ThoaNP
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 1 - 9 của tổng số 26 Blogs.


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>


Stephen Hawking qua đời
Ngày đăng 15/03/2018 01:52:52

Stephen Hawking qua đời.

Cứ tưởng rằng mình đã về hưu "nhiều năm". Suốt ngày chỉ lo chăm mẹ, đưa đón các cháu đi học, rảnh ra thì làm vườn, ... tâm hồn đã không còn bị xáo trộn bởi những việc to lớn. Vậy mà nhìn thấy dòng tít "Stephen Hawking qua đời" tự nhiên lòng thấy trống trải, một cảm giác buồn thật khó tả. Như khi chứng kiến một cái gì toàn mỹ  rời bỏ cuộc đời này.

Tài năng xuất chúng đó, nghị lực phi thường đó, rồi cũng tri thiên mệnh. Nhưng ông đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ trẻ trong khoa học.

Vĩnh biệt ông, một tượng đài vĩ đại trong lòng tôi.


NHỚ NGÀY XƯA QUÁ
Ngày đăng 17/12/2017 22:13:52

Tình cờ đọc được một tản văn của Đỗ Phấn trên báo SGGP, lại cồn cào nhớ về ngày xưa ...

 

Dấu ấn bàn tay

ĐỖ PHẤN

SGGP Chủ Nhật, 17/12/2017 07:46

Không kể đến những tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc là nơi để lại nhiều dấu ấn của bàn tay nhất, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của thị dân bây giờ thiếu vắng dấu ấn bàn tay một cách trầm trọng.

Với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rầm rộ ở những nước phát triển, trong một tương lai không xa, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế cho cả suy nghĩ của con người. Đã có nhiều dự báo về mặt trái của cuộc cách mạng này. Đó là sự dôi dư của nhân lực ngày một đến gần. Cụ thể hơn là xã hội sẽ thừa ra rất nhiều bàn tay và khối óc. Đó là một dự báo đáng suy nghĩ cho cuộc cách mạng văn minh của nhân loại.

Mới chỉ hai ba chục năm trước thôi, hầu như mọi đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều mang đậm dấu ấn bàn tay của người sản xuất. Cái chậu giặt quần áo được gò bằng tôn hoa đánh đai sắt tán đinh ở đáy. Hai chiếc quai xách cũng được tán đinh tương tự. Cứ nhìn vào chiếc đinh tán là có thể biết được tay nghề của người thợ thủ công ở mức nào. Chiếc bếp đun mùn cưa và sau này bếp dầu thủ công cũng vậy. Tương tự như thế là cái rổ, cái rá và những đồ đan bằng mây tre. Người dùng lâu năm ở phố có thể biết được cả xuất xứ của nó thuộc về vùng quê nào trên miền Bắc. Rổ rá và chiếc vỏ phích, giỏ ấm tích được đan ở vùng đất Thanh Hóa luôn là lựa chọn hàng đầu của các bà đi chợ. Bàn ghế mây và xe đẩy trẻ con phải là người vùng Hoài Đức, Chương Mỹ bên Hà Tây làm. Cái nón lá của các bà, các cô phải làm ở vùng Chuông, Tre mới được ưa chuộng. Chưa được dùng chiếc nón Huế thì có nón Nghệ An, Quảng Bình cũng khá đẹp.

Những bộ ấm chén uống nước chè và các loại bát dùng trong mâm cơm phần lớn là đồ Bát Tràng làm thủ công từ khâu đất cát than củi cho đến vẽ trang trí. Mua chục bát ở cửa hàng mang về còn thấy sợi dây đay buộc chặt thắt nút hoa xinh xắn. Những đồ gỗ trong nhà chế tạo thủ công đơn chiếc, lũ trẻ có thể thuộc lòng những chỗ lỗi của từng chiếc ghế. Cũng thuộc lòng cả những đường vân gỗ trên cánh tủ và chiếc bàn uống nước.

Quần áo mặc trên người dĩ nhiên may đo toàn bộ. Áo dài khâu tay và những thứ khác khâu máy. Người mặc chúng thường mang ra bình phẩm ở cơ quan để biết được những thợ may lành nghề. Cứ thế mà rỉ tai nhau làm cho những ông thợ khéo tay quanh năm làm không hết việc. Những đôi giày đàn ông gần như chỉ được đóng một lần trong đời vào ngày cưới. Cũng chỉ những đàn ông có điều kiện mà thôi. Thanh niên nghèo cưới vợ mượn nhau đôi giày là thường. Giày rộng nhét thêm chiếc bít tất rách vào mũi là xăng xái chạy đi đón dâu như thật.

Sách vở của lũ trẻ đến trường phần lớn tự đóng bằng giấy năm hào hai và tự bọc bằng họa báo hoặc báo cũ. Trẻ con những lớp học cấp ba mới có chiếc bút máy đầu tiên. Trước đó là bút chấm mực ngòi lá tre 2 xu một chiếc. Cái lọ mực không đổ bằng nhựa là phát minh khá muộn. Nó ra đời vào khoảng năm 1968 khi lũ trẻ tạm rời nơi sơ tán về Hà Nội học. Trước đó là lọ thủy tinh thổi thủ công sẫm màu đầy bọt. Cùng với nó là khá nhiều chai lọ đựng thuốc, thực phẩm và thông phong đèn dầu cũng những nơi ấy sản xuất. Lũ trẻ kéo ra đầu phố Kim Mã hoặc lên đê Yên Phụ xem những ông thợ thổi thủy tinh phồng mang trợn má cả ngày không biết chán. Vài đứa tinh nghịch xin mấy ông thợ cho thổi thử. Nhưng phần lớn hơi xì ra chỗ khác. 

Thoắt chốc vài mươi năm trôi qua, những vật dụng thân thiết ngày nào dần dần vắng bóng. Có thể nói, gần như toàn bộ vật dụng trong nhà thị dân bây giờ đều được chế tạo bằng máy móc hoặc chính nó là máy móc. Tìm chiếc quạt giấy, quạt nan làm tay ở phố bây giờ còn khó hơn mua chục cái quạt máy để bàn. Tương tự như vậy đi tìm mua chiếc gối mây hoặc gối da sơn mài cũng khó hơn mua cả bộ chăn gối Hàn Quốc, Trung Quốc, bày bán đầy chợ.

Những máy móc trong nhà giờ nhiều không kể xiết. Nhỏ nhất là cái đồng hồ đeo trên tay, mỗi người có vài cái là chuyện thường. Lớn hơn là điện thoại di động, cũng ít người chỉ dùng duy nhất một chiếc. Lớn nữa là đồ điện gia dụng các loại, máy xay, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện, chảo rán điện và bếp từ. Lớn nhất là tivi, máy nghe nhạc, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát, điều hòa và ô tô. Những món đồ kỹ thuật cao như máy tính, máy in, iPad, nhiều nhà không chỉ có một chiếc.

