KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 24 Tháng mười. 2010

Trở về Phần 5




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

TRỞ VỀ (Phần 5)

 

Gặp các thầy và lãnh đạo nhà trường

Ngày 17/06 là ngày quan trọng nhất với tôi trong mấy ngày ở thăm Kishinev. Huyền đã lên lịch tôi gặp lãnh đạo nhà trường và gặp lại các thấy Melnhik, Pusnhiak. Tôi sẽ gặp thầy giáo của mình, viện sỹ Riabukhin. Thầy và vợ từ Tiraspol lên tối hôm trước.

Tôi và thầy giáo, Viện sỹ Piabuxin

10h sáng chúng tôi lên Viện Toán và Tin học, thuộc Viện hàn lâm khoa học Moldova. Sau mấy lần hỏi thì cũng đến được tầng 2, nơi thầy giáo của tôi có 1 phòng làm việc. Thỉnh thoảng thầy mới lên Kishinev, thường là vào ngày lĩnh lương viện sỹ hàng tháng (năm 1989 thầy tôi được phong viện sỹ thông tấn, năm 1992 là viện sỹ chính thức). Khi chúng tôi tốt nghiệp, thầy mới ngoài 40 (lớp tôi có tôi và Dũng là học trò được thầy hướng dẫn luận văn). Năm 1990 khi trở lại Kishinev, tôi không gặp thầy vì thầy đi nghỉ hè ở biển Đen. Tôi không liên hệ gì với thầy cho đến trước chuyến đi này khoảng 1 tháng.

Khi tôi vừa lên tầng 2 thì thầy đang đi ở hành lang. Tôi chào thầy và ôm hôn thầy. Thầy không khác xưa là mấy (tất nhiên có già đi sau hơn 30 năm), tóc bạc, dáng càng giống nhà bác học Âu châu mà tôi vẫn mường tượng từ khi còn trên ghế phổ thông. Thầy vẫn nhanh nhẹn, mời chúng tôi đi tiếp và gọi tên người bạn thân, viện sỹ Arnautov (là thầy giáo của Trần Thái Sơn), và nói to “Cậu học trò của tớ đến rồi đây”. Chúng tôi vào phòng thầy Arnautov. Sau màn giới thiệu chào hỏi mà đoàn chúng tôi với 5 thành viên,  thầy Arnautov mở chai rượu Môn (có lẽ đây là lý do thầy tôi lại kéo chúng tôi vào phòng bạn và cùng tiếp, thầy tôi không uống rượu). Tôi trình danh thiếp với chức danh “Tốt nghiệp khoa Toán năm 1979, Chủ tịch hội những người Việt Nam tốt nghiệp KGU”, bằng tiếng Nga và tiếng Việt, thầy tôi khẽ nhíu mắt và nói “ồ hô”. Có lẽ lần đầu thầy thấy cái danh thiếp kiểu như vậy. Nếu tôi ghi thêm trên danh thiếp “Cựu học trò của viện sỹ Riabukhin” thì chắc thầy còn ngạc nhiên hơn nữa. Tôi không đưa cái danh thiếp FPT của tôi lúc đó (trước khi chia tay tôi mới đưa cho thầy). Tôi kể vắn tắt những gì đã qua sau khi tốt nghiệp, và nhấn mạnh rằng cả gia đình chúng tôi, với cả bố và mẹ đều tốt nghiệp KGU, cùng các con trở về Kishinev và hôm nay thăm các thầy. Hai thầy đều vui, và cám ơn chúng tôi, những học trò đã không quên thầy giáo. Mà thầy Arnautov nói là chính, còn thầy tôi chỉ nói thêm ít thôi. Thầy tôi chỉ làm chuyên môn thuần túy, còn thầy Arnautov từng là bí thư đảng ủy Viện Toán khi chúng tôi làm luận văn tốt nghiệp, nên khoản ăn nói thì hơn đứt thầy tôi.

Sau khi tặng quà cho thầy tôi và chuyển quà của Thái Sơn cho thầy Arnautov, tôi nói rằng sẽ nói chuyện tiếp vào buổi cơm trưa nay, còn bây giờ tôi xin phép phải đến trường để gặp ông hiệu trưởng. Thầy tôi hỏi “Em có muốn tôi đi cùng gặp hiệu trưởng không?”. Tôi trả lời “Vâng được chứ”, tuy trong bụng chưa hiểu rõ câu hỏi của thầy. Thầy nói tiếp “Ông ấy là học trò của tôi”. Thế thì hay quá, một chi tiết khá bất ngờ, chứ còn tôi đã biết hiệu trưởng đương nhiệm là dân Toán rồi.

