KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 02 Tháng mười. 2010

Một vài ghi chép về thời đi lính




Tác giả: NghiPH

Một vài ghi chép về thời đi lính

                  NghịPH- Luật 81

       Tháng 8 năm 1971, cũng như bao chàng trai khắp nước Việt, tôi nhập ngũ. Tôi còn nhớ, buổi sáng khám sức khỏe tại xã Ninh Hòa, bà bác sĩ  quân y chọc vào đầu  ngón tay chỏ  của  tôi lấy máu để thử.  Nhưng đâm mãi mà không được vì các đầu ngón tay của tôi đều bị chai do tiếp xúc nhiều với đất đầy sạn khi bắt cua ở những thửa ruộng gan gà. Sau đó, bà đã lấy máu từ dái tai của tôi.

       Có một buổi chiều, các bạn gái trong thôn, trong xã đến chia tay, tặng khăn mùi xoa, tặng vỏ gối có thêu đôi chim bồ câu, tôi xấu hổ chạy vào trong buồng trốn. Mẹ tôi nói mãi, tôi mới chịu ra tiếp các bạn. Thế mà vào tối hôm hợp tác xã Liên Thành[1] tổ chức liên hoan tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, tôi vẫn được cử lên nói cảm tưởng và thể hiện sự quyết tâm ra đi đánh giặc, thề nhất định không đào ngũ. Chúng tôi tập trung tại một sân kho khá rộng của một hợp tác xã gần nhà Nguyễn Ngọc Bình (Toán 1981) để đơn vị điểm danh, phát ba lô, quần áo, màn, giầy, dép, mũ cối, khăn mặt, bi đông nước, ruột tượng đựng gạo[2].

        Tôi được phân về Tiểu đội 1, Trung đội 3,  Đại đội 3, Tiểu đoàn 645 đóng quân ở gần Đồi Đô, Lạc Thủy, Hòa Bình. Trong thời gian hơn 4 tháng, chúng tôi được cấp tốc huấn luyện, đào hầm, bắn súng, ném lựu đạn, đánh công kiên, đánh vận động, học chính trị, ôn nghèo kể khổ, phát động căm thù...

       Tôi ấn tượng nhất là những đợt đi rèn. Mỗi chiến sĩ tự đan một cái sọt, bỏ vào đó 2- 3 viên đất đã được đóng thành hình chữ nhật để có khối lượng 20- 25 kg (tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu kg), đeo lên vai rồi tập leo núi, leo đồi, tập chạy. Vai và lưng chúng tôi tứa máu vì các nan của sọt nứa cọ vào. Trong cánh rừng cạnh khu vực đóng quân có nhiều cây giang. Tranh thủ lúc nghỉ, tôi vào rừng chặt được khá nhiều. Khi thày và chị gái lên thăm, tôi đã có quà là những bó giang gửi về quê cho các gia đình trong xóm có lạt buộc bánh chưng khi Tết đến không phải ra chợ mua nữa. 

        Tháng 01/1972 chúng tôi rời đơn vị huấn luyện đi vào mặt trận chiến đấu. Đơn vị tôi hành quân qua Nho Quan, theo đường 12 ra đường Quốc lộ 1. Hầu như nhân dân cả huyện Gia Khánh, Ninh Bình ra tiễn chúng tôi.  Thày Mẹ và các cháu cùng ra đường 1, rồi xuống tận ga Ninh Bình tiễn tôi vào tuyến lửa. Khi đó, Mẹ tôi đang làm Phó Ban Phụ nữ xã nên đã tiến đến bắt tay và chúc tôi: Chúc đồng chí Nghị lên đường mạnh khỏe, lập công trong chiến đấu! Sau này, từ chiến trường ra, được nghe thày tôi kể lại: Buổi trưa hôm đó, tiễn con đi mẹ gắng tỏ ra rắn rỏi đó thôi. Còn tối đến mẹ con ra sau nhà, ôm cây khế con trồng, khóc nấc lên và cứ gọi tên con mãi.

        Chúng tôi lên tầu tại ga Ninh Bình. Đến ga Đồng Giao tôi thả một lá thư nhờ người nào nhặt được chuyển cho anh chị Thiệp- Tiệp (vợ chồng chị gái tôi ở Nông trường Đồng Giao). Trong thư tôi thông báo vắn tắt cho anh chị biết là tôi đã lên đường vào Nam chiến đấu, chúc anh chị và các cháu ở lại mạnh khỏe.  Khi trở ra Bắc, tôi được biết nhân viên nhà ga đã đem lá thư viết vội đến tận nhà anh chị tôi, khi đó đang sơ tán trong một hốc núi. Đến mỗi một địa danh lịch sử, nhất là Cầu Hàm Rồng, loa phóng thanh trên tầu lại nhắc lại những trang sử hào hùng của dân tộc và những chiến công vang dội của quân và dân ta. Điều này đã khích lệ rất nhiều đối với tôi- một người lính ra trận.

