón) đã ra dáng lắm, dân chơi rồi. Tôi cứ nhớ cậu em tôi, cậu Châu dắng với anh rể: 


- Bao giờ mặc ngắn thì cho em nhé! 


          Tôi và Thắm, cứ rình rập ở Bách hóa tổng hợp đợi có popeline Tiệp mới mua. Chả đến lượt. Trước hết là nội bộ cửa hàng, sau là đến cánh hẩu, con phe. Một cái áo, với một cái quần lụa đen, khéo co thì đẹp, biết giữ thì lâu tàn. Đi xe đạp cà khổ, suốt ngày chỉ sợ quần bị móc rách. Năm 1969, lúc mới từ sơ tán về, thấy tôi đã biết diện, mẹ may cho ngay một cái quần lụa đen.Tôi giặt, sáng ra phơi ở cổng sau. Chiều mát, lấy đồ vào thì biến mất rồi. Thế là phèo! 


        Việt nam, đất nước nông nghiệp, hạt thóc hạt gạo phải là sản phẩm đầu tiên cho người làm ra nó. Có cơm thơm, gạo mới, chả cần đến nhiều thức ăn đưa đảy, cứ rưới tý nước mắm, hay chan canh rau với mấy quả cà pháo giòn tan, đã thấy cơm trôi đến tận đâu. Nhưng làm gì có gạo thế mà ăn. Hà nội hồi đó đong gạo là một cực hình, gọi là gạo mậu dịch, quê tôi gọi là gạo "bông". Những lúc đến kỳ đong gạo, cửa hàng y hệt một cuộc tranh cử. Mạnh ai nấy chen, không nhanh sang bao gạo mốc thì khốn. Mỗi người được 13 ký một tháng, nếu là nhân dân. Các cụ già hình như chỉ được 10 ký, các cụ già rồi, chắc chả nhá được bao nhiêu. Cán bộ và đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất, được hơn vài ký. Bố tôi cũng được nhiều nhất trong nhà ,15 ký, mặc dù bố ăn gần như ít nhất, vì bị bệnh dạ dày. Đến những năm chiến tranh Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, thì chế độ ăn độn như một "quốc sách". Trước tiên là ăn độn ngô. Ngô tẻ đã xay nhỏ, nhưng cứng lắm, bao giờ cũng phải nấu trước gạo một lúc, không thì chả thể nào chín được. Nếu đầu tư công một chút, thì cũng quấy được nồi bánh đúc ngô. Bà nội tôi xoay xỏa đủ cả, để cải thiện, để đưa hết được cái lượng "ngô độn" vào chương trình tiêu hóa. Nhưng tôi thấy ngon, có lẽ cũng do lạ miệng. Nếu cứ ăn mãi, sẽ thấy khổ vì cái vị vôi nồng, mỗi khi chót ợ lên. Sau độn ngô, đến cái chặng độn bột mỳ, nguồn chính do Liên-Xô tương trợ, giúp mình. Thế là cả Hà nội cán mỳ. 

  Nhiều nhà gia công mỳ sợi ra đời, phần lớn họ gốc người Hoa. Nhưng cái "tự biên, tự diễn" cán mỳ của trào lưu này, tôi không bao giờ quên. Tất cả các vỉa hè của phố, được sử dụng triệt để làm sân phơi. Nếu cứ đi từ đầu phố đến cuối phố, sẽ phát hiện ra được trình độ cán mỳ và thái thành sợi của từng hộ hoàn toàn khác nhau. Cứ những lô mỳ to, thô, dày bình bịch, đích thị nhà này toàn con trai. Những nhà đông con gái, cái khéo léo nó lộ ra hẳn. Sợi mỳ dài hơn, bột ngào kỹ và cán mỏng. Trông sợi mỳ thanh thoát hơn lên. Phơi mỳ cho khô, rồi đóng chúng vào túi nylón, để ăn dần cả tháng. Mỳ thường được ghế lẫn với cơm. Nhìn vào bát cơm, một màu nâu tựa màu đường phên. Được cái đợt bột mỳ thơm, sạch sẽ còn đỡ, chứ vào cái bao cũ thì ngửi chỉ thấy mùi bột mốc. 


            Ăn độn bột mỳ với các loại bánh mỳ, bánh gối còn được gọi là cao cấp. Có hai loại tem 225Gr và 250Gr để đổi bánh mỳ. Nhà tôi thường đổi bánh ở Đường Thành, lối ra chợ Hàng Da. Bánh mỳ ở đây ngon thật, mặc dù bánh mỳ Nghĩa đô mới là có tiếng.

