KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 12 Tháng ba. 2015

TẾT MUỘN




Tác giả: Meomun

 

 

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”

Sống ở mảnh đất phương Nam đầy nắng, cứ mỗi dịp Tết là tôi thường bối rối khi có ai đó hỏi thăm năm nay ăn Tết to không, vui không? Vui thì tất nhiên rồi, người ta vẫn bảo “vui như Tết” mà!  Nhưng trong tôi, vẫn đau đáu hoài niệm về cái Tết xứ Bắc thời thơ ấu, mà dường như những hoài niệm ấy mỗi năm càng rõ hơn, có lẽ từ khi tôi chợt nhận ra mình đã chớm già. Tết trong ký ức của tôi có mưa xuân rắc nhẹ trên mái tóc, có sắc hoa đào rực rỡ mà ấm áp, có tiếng râm ran chúc Tết từ ngoài ngõ trong một buổi sáng mồng Một năm nào, có những cô bé cậu bé ngượng nghịu mà hớn hở trong manh áo mới …

 

Bạn bè tôi nhiều lần mời cả nhà ra ăn Tết Bắc, nhưng làm sao mà đi được trong ba ngày Tết, khi chạnh nghĩ đến ở một cõi xa xôi có một linh hồn bé nhỏ chắc cũng đang chờ đợi một nén nhang ngày Tết…

 

Năm nay, nhân dịp họp lớp kỷ niệm 40 năm ngày lớp chúng tôi gặp nhau, tôi đã có một chuyến đi Bắc đúng vào ngày rằm tháng Giêng, khi không khí Tết dường như vẫn còn lưu luyến trong mỗi gia đình. Ra Bắc 3 ngày cuối tuần, tôi dự kiến dành hẳn một ngày để đi thăm anh Tuấn,chị Lý. Anh chị Kỳ Minh- Bích Chi, như mọi lần, rất sốt sắng khi thấy tôi ngỏ ý muốn đi Việt Trì, mặc dù anh chị đã đi nhiều lần với các anh chị KGU. Tôi ra Hà Nội bằng chuyến máy bay muộn tối ngày thứ 5, từ công ty ra thẳng sân bay.  Tình cờ, không hẹn mà thành, tôi lại ngồi sát ghế với Hiền (Luật 89 KGU), Hiền vừa dự hội thảo ở Sài Gòn về. Đêm khuya, may mà Hiền có lái xe của cơ quan ra đón, tôi được đi nhờ về tận khách sạn, nơi cô bạn học từ thuở ấu thơ của tôi cũng từ Sài Gòn ra từ sáng sớm để chờ tôi hôm sau cùng về Thái Bình dự hội lớp.

Sáng sớm thứ Sáu, như đã hẹn, tôi và chị Kim Thanh đến nhà anh chị Minh- Chi. Anh chị dọn bữa sáng cho cả nhà ăn trước khi lên đường. Bữa sáng có món bánh mì đen, mứt nho dẻo do chính tay chị Chi làm và café “nhà làm” rất ngon. Anh Minh lấy xe nhà đưa tôi cùng chị Chi,chị Thanh và dọc đường đón chị Vinh. Trên xe, mấy anh chị em nói chuyện rôm rả, hết chủ đề này sang chủ đề khác, tất nhiên chủ đề Tết và du Xuân vẫn là chủ yếu. Anh Minh có một bộ sưu tập độc đáo các bài hát Nga- Xô Viết nổi tiếng và một trong những bài “hội ca” của KGU là bài “Ngày nói lời chia tay”, thơ chị Minh Lý, nhạc Đình Minh, được anh thu vào một USB và “chiêu đãi” cho mọi người nghe khiến đoạn đường Hà Nội- Việt Trì như gần lại. Xe qua cầu Thăng Long rồi bon bon trên đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Anh Minh bảo: - Lúc về sẽ đi qua cầu Nhật Tân cho Mèo Mun biết cầu Nhật Tân đẹp như thế nào!.  Chợt anh Minh hỏi chị Thanh: - Đã thông báo cho Tuấn-Lý chưa? Chị Thanh bảo:- Thông báo rồi chứ! Thông báo từ hôm qua! Mà không thông báo cũng không được! Anh Minh chép miệng: - Không thông báo mà mình lên đột xuất thì thấy “nhà hắn” rối rít cuống quýt thấy thương lắm, lại còn bị trách nữa! Còn nếu thông báo trước thì lại cỗ bàn trịnh trọng...

