KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 24 Tháng bẩy. 2012

Hoa cúc dành cho người anh hùng




Tác giả: Huy Đức (ThuTT sưu tầm)

Vài lời nhân ngày 27/7
Có một người lính trước khi bơi qua sông Thạch hãn để vào Thành cổ, mang một gói vuông viêng bọc bằng ni lông bao gạo gửi một người lính khác đem về cho Mẹ nếu như anh không về. Trong cái gói nhỏ ấy có một số thứ của riêng anh và những bức thư của một người con gái đang du học ở phương xa. Trước khi đi vào nơi tử địa, họ ngồi đọc cho nhau nghe vài đoạn thư gửi về từ xứ tuyết "nghìn trùng mới đến được chiến hào. Tôi nhớ có một lá thư viết dưới gốc sồi cổ thụ, trong giờ nghỉ trưa, khi "đi khoai tây" ở nông trang". Một trích đoạn trong "Nhật ký viết lại" của PGS. TS NGuyễn Tiến Tài, một CCB Quảng trị, một người bạn của nhiều người KGU. Và những lá thư được hai người lính đọc cho nhau nghe ấy được viết từ KGU.
Sáng sớm tháng 10/2011, trên đường phố vắng lặng của Kishinhop, tôi và Trương Xuân Thanh, hai đứa bạn học cùng phổ thông, giờ này đã U60 vẫn mày mày tao tao , cùng nhớ những ngày xưa, mỗi chiều muộn từ trường về nhà, ngắm những gia đình đầm ấm bên ánh đèn mà nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ mấy đứa em. Thanh bảo: "Mày có nhớ cái vụ máy bay bị hỏng, phi công quyết định không nhảy dù để đưa máy bay ra xa khu dân cư và phi công hy sinh không. Thằng em tao đấy!"
Thế hệ chúng ta, đặc biệt là lớp sinh viên du học ở Liên xô thời ấy đựoc đọc rất nhiều câu chuyện cảm động và lãng mạn của các chiến sĩ Hồng quân thời chiến tranh Vệ quốc. Nhưng không phải ai cũng đã từng biết rằng những câu chuyện tương tự như thế đã từng xảy ra với những người bạn quanh ta. Nhân dịp 27/7, xin gửi ngừơi KGU một câu chuyện đăng trên báo Tuổi trẻ cách đây đã nhiều năm của nhà báo Huy Đức khi người phi công trong câu chuyện được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

Hoa cúc dành cho người anh hùng

Đêm 28/12/1972, một trong những đêm B52 Mỹ rải thảm xuống Hà nội, từ một sân bay bí mật , chiếc máy bay Mig 21 do Vũ Xuân Thiều lái đã xuất kích. Một mình anh tả xung hữu đột vượt lớp sương mù F4 hung hãn để đột nhập vào mây đen B52. "Sao Mai xin phép công kích". Anh bắn trái tên lửa thứ nhất, đụng phải tên lửa nhử mồi do chiếc B52 phóng ra. "Sao Mai công kích lần hai". Phát đạn lại chỉ sượt sát bên sườn. Chiếc Mig21 hết đạn. "Sao Mai xin phép tiêu diệt!" - sĩ quan dẫn đường, thượng úy Lê Thiết Hùng, nghe tiếng anh báo về, thảng thốt kêu lên. Vũ Xuân Thiều đã biến chiếc Mig21 thành phát tên lửa cuối cùng. Một khối lửa bùng cháy. Mây đen bị tiêu diệt, nhưng trên màn hình ra đa cũng không còn tín hiệu chiếc Mig của Thiều.

