ThuKK
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 1 - 9 của tổng số 39 Blogs.


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>


XUÂN VỚI TUỔI THƠ
Ngày đăng 26/01/2014 18:05:17

XUÂN ĐÃ VỀ RẤT GẦN TRÊN QUÊ HƯƠNG VỚI TUỔI THƠ 

 

BÉ MON, CHÁU HOÀNG ÁNH TUYẾT & HOÀNG ANH trong Hội xuân trường Mầm non Q10 HCM City

 

Mùa Xuân em đi hái hoa 
Tết về, dâng biếu ông bà 
Gánh Hoa, trên vai trĩu nặng 
Nhớ xưa ai gánh Sơn Hà. 


Cologne 26.01.2014

 

 


TẢN MẠN NHỮNG NGÀY ĐÔNG CUỐI NĂM
Ngày đăng 25/12/2013 22:06:26


 

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY ĐÔNG CUỐI NĂM 

Trưa nay, một mình tôi với con chó Nemo dạo ven bìa rừng sau nhà. Xúc cảm chợt ùa về. Nơi đây khác hẳn với xứ mình, càng ngày lễ, Tết, ngoài đường càng vắng vẻ. 
Yên tĩnh quá. Sẽ nghe được tiếng dế râm ran đâu đây, nếu trong rừng có những con dế như ở quê hương tôi. Sẽ lọt vào tai mình tiếng gà gáy trưa eo óc, xao xác buồn đến nao lòng, nếu nơi đây người ta còn chăn nuôi gà qué... Tịnh không một tiếng động. Thanh bình và yên ắng tặng cho miền đất lạnh lẽo này. Phía xa nữa, chỗ đường viền của khu rừng, thoáng lướt một vài bóng xe chạy. Người ta đến châm nến, cắm hoa trong nghĩa trang cho những người thân yêu đã khuất, như ở ta đi tảo mộ trong tiết Thanh minh. 

Đến hôm nay, nơi đây chưa có một bông tuyết bay. Bọn con nít buồn lắm, chúng chỉ mơ sao cho tuyết rơi dày đặc trong đêm chúa Giáng sinh mà không được. Tôi chợt nhớ tới bài thơ của em Lý trên trang web Kishiniop với tựa đề Sương giá Mùa đông, mà mình vừa viết mấy dòng comment: Này bài thơ ơi, mi cứ việc dừng lại trên trang báo này, chứ đừng có quậy đến thành phố nơi ta sinh sống. Và tuyết ơi đừng rơi nữa trên rẻo cao Sapa đất Việt của tôi. Nơi những người dân vốn nghèo, sống trong tối tăm lạc hậu, nay lại co ro chết trong cái rét buốt thấu xương da. Tôi nhớ lại những ngày giáp Tết năm ngoái, buồn rũ người khi đọc bài TẾT NGHÈO TRÊN ĐỈNH SƠN VĨ. Sáng Mồng một Tết, mà nước mắt rơi thánh thót. Buồn quá, thương xót quá cho những đứa bé miền Sơn Vĩ. Chúng nó mơ một cái Tết có cơm trắng để đừng phải ăn "mèn mén". Chúng nó mơ một bát cơm có thịt lợn trong ngày Tết, khi dưới xuôi, ở các thành phố, trẻ em súng sính, thừa mứa trong một thế giới vật chất ngập tràn. Tôi những mong đợi một hành vi hảo tâm đâu đó từ những "người đầy tớ của nhân dân"... Đến bao giờ ?!
 

                 Tôi viết những dòng thơ này, sau 
                 khi đọc TẾT NGHÈO TRÊN ĐỈNH SƠN-VĨ. 
                 Không đâu nghèo khổ hơn gầm trời này. 
                 Như những đêm dài trung cổ. 


   
 
ĐƯỜNG LÊN SƠN-VĨ 

 Mèo Vạc xa xôi quá 
 Cổng trời trong mây bay 
 Đá tai mèo dựng đứng 
 Sơn-Vĩ, ai có hay. 

 Chiều đông giáp Tết rồi 
 Lòng xao xuyến, bồi hồi 
 Mong nếp thơm, cơm mới 
 Sơn Vĩ ơi, mù khơi. 

 Bao bé thơ manh áo 
 Chân không dép, trụi trần 
 Hàm răng đánh lập cập 
 Sơn-Vĩ ơi, tủi thầm. 

 Buốt giá đêm đông xa 
 Vàng A Lử không nhà 
 Con một bầy thơ dại 
 Sơn Vĩ ! Đau lòng ta. 

 Người nghèo nhiều trong bản 
 Như lá trải rừng thu 
 Mong ước đẫm sương mù 
 Sơn Vĩ, mơ ngày Tết. 

 Có ai xuyên mây qua Mèo Vạc 
 Đạp đá tai mèo, nghe gió than 
 Rét, lạnh đặc sản rừng thâm cốc 
 Sơn Vĩ, chiều nay, nước mắt tràn. 


Còn bao nhiêu mùa đông giá rét đe dọa những đứa trẻ miền núi xa xôi,hẻo lánh. Sẽ còn bấy nhiêu con tim xót thương, cảm thấu nhức nhối này. Khi chân các em không giày, không dép, trần trụi dẫm lên những con đường đầy đá nhọn lởm chởm, sắc như dao. Khi áo các em còn phong phanh, ngực đón từng cơn gió thốc về. Để môi tím tái, đánh hàm răng lập cập... 

Mùa đông đang ở đâu đó, lãng mạn, thách đố những người khoác áo lông đắt tiền, ấm áp bên những chai rượu ngon thượng thặng. Còn quê hương tôi, tít trên đèo heo hút gió, mùa đông giá buốt khắc nghiệt đã bóp chết bao nhiêu khát vọng tuổi thơ. Chúng có dám mơ gì ngoài cơm có thịt .
 

Cologne 25.12.2013
  


MÓN QUÀ GIÁNG SINH
Ngày đăng 22/12/2013 22:54:50

   
    MÓN QUÀ GIÁNG SINH 
    Truyện ngắn của O. HENRY 

Đôi vợ chồng trẻ Della và Jim sống nghèo nàn nhưng rất hạnh phúc trong con hẻm Rue du Chemin Vert ở phố Paul Bert. Đã hơn nửa tháng qua hai người đều suy nghĩ sẽ mua quà gì để tặng nhau nhân Mùa Giáng sinh năm nay... 
Della đã đếm đi đếm lại đến 3 lần, cũng chỉ được có 1 đô la 87xu, mà ngày mai đã là lễ Giáng Sinh rồi, Della muốn mua cho chồng một món quà. Để có được món tiền nhỏ này, nàng đã chắt bóp bòn góp mãi suốt nhiều tháng qua. Della tự dưng thấy tủi thân, ngồi trước tấm gương cũ trong căn phòng nghèo nàn mà thút thít khóc. 


