KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 30 Tháng tám. 2010

Thăm quan Hà Nội (2)




Tác giả: NghiPH

CÔ IRINA VÀ CON GÁI THAM QUAN HÀ NỘI

Hạnh (Luật 80), Nghị (Luật 81)

 

Phần II

 

3. Ngày 22/7 - Thăm Làng Gốm Bát Tràng

 

Đáng lẽ ngày 22/7/2010 theo đúng kế hoạch cô và Vika sẽ đi thăm Vịnh Hạ Long- Di sản thiên nhiên thế giới mà cô đã được nghe các trò Việt Nam kể rất nhiều trong các giờ học tiếng Nga. Kế hoạch đã được vạch ra rất hoàn hảo: Vé trên tầu du lịch BAYA trên Vịnh đã được mua; Những người đi cùng cô đã sẵn sàng; Lịch trình đã được xác định, trong đó có một đêm nghỉ trên tàu với những chương trình mới nghe đã thấy thật hấp dẫn: Ngắm hoàng hôn huyền bí trên Vịnh, tiệc tối buffer lãng mạn, tập dưỡng sinh đón bình minh trên boong tầu, thăm các làng chài, chèo thuyền kayak, phơi nắng trên bãi Titốp, thăm hang “Sửng Sốt”- hang động đẹp nhất Vịnh Hạ Long…Cô Irina và Vika đã rất háo hức với chuyến thăm Vịnh Hạ Long. Ngay từ Sài Gòn và khi mới ra Hà Nội cô đã rất tự hào khoe: Cô sẽ được đi thăm Vịnh Hạ Long đấy!

Thế nhưng, trời lại không chiều lòng người. Trên tivi đưa tin hàng giờ về cơn bão số 2 sắp đổ bộ vào Bắc Bộ ( Cả Hà Nội gồng lên chuẩn bị chống bão với chiến dịch nhà nhà, người người đua nhau mua thực phẩm dự trữ). Cả buổi tối 21/7, điện thoại của “ban thường trực” (Châu, Ngọc, Chi Mai, Hạnh ) nóng ran bởi các cuộc trao đổi “căng thẳng” về việc ngày mai có nên đưa cô đi Hạ Long không. Và cuối cùng ý kiến của anh Châu là đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cô là điều quan trọng nhất đã thuyết phục được mọi người.11h30 đêm 21/7  quyết định cuối cùng được đưa ra: Ngày mai sẽ không đưa cô đi Hạ Long nữa. Tất cả mọi người ai cũng thật tiếc cho cô. Tuy vậy, sáng 22/7 những người sẽ theo cô đi Vịnh Hạ Long vẫn ba lô túi xách đến thẳng Khách sạn Hòa Bình - nơi mẹ con ở. Trên đường đến khách sạn, Hạnh và Chi Mai nhận được điện thoại của Công ty Du lịch: Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Ninh cấm mọi tàu bè ra Vịnh và vì thế chuyến tàu của cô trò Irina bị hủy. Công ty Du lịch sẽ hoàn lại tiền vé cho khách. Đến khách sạn thông báo tin không vui đó cho cô, cô và Vika tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Một ý tưởng được đưa ra chớp nhoáng: Đưa cô đi thăm Làng Gốm Bát Tràng. Mọi người lập tức hưởng ứng và cả đoàn rời khách sạn lúc 8h30. Đi cùng cô có Chi Mai (Toán 81), Hạnh (Luật 80), Vy (Luật 90), vợ chồng Điệp (Luật 88)- Dung (Luật 90). Sỹ Thanh lệnh cho lái xe của mình phục vụ cô trọn một ngày.

Tại Làng Gốm Bát Tràng cô đã được nhìn thấy cả một thế giới đồ gốm rất tinh xảo, rất đẹp, rất nên thơ, mang đậm hồn Việt, văn hóa Việt.

Cô trầm trồ khen những sản phẩm gốm mang đậm nét văn hoá Việt: những bức tranh gốm, lọ hoa, ấm chén, bát đĩa…Cô rất khâm phục tài nghệ của những thợ gốm Bát Tràng. Cô mê nhất bộ bát đĩa màu trắng vẽ hoa màu xanh lam. Và các học trò đã mua tặng cô một số đồ gốm mang về Kisinhốp làm kỷ niệm. Cô đứng hồi lâu ngắm lọ hoa màu bạc vẽ hoa hồng tỏ vẻ rất thích thú, tiếc rằng nó quá cồng kềnh để mang về Kisinhốp.

Trưa hôm đó các học trò đã “bắt” cô và Vika thưởng thức nhiều món ăn dân dã của Việt Nam tại Nhà hàng Sen- Tây Hồ đến no thì thôi, từ nem cuốn, bún riêu cua, bánh tôm, bánh xèo, bánh bột lọc, nem lụi…đến các loại chè sen, chè chuối, nếp cẩm…Cô nói: Cô và Vika tăng thêm đến vài ký lô từ khi sang Việt Nam, vì đến đâu học trò cũng “bắt”  thử bao nhiêu món ăn ngon của Việt Nam.

 

4. Ngày 23/7 - Thăm Việt Phủ Thành Chương

 

Trên đường đi Bát Tràng, Hạnh và Chi Mai đã nghĩ tiếp đến kế hoạch ngày mai sẽ đưa cô đi đâu. Ban đầu, Du lịch Tràng An- “Hạ Long trên cạn”- được đề xuất thay cho Hạ Long Bay. Tuy nhiên, trước thông tin về cơn bão số 2 tiếp tục diễn biến phức tạp, du lịch nơi sông nước vẫn làm mọi người lo lắng. Hơn nữa, Tràng An cách Hà Nội hơn 100 cây số cũng là một khoảng cách cần suy nghĩ cho sức khỏe của cô giáo. Vậy thì thăm một nơi nào đó mang đậm truyền thống văn hoá Việt Nam, nhưng lại phải gần Hà Nội, có lẽ là phù hợp hơn cả. Và Việt Phủ Thành Chương đã được chọn.