Phòng ông Hiệu trưởng đương nhiệm

Chúng tôi quay về trường KGU, đúng ra là nơi làm việc của hiệu bộ nhà trường, nằm ở ngôi nhà xây bên trái tòa nhà chính khi xưa. Huyền đã đợi chúng tôi ở đó. Khi vào phòng ông hiệu trưởng (đương nhiệm), trong khi tôi bắt tay chào thì thầy tôi bá vai cả 2 học trò cười tươi. Có lẽ đây là một thời điểm mà thầy tôi rất vui vẻ, có 2 học trò ở rất xa nhau, ở các cương vị rất khác nhau nhưng cùng gặp mặt trước sự chứng kiến của thầy.

Ông hiệu trưởng, tên tiếng Nga là Георге Чокану, tốt nghiệp khoa toán năm 1975, và ông nói luôn, có lẽ chúng ta hồi đó (khi còn học ở trường) đã gặp nhau. Tôi gật đầu nhất trí nhưng thực bụng không thể nhớ được. Tôi trình bày vắn tắt về tôi và Nguyệt sau khi tốt nghiệp trường KGU, và nhấn mạnh đến việc đã thành lập Hội KGU ở Việt Nam với những hoạt động thường xuyên, phong phú. Ông hiệu trưởng thì lại lôi 1 đống ảnh trắng đen chụp sinh viên Việt Nam khi xưa, trong đó có rất nhiều ảnh thầy Pusnhiak thời trẻ, trông khá điển trai. Chắc ai đó đã chuẩn bị cho hiệu trưởng. Cùng tiếp có thầy hiệu phó phụ trách khoa học, học dưới khóa 1 của chúng ta (1962-1967) hai khóa, bà giám đốc đối ngoại và ông giám đốc bảo tàng nhà trường (tiếng Việt hay gọi là nhà truyền thống). Ông hiệu phó đã từng sống cùng buồng với 2 anh Việt Nam khóa 1.

Cùng vợ chồng thầy Pushinhiak xem ảnh xưa

Bỗng thầy Pusnhiak cùng vợ bước vào. Chúng tôi quay ra chào và khi Nguyệt ôm hôn, thầy đã khóc. Thầy không còn khỏe, vợ phải hỗ trợ. Thầy cũng có 1 đống ảnh trắng đen, ngồi cùng Nguyệt ở ghế sofa để xem và bình phẩm những bức ảnh quý giá đó, trong khi tôi tiếp tục trao đổi với những người khác.

Chúng tôi xin phép ông hiệu trưởng để sang thăm quan bảo tàng nhà trường. Khi đi ra hành lang Nguyệt bỗng nhận ra vợ chồng thầy Melnhik đang ngồi ở một góc nhà. Chúng tôi cùng đến chào hỏi. Dễ nhận thấy sự cảm động trên khuôn mặt của người thầy giáo già sau bao nhiêu năm gặp lại mấy học sinh cũ đến từ một đất nước xa xôi. Bà vợ thầy Melnhik rất đẹp lão và còn nhanh nhẹn.

Bảo tàng nằm ở chính ngôi nhà khi trước chúng ta hay học thể dục, tất nhiên được xây mới. Ông giám đốc giới thiệu cái maket nhà trường trong tương lai, trông rất hoành tráng. Huyền đòi ông cho xem Góc Việt Nam ở chỗ nào. Ông ấy chỉ 1 cái tủ khá cao, và 1 cái bảng sau tủ, Góc Việt Nam sẽ để ở đó. Như vậy là to hơn, nhiều hơn so với trước kia, Huyền có nói rằng chỉ có mỗi cái tủ, nay được thêm cả 1 bảng nữa, tha hồ treo ảnh.