 Della biết có hai món đồ mà Jim, chồng của cô rất hãnh diện với mọi người: một là chiếc đồng hồ quả quít do ông nội truyền cho cha chàng rồi đến đời của chàng; hai là mái tóc kiều diễm đổ dài đến tận đầu gối của Della. 
Biết làm sao bay giờ, ngập ngừng trong giây lát, nàng quyết định chải lại mái tóc vàng óng, vấn gọn lên cao, đội chiếc mũ vào, lấy áo choàng, gạt giọt lệ trên khóe mắt rồi bước ra khỏi nhà. Bên ngoài trời mùa đông rét buốt da..... 
Della chạy thẳng đến cửa hiệu mua bán đủ loại tóc trên phố. Nàng thở hổn hển hỏi bà chủ:'' Bà có muốn mua mái tóc của tôi không?" Vừa hỏi nàng bỏ mũ ra và để làn tóc óng ả đổ dài xuống. Bà chủ tiệm mân mê mái tóc với bàn tay đầy kinh nghiệm rồi ngã giá:" 20 đô la nhé?" 

 

Suốt hai giờ đồng hồ sau đó, Della đã đi tìm khắp các cửa tiệm để chọn một món quà cho Jim. Cuối cùng thì nàng đã tìm được một sợi dây đeo đồng hồ quả quít bằng bạch kim. Giá tròn 21 đô la Della vội trở về nhà với 87 xu còn lại. 
Ngồi trước gương Della cố gằng chải lại mái tóc đã cắt cụt, nàng tự an ủi:"Chắc Jim sẽ bảo mình giống như một con bé!" 
Đã 7 giờ tối. Bữa tối đã dọn sẵn, nhưng sao Jim vẫn chưa thấy về. Có bao giờ chàng lại về trễ như thế nhỉ? Della cầm sợi dây đồng hồ, ngồi ở một góc bàn gần cửa ra vào. 

 

Thế rồi nàng nghe có tiếng chân bước lên cầu thang. Cửa mở, Jim bước vào, chàng dừng ngay lại trố mắt nhìn gương mặt của người vợ thân yêu. 
Della thoáng chút hoảng sợ, nàng bật đứng dậy chạy tới bên chồng:"Anh yêu, đừng nhìn em như vậy, em đã cắt tóc và bán đi vì em muốn tặng anh một món quà Giáng Sinh. Rồi chỉ mấy tháng nữa thôi, tóc em sẽ lại dài ra như cũ, anh đừng giận em nhé! Dẫu thế nào đi chăng nữa, anh vẫn thương em chứ? Không có mái tóc vàng, em vẫn là Della bé nhỏ của anh cơ mà!" 

Jim ngẩn ngơ sững sờ hồi lâu không nói được gì. Cuối cùng thì chàng tiến lại ôm chầm lấy Della, hôn lên đôi má ửng hồng của vợ, rồi chàng từ từ lấy trong túi áo ra một gói quà, và rưng rưng giọt lệ trên đôi mắt, chàng đưa cho vợ. 
Della vội cầm ngay lấy, thoăn thoắt mở giấy gói, rồi nàng bật lên tiếng kêu sung sướng mà ngay sau đó là tiếng khóc nghẹn ngào, nhưng cũng vẫn là tiếng khóc của niềm vui. Bởi vì trước mắt Della là cả một bộ những chiếc trâm cài tóc xinh xắn rất hợp với mái tóc vàng óng ả của nàng. Vậy mà giờ đây... 
 Della ngước nhìn Jim trong nước màn nước mắt ướt nhòa. Nàng thổn thức: "Anh ơi, rồi mái tóc em sẽ sớm dài ra mà! Ơ ! em quên mất! Em cũng có cái này để tặng anh.." Della háo hức trao vào tay chàng sợi dây đeo đồng hồ quả quít bằng bạch kim. 
Đến lúc này, Jim mới kịp mở lời: "Em thân yêu, chắc là hai chúng ta đều phải cất những món quà Giáng Sinh này đi, chưa thể sử dụng được trong một trong một thời gian dài. Em có biết không? Anh đã đem cầm cho tiệm cầm đồ chiếc đồng hồ quả quít để có đủ tiền mua bộ trâm cài tóc cho em.....'' 

(sưu tầm)
 


HẠ TRẮNG, Ngọc Lan ơi !
Ngày đăng 12/12/2013 00:30:07

          HẠ TRẮNG, Ngọc Lan ơi ! 

Chiều nay, ngồi trên xe về nhà sau giờ tan sở. Tôi nghe lại CD Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn. Tự nhủ lòng mình sao may thế, vẫn còn giữ được nó gần hai chục năm rồi. 

Sau khi ca sỹ Ngọc Lan dứt bụi trần, chia tay với Đời, với Tình, với Âm nhạc, tôi đã lưu hết các bài cô hát vào một băng cassette và trân trọng đề trên vỏ của nó một dòng: Những Tình Khúc Xưa Yêu Dấu. 

Tôi biết, tôi đã say mê giọng vàng của con chim họa mi ở hải ngoại này, như người đàn ông chết vì men say của rượu ngon, chết vì tình nồng của người đàn bà đẹp. 
Và hôm nay, khi giọng hát ấy đưa tôi vào ca khúc Hạ Trắng, tôi như lặng đi trong cơn đam mê, mặc cho xe chạy giữa ba làn đường sáng loáng những đèn. Ngọc Lan ơi ! 

Trước mắt tôi, một con sông dài lấp lánh, sóng sánh ánh bạc. Bên bờ sông, bóng dáng yêu kiều của người thiếu nữ, với bờ vai mảnh mai, hững hờ. Tóc Em bay trong gió hanh hao, áo Em bay trong gió thanh tao. Và đôi mắt buồn, buồn đến nao lòng, gieo một vời vợi vào cung đàn của Sir Trịnh. Buồn trong đôi mắt thơ ngây của Em mà vẫn khiến lòng hoa bướm say. 