Những ngày hè tôi được quản lý tiền ăn, chế độ ăn độn bánh mỳ thường như sau. Mâm cơm đã dọn, nhưng chưa ăn đâu. Tôi chia cho các em mỗi đứa vài lát bánh mỳ với mấy thìa đường trong cái đĩa tráng men nhỏ. Bây giờ xin mời các vị tùy nghi di tản. Chúng nó ra hết ngoài phố ngồi xếp loạt trên vỉa hè như coi bóng đá, ăn chỗ bánh "độn". Như thế khi vào mâm cơm, lửng dạ rồi, đỡ tốn cơm hơn. Tôi khắc vào tâm can những kỷ niệm đau lòng ấy, một chế độ dinh dưỡng đúng theo quy định của bộ: Chất bột đường cộng với đường bột! 
Về sau này các tổ hợp gia công mỳ sợi phát triển, sợi mỳ dài, óng,chau chuốt rất đẹp. 


           Mùa hè năm ấy bố mẹ giao cho tôi quản lý việc nội trợ gia đình. Nghĩa là cầm tiền mua thức ăn, cân đối các chi tiêu chỉ trong phạm vi cho phép. 
Nhà tôi ra cung cấp Nhà Thờ chỉ chừng hai phút. Những đêm hè đẹp trời mãi là những hình ảnh khó phai trong ký ức bọn trẻ chúng tôi. Trời trong, còn sớm nên cái nóng chưa kịp đổ xuống. Phố phường chỉ ra rả một tiếng ve ngân, một loài sinh vật nhỏ nhoi mà giàu sức sống, cần mẫn và nhẫn nại. Lúc ấy thanh bình tạm được gọi trên đất Bắc. Chấm dứt rồi những năm tháng sơ tán xa nhà, xa Hà nội. 


Tinh mơ, nghe tiếng chuông Nhà Thờ đổ, báo 4 giờ. Tôi đã vùng dậy, trong tay với đủ mọi vật dụng cần thiết cho việc xếp hàng. Đầu tiên ra xếp một cái rổ đại tướng để vào cửa. Các cụ già không ngủ được, dậy sớm thế, trước tôi đã có đến dăm người. Chỉ đợi cánh cổng sắt cửa hàng mở, lập tức dòng người với đủ các loại túi, rổ tập tàng, cả gạch nữa, ùa vào như cảnh phá kho thóc của Nhật. Phải rất nhanh, nếu không sẽ bị đội sổ. Ngay cửa vào tay trái, chỗ quầy bán cá, tôi xí chỗ bằng một cái mê rổ. Đối diện cổng vào là quầy Rau Quả, đặt tiếp một cái bao dứa cũ màu xanh. Sau đó lao thật nhanh vào bên trong, phía tay phải đến quầy thịt. Nhanh như cắt, mà tôi vẫn đứng thứ 10. Không hiểu phải lắp loại motor nào cho người dân VN ở cái thời kỳ khốn khó này, cho các cuộc chạy đua. Đứng trong dòng người đợi mua thịt, nhưng tai và mắt phải hoạt động với một công suất cực lớn. Nghe và để ý bên quầy cá, quầy rau, nếu hàng về. Các cô nhân viên bán hàng quầy thịt chưa chuẩn bị xong, khách mua hàng đã nhấp nhổm. Và tôi biết, bao giờ cũng bắt đầu bằng câu ấy: 


- Ai có tiền lẻ lên mua trước nào 


- Cháu ạ, cháu có tiền lẻ! Tôi dõng dạc lên tiếng và lách qua bao nhiêu người với những gương mặt đầy khó chịu vì cái sự "ưu tiên" ấy. Tối hôm trước mẹ đã chuẩn bị cho tôi một lô tiền lẻ. Hồi ấy tiền cắc có lỗ ở giữa. Mẹ sâu chúng vào một cái dây gai, chắc lắm. Và tôi đeo chuỗi ấy lên cổ . 


Trước lúc đi, bà nội đã dặn tôi: 


- Nếu phải chỗ thịt bèo nhèo quá, cháu đừng mua vội, vờ tìm phiếu, lùi lại cho người sau lên đã. Tôi áp dụng đúng sách lược ấy của bà và quả là hữu hiệu. 

Tôi đến sớm là cốt để mua chân giò và sườn, vì nó được gấp đôi trọng lượng quy định. Chỉ cần nửa ký phiếu thịt, là được một ký chân giò, hoặc sườn rồi, tha hồ rủng rỉnh. Đôi ba khi cũng mua cả thịt thủ nữa, để bà nội gói giò xào. Ai cũng thích đến mua sớm là vì vậy. Chỉ lát nữa thôi, sườn, giò hết sạch bách ngay. Nhà tôi, cả bố và hai em nhỏ đều bị suy gan. Được chế độ mua gan theo giấy của bác sỹ. Cũng là một nguồn thực phẩm đáng kể. Nhưng khốn nỗi, các bệnh nhân lại không khoái ăn, mà chỉ "tẩm bổ" cho những người còn lại trong nhà.

