KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 27 Tháng một. 2013

Nhớ những tết xưa




Tác giả: Kim Thu

                                     


NHỚ NHỮNG TẾT THỜI THƠ ẤU 

Đến trung tuần tháng Chạp, Tết đã khí thế lắm. Trên phố, ngoài chợ, kĩu kịt những gánh hàng hoa đủ sắc màu. Hoa từ Nhật Tân, Nghi Tàm đổ về phố phường Hà nội. Những nhà chơi cây, đã sắm quất và cúc vàng. Đào thắm, đào phai kiêu sa trong các lọ lục bình, bày nơi phòng khách. Nhà tôi thì mãi đến sáng ba mươi mới có hoa. Người sắm hoa Tết, những năm chị em tôi còn nhỏ, là bố. Bố tôi là người sành hoa. Năm nào cũng có một cành bích đào. Tán rõ tròn, hoa nhiều chạt cả cành và đỏ thắm. Một vài cái lá non mỏng tang mới nhú đâu đó, lấm tấm một màu xanh mướt. Trước khi cắm cành đào vào lọ, bà nội còn đốt gốc của nó, để giữ cho đào tươi lâu.
Gài vào cành đào là một cái thiệp hồng với dòng chữ
 CHÚC MỪNG NĂM MỚI tươi roi rói. Trên bàn nhà ngoài, một bình violet xen với thược dược đỏ thẫm, 
vài ba đóa cúc nhạt và mấy bông hoa bướm. Tôi nhớ, Hà nội gọi đó là hoa rối. 

 Ngoài đường, trẻ con lăng xăng, đì đẹt với mấy quả pháo tép. Đốt hăng nhất là nhà phở Thơ, xế cửa nhà tôi, bên dãy chẵn. Chị em tôi theo lũ trẻ trong phố ra đầu Nhà Thờ mua pháo. Một hào năm quả pháo tép, mua của các bà bán lẻ. Pháo dây rẻ hơn, mà lại đỡ sợ. Tôi đứng với tờ một hào trong tay, băn khoăn tính toán: pháo dây thì mình tự đốt được, chẳng sợ. Nếu mua pháo tép, tôi lại nhờ anh Kỳ đốt hộ, rồi chạy ra một góc, bịt chặt hai tai lại. Thế thì mua làm gì! Tối đến, ra đường đốt pháo dây thích lắm. Có đứa còn vung lên, quay dây pháo, cho tia sáng ấy quét thành một vòng tròn. Cánh con nhà phở Thơ, còn có cả pháo thăng thiên. 
Các nhà hò nhau đi mua củi, đóm. Phải ra xưởng mộc 42, tận ngoài bờ sông, để chọn củi và đóng mùn cưa vào bao tải. Rét căm căm, sống áo thì mỏng mảnh, tềnh toàng. Thế mà hăng lắm. Củi chọn phải là củi tạ, nó mới chắc, đượm lửa và dư củi, nhất là để luộc bánh chưng. Mấy ông hàng mài dao kéo, cứ lượn lờ suốt, rao rõ mòn cả tai hàng phố: 
- Mài dao, kéo đê! Âm thanh ngắn, gắt, giọng nhanh và khỏe. Tôi nhớ mãi cái tiếng bác mài dao ấy. 
- Hai con dao phay, với hai con dao bài, hết bao nhiêu hả bác? ! Bà nội vẫy bác thợ mài dao lại, hỏi. 
- Xin cụ năm hào. 
- Nói thách thế thì chả kiếm được khách đâu bác ạ. Bà nội muốn mặc cả. 
- Ba hào, có mài thì tôi bảo cháu vào bếp lấy dao. 
- Vâng, thôi thế cụ cho con ba hào, mở hàng cho mau mắn vậy. 
Chị tôi vào bếp mang dao ra cho bác thợ. Thế rồi, các nhà trong phố ùa cả đến, vòng trong vòng ngoài. 
Sáng mai, bà nội thái thịt thủ và chân giò, chuẩn bị cho cái giò xào, nhà tôi thì vẫn gọi là giò thủ. Gói giò này phải khỏe tay, giò mới chắc. Bà nội gói khéo lắm. Lạt gói bánh và gói giò, bà nội cũng tự làm. Từ những ống giang to, dày mình, bà nội pha thành từng thanh vừa tầm, rồi chẻ lạt. Lạt mỏng, dài, óng chuốt , mềm mà dai sợi. Ngày ấy, bà đã 70 tuổi. 
            Dưa cải nén phải chuẩn bị từ đầu tháng. Bà nội nén lẫn với hành củ. Ra giêng, bà nội nấu dưa cải ấy với tý lòng già và tiết, chị em tôi lại chả đánh bay nồi cơm. Giáp Tết, tôi ngồi cắm cúi nhặt hành củ được vớt ra từ cái vại to. Cắt ngắn và nhặt bỏ bớt áo ngoài của nó, đến khi chúng trắng, hoặc hơi ngả màu xanh nhạt là được. Dưa nén và hành nén mà khéo chọn đá để lèn, sẽ không bị mùi kháng đá. Nhà tôi, bà nội dùng một cái vại con, chứa đầy nước thay cho đá nén. Su hào, cà rốt sắt con chì, bà nội phơi qua từ hôm trước, cho héo, rồi ngâm lẫn với củ hành nén. Ngoài Bắc mình vẫn gọi là dưa góp, một món không thể thiếu được trong những ngày lễ Tết, vì thức ăn ngấy mỡ. 
Nhà tôi thường gói bánh sớm hơn nhiều nhà hàng xóm. Bác gái và cô út là hai người gói bánh chủ lực. Con gái Hà nội, nên bánh trái, cỗ bàn, các bác, các cô tôi giỏi lắm, chả đến tay mẹ. Cô tôi thường mang lá dong ra máy nước bên Phủ Doãn để rửa, chắc đỡ tốn nước ở nhà. 