Gọi Nắng ! 
Nắng về đi, đậu lên vai Em. 
Gió dòng sông, thổi bay tóc Em. 
Bài hát đưa người nghe vào một không gian không rộng, mà sao lòng thấy chơi vơi. Tiếng ghi-ta vuốt thật chau chuốt. Lên cao vút, rồi như kéo âm vực vào lòng đại dương. Buồn ngấm vào từng mạch quản tôi, vào từng ngóc ngách trong con tim tôi. Tôi nghe giọt sầu buông theo cung bậc, lan tỏa đến chân tơ kẽ tóc người ơi! 

Gọi Nắng ! 
Cho anh thấy những chùm hoa trắng bay sà xuống vai Em. 
Chúng vương trên mái tóc thề của người anh yêu dấu. 
Cho anh ngắm những ngón tay thiên thần ấy, mảnh dẻ, hao gầy. 
Cho anh níu lại trên sông một chút gió ngàn, một nhành nắng mai. 
Cho anh nhuộm Nắng ấy trên tà áo Em. 
Cho anh nhắm mắt lại trong giây lát, nuốt cái buồn thấm tự bao giờ vào lòng mình. Để chết trên sông dài. 
Tôi đọc được ý tưởng ấy, niềm đam mê trong hư vô ấy của người con trai. Con người với Đời, với Tình dào dạt hơn cả biển khơi. 

Gọi Nắng ! 
Để mùa Thu vàng trở lại. 
Để gót chân son nhẹ bước bên anh. 
Để cuộc đời dù sù sì gai góc đến đâu, mình vẫn có nhau. 
Mộng ước của khối tình non trẻ. 

Đến câu: 
"Áo xưa dù nhàu 
Cũng xin bạc đầu 
Gọi mãi tên nhau "... 
tôi những muốn khóc nấc lên vì đau, vì thương, vì ngưỡng mộ cái tình chung thủy. 

Gọi Nắng ! 
Cho Hoa Nắng về điểm trên tóc Em. 
Cho em lạc vào miền cao lộng gió. 
Cho anh níu lại một chút thôi, dù chỉ là bông nắng nhỏ lả lơi trên vai áo. 
Bây giờ, bóng Nắng ấy xa rồi, khuất nẻo chân trời. 
Ai sẽ gọi tên Em suốt đêm nay. 
Ai sẽ chết trong cơn mê này. 

Hạ Trắng ơi! 


Cologne 11.12.2013
  

 

           

                HẠ TRẮNG - NGỌC LAN

 


MÓN NGON HÀ NỘI
Ngày đăng 21/11/2013 14:30:38

                     

                                     MÓN NGON HÀ NỘI


Cũng như những kỳ nghỉ phép khác, tuần rồi tôi ghé Hà nội được vài ngày.

Đêm ấy chúng tôi được giới thiệu đến nhà hàng MÓN NGON HÀ NỘI tại 27 Quốc Tử Giám.

Một không gian không quá thênh thang, ồn ào và chính cái nhỏ bé vừa phải ở tầng dưới cùng này, khiến tôi có cảm giác ấm cúng như đang ngồi trong gia đình vậy.

Chủ nhà hàng là hai chị em gái, tươi tắn, trẻ trung, sung sức gieo vào lòng thực khách một ấn tượng đặc biệt ấy là sự ân cần, niềm nở - một nét son, một bí quyết nhà nghề trong lãnh vực ẩm thực thường dẫn tới thành công.


Du khách tới Hà nội ngày này được đón nhận một ưu ái đặc biệt của thời tiết, bầu không khí dễ chịu, thanh thản của những ngày cuối thu. Âu cũng là nhân duyên xe người với cảnh.

Đến với MÓN NGON HÀ NỘI ở đây, thực khách được thưởng thức chuyên đề về RƯƠI. Bây giờ vẫn đang mùa rươi.

Tôi chợt nhớ lại mỗi khi mùa rươi đến. Những gánh hàng rươi tỏa đi các phố phường Hà nội. Bao giờ cũng hai người trong bọn họ. Một bà đi trước rao lên lảnh lót, cái âm thanh quen quá đỗi, luyến láy một giai điệu bổng, trầm khiến hàng phố đổ cả ra đường :

- Ai mua rươi ra mua !

Một bà đi sau, gánh một gánh rươi trĩu nặng...

Rươi vào tay các bà các cô có tài nấu nướng sẽ trở thành những món ngon thượng thặng, sành điệu. Khi đi xa quê hương đến vài chục năm, người ăn còn nhớ mãi nó, nuốt nước miếng hồi tưởng đến cái thơm không gì sánh nổi của chả rươi...


Giờ đây, trong guồng sống ngày một hiện đại, thế hệ trẻ của chúng ta, các cháu không có nhiều thời gian, việc bày ra để nấu ăn không phải là đơn giản, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực sẽ bị hạn chế... Vậy thì, xin mời các thực khách thân thương còn yêu, còn trân trọng Món Ngon Hà nội hãy về đây thưởng thức.


Đặt xong món ăn như giới thiệu của Lan Hương, Liên Hương chủ tiệm, chúng tôi có vài phút tâm sự, chia sẻ vô cùng thân thiện:  Cả hai đều tốt nghiệp đại học ngành thương mại, đã có tới dăm năm làm việc tại Ngân hàng Công thương và Tổng cục Dầu khí. Nhưng cả hai đều thiết tha với mơ ước kinh doanh độc lập. Phóng khoáng, tự do, thích tìm tòi, can đảm với những bước đi ban đầu chập chững, họ đã thai nghén ước mơ tạo dựng một nhà hàng, quyết cho mình một cái đích và MÓN NGON HÀ NỘI được ra đời, tại đây đúng số nhà 27 đường Quốc Tử Giám.


Nhân viên phục vụ đây rồi. Với những thao tác rất khéo, rất nhanh nhẹn, chúng tôi đã có một bàn ăm ắp các món ngon như ý. Gắp một miếng chả rươi vàng rộm, thơm phưng phức, tôi nhai chậm rãi để cái ngon từ tốn ngấm vào trong tôi. Ngon quá ! Cái vị đặc biệt không gì thay thế được của rươi đang thức dậy, nhanh chóng chiếm một độc tôn.

- Mời cô nếm Nem Rươi ạ !

Tiếng Liên Hương nhỏ nhẹ kéo tôi về với thực tại.

Gắp một cái nem rươi, chấm vào chén nước mắm được pha rất chuẩn, đúng độ chua ngọt, tôi reo lên:

- Đây mới là át chủ bài của RƯƠI cháu ơi !

Nhân nem rươi rất hoàn hảo, ngọt của vị rươi, thơm do kỹ nghệ tẩm ướp, và cách rán khéo tay. Ngay cả cái áo gói nem tôi cũng mê luôn, nó giòn mà không cứng vì không bị quá dày. Một mình tôi đã "oanh tạc"  gần hết một đĩa nem rươi !