 

Mặc dù các anh chị không hề nói là có Mèo Mun tham gia chuyến đi, nhưng khi tôi gọi điện cho anh Tuấn để hỏi thăm tình hình cả nhà ăn Tết ra sao, anh Tuấn đã hóm hỉnh:- Thế nào, đoàn hành quân đến đâu rồi? Tôi chống chế:- Đoàn nào ạ, em có biết gì đâu? Thế là anh Tuấn cười:- Lại còn giả vờ, tớ đoán ra ngay là có cậu! Sau đó cứ chừng 15-20 phút là anh Tuấn lại gọi điện hỏi đi đến đâu rồi, chắc anh chị đang sốt ruột chờ khách lắm.

 

Trên đường đi, chúng tôi đến thăm khu di tích lịch sử đền Hùng rồi mới đến nhà anh chị Tuấn Lý. Nghe nói ở Việt Nam hàng năm có tới hơn 8000 lễ hội, nhưng lễ hội đền Hùng là lễ hội lớn nhất với bình quân số du khách là 4 triệu người/năm.

 

Tôi thì chưa bao giờ đi dự bất cứ lễ hội nào, nên cũng cảm thấy háo hức. Ở dưới chân núi, có cả đội quân cung cấp các “dịch vụ” cần thiết, kể cả dịch vụ cho thuê dép.  Thấy tôi đi giày cao mà leo núi nên họ cứ chìa đôi dép ra mời. Tôi chủ quan, tin vào khả năng “đi cà kheo” của mình nên từ chối. Một cô bé thợ chụp ảnh có cái tên thơ mộng là Thu Thủy bám theo chúng tôi và sẵn sàng “tác nghiệp” bằng máy của mình khi chúng tôi không phản đối và vui vẻ bấm giúp nếu ai nhờ chụp bằng điện thoại . Chúng tôi leo lên đền Hạ, rồi đền Trung, đền Giếng và cuối cùng là đền Thượng, tranh thủ chụp được khá nhiều ảnh.

 

Hai bên đường lên núi là những rặng cây mướt mát dưới làn mưa xuân nhè nhẹ. Cảnh quan thật hùng vĩ, không khí thật trong lành.  Những mầm lá xanh, tím đã xuất hiện trên các cành cây ven đường.  Các anh chị vừa đi thoăn thoắt vừa nói chuyện Du xuân sắp tới, trong chương trình cũng có tham quan đền Hùng. Mặc dù nghe mọi người nói là đường lên núi đã được lát đá phẳng phiu đẹp đẽ, nhưng leo hơn 500 bậc thang quả là một thử thách đối với một kẻ lười thể thao như tôi. Lên đến đền Thượng, tôi choáng váng, mắt nổ hoa cà hoa cải và nếu không có chị Chi đỡ thì tôi đã ngã lăn quay. Chắc do hậu quả của đêm hôm qua tôi và cô bạn thức gần như trắng đêm rúc rích nói chuyện. Chị Thanh chạy đi xin thuốc, may mà tìm được ông thủ từ đền Thượng, ông cho tôi viên thuốc hạ huyết áp mà sáng nay tôi quên không uống. Cô bé Thu Thủy tranh thủ chụp được “moment” ấy,  có cả ông thủ từ, tôi cũng cố gắng “tươi” mặc dù mặt đang méo xệch.  Một lúc sau thì tôi hoàn hồn, lấy lại được “khí thế” và cả đoàn bắt đầu xuống núi. Mọi người trêu và tôi thì ngượng ngùng vì mình thuộc thế hệ 6x mà thua xa các anh chị 4x, 5x.  

 

 

Dưới chân núi, chúng tôi thấy dân địa phương bán rất nhiều loại củ như củ từ, củ mài, dong riềng và có cả loại khoai nhìn gần giống khoai môn nhưng màu đỏ, củ khá to. Họ có nói tên khoai nhưng tôi quên mất. Các chị mua và chia cho tôi mấy củ để mang về Sài gòn.  Các anh chị hôm nào đi Du Xuân đền Hùng nhớ mua loại khoai này vì ngay khi về nhà, tôi đã ninh khoai đền Hùng (cùng với mấy củ khoai môn chị Lý cho) với sườn heo và cả nhà đều khen món canh ngon, chắc vì có khoai ngon, hihi.

