KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 30 Tháng tám. 2010

Chuyến thăm của cô giáo Irina từ một góc nhìn




Tác giả: Meomun

Chuyến thăm của cô giáo Irina từ một góc nhìn

      Hồng Vân, Luật 1988

Cả tuần nay hộp thư yahoo của Vân cứ đầy ắp! Thật thú vị vì hàng đêm, về đến nhà là Vân có thể check mail, đọc những dòng thông tin về chuyến đi của cô giáo, những chia sẻ của các anh chị, các bạn về một thời tưởng như mới hôm qua thế mà đã ít nhất gần 20 năm (như thế hệ của các em Quy- Đạt, Ngọc...) hay gần 50 năm như chị Thanh Tâm, anh Chí...


          Các anh chị và các bạn đã nói rất nhiều, rất hay và rất xúc động về những cảm xúc của mình khi gặp lại cô giáo. Vì thế, Vân xin được chia sẻ vài cảm xúc hơi bị "lan man" của mình từ một góc nhìn khác.


          Trước hết, chuyến đi của cô giáo gợi cho Vân những cảm xúc về nghề giáo. Trong đời chúng ta, ai nấy đều đã từng học bao nhiêu thầy cô giáo, từ thuở mới cắp sách đến trường, ê a những chữ đầu tiên. Rồi thời sinh viên, bao nhiêu môn học là ít nhất bấy nhiêu thầy, thật khó mà nhớ cho nổi. Với các thầy cô cũng thế thôi, một năm có nhiều học trò, trong cuộc đời dạy học thì ... vô số. Rồi năm tháng qua đi ,những dự định, lo toan trong sự nghiệp và đời  thường và cả do vết mòn năm tháng, nên cái sự nhớ nhớ quên quên cũng là lẽ thường. Hôm gặp cô Irina, cô có hỏi về một anh sinh viên Việt Nam của cô. Cô kể rằng trong giờ tiếng Nga, anh có nói với cô rằng sau này anh sẽ là một bolsoi trelovek, anh sẽ mời cô sang thăm đất nước Việt Nam. Cô nói là cô hiểu rằng đó chỉ là giờ học tiếng Nga, sinh viên thực tập nói tiếng Nga thôi chứ không phải là một sự hứa hẹn, nhưng không hiểu sao cô vẫn tin, vẫn nghĩ là sẽ có ngày được sang Việt Nam theo lời mời của học trò. Và cô đã chờ đợi, chờ đợi điều đó mấy chục năm, đến hôm nay điều đó đã thành sự thật, mặc dù không phải từ lời mời của anh sinh viên ấy nhưng cô thấy cô thực sự là người thày may mắn. Còn anh sinh viên kia, có thể anh cũng không nhớ mình đã nói câu ấy, thậm chí có thể không nhớ nổi, không biết mình có học cô Irina không. Cô thì vẫn nhớ học trò, nhớ từng cái tên và khi gặp lại vẫn gọi đúng tên, chỉ có vài giây lưỡng lự khi gặp vài anh, cô nói  ngày xưa nó khúdenki hơn, hihi! Huyền nói rằng cô suốt ngày xem lại ảnh học trò cũ, nghe thật cảm động.

              Hôm Chi hội Kishinev trong Sài Gòn ăn trưa tại nhà chị Hồng, cô Irina đã nói một ý thật hay. Cô nói đại ý là nỗi đau của một người thày là khi học trò không vượt qua được người thày của mình. Còn cô, cô rất hạnh phúc, rất tự hào vì học trò đã trưởng thành, thành đạt và có vị trí trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam như hôm nay, khác xa với một Việt Nam thời chiến tranh như trong kí ức của cô. Thầy cô ở Việt Nam hay nước nào cũng thế, đều rất vui khi biết học trò đã trở thành "ông nọ bà kia", cô Irina cũng thế. Điều đó làm Vân thấy cô thật gần gũi. Vân chợt nhớ hồi năm 1974, trên báo Thiếu niên tiền phong có đăng một bài thơ, ghi lại cảm xúc của một anh phi công khi trở lại thăm cô giáo cũ. Hồi ấy, mới học lớp 4 nhưng Vân nhớ bài thơ ấy rất cảm động với những câu thơ như "cô là người đưa em vào quỹ đạo của đường bay" (hihi, hồi đó bé tí, có hiểu "quỹ đạo là gì đâu) và kết thúc bằng một câu:
"PHẦN THƯỞNG NGƯỜI TRỒNG VƯỜN, TẤT CẢ MÙA HOA!"
             Vâng, những người thầy như những người trồng vườn cần mẫn có bao giờ mong chờ được đền đáp, nhưng những học trò thành đạt (ở đây, Vân không có ý định nói rằng phải có chức có quyền mới là thành đạt) chính là phần thưởng quý giá cho các thầy cô. Nhiều người trong số các anh chị và các bạn là nhà giáo, lại đi tiếp bước đường của các thầy cô mình đã chọn. Xin mọi người hãy vững tin, nghề giáo vẫn là nghề cao quý nhất, vì thế hệ nào cũng có những học trò xuất sắc, vượt qua khỏi cái bóng của thầy mình. Và chỉ cần vài người trong số đó nhớ đến thầy cô của mình, cũng đã là hạnh phúc cho người thầy lắm rồi.