Những người thợ khéo tay trong phố và các vùng lân cận cũng dần bỏ nghề. Chẳng ai đi bật lại cái chăn bông, khi mà mua mới còn tốn ít tiền hơn. Cũng hiếm người còn cầu kỳ mặc quần áo may đo như trước. Hàng hiệu và hàng may mặc bình dân bán sẵn đầy phố. Hỏi ai đó ở Hà Nội tìm hộ ông thợ may giỏi có lẽ đã là việc khó đến vô vọng. Đồ gỗ chế tạo công nghiệp là lựa chọn của những gia đình trung lưu trở xuống. Nhiều tiền hơn, vẫn có người đặt đóng cầu kỳ bên những làng mộc nổi tiếng quanh Hà Nội. Tuy nhiên, những đồ gỗ này kê trong các căn hộ hiện đại nhiều tầng thường chẳng ăn nhập gì.

 

Nhớ quá những cái bát ăn cơm Bát Tràng méo mó vẽ tay ngày xưa. Anh lớn nhất trong nhà thường phải chọn cái bát méo có hình vẽ nguều ngoào để nhường các em những chiếc bát tròn đẹp hơn.


Phiên tòa
Ngày đăng 21/12/2016 01:24:11

Sáng nay, lần đầu tiên tôi tham dự một phiên tòa.

Cách đây gần 6 năm, cháu Hoàng Anh, con anh Huy ở nhà tập thể chúng tôi, bị giết chết rất dã man tại ngay hành lang tầng 1. Tôi vẫn nhớ như in sự luống cuống của cha cháu khi bế con (mà lúc đó chắc đã chết rồi) đưa sang bệnh viện bên cạnh. Khi chúng tôi theo sang đến nơi thì chỉ biết ôm người mẹ khóc không thành tiếng. Ngay sau đó tôi và em Yến phải về nhà TT để lo dọng vũng máu rất lớn. Hoàng Anh bị đâm 10 nhát dao, thủng cả tim, phổi, gan, dạ dày, ... Lớp máu trải rộng dưới nền nhà, chúng tôi không biết làm sao dọn được. Sau có người khuyên đi lấy cát, hai cô cháu chạy sang bên công trường gần đó xúc cát mang về. Phải hơn 10 xô lớn mới thấm được hết.

Những ngày sau đó là những ngày tang thương của cả nhà tập thể. Đêm đêm nghe tiếng mẹ cháu khóc nhớ con. Mỗi ngày đi qua cầu thang nơi cháu hay chơi đùa cùng em trai, đi qua hành lang nơi cháu chết thảm, lòng ai cũng quặn đau.

Ngay 2 ngày sau nghe tin kẻ thủ ác bị bắt, ai cũng hy vọng sẽ có sự xét xử nghiêm minh để hương hồn bạc mệnh của cháu mau được siêu thoát. Vậy mà chờ hoài không thấy xử. Rồi gần 9 tháng sau thì có tin ác nhân được đưa vào trại tâm thần.

Gần 6 năm trôi qua, tôi cảm tưởng công lý đã đi đâu đó, bỏ quên nhà TT nhỏ bé của chúng tôi. Anh Huy ba cháu đã vượt qua được bệnh ung thư đại tràng, tiếp theo lại bị tai biến, liệt nửa người, rồi trời thương, chắc muốn cho anh được chứng kiến phiên tòa đòi lại công bằng cho cháu, nên anh đã hồi phục phần nào, đi lại được và cũng bắt đầu nói được.

Cả tuần rồi nhà TT háo hức với tin phiên tòa sẽ diễn ra ngày 20/12. Mọi việc lớn khác đình lại hết, kể cả nhà TT đang sửa hệ thống hố ga, đường nước cũng cho thợ nghỉ, lấp tạm lại, chờ tòa xử xong rồi làm tiếp.

Cả đêm qua tôi ngủ không yên giấc, cứ nghĩ nếu bên kia họ mua được những người xét xử, tuyên phạt nhẹ cho kẻ thủ ác thì ba mẹ cháu Hoàng Anh sẽ sống tiếp ra sao. Anh Huy chắc lại lên cơn đột quỵ nữa.

Sáng nay đến tòa, trong số tham dự có cả Lan (Hóa 78), vc Trự (Hóa 77). Qua phần thủ tục ban đầu, đến phần xét hỏi, bị cáo nhận tội như Viện Kiểm sát đã nêu. Phần tranh luận tôi ghét nhất Giám định viên Nguyễn Đình Quang (ở tòa, phòng rộng, không biết tôi nghe tên có chính xác không nữa). Vụ việc xảy ra vào tháng 2/2011; giám định tâm thần tháng 11/2011, tức là gần 9 tháng sau, mà dám kết luận là bị tâm thần trước và trong lúc gây án, chỉ dựa vào 2 chứng cứ: 1) thông tin của chủ nhà trọ là bị cáo hay bị mất ngủ; và 2) một số đơn thuốc mua thuốc ngủ ở hiệu thuốc. Khi luật sư hỏi nếu như anh tự đánh giá chứng cứ như vậy là có khoa học và khách quan không? thì trả lời "cái này là cả Hội đồng giám định họp và đánh giá như vậy, chứ không phải mình tôi". Rồi nói gia đình bị cáo có tiền sử bệnh tâm thần, hỏi thì bảo anh trai và cha bị trầm cảm. Hỏi có chữa trị ở đâu, đơn thuốc hay bất cứ giấy chứng nhận nào không; thì chỉ là lời khai của mẹ bị cáo, và nói là điều trị tại nhà, không hề đi khám ở đâu hết.

Vậy mà lúc đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng lần cuối, thì sau những lời lẽ đao to búa lớn "hành động giết người mang tính côn đồ, có chủ đích", ... và ...; kết luận lại vẫn là tâm thần nên bị hạn chế ý thức, hành vi và đề nghị mức án 20 năm. Lúc đó tôi thấy giận dữ và bất lực, không còn tin một chút nào là công lý sẽ được thực thi.

Buổi chiều Tòa họp tiếp, một phần tôi có giờ dạy và phải lo đón các cháu, nhưng quan trọng hơn là tôi hoàn toàn mất niềm tin ở Tòa, đồng thời sợ phải chứng kiến cảnh vc anh Huy sẽ ra sao khi nghe Tòa tuyên án quá nhẹ cho kẻ ác, nên tôi bỏ về.

Gần 9 giờ tối, dạy cao học xong về nhà, không dám hỏi vc anh Huy mà phải hỏi Yến xem Tòa tuyên sao. Biết tòa tuyên Chung thân tôi nhẹ cả lòng, ít nhiều còn có công lý trên đời này. Yến kể buổi chiều tranh luận rất căng thẳng.

Cháu Hoàng Anh xinh đẹp của cô ơi, cháu hãy mừng vì chắc lâu lắm rôi ba mẹ cháu mới có một giấc ngủ tương đối thanh thản. Cô nhớ cháu biết bao nhiêu.

Lời thơ anh Huy viết vĩnh biệt con gái:

Bồng bềnh giữa rừng hoa trắng

Trên dòng suối lệ tiếc thương

Con đi về miền yên lặng

NHẮC ĐỜI:

CÒN ĐÓ TAI ƯƠNG!

Ảnh chụp tại đám tang cháu Hoàng Anh:

http://thanhnien.vn/thoi-su/tuyen-phat-sinh-vien-cuong-si-giet-con-gai-giao-su-tu-chung-than -775940.html

 

 


БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ (tiếp theo)
Ngày đăng 03/07/2016 07:50:06

БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ (tiếp theo)

Đấy là đáy cái xô bằng kẽm. Anh lập tức nhớ ra hồi ấy, năm 41, anh và các bạn đã không đặt lá cờ vào cái xô mà úp cái xô lên trên đề phòng nếu như căn hầm bị phá hủy thì cái xô sẽ bảo vệ cho lá cờ khỏi bị ngấm nước mưa và nước tuyết tan từ mặt đất thấm xuống.