- Chị ơi, mình còn món lẩu rươi đấy nhé !

Cô bạn nhỏ ngồi kế bên nhắc khéo cho tôi để dành bụng thưởng thức món lẩu mà tôi chưa nghe thấy bao giờ.

Bên cạnh các món của rươi, hai chị em Hương vẫn đưa kèm vào món thịt luộc cuốn với bún, ăn kèm dứa và chuối xanh thái lát. Cái mà đưa đẩy món cuốn này là mắm, mắm ngon vô cùng, tôi ăn nó cần mẫn như chưa bao giờ biết đến, trong đầu khen thầm kỹ nghệ pha mắm của nhà hàng.


Dừng lại vài phút để trao nhau sự thỏa mãn của món ngon mà mình đã chọn, bây giờ nhà hàng đã bê ra món lẩu rươi. Về thành phần và cách thức chuẩn bị nó giống hệt với các món lẩu khác. Cái thay thế chỉ là RƯƠI. Lan Hương cầm đĩa rươi đã được sơ chế, tẩm ướp trên tay, tay kia, cô khéo léo dùng thìa vê nhỏ rươi trong đĩa thành từng viên xinh xắn, thả vào nồi lẩu. Rau nhúng có thêm mồng tơi, ăn rất giòn, mát. Đến món lẩu rươi, dù đã no bởi lúc trước tôi ham "tác nghiệp" , mà tôi cũng ngất ngây vì cái vị ngọt đặc biệt của rươi trong lẩu.

- Cháu ơi, cô không dám nói cái nào ngon nhất, vì tất cả đều tuyệt hảo.

Nụ cười bừng lên, rạng rỡ trên khuôn mặt hai chị em Hương. Nụ cười của những người đang từng ngày góp nhặt thành công, của những người dám nghĩ dám làm, đầy cả quyết.


Khuya lắm, sau bữa tối với một mãn nguyện đỉnh điểm, chúng tôi nán lại dăm phút chuyện trò, tâm sự với hai doanh nghiệp trẻ. Tôi hứa với hai Hương:

- Cô sẽ đến với đặc sản RƯƠI của các cháu trong dịp nghỉ phép tới.

Những mong MÓN NGON HÀ NỘI - chuyên đề RƯƠI mau chóng được thực khách ghi nhận. Ẩm thực Thăng Long này sẽ gây được tiếng vang. Người Hà nội và khách thập phương đang chờ đón những món ngon khác nữa. Vươn lên nhé, ngôi sao nhỏ vừa bừng sáng trên bầu trời nghệ thuật ẩm thực của Hà nội.


Sài gòn 20.11.2013

 


CÁC BÀI HÁT và PHIM THỜI CCCP
Ngày đăng 04/10/2013 12:46:28

                               

                                CÁC BÀI HÁT và PHIM THỜI CCCP 

                                                                                        Đặng Tuấn Phương - Kiev 

 Vào nửa cuối những năm 60,đầu những năm 70.Tôi cũng như các bạn là những chàng trai,cô gái 15,17 tuổi học cấp II,III.Dù chưa một lần đặt chân đến CCCP,chỉ được làm quen với văn học CCCP qua các bài giảng văn,trong chương trình học..."Đất vỡ hoang","Sông Đông êm đềm","Thép đã tôi thế đấy"...Còn làm quen với các bài hát và xem phim thời CCCP không nhiều lắm.Hồi đó các phương tiện nghe nhìn đâu được như bây giờ.Các bài hát được nghe trên đài phát thanh,thi thoảng lắm mới được nghe từ đĩa của anh chị "Đi Tây" mang về.Phim thì xem ngoài rạp,mà mỗi lần rạp Tháng 8 hay Công Nhân chiếu phim CCCP dễ gì bọn học sinh cấp II,III chúng mình được xem,lớp thì không mua được vé vì không đủ sức chen xếp hàng,mà mua vé của "Con phe" thì không đủ tiền.Không thì cũng bị "Cấm trẻ em dưới 18 tuổi"... 

Ấy thế mà ngay từ những ngày đó.Không biết các bạn thế nào chứ bản thân tôi rất thích những bài hát và phim thời CCCP.Giai điệu những bài hát thời CCCP nghe sao mà ngọt ngào,mượt mà,lắng đọng...và cũng không kém phần sôi nổi hào hứng như "Chiều Москва","Đôi bờ","Tuổi trẻ thanh niên sôi nổi"... 

Tôi cam đoan với các bạn rằng:Cùng với sự hiệu triệu của Đảng,Đoàn Thanh niên,nhiều thanh niên cùng thế hệ với chúng ta đã lên đường nhập ngũ.Chắc chắn một số không ít thanh niên nhập ngũ những năm ấy có sự thôi thúc của"Cachiusa",của"Tuổi trẻ thanh niên sôi nổi"...Trong ba lô hành trang của những người lính trẻ ấy chắc không thiếu bản chép tay những bài hát ấy"...Thúc ta nhịp chân lên đường xa". 

Sau này,được nhà nước đưa qua CCCP học. Xung quanh là môi trường "Giai điệu CCCP".Ôi!Sao mà hay đến thế.Tôi được nghe nhiều hơn,thuộc và hát nhiều hơn những bài hát CCCP."He плат девчонка","День победы","Мой адресс Советский Сoюз".Lúc đó tôi không "...Ngồi mơ nước Nga" như ngày xưa,mà rõ ràng tôi đang sống trên "Русское поле".Cũng như con Người CCCP nhân hậu,giai điệu CCCP nghe sao mà thiết tha,dịu dàng... 