                                         
                                      

Nước máy mùa đông cũng ấm lắm, thế mà xong mấy buộc lá dong, tay cô cước đỏ ửng lên vì lạnh. Chính giữa gian nhà ngoài, bà nội trải một cái chiếu hoa to, để dọn chỗ cho việc bánh chưng. Nhà tôi không gói bánh bằng khuôn. Bác và cô tôi gói tay. Nhìn cái bánh chưng cao thành, lạt buộc đâu ra đấy, gói rất chặt tay, bánh sẽ chắc. Đến cái lá ngoài cùng, thì lật trái lá dong ra, màu xanh của mặt lá này khiến cái bánh chưng trông xanh hẳn lên. Bà nội không gói bằng đậu chín như nhiều nhà, bà bảo gói đậu sống, thì phải luộc kỹ, nhưng như thế nhân bánh sẽ đậm đà. Tầm sáu, bảy giờ tối, bắt đầu bắc bếp luộc bánh. Tôi còn nhớ cái thùng tôn ấy. Phải nói nó tốt thật. Cô tôi lót mớ lá dong xuống đáy thùng, rồi xếp bánh vào. Nước đã được đun từ những cái lò mùn cưa, để tiếp vào thùng bánh liên tục khi nó cạn. Chúng tôi lăng xăng từ chiều, vì biết thế nào mỗi đứa cũng được một cái bánh chưng xinh. Sớm mai ngủ dậy, tung tăng xách ra đường, bọn cái Hiền, cái Thuận chả chết mê. 
            Mấy chị em tôi ngồi áp vào thùng bánh đang sôi lục bục. Mắt hau háu đợi. Lửa hắt lên những khuôn mặt đỏ hồng, nẻ vì cái rét tháng Chạp. Mẹ phải bế các em tôi lên giường, vì chúng buồn ngủ rũ cả ra rồi. Bà nội ngồi trên giường têm trầu, cùng trông chừng thùng bánh chưng đang luộc. Tôi lấy bộ tam cúc cạnh âu đồng của bà ra, trang bài lên. 
- Chơi tay ba nhé! Bà hỏi, vì biết thế nào Vân cũng vào đánh một chân. Bà nội chơi tam cúc thật sịn. Rất nhớ bài và biết cách lừa đối thủ. Cô tôi vùi vào đống lửa mấy củ khoai tây. Một lát, cô mang vào cho bà cháu. Nó thơm quá, ngọt nữa, vì khoai đã héo. Có năm, cô nướng cả mía, rồi tiện từng khúc nhỏ, bồi dưỡng “canh bạc” của bà cháu tôi, giết thời giờ lúc chờ luộc bánh. Năm nào cũng dịp này, ngồi trông bánh chưng luộc, bà cháu tôi lại đánh tam cúc mãi tới khuya. Bây giờ hiện đại lên nhiều. Dịch vụ kinh doanh mọc lên nhan nhản, chả còn mấy nhà ngồi luộc bánh chưng như ngày xưa nữa. 
Gần sáng, thì bánh đã được. Mẹ và cô tôi xếp bánh lên cái phản, rồi đặt một tấm ván mỏng lên trên, sau đó đưa lên một tấm gỗ nữa, ép bánh, cho ráo nước. Những cái bánh chưng con, mẹ chia cho chị em tôi, chẳng đứa nào bóc, muốn để dành, còn khoe bọn phố. Mẹ tôi biết ý, nói với bà nội: 
- Những cái để lễ và ăn sau này, con treo bên trong bà nhé. Bánh bên ngoài này, dễ lấy, để bà cháu ăn ngay. 
Hàng Tết mẹ đã mua xong từ hôm trước. Măng khô cô tôi gửi từ Đồng Đăng về, ngon đặc biệt. Ngày nào bà cũng nhắc: 
- Nhớ chắt lại nước gạo để ngâm măng. 
Bây giờ, măng đã đỡ cứng hẳn. Bà nội luộc nó với ngọn lửa nhỏ, vừa đủ cho măng thật mềm. Rồi chặt chân giò nấu nồi canh măng. 