Mọi người xúc động cúi xuống gần cái hố. Còn Xêmêniuc ráo riết đào đất xung quanh cái xô và cuối cùng cũng đã lấy được nó lên.

Trí nhớ đã không phản bội anh: gói cờ vẫn ở đây, nơi anh và các bạn đã chôn giấu nó mười lăm năm trước. Nhưng bản thân lá cờ còn hay không? Cái xô kẽm đã gỉ suốt từ ngoài vào trong, lỗ chỗ như mạng sàng. Nó đã bị muối trong đất ăn mòn.

Hai tay run run, Xêmêniuc lấy chiếc xô thứ 2 bằng vải bạt nằm dưới chiếc xô kẽm. Nó tan vụn trên tay đồng chí, năm tháng đã làm miếng vải bục hết. Dưới lớp vải ấy là lớp vải bạt mỏng hơn mà trước đây họ dùng để bọc lá cờ. Nó cũng bở bục và rách tã ra khi đồng chí vội vã mở cái gói. Nhưng trước mắt đã hiện ra tấm vải đỏ thắm và những chữ vàng sáng lóe.

Xêmêniuc thận trọng chạm nhẹ vào lá cờ. Không, nó không bị mục, nó vẫn được bảo quản tốt.

Thế là đồng chí thong thả mở ra, căng rộng và giơ cao tên đầu. Trên lớp vải đỏ lấp lóe hàng chữ vàng:

"Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại"
và bên dưới là
"Tiểu đoàn pháo cao xạ độc lập 393 ".

Mọi người im lặng, đứng ngây ra như bị phù phép, nhìn cái di tích chiến đấu được lấy lên từ dưới đất sau mười lăm năm. Xêmêniuc trân trọng trao lá cờ đó cho một sĩ quan, rồi lên khỏi hố. Đồng chí sung sướng tới bủn rủn cả người.

 

Hôm sau, ở sân trung tâm của pháo đài, đơn vị quân đội đóng tại nơi này đứng xếp hàng thành đội ngũ trân trọng. Tiếng nhạc nổi nên, một người cầm cờ bước từng bước, đi qua trước hàng quân, và sau lưng người ấy là một lá cờ đỏ phấp phới trước gió. Tiếp theo sau lá cờ ấy là một lá cờ khác diễu qua trước hàng quân, nhưng nó không được cắm vào cán. Nó được một người tầm thước mặc thường phục, trân trọngng nâng lên trên tay mang đi. Những hàng quân đứng im phăng phắc tỏ lòng tôn kính lá cờ quang vinh của các anh hùng pháo đài Brest, lá cờ còn phảng phất mùi khói súng của những trận đánh ác liệt để bảo vệ Tổ quốc và giờ đây đang nằm trên tay một người từng giữ nó trên ngực trong lúc chiến đấu, giữ gìn nó cho hậu thế.

Lá cờ của tiểu đoàn 393 do Rôđiôn Xêmêniuc tìm thấy đã được chuyển giao cho Nhà bảo tàng cuộc phòng thủ của Pháo đài Brest, hiện giờ nó vẫn được bảo quản ở đó. Hồi ấy, sau khi rời khỏi Brest, Xêmêniuc tới Minsk, được phó tư lệnh quân khu Bielarussia tiếp đón, và sau này đồng chí đã tới thăm tôi ở Moskva, kể cho tôi nghe đồng chí đã tìm thấy lá cờ như thế nào. Một năm sau, khi chính phủ khen thưởng những anh hùng của cuộc phòng thủ, người công nhân luyện kim nổi tiếng của Kuzơbax là Rôđiôn Xêmêniuc được thưởng Huân chương Cờ đỏ vì đã có công cất giấu và tìm được lá cờ chiến đấu của đơn vị mình.

 

Lần đầu tiên câu chuyện về việc bảo vệ pháo đài Brest được biết đến vào tháng Hai năm 1942, khi phát hiện kho lưu trữ của Sư đoàn bộ binh số 45 của Đức tham gia tấn công vào pháo đài. Trong một biên bản, các nhân viên báo cáo rằng Hồng quân bảo vệ pháo đài đã đáp trả rất mạnh mẽ.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân đội Yuri Knutov nói:

“Những người lính Liên Xô đã cho thấy rằng Hồng quân có thể chống lại những kẻ thù độc ác nhất. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, tại pháo đài Brest có khoảng 9.000 người. Khoảng 20 000 binh sĩ của quân đội Hitler đã xông vào pháo đài Brest. Theo kế hoạch tấn công của Đức, pháo đài phải bị chiếm trong vòng 6 giờ, tức là trưa ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, theo các văn bản, tiếng súng kéo dài cho đến tận tháng Tám.”

Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng cùng với thủ đô Moskva và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong danh hiệu Thành phố Anh hùng theo một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô.

Pháo đài Brest là một trong những đài tưởng niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được du khách đến thăm nhiều nhất. Qua nhiều năm, đã có hơn 23 triệu người từ 140 quốc gia đến nơi này.


БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ
Ngày đăng 03/07/2016 07:40:46

БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ

Trưa thứ Bảy, thấy bài báo “Pháo đài Brest – Biểu tượng yêu nước bất tử” trong “Thể thao & Văn hóa”, tôi liền đọc ngấu nghiến và nhớ về bao kỷ niệm năm Dự bị Đại học ở Minsk.

Chớm đầu xuân năm 1971, cả khóa Dự bị Minsk của chúng tôi được Trường Tổng hợp Minsk tổ chức đi tham quan Pháo đài Brest. Trước đó trong mấy tiết tiếng Nga, các cô giáo đã kể chuyện, giới thiệu về Pháo đài Brest và tác phẩm “Pháo đài Brest” của nhà văn Сергей Смирнов. Tôi còn nhớ tuy hồi đó tiếng Nga lõm bõm, nhưng cũng hiểu về những uẩn khúc mà các chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh sau khi Pháo đài thất thủ, may mắn hơn đa số đồng đội hoặc đã hy sinh trong trận chiến hoặc chết trong các trại tập trung của phát xít Đức, đã sống sót qua trại tập trung của phát xít nhưng sau chiến thắng lại tiếp tục bị quản thúc trong các trại giam thời Stalin do bị xem là phản bội. Nhà văn Сергей Смирнов là một trong những người tích cực nhất trong việc sưu tầm tài liệu, tìm lại các chiến sĩ và đưa chiến công của Pháo đài Brest ra ánh sáng. Nhiều năm liền nhà văn đã đăng thông tin tìm kiếm những người anh hùng vô danh của thành Brest trên radio và TV, tạo thành một làm sóng truy tìm các chiến sĩ trong cả nước. Nhà văn đã nhận được hơn 1 triệu lá thư phản hồi.

Chuyến đi thăm Pháo đài Brest của Khóa dự bị chúng tôi kéo dài 2 ngày, để lại trọng tôi những kỷ niệm khó quên. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết với hương thơm dịu nhẹ của hoa ландыш nhú lên từ lớp lá mục của rừng bạch dương khi tuyết còn chưa tan hết.