 

Đường gần đến nhà anh chị Tuấn Lý đang sửa chữa, trời lại mưa nên lầy lội khó đi. Đến trưa thì chúng tôi đến nhà anh chị, một ngôi nhà giản dị, có khuôn viên đáng mơ ước cho những người đang ở nhà phố chật hẹp như tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chị Lý còn khoe anh Minh là hôm nay nhờ được báo trước mà chị đã kịp diện bộ quần áo đẹp chứ không “li xùi” như lần trước anh Minh lên chơi, chắc chị vẫn còn áy náy.  Anh chị Tuấn Lý huy động 2 cô con gái - 2 công chức Nhà nước nghỉ ở nhà buổi sáng để chuẩn bị đón khách. Hai cháu Lam, Lựu đều duyên dáng nhẹ nhàng, lễ phép và chu đáo. Một lúc sau thì cậu con rể bé của anh chị về giúp bố mẹ tiếp khách. Mọi người đều bảo anh chị Tuấn Lý thật có phúc khi có con gái và chàng rể đều ngoan, hiếu thảo.

Mâm cỗ mà anh chị Tuấn Lý nói là “rau dưa” rất thịnh soạn và còn nguyên hương vị Tết, mặc dù đã qua rằm tháng Giêng. Nào thịt gà, xôi, bánh chưng, giò lụa, hành củ muối, su hào luộc, rổ rau diếp xanh biếc thái nhỏ làm tôi nhớ đến bữa cơm ngày Tết thuở bé ngày nào. Anh Minh trách:- Đã bảo không gà vịt thịt cá gì mà cuối cùng cũng gà, lại thịt bò, thịt lợn thế kia, y như cỗ Tết! Chị Lý chống chế:- Thì toàn rau vườn nhà, hành tự muối, bánh chưng tự nấu, bọn em có bày vẽ gì đâu! Còn anh Tuấn tức khẩu thành thơ Bút Tre tặng em Mèo Mun khiến mọi người cười vui:

“-Đón em,  dào dạt mưa xuân

Mừng em, anh chị nắm chân con gà”

 

Bữa cơm Tết muộn có món bánh tẻ, là đặc sản Việt trì, chấm với tương ăn rất ngon khiến tôi “tích cực” đến quên cả chuyện cần ăn kiêng giảm ký. Tranh thủ lúc mọi người còn đang rôm rả nâng ly, tôi “lẻn” ra vườn ngắm những củ su hào, những bụi xà lách non mướt dưới làn mưa xuân nhè nhẹ. Cây bưởi ở vườn nhà bên phủ trắng hoa, tỏa hương ngào ngạt. Bên bờ ao hàng xóm, những chú vịt đang bơi, cảnh vật miền quê thật thanh bình.

 

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, chúng tôi bịn rịn chia tay anh chị và các cháu để về lại Hà Nội. Anh Minh đã tranh thủ dùng vòi nước ở góc sân để rửa cho “con chiến mã” sạch sẽ, không còn đầy vết bùn như lúc mới đến. Để làm quà cho khách, anh chị Tuấn Lý đã chuẩn bị nào là bánh kẹo, trà và đặc biệt là một đống chất ngất gồm rau muống, rau ngót, bắp cải, khoai sọ, lại có cả buồng chuối xanh nữa. Mục “thương lượng” với chủ nhà về đống rau sạch là căng nhất, vì anh Minh thấy cốp xe chật lắm rồi , mà mang về thì cũng không biết ăn đến bao giờ mới hết. Con rể của anh chị Tuấn Lý nói:- Các bác các cô chịu khó mang về cho mẹ cháu thỏa nguyện, mọi người mà từ chối thì mẹ cháu sẽ cứ áy náy mãi cả mấy ngày đấy! Em Mèo Mun thì được chị Lý ưu tiên mang gần chục cái bánh tẻ, to như cái bánh tét miền Nam, chắc tại chị thấy em Mèo Mun thích bánh này. Khi “tha” bánh về Thái Bình, các bạn tôi ăn thử và khen ngon, tiện thể chúng đã ăn hết để tôi không phải xách nặng về Sài Gòn.  

