KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 15 Tháng tám. 2014

CHUYẾN ĐI KHÔNG THỂ NÀO QUÊN




Tác giả: MinhCK

MỘT CHUYẾN ĐI KHÓ QUÊN

 

Vừa nghe tiếng “kẹt, kẹt, kẹt…” quay lại thì một chú khỉ đít đỏ đã cắp gói bánh gạo từ trong tầng một nhà nghỉ (lúc ra tôi quên đóng cửa) chạy tít lên mái nhà nhanh quá đi mất. Chúng nó chia nhau ăn gói bánh của mình. Còn mình thì nhìn chúng ăn mà thèm. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy nhiều khỉ như thế.

 

Bị trượt đi từ lần trước, hình như cách đây bốn năm rồi thì phải, lần này tôi phải nhắc nhở GS Hoa CL 77 từ đầu hè để được đi đảo “RỀU – Đảo Khỉ”. Đúng như đã hẹn các đôi tình nhân và các chàng trai, cô gái cô đơn của hội KGU có mặt đầy đủ tại Viện VSDT cạnh vườn hoa PASTER vào đúng 6.30 sáng để lên đường đi chơi đảo khỉ. Chỉ có mỗi trưởng đoàn và con trai là không đúng giờ, chậm mất 1’59” còn thì mọi người cứ gọi là đúng như kỷ luật nhà binh, vì sợ bị cắt suất. Đúng giờ “G” đoàn khởi hành từ Viện. Phải loay hoay mất nửa tiếng lái xe mới đưa đoàn tới được cầu Thanh Trì, sau đó lên QL.1 rồi vào đường 18 và thẳng hướng Quảng Ninh tiến. Lên xe rồi mới biết trong đoàn gần một nửa số người đã đi đến lần thứ hai, thứ ba gồm Hoa và Hà (con trai Hoa), Hương Hương, Bạch Ngọc, Chi, Lan, Bình Kều. Số còn lại mới đi lần đầu gồm: Thục, anh Lãng (chồng Thục), Huy, Thủy, Đình Minh, Đình Dương (con trai Bình, Minh), Kỳ Minh, Quí (chồng Lan),Yên (bạn Hoa). Mặc dù vậy vẫn không ai biết đường rẽ vào bến phà  Vũng Đục để lên thuyền sang đảo. Nhưng phải nói dân mình tốt thật, cách Cửa Ông 9 km “lơ xe” của đoàn phải xuống làm quen với cô gải bán nước mía xinh đẹp, có nước da đen cháy của vùng mỏ để hỏi đường và nhận được sự chỉ bảo rất tận tình, chu đáo. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Thuyền của Viện VSDT đã chờ sẵn. Chúng tôi mất khoảng 20 phút thì ra đến đảo. Một hòn đảo xinh đẹp, xanh ngắt, trong lành và đầy ắp tình người.

 

Đảo Rều thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Trước đây vốn là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền đến đây trồng khoai sắn. Năm 1962, đảo được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành trại nuôi khỉ để chiết vaccine phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1…Đảo Rều có hai hòn đảo. Đảo Rều đất là nơi chúng tôi vừa đổ bộ lên, đây là nơi nuôi khỉ và đảo Rều đá là các phòng thí nghiệm “xử lý” các chế phẩm về khỉ. Hai hòn đảo cách nhau khoảng 900 m.

Cả đoàn trước bữa tối. Người mặc áo trắng đứng giữa là anh Long-chúa đảo.

                  (Phiasau là đảo Rều đá, nơi đặt các phòng thí nghiệm)

Chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ dành riêng cho các cán bộ nghiên cứu của Viện. Vì các phòng nghỉ không thể “tích hợp” được nên nhiều đôi phải ngủ riêng. Tôi và Quí – hai thằng con “Rể” ở với nhau, xa vợ một đêm, như thế mà lại hay. Ngay chiều hôm đó chúng tôi đã được tắm biển, vùng này thuộc vịnh Bái Tử Long nên nước khá sạch, bơi thoải mái và không có sóng. Hăng hái nhất vẫn là Thủy, Thục và Bình Kều, đây là những nhân tố mới biết bơi nên tích cực lắm, nhiều lúc bơi ra xa không biết sợ là gì. Sau này nghe chúa đảo kể chuyện về dòng nước xoáy thì mới sợ và bơi dọc theo bờ.