               Về chuyện học, Vân tự hào là đã được học tập ở Liên Xô, mặc dù sự thật là có những sự kì thị và cảm giác chủ quan một cách nực cười ở một số người khi cho rằng học ở Liên Xô hay các nước XHCN là đã lạc hậu không thể bằng Anh Mỹ, hay cho rằng học vị ở Nga chẳng qua là "tiến sĩ hữu nghị", "ngủ một đêm thành tiến sĩ"....Không còn nghi ngờ gì nữa, chính học vấn ở Liên Xô cũ đã cho chúng ta một nền tảng tốt để thích ứng với mọi đổi thay của xã hội, để xử lý vấn đề. May mắn là chúng ta đã đều vượt qua những năm tháng khó khăn, khi Liên Xô tan rã mà nhiều người cầm mảnh bằng tốt nghiệp ở Liên Xô đi xin việc lúc đó mới thấm thía. Vân cũng rất tự hào khi thấy tiểu sử một doanh nhân thành đạt, một người lãnh đạo được yêu mến nào đó có nói là đã tốt nghiệp ở Liên Xô cũ.

        Và ... thực sự là Vân rất cảm phục tấm lòng của anh Châu, Huyền- Kỳ- những người đã mời cô giáo và con gái sang Việt Nam. Có thể ai đó nói: Đại gia mà! Nhưng không phải đại gia nào cũng làm được điều đó, khi cuộc sống hiện đại qúa nhiều bận rộn, lo toan và cả sự lãng quên thông thường dễ được chấp nhận. Thấy cách anh Châu và Huyền quan tâm chu đáo đến từng chi tiết trong chuyến đí của cô, Vân hiểu vì sao anh Châu và Huyền thành công trong công việc, có lẽ cũng bắt đầu từ những điều nho nhỏ ấy. Vân cũng xin được bày tỏ sự cảm phục đến các anh chị Toán 81 như chị Chi Mai, anh Ngọc Bình, anh Sĩ Thanh, cảm phục anh Ngọc, anh Đức Mai đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đón cô, rồi các anh chị khác như anh Trấn, chị Linh tháp tùng cô suốt trong mấy ngày cô ở Sài Gòn. Những người như chị Linh và các chị khác, tuy không phải là học trò cô Irina nhưng rất nhiệt tình, chu đáo đón tiếp cô và vui hết mình!


            Em tự hào về các anh chị! Có lần em nói với các anh chị là chính các anh chị đã để lại gánh nặng cho thế hệ các em những năm sau này. Có chị hỏi : Vì sao, em nói vậy có nghĩa là gì? Ý em là chính sự xuất sắc của các anh chị đã như một gánh nặng cho chúng em phải bằng, hoặc hơn, vì các thầy cô khi dạy chúng em đều có sự so sánh không giấu diếm:- Ngày xưa sinh viên Việt Nam giỏi lắm, ngoan lắm, chăm lắm!


         Và như thế, các anh các chị- thế hệ học trò lớp trước đã luôn cố gắng để thành công, vượt qua bóng của người thầy của mình và rất nhiều anh chị đã làm được điều đó. Còn thế hệ đàn em cũng cố gắng không thua kém thế hệ đi trước (cái này thì chưa có kết quả, còn paxmotrim, hihi), đó là chuyển động của cuộc sống !



 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 30-08-2010 21:09





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s