Xxx

 

Tối thứ Sáu hôm ấy, tôi hẹn ăn tối với các bạn khoa Luật KGU các năm sau như các em Vi, Nhàn Hợi, Mai, Quy, anh Hùng, Hiền, nhưng phút cuối thì Hiền không đến được. Tôi có nhắc đến quán ăn Nga- Cafe CCCP mà mọi người đã giới thiệu trên trang web KGU nhưng không bạn nào biết địa chỉ.  Cuối cùng,  theo bố trí của Vi, chúng tôi kéo nhau đến nhà hàng Nga có tên là Salut ở 60 Ngọc Khánh. Những món ăn Nga quen thuộc như xalat Nga, borsch, thịt nướng và 1 món rất ngon nhưng khó nhớ tên, tôi phải hỏi đi hỏi lại mãi Quy- chuyên gia ẩm thực Nga, mới biết đó là món “Selioka pod shuboi”.  Mấy chai rượu vang của Quy làm câu chuyện thêm rôm rả, mà đa số là nữ nên nhiều lúc “volume” lên tới cực đại khiến anh Hùng, anh Nhân chồng Mai chỉ còn biết cười trừ. Mọi người nâng ly chúc mừng năm mới, chúc nhau luôn khỏe và có thêm nhiều dịp “tụ tập”. Một lúc sau, Vi chợt nhớ ra là quán này gần nhà Sơn nên bảo tôi gọi điện mời Sơn tới. Sơn bảo có việc bận, nhưng sẽ ghé qua một lúc. Sơn là bạn học với tôi hồi dự bị tiếng Nga ở Kishinev, sau đó chuyển đến Krasnoda để học luật. Đây cũng là một nhân vật khá quen mặt, quen tên với những người đã từng ở Kishinev hồi ấy, không chỉ vì học giỏi (bạn học trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, đã đoạt giải quốc gia Văn hồi cấp 2) mà có lẽ vì tên Sơn gắn liền với một bóng hồng Kishinev trong suốt cả thời gian đại học bên đó.  Thấy tôi băn khoăn không biết liệu Sơn có đến không, em Mai bảo:- Chị yên tâm đi, anh Sơn đã hứa là thể nào cũng đến.  

 

Thế rồi Sơn đến thật. Đồng chí Phó Chủ tịch Thành Phố (hay có thể gọi khác là “Phó Thị trưởng”, nguyên là Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp được điều chuyển sang) cũng  không khác gì lắm so với mấy năm trước, vẫn thân thiện, cởi mở với bạn bè. Có khác chăng là Sơn không còn gọi tôi là chị, xưng em (Sơn kém tôi một tuổi, vì tôi học phổ thông hệ 12 năm) mà cho tôi lên thành “bà Vân” và xưng “tôi”, hihi.

 

Anh Hùng và phu nhân, dược sĩ Lê Thị Bình-chủ doanh nghiệp Tâm Bình tranh thủ đề đạt vài vấn đề để xin ý kiến chỉ đạo từ đồng chí Phó Chủ Tịch. Chuyện phiếm, Sơn bảo những năm tháng học ở Liên Xô, đặc biệt là Kishinev quả thật không thể nào quên và đáng tự hào.  Nhân cuộc vui, Sơn đọc thơ của các nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Sĩ Đại và hát mấy bài hát phổ từ thơ của các nhà thơ ấy. Tôi bảo không ngờ đồng chí Phó Chủ Tịch có giọng hát khá truyền cảm, nhưng em Mai vốn là “người nhà Bộ Tư Pháp”, có thời gian anh em còn làm chung một Vụ thì bảo chẳng có gì bất ngờ, vì anh Sơn vẫn thường trổ tài hát trong những dịp vui với anh chị em trong cơ quan.