 Đưa cô và Vika đi thăm địa chỉ văn hoá Việt nổi tiếng này có Long, Hạnh (Luật 80), Chi Mai (Toán 81), Điệp (Luật 86),Vy (Luật 90). Sáng 23/7/2010 đoàn lên xe đi thăm Việt Phủ Thành Chương. Lần này làm tài xế cho cô và cả đoàn là Tiến Long (Luật 80).

 

Chỉ khoảng hơn một giờ đồng hồ là đến Việt Phủ Thành Chương. Đây là một địa chỉ văn hoá, tham quan du lịch nổi tiếng do hoạ sĩ Thành Chương (con trai nhà văn Kim Lân) bỏ ra rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền của, trí tuệ để tạo lập trong hàng chục năm trời.

Tại Phủ Thành chương cô và Vika đã đắm mình trong không gian văn hoá, nếp sống của người Việt vùng Bắc Bộ. Hoạ sĩ Thành Chương đã đưa về đây trưng bày nhiều kiểu nhà đặc trưng của gia đình nông dân Bắc Bộ, với các vật dụng rất thân thiết như, chõng tre, bàn nước bằng tre, cái cày chìa vôi, cái bừa, cái cuốc, cái mai, cái thuổng, cái dậm, cái lờ…

Trong Phủ có rất nhiều loại cây thường được trồng phổ biến ở vùng Bắc Bộ như: Đa, chuối,  mít, gáo, nhãn, mây, na, nhót, tre, si, sanh, phượng…

 

Tại đây trưng bày rất nhiều tượng phật rất cổ, có nhiều đồ gỗ cổ, đồ gốm cổ, đồ đá cổ. Có cả những các nón lá kiểu cổ. Cô và Vika rất thích thú khi đội thử chiếc nón quai thao.

Toàn bộ tranh vẽ treo tại đây là của chủ nhân- Họa sỹ Thành Chương.

 

 Cô Irina và Vika vô cùng ấn tượng và rất vui khi được đến thăm Việt Phủ Thành Chương.

Cô đã ghi vào Số lưu niệm của  Việt Phủ Thành Chương như sau:

 

Một bảo tàng tuyệt vời với bộ sưu tập tuyệt vời các bức tranh, các hiện vật cổ của Việt Nam.  Xin cám ơn!

Với tình yêu lớn và sự kính trọng,

Các công dân Moldavia và các sinh viên yêu quý của tôi đã học ở Liên Xô (Trường Đại học Tổng hợp Kisinhốp):

Xakare Irina

Xakare Viktoria

Nguyễn Tiến Long

              Nguyễn Văn Điệp

              Lâm Thị Minh Hạnh

              Lương Chi Mai

              Nguyễn Thị Vy

                   23/7/2010

 

Buổi trưa cô và các trò đã được thưởng thức một bữa cơm  mang đậm nét văn hoá ẩm thực vùng Bắc Bộ ngay tại Phủ Thành Chương với gà đồi, nộm rau tiến vua, cá chiên giòn…

Ăn cơm xong, cô và cả đoàn quay về Hà Nội để buổi tối cô còn đến dự đám cưới con gái chị Phạm Thanh Bình (Sinh vật 77) tại khách sạn Tháp Hà Nội- trên nền Hoả Lò xưa.

Trên xe mọi người cười nói rổn rang. Hạnh đọc bài thơ “Cánh buồm”- bài thơ nổi tiếng của Lermantốp- một bài thơ mà sinh viên nào cũng phải học trong giờ học tiếng Nga. Cô khen là vẫn đọc đúng ngữ điệu, lên xuống trầm bổng như các cô giáo Nga khi xưa đã dạy. Sau đó, Hạnh đưa quyển sổ chép các bài thơ Nga từ hồi còn học ở Kisinhốp khoe cô và yêu cầu cô đọc bài thơ nổi tiếng “Gửi K…” của Puskin. Cô cầm lấy quyển sổ thơ và đọc say sưa. Quá ấn tượng và xúc động trước cảnh một cô giáo Nga đọc thơ Puskin trên đất Việt Nam, Hạnh đã quay toàn bộ cảnh đó và sẽ chuyển cho Hội trưởng Ngọc để đưa lên Studentkgu.com. cho mọi người cùng xem.

Thế là gần bốn ngày Cô Irina ở Hà Nội với những chương trình, sự kiện đầy ắp cảm xúc. Nhưng cũng giống như ở thành phố Hồ Chí Minh, cô ấn tượng nhất ở sự kính trọng, yêu quý, sự tận tình, chu đáo của học trò Việt Nam đối với cô. Cô ngạc nhiên cả về khả năng điều hành công việc, xử lý tình huống của học trò mình, ngay cả khi ngồi trên xe ô tô. Và học trò đã thưa với cô rằng: Với học trò của cô Irina thì không có khái niệm “Không thể”. Cô nói: Cô rất tự hào về học trò của mình!

Ngày mai cô rời Hà Nội đi thăm và nghỉ tại Đà Nẵng- Hội An với gia đình các bạn Minh Châu, Sỹ Thanh, Ngọc Bình, Chi Mai.     

 

 

 

 

 

               

    

 

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 30-08-2010 21:09





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s