Bữa cơm trưa đặc biệt

Rồi tất cả chúng tôi lên xe để đến nhà hàng nằm bên kia hồ Komxomol mà Huyền đã đặt giúp để tôi mời cơm các thầy cô. Ngoài vợ chồng thầy Melnhik, thầy Pusnhiak và ban lãnh đạo nhà trường đã tiếp tôi khi nãy, còn thêm bà giáo Nga văn Irina đã dạy nhiều sinh viên Việt Nam khoa Toán và Luật (trong đó có Huyền), cùng một bà làm thủ tục giấy tờ ở khoa ngoại quốc (Huyền lộ rõ ý đồ gây thiện cảm để nhờ vả sau này), thầy tôi cùng vợ chống thầy Arnautov (vợ thầy tôi bận đi chơi với các cháu ngoại nên không dự được). Đáng tiếc là bà giáo Samux hôm nay ngồi ở hội đồng bảo vệ tốt nghiệp (bà trực tiếp hướng dẫn 03 học trò) nên không thể đến dự bữa cơm trưa được.

 

 

Báo cáo với các thầy và nhà trường bằng video

Nếu chỉ đi với tư cách cá nhân chắc mọi việc đơn giản hơn. Sự việc đưa đẩy tôi về Kishinev lần này trên tư cách Hội trưởng những người Việt Nam tốt nghiệp KGU đâm ra phức tạp. Nhà trường đón tiếp tôi trọng thị hơn. Còn tôi phải chuẩn bị kỹ càng hơn, nhất là bài “diễn văn” trình bày tại bữa cơm trưa hôm đó. May mắn luôn có em Huyền hỗ trợ, mọi việc đều đi như theo kế hoạch. Riêng bài “diễn văn” thì phải nhờ chị Phạm Bình (Sinh 1977) rất nhiều, như tôi đã kể ở phần trên.

Tôi làm theo chuẩn của tôi, bài “diễn văn” được minh họa bằng các slide từ máy tính xách tay. Sau khi MC Huyền có lời giới thiệu, tôi xin phép các thầy cô và lãnh đạo nhà trường trình bày những suy nghĩ của mình ở dạng đọc bài “diễn văn”.

Tôi mở đầu bằng câu “Thời gian 30 năm tuy dài nhưng đã không chia cắt được chúng ta, những người thầy và những học trò”. Đúng vậy, chính tình cảm thầy trò, với nhà trường mà cả gia đình tôi được gặp “gia đình KGU” thu nhỏ này. Tôi nhấn mạnh sự biết ơn của tập thể những người tốt nghiệp KGU với nhà trường, với thầy Melnhik và Pusnhiak, với tất cả các thầy cô đã dạy dỗ chúng ta mà tôi không thể nêu hết tên, và nói riêng, sự biết ơn với các thầy cô hướng dẫn tôi và Nguyệt. Nhà trường KGU đã cho chúng ta những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học hay giảng dạy, kinh doanh hay công chức nhà nước sau này.

Tôi cũng nhắc tới sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Moldova tháng 6/1962, Người đã đặt nền móng cho công cuộc đào tạo của nước cộng hòa giúp Việt Nam những năm tiếp theo. Trường KGU có thể tự hào về việc làm đầy ý nghĩa này.

Tôi trình bày tiếp “Thời gian trôi qua. Có nhiều đổi thay ở Việt Nam, ở Moldova, cũng như trên thế giới này. Tuy nhiên có nhiều thứ không bao giờ thay đổi. Đó là tình thầy trò của trường KGU thân yêu, là những kỷ niệm về những tháng năm tuổi trẻ của chúng tôi trên đất Moldova, là sự biết ơn của những người tốt nghiệp KGU với nhà trường, với các thầy cô giáo đáng kính.

Hai thầy hiệu trường nhận bức tranh thêu Hạ Long

Tôi kết thúc bài diễn văn bằng việc cám ơn nhà trường đã dành chỗ cho Góc Việt Nam trong bảo tàng và nhờ trường hỗ trợ trong việc làm thủ tục cho các cựu sinh viên quay lại thăm trường.

Tôi cho chiếu một đoạn video Du thuyền Hồ Tây ngày 10/4/2010 vừa rồi, ngày chúng ta chính thức thành lập Hội KGU. Cũng qua đó để báo cáo với nhà trường và các thầy cô, những học trò KGU vẫn gần gũi nhau, vẫn hỗ trợ nhau như anh em trong một gia đình lớn.

Quan trọng hơn, tôi trình bày bài “diễn văn” bằng tiếng Nga không tệ lắm, ít nhất các thầy cô nghe đều hiểu. Vốn tiếng Nga của tôi cũng đã được phục hồi đáp ứng cho nhiệm vụ lúc đầu tưởng như bất khả thi.