 

Hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, tôi về Thái Bình dự họp lớp. Lần đầu tiên kể từ ngày ra trường, chúng tôi mới có dịp tổ chức họp lớp, nhân kỷ niệm năm thứ 40 kể từ ngày chúng tôi gặp nhauHồi ấy Thái Bình chưa có trường chuyên cấp 2, chúng tôi là năm đầu tiên, mà thực chất là lớp chọn, có tính chất thí điểm, lớp 6E và sau đó là lớp 7AB. Ngày ấy chúng tôi là 11 cô cậu học toán, cùng với 16 cô bé học văn và những người thầy tận tâm hết mực. Số phận sau đó đã đưa chúng tôi đến những bến bờ khác nhau, có nhiều người thành đạt trong cuộc sống nhưng cũng có người không được như ý. 27 bạn ngày ấy mà hôm nay tập trung được những 21 bạn, có bạn ở Hung cũng về tham gia. Có những người bạn 38 năm sau mới gặp nhau, cũng thoáng chút ngỡ ngàng khi thấy cậu bé bầu bĩnh trắng trẻo năm xưa bây giờ đã thành một ông trung niên “tóc gió thôi bay”, cô bé tóc khét nắng ngày nào bây giờ trên mặt đã hằn vết thời gian. Nhưng rồi sau một vài tiếng đồng hồ, tất cả như trở lại thời thơ ấu, cái thời cả con trai con gái đều có thể đánh khăng, đánh đáo, nhảy dây…Rất vui là tôi đều được tất cả các bạn nhận ra, mặc dù có bạn đã 38 năm không gặp lại, và lần về Thái Bình của tôi gần nhất là năm 1997. Những ký ức về những gì tưởng chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, như bạn Lan (lùn), tiến sĩ ngữ văn dí dỏm: “Kỷ niệm nóng hổi, còn chúng ta va vào nhau dúm dó”.

(Các bạn nam chờ tặng hoa 8/3 cho các bạn nữ)

Do hoàn cảnh khách quan, chúng tôi chỉ dự tính mời các thầy cô dạy toán và dạy văn trong 2 năm, tổng cộng là 6 thầy cô, thế mà cuối cùng chỉ được 4 thầy cô tham dự, một thầy dạy Văn đã mất, một cô dạy toán đang ốm, đi chữa bệnh trong Sài Gòn. Tôi gặp lại thầy dạy văn của tôi năm lớp 7, đồng thời là thầy giáo dạy tuyển Văn của tỉnh đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn, tuy bước chân có chậm. Thầy giáo chủ nhiệm lớp 7AB Lê Quang Cầu, thần tượng của chúng tôi ngày nào thì từ Hà nội xuống. Tôi đã có dịp giới thiệu thầy Cầu với một vài anh chị KGU với sự tự hào không che giấu là được làm học trò của thầy, tuy chúng tôi là dân Văn nên không được trực tiếp học toán thầy. Tình cờ cuộc gặp gỡ hôm ấy- 7/3  lại đúng vào ngày sinh nhật thầy 70 tuổi nên vui lại càng vui. Thầy Cầu đã hát tặng chúng tôi bài “Sông Lô,  ngày cuối năm” và đặc biệt là bài “thời thanh niên sôi nổi” bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt, bài hát mà thầy đã dạy chúng tôi từ 40 năm trước, vẫn bằng giọng hát ấm áp và âm vang ấy, chẳng ngờ lại của một người đã ở tuổi 70.

 

40 năm, có những chuyện bí mật nho nhỏ mà lần đầu tiên được “công bố”. Bạn Phạm Quốc Vinh, tức Vinh “sọc”- toán 86 KGU, kẻ mà suốt mấy năm cùng học ở Kishinev tôi chẳng mấy khi nói chuyện, vì ghét cái mặt “kiêu kiêu” của hắn, lại là người “bật mí” trước nhất. Vinh kể về thuở có 1 cậu bé lớp 4 (lớp 4 mới khiếp chứ) ngày ấy thầm thích 1 cô bé cùng lớp. Nhà cô bé bán quán nước ở trên đường Trưng Trắc, cách khu tập thể 4 tầng nhà  Vinh một quãng. Ngày ngày, tối đến khi thành phố lên đèn là cậu bé (mặc quần đùi đỏ, áo mayo trắng) lại chạy bộ từ khu tập thể ra vệ đường, nhìn sang bên kia đường để khi nào thấy cô bé ra trông hàng thay mẹ thì cậu mới chạy về nhà. Rồi có sự trùng hợp, vợ của Vinh bây giờ cũng có tên trùng với tên cô bé ấy. Mọi người ồ lên rồi quay ra trêu “cô bé” năm nào khiến "cô bé" đỏ cả mặt. Còn bạn Nhung Anh, hoa khôi không những của lớp mà còn của cả thị xã thuở ấy lại kể tiếp chuyện về Vinh khiến mọi người cười bò: “- Vinh còn nhớ hồi lớp 6 không, có lần cậu cho tớ cái vòng tay, được mấy hôm cậu lại đòi lại, mà sao tớ lại ngốc thế, cũng trả lại cậu nhỉ!”