 
Có bao nhiêu tiền bố mẹ cho để xem phim, mua truyện và sách, vốn liếng ấy, tôi dốc cả vào công cuộc quản gia trong mấy tháng hè. Tôi sợ bữa cơm sẽ quá nghèo nàn, thanh đạm, bố thì bệnh ăn sẽ kém ngon. Sợ bà nội và mẹ lại phải nhường chị em tôi. Tôi lo mọi người còn đói và thòm thèm. Nói tói lại, tôi mơ một mâm cơm thật đầy đủ, ngon lành, chưa dám nói là thịnh soạn. Mơ ước ấy phải trải qua bao nhiêu năm trường của Thời Bao Cấp, mới thật sự có trong mọi nhà. Cũng chính vì thế, tôi ngại cả cái sự "phần cơm". Thức ăn thì ít, nhà thì đông, chẳng biết phần thế nào cho phải. Thế mà bà nội, có lẽ bà chả dám đụng đũa đến thức ăn là mấy, bà phần cơm cho tôi và Vân, bao giờ cũng dư dả. Bà thương chúng tôi đã lả cả người trên lớp, từ những tiết học cuối. Bà ủ cơm trong cái ngăn cập lồng Liên Xô, gói lượt giấy báo, rồi cuộn chặt bên ngoài bằng cái chăn bông của bà. Cái chăn bông có tới hơn chục miếng vá, mà tôi nhớ đến hôm nay. Đến lúc mở cơm ra, thì mồ hôi cơm bám cả xung quanh âu cơm, nhưng còn nóng hôi hổi. Thế hệ sau này, các cháu xới chén cơm từ nồi cơm điện, có bao giờ hình dung được thế không?! 


          Ở những quầy rau mậu dịch ngoài phố thì khác. Hễ mà thấy xe rau về, cứ nhanh tay bám vào đảy xe giúp nhân viên, thế nào cũng được ưu tiên mua trước. Trên xe rau ấy đủ cả: rau muống, bí xanh, bí đỏ, bắp cải ,cải trắng, chanh, ớt.. tùy mùa. Phải công nhận rau muống mậu dịch hồi đó ngon. Cả nhà tôi còn nhớ cái mẩu đối thoại, quanh đề tài rau tươi, của vợ chồng chị gái tôi: 


- Rau mồng tơi à?- Anh rể tôi hỏi. 


- Vâng, để nấu canh cua, đổi đi cho chúng nó đỡ chán.

 
- Sao em không mua mồng tơi mậu dịch?- Anh nhìn cách bó mớ mồng tơi của chợ, nhận ra ngay. 


- Mậu dịch? Chưa bao giờ có mồng tơi mậu dịch nhé, anh làm sao đấy? Chị gái tôi khùng lên. 


          Ngày nay, khi chúng ta đã quen miệng với đậu mơ, bìa đậu phụ mậu dịch năm xưa liệu còn nhớ? Cái thứ đậu gì mà nó chắc nịch, rắn đanh, cứ bình bịch ra, chả nở, chả phồng gì lúc rán. Đậu bày lên đĩa rồi, trông cứ đét đèn đẹt, nom như các bà cô già. Vị lại còn hơi chua, cố mà nuốt cho qua bữa. Có lần tôi sang bên cậu em họ. Nó chỉ cho tôi xem trên cột bếp, nó đã khắc bao nhiêu khắc, từ đầu năm tới giờ, nhà chỉ ăn toàn đậu phụ. Thế mà đậu phụ đã đi suốt chặng đường chống Mỹ với dân ta, nằm mãi trong thực đơn của mọi nhà. 


          Thường buổi chiều, trong cung cấp Nhà Thờ có món Thức ăn chín. Nó là lượng thịt không bán hết trong ngày. Người ta xào xáo, kho nấu lên, trông cũng màu mè, hấp dẫn. Nhiều khi thịt đã có mùi, nhưng được cái nước hàng kéo lại, trông rất bắt mắt, bán hết và ăn tất. Làm gì có mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị, cao lâu như thời nay. Mỗi tháng chỉ có 100 Gr thịt cho mỗi khẩu, đối với nhân dân. Cán bộ thì tiêu chuẩn hơn hẳn. Công nhân mỏ, công nhân trực tiếp sản xuất cũng được nhiều hơn. 