Trong chuyến đi này lần đầu tiên tôi nhận được bức thư tỏ tình của 1 bạn trai học cùng lớp dự bị, thư dài khoảng 8 trang giấy vở học trò (chữ khá to). Sự kiện này hầu như con gái cả khóa biết, vì bạn trai này ngượng nên nhờ bạn gái ở lớp khác chuyển cho tôi. Tất cả tụi con gái xúm vào đọc (lần đầu tiên có một thư tỏ tình mà lại dài nữa chứ) và mấy đứa bạn thân ngồi thảo thư trả lời. Tuy nhiên tôi đã giấu các bạn xé thư trả lời này bỏ đi, và không trả lời gì hết.

Cuối bài báo có mẩu tin là tối thứ bảy sẽ chiếu phim “Pháo đài Brest” tại Salon điện ảnh Café thứ Bảy trên đường Phạm Ngọc Thạch, tôi tính rủ Dũng đi xem, nhưng lại nghĩ “Dũng đâu có học ở Minsk, đâu có nhiều kỷ niệm với đất nước Belarusia và thành Brest như mình, chắc Dũng chẳng quan tâm” nên thôi.

Ai ngờ buổi chiều, Dũng đưa tôi tờ báo và chỉ vào khung nói về buổi chiếu phim (đúng là chí lớn gặp nhau!). Thế là hai tên bỏ cả ăn tối phóng đi xem. Buổi chiếu đang thời Euro chỉ có 5 người xem. Đầu tiên đạo diễn Bá Vũ nói vài lời giới thiệu, anh cũng chính là tác giả bài báo. Bộ phim thật sự hay và xúc động. Khi phim kết thúc, nước mắt tôi vẫn còn rơi.

 

Pháo đài Brest được xây dựng từ năm 1833 – 1838, nằm cách thị trấn Brest một dặm về phía tây. Dãy thành trì là trung tâm của pháo đài, nó nằm trên đảo và được bao bọc ở phía tây bởi dòng sông Bug và sông Muhavets. Bức tường gạch của dãy thành lũy dày được xây làm hai tầng để dùng làm doanh trại với năm trăm hầm tránh đạn. Phía dưới doanh trại là các nhà kho và một mạng lưới các đường hầm.

Pháo đài này có hai cổng Holmskie và Brestskie, liên thông thành lũy với cây cầu bắc qua sông Muhavets. Cánh cổng thứ ba là Terespolskie, mở ra hướng tây cây cầu bắc qua sông Bug. Các cây cầu đều dẫn đến các hòn đảo nhân tạo, ở đây là những công sự vòng ngoài, Kobrinskoye ở phía bắc, Terespolskoye ở phía tây và Volynskoye ở phía nam. Pháo đài được rào chắn bằng một bức rào đất cao 10 m.

Mặc dù không còn tác dụng phòng thủ trong chiến tranh hiện đại nhưng Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô vẫn đặt Pháo đài Brest vào kế hoạch phòng thủ biên giới và coi nó như một khu phòng ngự kiên cố của Quân khu đặc biệt miền Tây. Đây là nơi huấn luyện quân sự cho tân binh của các đơn vị thuộc tập đoàn quân 4, cũng là nơi thực hành các cuộc diễn tập quân sự đồng thời là căn cứ hậu cần, quân y tiền phương. Bản thân pháo đài và 5 đồn phòng thủ xung quanh pháo đài cũng được gấp rút củng cố để trở thành khu phòng thủ vững chắc. Tuy nhiên, Quân khu đặc biệt miền Tây không kịp hoàn thành kế hoạch này. Các công trình quân sự mới chỉ được bắt đầu đổ móng thì chiến tranh đã nổ ra.

 

Vào hồi 4 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 (giờ Moskva), quân Đức vượt qua biên giới giữa Liên Xô và Ba Lan, đến 4 giờ 15 thì các lực lượng thuộc tập đoàn quân Trung tâm của chúng bắt đầu tấn công pháo đài Brest. Quân Đức được chỉ thị lên kế hoạch sẽ chiếm pháo đài trong vòng vài giờ. Chúng đã nã pháo vào pháo đài liên tục trong vòng nửa tiếng đồng hồ, và đã phá hủy hoàn toàn các kho đạn dược, lương thực, khí tài quân sự và các doanh trại. Đạn pháo của chúng còn phá hủy hoàn toàn mạng lưới liên lạc vầ hệ thống cung cấp nước ngọt.

Ba sư đoàn bộ binh thuộc quân đoàn 12 của đại đoàn 4 quân Đức đã tham gia tấn công pháo đài. Sư đoàn bộ binh 45, đã kết hợp với một số binh lính của sư đoàn bộ binh 31, đã ồ ạt tấn công vào pháo đài. Sư đoàn bộ binh số 34 và hai sư đoàn tăng thuộc quân đoàn tăng số 2 cùng số quân còn lại của đoàn 31 đánh thọc sườn. Các mũi tấn công chính của chúng tiếp ứng phía sau.

Ngoài ý nghĩa đánh chiếm một căn cứ quân sự tiền tiêu (cho dù không thật sự quan trọng), việc hạ pháo đài Brest còn có một ý nghĩa tâm lý để động viên tinh thần của quân đội Đức Quốc xã. Chiến thuật cơ bản của quân đội Đức là sự dụng tối đa yếu tố bất ngờ và ưu thế tuyệt đối về binh lực, vũ khí, phương tiện, xe tăng, pháo binh và không quân để đánh chiếm pháo đài ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Biện pháp tác chiến thông dụng là dùng hỏa lực pháo, bom với mật độ cao ngay từ giờ đầu, phá hủy các công trình phòng thủ, làm tan rã tinh thần quân đồn trú của đối phương; sau đó dùng bộ binh để giải quyết nốt "phần còn lại" của nhiệm vụ.

Khi đó, trong pháo đài có khoảng tám ngàn binh sĩ Xô Viết được dàn trận phòng thủ để bảo vệ pháo đài Brest, trong khi đó thì chỉ mỗi sư đoàn 45 của địch cũng có đến 17 ngàn lính.

Tại thời điểm tấn công, có các đơn vị đóng trong pháo đài Brest như: 7 tiểu đoàn súng trường, 1 tiểu đoàn trinh sát, 2 khẩu đội pháo.
Các binh sĩ bổ nhiệm của hai sư đoàn súng trường số 6 và số 42
Một số đơn vị thuộc biệt đội đường biên Brest số 17 của trung đoàn công binh biệt lập số 33 và của tiểu đoàn 132 trực thuộc lực lượng NKVD
Ban tham mưu quân đoàn súng trường số 28. Một số đơn vị đặc nhiệm của trung đoàn súng trường.
Ngoài ra còn có các gia đình của khoảng 300 quân nhân cũng có mặt tại pháo đài.

Đầu mùa hè năm 1941, 4 trung đoàn bộ binh và các đơn vị pháo, xe tăng của hai sư đoàn 6 và 42 đang tham gia cuộc diễn tập phòng thủ dã ngoại và đã không kịp rút về pháo đài khi quân Đức tấn công. Trong pháo đài hầu như không còn pháo và xe tăng hoạt động được. Đây là số vũ khí và phương tiện đang tình trạng kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng nên không thể sử dụng trong chiến đấu.