Chuyện của Khánh cũng lý thú không kém. Sáng Chủ Nhật (8/3), lẽ ra chúng tôi ăn sáng trong khách sạn rồi rủ nhau đi tham quan vài nơi, nhưng Khánh ngỏ ý muốn gặp lại “người xưa”- cũng là một cô bạn học từ hồi lớp 4 mà đến bây giờ vẫn chưa có dịp gặp lại. Thế là chúng tôi thay đổi kế hoạch, tất cả đi bộ ra quán “bánh cuốn trong ngõ”, nơi “người xưa” của Khánh bây giờ làm chủ quán. Cả lũ được bố trí ngồi ở bàn trong nhà, còn bà chủ vừa tráng bánh, vừa rán nem (bánh cuốn nem rán) ở phía sân ngoài. Khánh vừa ăn vừa thấp thỏm, vì chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ nàng đã nhận ra anh chàng 80 kg ấy là cậu bé lớp 4 ngày nào. Ăn xong, cả lũ đẩy Khánh ra trả tiền để hắn có cớ nói chuyện với “nàng”. Bạn Vinh cũng lò dò đi theo, phòng khi Khánh bối rối quá còn đỡ kịp. Ở trong nhà, bọn con gái nín thở lắng nghe mà chẳng thấy hai bên nói với nhau câu nào. Nhung Anh chép miệng: - Rõ chán cái ông Vinh, ai lại ra ngồi kèm như phù rể thế! Bỗng nghe thấy tiếng Khánh:- Trả tiền này! Ha ha, cả lũ không nhịn nổi liền cười ầm lên. Hóa ra câu đầu tiên của “họ” với nhau sau mấy chục năm xa cách (chàng đi học nước ngoài rồi vào Sài Gòn sống) lại cụt ngủn và đầy vẻ dỗi hờn như thế đấy! Cả lũ chúng tôi như được phát tín hiệu xanh liền ùa ra, kéo ghế ngồi xung quanh bà chủ và chỉ vào Khánh hỏi:- Có nhận ra ai không? Nàng ngơ ngác:- Ai thế, tớ chỉ biết là bạn quen, không nhớ ra là ai! Thế mới chán! Lúc ra về, Khánh đánh bạo bắt tay nàng, nhưng tay nàng dính đầy dầu mỡ bánh cuốn, chàng đành cầm cổ tay nàng, khiến cả bọn cười bò. Vinh trêu Khánh:- Sao, “giã từ quá khứ” được chưa? Có nuối tiếc gì nữa không? Khánh thì đỏ cả mặt vì cả bọn trêu chuyện tình yêu bánh cuốn, Khánh làu bàu:- Khiếp cái bọn này, “rung động đầu đời” của người ta mà cứ ….

Hai ngày “tết muộn” ở Thái Bình, chúng tôi thăm lại trường xưa và tranh thủ đi tham quan một số công trình, di tích văn hóa. Chúng tôi đưa các thầy đi chùa Keo, cách thị xã chừng hơn 10 km, nơi có câu ca dao:

“Dù cho cha đánh mẹ treo

em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”

Chùa Keo là một kiệt tác kiến trúc của cha ông, toàn bộ công trình là bằng gỗ. Năm 1975 tôi đã được ba mẹ thưởng cho chuyến đi thăm chùa Keo mà ấn tượng của tôi vẫn còn mãi đến tận bây giờ, nhất là gác chuông chùa Keo và giếng chùa, thật đẹp và uy nghi.  