                                       Ăn tối trên đảo

 

Bữa tối đầu tiên trên đảo mới tuyệt làm sao, trăng thanh, gió mát, thức ăn ngon toàn hải sản, ngồi ngoài trời không khí trong lành làm con người cảm thấy thoải mái như là được vào chốn bồng lai tiên cảnh, chỉ thiếu mỗi cây đàn ghi ta mà khi đi vội qúa, sợ muộn, sợ đoàn trưởng cắt suất, anh Đình Minh đã bỏ quên ở nhà. Trong bữa tối này chúng tôi rất vinh dự được ăn cơm với chúa đảo, bác sĩ thú y Vũ Công Long, được uống rượu đinh lăng do chúa đảo ướp lạnh và rót mời mọi người trong đoàn.

                                              Các thiếu nữ của đoàn

 

Trong câu chuyện của anh tôi được biết: Mặc dù làm nghiên cứu khoa học ở một môi trường cách biệt với cuộc sống bình thường nhưng vị “chúa đảo” này rất vui tính và dí dỏm - trái ngược với hình dung của tôi về anh. Anh Long đã có 30 năm công tác trên đảo nên anh hiểu hơn ai hết về những chú khỉ trên đảo. Anh bảo, khỉ cũng thể hiện đủ cả “ái, ố, hỉ, nộ” như con người, và đặc biệt tình yêu giữa khỉ với khỉ thật mãnh liệt mà chắc chẳng còn loại thú nào trên đời có thể sánh được. Nói rồi anh kể cho chúng tôi một câu chuyện cảm động, xảy ra cách đây đã hơn chục năm. Khi ấy, các cán bộ đảo Rều tách bớt đàn khỉ ra đảo Rều đá cách đảo Rều đất khoảng 1km. Khi trời xẩm tối, một con khỉ đực trong số được đưa đến đảo mới bỗng tách ra khỏi đàn, chạy ra mép đảo tru gọi thảm thiết về phía đảo Rều đất. Từ bên đảo Rều đất một “cô nàng” khỉ cũng chạy ra mép đảo kêu gào đáp lại. Đêm đến, khi có ít tàu thuyền hoạt động qua lại khu vực đảo, con khỉ đực từ đảo Rều đá lao xuống biển bơi hết sức về đảo Rều đất. Phía bên kia nàng khỉ cái cũng nhảy xuống nước bơi lại. Anh em trên đảo ban đầu nghe tiếng khỉ kêu gào ngỡ là chúng chưa quen với nơi ở mới, nhưng sau không nghe thấy gì nữa thì sinh nghi chạy xuồng đi tuần tra đến sáng thì bắt gặp đôi khỉ đang ôm nhau dưới nước xoắn xít không rời. Họ vớt chúng lên bờ rồi thả ra, đôi khỉ leo tót lên cây rồi lại ôm nhau rất âu yếm. Những ngày tiếp theo nhiều con khỉ khác trên hai đảo cùng kêu gào thảm thiết vang vọng suốt đêm gọi bạn tình. Vì sợ khỉ lại nhảy xuống nước bơi về đảo cũ chết đuối hoặc sa vào tay bọn bắt trộm khỉ, các cán bộ trên đảo buộc phải huỷ bỏ kế hoạch “chia ly đàn khỉ” đưa chúng về sống chung một đảo đến bây giờ. Để tưởng nhớ những chú khỉ đã hy sinh vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học, người ta đã dựng trên hòn đảo này một tượng đài để ghi công ơn của những chú khỉ thầm lặng đó. Hội người KGU cũng đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công việc này, Cách đây 2 năm tượng đài đã được xây xong

                                              Tượng đài trên đảo khỉ

 