       Đến ga Si chúng tôi xuống tàu vào một nhà dân (hình như thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An) nghỉ. Được bà mẹ chủ nhà nấu xôi gà cho ăn rất ngon. Tôi nói với mẹ: Chúng con cảm ơn mẹ! Nhưng mẹ ơi, đoàn bộ đội nào qua mẹ cũng cho ăn xôi gà thế này thì hết mất của mẹ còn gì! Mẹ cười: Hết làm sao được hả các con? Các con ra đi không tiếc tuổi xuân, mẹ chỉ mong các con bình an trở về thôi![3]  Đêm hôm sau, chúng tôi lên xe nhằm hướng Tây thẳng tiến. Trên xe chúng tôi hát vang các bài ca Giải phóng miền Nam, Tuổi trẻ lên đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Như tiếng sấm vang rền  Đoàn xe nối đôi nhau đi, bụi đỏ cuốn lên mù mịt. Bụi chui vào tai, vào mũi, vào họng, chúng tôi móc đất ra và cứ hát vang. Chúng tôi ra đi với tâm niệm: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù[4]!

       Đến Mường Xén chúng tôi dừng lại. Thì ra không phải chúng tôi đi giải phóng miền Nam mà sang Lào giúp bạn. Bọn lính tráng chúng tôi cũng có nhiều tâm tư.  Nói theo cách nói của đồng chí chính trị viên là bị bệnh tư tưởng nặng. Bọn tôi cứ thắc mắc: Tại sao lại không đi Nam mà lại sang Lào. Sau đó, trong 3 ngày liền chúng tôi được đơn vị tổ chức cho học chính trị. Chúng tôi đã học, đã thảo luận,  nhận thức và thông suốt được câu nói của Cụ Hồ: Cứu bạn chính là cứu mình, giúp bạn chính là giúp mình! Cụ Hồ nói chí lý quá!

        Chúng tôi vượt biên giới hành quân sang Lào. Tất nhiên, từ lúc này phải đi bộ thôi. Sau hơn một tuần leo đèo, lội suối và nhiều lần bị máy bay và pháo địch oanh tạc, đơn vị tôi đã đến nơi tập kết. Tôi được đơn vị huấn luyện giao quân về Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Chúng tôi bắt đầu những ngày giữ chốt ở các điểm cao xung quang Cánh Đồng Chum, Phu Tâng, Hang Nước và chuẩn bị tấn công Sảm Thông- Long Chẹn. Tại Cánh đồng Chum, tôi đã từng nghêu ngao  mấy câu thơ không biết của ai:

Ai bảo Lào không có biển đừng tin

Biển là tự do, biển là giải phóng

Biển là Cánh đồng Chum mênh mông, mênh mông!

        Rải rác khắp cánh đồng Chum có khá nhiều chum đá. Khi đi trinh sát, đã có lúc chúng tôi phải chui vào các chum đá này ẩn mình, gặp trời nắng, nóng ơi là nóng.  Về nguồn gốc các chum đá ở Cánh đồng Chum, hiện đang có nhiều giả thuyết khác nhau. Người nói, đây là chum đựng lương thực; người nói, đây là chum đựng rượu mừng chiến thắng. Cũng có người cho rằng, đây là chum để mai táng người chết.

          Khi ở Cánh đồng Chum, chúng tôi có phục kích bắt được một số lính đánh thuê người Thái Lan. Tôi nhớ là được giao nhiệm vụ canh gác số lính này trong một cái hang đá tối om… Trong số lính Thái, có người nói được tiếng Việt. Anh chàng này không tỏ ra sợ sệt, trái lại còn cứ chọc tôi: Các chú lính Hà Nội bé tẹo tèo teo! Anh ta cứ nói đi nói lại. Khốn nỗi “hắn” nói đúng vì khi đó tôi nặng có 44 kg thôi. Còn hắn, ít ra theo ước tính của tôi cũng phải 58-60 kg. Hắn trêu mãi làm tôi tức điên lên. Nó dám coi  thường mình, coi mình là thiếu nhi, là con nít thì bực quá còn gì. Tôi quát to: Có im đi không! Tao bắn chết bây giờ! Tôi càng quát to, hắn càng cười ngặt nghẽo. Tôi cáu tiết, giơ nòng khẩu AK 47 nhằm vào đầu hắn hét: Im ngay! Ông bắn chết mày bây giờ. Thấy tôi, có thể làm thật, thằng Tỏ, gác phía ngoài cửa hang lao vào căn ngăn: Mày bắn nó là phải ra tòa án binh đó! Người ta sẽ xử bắn mày đấy!    