               Đến chiều Ba mươi, cái Tết thật sự đã đến với mọi nhà. Dao thớt loảng xoảng, trên nhà dưới bếp, không khí tất bật, náo nhiệt hẳn. Mùi trầm, mùi hương nhang lan tỏa trên bàn thờ. Cái thơm hăng hắc, độc đáo của cây mùi già trong nồi nước tắm tất niên. Mùi ngai ngái của măng khô vừa luộc bỏ nước cũ. Rồi cái vị chua của dưa nén, hành nén được bầy trên đĩa. Mùi bánh chưng mới thơm bốc khói. Và không thể thiếu được của những cái Tết xưa, đó là khói pháo. Vừa khét nhè nhẹ, vừa thơm phảng phất - hương vị độc đáo ấy in dấu kỷ niệm trong lòng hết thảy chúng ta. Dù hôm nay đây, Tết đã hiện đại lên nhiều và ngưng hẳn không còn bóng dáng những quả pháo hồng. 
Bấy nhiêu ấy liệu đã đủ để họa lại bức tranh ngày Tết Việt Nam. 
Bấy nhiêu ấy khiến ai mỗi độ Tết về, mà buồn nhớ nhà đến nao lòng... 
              Xác pháo bay lả tả dưới lòng đường. Đêm nay thì phải biết là riết tai vì pháo nổ. Chuông Nhà Thờ Lớn vừa điểm 12 tiếng, thế là pháo Tết bắt đầu. Pháo nổ đinh tai nhức óc. Pháo như những tràng liên thanh, văng vẳng ở các phố xa. Rồi bỗng “đoàng” một cái, một quả pháo đùng làm giật thót cả người. Pháo thi nhau thả mình, thể hiện. Những nhà buôn bán làm ăn, treo hàng mét pháo trên ban-công, đốt chơi cho thiên hạ biết tay. Nhà này đang đốt, căn bên cạnh chưa đốt vội, họ muốn pháo của họ được sô-lô. Nhà này đốt một mét pháo, nhà sau phải đốt mét hai, với số pháo đùng, pháo cối nhiều hơn. Tôi chứng kiến mãi thói quen ấy của hàng phố. Bố chỉ đợi bà nội xong cái lễ Giao thừa, sẽ đốt bánh pháo được chuẩn bị từ chiều. Mẹ ôm chặt con mèo vào lòng, vì sợ cu cậu quá hãi, sẽ chạy mất. Từ chiều, mẹ đã lo xong đám sống áo mặc Tết cho chị em tôi. Tôi nhớ có một cái Tết, chị tôi khóc mãi, chỉ vì cái áo. Nó là một cái áo nhung may theo kiểu vét của người lớn, kẻ nhung nằm ngang, với hai túi đứng. Thông thường áo nhung cho trẻ con may theo dọc kẻ của miếng nhung, có chun ngang thắt lưng và đường viền cổ thêu rất nổi. Cái áo nhung này dành cho chị tôi, nó lại màu cánh sen, nom nó già thật ! Chắc mẹ mua rẻ được của ai. 
            Năm nào cũng thế, chiều Mồng Hai Tết, bố mẹ cho chị em tôi đến nhà cậu Phi, chúc Tết ông bà Sinh-Từ. Mẹ mặc áo dài quần trắng, với một cái áo vét đã cũ, từ dạo tiếp quản Thủ Đô, tóc búi trễ tràng, duyên dáng. Bố đèo tôi và Vân, hôm nay bố diện bộ quân phục dạ màu rêu, trên ngực lấp lánh cái Huân chương. Mẹ và ba chị em sẽ đi bằng xích lô. Bác xích lô đã ghé mũi xe vào bậc hè, mà chị tôi còn đứng lì trong sân, sụt sịt khóc. 
- Nga có đi không nào? Mẹ gọi với vào trong nhà. 
- Đi nhưng mà không mặc áo nhung này đâu. Chị tôi ra điều kiện. 
- Rét con ạ. Mặc tạm, rồi đến nhà ông bà, con cởi nó ra cũng được. Mẹ dỗ dành chị. 
Chị nghe ra, leo lên xe, ngồi cạnh mẹ. Có lẽ con chim đầu đàn nào cũng thế, luôn tuân thủ và chấp nhận mọi hoàn cảnh éo le. 