Tôi xin phép thay mặt Hội KGU tặng nhà trường bức tranh thêu vịnh Hạ Long, với dòng chữ thêu ở góc tranh bằng tiếng Nga “C большой признательностью к  родному КГУ, от Общества Вьетнамских  выпускников”. Chúng tôi mời hai thầy hiệu trưởng, thầy Melnhik và hiệu trưởng đương nhiệm nhận bức tranh trong tiếng vỗ tay của mọi người. Chúng tôi trao quà cho hai thầy, Menhik và Pusnhiak.

Tặng thầy Pushnhiak quà

Phần lễ coi như xong, bây giờ là phần tiệc. Tôi xin nâng cốc vì sức khỏe của các thầy cô giáo của trường KGU. Trong bữa ăn mọi người lần lượt phát biểu, không thiếu một ai (trừ ông giáo của tôi). Mọi người đều cám ơn tình cảm Hội KGU dành cho trường, cho các thầy cô, đều nhắc tới các sinh viên Việt Nam chăm học và học giỏi, đến những kỷ niệm cụ thể với sinh viên Việt Nam. Riêng thầy Pusnhiak nói đến câu thứ hai là lại khóc và Huyền đã mời thầy ngồi xuống phát biểu. Thầy cho biết, theo số lượng đào tạo sinh viên Việt Nam, Kishinev đứng thứ 2 toàn Liên Xô sau Voronez. Nên nhớ ở Voronez có cả thảy 5 trường có sinh viên Việt Nam, còn ở Kishinev chỉ có KGU. Như vậy tính theo trường thì KGU giữ kỷ lục đào tạo sinh viên Việt Nam.

Thầy Arnautov phát biểu xong thì kể chuyện cười, đại khái mấy con thỏ, con khỉ gì đó bảo vệ tiến sỹ trong rừng mà tôi không hiểu hết, trừ câu cuối kết luận của thầy “Chúng ta không cho phép bất cứ ai nghi ngờ năng lực các học trò chúng ta”.

Chúc sức khỏe hai thầy

Chúng tôi chia tay các thầy cô và lãnh đạo nhà trường. Tôi hẹn gặp lại cô Irina tại Việt Nam. Tôi kịp hỏi thầy Melnhik một bức ảnh có phải là thầy trong ảnh hay không. Đó là ảnh tại cuộc mít tinh kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 10 (1977), tôi thay mặt sinh viên Việt Nam phát biểu và bắt tay thầy Melnhik.

Buổi chiều tôi và Nguyệt đến thăm vợ thầy giáo của anh Hoài (Lý 1976). Bà hãy còn khỏe và rất cảm động khi nhận được quà từ học trò cũ của chồng. Tôi nhắc lại yêu cầu của anh Hoài muốn lá thư gửi cho thầy giáo được đốt trước mộ thầy, lúc đầu bà chưa hiểu, định chuyển bức thư đến bảo tàng nhà trường.

Buổi tối chúng tôi về nhà Huyền dự lễ sinh nhật của Huy (em trai Huyền). Có một anh người Việt Nam đang sinh sống tại Kishinev đến dự.

Ngày cuối cùng ở Kishinev

Ngày cuối cùng với tôi thoải mái hơn. Hôm trước mới là hôm đầy thử thách với tôi và Huyền. Tôi và Nguyệt lên trường KGU, còn bọn trẻ ngủ muộn, rồi chúng đi shoping. Cũng để cho bọn chúng theo kiểu của thanh niên, chứ chúng tôi chỉ toàn thăm viếng người xưa, chốn cũ.

Góc VN, phiên bản hôm 18/06/2010

Nguyệt vào khoa Hóa và tìm một bạn cùng lớp, bây giờ là phó bộ môn Hóa vô cơ, cũng học trò bà Samux. Cậu bạn rất mừng gặp lại Nguyệt, đặc biệt gọi tên Nguyệt rất đúng với tiếng Việt. Hai bạn ôn lại chuyện lớp xưa, rồi Nguyệt yêu cầu cho đi xem lại các phòng thí nghiệm. Không thay đổi là mấy so với trước kia. Rồi hai bạn sang giảng đường của khoa Hóa, ngồi nghe giảng như xưa để tôi chụp ảnh, cũng như chụp lấy phông giảng đường với bảng tuần hoàn Mendeleev và chân dung Lomonoxov.