Cũng đêm 28/12/1972, mẹ anh, bà Vũ Thị Vượng, đang ở nơi sơ tán Ba Vì. « Tôi không tài nào ngủ được, lòng như lửa đốt » - Bà kể - Dù rất sợ bóng đêm, tôi vẫn ra đứng nhìn trời. Đêm đó, máy bay cứ ầm ì cả đêm. Mẹ anh kể tiếp : - Đang học Đại học Bách khoa Hà nội năm thứ 3, Thiều trốn nhà đi khám tuyển phi công. Thiều trở thành một phi công giỏi, được bố trí bay đêm. Trong thư gửi về nhà hôm 22/5/1972 anh viết : « Bây giờ chỉ ngồi nhìn tụi bay ngày làm ăn. Sốt ruột vô cùng nhưng không làm gì được. Người ta bảo chúng con : đừng nghĩ về F4, mà phải nghĩ tới những chiếc B52. Có lẽ còn lâu lắm con mới được ghé về Hà nội để thăm mẹ, thăm nhà ». Cách đó không lâu- mẹ Vượng kể, - khi ghé qua Hà nội, Thiều có đến cơ quan tìm mẹ, nhưng vội lắm. Khi tôi ra cổng thì nó đã đi rồi. Tôi xách xe cuống cuồng đạp đuổi theo. Nhưng nó lại cũng vừa nhảy xe về lại sân bay. Lúc đó, thương con, mẹ chỉ biết đứng khóc. Trong số những di vật của Thiều, có một bức thư được viết ngay trong 12 ngày đêm B52 đánh phá Hà nội. Thư đề ngày 21/12/1972, đó là một bức thư dở dang và nó mãi mãi dừng lại ở dòng thứ mười : « Bố mẹ thân yêu ! Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà nội. Con nghĩ không phải bây giờ là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình... ». Một tuần sau, Vũ Xuân Thiều lao thẳng vào một pháo đài bay B52. Có lẽ anh làm như vậy vì đã phải trải qua nhiều đêm nhìn « bom đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà nội », nơi có mẹ và các em mình.

26 năm qua, mỗi kỳ giỗ anh, gia đình các đồng đội cũ như Nguyễn Đình Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Tuân... không vợ thì chồng cùng kéo đến bên mẹ Vượng. Thỉnh thoảng nhìn Hoa, người bạn gái của Vũ Xuân Thiều, mẹ lại khóc. Hoa dỗ mẹ : « Mẹ đừng buồn nữa, mẹ mất một mà giờ mẹ có thêm hai mà ». Mãi đến tháng 3-1973 chị Hoa mới biết tin Thiều hy sinh. Đơn vị giấu, gia đình giấu. Nhưng chị thì không thể giấu được nỗi lo xé lòng. Ba năm trời học ở Nga, cứ không lâu hơn một tuần, Hoa lại nhận được thư của Thiều. Bức thư nào cũng viết trên những trang giấy nhỏ màu xanh da trời. Nhưng đã ba tháng ! Cuối tháng 3-1973, Hoa nhận được thư của Soát. Soát phải nhận lãnh một trách nhiệm khó khăn mà bạn bè giao cho : viết thư báo tin Thiều hy sinh cho Hoa...

Năm 1969, thi đỗ đại học điểm ưu, Hoa cô nữ sinh 16 tuổi được bố mẹ thưởng một tuần đi nghỉ ở Tam đảo. Nhóm phi công của Thiều cũng đang an dưỡng nơi đó. « Anh đã nhìn thấy em từ hôm qua, cô bé nghịch nhất bọn » - Thiều nói khi chủ động làm quen Hoa và họ thân nhau khá nhanh vì : « Té ra tôi học với em gái anh ấy, và mẹ anh ấy hồi xưa là học sinh bà đốc Cẩn, bà ngoại tôi ». Khi cùng mẹ Vượng lục lại những kỷ vật của Thiều, tôi thấy trong trong một cuốn sổ nhỏ có ghi dòng chữ : « Tam đảo 31-7-1969 », ngày này được mẹ xác nhận là ngày mà họ gặp nhau. Cũng từ cuốn sổ rơi ra một tấm ảnh nhỏ chụp Hoa cùng với hai nữ sinh, phía sau tấm hình chữ Hoa nắn nót : « Giữ cho em tấm hình này anh nhé. Em không thể nào quên được Tam đảo. 15-8-1969 ». Chị Hoa : « Tôi sắp sang Nga học, còn anh là một phi công chiến đấu nên chúng tôi rất ít gặp nhau ». Có một lần trong mưa anh đến nhà chị ở đường Nguyễn Biểu, tay giấu trong áo mưa mấy bông hồng. Trong cuốn sổ của anh có ghi : « Hà nội, NB 12-8-1969 ». Họ có thêm một đôi lần đi chơi, sổ của Thiều có ghi : « Ba đình 14-8-1969 ; 15-8-1969 » và lần cuối cùng anh đạp xe về tiễn chị ra ga đi Nga, sổ ghi « Bách khoa 25-8-1969 ». Sau đó là thư, mỗi tuần một lá màu xanh da trời.