            Một đêm ngủ ngon lành trên hòn đảo xinh đẹp mà đầy ắp yêu thương ấy. Sáng 5.00 tôi dậy, làm mấy động tác thể dục, ông bạn cùng phòng mang máy ảnh đi chụp cảnh bình minh trên đảo rồi về chuẩn bị đi bơi. Khoảng hơn 6.00 hai thằng xuống biển đi đến gần bãi đá đã thấy một cái đầu đen nhấp nhô với các con sóng ngoài xa, nhìn kỹ mới nhận ra đó là Thục “máu” thật, nhiệt tình thật. Chúng tôi tắm biển đến gần 8.00 thì đi ăn sáng – cháo thing (một loại hải sản giống ngao nhưng to và ngon hơn rất nhiều). Kế hoạch buổi sáng là đi thăm cuộc sống của các đàn khỉ trên đảo. Hướng dẫn tham quan trên đảo cho chúng tôi là đảo phó Nguyễn Huy Phương. Anh nói: Hiện nay, trên đảo có hơn 1.000 con khỉ là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata, mỗi năm chúng cho ra đời khoảng 150 khỉ con. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con/đàn, mỗi đàn có một khỉ chúa là con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa trên đảo thường sở hữu từ 3 - 4 khỉ cái, và các cô nàng khỉ hầu như cũng thích chuyện “làm thiếp” các anh chàng khỉ chúa hơn là chung tình với một anh chàng khỉ “hãm tài” nào đó. Những cuộc “bầu chọn” khỉ chúa trên đảo cũng là những cuộc đọ sức ác liệt đến rợn người của đám khỉ đực. Chúng xông vào cắn xé lẫn nhau, kẻ chiến thắng thống lĩnh đảm đương trách nhiệm bảo vệ cả đàn, nó có quyền sở hữu bất kỳ nàng khỉ cái nào đó mà nó thích.

              

Khỉ trên đảo sống bán hoang dã, chúng giữ khoảng cách ngay cả với ông Phương phó đảo

 

Đảo phó Nguyễn Huy Phương kể: “Tình mẫu tử của khỉ giống như tình mẫu tử ở con người ấy. Chúng sẵn sàng chết để bảo vệ con mình”. Rồi anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mới chỉ xảy ra năm trước, trên đảo có nuôi một con chó lớn. Khi con chó đang ngủ, bọn khỉ từ trên cây nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc, con chó bực mình thức giấc, đàn khỉ bỏ chạy hết. Vô tình lúc đó có 2 mẹ con khỉ đi qua, con chó tưởng mẹ con khỉ trêu mình nhảy xồ vào cắn. Khỉ mẹ bị bất ngờ nên chỉ còn kịp nằm sấp dùng tấm thân che cho con. Khi các cán bộ của đảo chạy đến nơi gỡ con chó ra thì khỉ mẹ đã bị cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con mình.

                                           Mẹ con nhà khỉ

 

Chú khỉ con mất mẹ này được các cán bộ đảo nuôi dưỡng đặc biệt. Chú trở thành thân thiết với con người, hàng ngày chỉ quẩn quanh dãy nhà tập thể của đảo, ai cho cái gì đó mới đi. Khi đủ lớn chú mới chịu gia nhập vào đàn khỉ vào rừng. Nếu khỉ con không may bị bệnh mà chết, khỉ mẹ vẫn cứ ôm xác con trong lòng không rời. Chỉ đến khi khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu rời con và chôn khỉ con ở gốc cây nào đó

 