Cách đây không lâu trong lần đưa một nhóm khách du lịch Nga ra Mũi Né.Khách san nơi khách lưu trú tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ.Tôi được mời tham dự.Khách của khách sạn gồm nhiều Quốc tịch khác nhau.Nhưng trong buổi liên hoan văn nghệ đó,các bài hát được trình bày bằng ba ngôn ngữ chính Việt-Nga-Anh.Người hát là những ca sĩ bán chuyên nghiệp,là nhân viên của khách sạn,là du khách và cả khách mời...Trong số du khách hôm đó có khoảng 10 du khách Nga.Tôi đã cùng với du khách Nga hát say sưa những bài hát thời CCCP như chưa từng được hát.Thôi thì đủ các "Trích đoạn" bài hát,vì lâu quá không hát nên bài thì nhớ đầu quên đuôi,bài thì chỉ nhớ được đoạn điệp khúc,có bài thì chỉ là lá la...theo giai điệu.Nhưng có một điều điểm lại chúng tôi hôm ấy "Hát" rất nhiều bài.Không hiểu từ đâu các giai điệu bài hát thời CCCP cứ dồn dập ùa về.Nay ngồi viết lại mấy dòng mà tôi không thể nhớ mình đã "Hát" những bài gì.Giai điệu CCCP không bao giờ quên được.Đặc biệt những bài hát được đệm bằng đàn Balalaika...Những bài hát về tình yêu lãng mạn "Миллион алых роз".Những bài hát mà như là lời thủ thỉ,tha thiết... của những đứa con,dù có già cái đầu,trong vòng tay Mẹ vẫn chỉ như đứa trẻ thơ "Поговарит со мнойю мама ".Còn nhiều,nhiều lắm những bài hát thời CCCP,các bạn cùng tôi nhớ lại và sẽ cùng nhau hát mỗi khi có dịp nhé. 

Bây giờ đến "Phim thời CCCP".Khi còn ở Việt Nam tôi đã xem "Cách buồm đỏ thắm",nhưng lúc đó còn quá nhỏ,mới 15,17 tuổi chưa hiểu gì cả.Phim khoa học viễn tưởng "Người cá" mà không hay à? 

Sau này qua CCCP,điều kiện tiếp xúc với nền điện ảnh CCCP,không bị bất kể điều gì giới hạn,thật là một diễm phúc lớn cho tôi cũng như các bạn những người đã từng sống,học tập ở CCCP.Phim CCCP có thể nói phim nào cũng hay và có xem đi xem lại nhiều lần cũng không thấy chán,mỗi lần xem lại có những cảm xúc mới.Hay thế! Phim về chiến tranh thì có "Чапаев ","Ceмьнадцать мгновения весы","А зори здесь тихие".Phim hài thì có "Тринадцать стулев","Ирония судьбы или С легким паром".Phim hoạt hình thì có "Ну! Погоди".Không hiểu sao trong những năm học Đại học ở CCCP,phòng tôi ở luôn gần phòng Телевизор của ký túc xá.Cho nên có khi đang là mùa Экзамен,mà nghe tiếng nhạc phim "Ну!Погоди " từ phòng Телевизор vọng ra thì dù ngày mai thi thì tôi vẫn bỏ sách vở đó ra xem "Ну!Погоди " đã. Экзамен "Ну!Погоди".Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người lớn khác cũng thích phim này.Điều chứng tỏ là mỗi lần Телевизор chiếu phim đó trong phòng không còn lấy một chỗ trống.Kín mít. 

Thỏ nhiều khi hơi bị láu cá.Сhỉ tội nghiệp Sói nhiều lần bầm dập."Ну!Погоди"ấn tượng nhất đối với tôi là nghệ thuật lồng tiếng.Tiếng của Thỏ,Sói ở những tình huống khác nhau đều rất hay.Dù chỉ là một tiếng"Ой!"của Thỏ.Đặc biệt của Sói"Ну!Погоди"không lần nào giống lần nào"Ну!погоди". 

Cám ơn,những bài hát,phim thời CCCP.Cám ơn Tác giả - Nhân dân Nga đôn hậu và nhân ái đã cho tôi nghe há t và xem những bộ phim trên cả tuyệt vời.Огромное спасибо.Ну!Погоди.           


MẬT GẤU "THUỐC ĐỘC" NGUY HIỂM
Ngày đăng 27/09/2013 10:03:29

             MẬT GẤU "THUỐC ĐỘC" NGUY HIỂM

                                  (Quang Anh - Kiev sưu tầm)

 

1. Muôn nẻo nạn nhân của mật gấu


     

Trong quãng đời làm bác sĩ của mình, BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông y vẫn không thể nào quên một bệnh nhân, vốn là đồng nghiệp ở Bệnh viện y học cổ truyền (Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).  Con của bác sĩ này nuôi gấu và tặng cho bố 1 cc mật gấu để uống.


Nhưng sau khi uống xong rượu pha với mật gấu, ông bác sĩ bỗng nhiên đen thui như Bao Công, đen đến tận móng tay, móng chân... Cả nhà rồng rắn đi khắp nơi chữa bệnh nhưng đều không khỏi. Sau khi được BS Nguyễn Xuân Hướng chữa bệnh, mặc dù da dẻ hồng hào trở lại nhưng bệnh nhân đặc biệt này đã phải "từ biệt" cả bộ móng tay móng chân.

Theo các chuyên gia, mật gấu hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh nếu uống vào. Thậm chí đó là thuốc độc khiến bạn bị suy gan, suy thận.

Bệnh nhân thứ hai, phải bỏ mạng vì uống mật gấu với hi vọng tăng cường năng lực đàn ông, chính là một giám đốc sở ở Quảng Ninh. Mặc dù đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng bệnh nhân này đã tử vong vì bị suy gan, suy thận do uống quá nhiều rượu pha mật gấu.

Thêm một nạn nhân tử vong vì việc tin mật gấu giúp khoẻ mạnh hơn, đó là một phụ nữ vốn là cán bộ trong một cơ quan nhà nước. BS Hướng cho biết: "Tôi được cử đến khám cho chị thì thấy chị còn khoẻ mạnh và bảo chúng tôi cho mấy thang thuốc uống cho khoẻ.  Nhưng tuần sau chúng tôi đến thấy chị bị phù, da trắng bệch, nằm mệt mỏi trên võng.  Tôi bắt mạch xong và hỏi: Tại sao tuần trước vẫn khoẻ mạnh mà bây giờ chị lại ra nông nỗi này. Chị trả lời là không biết.

Tôi bảo với y tá chăm sóc là khi nào thấy chị vô niệu thì hãy báo chúng tôi để đi cấp cứu ngay, nhưng lúc đó chị y tá bảo từ sáng tới giờ chị đã không thấy chị ấy đi tiểu được nữa. Ngay lập tức chúng tôi đưa chị đi cấp cứu tại viện 108. Bác sĩ hỏi mãi thì chị mới nói là chị uống một tí mật gấu bằng hạt gạo, nhưng mật gấu của chị là loại rất tốt. Thế là chúng tôi hiểu chị đã bị suy thận suy gan vì mật gấu. Ngày hôm sau thì chị mất".     