       Sảm Thông- Long Chẹn ở vào một địa thế vô cùng hiểm trở. Bọn Vàng Pao phao tin, quân giải phóng Lào và cán quân Bắc Việt không thể tấn công vào căn cứ này được! Vàng Pao là con trời(!)…Chúng thả truyền đơn bay rợp trời, rợp đất. Chúng tôi đã vượt qua nhiều dốc đá dựng đứng và bất ngờ tấn công Sảm Thông. Cuộc tấn công thắng lợi. Tuy nhiên, quân ta bị thương vong rất lớn vì mìn bọn Vàng Pao gài rất tinh vi. Đơn vị tôi, bị thương vong đến non một nửa. Sau đó, chúng tôi bàn giao địa bàn cho Pha Thét Lào và rút ra trấn giữ  ở khu vực Cánh đồng Chum. Vừa về tới Hang Nước, đơn vị chúng tôi có lệnh gấp rút trở về nước.

        Về Việt Nam, lúc đầu đơn vị tôi ở Đô Lương, Nam Đàn (Nghệ An). Khi ở Đô Lương tôi được phân công ở trong  một  gia đình làm đồ gốm. Tôi đã được cô gái con bà chủ nhà hướng dẫn dùng bàn xoay nặn được một cái nồi đất. Các gia đình trong làng ở trong các ngôi nhà được đắp bằng tường đất nên khá mát vào mùa hè. Tại Nam Đàn, đơn vị tôi đóng ở xã Nam Thanh. Ở đây, lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn quả bồ quân. Thấy các thửa ruộng có nhiều cua, tôi đem xoong ra bắt. Ai dè, rất nhiều bà con trong xóm ra xem. Có một bác luống tuổi tiến đến hỏi tôi: Các chú ở ngoài khu Ba làm sao mà phải ăn cua? Tôi trả lời: Ăn canh cua ngon lắm bác ạ! Cua rang ăn  ngon. Dấm cua cũng ngon lắm! Bác ấy nói: Ở trong ni chúng tôi chưa có thói quen ăn cua. Khi nào cực lắm chúng tôi mới ăn.  

        Sau đó đơn vị chúng tôi chuyển dịch dần vào Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Khi tôi ở xã Đức Lâm thấy bà con có đồng đất khá rộng. Tôi được bà con cho thưởng thức món nhút làm từ các múi mít của các quả mít ương ương rất ngon. Đến gia đình nào cũng được mời ăn khoai lang với nác mới- nước chè nấu cả cành nên có vị ngòn ngọt, êm dịu. Thời kỳ ở Thạch Hà đơn vị tôi đã cùng dân quân địa phương bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ. Trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh, các chiến binh kỳ cựu không chỉ huấn luyện cho tôi về "kỹ năng" chiến đấu mà còn huấn luyện cho tôi cả về "kỹ năng" làm quen với các cô gái rất xinh, rất dịu dàng có giọng nói, giọng hát luôn làm trái tim tôi thổn thức,  mê mẩn.

       Ở Lào ít được tắm rửa nên khi về Nghệ An, Hà Tĩnh tôi thường xuyên ra sông tắm. Trong một lá thư viết gửi về cho thày mẹ (và cả cho Đảng uỷ, Uỷ ban hành chính xã[5]), tôi nhớ có đoạn: Thày mẹ ơi! Nước sông Lam, sông La không bị nóng lên vì bom đạn của giặc Mỹ đâu, dù cho chúng đánh phá suốt ngày, suốt đêm. Con đã đắm mình trong các dòng sông ấy. Nước trong lắm, mát lắm!

         Hàng ngày chúng tôi rèn luyện (tập bắn, tập đánh vận động, tập vượt sông, tập đánh quân đổ bộ) để  sẵn sàng chiến đấu với quân thủy đánh bộ của Mỹ. Cấp trên cho rằng, Mỹ có ý đồ đổ quân chia cắt con đường tiếp tế cho miền Nam tại khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhưng rồi quân Mỹ không dám đổ quân, chúng tôi được lệnh gấp rút vào tăng cường cho Quảng Trị. Dọc đường vào Quảng Trị đơn vị tôi đã bị thương vong đáng kể ở Bến phà Long Đại, nông trường Quyết Thắng, Bãi Hà... Việc tiếp tế cho một sư đoàn lớn đang chuyển quân nhiều khi không kịp, chúng tôi đã có ngày nhịn đói.