Bạn đọc thân mến. Một trăm gram thịt trong một tháng! Chúa ơi là kỷ lục! Các bà nội, bà ngoại và bố mẹ chúng mình hồi ấy thật sự là những quản gia cự phách, những nhà kinh tế đại tài. Đáng phong anh hùng. Chia làm sao cho chính xác, đều đặn lượng protit ấy cho 30 ngày trong tháng. Lấy đâu ra mỡ rán cá, rán đậu đây. Cho nên các gia đình phần lớn mua mỡ, chứ ít mua thịt. Mỡ rán lên, để nguội đồ vào liễn. Tóp mỡ, thi thoảng rang cơm cho các cháu ăn sáng. Vài ba quả cà tím bung với tóp mỡ, bữa ấy tươm tất lắm rồi. 
            Còn đường kính. Nhân dân chỉ được 100Gr/ tháng, sau này hình như trẻ em được tới 300Gr/tháng ( chắc lại để quấy bột đường!). Khác với một "đại dương" các loại nước giải khát như ngày nay. Hồi ấy miền Bắc mình chỉ có nước lọc - tức là nước đun sôi để nguội đấy, nước vối và trà bồm, cái trà rẻ mạt hạng, mở gói ra, đã thấy nó tả hết ra rồi, vụn như cám vậy. Bà nội tôi thường đun nước để nguội, rồi chế vào các chai thủy tinh 75 màu trắng, trên đậy miếng giấy làm thành hình cái phễu. Nước uống loại đó, chúng tôi gọi là nước lọc, mặc dù chúng chẳng hề được chạy qua một thiết bị lọc hay cái Filter nào cả. Chè bồm hồi đó 3 hào một gói, sau cũng lên 4 hào rưỡi. Thi thoảng, mẹ tôi mua được ít hạt muồng muồng. Bà nội cho chúng vào một cái bít tất sạch, nấu lấy nước uống, nó có màu của cà phê loãng, khoắng nó lên với chút đường kính, uống cũng ngon đáo để. 

Sau này, các tổ phục vụ có bán nước sôi, thành ra cũng đỡ hẳn, cả công, cả nhiên liệu và nhất là vào vụ hè nóng bức. Giá nước sôi lúc đó là 2 xu một lít. Tôi nhớ cái phích to của nhà, 2 lít rưỡi là hết 5 xu. Mùa lạnh, cả Hà nội đi mua nước sôi về tắm, rất tiện. Tổ phục vụ phát triển dần lên, còn nấu cả cơm và luộc bánh chưng Tết phục vụ nhân dân nữa. 

           Vào vụ hè, thường có vịt phiếu. Con vịt lớn độ bằng con chim bồ câu, mỗi dịp mua, thường được hai con. Cũng lại phải dậy sớm tinh mơ để "săn vịt", chứ không, đến nơi chỉ còn trơ những cái lồng. Vất vả nhất là vặt lông vịt. Vịt thì vừa gày vừa bé, nhất là vớ phải con đen thì chỉ có mà khóc, lông măng nhiều lắm, hình như chả bao giờ sạch được. Tôi cứ cắm cúi xuống làm, mà lòng thì nản quá. 

- Sao mà nhiều lông măng thế này, chả sạch được đâu, bà ơi. Tôi than lên vậy, vì ngoài cửa bọn bạn đang hối để đi chơi. 

- Đừng kêu, càng kêu, càng mọc. Cháu vừa nhổ vừa miết cái tay xuống. Bà nội tôi bảo. 


Chịu khó vậy. Lát nữa cả nhà sẽ được nồi vịt xáo măng, ăn với bún, chả ngon tuyệt cú mèo, ăn tươi chủ nhật mà. Đấy, lại còn cái việc đổi bún nữa. Không nhanh ra chợ Hàng Da mà xếp hàng, thì chỉ có húp canh suông, chả có đâu bún mà ăn. 


- Bố ơi, bố đi đổi bún cho con với! Tôi bắt đầu réo lên trên nhà. Tôi biết bố đi chợ rất đảm và nhất là các cửa hàng toàn bị "nhầm" bố tôi là thương binh, có lẽ bởi cái bộ quân phục bạc phếch của ông. Có một chủ nhật, bố đi chợ muộn, muộn may chăng có rẻ hơn, chắc ông nghĩ vậy. Bố tôi cúi xuống, tính mua chục trứng gà, chưa kịp hỏi giá, thì giật mình nhận ra cậu bán hàng ở bên Phủ Doãn. Nhà cậu gia công bánh bích-quy, bánh quy gai. Thôi thế đúng rồi, cái lúc thao tác đập trứng vào bột cho khách, cậu đã "ỉm" được trứng của khách, bây giờ đang là lúc tiêu thụ đây. Bố tôi bỏ cuộc mua. Lần khác, sáng chủ nhật, bố tôi lượn mãi ở chợ Hàng Bè, chả biết mua gì, sờ vào cái gì cũng giá cắt cổ. Bố tôi muốn có chút ăn tươi cho mấy chị em vừa ở sơ tán về. Vừa cúi xuống rờ vào con chép, bà hàng cá đã nói đãi ngay: 

- Ông chả mua được cá ấy đâu. 

Bố tôi chả một lời nào đối đáp, đi thẳng. Thôi ra mua ít tôm riu về rang cà chua với khế cho xong. 


Những năm vừa rồi về nghỉ hè ở Sài gòn, bố tôi vẫn chua chát nhắc lại cái mẩu kỷ niệm ấy. 