Ngoài ra, cũng có những người bị ảnh hưởng chức năng sinh lý, đứng trước nguy cơ vô sinh vì suy giảm chất lượng tinh trùng sau khi dùng hàng loạt các bài thuốc bổ dương, trong đó có mật gấu. Các bác sĩ Đông y cho rằng, đó là hiện tượng "cực dương sinh ra cực âm", dùng quá nhiều kiểu bài thuốc bổ dương gây ra liệt dương.

 

2. Mật gấu nóng và cực độc

Hầu hết các bác sĩ đều tỏ ra bức xúc khi thấy nhiều đàn ông vẫn thản nhiên uống những bài thuốc truyền miệng giúp khoẻ chuyện ấy từ mật gấu. Vì đây là một quan niệm hết sức sai lầm.

BS Hướng khẳng định: "Mật gấu rất nóng và độc. Gấu ăn hàng yến thịt sống mà vẫn tiêu hoá được, trong khi con người không ăn được thịt sống, dù chỉ là một miếng cỏn con. Hay gấu uống được hàng lít mật ong, trong khi con người không thể làm được điều đó. Đó là nhờ mật con gấu tiêu hoá tốt. Còn con người, nếu uống mật gấu vào, sẽ bị phá tế bào gan và thận, gây suy gan suy thận dẫn tới tử vong".

BS đông y Vũ Quốc Trung lý giải thêm: "Mật gấu làm tan huyết, làm cho các mạch máu lưu thông mạnh.  Người ta thường dùng mật gấu để xoa bóp những vết thương sau khi ngã xe, tụ máu... Còn nếu uống vào, mật gấu sẽ làm cho máu lưu thông nhanh, khiến vỡ các mạch máu, gây ra chảy máu dạ dày, bục dạ dày và tử vong. Có người còn bị sung huyết khắp nơi vì vỡ các mạch máu, phù nề toàn thân. Và chắc chắn là đông y không hề có tài liệu nói mật gấu tốt cho chuyện ấy".   

Là người được cấp bằng sáng chế độc quyền về phương pháp lấy mật không cần giết gấu, PGS Đỗ Khắc Hiếu, nguyên Trưởng bộ môn công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học đã từng khẳng định, chỉ có mật gấu ngựa chữa được xơ gan vì có chứa axit ursodeoxycholic (UDC).

Nhưng trong thị trường hiện nay, chủ yếu là mật gấu chó, thứ mà gần như không có UDC mà chỉ có axit chenodeoxycholic (CDC). Ngược lại với UDC, CDC không có tác dụng chữa xơ gan mà lại gây viêm gan vì vi khuẩn trong đường ruột sẽ ăn CDC và sản sinh ra axit lithocholic - tác nhân gây viêm gan.  Điều này dẫn tới phần lớn người bệnh sẽ bị xơ gan nếu uống nhiều mật gấu chó.

 

3. Bất cứ mật của động vật nào cũng nguy hiểm.

Rất nhiều người còn uống mật vịt để chữa sỏi thận, sỏi gan, uống mật cá trắm để giúp khoẻ chuyện ấy mà không biết rằng nguy hiểm đang rình rập mình. Ông Hiếu từng cho biết, mật vịt có thể giúp khỏi sỏi gan nhưng sau đó có người đã phải chết vì bị viêm gan có nguyên nhân từ mật vịt.

Riêng quan điểm nuốt mật cá trắm để khoẻ chuyện ấy đã cướp đi sinh mạng của không ít đàn ông. BS Hướng cho biết, ông từng biết một đại uý hăm hở về thăm vợ. Vợ nấu canh chua cá trắm cho chồng ăn, thấy chồng về liền đưa mật cá trắm cho chồng nuốt. Trưa nuốt mật, chiều anh này bí đái, vào viện các bác sĩ đã phải chạy thận nhân tạo nhưng đã không qua khỏi vì suy gan suy thận.

Mới đây, khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng phải vất vả cấp cứu cho bệnh nhân tên Thành (29 tuổi, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) vì đã nuốt sống bộ mật của con cá trắm nặng hơn 3 kg.

Sau 1h nuốt mật cá trắm, anh Thành đã bị nôn, đau bụng, đi tiểu ít.  Khi vào viện, anh đã bị tổn thương gan nặng, suy thận, đau dạ dày. Sau hơn một tuần điều trị, các chức năng thận đang được phụ hồi, chỉ số thận đang tốt lên nhưng anh vẫn phải nằm viện để theo dõi tình trạng suy gan, suy thận.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thuộc Trung tâm chống độc khuyến cáo, người dân không nên nghe theo các bài thuốc truyền miệng rằng uống mật cá có lợi cho sức khỏe vì chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh mật cá là tốt, trong khi nhiều người đã bị ngộ độc nặng do nuốt mật cá trắm.

BS Hướng khẳng định: "Tất cả các con vật, mật đều độc và không hợp với con người. Con người nấu chín thức ăn mới ăn được, nên mật của con người khác. Mật của con vịt cũng độc với người, vì vịt ăn cua sống, ăn sỏi vào vẫn tiêu hoá được. Nhưng người thì làm sao ăn được những thứ đó ? Do vậy, việc ăn mật các loại khác đều rất nguy hiểm cho con người".


4. ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ TỚI VIỆC DÙNG MẬT GẤU ĐỂ TRỊ BỆNH HOẶC ĐỂ BỒI BỔ CƠ THỂ, VÌ MẬT GẤU CHÍNH LÀ THUỐC ĐỘC!

HCD:

Chỉ có nước Trung Quốc là quốc gia tàn hại muôn loài. Cái văn hóa tầm bậy tạo cho con người lòng tin con gì hiếm hoi khó kiếm thì đại bổ nên thuốc, tạo ra huyền thoại đề cao cao tận mây xanh. Giết con cá chỉ lấy cái vi thôi, hay lấy cái bong bóng, nào mật gấu, nào cao hổ cốt, nào sừng tê giác.... Cái văn hóa quái gở tầm bậy đó nay cũng truyền vào Việt Nam và có biết bao nhiêu người Việt nhập tâm (khắc cốt) niềm tin tầm xàm đó để tàn hại tiếp muôn loài.

Xin nhắc quí bạn của tôi rằng cái gọi là vi cá trong mấy quán ăn Tàu không phải là vi cá đâu, mà là sợi plastic chế ra. Tại sao tôi dám nói như vậy, thưa rằng (thì là) nước Mỹ cấm vi cá lâu rồi. Tiệm nào nấu súp vi cá là sập tiệm ngay. Họ nấu "súp vi cá" bằng vi cá plastic đó.

