KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 15 Tháng ba. 2015

EM TÔI




Tác giả: CucNT


EM TÔI

 

Em học  sau tôi 1 năm, khi em tới nhà tôi trọ học thì tôi đã ra học ở trường năng khiếu Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh.Quê hương tôi những năm tháng sau chiến tranh vật vã với thiên tai, đói nghèo và lạc hậu. Người dân quê tôi cả một đời lam lũ, “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn có rất ít những bữa no. Mùa đông, chúng tôi đi cấy lúa, chân ngập dưới bùn trong cái rét tê buốt thịt da. Mùa hè dường như cả chảo lửa dội xuống lưng bỏng rát, chúng tôi vẫn phải miệt mài trồng khoai, gieo đậu, gặt lúa, trỉa bắp. Thoát ly khỏi cảnh làm nông là mơ ước của mỗi người và con đường duy nhất để đạt được mục đích đó là học thật tốt. Các anh chị tôi học hết cấp 2 là nghỉ học phần vì phải đi làm mới có miếng ăn phần vì không có tiền mua sách vỡ giấy bút. Tôi đậu vào trường Năng khiếu Phan Bội Châu là 1 thắng lợi lớn vì được nhà nước nuôi ăn học. Thầy Hân đã lặn lội khắp gần 20 xã của huyện Thạch Hà , tìm những em học sinh giỏi nhất tập trung dạy học tại trường năng khiếu huyện Thạch Hà, đặt tại làng Thạch Thượng quê tôi.22 học sinh lớp tôi, chỉ có tôi và 1 bạn nữa đậu vào trường Phan Bội Châu. Thầy Hân thường lấy tôi làm gương cho các em, rằng chị Cúc đã cố gắng nhiều để có thành tích đó, rồi chị ấy sẽ đậu đại học, sẽ đi ngành, sẽ thành giáo viên, cán bộ công nhân viên vv, sẽ không phải làm nông nữa mà sẽ đứng trên bục giảng hoặc ngồi bàn giấy làm việc. Các em học sinh tròn mắt mơ ước, sẽ có ngày không phải oằn lưng gánh phân, gánh mạ, sẽ không ngập lụt dưới đồng sâu làm nông nữa, sẽ được mặc những bộ đồ đẹp, đi những đôi dép xanh, đỏ, sẽ làm việc ở Thành phố, thi thoảng về thăm quê trong sự chào đón của xóm làng.

Em ở Thạch Hạ, gần bên bờ biển xanh, cách nhà tôi 15 Km. Thầy Hân đã đưa em và bạn Cúc (quê Thạch Thắng) đến nhà tôi trọ học. Các chị tôi lúc đó đã thoát ly, nhà còn mẹ và anh chị Lượng, Châu. Chúng tôi được đọc những bài viết về biển cả với tất cả sự giàu có và mộng mơ, chiều chiều những đoàn thuyền đánh cá cập bến, cơ man nào cá, mọi người đội từng thúng cá tươi lấp lánh ánh bạc mang ra chợ bán được cả túi tiền. Buổi tối gió mơn man mát rượi, từng đôi trai gái dạo trên bờ biển, thi thoảng những làn gió thổi tới, những con sóng cuộn lên mang ước mơ của họ ra xa gửi tới biển khơi những hoài bão lớn lao. Nhưng đó chỉ là những điều chúng tôi đọc được như đọc chuyện cổ tích. Quê em không đi đánh cá vì không hoàn toàn ở sát biển và  chẳng có tiền mà mua thuyền, sắm lưới. Biển không đưa tới  những đàn cá tung tăng bợi lội và nhảy vào đâỳ thúng khi thuyền lướt trên sóng ngược lại xâm thực vào đất liền làm cho phần lớn đất quê em không trồng lúa được. Người dân quê em một phần làm ruộng (ở  vùng đất nước ngọt) 1 phần làm muối, muối mặn chát bởi chan trong đó rất nhiều mồ hôi nước mắt của con người. Mọi người đào những con mương, đưa nước từ biển vào ruộng. Dưới cái nắng 45-50 độ C, nước bốc hơi, để lại những mảng trắng, người dân lội bộ giữa ruộng dùng cào, cào đi cào lại cho nước bốc hơi, vị mặn đóng cục lại làm nên những hạt muối. Trời càng nắng càng phải làm việc cật lực để kịp thu hoạch muối. Làm muối rất cực nhưng 10 kg muối mới đổi được 1 kg gạo. Để sống được thì phải ăn cơm, khoai, nhưng quê em chỉ có 1 ít diện tích trồng được lúa khoai, còn nữa là vùng đất mặn nên không thể trồng nỗi cây rau gì. 