Rồi chúng tôi đến nhà thờ Chính Tòa ở trong thành phố. Tôi ngạc nhiên vì nhà thờ hoàn toàn khác với trong trí nhớ của tôi. Hóa ra cách đây gần 10 năm, nhà thờ đã được xây dựng lại với kiến trúc rất đẹp, màu sơn nâu vàng như màu phù sa sông Hồng. Nghe nói nhà thờ Thái Bình cũng được liệt vào danh sách 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.    

 

Cách thành phố Thái Bình chừng hơn 20 km là khu di tích đền Trần ở huyện Hưng Hà, nơi phát tích của nhà Trần và là nơi yên nghỉ của các vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và phật hoàng Trần Nhân Tông. Chúng tôi tới khu đền Trần vào ngày cuối cùng của lễ hội đền Trần, được xem các cụ làm lễ rất long trọng. Mặc dù trời mưa phùn dầm dề, nhưng khách thập phương vẫn rất đông, tuy đông nhưng không có vẻ xô bồ như nhiều lễ hội khác.   

 

Trong khuôn khổ của bài viết, với chuyến đi vội của mình, tôi không thể tả được hết những cảnh đẹp mà tôi đã tham quan trong 2 ngày ở quê mẹ. Thôi thì học theo anh HảiNV, tôi muốn nói: - Người KGU ơi, hãy về thăm Thái Bình quê tôi!.  

Tôi đã có ba ngày đón Tết muộn trên đất Bắc thật vui, ấm áp tình cảm anh em, bạn bè, thầy trò như thế.

 

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 12-03-2015 21:09






Xem 41 - 50 của tổng số 70 Comments



Từ: HuongNT
15/03/2015 13:14:39

Bốn câu thơ đúc rút của em Diện thật chính xác và hay! Chỉ biết cười trừ vừa thông minh vừa dí dỏm, khen người cũng là khen mình luôn nhỉ? Hoá ra em cũng quê Thái Bình! Thảo nào....



Từ: VinhDT
14/03/2015 22:04:41

Tôi được anh Minh chị Chi mời đi cùng lên thăm anh chị Tuấn-Lý thì thích quá, mấy lần đã lỡ nhịp rồi. Đi chơi Tết muộn thật thong dong, sướng nhất là lại chẳng phải nghĩ đi thế nào vì đã có anh Minh lo hết. Về HN tôi vẫn nhớ dáng tong tả của chị Lý khi bạn đến nhà, có gì là lôi ra bằng hết. Trước khi về, chị Lý còn chạy vào bếp vét mấy củ khoai môn ra chia cho mọi người, Thanh liền đùa: xem trong bếp còn gì nữa thì mang hết ra nhé. Anh Tuấn vẫn say xưa với chuyện văn thơ. Khi về anh còn gửi tôi quyển “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” cho một cháu đã giúp anh tìm tư liệu của đền Lâu Thượng. Hẹn gặp anh chị Tuấn Lý ở Du xuân nhé. MM kể chuyện hay quá. Hình như mấy bạn Thái Bình đều có năng khiếu văn thơ (giá mà ngày xưa mình cũng được học ở Thái Bính tý nhỉ!). 



14/03/2015 22:01:35

Mèo mun, Minh Lý, Thu Huyền


Ba cô 'năm tấn' Thái bình quê tôi


Thơ văn siêu nhất trần đời


Cho lòng xao xuyến bao người KGU


 



Từ: Meomun
14/03/2015 17:20:06



Cám ơn các anh chị đã lắng nghe chuyện của em. Ký ức tuổi thơ cứ theo ta mãi, một thời nghịch ngợm, ngây thơ, nhiều hoài bão, ước mơ. Đối với các thầy của bọn em cũng vậy, ngày ấy các thầy mới ở tuổi 30, chắc cũng có những hoài bão, những dự định bên cạnh cuộc sống đầy khó khăn cơm áo gạo tiền...Có thầy sau đó nghỉ dạy, về nhà làm nghề thuốc nam gia truyền, chắc trong lòng thầy vẫn đau đáu nhớ trường, nhớ học trò. Hai ngày ấy, thầy và trò đã rất vui, mọi người đều thấy tiếc sao cả lớp không kết nối nhau sớm hơn, mà chỉ mới từng tốp nhỏ. Chia tay, ai cũng bịn rịn và cảm thấy quỹ thời gian chẳng còn nhiều nữa. Thầy đã 70-80, còn trò cũng đã ngoài 50. Dịp 20/11, trường cũ tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường, chúng em lại hẹn nhau trở về mái trường xưa.