Cuộc tấn công của địch xảy ra rất bất ngờ, và quân Đức đã nhanh chóng chia cắt quân đồn trú ra thành từng nhóm. Trong khí đó, quân đồn trú không hề nhận được một mệnh lệnh nào từ cấp chỉ huy; Không một kế hoạch phòng thủ nào được lập, và họ cũng không hề biết một tin tức gì về tình hình ở các quân khu khác trên mặt trận.

Vào hồi 9 giờ sáng, quân Đức đã bao vây hoàn toàn pháo đài. Các mũi tấn công của sư đoàn 45 địch đã vượt qua cầu gần cổng Terespolskie, chúng cắt qua thành lũy và chiếm hai tòa nhà trung tâm ở đây. Cùng thời điểm đó, quân Đức bắt đầu tấn công các cổng Holmskie và Brestskie. Đồng thời, lính Đức cũng tiến hành đánh mạnh từ các ngả công sự ở Kobrinskoye và Volynskoye. Đợt tấn công này của địch đã bị đánh bại bởi một cuộc phản công bằng lưỡi lê và quân đồn trú chiếm lại được các tòa nhà đã bị mất từ trước. Các binh sĩ Xô Viết đã ném quân địch ra khỏi thành lũy và lấy lại kiểm soát cây cầu bắc qua phía tây sông Bug. Họ đã chiến đấu anh dũng để ngăn không cho quân Đức băng qua sông.

Các trận đánh ác liệt đã diễn ra trên khắp pháo đài. Bị mất liên lạc hoàn toàn, hiệu quả tương tác giữa các đơn vị riêng lẻ của quân đồn trú là không thể. Rất nhiều sĩ quan chỉ huy đã hy sinh ngay từ loạt đạn đầu tiên, để cho các công nhân hỏa tuyến và những người lính trơn tự chịu trọng trách chỉ huy các tổ phòng thủ.

Sau vài giờ tấn công, quân đoàn 112 của Đức lại được lệnh phải lập tức huy động toàn bộ các lực lượng dự bị để tung vào trận. Chỉ huy sư đoàn bộ binh 45, tướng Fritz Shlipper, đã báo cáo rằng, quân tăng viện của các đơn vị tham chiến đã không thay đổi được tình thế, ông ta đã nhận thấy rằng, quân đội Xô Viết đã đánh cho lính Đức bị thiệt hại nặng nề. Có vẻ viên tướng gần như không thể chịu được, khi chỉ trong ngày 22 tháng 6, đã có 21 sĩ quan và 290 lính Đức của sư đoàn 45 đã bị tử trận.

Dưới làn đạn pháo và các đợt tấn công, các chiến sĩ phòng thủ vẫn giữ vững được thành lũy. Năm đợt tấn công của định đã bị bẻ gãy ngay từ ngày đầu tiên bị vậy hãm. Chiều ngày 22 tháng 6, quân Đức chiếm được một phần doanh trại nằm giữa hai cổng Holmskie và Terespolskie, và một phần doanh trại gần cổng Brestskie, sau đó chúng rút lui để thiết lập vòng vây pháo đài.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 23 tháng 6, quân Đức lại bắt đầu pháo kích vào thành lũy. Đội quân bị vây hãm đã tìm thấy một kho đạn còn nghuyên vẹn, ngay lập tức họ đã dùng số đạn dược đó trút hàng trận bão lửa dữ dội xuống đầu quân địch ở bên ngoài. Lúc này, ba chiếc tăng của Đức xông thẳng vào bức thành lũy, nhưng cũng ngay lập tức, chúng bị thổi bay bởi đạn pháo của những người bảo vệ pháo đài. Đến 5 giờ chiều quân Đức đã ngưng pháo kích và bắt đầu chĩa loa kêu gọi quân Xô Viết đầu hàng.

Đến ngày 24 tháng 6, ban tham mưu sư đoàn 45 báo cáo rằng, đã chiếm được pháo đài, nhưng cuộc vây hãm vẫn tiếp tục. Quân đội Xô Viết vẫn đang kiểm soát bức thành lũy và phần phía đông của đảo Bắc. Các đơn vị chiến đấu của Đức đã dùng chất nổ và súng phun lửa để nhằm tiêu diệt các ổ đề kháng của các đơn vị Xô Viết tại công sự phía đông trên đảo Bắc. Khoảng 400 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Pyotr Gavrilov, đang chiến đấu bảo vệ công sự. Theo như báo cáo của quân Đức, các chiến sĩ bắn tỉa Xô Viết “Đã liên tục bắn ra từ những vị trí bất ngờ nhất”.

Đến ngày 26 tháng 6, các chiến sĩ phòng thủ trên thành lũy đã quyết định phá vòng vây để vượt ra khỏi pháo đài. Một đội quân khoảng 100 – 200 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của trung úy Anatoly Vinogradov, đã nhận nhiệm vụ tiên phong. Kết quả, đội quân này đã tử trận mất một nửa, nhưng họ vẫn quyết định vượt vây; Những chiến sĩ đó đã không thể quay lại được thành lũy. Đến chiều, đội của Vinogradov đã bao vậy chặt, và Vinogradov bị bắt làm tù binh. Đây là đợt phá vây cuối cùng của binh lính Xô Viết nhằm thoát khỏi pháo đài.

Ngày 28 tháng 6, tướng Shlipper đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của không quân. Ngày hôm sau, máy bay chiến đấu của Đức đã ném bom dữ dội xúng tuyến công sự phía đông. Kết quả là, tuyến công sự này bị phá hủy hoàn toàn và có 389 chiến sĩ Xô Viết bị bắt làm tù binh. Cùng ngày hôm đó, quân Đức cũng chiếm được dãy thành lũy và bắt được các sĩ quan chỉ huy ở đây là Ivan Zubachev và Efim Fomin làm tug binh. Fomin là người Do Thái và là một chính ủy, do vậy bọn Đức đã treo cổ ông ngay lập tức. Đến ngày 30 tháng 6, Shlipper lại một lần nữa báo cáo rằng, đã chiếm được pháo đài, nhưng cũng một lần nữa ông ta nhầm lẫn hoặc báo cáo láo.

Một nhóm nhỏ gồm khoảng 15 chiến sĩ Xô Viết, do Pyotr Gavrilov chỉ huy, đã anh dũng chiến đấu với quân Đức đến tận cuối tháng bảy. Các công dân ở Brest vẫn còn nghe thấy tiếng súng, tiếng nổ và nhìn thấy những tên lính Đức bị thương được đưa ra. Cuối cùng, mãi đến ngày 23 tháng 7, Gavrilov mới bị bắt làm tù binh.

Sư đoàn 45 của định bị tổn thất 482 binh sĩ và hơn 1000 tên bị thương trong cuộc vây hãm. So sánh với chiến dịch Ba Lan 13 ngày đêm, thì trung đoàn này chỉ mất có 158 tên tử trận và 360 tên bị thương. Trong tháng 7, tướng Shlipper viết vào một trong những báo cáo của mình: “Ở Brest, quân Nga đã chiến đấu bền bỉ thật đáng kinh ngạc, điều này cho thấy có một sự huấn luyện bộ binh tuyệt vời và có ý chí kháng cự đáng phái khâm phục”.