                                               
                                  

Năm 1964, tôi nhớ cái Tết ấy, vì năm sau đã sơ tán khỏi Hà nội cả rồi. Tết ấy nắng ấm. Bà nội cứ bảo, thế này thì hỏng hết bánh trái, thức ăn. Mẹ mua hai cái sơ-mi trắng của Đức Hạnh cho tôi và Vân, hàng pô-pơ-lin Tiệp trắng nõn, cổ lá sen tròn thêu rất đẹp. Nhưng Vân có thêm một cái áo len cộc tay đỏ nữa, mẹ đan nó gấp trong mấy tối giáp Tết. Chiều Mồng Một Tết, trẻ con đã được ra đường. Chúng tôi chưa được phép sang bất cứ nhà nào, kiêng cữ cái sự “xông đất”. Chợt chị Phúc bên hàng xóm ra cửa, nhìn Vân nói: 
- Phải mặc như Vân chứ, Tết ai lại mặc sơ-mi. 
Tôi chạy vụt về nhà tìm mẹ, phụng phịu: 
- Mẹ, Tết ai lại mặc sơ-mi ?! 
- Ai nói con thế? Mẹ hỏi dồn. 
- Chị Phúc ! Chị nói phải có áo len như Vân mới đúng. 
- Áo sơ-mi của Vân bị dài, con hiểu không. Mẹ phải dắt nó vào trong quần cho Vân, vì thế mẹ đan cho em cái áo len cộc tay để che đi. Áo của con vừa vặn rồi, cần gì nữa đâu. 
Năm ấy, tôi mới học lớp Ba. Làm sao tôi hiểu nổi cái thiếu thốn của người mẹ với năm đứa con, mỗi dịp Tết đến. Lúc đã lớn, tôi mới thấm lời giải thích khéo léo ấy của mẹ. 
           Bà nội đã mặc xong áo dài. Cái áo dài bông màu nâu non của bà, năm nào tôi cũng thấy. Có dễ đến mấy chục năm sau này, nó cũng chả sờn, chả rách gì cả, vì bà giữ gìn và nâng niu nó lắm. Trên bàn thờ, nơi cao nhất là bức hình Đức Phật bà Quán Thế Âm, trong tay với bình nước Cam lồ và trên đầu một vầng hào quang rực rỡ. 
Dưới nữa là ảnh cụ bà, bố tôi gọi bằng bà nội. Rồi ảnh ông nội tôi, đầu đội khăn đống, áo dài the đen. Và thấp nhất bên tay phải là ảnh chú Sơn, con trai nhỏ của bà. Bộ đỉnh đồng đã được cô tôi đánh bóng từ chiều hôm trước, sáng choang. Hai bình hoa huệ cao vút, trắng một màu thanh khiết. Chính giữa là lư hương nghi ngút khói. Đĩa ngũ quả năm nào cũng có trái Phật thủ. Ngoài hoa cắm trong bình, bao giờ lễ, bà nội tôi cũng có hoa đĩa, đấy là mẫu đơn, ngọc lan và lan vàng. 
Đĩa xôi gấc đỏ tươi bày cạnh con gà trống hoa, vàng mỡ, mỏ nó còn ngậm một nụ hồng tươi rói. Sau lễ tạ, bà nội nhờ người xem chân gà để biết tiên lượng cho năm tới. 
Trưa ngày Ba mươi, tôi ngồi xem chị đánh gấc với rượu, chuẩn bị đồ xôi. Cắt đôi quả gấc ra, bên trong một màu đỏ sẫm, gấc nếp mà, đẹp lắm. Chị lấy thìa múc ruột gấc vào một bát sứ to. Bà nội đã chiết sẵn cho chút rượu trắng. Đổ rượu vào gấc, rồi đánh cho nhuyễn. Bây giờ cái màu đỏ của gấc đẹp lên gấp bội. Khó có màu vẽ nào sống động được như thế. 
Sau bữa cơm chiều Ba mươi, mẹ dặn chị em tôi, sớm mai Mồng Một, đầu tiên là mặc đồ đẹp, rồi đến mừng tuổi bà nội. Mẹ dặn chúng tôi phải vui tươi, không nói to, không tranh cãi gì hết, kiêng cữ mọi sự đổ vỡ... Tất cả cho một năm mới an lành. 
Có một năm, sáng ra Mồng Một, chị em tôi đến giường bà nội chúc Tết, lúc bà vừa xong phần Niệm Phật. 
- Năm sớm, cháu mừng tuổi bà, được bằng năm, bằng mười năm ngoái. Chị tôi xích lại gần bà nội, chúc bà như vậy. Người lớn trong nhà bật phì cười. Chắc chị đã học lỏm câu mừng tuổi ấy của các bà khách dịpTết trước. 
Còn tôi và Vân, sau lúc mừng tuổi bà nội, bao giờ cũng nán lại vài phút. Đợi bà lần cái hầu bao dưới vạt áo cánh, tìm tiền lẻ. 
- Này, bà mừng tuổi ! Học hành tấn tới, mỗi năm một lớp nhé. 
Và thế nào cũng kèm theo đó tờ một hào. Đồng một hào màu đỏ hồng. Đồng hai hào màu xanh lá non. Đồng năm hào màu nâu, trên hình là những cô thợ dệt với những búp sợi cắm trên máy dệt. Còn tờ một đồng, chả mấy khi được cầm, nên tôi đâu nhớ nó. 
Thế là đến ngày Mồng Ba, chị em tôi đã rủng rỉnh khối tiền mừng tuổi. 
Sáng Mồng Một Tết, ngoài đường vắng tanh, vắng ngắt. Suốt các dãy phố rợp một màu cờ đỏ sao vàng. Lát nữa đây, người đi sẽ dẫm lên xác pháo hồng, chúng rải lên nhau, phủ kín lòng đường một màu đào phai. Những năm mưa phùn thì đường xá lầy lội lắm, đi không khéo, bùn bắn đến tận lưng áo. 
           Trước Tết một tuần, bố gọi chị em tôi ra đo chân. Bố vẽ khéo lắm, đồ lại hình bàn chân từng đứa, thế là chị em tôi biết sắp có guốc mới diện Tết. Bố thường mua guốc của mấy gánh hàng dọc Đường Thành, xế rạp hát Hồng Hà. Những đôi guốc cho con trai, dáng guốc thẳng, nhưng cũng sơn màu, vẽ hoa, quai đóng nằm ngang. Những đôi guốc cho con gái thì thật xinh xắn, kiều diễm, tôi còn nhớ chúng như in. Cũng gót cao tân thời, quai đóng chéo chênh chếch, trông thật duyên dáng. Có đôi sơn hồng nhạt, lòng guốc vẽ hoa đỏ. Có đôi sơn màu trắng sữa, lòng guốc vẽ hoa vàng. Giá như bây giờ, thì lại bị chê là thèo đảnh và hàng rởm, đi không khéo ngã trẹo chân. Thế mà ngày ấy, với chị em tôi, những đôi guốc ấy sao thấy yêu, thấy nâng niu thế, chả ngã, chả đau chân gì hết. 
Cơm nước chiều Ba mươi xong, cô tôi xoay trần ra lau nhà và phảy mạng nhện. Cô lau cho tới khi những viên gạch già đỏ lên như son. Cô đi xem lại hết lượt, nước đã đầy chum chưa. Âu đồng, ống nhổ của bà nội đã đánh sạch chưa. Bình vôi của bà nội, cô đã tôi sẵn từ tuần trước, vì biết bà vẫn dạy: 
                           