        
          Đến những năm sau, chế độ ăn độn còn tồi tệ hơn nhiều, đấy là ăn bo bo. Tôi mới có con gái nhỏ, lại vừa đi làm. Tiếng là về Tổng công ty thực phẩm tươi sống của Bộ nội thương, mà tôi có thấy "tươi sống" gì đâu. Tôi muốn ôm mặt khóc vì cái thứ lương thực quái gở này. Nó cho đến mấy đời sinh vật được hưởng dinh dưỡng của nó. Chỉ có bán đổ bán tháo rồi mua thêm gạo. Chưa hết, "bo bo" vẫn chưa phải là bậc thang cuối cùng của chế độ ăn độn. Thảm hại đến cùng cực mà tôi biết, nhiều cơ quan, các cán bộ và giáo viên còn phải "ăn" cả PHÂN BÓN. Vì cửa hàng không đủ gạo cung cấp, Ty lương thực các tỉnh đã "linh hoạt" thực thi chính sách ăn độn ấy. Tại sao không chuyển lượng phân hóa học ấy cho bên Bộ nông nghiệp, mà lại chuyển vào dạ dày của chúng ta? Tôi thật sự không thể hiểu nổi. Lại một cuộc bán chác, sàng sê cái lô phân bón ấy,để mua đắt cắt cổ mấy ký gạo của dân phe, sống lay lắt qua ngày. Đói và sức khỏe ọp ẹp với khẩu hiệu "Hy sinh đời bố. Củng cố đời con" là thực tại lúc bấy giờ. 


             Không riêng lương thực và nhu yếu phẩm, từ cái bát, cái đĩa, đến soong, nồi, tách chén...tất cả thuộc về vật dụng gia đình, phàm đã bỏ tiền ra mua, là phải tem phiếu, chế độ. Có những chuyện đến buồn cười. Hồi ấy, ở Bách hóa 5 Nam Bộ, đột nhiên có đợt va-ly bán giấy giới thiệu. Nhưng cũng loáng một cái là hết bay. Về sau, một nhân viên trong ngành có bật mí: chả là hàng "úng" quá, mấy cái valy bạt ế ẩm suốt từ năm trước, không nhanh, có khi bị mốc. Rồi họ nảy sinh ra sáng kiến: chỉ bán mặt hàng này với giấy giới thiệu cơ quan. Trúng kế ! Hàng tồn được giải quyết ngay và không hề phải hạ giá ! Thượng sách.

 
           Mười năm sống ở Tiệp cộng với hai mươi năm trên đất tây Đức này, tôi chưa được chứng kiến cái sự bán từng điếu thuốc lá một, của miền Bắc nước mình, qủa là độc nhất vô nhị! Một cốc nước chè xanh, một điếu thuốc lá với cái kẹo rồi, hay kẹo lạc, khách hàng có thể ngồi hàng giờ trong quán nước. Tôi biết, tôi chứng kiến và hiểu được cái thú ấy của người đàn ông trong những năm thời bao cấp. 

      
           Cái ăn cái uống đã kham khổ, chất đốt, củi lửa để đun nấu còn thiếu thốn, chật vật chẳng kém. Lúc chưa có bếp dầu, Hà nội đun bằng củi, mùn cưa, trấu, than quả bàng, nhất là than tổ ong... 

Nhà tôi chỉ đun củi với mùn cưa. Cái bếp mùn cưa là một kỷ niệm không thể quên được, tôi dám chắc như vậy. Tôi khâm phục người thiết kế ra nó. Phố tôi, hầu như nhà nào cũng có. Chỉ có điều cái làm lỗ hổng thông lửa trong lò khác nhau. Nhiều nhà dùng chai thủy tinh 75 hoặc lớn hơn một chút. Ở nhà tôi, thì đó là một ống gang lớn, phuy chừng 7 phân. Lò mùn cưa được làm từ một loại gang, trông còn thô lắm, người ta chẳng cần đánh bóng mạ kền gì. Nó hình trụ, cao chừng 30 phân. Mặt trên, phần song song với đáy lò, người ta hàn thêm 3 cái mấu, để đặt soong, nồi, nhà tôi thì vẫn đưa thêm một cái kiềng vào cho chắc ăn. Một diện tích hình vuông mỗi cạnh chừng 8 đến 9 phân, được khoét bỏ, đó là cửa lò. Muốn nhồi lò mùn cưa, trước hết đặt cho cái chai hoặc ống gang vào chính giữa, giữ cho thẳng đứng. Bây giờ đổ mùn cưa vào trong lò, lấy tay lèn thật chặt, phải chặt, nếu không đang nấu nửa chừng, lò sẽ bị sụp. Lượng mùn cưa cao tới miệng, gần chỗ đặt kiềng nấu. Xong đó, xoay nhẹ cái chai hoặc ống gang, để lấy chúng ra. Lỗ thông lửa đã xong. Thò tay bới nhẹ phần mùn cưa ở cửa lò, để tạo "cửa". Thế là chúng ta đã có một cái lò mùn cưa rất chuẩn. Với kiểu bếp này, tiết kiệm được củi, ngọn lửa rất tập trung, sạch sẽ, ít bụi bặm và mùn cưa dùng đến tận khi xong nấu nướng. Bắc nồi cơm lên, tôi đặt một nồi nước lên bếp lò, với sức nóng của phần mùn cưa còn lại, sau bữa ăn sẽ có nước nóng già rửa bát, nhất là vào những ngày đông giá. 