Hiện nhân viên trên đảo có 14 người, thì có 4 cặp vợ chồng cưới nhau rồi sinh con đẻ cái trên đảo. Mỗi đôi vợ chồng được cấp một gian nhà. Các nhân viên trên đảo thường lấy việc chăm sóc khỉ làm vui, tuy đảo cách đất liền không xa nhưng họ cũng ít khi về đất liền, vì công việc bảo vệ khỉ và an ninh trên đảo không kể đêm ngày. Những đứa trẻ khi lên 5 tuổi là lại rời bố mẹ trên đảo để về ở với ông bà trên bờ để đi học. Hàng tháng, anh em mới về đất liền được đôi ba lần thăm con chớp nhoáng rồi lại ra đảo. Đảo trưởng Long cười vui: “May mà tất cả các con anh em trên đảo đều ngoan, học giỏi”. Trên đảo, công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao, nên đảo không đón khách du lịch, vì khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người rất dễ mắc các căn bệnh của người, khỉ mắc bệnh không thể chiết vaccine được. Mặt khác khỉ trên đảo sống bán hoang dã, nên nếu có sự xuất hiện đông người kéo dài nhiều ngày chúng sẽ sợ và bỏ đi đảo khác. Do vậy, những người đặt chân lên đảo chỉ có các nhà nghiên cứu, khách của Bộ Y tế và hãn hữu lắm là các nhà báo. Phó trưởng đảo Nguyễn Huy Phương cho hay: “Khỉ rất hoang dã, nên những gì không thuộc về tự nhiên là chúng tìm cách phá. Năm 1996, đảo mua về 500 cây dừa trồng xung quanh đảo, nhưng chỉ qua một đêm lũ khỉ nhổ sạch, nhưng nếu cây mọc tự nhiên trên đảo thì chúng không động đến”. Quần áo anh em giặt phơi cũng phải trông chừng, nhất là quần áo có màu sặc sỡ, khỉ rất thích ăn cắp rồi mang lên cây xé tan tành.

 

Thế là gần hai ngày và một đêm trong vai trò cán bộ nghiên cứu (khách của Viện VSDT), chúng tôi đã  lang thang, hưởng mọi của ngon, vật lạ của vùng biển Hạ Long và tình người cũng như không khí trên đảo Rều.

                                         Trên biển, một chuyến đi tuyệt vời

 

Chúng tôi quay lại trở về đất liền bằng một đường vòng quanh hai hòn đảo Rều cũng vẫn trên con tàu đã đón chúng tôi hôm trước. Chỉ một loáng con tàu cập bến Vũng Đục, với cảnh tấp nập vốn có của TP Cẩm Phả. Tôi nhìn lại phía biển đảo Rều chỉ còn là mầu xanh lờ mờ nhưng không hề lẫn với mầu xanh của biển. Nơi đó có những con người đang phải lãng quên cuộc sống ồn ào trên đất liền, để ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho những con khỉ phục vụ cho công tác y tế cứu người. Chúng tôi trên đường về đã ghé qua đền thờ Cửa Ông - nơi thờ vị tướng nhà Trần (Trần Quốc Tảng) đã có công dẹp loạn và trấn giữ miền Đông Bắc yên bình này của Tổ Quốc. Mong rằng Ông mãi mãi đứng đó trấn giữ nhất quyết không cho giặc ngoại bang vào xấm lấn đất nước ta.

 

Chúng tôi mong GS HoaNT CL77 còn làm việc lâu hơn nữa để chúng tôi có dịp quay lại hòn đảo thân yêu này. Cám ơn GS HoaNT CL77. Cám ơn tất cả, một chuyến đi không thể nào quên.

 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 15-08-2014 05:05






Xem 11 - 20 của tổng số 23 Comments



Từ: HienVC
16/08/2014 21:37:39

Lần sau Hoa NT tổ chức đi đảo Rều cho mình đăng ký đi ké nhé !



Từ: HuongLH
16/08/2014 18:01:31

Ối, ối, ối, không có tiêu chuẩn quy định mỗi người được đi đảo Rều bao nhiêu lần đâu anh Minh CK nhé. Mỗi lần đến lại là một khám phá mới, lại là những câu chuyện mới về khỉ "không bao giờ có thể kết thúc được" còn gì, vì vậy đến trưởng ban tổ chức Hoa NT cũng chả đưa ra tiêu chuẩn gì sất. "Nếu đi được là ta cứ đi" thôi. Mà ít ra thì với Hoa NT chúng em cũng "thân quen" hơn chút đấy. Tóm lại, ai chưa đi cứ thử đến đảo Rều mà xem, tuyệt vời và không bao giờ chán đâu.