Sau đó chúng tôi liên lạc với Huyền rồi cả bọn sang bảo tàng nhà trường. Ông giám đốc bảo tàng cho chuyển hết đồ đạc khỏi cái tủ. Chúng tôi giở các đồ mà tôi mang sang và bắt đầu bầy biện cờ Tổ quốc, bản đồ Việt Nam, ảnh Vịnh Hạ Long, album ảnh người KGU, ... Loay hoay một lúc thì cũng tạm ra được một phiên bản. Cứ như thế đã, và tôi chụp hình mấy cái liền để về có thể báo cáo lại với Hội KGU.

Sau đó chúng tôi cùng Huyền lên Viện Hóa, Viện HLKH Moldova để tìm gặp lại thầy hướng dẫn thứ hai của Nguyệt, ông Turta. Hai thầy trò gặp nhau, sau màn chào hỏi là trao đổi về công việc hiện tại của thầy. Câu chuyện ngày càng đi sâu vào chuyên môn, tôi và Huyền tròn xoe mắt và lắc đầu khâm phục lòng yêu khoa học của họ. Hai thầy trò mổ xẻ mấy hình vẽ phân tích dữ liệu thí nghiệm, đặt ra câu hỏi, rồi giải đáp. Cứ như một hội thảo khoa học chứ không phải một cuộc thăm viếng sau 20 năm. Chúng tôi cũng hỏi thăm về ông Gerbeley, thầy của nhiều học sinh Việt Nam. Ông đã mất năm 2005. May mà ông có con trai nên món quà chiếc cravat của các chị Hóa gửi vẫn có địa chỉ nhận.

Lấy thức ăn ở nhà ăn sinh viên

Đã đến giờ ăn. Chúng tôi quay về nhà ăn sinh viên tại khu ký túc xá. Theo kế hoach, bữa trưa hôm cuối cùng là ở nhà ăn sinh viên. Tôi nhặt thoải mái những món mình thích, vẫn là những món đặc trưng của sinh viên như súp củ cải đỏ, salat bắp cải, khoai tây, cốc sữa chua và cốc nước quả campot. Nhớ hồi sinh viên, nhất là vào ngày cuối tháng, sinh viên rất đắn đo chọn món vì sắp hết tiền. Còn hôm nay cả khay tôi chọn chưa đến 3USD, nên vứ vô tư đi. Thấy tôi quay video, bà thu tiền hỏi có đưa lên internet không đấy, ý là đưa lên thì không cho quay. Lúc đó chúng tôi mới tự giới thiệu là cựu sinh viên KGU, 30 năm trước đã từng xếp hàng ăn ở đây hàng ngày. Bà ta vui vẻ hẳn, khi vắng khách còn ra bàn ăn hỏi chuyện chúng tôi. Bà làm ở nhà ăn này 20 rồi.

Sau bữa ăn chúng tôi về thăm công ty của Huyền. Công ty sở hữu một chuỗi gần 50 cửa hàng thuốc hiệu Orient, chiếm gần một nửa các cửa hàng bán lẻ thuốc ở Kishinev. Trụ sở công ty nằm ngay sát quảng trường trung tâm thành phố, đã được mua thành tài sản công ty chứ không phải là đi thuê. Tôi và Nguyệt lấy một ít thuốc gửi cho bà giáo Samux và chào bà hôm sau trở về Việt Nam.

Buổi tối chúng tôi và cả nhà Huyền đi ăn cơm quán Ý. Chúng tôi chia tay nhau và hẹn gặp lại ở Việt Nam. Cám ơn em Huyền đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều cho chuyến trở về này.

Hôm sau, ngày 19/6/2010 chúng tôi dậy rất sớm để ra sân bay. Chào tạm biệt Moldova, chào tạm biệt Kishinev.

Những người bạn mới

Tôi muốn nhắc tới hai cặp vợ chồng mà tôi gặp qua chuyến đi.

Nếu như Thanh-Nam là đối tác cung cấp dịch vụ du lịch thì Huyền-Kỳ là “đồng môn” của chúng tôi, mà tất nhiên tôi là “sư huynh”.

Nhưng với Thanh-Nam chúng tôi không chỉ là đối tác. Tôi được mời về nhà 2 bạn, đến thăm datra ở ngoại ô Matxcơva, được đi dạo trong cánh rừng Nga thơ mộng nhưng cũng nhiều muỗi. Còn bọn trẻ hai nhà thì đá bóng trong vườn của datra.