        
Cuối năm đã nhộn nhịp hẳn, sắp Tết rồi. Đến trưa ngày 30, nhà nào rồi cũng chuẩn bị xong, sắp sửa đón tất niên và rước Xuân về. 

Tiêu chuẩn Tết có thêm thịt và nếp. Hộp mứt Tết vẫn thế, ít mứt bí, mứt gừng, mứt sen được dăm hạt và chút mứt lạc, với một quả hồng khô. Chè, thường là chè Thanh Hương, cung cấp Nhà Thờ có thêm gói chè Hồng Đào. Thuốc lá ngày thường chỉ là Sông Cầu, Trường Sơn, nay tiêu chuẩn Tết có thêm Tam Đảo, Điện Biên bao bạc. Có một mẩu chuyện về cái hộp mứt Tết, cô út tôi kể, tôi nhớ nó đến hôm nay. Trên đường đi từ chợ Hàng Da về, cô tôi nhìn thấy một thiếu phụ vừa mua hộp mứt Tết từ Quầy Tết ra, chị ta bóc hộp mứt, tự thưởng thức ngay quả hồng khô , trước mắt bấy nhiêu bàn dân thiên hạ. Mà hộp mứt chỉ có duy nhất một quả hồng khô ấy ! Đói khát, thiếu thốn đã bóp méo hết tính cách con người ư? Thật là buồn, nhất lại là một phụ nữ.

 Ngày ấy, nhà tôi thường mua củi ở xường 42. Đấy là một cơ sở nằm ngoài bờ sông. Mỗi lần đi mua củi, là một lần sợ. Phải dậy sớm tinh mơ, lang thang trên bãi củi và gỗ rộng như bể sở để chọn, tha hồ đón gió lạnh buốt từ sông Hồng thổi vào. Những hôm mưa phùn, tóc ướt đẫm, người run cầm cập. Tôi vẫn đi cùng cô út, con gái bà nội, mỗi lần mua củi. Ôi cái khổ , cái vất vả, còn ngấm mãi cho tới hôm nay. 

Thế rồi cũng tiến tới văn minh hơn với cái bếp dầu. Nhưng dầu cũng vẫn theo chế độ tem phiếu. Cũng lại xếp hàng - thì "xếp hàng cả ngày" mà ! Lại cuộc chiến mới, chen chúc xô đẩy nhau với mấy can dầu. Tôi nhớ có người bạn, anh ấy đã nói: " Hạnh phúc là gì? Là mua được can dầu cho vợ !" Một cái cỏn con của cuộc đời, nó đang trở thành mơ ước trong lòng ai. Ngày ấy, nhà tôi thường mua dầu trên đường Hai Bà Trưng. Riêng tôi, tôi thích bếp lò mùn cưa hơn. Cái anh bếp dầu mà bấc thối lại cộng với dầu cặn, thì thôi rồi, đúng là địa ngục trần gian. Có hôm, sắp tới giờ bố mẹ về rồi, tôi vẫn chưa sao xoay xỏa được với cái bếp dầu. Lửa gì mà leo lét như con đom đóm. Lúc lúc lại phụt lên một cái như hỏa hoạn rồi tắt nghỉm. May quá, tôi nghe thấy tiếng dép anh Kỳ. 
- Chữa bếp cho Thu với, lửa chán lắm anh Kỳ ơi. Tôi cầu cứu anh. 
- Lên nhà cầm cái kìm xuống đây cho anh. Anh sà xuống cạnh bếp. 
Chỉ một loáng, anh đã kéo ngay ngắn tất cả các sợi bấc và ngọn lửa bếp dầu bừng lên một màu xanh như ý. 


 Những năm thời bao cấp, sao nó nuôi dưỡng nhiều chế độ ưu tiên đến thế. Xe đạp đã khó, phụ tùng xe đạp cũng khó chẳng kém. Cả nhà tôi có độc một cái xe Thống Nhất nam để bố đi làm. Sau này, bố cũng có được cái Vĩnh Cửu. Đến năm 67, bố mua cho chị em tôi cái xe Mifa thiếu nhi của Đức để dùng lúc sơ tán. Vào học lớp 8, bố lại đổi sang cái xe Thống Nhất nữ cho bọn tôi. Tôi đã dùng cái xe ấy suốt trong những năm còn lại của cấp III. 