Nhà em cũng như nhà tôi và bao gia đình khác, nghèo đói quanh năm, một bữa no dường như là xa xỉ. Em ở lại nhà tôi, mỗi tuần mang theo 3 kg gạo. Mẹ tôi và anh chị Lượng, Châu thương 2 đứa như con nên cả nhà ăn chung, chia nhau từng bát cơm, cọng rau. Ban ngày các em đi học, anh chị đi làm, ban đêm anh Lượng thường dạy toán cho 2 đứa. Các em học chuyên văn, miệt mài đọc sách, 2 đứa soi chung 1 ngọn đèn dầu leo lét. Thi thoảng đoàn chiếu phim màn ảnh rộng đưa phim về chiếu ở quê tôi.Rạp chiếu phim là 1 ruộng mạ, xung quanh rào tạm bằng gai tre, vé xem phim là 2 hào 1 vé nhưng nào mấy ai có tiền mua. Anh Lượng làm tổ trưởng tổ sản xuất nên người ta biếu cho gia đình 3 vé. Mẹ và chị Châu nhường cho 2 đứa. Anh đưa các em đi xem, “Matxcva không tin những giọt nước mắt”, “ Mùa gió chướng”, “ đến hẹn lại lên”,  “Bao giờ cho đến tháng 10” vv các em xem, náo nức say mê bởi chưa bao giờ trong đời các em được thưởng thức loại hình nghệ thuật đó. Anh Lượng thường nhiệt tình giảng giải cho 2 em những gì các em chưa hiểu. Những bộ phim đó đã làm giàu có thêm tâm hồn các em và những bài văn em viết hay hơn, giàu cảm xúc hơn, nhiều trí tưởng tượng hơn, ước mơ của các em vươn xa hơn.

Chiều thứ 7 em về nhà, đi bộ 15 cây số và chiều chủ nhật trở lại với 3kg gạo và 1 bó gai tre to bằng 1 người ôm. Cha em đã chặt những cành tre phơi khô, dùng dây mây bó lại và cứ thế em kéo bộ bỏng rộp chân trên con đường quốc lộ lởm chởm đất đá đi suốt quãng đường dài 15 Km mang đến nhà tôi. Mỗi tuần kiếm đủ cho em 3 kg gạo là cố gắng lớn của cả gia đình, tất cả tiền rau, dưa, cà, mắm, muối, dầu đèn quy vào 1 bó gai tre. Mẹ tôi không bao giờ đòi hỏi 2 em bất cứ thứ gì vì biết nhà em chẳng còn gì hơn thế. Đôi khi em về nhà và mang thêm được quả đu đủ xanh, có lẽ đó là thứ rau quả quý nhất trong vườn mà cả nhà em nhường cho em. Kỳ thi, thứ 7, Chủ nhật em không về được. Có lần mẹ em gánh 1 gánh nặng trĩu lên thăm con. Cả nhà mừng vui mở thúng ra thì là 2 thúng muối đầy. Mẹ em rơm rớm nước mắt  “nhà cháu chẳng có gì, chỉ làm muối nên mang muối lên biếu bác, ơn gia đình bác giúp cháu ăn học”. Mẹ tôi ân cần, gánh cả gánh muối nặng thế này từ Thạch Hạ lên đây là quý lắm, từng này cả nhà đủ muối dùng 2 năm, cảm ơn gia đình cháu, quan trọng là cháu nó gắng học, đói no ta chia sẻ cùng nhau. Cảm động trước tấm lòng 2 người mẹ, em càng gắng học hơn.