        Trong một đêm tối trời cùng với đơn vị, tôi lội bộ qua sông Bến Hải (đoạn phía Tây, trên vùng núi con sông này chỉ như con suối nhưng nước chảy rất xiết). Vừa tới đất Quảng Trị chưa kịp xốc lại đội ngũ, bọn Mỹ đã phủ đầu đơn vị chúng tôi bằng những trận bom B52 hủy diệt 1/3 quân số.  Chúng tôi nhanh chóng chôn cất, tiễn biệt anh em rồi tiến nhanh đến nơi tập kết tại Chùa Nga. Nhiệm vụ của Sư đoàn tôi là: Thay thế Sư đoàn 308 chống địch lấn chiếm, bảo vệ thành quả của việc giải phóng Quảng Trị.

        Bắt đầu những ngày chiến đấu gian khổ và vô cùng ác liệt của chúng tôi ở mảnh đất rực lửa Quảng Trị. Cùng đồng đội tôi đã tham gia giữ chốt, phản công các đợt tấn công bền bỉ của sĩ quan và binh lính của Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến của chính quyền Sài Gòn (những sư đoàn rất thiện chiến với sự hỗ trợ tối đa của Không quân và Hải quân Mỹ). Tôi đã có mặt tại các điểm chốt ở Đập Đá, ở Thánh địa La Vang, Tích Tường, Động Ông Do, đồi Mâm Xôi, các điểm cao 132, 105… 

        Đại đội tôi, cứ mỗi tuần đều được bổ sung quân nhưng cũng chỉ có 20- 30 tay súng. Có tân binh mới được bổ sung, sáng sớm gặp em, tôi hỏi: Em quê ở  đâu ta? Em trả lời hóm hỉnh: Em không có quê, em người Hà Nội! thì buổi trưa em đã ra đi! Có đồng đội hy sinh chúng tôi phải chôn cất nhiều lần vẫn không yên với bom đạn giặc. Có lần cả trung đoàn tôi bị địch bao vây và bọn chúng định bắt sống chúng tôi vì khi đó đơn vị tôi không còn gạo, không còn đạn do mùa mưa kéo đến việc tiếp tế rất khó khăn. Trong một đêm tối đen, chúng tôi đã khéo léo luồn qua ngay trước các điểm chốt của giặc mà bọn chúng không hề hay biết.

         Ở chiến trường Quảng Trị bom đạn ầm ầm suốt ngày, suốt đêm. Và điều đó đã trở nên rất đỗi bình thường. Chính những lúc im ắng quá chúng tôi lại có vẻ sờ sợ. Không biết có cái gì sẽ xảy ra đây? Trong một đêm im ắng, tôi ra khỏi hầm ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao rồi vừa tự hỏi, vừa tự trả lời:-  Ta là gì trong vũ trụ này nhỉ? Là hạt cát ư? - Làm gì bằng hạt cát nếu so với vũ trụ mênh mông bao la kia!  - Ta sống trên đời này, trong vũ trụ này được bao lâu nhỉ?-  Dù có sống đến 100 tuổi thì sự sống của con người chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ thôi[6].  - Trong cái chớp mắt của vũ trụ ấy tại sao con người ta không sống nhân ái, hòa bình với nhau? - Ừ nhỉ sao chúng ta lại đi đánh nhau, bắn giết lẫn nhau?- Mong sao chiến tranh sớm chấm dứt để ta về nhà gặp mẹ, gặp cha, rồi còn đi học nữa chứ... Sau đó tôi ghi vào nhật ký những dòng tự sự này. Đồng chí chính trị viên đại đội “tình cờ” đọc được những dòng tôi ghi trong quyển nhật ký nhân hôm tôi được cử đi trinh sát ở khu vực Thánh địa La Vang gửi lại quân trang cho Ban chỉ huy đại đội quản lý. Lúc về tôi bị đưa ra Liên chi đoàn (tôi là ủy viên BCH Liên chi đoàn của đại đội)  kiểm điểm về “tội’ coi người chiến sĩ cách mạng không bằng hạt cát, rồi lại có tư tưởng ủy mị, yếu đuối nữa, rất dễ ra đầu hàng giặc(!). Đây chính là lý do tôi bị gạt ra khỏi danh sách đi học trường sĩ quan pháo binh.

         Đêm 26/12/1972 đơn vị tôi chuyển chốt. Trên đường đi, tiểu đội tôi đã trúng phải pháo bầy của địch. Tôi và Đỗ Trung Tá bị trúng pháo. Tôi bị thương vào đầu, ngực và đùi phải. Tá đi trước tôi, bị vỡ khoang bụng phải dùng một cái bát úp vào mới băng được. Anh em cấp tốc đưa chúng tôi ra Trạm xá Trung đoàn. Tại trạm xá, Tá rất tỉnh táo, còn đùa với tôi: Tao cứ tưởng phải lên tới trung tá mới bị thương, mới rời quân ngũ, Nghị ạ! Nay mới binh nhất đã “dính” đạn rồi, tiếc quá, tiếc quá!  Một lúc sau thì Tá ra đi. Tôi vuốt mắt cho Tá mà chẳng nói được lời nào.       