Cũng trong buổi chiều đông ấy, mẹ Vượng tìm thêm được một kỷ vật mới, bài thơ của Simonov "Em ơi đợi anh về". Bài thơ Hoa chép tặng Thiều ngày 19-9-1970, nguyên bài bằng tiếng Nga và một khổ thơ cuối Hoa tự dịch sang lời Việt:
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì anh ơi cứ đợi
Đợi em về nghe anh

Phía dưới ký tên H2. H2 là Hoàng Hoa, Lê Hoàng Hoa, tên chị. Hoa kể: "Bà ngoại tôi rất thích hoa cúc vàng nên đặt tên tôi là Hoàng Hoa. Bà nói: cúc vàng dẫu có khô đi thì cũng không bị rụng cánh. Đó là biểu tượng của lòng chung thủy". 26 năm qua, ngày giỗ nào của Thiều cũng có hoa cúc vàng. Kể từ khi mộ Thiều được đưa từ Sơn la về, thỉnh thoảng người con gái năm xưa lại đặt lên đấy những bông cúc. Những cánh hoa cúc giờ đây dường như đang vàng rực lên hơn trước gió.

Huy Đức (Báo Tuổi trẻ)

 

 


Người post: ThuTT

Ngày đăng: 24-07-2012 22:10






Xem 11 - 15 của tổng số 15 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: ThanhLK
25/07/2012 15:22:48

@ BìnhLT: Hình như gì nữa em BìnhLT ơi, chuyện tình của anh Thiều và chị Hoàng Hoa đã nổi tiếng Kishinhop ngày đó. Bọn chị rất ngưỡng mộ tình yêu trong sáng và cao đẹp của một đôi trai tài gái sắc và đã được chứng kiến sự bàng hoàng và đau khổ của chị Hoàng Hoa như thế nào khi nghe tin anh Thiều đã hy sinh anh dũng và trở thành anh hùng.


Mới đây chị đã được gặp chị Hoàng Hoa và anh Soát trong buổi tiệc chia tay với cô Larisa của nhóm trò, mặc dù chị Hoa không phải là trò trực tiếp của cô. Cô Larisa đã cảm động lắm khi được giới thiệu với anh Soát.


Xin chép tặng chị Hoàng Hoa mấy câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh về hoa cúc vàng, chúc chị mãi đẹp tươi như Hoa Cúc. Chị thật xứng đáng với tình yêu của anh Thiều đã dành cho chị.


Bao tháng ngày đi về trên mái tóc
Chỉ em là đã khác với em thôi!
Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi
Thành phố ngợp ngày nào chiều gió dậy
Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy
Màu hoa vàng vẫ
n cháy trong em


            &nb sp;                         &nb sp;      Xuân Quỳnh



Từ: BinhLT78
25/07/2012 14:17:56

@Chị Tuyết ơi, em cũng biết câu chuyện tình của Chị LHH CL75. Chị ấy còn ở gần nhà em cùng khu Định công . Nhưng vì trong câu chuyện không nêu LHH là ai, và không phải người KGU nào cũng biết,  nên em hỏi như vậy để mọi người cùng tìm hiểu...



Từ: TuyetHA
25/07/2012 14:05:43


 


@ Bình ơi không biết chị Lê Hoàng Hoa CL75 à? Người KGU chính hiệu còn hình như gì nữa.




Từ: NghiPH
25/07/2012 12:55:30

Anh Vũ Xuân Thiều cùng với chiếc máy bay đã lao vào B 52 của địch. Anh là bó đuốc sông trên không. Một hành động rất oai hùng. Người em của anh Thanh không nhảy dù mà ở lại khoang lái, cố gắng tránh không để máy bay rơi vào khu dân cư cũng là một người anh hùng.



Từ: BinhLT78
25/07/2012 09:16:05

Chào Thu TT (3T). Lâu lắm mới lại thấy Thu xuất hiện. Cảm ơn câu chuyện sưu tầm của Thu rất hay và ý nghĩa nhân ngày 27/7 và hơn thế nữa vì "hình như' có liên quan đến người KGU , đúng không?




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s