                           “ Đầu năm mua muối 
                             Cuối năm mua vôi “ 

Trưa Mồng Một, nhà tôi có lễ chính. Bác gái và cô tôi lại vào bếp. Tôi ngồi xem mẹ và chị tỉa hoa su hào, cà rốt. 
Mâm cơm lễ sáng Mồng Một của nhà bao giờ cũng có đĩa xôi gấc, đĩa gà luộc, bát canh măng, bát miến gà, bát canh nấm,bát bóng xào, đĩa giò lụa, đĩa giò thủ, đĩa bánh chưng, đĩa nem rán, đĩa nem chạo, đĩa xào giả hạnh nhân, đĩa nộm, đĩa chè kho và bát cơm cúng kèm theo chén muối.
Cô tôi xếp thịt gà đã chặt vào đĩa nhỏ, rồi úp nó sang cái đĩa tây to. Bây giờ trông nó đẹp lắm với lớp da gà vàng óng bên trên. Cô thái nhỏ tăng mấy lá chanh non, rồi rắc lên đĩa thịt. 
Bà nội dặn khi lễ : Bánh chưng phải bóc, chai rượu phải mở nắp và rót ra ly nhỏ, nếu không phải tội chết. 
Tôi đứng cạnh bà suốt lúc bày cỗ. Rồi lùi lại phía giường, xem bà cúi đầu trang nghiêm lễ trước ban thờ. Lâu lâu, bà lại đánh lên một hồi chuông. Âm thanh ấy ngân cao một lúc, rồi tan vào thinh không, trong hương thơm ngào ngạt của khói nhang ngày đầu năm. 
              Trưa ngày Mồng Một, cơm nước xong, chị tôi xúc lại bộ ấm chén, đặt cạnh lọ hoa thập cẩm. Cô tôi đã rang hạt bí từ chiều hôm trước, đựng nó trong cái hộp bích quy cũ. Bố bày thêm bao Tam đảo bên cạnh cái gạt tàn nhôm.Tôi mê nhất đĩa hạt dưa nhuộm màu hồng điều, cắn nó tí tách, đôi môi hồng lên màu phẩm . 
Những năm không rét quá, tối Mồng Một Tết, chị em tôi được mẹ dẫn ra Bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Mẹ con chỉ dám đứng từ xa, xế cửa hiệu Phú Gia, vì đông lắm, chen nhau đến bẹp ruột. Chiều mai, ở đây có lướt ván. Đám trẻ trong phố tôi sẽ đi rõ sớm, để có chỗ ngồi sát hồ. Những lần ca-nô chạy gần bờ, sóng hồ đánh lên ác lắm, nước bắn cả vào người ngồi xem, cả bọn lại ré lê cười khoái trá. Về sau này, môn thể thao rất độc đáo ấy cũng không thấy được biểu diễn trên hồ nữa.
Trưa Mồng Hai, các bà, các bác trong phố đã kéo sang chúc Tết. Bố mẹ tôi cũng chia nhau sang mấy nhà hàng xóm, đáp lễ ấy đầu năm. Bố tôi chả uống rượu bao giờ, thế mà lúc về cũng hơi khươn khướt. Mẹ thì nhai trầu, môi thắm như son và gương mặt ửng hồng vì say vôi nồng. 
             Chiều Mồng Hai, ngoài đường người đã đi lại nườm nượp như mắc cửi. Vợ chồng sống bên nội, bây giờ đưa con về bên ngoại ăn Tết. Những cặp sống bên ngoại, thì nay bầu đàn thê tử đưa nhau về bên nội đầu năm. Cứ vậy, như đèn cù.  Phố xá vui tưng bừng cả với màu áo lòe loẹt của bọn con nít, phần lớn là áo nhung màu đỏ và màu cánh sen.Trên ghi-đông xe đạp buộc những quả bóng bay với đủ các màu sắc. Các cô cậu bé con, môi miệng đỏ chót vì thổi bóng bay. 
Hàng quà Tết bắt đầu hoạt động. Đầu tiên phải nói đến thịt bò khô. Tôi không bao giờ quên cái xe đảy của bác bán hàng ở Bờ Hồ, trước cửa rạp Hòa Bình cũ, giáp với Đinh Tiên Hoàng. Bác cầm cái kéo trong tay sắp sắp, cho nó kêu loảng xoảng và miệng rao lớn: 
- Thịt bò khô, thịt bò khô nào ! 
Qua kính tủ, nhìn thấy một núi đu đủ xanh được nạo thành sợi, trắng nuốt. Thịt bò khô được ép mỏng, màu nó sẫm như vỏ táo tàu. Thịt được cắt khéo lắm, mỏng tang. Món thịt bò khô nó ngon ở nước giấm chua ngọt, cay đủ độ. Nó ngon nữa, vì các khách tí nhau chỉ nhận được một lượng rất ít, vỏn vẹn trong cái đĩa nhôm bé tẹo, nông choèn choèn. Ăn rồi, ăn nữa, mà vẫn cứ thòm thèm, hít hà vì cay xé lưỡi.