Cuối năm học đó, em đậu vào trường năng khiếu Phan Bội Châu. Không thể kể hết niềm vui của gia đình em, gia đình tôi. Thầy Hân loan tin khắp nơi, rằng một em học sinh nơi làng quê xa xôi, cha mẹ làm nông, làm muối đã lập nên kỳ tích trong học tập đậu vào trường Phan Bội Châu. Tôi kiêu hãnh vì có thêm em đồng hương và nhất là khi em trọ học trong nhà tôi mà vươn lên.

Tôi học dự bị tiếng Nga để đi du học, hồi hộp mong kết quả thi đại học của em. Em trượt Đại học, không thể nào chấp nhận được.  Mười tám tuổi, tôi chưa từng trãi để hiểu câu “Học tài thi phận”, tôi tự mãn với kết quả thi đại học đạt để đi du học của mình và thầm trách em chưa cố gắng để tôi được tự hào về em. Không một lời động viên, an ủi, tôi qua Nga du học, không tạm biệt em, ra đi trong giận hờn vì em đã làm cả gia đình tôi, gia đình em thất vọng.

Cha mẹ em dường như hóa đá trước thất bại của em, lưng họ còng hơn trước ruộng muối bạc trắng, họ nhìn thấy tương lai của em mịt mù giữa đồng quê bão dập mùa đông, nắng cháy mùa hè.

Nén nỗi buồn vào lòng, chia tay các bạn vào các trường Đại học, em lên đường nhập ngũ. Ba năm trong quân ngũ em đã gắng công rèn luyện phấn đấu trở thành 1 thanh niên cứng rắn vững chãi, 1 chiến sỹ ưu tú và vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam. Ra quân, em về lại quê hương. Các bạn đồng trang lứa của em lũ lượt vào Nam làm thợ may, thợ hồ kiếm sống, tránh xa cái mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” quê nhà. Em ở lại với ruộng vườn, lăn lộn trên những cánh đồng muối và nhũng vụ chiêm mùa cùng dân làng mưu sinh. Với bản tính thông minh, năng nổ và nhiệt tình em vận động thanh thiếu niên tham gia đoàn thể, hướng dẫn các em yêu lao động, say mê học tập, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau,  chăm lo cho những người già neo đơn, khó khăn. Em trở thành 1 bí thư chi bộ tích cực. Ngày đi làm, đêm đêm em miệt mài học tập. Rồi em đậu vào trường Đại học nông lâm tại Thừa thiên Huế. Ước nguyện trở thành cử nhân đại học đã hoàn thành. Có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, em càng nhiệt tình với công việc hơn.

Tôi vật lộn với cuộc sống nơi xứ người suốt 14 năm và đến năm 1999 về nước khi không thể bảo vệ nổi cái bằng tiến sỹ. Có lẽ đến lúc đó tôi mới chịu hiểu cho em rằng cũng như tôi, em đã cố gắng nhưng nào có phải lúc nào cuộc sống cũng chiều theo ý mình.

Có cái bằng đại học luật tốt nghiệp ở Nga về gõ cửa xin việc ở đâu cũng là những cái lắc đầu. Tôi đã làm rất nhiều viêc, phiên dịnh tiếng Nga, Marketinh, tư vấn, photocopy, soạn thảo hợp đồng, dịch cụ bất động sản vv bươn chải giữa mảnh đất Sài Gòn kiếm tiền nuôi 2 con ăn học đến mệt nhoài. Đã có lúc tôi nghĩ, làm nông có khi lại sướng hơn, không sợ mất việc, không bị áp lực nặng nề về câu chữ vv. Mãi 10 năm sau năm 2009 công ty tư nhân của tôi mới có chổ đứng giữa đất Sài Thành, tôi mới có thể có thu nhập ổn định và đã có thể mua vé về thăm quê những khi thu xếp được thời gian.