 



Từ: HuongNT
14/03/2015 07:49:48

Tết muộn của Mèo Mun có 3 ngày thôi mà đã có nhiều sự kiện thật ý nghĩa! Cám ơn em đã có một bài viết rất tỉ mỉ, xúc tích với nhiều hình ảnh của chuyến đi này!



Từ: Guest Morava
14/03/2015 07:35:06

Cách đây một tháng tôi cũng đã về Thái Bình, nhưng ít thời gian quá nên không đi hết được thành phố của quê lúa này. Và thật không ngờ giữa thành phố lại có một nhà thờ trông hoành tráng có kết cấu, kiến trúc và mầu sắc thật ấn tượng như vậy. Cám ơn H. Vân đã cho xem ảnh và đọc một bai phóng sự hay.



Từ: Guest HHIÊN
13/03/2015 23:47:55

MM em nhớ chuẩn đấy nhưng chị bôn ba nhiều nơi theo bố nên ở quê cụ  ko có nổi 1cm đất ,là con trưởng nhưng mọi công việc họ hàng,làng xóm đều giao quyền lại cho chú ,bây giờ em trai mình cũng thế giao quyền lại cho các cậu con chú ở quê,khi có việc Họ chỉ về dự cho có mặt.



Từ: ThanhLK
13/03/2015 23:40:51

Mình bận nên cũng chậm chân như Huyền. Chuyến Du xuân “cân đẩu vân” của MM thật phong phú và hấp dẫn. MM không những có Tết muộn ở Việt Trì mà còn được gặp bạn ở Hà Nội và Thái Bình. Những kỷ niệm thời học trò đều lung linh và trong sáng, bạn bè thuở học trò gặp lại nhau cũng vậy. Nhờ những cuộc gặp Tết muộn đó nên bài viết đầy cảm xúc và lôi cuốn. Mong thường xuyên được đọc bài của Vân.MM mặc váy trông rất duyên dáng, cứ phát huy nhé.



Từ: MinhCK
13/03/2015 22:32:21

Hội phó T/P HCM nhắc MM là khích tướng đấy. Anh ghi nhớ hộ MM là năm 2013 MM có tham gia du xuân tại HCM city nhưng không đi Cát Tiên nên chị Tuyết nhầm thôi. Vậy lần này MM cố gắng xếp time để đi ra Bắc một lần nữa nhé vì cũng vào Thú 7 và CN mà. Nói vậy thôi chứ công việc của những người đang còn đi làm thì cũng khó thu xếp lắm.


Rau của nhà Tuấn- Lý nhà mình đã tiêu thụ hết rồi. Rau sạch của Việt Trì lần nào lên chơi nhà Tuấn-Lý đều có và đều rất ngon. Hôm lên nhà Tuấn-Lý lúc về mình cứ nhớ mãi câu Tuấn nói: "lần Lý ngã bị đau chân Tuấn không đi đâu được, cứ quanh quẩn trong nhà rồi đứng im lặng trong cổng sắt chẳng biết làm gì", cứ nghĩ đến câu đó mà thường Tuấn quá chừng.


 



Tuấn-Lý và MinhCK trong buổi lễ ra mắt tuyển tập thơ "NỐI HAI ĐẦU THẾ KỶ" tại thư viện Hà Nội


 


Mong sao hai em luôn khỏe mạnh để cùng nhau đi chơi và về dự du xuân cùng mọi người nhé. Mong cho hai em luôn bên nhau đến cuối cuộc đời.



Từ: Meomun
13/03/2015 21:19:47



@Chị Hiền: Chị là con gái làng Đa Sĩ, không phải là dân Thái Lọ nhà em mà sao chị biết rõ xóm 4 tầng, Trưng Trắc thế? Ngày xưa cậu bạn em leo lên tháp nước, lúc lên cao nhìn xuống hãi quá, không dám xuống. Bây giờ đi qua, thấy nhà 4 tầng, cái tháp nước thấp tè, cũ kỹ…Rạp Vĩnh Trà, rạp Thống nhất, vườn hoa, sông Trà lý…tuổi thơ của em ở đó chị ạ.  


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s