Nhắc quí vị tu sĩ một chuyện mà có khi quí vị sơ ý. Nếu đệ tử đem dâng tổ yến để tẩm bổ thì quí vị đừng có chấp nhận, nếu quí vị "thọ yến" thì tôi e rằng chuyện ăn chay trường trở thành vô nghĩa. Ăn tổ yến còn hơn giết con chim yến ăn thịt nữa!

 

Sài gòn 2013



 


ĐỪNG CÓ MÀ LẤN SÂN NHÉ
Ngày đăng 31/08/2013 16:22:49

                       ĐỪNG CÓ MÀ LẤN SÂN NHÉ

                                                  Vũ Công Chiến


Thưa các bạn.

Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 lại sắp đến rồi. Mỗi năm chỉ có một ngày, chiếm chỉ có gần 0,274% của quỹ thời gian trong năm, một con số bé li ti, ấy thế mà chị em nhớ ghê lắm. Chị em vốn chi li mà. Còn cánh mày râu có nhiều kẻ muốn quên, hoặc tỏ ra ít quan tâm, nhất là mấy cậu chưa có vợ trong cơ quan tôi, coi đó như chuyện đùa, vui một tí. Các cậu ấy chưa biết tầm quan trọng của phụ nữ trong gia đình. Vì thế, tôi đành phải đem chuyện nhà ra kể, dù chỉ là một góc nhỏ thôi, mong giúp các cậu ấy hành trang vào đời để mai sau có kiến thức mà lấy vợ.

Chuyện tôi kể không phải là chuyện trong bóng đá, các cầu thủ Olympic của chúng ta đá lấn sân đội bạn trong kỳ SEA Games vừa qua đâu. Họ đá lấn được như thế nào thì đến bây giờ chúng ta đã biết rồi. Chuyện của tôi là chuyện vợ chồng trong nhà cơ.

Vợ tôi thường bảo: "Một đồng trong tay người phụ nữ hiệu quả hơn một đồng trong tay người đàn ông". Thế là tôi hiểu rằng số tiền lương một triệu rưỡi của tôi đưa về cho vợ mỗi tháng sẽ có giá trị như hai triệu đồng trong tay cô ấy. Còn nếu vẫn ở trong tay tôi thì giá trị của nó chỉ còn là một triệu đồng thôi.

Các bạn không tin có phải không ? Thế thì cũng chỉ là chuyện thường ngày trong thôn thôi. Không trách các bạn, bởi vì ngay tôi lúc đầu cũng chưa tin như vậy. Tôi chưa có dịp chứng minh, vì hàng tháng, sau khi đưa tiền lương cho vợ, tôi chỉ xin giữ lại vài chục để uống nước chè và phòng khi hỏng xe bất thình lình.

Nhưng rồi tôi đã có dịp để tin là lời nói của vợ tôi chí lý đúng.

Lần đó gần giáp Tết. Công đoàn cơ quan tôi liên hệ được với Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm, một đối tác quen thuộc, để mua về được một số gà công nghiệp cho các công đoàn viên cải thiện. Gà nuôi chuồng, cùng lứa nên đều chằn chặn, không phải cân lại từng con để so sánh. Xí nghiệp bạn bán cho Công đoàn cơ quan tôi có 50 nghìn đồng một con, trong khi giá thị trường phải là 60 nghìn đồng.

Sau khi phân chia xong mỗi người một con, các công đoàn viên chúng tôi ai cũng hỉ hả. Đến cuối giờ chiều thì còn dôi ra 2 con gà, là suất của hai người đi công tác vắng. Nghe chị Phó Chủ tịch Công đoàn vận động bùi tai, tôi quyết định xách nốt 2 con gà đó về nhà.

Chở 3 con gà nặng trĩu trên lồng xe, tôi về nhà trong trạng thái lâng lâng, dù đôi lúc tay lái hơi loạng choạng do mấy con gà đạp chân loạn xạ. Phen này cả nhà tha hồ mà ăn tươi nhé. Thấy chưa, tôi cũng được việc ra phết đấy chứ.

Tới nhà tôi hớn hở khoe vợ chiến công. Vợ tôi dội ngay một gáo nước mát:

- Sao anh mua gì mà nhiều gà thế này? Tốn bao nhiêu là tiền, mà ăn bao giờ mới hết?

- Thì mình rang lên, hay làm đông gì đó vậy. Gà Công đoàn cơ quan mua rẻ ấy mà, có 30 nghìn đồng một con thôi. Tôi đánh liều hạ giá một con bớt đi 20 nghìn đồng để mong nhận được niềm vui hưởng ứng của vợ.

- Cũng chẳng phải rẻ. Chắc gà mua về ế quá, người ta nhồi cho anh chứ gì.

Tôi đứng đần mặt ra, cảm thấy mình có lỗi ghê lắm.

Đúng lúc đó thì chị hàng xóm sang chơi. Vợ tôi kể luôn chuyện mua gà.

- Ối giời ơi. Thế thì may quá. Nhà chị vừa có khách ở quê lên mà chưa kịp ra chợ. Thôi để chị ăn đỡ cho 2 con. Ba mươi nghìn một con thì ăn cũng được đấy. Chị hàng xóm lên tiếng, giọng xởi lởi.

Vợ tôi đồng ý ngay và túm luôn 2 con gà đưa cho chị ta. Tôi đứng ngây người im như thóc, mặt đã thộn, lại càng thộn hơn.

Thế là 150 nghìn đồng trong tay tôi, bỗng chốc chỉ còn đáng giá 90 nghìn đồng. Lời vợ tôi bảo thật đúng như thần bảo vậy. Sau vụ đó, tôi phải loay hoay khá lâu để tìm cách bù lại số tiền thâm hụt.

"Thật là đáng đời. Ai bảo không chịu tin lời vợ. Lần sau thì đừng có mà  lấn sân nhé". Tôi tự răn mình.


 


BÁN BÁNH LÁ
Ngày đăng 25/08/2013 16:04:07

       
            BÁN BÁNH LÁ 



Mới đây, tôi có ghé thăm một gia đình anh chị bạn quen, nhân ngày rằm. Gia đình làm bánh lá, đủ cả: bánh chưng, bánh giò , bánh nếp.....Thưởng thức xong vụ bánh lá, cả nhà ngồi quây lại uống trà, trò chuyện. Nhân đó, tôi có kể lại cho mọi người một mẩu chuyện từ thời hòa bình. Tôi dùng từ ấy, vì hồi đó Miền Bắc mình thật sự hòa bình. 
         Cuối đông năm 1963, lúc ấy tôi đang học lớp ba, lớp 3A trường cấp I Phương Đông, do cô Hoàng Thị Oanh làm chủ nhiệm. Trường nằm trên đường Hai Bà Trưng. Ai đã học ở đây, chắc không quên, những năm này anh hùng Núp đang sống trong khu vực của trường. Hình dáng và khuôn mặt của ông, tôi còn nhớ lắm. 
           