                                           

Hai bên vỉa hè cơ man nào là hàng táo dầm, hàng bưởi, kem chanh, a-tề-cố, lục tào xá và kẹo bông. Người ta vẫn bán pháo. Pháo rời, pháo còn cả băng, pháo dây, pháo đùng... bầy cao ngất trên những cái mẹt. Vẫn hấp dẫn các cậu khách tí hon như những ngày trước Tết. 
Táo to, chín vàng, chua dôn dốt được dầm trong những cái thẫu thủy tinh tròn. Tôi nhớ, cứ ăn xong thịt bò khô, đi ngang qua hàng táo dầm, lại 
chép miệng: 
- Biết thế, thà để tiền ăn táo dầm còn hơn. 
Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, người như nêm như cối, nhất là trẻ con. Bến tàu điện xế Cửa hàng 12 Bờ Hồ, rợp trời với đủ các màu sắc của bóng bay. Cả một năm, người bán hàng chỉ trông mỗi vào dịp này. Trẻ con, đã đi ngang qua đây, thế nào cũng ỉ eo cha mẹ bằng được, để mua bóng bay, cầm nó ngất ngưởng trong tay, với gương mặt thật là mãn nguyện. Tàu điện đầy ắp khách, chả có chỗ ngồi, chỉ đứng, tàu chạy rồi, người còn bám lửng lơ bên ngoai. Bờ Hồ đi Mơ, Bờ Hồ đi Bưởi... Cái tiếng tàu leng keng chốc chốc bị át hẳn vì một bánh pháo dài nổ rõ đanh, rõ đinh tai. 
               Tôi bắt đầu nhấp nhổm với vài đồng mừng tuổi. Tính chuyến này thuê xe đạp chạy cho bõ thèm. Bên Phủ Doãn, nhà ông Khóa có cái cửa hàng. Ở đây ông bán phụ tùng xe đạp, thay nan hoa, đột xích, vá xăm lốp, cân vành... đủ cả. Ông lại còn có tới ba cái xe đạp con nữa, để cho lũ trẻ thuê. Những cái xe xinh lắm. Có chuông, phanh, gương cẩn tó, yên xe thấp vừa duýt cho những đứa trẻ ở độ tuổi tôi ngồi, chân chả hề bị chới với. Nhưng chúng cũ quá, nhìn chẳng biết là màu gì nữa. Có chăng, chỉ còn thấy được cái màu sơn chống rỉ. Tôi học với thằng Huy, con trai ông. Mỗi lần sang thuê xe, thấy tôi ở cửa, thằng Huy lỉnh vào trong bếp ngay. Cu cậu có ý thẹn. Cứ một hào, sẽ được chạy hai mươi phút, nhưng phải mang sổ Liên Lạc sang đặt cọc. Ngày mai Mồng ba, chả biết ông Khóa đã mở hàng chưa?! 
Có một năm, vào chiều tối Mồng Hai Tết, vừa ăn cơm xong, tôi và Vân lại rủ nhau đi ăn phở. Trong ngõ Tạm Thương bấy giờ có một gánh phở nổi tiếng. Tôi biết nó, vì đã được bố đưa đi ăn hồi trong năm, lúc tôi bị cảm cúm. Ngày trước, ốm mới được ăn phở. Khốn nạn, nghèo quá ... 
Khi vào đến nơi, đã thấy vòng trong, vòng ngoài. Khách hầu hết là lít nhít như chị em tôi. 
- Bác ơi cho cháu hai bát, bát nhỏ thôi bác nhé! Tôi dõng dạc gọi hàng. 
- Chúng mày có bao nhiêu? Bác hàng phở hỏi. 
- Có năm hào bác ạ. Tôi xòe tờ giấy bạc ra cho bác ấy tin. 
Chúng tôi ăn không phải vì đói, mới vừa xong bữa cơm chiều mà. Ăn để lấy cái oai, rằng đã tự trả được tiền. Ăn để có một khẳng định rằng mình đang sở hữu một chút tiền tệ. Cái hồi nhỏ, cái hồi thiếu thốn, suy nghĩ nó như vậy. 
Chiều Mồng Ba Tết, bà nội đã sửa soạn áo dài, khăn nhung, sang chùa Lý Quốc Sư lễ đầu Xuân. Bố tôi gắn vào ngực áo bông của bà cái Huân chương kháng chiến, nom oách lắm. Thế nào chiều về, chị em tôi cũng có khối phẩm oản của nhà chùa, quà của sư bác tặng bà. 
Oản nếp, dẻo và thơm, trông nó cao như cái chén tống. Oản bột cũng to như thế, nhưng đóng trong giấy bóng kính màu, nhìn rất hấp dẫn. Có Tết, tôi được lên chùa đi lễ với bà nội. Bà bỏ dép ngồi trên chiếu đọc kinh, còn tôi cứ bẽn lẽn đứng tít ở góc ngoài. Tiếng mõ chậm rãi, khoan thai gieo vào lòng người một thoáng buồn mơ hồ, giữa cái trang nghiêm thanh tịnh nơi cửa Phật. 
              Ngày Mồng Bốn Tết, nhà tôi có dỗ cụ- bà nội của bố. Ngoài các món như cỗ bàn hôm trước, hôm nay bác tôi nấu chè làm món tráng miệng. Quấy xong nồi chè sen, bác tôi múc ra các bát nhỏ. Những cái bát ấy, bác đã hơ nóng bằng mấy viên than củi, rồi úp chúng vào hoa tươi. Có cái hoa ngâu, hoa sói. Có cái hoa nhài, hoa lan. Cái khác lại mang vị hoa hồng. Đến khi múc chè vào bát, mỗi người ăn lại reo lên đúng cái hương thơm đặc biệt của bông hoa có trong bát mình. Về sau này, tôi chẳng thấy mấy nhà, còn có được nồi chè với một nghệ thuật ẩm thực sắc sảo như thế nữa. 
Ngày mai Mồng Năm Tết, dòng người lại đổ về hướng gò Đống Đa, ôn lại chiến trận hào hùng năm xưa của vua Quang Trung. 
Chị em tôi theo bầy trẻ vào núi Nùng. Tết đến, ở khu này thật là ngoạn mục. Năm nào tôi cũng mua Giấy-Thơm về làm kỷ niệm. Nó nhỏ, một chiều ba phân, chiều kia chừng tám, chín phân, bằng một thứ giấy cứng, màu trắng, trên in hình đàn bướm nâu, đôi chim nhạn, mấy con hạc cao chân, hoặc khóm trúc vàng... và đặc biệt là thơm, thơm lắm. Tôi hít nó từ lúc mua, tới lúc về nhà, rồi ép nó vào cuốn vở. 
Sang ngày Mồng Sáu, Tết đã nhàn nhạt. Chị em tôi cứ hỏi bà, bao giờ thì những quả đào bé tẹo trên cành đào sẽ lớn lên , sẽ ăn được...
Bà nội mua mớ cần về om với con trắm nhỏ, thay đổi hẳn những món cỗ bàn ngày Tết. Học sinh lại đến trường. 
Và dọc hai hè phố, pháo Tết vẫn bầy cao ngất, vẫn hấp dẫn đám các cậu học trò.
            Màu hồng của pháo Tết, sắc thắm của hoa đào cùng với màu đỏ của lá cờ sao, cứ  vương vấn trong tôi, khiến lòng chao đảo, cồn cào và da diết nhớ nhung, mỗi độ Tết đến, Xuân về. 