Từ: LienTP
16/08/2014 14:43:14

Em chưa được đến đảo Khỉ bao giờ. Cảnh thật đẹp và bài viết rất hay chắc ai cũng mong muốn giống em được đến một lần. Tình cảm của bầy khỉ thật cảm động. Cảm ơn anh Minh nhé.



Từ: MinhCK
16/08/2014 09:04:39

      Huy nhớ thêm các câu chuyện về khỉ thật tuyệt vời. Ngoài ra các bạn có thể đọc thêm bài "Tình yêu của khỉ" bài viết của Vinh CL77 cách đây khá lâu rồi sẽ biết cụ thể và rõ ràng hơn rất nhiều.


      Kiểu này lần sau GS Hoa NT có tổ chức đi nữa có khi phải qua kỳ thi tuyển chọn và nếu ai đi quá 3 lần sẽ không được tham gia nữa. Chẳng hiểu con người có tiến hóa từ khỉ không, nhưng nhiều cái giống người kinh khủng, thậm chí còn có cái vượt trên cả con người. Khi nghe chúa đảo và phó đảo nói chuyện mới thấy hết các câu chuyện về khỉ không bao giờ có thể kết thúc được.



Từ: BinhNH
16/08/2014 08:13:49

Anh Minh Ơi,


Đã đọc bài anh ngay từ hôm qua, còn mách cho cả Thuỷ ( Huy) đọc nhưng chưa kịp com. Bây giờ mới đọc lại để nhớ lại chuyến đi một lần nữa. Anh Minh và anh Huy đã kể kỹ về đảo khỉ cùng các câu chuyện lý thú. Nhưng chưa ai chú ý đến đoạn anh Minh kể về" Lơ xe". Lơ xe lần này không mặc quân phục, nên hoạt động lơ xe rất thoải mái, có đoạn xuống xe để hỏi đường, đóng xập cửa cho khỏi ai nghe được tán cô em " đen ròn" về đường xá ra sao. Thế rồi lên xe chỉ một mình được dẫn đường, độc quyền không cho chị em góp ý về đường xá....