        

Đất nước vẫn đang trong giai đoạn khôi phục chiến tranh, Miền Bắc lúc ấy rầm rộ với nhiều cao trào dấy lên từ khắp mọi nơi. Và đặc biệt tất cả cho Miền Nam ruột thịt vẫn trong chiến tranh khói lửa. Tinh thần ấy từ tấm lòng yêu thương Miền Nam sâu sắc của Bác, đã thấm nhuần đến toàn dân, toàn quân. Và khẩu hiệu VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT, tôi chắc đến hôm nay, anh chị em mình chưa thể quên được. 
         Trường Phương Đông của bọn tôi cũng được cuốn theo cao trào hướng về Miền Nam ruột thịt ấy. 
Trường đặt làm bánh chưng, bánh nếp (tôi không còn nhớ cụ thể, hình như việc này do Hội phụ huynh lo), và học sinh chúng tôi mang bánh đi bán, lấy quỹ ủng hộ phong trào. Ôi ! Bọn nhóc chúng tôi tự hào vô cùng với sự nghiệp nho nhỏ ấy và tất bật thật sự. Tôi nhớ lúc ấy một cái bánh chưng giá 1 hào. Tôi nhận của cô chủ nhiệm 16 cái. Đang lúng túng với số bánh vừa lấy về, thì bà nội đã vào cuộc. Bà cho hết số bánh vào hai cái túi vải. Bà nói sẽ dễ xách hơn nếu dồn vào một túi, cái túi "tiết kiệm" nó có vô số những miếng vải vụn hình tam giác và sặc sỡ với các sắc mầu. Hồi đó, nhiều vật dụng khác cũng được thiết kế như vậy: vỏ áo gối, vỏ chăn... 

              

Chúng tôi, khăn quàng đỏ trên vai, chia nhau trên các con phố, bắt tay vào sự nghiệp. Mẹ biết tôi lo, chỉ nói: 
- Mọi người sẽ mua bánh của con, nếu con biết mời và nhớ là không ra chợ, cứ đi dọc đường Tràng Tiền, hai bên đường rất nhiều cơ quan. 
Tôi nhìn mẹ, nhưng không đặt nhiều hy vọng vào lời dặn dò của mẹ. 

Trời rét ngọt, cuối đông rồi, chả mấy mà Tết đến. Hai tay tôi rất lạnh, lâu lâu lại ủ chúng vào túi bánh. Điểm bán đầu tiên của tôi ở tòa nhà của Bộ Nội thương. Mỏi rã cả chân vì bán rất chậm. Tôi đã gặp một bác khách thật là "sộp", ông mua 2 cái, chỉ trả tiền, mà không lấy bánh. Tôi cuống cả lên vì quá ngạc nhiên: đã mua 2 cái, lại chỉ trả tiền, mà còn không lấy bánh ! Nếu bán hết chỗ bánh, tôi sẽ có 1 đồng tám, chứ không chỉ 1 đồng sáu như dự kiến. Ôi, cô Oanh sẽ vui đến mức nào, khi tôi về trường khoe với cô thành tích ấy. 
Sau đó tôi vào Cửa hàng Văn Phòng phẩm Hồng Hà. Các cô bác cứ xuýt xoa, vì thấy còn bé quá mà lăn lộn đi bán bánh cho phong trào. Còn tôi, tôi có thấy khổ đâu, vui nữa là khác. Bọn tôi chia nhau ra khắp địa bàn quanh quận Hoàn Kiếm, chứ không đi chung. Không hiểu Dung, Điệp và Mai đã bán hết hàng chưa? Một bác ngồi bơm xe trước cửa rạp Công Nhân nhìn tôi ái ngại: 
- Cháu phải rao to lên chứ: Bánh vì đồng bào Miền Nam ruột thịt đây, mua cho cháu nào! 
Nhưng tôi không làm được. Giọng nói của tôi chưa đạt tới một âm lượng để rao. Và hơn nữa, tôi thấy nó làm sao ấy. Tôi đành phải chấp nhận phương án: gặp ai cũng hỏi, cũng mời chào. Biết đâu, tôi lại gặp được những tấm lòng nhân hậu, hảo tâm. Nhưng kết quả thật là bi đát. Hầu như các vị khách dọc vỉa hè đường Tràng Tiền chẳng ngó gì đến tôi, huống chi là dừng lại mua bánh ủng hộ. 
Quá trưa rồi, tôi thấm mệt và phát hiện ra mình rất đói. Chắc phải về thôi, nhưng còn chỗ bánh? Tôi liền nghĩ đến mẹ. Mẹ bao giờ cũng là vị cứu tinh của chị em tôi. Lúc ấy, mẹ đang ở sở Thương nghiệp thành phố, làm công tác cải tạo tiểu thương.Từ đường Tràng Tiền, tôi quay về phố Hàng Bông. Tôi lên thẳng lầu trên. Mẹ thấy sắc mặt tôi nhợt nhạt, biết con mình sắp lả. 
- Sao con không ăn cái gì đó, rồi hãy đi tiếp? Mẹ hỏi tôi. 
- Nhưng vẫn còn nhiều bánh lắm ! 
Tôi nhìn mẹ cầu cứu: 
- Mẹ, mẹ hỏi thử các cô bác ở đây có mua bánh không. Người ta ăn, nói ngon lắm mà. 
Mẹ nhìn tôi, ánh mắt chan chứa bao nhiêu yêu thương, mẹ biết tôi lo công việc không hoàn thành. Chỉ một lát sau, các cô bác quây lại, mua cho tôi những cái bánh ế, mặc dù nó chẳng vào bữa, vì đã chớm chiều rồi. Hôm đó tôi đã bán hết 16 cái bánh lá. 

     

Câu chuyện tôi kể hôm ấy, không được mấy anh chị Việt kiều cũ tin. Với tôi cái đó không quan trọng. Riêng tôi, mẩu chuyện bán bánh lá năm xưa, là một trong những kỷ niệm thơ ấu khó quên. Sang đến mùa thu năm sau, 1964, chúng tôi đã rời khỏi Hà Nội đi sơ tán. Chia tay với những ngày thanh bình trên đất Bắc.
 



Cologne 12.08.2012 




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>