Vào tháng 2 năm 1942, quân đội Nga đã triệt phá được một trong những đơn vị chiến đấu của Đức, và đã tìm thấy nhiều tài liệu lưu trữ của đơn vị này báo cáo về hàng phòng thủ pháo đài Brest. Đây là những thông tin đầu tiên về những chứng tích anh hùng của các chiến sĩ bảo vệ pháo đài Brest mà bộ chỉ huy tối cao của Xô viết nhận được. Vào những năm 1960, hàng phòng thủ pháo đài Brest đã trở thành biểu tượng chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xô Viết.

Những dòng chữ còn lưu lại trên bức tường trong pháo đài Brest:
“Cho dù tôi có chết, nhưng nhất quyết không chịu đầu hàng. Xin vĩnh biệt tổ quốc! 20.07.1941”. Có những dòng chữ khác lặp lại – “Chúng tôi sẽ hy sinh, nhưng nhất định không rời khỏi pháo đài” hay “Có đứa chúng tôi ở đây, chúng tôi không hề mất can đảm, và chúng tôi sẽ hy sinh như những anh hùng”.

Đến khi pháo đài hoàn toàn bị chiếm đóng, quân Đức đã không tìm được bất kỳ một lá cờ nào của các đơn vị phòng thủ.

Trích từ chương “Lá cờ” trong “Pháo đài Brest”:

Năm 1955, khi các báo bắt đầu đăng bài về cuộc phòng thủ pháo đài Brest, một công nhân của nhà máy luyện kim, hạ sĩ dự bị Rôđiôn Xêmêniuc đến găp một ủy viên quân sự quận của thành phố Xtalinsk-Kyznetski ở Xibir.

- Năm 1941, tôi chiến đấu ở pháo đài Brest và đã chôn giấu lá cờ của tiểu đoàn chúng tôi ở đó.- anh trình bày - Hẳn là nó vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nhớ chỗ chôn giấu, và nếu được cho về Brest, tôi sẽ lấy nó lên. Trước đây chúng tôi đã viết thư cho đồng chí.

Ủy viên quân vụ là một người dửng dưng và không thích làm bất cứ việc gì không do cấp trên trực tiếp ra lệnh. Trước đây ông ta đã từng ở mặt trận, chiến đấu không tới nỗi tồi, đã bị thương, đã được khen thưởng nhiều lần trong chiến đấu, nhưng sau khi vào làm việc ở trong văn phòng, dần dần ông ta đâm sợ những gì làm đảo lộn nếp sống quen thuộc của cơ quan quân vụ và vượt ra ngoài khuôn khổ những chỉ thị từ trên đưa xuống. Mà không hề có chỉ thị gì về việc phải xử trí ra sao với những lá cờ được chôn giấu từ thời Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ông ta nhớ rằng một năm hay một năm rưỡi trước đó, ông ta nhận được một lá thư của anh chàng Xêmêniuc này nói về lá cờ, ông ta đã đọc thư, suy nghĩ một lái rồi ra lệnh cất thư vào hồ sơ lưu trữ, không trả lời. Thêm nữa, căn cứ vào hồ sơ cá nhân lưu trữ ở phòng quân vụ, tay ủy viên này coi Rôđiôn Kxênôfôntôvits Xêmêniuc là kẻ đáng nghi ngờ. Anh ta ở trong trại tù binh ba năm rưỡi, rồi sau đó chiến đấu trong đội du kích nào không rõ. Tay ủy viên này dứt khoát coi những người đã từng bị địch bắt làm tù binh là những kẻ đáng ngờ và không đáng tin cậy. Với lại, những chỉ thị ông ta nhận được trong những năm trước đã căn dặn là không được tin những người từng bị giam trong trại tù binh.

Nhưng giờ bây giờ, chính Xêmêniuc ngồi trước mặt ông ta, và phải tìm các gì đó trả lời lá đơn của anh ta về lá cờ. Với thái độ nhăn nhó, lộ vẻ khó chịu, chốc chốc lại nhìn vào khuôn mặt cởi mở, hồn nhiên của anh chàng Xêmêniuc dáng người tầm thước và còn rất trẻ này, ủy viên quân vụ gật gù ra vẻ quan trọng.

- Tôi nhớ, tôi nhớ, công dân Xêmêniuc ạ. Chúng tôi đã đọc lá thư của anh...Chúng tôi đã bàn bạc với nhau...Lá cờ ấy hiện thời không có ý nghĩa gì đặc biệt. Thế đấy ...

- Nhưng đó là pháo đài Brest, thưa đồng chí ủy viên - Xêmêniuc bối rối bác lại ý kiến đó - Báo chí đã viết về pháo đài Brest.

Tay ủy viên này hiểu biết rất lơ mơ về pháo đài Brest và chưa hề đọc vấn đề này. Nhưng ông ta không muốn làm hại uy tín của mình.

- Đúng...báo có viết...tôi biết, tôi biết, công dân Xêmêniuc ạ ... tôi có xem. Báo thì viết đúng đấy. Nhưng báo viết là một chuyện còn đây là một chuyện ... Chẳng có gì quan trọng ... Thế đấy ... Như vậy là ...

Rời phòng quân vụ ra về, Xêmêniuc bàng hoàng buồn bã. Chẳng lẽ quả thực lá cờ chiến đấu của tiểu đoàn pháo cao xạ độc lập 393, lá cờ tiêu biểu cho linh hồn chiến đấu của hộ ở đồn ĐÔng trong pháo đài Brest đã không còn ý nghĩa gì với nhân dân, đối với lịch sử nữa hay sao? Anh cho rằng ở đây có cái gì đó không đúng, nhưng anh cho rằng ủy viên quân vụ là người được tín nhiệm, ông ta hẳn phải biết phân biệt giá trị thực của lá cờ đó.

Xêmêniuc thường vẫn nhớ lại những ngày khủng khiếp ở đồn Đông. Anh nhớ, anh mang lá cờ đó trên ngực, dưới áo va-rơi và luôn lo sợ mình sẽ bị thương hoặc sẽ ngất đi và sa vào tay địch. Anh nhớ cuộc họp đảng viên, trong đó mọi người thề chiến đấu tới cùng. Rồi, trận ném bom khủng khiếp ấy khiến các lũy đất chao đảo và gạch đổ ụp xuống từ các bức tường, từ trên trần. Khi ấy, thiếu tá Gavrilôp đã ra lệnh chôn giấu lá cờ để nó khỏi lọt vào tay bọn Phát xít: lúc đó đã thấy rõ rằng đồn không còn cầm cự được bao lâu nữa.

Ba người cùng chôn giấu lá cờ đó: Xêmêniuc cùng với chiến sĩ bộ binh có họ là Taxarov và một người cùng làng với Xêmêniuc tên là Ivan Fônvarkôp. Thậm chí Fônvarkôp đã đề nghị đốt là cờ nhưng Xêmêniuc không nghe. Họ bọc lá cờ trong tấm vải bạt, đặt vào cái xô bằng vải bạt lấy ở chuồng ngựa rồi đặt tất cả vào một cái xô bằng kẽm và chôn giấu trong một căn hầm tránh đạn. Họ vừa kịp chôn xong và phủ rác lên lớp đất lèn chặt thì bọn phát xít ập vào đồn. Taxarov bị bắn chết ngay lúc đó, 2 người còn lại thì bị bắt làm tù binh. Fônvarkôp chết trong trại giam bọn Hitle.