Cologne 26.01.2013
 

         


 

 

 

 

 

 

 

 

         



Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 27-01-2013 20:08






Xem 21 - 30 của tổng số 33 Comments



Từ: HuyenBT
31/01/2013 00:00:41

Ồ, nếu là Guest Khach 07 (mà tại sao lại không là Agent 007!), thì chị phải ra chào hỏi ngay, thấy bí ẩn quá, chưa đoán ra là ai.


"Nói có sách, mách có chứng!", hãy xem cành Đào Moldova đón Tết ta này!



Từ: Guest Khach 07
30/01/2013 23:42:32

Cái cách mà chị HuyềnBT tạo ra cành hoa đào nở giữa mùa đông lạnh giá kỳ công quá, hấp dẫn quá!



Từ: HanhLM
30/01/2013 11:14:35

Ngày xưa nhà em ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Em vẫn nhớ là mỗi khi Tết đến Xuân về là mấy mẹ con lên Hàng Ngang, Hàng Đào mua đôi tranh Cá chép đớp trăng về dán lên tường. Rồi hoa thì chỉ "rặt" một kiểu lọ hoa "đại hội" gồm lay ơn, thược dược, đồng tiền đơn, violet. Rồi hò nhau dỡ cửa sổ (thường là cửa "trong kính, ngoài chớp") bê ra bể nước công cộng để rửa. Rồi xe đạp được "lật ngửa" ra lau lau chùi chùi, bơm dầu tra mỡ. Rồi bê chậu lá dong ra vòi nước để rửa. Trẻ con té nhau ầm ĩ.


Buổi tối cả mấy nhà quây quần bên nồi bánh chưng nấu chung ở mảnh đất giữa hai dãy nhà. Sáng ra bánh chín, trẻ con hớn hở chờ vớt ra những cái bánh chưng bé xíu tự gói.


Cám ơn chị Thu rất nhiều! Chị đã cho mọi người có những phút mơ màng nhớ về ngày xưa với những kỷ niệm đơn sơ thật đẹp.



Từ: HuyenBT
29/01/2013 21:17:12

Tiếc quá chị Hạnh nhỉ, bây giờ chẳng còn  mấy những bó hoa xuân. Thế mà hồi ấy, em đã nghĩ cái gì có thể mất đi chứ cành đào và bó hoa tết sẽ nhất định còn mãi. Cành đào thì trang nghiêm, uy nghi, lộng lẫy, còn bó hoa tết thì tươi tắn, rực rỡ, thân thương, làm không gian vừa gần gũi, ấm cúng, vừa lung linh sắc màu, cứ như có cả hương trời, sắc nước trong đó, nó làm mùa xuân mềm mại hẳn. Em thì vẫn sắm cho nhà mình bó hoa xuân ở bên này. Dẫu không phải là thược dược, violet, hoa đồng tiền, hoa bướm... thì cũng là ngũ sắc hoa tây. Em cũng có cành đào nở hoa giữa mùa đông tuyết lạnh đấy. Một tháng trước tết em nhờ cậu nhân viên ra cánh đồng đào, cắt mấy cành đẹp nhất (lội ngập trong tuyết để tìm một dáng Đào thế), mà chỉ "mô phỏng" thế thôi, cành cây bên này thẳng đuột. Về cắm trong bình nước lớn, nước nóng, và đặt trong phòng mở hết cỡ lò sưởi, còn thắp bóng đèn cả đêm cho nó trổ lộc, ra hoa. Năm nay nó nó sớm quá, hôm nay đã nở bung rồi. Lại phải hạ nhiệt độ trong phòng, và không đổ nứớc nóng hằng ngày nữa. Có lúc nghĩ mình cũng có tội, đi chặt cây, phá mùa màng. Nhưng cậu nhân viên, không biết nói thật hay để an ủi, mà giải thích rằng: đằng nào thì nông dân cũng tỉa cành, đốn cành, để cây tập trung ra hoa, làm quả....Cũng thấy yên lòng đôi chút, nhưng khi nhìn những cành đầy hoa, rồi kết thành những quả đào non như cái nút áo bông màu xanh biếc, lại thấy áy náy tiếc. Để lúc nào em chụp ảnh, em post lên.