Tóm lại lần sau mà đi đảo Rều chắc sẽ không phải hỏi đường nữa




Từ: Khửu
16/08/2014 00:08:10

Giờ mới đọc bài của anh Minh, may quá anh đã viết thay mặt đoàn, vì hôm về mọi người cứ bảo Khửu phải viết, nhưng Khửu giờ tay cứng quá rồi hổng có biết viết gì hết nữa. Lần nữa cảm ơn anh MinhCK nhiều nhiều. Chỉ góp ý với a.Minh là đoạn hay nhất nói về loài khỉ trên đảo này thì anh kể hơi bị ít và chưa chính xác lắm. Thứ nhất theo lời Đảo phó Phương thì mỗi đàn khỉ có đến hơn 200 con (cả đảo khoảng 4 đàn) và chủ yếu là khỉ cái, vì khỉ đực phải bị loại dần (để thí nghiệm hoặc sản xuất vacin), chính vì thế nên hàng trăm khỉ cái trong đàn là thuộc về chàng khỉ đực đàn trưởng, các con khỉ đực khác không được phép léng phéng với bất cứ cô khỉ cái nào trong đàn, mà nếu muốn lắm thì buộc phải sang đàn khác "ăn vụng". Mấy anh em lúc đó đã đặt câu hỏi thế cái thằng trưởng đàn ấy lấy đâu ra sức "bao" hết từng ấy em trong đàn (anh em cứ hay suy từ bản thân ra mà, hì hì), nhưng thực ra cu cậu cũng không phải được "ăn cả" hết đâu vì một khi con cái chưa có chửa với trưởng đàn thì cậu ta chưa được phép đi với em khác, tối đa là 15 ngày hoặc có chửa rồi thì cậu ta mới được đi quyến rũ cô khỉ cái khác trong đàn. Thời gian "được yêu" của khỉ chỉ từ tháng 8 đến tháng 2 sang năm thôi, ngoài mấy tháng đó ra là không có "tình yêu" trong tất cả các đàn khỉ.  Công nhận là cái lũ khỉ này chẳng được giáo dục đào tạo hay học đạo đức tác phong gì mà gương mẫu thế chứ lại còn nắm vững luật hôn nhân 1 vợ 1 chồng cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ thì mới thôi. Nghe chuyện anh em nhà mình cứ tấm tắc bái phục và chẳng ai muốn ghen tỵ (có nhiều em) với cậu khỉ trưởng đàn này nữa. Còn chuyện bắt khỉ để nhốt riêng làm thí nghiệm cũng rất là thương tâm. Chú khỉ trưởng đàn hầu như chuyện gì cũng biết trước nên khi thấy cửa chuồng bị đóng lại là nó đứng tấn bên ngoài đuổi cắn không cho bọn khỉ nhảy vào chuồng ăn vì nhảy vào là không ra được, bờ tường cao và lát gạch trơn, nhưng tất nhiên nó cũng không thể khôn hơn được con người và nó bị bỏ đói quá, cuối cùng cũng phải bỏ đi kiếm ăn, thế là các chú khỉ con a-la-xô xuống và bị vợt bắt đem đi.À còn một dặc điểm nữa là các chú khỉ đực rất khoái trêu chị em nhất là lại mặc đẹp nữa. Hôm đấy cả đoàn chỉ có mỗi đ/c Thủy tự nhiên lại diện váy thế là đang đi bỗng hét toáng lên vì ngay sau lưng một tên ma-cá-cà đang nhảy chồm chồm và gào thét, mình vội nhảy vào giữa hô "giữ lấy váy không nó xé đấy" và khẹc khẹc lại cu cậu, thấy mình to lớn cậu ta đành bỏ đi, khiếp thế cơ chứ.


Tôi chỉ thêm thắt tí mắm muối vậy thôi và rất cảm ơn anh Minh về bài viết sinh động, khi đọc lại có cảm giác như đang sống lại đi giữa đảo hoang đầy các chú khỉ vàng ranh mãnh. Một chuyến đi thật tuyệt vời và hy vọng sẽ còn có dịp được GS HoaNT lại tổ chức cho đi nữa nữa, dù thuộc danh sách vớt cũng được. Nói vậy thôi thông tin đã công khai thế này chắc chắn lần sau phải thi đấu 1 chọi vài chục là ít. Một lần nữa cảm ơn HoaNT rất rất nhiều.



Từ: NguyetTM
15/08/2014 22:20:01

Đúng thật, chị Hoa cần phải kéo dài thời gian làm việc lâu hơn nữa để bọn em còn có cơ hội du hí như mấy đoàn trước nhá. Anh MinhCK viết hay quá, sống động quá làm ai chưa được đến đảo Khỉ cứ thấy bừng bừng muốn lội nước ra đảo ngay thôi. Ảnh chụp cũng đẹp quá. Các Tiên nữ rất trẻ rất xinh. Các anh Minh CK, MinhVD, anh Quí, anh Huy... hên quá, thấy các anh cũng rạng rỡ không kém các chị.    



Từ: ThuyDTHuy
15/08/2014 21:07:51

Anh Minh viết về chuyến đi Đảo Rều - Đảo khỉ hay quá. Cám ơn anh Minh nhiều nhiều vì đã có bài viết rất chi tiết và sống động. Đúng là trong đời em chưa được đến nơi nào hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp, cây cối xanh, trời mát mẻ và xung quanh là biển cũng trong xanh. Đảo Rều còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có do hầu như ít bị con người xâm phạm, làm mất vệ sinh. Trong đời chưa bao giờ em nhìn thấy nhiều khỉ đến vậy. Có lúc cả nhóm, chị em ngồi cùng nhau ăn hoa quả với 2 anh, thế mà có một con khỉ to cứ như muốn lao vào cướp đồ ăn. Người sợ khỉ, chứ nó chả sợ người. Nó lấy hai chân dậm vào cái bàn inoc ngay cạnh kêu ầm ầm, mắt nhìn lơ láo, cứ như bảo "cho tao ăn ngay". Ăn xong con khỉ đó lại dậm chân, đòi nữa. 