Nhiều lần, cả trong trại giam cũng như sau khi trở về Tổ quốc, Xêmêniuc thường tưởng tượng thấy anh đang đào lá cờ đó lên. Anh nhớ rằng căn hầm ở lũy móng ngựa bên ngoài, cánh bên phải lũy, nhưng anh không nhớ đó là căn hầm thứ mấy tính từ phía ngoài cùng. Nhưng anh chắc rằng nếu được tới tận nơi thì anh tìm thấy căn hầm đó ngay. Nhưng làm thế nào để tới được đấy.

Mãi tới năm 1956, khi nghe đài phát thanh nói về cuộc phòng thủ ở pháo đài và được biết về cuộc gặp mặt của các anh hùng pháo đài Brest, Xêmêniuc hiểu rằng người ủy viên quân vụ kia làm thế là không đúng. Anh viết thư thẳng về Moskva, gửi đến tổng cục chính trị của bộ Quốc phòng. Lập tức có lệnh triệu tập của Tổng cục, Xêmêniuc được mời về thủ đô ngay tức khắc. Anh tới Brest hồi tháng 9, một tháng sau khi các anh hùng của cuộc phòng thủ về thăm nơi này. Rồi một hôm, cùng với mấy sĩ quan và binh lính mang theo xẻng cuốc, anh vào sân móng ngựa của đồn Đông.

Xêmêniuc cảm động, hai tay anh run lên. Cả những kỷ niệm dồn dập hiện về, kỷ niệm về những gì anh đã trải qua ở đây, trên mảnh đấy này, cũng như nỗi sợ lần đầu tiên đến với anh: "ngộ nhỡ ta không tìm thấy lá cờ thì sao?!". Tất cả các điều đó đã tác động tới anh.

Họ vào cái sân hẹp giữa những bức lũy. Mọi người nhìn Xêmêniuc bằng cặp mắt dò hỏi. Còn anh đứng lại, chăm chú nhìn quanh, cố thu thập những ý nghĩ tản mạn và tập trung tư tưởng nhớ lại thật tỉ mỉ cái ngày ấy, ngày 30 tháng 6 năm 1941.

- Tôi nhớ là ở chỗ này! - Anh vừa nói vừa chỉ 1 cái cửa căn hầm.

Trong một căn hầm, anh nhìn xung quanh và giậm 1 chân xuống sàn.

- Chỗ này đây.

Một người lính mang xẻng chuẩn bị đào. Nhưng anh bỗng ngăn lại:

- Khoan đã.

Và anh vội vã tới gần của hầm, ngó ra cái sân nhỏ, ước lượng khoảng cách tới rìa lũy. Sự bồn chồn làm anh run lên.

- Không! - cuối cùng anh nói một cách quả quyết - Không phải căn hầm này. Hầm bên cạnh kia.

Họ sang hầm bên cạnh, căn hầm cũng y hệt như hầm này, và Xêmêniuc gạt mấy người lính ra:

- Để tôi tự đào lấy!

Anh cầm xẻng và bắt đầu đào, hấp tấp và nóng nảy gạt đất sang một bên. Đất đã lún xuống qua nhiều năm, rắn chắc và khó đào.

Xêmêniuc thở hồng hộc, mồ hôi rỏ xuống như mưa, nhưng lần nào anh cũng gạt đi khi mấy người lính muốn giúp đỡ anh. ANh phải tự tay đào lá cờ ấy lên, tự tay anh thôi ...

Mọi người im lặng, hồi hộp theo dõi việc anh làm. Cái hố đã khá sâu, mà Xêmêniuc nói rằng anh chôn sâu chừng nửa mét: các sĩ quan đưa mắt nhìn nhau với vẻ ngờ vực.

Chính Xêmêniuc cũng đã bắt đầu thất vọng. Vậy thì nó ở đâu, lá cờ đó ở đâu?. Đáng lẽ phải đào thấy từ lâu rồi. Hay anh nhận nhầm căn hầm, vì hầm nào cũng giống hết nhau kia mà? Hay có lẽ là lá cờ đã bị bọn Đức đào lên từ hồi ấy, từ năm 1941?

Bỗng nhiên, khi anh đã toan thôi không đào nữa thì lưỡi xẻng bỗng chạm vào một vật gì đó, rõ ràng là tiếng va vào kim loại và dưới đất hiện ra một vật gì rìa bằng kim loại, giống hình cái đĩa.

Đấy là đáy cái xô bằng kẽm. ANh lập tức nhớ ra hồi ấy


Ca sĩ Trần Lập
Ngày đăng 19/03/2016 06:41:00

Tôi biết tên anh khi con trai tôi còn là cậu học sinh trung học đam mê nhạc rock.

Anh đã truyền sức sống cho bao thế hệ thanh niên. Một cuộc đời không dài nhưng thật đáng khâm phục về cách sống, cách yêu thương.

Đã biết rồi ngày này sẽ phải đến, nhưng sao vẫn bàng hoàng. Anh đã cháy hết mình cho âm nhạc, cho tình yêu. Hãy yên nghỉ với nụ cười trên môi. Còn tôi, như bao người vô danh khác, cảm thấy cuộc đời đẹp thêm bao nhiêu vì có những con người như anh.


Hội KGU-HCM thăm ông Bá Kroong - Phạm Hồng
Ngày đăng 16/08/2015 21:31:21

Khi biết Ba Má tôi đang ở Sài Gòn, Hội KGU Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đến thăm ông bà, hòa trong không khí những ngày Lễ 19.8, Lễ 2.9 và mừng ông Bá Kroong nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ kỳ thú của khoá 72 và các khoá đàn em. Khoá 72 ngoài Mậu, Nguyên, Hoa, Cấp là thành viên “cũ”của Hội, còn có những thành viên bây giờ mới được “ra mắt”: Võ Thành Vinh và gia đình. Lộc và Năm thì nhắn máy, gọi điện thăm hỏi, tiếc hùi hụi vì đang kẹt chuyện ở quê.  Đàn em chắc chắn là  có trụ  cột  3T: Thắng,  Thoa Dũng,  Tuyết Hoàng Anh, dàn văn nghệ đàn giỏi, hát hay, múa đẹp: Bồng Lai, Lam, Lâm, Hoà … vợ chồng thợ ảnh Khánh Hiền và nhà văn kiêm nhà thơ tài ba Mèo mun.

Màn tự giới thiệu “bằng bút”.

Những chào hỏi ban đầu bất ngờ bị “nghẽn mạch” do cả ông và bà đều “nặng tai”nhưng KGU đáp ứng rất nhanh. Bạn nào đến tự lấy bút giới thiệu mình… còn với ông bà thì cháu nào cũng như con. Cười huề… Ông bà khoẻ, tim mạch, huyết áp, tiểu đường không vấn đề. Thế là mừng! Ông được nhận quà: hoa, sữa, ly uống nước KGU, bánh kem. Ông mừng, cười hiền, hỏi từng chi tiết các hình trên ly: Hình ảnh Kisinhop, biểu tượng KGU, con số 5 năm… Tôi ngạc nhiên với dòng chữ trên bánh kem “Chúc mừng Hai bác Bá Kroong 73 năm hạnh phúc”. Ở đâu ra consố 73? Sao lại 73 năm hạnh phúc? Ngỡ ngàng một lúc, tôi mới chợt hiểu  và thán phục sự thông minh của “Trợ lý hội trưởng” Thoa. Thoa lấy phông màn ảnh 2002 “Kỷ niệm 60 năm ngày cưới” của ông bà rồi cộng thêm 13 năm thành “73 năm Hạnh phúc”.