        Từ trạm xá tôi được đưa ra Bệnh viện 301 ở Đông Hà để mổ vết thương. Rồi được đưa ra Bắc điều trị và mổ lần nữa để lấy mảnh đạn ra tại Quân y Viện 5. Ở Quân y Viện ra, tôi được quân đội cho an dưỡng một thời gian ở Đoàn An Dưỡng Quân Khu Hữu ngạn tại Gia Viễn, Ninh Bình. Tiếp đó, tôi được đưa đi ôn tập để thi vào Đại học tại Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn (lúc đó đóng ở Chi Nê, Hòa Bình). Thi đỗ vào đại học, tôi ra Hà Nội học tại Khoa Lưu học sinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (đóng ở Thanh Xuân, lúc đó thuộc Đống Đa, Hà Nội). Những ngày học ở lớp N5 Khoa Lưu học sinh không ai biết tôi đã đi bộ đội. Các bạn trai, bạn gái trong lớp cứ suốt ngày: Nghị ơi, bạn Nghị ơi!

         Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/1975 tôi được chứng kiến chiến thắng vĩ đại của dân tộc: Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước! Tôi lao ra đường hét vang: Giải phóng Sài Gòn rồi! Giải phóng rồi! Hòa Bình rồi! Hết chiến tranh rồi!(7). Từ Thanh Xuân tôi chạy vào Hồ Gươm hòa vào dòng người cùng hát vang bài ca mới tập lúc sáng sớm: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!

         Tháng 8 năm 1975 tôi sang Liên Xô. Năm dự bị tôi học tại Khoa Dự bị của Trường Đại học Tổng hợp Êrêvan, Cộng hòa Ácmênia. Năm năm sau đó tôi học tại Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Kisinhốp, Cộng hòa Mônđavia (8). Tại đây tôi đã gặp và gắn bó với một cô gái dân gốc miền Nam đi học (còn gọi là dân Cục 1) cho đến hôm nay. Tháng 6/1981 tôi tốt nghiệp đại học. Từ 01/11/1981 đến nay, do là một con người cũ cũ, kém năng động, an phận thủ thường nên tôi chỉ làm việc tại một cơ quan- đó là Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

          Tháng 5/2004 cùng với đoàn nhà báo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đã về lại với đất Quảng Trị. Tôi đã thắp những nén hương tại Nghĩa trang Thành Cổ và một số nghĩa trang khác, tôi thầm nói với các đồng đội của tôi đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này: Các chiến hữu của tôi ơi! Tôi luôn nhớ các chiến hữu! Mong các chiến hữu hãy yên giấc ngàn thu! Tôi không làm gì để các chiến hữu phải hổ thẹn đâu!            

 

 



[1] Thời kỳ đó, hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ đóng vai trò rất quan trọng ở địa phương về kinh tế, chính trị và xã hội.

[2] Sau này, khi đã  đến đơn vị huấn luyện tôi được phát xẻng, súng Ak. Trước khi  đi chiến đấu, tôi còn được phát tăng, võng, cà mèn, thuốc chống sốt rét, lương khô, các viên lọc nước.

[3]Sau này ở nhiều địa phương khác của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh và ở Lào tôi và đồng đội cũng luôn được sống trong sự thương yêu đùm bọc của các mẹ, các chị, các em như thế.

[4] Câu nói nổi tiếng của Anh hùng quân đội Lê Mã Lương. Nay anh là thiếu tướng, Giám đốc Viện Bảo tàng Quân đội.

[5] Sau này nghe các đồng chí ở  Đảng ủy và UBHC xã nói lại: Lá thư của tôi được Đài phát thanh huyện Gia Khánh phát suốt một tuần liền trong đợt động viên thanh niên tòng quân.

[6] Khi đó trong ba lô của tôi có cuốn sách mỏng, trình bày dưới dạng dễ hiểu về Thuyết tương đối của Anhxtanh, trong đó nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ XX  có nói về thời gian vũ trụ…

[7] Khi đó, tôi ngây thơ đâu biết được sau này còn có cuộc Chiến tranh Biên giới phía  Tây Nam, Chiến tranh Biên giới phía Bắc và cuộc chiến tranh ở Cămpuchia rất gay go, gian khổ, quyết liệt trong nhiều năm trời và  biết bao chiến sĩ và sĩ quan của chúng ta lại tiếp tục đổ máu, hy sinh.