À, mà các thầy cô KGU đã gọi điện cho em, ôn lại kỷ niệm tết với sinh viên VN ngày xưa, trong đó có nhắc đến những cành đào tự biên, tự diễn, nghĩa là cắt giấy hồng thành bông hoa đào rồi dán lên cành mùa đông khẳng khiu.


 Một lần nữa em cảm ơn chị Kim Thu về không khí tết chị gửi đến nhé! Hết tết, chị cất bài viết này đi, năm sau gần tết lại mang ra, cho em lại được thưởng thức tết từ xa nhé!



Từ: HanhLT
29/01/2013 19:43:40

@Huyền quên mất vụ hoa, hoa thuỷ tiên vẫn có, hoa bó cũng thế nhưng không nhiều có lẽ do ít người mua chăng?



Từ: HanhLT
29/01/2013 19:40:38

@Huyền-Bây giờ những nhà còn giữ nếp nấu cỗ cúng GT, mùng1,2,3 không còn nhiều.Với mâm cỗ 4 bát6 đĩa thì 3 ngày tết quả là ác mộng với phụ nữ, hơn nữa bây giờ lớp U6,70 như bọn chị cũng phải đơn giản đi nhiều vì 2 lý do: mệt và có nấu ra cũng không có người ăn.Có lẽ dần dần Tết cũng sẽ đơn giản  để phù hợp với XH đang ngày càng hiện đại,thanh niên bây giờ thích được nghỉ ngơi mấy ngày tết hơn là chui vào bếp nấu nướng...và rửa bát.Năm nay KT khó khăn,chỉ còn hơn chục ngày nữa là tết xong không khí ở HN cũng trầm lắng lắm, có thể sát tết mọi người mới có khí thế chăng?



Từ: HuyenBT
29/01/2013 17:36:33

Mấy anh chị Hà Nội ơi, bây giờ hoa tết  có những gì? Ngoài cành đào, cây quất, rồi cây Phật thủ , cả cây gì đó có 5 loại quả (em đọc báo thấy nói thế), có còn bó hoa tết như ngày xưa nữa không? Bó hoa nhiều loại , nhiều màu, trong đó rất hay có bông thược dược, (hồi nhỏ em không thích thược dược lắm, vì nó nở toe toét, sao chẳng thấy duyên gì, nhất là  khi đứng một mình), nhưng khi nhìn nó đứng chung trong bó hoa xuân nó làm cho không gian tươi tắn hẳn lên. Em còn nhớ hoa violet  tím đến thăm thẳm, bao giờ cũng bó chung với mấy bông đồng tiền đơn đỏ thắm. Bây giờ còn những bó hoa ấy nữa không ạ? Và không biết có ai chơi hoa Thuỷ tiên nữa không?... Rất nhớ!



Từ: HuyenBT
29/01/2013 17:24:49

Còn em thì đang đón Tết sớm với bài Tết xưa của chị đây. Cả mấy ngày nay em nhâm nhi không khí tết quê nhà, đặc biệt là tết trên đất Bắc. Hôm trước em hỏi MM chuẩn bị tết đến đâu rồi, chị ấy trả lời đúng như cái com ở dưới-(tết ở SG). Em quay ra tự tưởng tuợng tết của Hà nội. Chắc phải hỏi lại mấy chị MK xem mâm cỗ tết 4 bát, 6 đĩa nấu như thế nào. Ước lần nào đó lại được hưởng không khí bận rộn tíu tít, tâm trạng vừa nuối tiếc thời gian vừa hồi hộp về một điều tốt lành sẽ đến trong năm mới...và tự tay nấu một mâm cỗ tết thật ngon, thật đúng hương vị.


Em cảm ơn chị Kim Thu đã gửi đến hương vị tết, mùi và vị của quê hương mình. Những người đang xa xứ như chị em mình, Tết còn là nỗi nhớ mong nữa, phải không? Vì thế mà rất dễ cảm nhận từng chi tiết nhỏ, từng tâm trạng, từng sắc màu. Em đọc trong bài viết không chỉ là "những ngày tết", mà còn là nỗi lòng người viết đấy, thắc thỏm nhớ, , nghèn nghẹn nhớ... Em quý từng câu, từng chữ trong bài viết này!



Từ: Meomun
29/01/2013 07:40:46

Cám ơn chị Thu có bài viết đưa mọi người về "những ngày xưa thân ái". Hồi còn nhỏ, em chỉ nhớ nhất là vào ngày cuối năm, mẹ em nấu nồi nước lá mùi già cho cả nhà tắm tất niên. Pháo Tết nổ từ sáng đến khuya làm mấy chú chó hoảng sợ cụp đuôi trốn mất...Bánh chưng thì chỉ từ ngày vào Nam thì nhà em mới gói. Bây giờ, ngày Tết cũng chẳng muốn mua sắm, bày vẽ làm gì vì mồng 2 là đã có chợ. Tết chẳng có ai đến nhà và mình cũng không đến nhà ai, trời thì nóng...



Từ: KhanhT
28/01/2013 15:30:14

Cảm ơn Thu, nhớ Tết Hà Nội quá, dù rằng nhiều thứ Tết Hà Nội nay không còn giữ được nữa như pháo chẳng hạn, và có cái bây giờ ít đi nhiều lắm như gói bánh chưng... trộm vía Cụ Kiệt, nếu không cấm pháo ngày ấy thì bây giờ chắc pháo Tàu nổ khắp Hàng Ngang Hàng Đào!





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9763
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7156
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s