Chụp ảnh cùng vợ chồng Huyền Kỳ

Với Huyền-Kỳ, không chỉ là đồng môn. Hai bạn đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trước, trong và cả sau chuyến đi. Tôi không thể hoàn thành chuyển đi TRỞ VỀ nếu không có sự hỗ trợ và phối hợp của Huyền. Chẳng phải thế mà Huyền được phong là “bà đại sứ” tại Moldova. Huyền thực sự là cầu nối giữa chúng ta với trường KGU, với các thầy cô giáo, với xứ sở nắng ấm và đầy hoa quả.

Cuộc sống ở xứ người không phải hoàn toàn dễ chịu, hay đúng ra sự dễ chịu được xây đắp bởi sự chăm chỉ và thông minh, cầu thị. Các bạn đã vượt qua ngoại cảnh và vươn lên. Các bạn có nhiều cái để chúng tôi học hỏi, để khâm phục.

Có chăng tôi vẫn mong khi về hưu các bạn hãy về Việt Nam sinh sống. Có chăng tôi muốn thấy con cái các bạn, thế hệ thứ 2, nói tiếng Việt giỏi hơn, nhất là với Thanh-Nam. Cái đó cần cho các bạn, vì tôi biết các bạn, tuy sinh sống làm ăn ở nước ngoài, nhưng các bạn vẫn là người Việt Nam.

Quê hương thứ hai

Chuyến “TRỞ VỀ” của chúng tôi đã kết thúc.

Cuộc đời dường như là một vòng xoáy. Tôi đã học ở Kishinev 5 năm. Sau tốt nghiệp, biết bao nhiêu biến động của cá nhân tôi cũng như của thời cuộc. Có những lúc Kishinev chỉ là cái gì đó mơ hồ của dĩ vãng xa xăm, dù cả 2 vợ chồng tôi đều là người KGU. Thế rồi đến khi tóc đã bạc, chúng tôi trở lại cái nơi mơ hồ xa xăm ấy, mà quá khứ lại hiện về rõ mồn một. Lại cảm thấy thời sinh viên mới đâu đây chứ không phải là 30 năm xa cách. Vẫn đó, những giảng đường, phòng đọc sách, thư viện hay ký túc xá, góc đỏ, nhà ăn sinh viên, vẫn đó 5 khẩu súng trường, hay các bậc thang xuống hồ Komxomol. Gặp lại được thầy cô giáo của chúng tôi, các thầy cô già đi nhưng chúng tôi cũng trưởng thành hơn, cái tình cảm thầy trò vẫn vậy. Gặp lại các bạn bè cũ, những Tanhia, Valia, Sasa, Pavel, Vova, Natasa, những cái tên rất Nga. Chúng tôi vẫn như xưa bởi vì chúng tôi đều già đi theo thời gian. Chính khoảng thời gian 30 năm đã chỉ cho tôi rằng, cái thành phố thân yêu ấy, mái trường và các thầy cô, bạn bè ấy, dù rất xa cách Việt Nam, nhưng đã trở thành một phần của cuộc đời chúng tôi, một phần đời không bao giờ quên, như một quê hương thứ hai với mỗi chúng tôi.

Tôi và Nguyệt đã làm được một việc có ý nghĩa, không chỉ cho chúng tôi. Tôi tự thỏa mãn với chính mình. Không chỉ chúng tôi TRỞ VỀ chốn xưa thân thiết, mà các con chúng tôi cũng chứng kiến những tình cảm của thầy và trò trường KGU, hiểu được cội nguồn tạo hóa sinh thành ra chúng. Không chỉ chúng tôi bày tỏ tình cảm biết ơn của tất cả những người Việt Nam đã tốt nghiệp KGU, mà các thầy cô trường KGU cũng hiểu được những tình cảm ấy, hiểu được đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

Tôi sẽ còn quay lại nơi ấy, quê hương thứ hai.

Tháng 8/2010

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 24-10-2010 01:01






Xem 1 - 1 của tổng số 1 Comments

Từ: HuongNT
24/10/2010 13:08:22
Đây là lần thứ 3 tôi đọc "Trở về" mà thấy vẫn hay và cuốn hút.Tôi thấy các nhà toán học viết văn, làm thơ rất hay, như Ngọc, Phư, Thái Sơn, Quốc Anh, Cẩm...Sau khi đọc "Trở về" tôi lại càng ao ước một ngày nào đó cũng sẽ được trở về như gia đình Ngọc Nguyệt.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 881 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s