(8). Trong lớp tôi, có các bạn Nga, Moldova, Việt Nam. Các bạn Nga, Moldova chủ yếu là cán bộ đi hoc, trong đó có một số thương binh trong cuộc chiến tranh biên giới Xô- Trung. Sinh viên Việt Nam có: 3 bạn nữ Đỗ Ý Thanh (nay đang học ở Mỹ, Tạ Thị Minh Lý ( nay làm việc ở Bộ Tư pháp), Lục Thanh Hải (nay làm việc ở Intemex); các bạn nam: Nguyễn Thân (TANDTC, đã về hưu khá lâu), Nguyễn Huy Ngát (Bộ Tư pháp, nay đã nghỉ hưu ), Lê Khắc Hải (Bộ Tư pháp, nay đã nghỉ hưu), Nguyễn  Hữu Hùng (Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội chuyên trách), Nguyễn Văn Hiện (nay làm việc ở Ban Cải cách tư pháp Trung ương), Đinh Ngọc Hiện  (nay làm việc ở Học viện Chính trị- Hành chính Hồ Chí Minh), Lã Kim Hùng (nay làm việc ở TADN tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Thông (Trường cán bộ Tòa án, đang nghỉ hưu chờ), Phạm  Bá Vị (thẩm phán TAQS Thủ đô, nay đã nghỉ hưu), Nguyễn Đức Mai (thẩm phán TAQS Trung ương, sắp nghỉ hưu), Phạm Ngọc Cảnh (nay làm việc ở Viện Kiểm sát TP Hải Phòng), Vũ Quang Trượng (nay làm việc ở Cục thi hành án tỉnh Phú Thọ), Đoàn Văn Huệ (nay làm việc ở Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên- Huế), Nguyễn Danh Uy (Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung), Đoàn  Ngọc Xuân, (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.).

     Các bạn Việt Nam học trên chúng tôi 1 lớp,  về nam có: Hùng Việt, Bạch Hà, Xuân Thanh, Công Thắng, Tiến Long; về nữ có: Minh Hạnh, Quang Vinh, Bích Hòa, Cẩm Hòa, Kim Bình, Thu Thủy, Thanh Thảo, Tinh Hoa, Thanh Phương.  

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 02-10-2010 18:06






Xem 1 - 10 của tổng số 12 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: NghiPH
09/12/2010 18:30:30

Cám ơn anh Chu Kỳ Minh về những chia sẻ. Mỗi người lính có nhiệm vụ, có công việc của mình. Hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành công việc của mình thì đều là những người linh chân chính, đích thực.


Thời kỳ ở chiến trường, tôi cũng như nhiều người lính khác cũng có những phút giây yếu hèn. Đó là những phút giây định giơ tay, hay giơ chân lên khỏi chiến hào cho bom đạn phạt vào để sớm rời khỏi mặt trận về với mẹ cha, về với người yêu… 


 Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và ở Căm pu chia vô cùng khốc liệt, gian khổ. Bao nhiêu chiến sĩ của ta đã đổ máu, hy sinh. Tuy nhiên, về cuộc chiến tranh này rất ít được phản ánh trong các văn kiện; các tác phẩm thơ văn viết về nó cũng rất ít…




Từ: MinhCK
06/12/2010 07:56:07

Mình cho đến hôm nay đã là 43 năm tuổi quân. Cả một thời gian dài trong quân ngũ như thế, nhưng chưa khi nào có những cảm súc thực sự như Nghi. Đấy mới là người lính đích thực. Cho phép mình kính cẩn nghiêng mình bái phục, biết ơn và trân trọng những người lính như thế. Hôm qua (5/12/2010) mình vừa vào thắp hương cho một đồng đội, một thằng em hy sịnh tại đồi 208 - Cam Lộ - Quảng trị. Vào đến nhà mình nhìn thấy một bàn thờ trang trọng, trước mặt bàn thờ là một chiếc tiểu của em nó phủ Quốc kỳ. Mình ôm bố của cậu em và đã khóc. Một cụ già 85 tuổi một người anh-người lính già-đồng đội đã ôm nhau cùng khóc, khóc ko phải vì đau buồn nữa (mọi nỗi đau đã chôn vào trong lòng rồi) mà vì thương nhớ và vui sướng khi liệt sỹ đã hy sinh từ 1972 bây giờ gia đình mới tìm được hài cốt. Đọc bài của Nghi mình mới thấy hết, thông cảm hết cuộc đời người lính ở chiến trường. Cám ơn Nghị rất nhiều.    