 Bánk kem chúc mừng Ông Bà.

Những lời chúc sức khoẻ (mình nói mình nghe), nhưng mỗi lần cụng ly: “Zô, zô” thì trái tim già trẻ hoà cùng một nhịp nghĩa tình. Phỏng vấn nhanh: Ông Bá Kroong- Tây Nguyên và Ông Phạm Hồng - Chủ tịch Tỉnh Gia Lai- Kon Tum, nhiệm vụ nào khó khăn hơn? Rất bất ngờ, ông nói “Làm Bá Kroong chiến đấu với địch, khó khăn nhưng vui, còn làm Chủ tịch tỉnh đôi khi cuộc chiến giữa “ta với ta” phức tạp và buồn”. KGU đùa trêu ông: Dẫu sao làm ông Phạm Hồng cũng “sướng” hơn làm ông Bá Kroong vì khỏi phải mặc khố, khỏi phải cà răng căng tai! (mình nói mình nghe, mình cười với mình). Ông nặng tai, con cháu trong nhà tuy gặp nhiều bất lợi nhưng cũng có những thuận lợi nho nhỏ (tha hồ nói, không sợ tự ái!). Cả hội hát tặng ông bài “Hát mừng Anh hùng Núp”. Đó là KGU tặng ông một kỷ niệm vì Anh hùng Núp và ông là bạn chí cốt. Sau năm 1954, ông Núp tập kết ra Bắc (chính sách dân tộc) còn ông ở lại làm “B trụ”. Sau 1975, ông Đinh Núp làm Chủ tịch Mặt trận, còn ông làm Chủ tịch tỉnh. Mỗi mùa nương rẫy, Ông Núp thường biếu ông những bao bắp vừa hái. Lần đầu trong đời (1978) tôi được thưởng thức cái vị ngọt của sữa bắp trong ngày. Đó là những trái bắp từ rẫy nhà Bác Núp.

Có một hội, đó là Hội KGU, mỗi người một biệt tài, rất tài, chung nhau những kỷ niệm về một thời trong trẻo nhất cuộc đời. Một Hội mà mỗi lần gặp nhau là một niềm vui, những câu chuyện tiếu lâm tiếng Nga, tiếng Việt kể chưa hết đã cười bò ra và càng nghĩ lại càng ngấm. Người tạo bất ngờ (cho tôi) nhất hôm nay lại là anh Long – ông xã tôi, người vốn trầm lắng. Chính nhờ Hội trưởng Thắng bắt đúng “băng tần” nên anh Long trở nên “thoát”. Anh nói cười sảng khoái, hát karaoke tưng bừng cứ như anh là Người KGU, còn tôi là “bà xã” là ‘dâu KGU”. Họ uống rượu “Đậu xanh” Bình Định, khen ngon hơn cả Bầu Đá. Hẹn năm sau nhớ mua sẵn mười lít đợi Du Xuân.

Cuộc đời có những ngày vui nhất, những ngày được sống trọn vẹn trong tình yêu gia đình và tình bạn bè. Tôi nghĩ ông Bá Kroong – Ba tôi hôm nay đã cảm nhận được điều này.

Thành phố Hồ Chí Minh, 15.8.2015

Phạm Thị Ngọc Hoa - CL72

 

 

 


Hạn hán ở Cali
Ngày đăng 13/08/2015 06:18:16

Tháng trước Dũng đi công tác ở Mỹ, có ghé thăm nhà bạn, vợ chồng Sera-Trevor hơn 1 ngày. Về kể chuyện, bên đó hạn hán nặng lắm, chính quyền yêu cầu và người dân ai cũng tự giác cắt giảm ít nhất 1/2 lượng nước sinh hoạt. Tất cả nước rửa rau, thực phẩm, ... đều trữ lại để tưới cây. Vườn hồng của thành phố, nơi Sera đưa hai vợ chồng đến thăm năm 2010, nay tàn tạ, không còn rực rỡ như trước đây, nên Dũng không chụp ảnh, sợ mình buồn. Tự nhiên cứ suy nghĩ về kiểu dùng nước xả láng của nhiều người mình.

San Francisco_May 2010

Hôm nay đọc trên mạng bài này lại càng suy nghĩ.

http://vnexpress.net/photo/moi-truong/los-angeles-tha-96-trieu-bong-nhua-xuong-ho-ngan-nuoc- boc-hoi-3262746.html

Nơi lụt lội, nơi hạn hán, thiên tai ngày càng khốc liệt.

Trong các bài giảng về Năng lượng bên vững cho sinh viên, phần mở đầu mình bao giờ cũng nói về các cảnh báo của quốc tế về hiểm họa thiên tai do biến đổi khí hậu, và Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (nước biển dâng, ...) nhưng mấy ai, và ngay cả mình nữa đã tích cực làm gì đó cho việc giảm bớt những tác động này.


Rau mảnh cộng
Ngày đăng 12/07/2015 22:20:19

Rau mảnh cộng

Chiều nay tình cờ liếc TV thấy nói về bánh mảnh cộng, làm bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa nơi sơ tán ùa về. Ở Hà Nội bao nhiêu năm mình chưa hề được ăn món gì liên quan đến rau mảnh cộng. Nhưng dưới sơ tán thì món canh rau mảnh cộng là món canh ngon nhất tôi từng được ăn. Chiều chiều đi hái rau mảnh cộng mọc hoang ở vườn, hàng rào, ..., về chỉ cần nấu suông với nước và chút muối là được bát canh ngọt như nấu với mỳ chính, cả lũ ăn cơm ngon lành.

Sau này vào Nam thỉnh thoảng vẫn nhớ về rau mảnh cộng mà chẳng thấy ở đâu bán. Có lần nhìn ở hàng rào một nhà bạn thấy cây gì giống rau mảnh cộng, hỏi bạn phải rau mảnh cộng không, bạn nói không biết vì cũng không biết gì về loại rau này. Mình cũng sợ trí nhớ mình không chính xác vì đã mấy chục năm rồi. Đôi lúc có cảm giác như mảnh cộng không có thực trên đời mà chỉ như tồn tại trong ký ức xa xăm về nơi sơ tán của mình, với những buổi mò cua, bắt ốc ven bờ ruộng, vớt cáy dưới sông, vớt rau dừa nước cho heo ăn, tuốt lá rau ngót bờ rào, hái rau sương muối, mảnh cộng, tắm mương, tắm sông, nhặt nhựa trám về thắp thay đèn dầu, .... Bao giờ cho đến ngày xưa.

Chiều nay trên TV chiếu cả hình ảnh cây mảnh cộng, nhận ra ngay, dù đã xa bao nhiêu năm. Nghĩ đến một lúc nào đó sẽ mang rau mảnh cộng về trồng trên mảnh vườn hoang nhà mình, và sẽ có dịp đãi con cháu bữa canh rau mảnh cộng thân thuộc ngày nào.

Các bạn KGU ơi, nhà ai có rau mảnh cộng, cho mình xin một cây.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>