Khi ra đi làm, tôi không bao giờ quên cái phi vụ phân phối phụ tùng xe. Quý I năm nay, ưu tiên anh Soạn phó phòng, nhà xa cơ quan, con đông và còn nhỏ. Anh được cái lốp. Quý sau lại thay đổi cung cách phân phối. Ưu tiên anh Hưng trưởng phòng, thường xuyên phải đi công tác lưu động. Tôi chắc mẩm quý I sang năm, ắt đến lượt mình. Không! Bây giờ lại chơi kiểu khác: Tính thâm niên! Thế này thì xe đạp của tôi tốt nhất là chạy bằng vành. Hỡi ôi là chán, là thất vọng ! 


Có lẽ lo lắng nhất cho các bà mẹ nhà đông con ở độ tuổi đi học lúc ấy là tiền học phí, tiền quần áo, guốc dép. Mỗi lần có duyệt đội thì nhà tôi nhốn nháo cả lên. Mấy chị em ở sàn tuổi như nhau. Đứa nào cũng cần áo sơ-mi trắng, quần phăng xanh và dép săng-đan. Một lúc xoay ở đâu ra. Đứa có áo trắng, thì không có quần âu. Đứa có săng-đan rồi, thì áo trắng đã ngắn hững ngắn hờ. Mẹ tôi cứ phờ cả người. 


Những năm học này, còn chế độ giảm tiền học phí, được giảm tới 30%, nếu trong gia đình có từ 3 cháu trở lên, cùng lúc đến trường. Chúng tôi phải làm ba bản chứng nhận, chép tay ra, chứ đâu đã có photocopy như bây giờ. Giấy chứng nhận giảm học phí, chỉ có hiệu lực với ba con dấu tròn đỏ chót và chữ ký của giáo viên chủ nhiệm của cả ba lớp.

 
        Khép lại trang này, nhưng lòng vẫn không quên được cái thời bao cấp ấy. Một thời để nhớ, để thương, để khắc vào trang sử cuộc đời. Những năm dài đằng đẵng như mây mù che phủ, chế ngự bởi những tem cùng phiếu. Thiếu thốn, kham khổ, cùng cực thay nhau chồng chất, dồn nén những tâm hồn và bóp méo hình hài, thể xác con người. 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 22-10-2012 03:03






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
20/02/2013 22:25:03

@TuyêtHA yên tâm đi. Hanh có thể không tin, nhưng tớ tin là thật 100%, bởi mình đã chứng kiến cảnh tương tự ngay ở cơ quan khoa học hắn hoi chứ bộ, chỉ khác là cô bạn đông nghiệp kéo áo đứng dậy rất can đảm, không bỏ chạy, lại còn nói tôi đố bố thằng nào nhìn thấy, tối om!



Từ: Guest dang. TQS
20/02/2013 15:37:02

có qua đau khổ mới cảm nhận được hạnh phúc hiện tại.....



Từ: TuyetHA
27/10/2012 14:07:28

Chị Hạnh không tin à? Đây là chuyện có thật 100%.  Vấn đề không phải không có nội y do "Thời bao cấp", mà là:


- thứ nhất do chị ta vội vàng quên mặc trước khi đi làm,


- thứ 2 là do phải ngồi chia thịt mệt mỏi quá xoặc cẳng ra thư giãn nên mới bị lộ,


- thứ 3 chỉ tại "Thời bao cấp mà chị ta mới phải làm cái việc chẳng phải chuyên môn này"


Em làm sao mà phịa được chuyện "hay" thế!



Từ: HoaNT
26/10/2012 16:14:55

 Hồi đó  tiền trả cho giảng viên của trường Đại học y khoa là gà và thỏ làm thí nghiệm đã được lấy máu và thử nghiệm. Còn Viên VSDTTW bọnmình hay được chia thịt bò sau khi lấy máu làm thí nghiệm, các xuất chia phải đều nhau các loại thịt, quả tim, lá gan. bộ lòng cũng chia theo 30-40 xuất tùy theo số lượng người của từng khoa, sau đấy úp các tờ giấy có tên của mọi người xuống từng xuất một để khách quan không ai tỵ nạnh xuất nhiều, ít, ngon hay dở. Mỗi lần có thịt bò căng tin còn nấu phở bò bán cho mọi người, mình với Tuyết mỗi lần như thế tranh thủ  ăn 3 bát phở  sau đó lên phòng làm  việc tiếp tục  chén hết cả  một rổ mỳ với canh cà chua một cách ngon lành. Sao hồi đấy ăn nhiều thế, bây giờ có điều kiện ăn lại không ăn được



Từ: HanhLT
25/10/2012 23:20:15

Đọc còm của Tuyết bật cười vì tài phịa của em, thời bao cấp có khổ thì PN vẫn có nội y mặc suốt ngày làm gì có chuyện quên.. Hi hi.Kể cũng tiếc vì khô giữ tem phiếu ngày ấy để làm kỷ niệm.