Từ: NghiPH
07/10/2010 14:47:37
Nhân anh HienVC có nhắc đến câu thơ của Lê Bá Dương, xin cung cấp thêm thông tin bằng việc giới thiệu bài viết của nhà văn Văn Công Hùng được dẫn ra dưới đây:

Về một bài thơ bốn câu với nhiều dị bản
Văn Công Hùng
(vanconghung.vnweblogs.com
Wednesday, 19th September 2007)
1. Trước hết nói một chút về tác giả bài thơ
Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn Hoá tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An, nhập ngũ năm 15 tuổi, và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dươngg, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...
Bây giờ ở Quảng Trị, vào tháng 7, có một phong trào rất đẹp là toàn dân kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ, vào hồi đang còn khó khăn nhất của thời bao cấp, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7, từ Nha Trang ra Quảng Trị, anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên, có người còn bảo: ông khùng. Hàng chục năm như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay...
2. Trở lại bài thơ
Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt ra:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990, nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là Vụ trưởng Vụ văn nghệ Ban Tuyên Giáo Trung ương) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là:
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Nhưng vấn đề là, với bài thơ 4 câu, bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương, hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.
Trước hết là chữ “lên”, phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa, nếu “xuôi” thì không phải chèo, mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi”, nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi” là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị, nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa, ở bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi, trong trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng, ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó” hay hơn, mênh mang hơn, phổ quát hơn, mở hơn. Lê Bá Dương không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác. Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi”, thì theo chúng tôi, dùng từ nào cũng được, dẫu “mãi mãi” hay hơn, vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể, vừa hẹp, chữ “bãi” như một từ láy phái sinh…
Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội, vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ một vài câu, người khác nhớ cả bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau:
. Dị bản 1:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
. Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu:
Đò xuôi Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
. Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn có bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...
Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi…
3. Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại
Do bài thơ là tiếng lòng lại được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả…Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in, thấy thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ…
Ngoài ra, Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
Mãi mới đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, "cô bé" bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.
Tôi có bài viết này là vì khi đọc Văn Nghệ Quân đội online, tôi gặp câu hỏi của một độc giả về các dị bản của bài thơ và BBT VNQĐ trả lời cũng chưa thỏa đáng lắm. Hiện tượng "nhà thơ một bài" đã từng có trong lịch sử văn chương. Với bài thơ này, có thể cũng xếp Lê Bá Dương vào trường hợp ấy...
Pleiku 17/9/07


Từ: HienVC
07/10/2010 13:47:41
Xin cảm ơn Nghị đã chia xẻ một phần cảm xúc, một phần ký ức của mình.
Bản thân mình đã nhiều lần ghé vào nghĩa trang Trường Sơn, nhưng lần nào cũng vậy mình đều cảm thấy vô cùng bé nhỏ trước hàng ngàn hàng vạn nấm mộ liệt sĩ tại đây.
Có những cảm xúc không thể nào tả được bằng lời nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận được. Có lẽ không ở đâu trên đất nước của chúng mình, cảm nhận về sự mất mát hy sinh lại rõ rệt như khi đứng ở nghĩa trang Trường sơn. Học Lịch sử tại đây có lẽ sẽ có tác dụng hơn tất cả.Tình cảm của những người lính có lẽ không ai chuyển tải tốt hơn những người trong cuộc như hai câu sau ( như mình nhớ, có thể khác nguyên bản):
" Đò xuôi Thạch hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm "


Từ: NghiPH
06/10/2010 19:26:28
Anh TruNN ơi, tôi đã lặng người đi mỗi khi được nghe những bài hát:

CỎ NON THÀNH CỔ
Tác giả : TÂN HUYỀN

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ.
Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ
Khi chồng con không trở về...
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ.
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ.
Xin chớ vô tình với người hy sinh
Trên mảnh đất quê mình.

MÀU HOA ĐỎ
Nhạc: THUẬN YẾN, Lời (thơ): NGUYỄN ĐỨC MẬU

Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
Việt Nam ơi, Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.
Việt Nam ơi, Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa,
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn..

Trong cả hai bài hát này đều nói về người mẹ của người lính “ngậm ngùi nuốt lệ”, “mỏi mắt nhìn theo”, “ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”... như cảm nhận rất tinh tế, rất xúc động trong comment của Nguyệt.


Từ: TruNN
04/10/2010 13:31:54
Cảm ơn Nghị về bài viết. Từ 29/9-4/10/2010 mình làm một cuộc hành hương về Quảng Trị để tìm những người anh và những người bạn. Mình đã đi qua Vĩnh Lin, Thành Cổ, Dốc Miếu, Làng Vây, Khe Sanh và lên tận Lao Bảo. Rất tiếc, chỉ tìm được một người là anh Nguyễn Đình Dần cùng học với mình hồi lớp 8 và đã ra chiến trường hè năm đó. Anh ấy nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Mình đứng mãi bên bờ Thạch Hãn mà nghĩ về mấy câu trong "Lời người bên sông" của anh Lê Bá Dương:
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Giữ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Trong các nghĩa trang có quá nhiều mộ "chưa biết tên" và chắc cũng có rất nhiều người chưa có mộ...