Đảo Rều đã cho cả đoàn được ăn ngon, ngủ ngon và bơi rất thích. Các anh chị em cán bộ trên đảo hiếu khách, bố trí cho đoàn ăn ở, kể nhiều chuyện hấp dẫn và lại còn nấu ăn ngon.


Rất cám ơn chị Hoa đã tổ chức chu đáo một chuyến đi tuyệt vời. (May mắn nhất đoàn là Huy Thuỷ được đi xuất vớt vì có 2 người đã đăng ký nhưng lại bận không đi. Tuyệt vời).



Từ: HuongLH
15/08/2014 14:55:56

 


 


 


Cám on anh Minh CK đã có bài viết và hình minh họa thật chi tiết và sinh động về đảo khỉ, nơi chị em CL 77 chúng em đã có dịp đến thăm không chỉ một mà vài ba lần, nhưng chưa bao giờ chán bởi sức hút của cảnh thiên nhiên thanh bình, không khí trong lành, không gian yên tĩnh và lòng mến khách của anh chị em nhân viên trên đảo. Và lần nào cũng vậy, chuyện tình yêu, tình cảm mẹ con, vợ chồng..., sự thông minh, tinh ranh của đàn khỉ... mà anh đã viết trong bài được chính những chủ nhân trên đảo kể lại bao giờ cũng hấp dẫn cuốn hút người nghe, cứ như thể chưa từng được biết đến bao giờ vậy. Cây cối trên đảo thật xanh tươi , lá cây trên đảo thì sạch sẽ như có ai đó hàng ngày tưới nước rửa và lau sạch.Trước khi về, mấy chị em trong đoàn còn tranh thủ thu hoạch rất nhiều lá lốt tươi mơn mởn về ăn và làm quà cho người thân nữa.


En thích đoạn kết cuối bài của anh, nó đã thay mặt tất cả thành viên trong đoàn đi vừa rồi nói lên tất cả.Hy vọng rằng Du xuân 2015,chị em KGU miền Trung và phương Nam cũng có điều kiện ghé thăm hòn đảo đáng nhớ này.


 


 


 


 


 


 



Từ: CucNT
15/08/2014 14:52:18

"Một chuyến đi khó quên" và người đọc thì không thể quên những gì được tác giả miêu tả lại. Câu chuyện về tình yêu, tình mẫu, tử của khỉ thật xúc động. Con người được tiến hóa từ loài vượn, khỉ nhưng có những khi con người phải quay lại học khỉ về cách cư xử nghĩa tình với nhau. 


..."Nơi đó có những con người đang phải lãng quên cuộc sống ồn ào trên đất liền để ngày đêm bảo vệ cho những con khỉ phục vụ cho công tác cứu người". Thật là xúc động. Cảm ơn tác giả đã đưa đến cho người đọc hiểu thêm về những tấm gương của những người làm công tác khoa học thầm lặng.30 năm công tác trên đảo, khi sinh con, con đến tuổi  đi học thì họ gửi về đất liền cho ông bà chăm sóc còn họ ngày  đêm lấy việc chăm sóc đàn khỉ làm vui, vậy mà không ai so sánh những hơn thiệt  trong cuộc đời.Bao nhiêu vắcxin đã được tạo ra để cứu người từ hòn đảo ít người biết đến với những con người tận tụy lao động quên mình cho khoa học. 


Cảm ơn anh Minh và chị Hoa. Em hy vọng với mối quan hệ tốt đẹp mà chị giữ được với ban lãnh đạo sẽ có một ngày em cũng được ra thăm đảo khỉ, hòn đảo xinh đẹp, thuần khiết sức sống của thiên nhiên và đầy ắp tình cảm của con người.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s