Từ: NghiPH
25/10/2012 17:05:34

Hình như ở Hà Nội đã có nhà hàng phục vụ các món ăn đặc trưng của thời bao cấp. Ai đã đến thưởng thức kể lại cho anh chị em Người KGU biết với.



Từ: TuyetHA
25/10/2012 14:38:12

   Cái thời bao cấp ấy đã thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí thế hệ 5X, 6X chúng ta. Cái thời mọi sự mua bán đều phải có tem phiếu. Mọi nhu yếu phẩm đều phải phân phối theo kiểu bốc thăm hoặc phân bổ theo đầu người. Từ xích, lip, xăm, lốp xe đạp cho đến cái soong, cái chậu, cái chén, cái bát. Bọn trẻ con bây giờ nghe kể lại cứ y như nghe chuyện cổ tích. Ông xã tôi hay kể chuyện chia thịt ngày ấy ở Viện QY 115 (nơi ổng công tác), chả là hàng tháng Phòng Hậu Cần của Viện phân phối thịt cho cán bộ, nhân viên các Khoa, các phòng, ban. Mỗi đơn vị cử 1 người đi nhận và về chia cho từng người. Mỗi lần như thế, chị y tá mà khoa cử làm nhiệm vụ này vất vả lắm. Hì hục đánh vật với đống thịt, chia làm sao cho đều. Mỗi người 1 kg mà phải đủ cả thịt, xương và mỡ. Vất vả lắm, cuối cùng thì cuối giờ làm việc buổi sáng việc chia phần cũng xong. Chị hể hả ngồi xoạc cẳng ra để ai xí phần nào thì trao cho người ta phần nấy. Có ông BS. nọ hăng hái gạt đám người đang vây quanh chị y tá và chỉ thẳng vào chỗ "đó" của chị mà rằng:"Tôi lấy phần kia!". Chị y tá nhìn xuống thật nhanh và rú lên:"Phải gió cái nhà ông này!" rồi vùng lên chạy biến mất. Mọi người được mẻ cười vỡ bụng. Thì ra sáng đi làm vội , chị quên mặc nội y, mà cái quần công tác trắng phau lại bị bung chỉ ở đũng tự bao giờ không biết!


   Ôi tất cả cũng chỉ do "Thời bao cấp!".



Từ: HanhLM
25/10/2012 10:01:11

Ôi cái thời "Một yêu, anh có may ô/ Hai yêu, anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu, rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu, anh có cái quần đùi hoa..."!


Hồi đó ba tôi được đặc trách nhiệm vụ đi mua cám heo. Dậy từ 3h sáng đi xếp hàng. 8h cửa hàng mới mở. Cô mậu dịch viên hỏi mỗi khách hàng đến lượt: "Heo hay gà?". Ông già lập cập trả lời: " Heo! Heo!".



Từ: ThanhLK
24/10/2012 23:15:58

Bạn Kim Thu có trí nhớ tuyệt vời và viết rất súc tích về cái thời bao cấp ấy, cái thời ở cơ quan tôi phân phối “hai đầu nữ một quần đen”; cái thời tôi nuôi con phải đổi một hộp sữa Ông Thọ thơm ngon lấy 3 hộp Sữa Bò Thảo nguyên đường đỏ để đủ lượng hơn; cái thời bố tôi là thương binh nên phải đi mua thực phẩm cho mấy nhà (vì cụ có thể ưu tiên) và mua xương để được gấp đôi tiêu chuẩn thịt và đem về xay ra làm “ruốc xương” cho tôi là bà bầu ăn với bo bo cho có chất... Nhiều lắm, những kỷ niệm về cái thời đã trở thành ...xa vắng, nhưng vẫn in đậm trong ký ức của thế hệ chúng ta.


Xin gửi ACE bài thơ vui Thời bao cấp, phổ biến những năm 1970 ở Hà Nội, nói về tiêu chuẩn yêu đương, kén chồng của các cô gái Hà Nội như sau:
Một yêu anh có Sen-ko
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô
Năm yêu không có bà bô
Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về
Bảy yêu anh vững tay nghề
Tám yêu sớm tối đi về có nhau
Chín yêu gạo trắng phau phau
Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngà



Từ: 3Chai
22/10/2012 12:38:41

Có gì đó nhắc tôi nhớ lại nhân vật Giang của Bảo Ninh ("Hà Nội lúc không giờ"). Đẹp mà nghèo thắt cả lòng.


"Người con gái Hà Nội


Những nàng tiên nghèo đẹp nhất trần gian..."


Cảm ơn bạn.


 


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9763
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7158
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s