Từ: HanhLM
03/10/2010 22:40:54
Cám ơn lời chúc chân tình của Nguyệt nhé. Chị vừa vào đến An Giang cách đây 5 tiếng đồng hồ.Thành phố Long Xuyên nhỏ bé, hiền hòa với những dãy nhà, đường phố được xây dựng từ thời trước giải phóng. Chỉ có ít công trình xây dựng mới như khách sạn Đông Xuyên (trước mặt ks.Long Xuyên nơi tụi chị ở), Trung tâm thương mại...
Là một tỉnh giáp với Cămpuchia (có chỗ đường biên chỉ là một khúc sông hẹp, bên này gọi bên kia nghe rõ) nên An Giang bị thiệt hại nặng nề nhất trong những năm tháng Cawmpuchia nằm dưới chế độ diệt chủng của PônPốt-Iêngxari(quân lính PônPốt đêm đêm tràn sang giết hại dân mình).
An Giang còn có một di tích lịch sử-văn hóa rất nổi tiếng là Đền Bà chúa Xứ với nghi lễ độc đáo là dâng áo gấm tặng Bà. Đền Bà linh thiêng thu hút hàng vạn khách tham quan, chiêm ngưỡng mỗi năm.
Chị luôn háo hức với những chuyến đi và khám phá những miền đất xa xôi của đất nước mình, Nguyệt à.


Từ: NguyetTM
03/10/2010 19:14:06
Chị Hạnh ơi, chị đang ở Sài Gòn đúng không? Cho dù chị đang ở đâu thì em Nguyệt cũng xin gửi lời chúc mừng vĩ đại nhất tới tình yêu Người Lính nhé.Anh chị thật hạnh phúc.Chân thành chúc Tình Yêu và Hạnh Phúc của anh chị vẫn thắm mãi ngàn năm.


Từ: HanhLM
03/10/2010 13:10:39
Trong gia đình tôi có đến hai người lính: Ba tôi và em trai tôi. Ba tôi vào bộ đội từ trước năm 1945 và đã phục vụ trong quân ngũ 40 năm có lẻ (có thể, tôi sẽ viết một bài về Ba tôi rồi đưa lên Mục- Gia đình chúng ta), còn em trai tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (1977-1982) xong về công tác ở Quân khu 5, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, tổng cộng đến mười mấy năm (nay cậu em tôi công tác ở Trung tâm Quản lý bay miền Trung). Do vậy, thật dễ hiểu khi tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người lính ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, trong quyển sổ chép thơ của các cô gái bao giờ cũng có những bài thơ về lính. Và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Sổ thơ của tôi chỉ có thơ về Bác Hồ và thơ về người lính.
Tôi còn nhớ (và chắc nhiều anh chị "đầu 5" cũng nhớ) một bài thơ rất hay.
Đó là bài “ Màu áo Anh -
Người ta yêu màu vàng duyên dáng/ Người ta thích màu tím thủy chung/ Người ta yêu màu hồng tươi trẻ/ Riêng em không thích thế/ Chỉ yêu màu áo Anh/ Màu bao la của những cánh rừng xanh/ Màu của chiến trường đi xa bặm bụi/ Màu của những hạt sương đêm yên lặng/ Trong đêm bôn tập diệt thù/ Anh ơi, không bao giờ em so sánh/ Màu áo Anh với bất cứ màu nào/ Vì cuộc đời bộ đội gian lao/ Màu áo Anh là màu chiến thắng/ Em đợi Anh về trong một ngày đầy nắng/ Giặt cho Anh chiếc áo đẫm mồ hôi/ Bạn em nó yêu màu xanh da trời/ Và hỏi em yêu màu nào nhất/ Em vẫn sẵn sàng thú thật/ Em yêu màu áo Anh/ Màu bao la của những cánh rừng xanh...
Cho đến hôm nay tình yêu người lính vẫn trọn vẹn trong tôi, như một lẽ đương nhiên của đời mình.


Từ: LinhND
02/10/2010 23:04:59
Cám ơn anh Nghị cho tôi sống lại thời chúng tôi đã tiễn các bạn nam cùng lớp ra chiến trường khi chưa thi tốt nghiệp.
Tất cả họ đều được đặc cách tốt nghiệp. Và cũng thật hạnh phúc tất cả đều trở về.
Có qua chiến tranh mới thấy giá trị của hòa bình và tôi càng cảm phục các bà mẹ có con ra chiến trường: lành ít dữ nhiều. Chúng tôi luôn tri ân các mẹ và các anh.



Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s