Tôi hay nghĩ về quê và thường xuyên nghe ngóng tin tức về quê hương tôi. Một hôm, đang ngồi xem tivi, 1 phóng sự về làng Thạch Hạ quê em được chiếu trên VTV1. Tôi xem và nghẹn lòng trước cảnh những ngôi nhà tranh vách đất xác xơ sau cơn bão, những con mương đang đào khắp cánh đồng, con trâu ngơ ngác không tìm ra nơi gặm cỏ. Phóng viên phỏng vấn 1 bà già, bà bảo ‘ khổ quá chú ạ! Làm được đồng nào lo nộp tiền làm thủy lợi, làm đường đi. Ngày xưa cũng nghèo khổ nhưng con chúng tôi được đi học miễn phí, bây giờ đi học phải nộp tiền, không biết kiếm đâu ra, thời buổi này chẳng lẽ để con thất học. Nào chúng tôi có lười nhác gì đâu, làm việc luôn tay chân nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo chú ạ!”. Xót xa thương những người nông dân châm lấm tay bùn, tôi nhắn cho em  “Em hãy làm gì đi chứ, chẳng lẽ cứ ngồi nhìn dân cơ cực mãi sao em?” Tin nhắn đi rồi tôi cảm thấy ân hận. Tôi đã rời quê hương ra đi với quyết tâm tìm miền đất hứa, nhất định không quay về cái mảnh đất cằn cỗi đó. Bao năm qua, tôi chưa 1 lần an ủi động viên em, chưa giúp cho chính gia đình tôi trên quê hương, vậy thì tôi đòi hỏi gì ở em cơ chứ. Em không trả lời tôi nhưng đó chính là những ngày em đang lăn lộn trên khắp cánh đồng, mọi ngóc ngóc của làng xã quyết đưa cuộc sống của người dân đi lên. Giao thông là huyết mạch của đất nước và ở làng quê thì cũng vậy. Em vận động nhân dân gom tiền dồn sức làm đường, đào mương làm thủy lợi. Chỉ khi có đường rồi, đôi vai con người mới thoát khỏi cây đòn gánh kẽo kẹt đè cả thân hình lún sâu xuống đất. Những chiếc xe cải tiến được mua về chạy bon bon trên con đường mới chở muối, lúa, khoai. Những con mương thủy lợi đã đưa nước ngọt về vùng đất trồng lúa, đưa nước mặn về những cánh đồng muối, ngăn cách rõ ràng để nước mặn không xâm thực vào vùng nước ngọt. Em đã nghĩ thêm nhiều kế hoạch phương cách để làm kinh tế. Năng suất lao động tăng vọt, thu nhập khá lên, người dân hoan hỉ với những mùa bội thu. Đôi chân em vẫn không mỏi đi khắp làng xã vận động dân làng tham gia công tác Đoàn, Đảng. Em đã cùng ban chủ nhiệm đổi mới quê hương em, giàu mạnh hơn, đầy sức sống hơn. Cấp trên đã nhìn thấy năng lực, phẩm chất của em nên đã đề bạt em lên làm phó chánh văn phòng Thành ủy Thành phố Hà Tĩnh. Ở đây, em tiếp tục phát huy năng lực của mình để cùng góp sức đưa Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ như hôm nay.

 

Nghe tin tôi về, em lái xe từ Thạch Hạ lên gặp tôi tại Thị xã Hà Tĩnh rồi đưa tôi về nhà. “Chị ạ! Em mong ước có ngày có điều kiện để quay về cảm ơn anh chị Lượng Châu và mẹ đã chăm lo cho em hồi ấy nhưng bao năm qua em cơ cực quá, bây giờ mới đỡ”.Em không kể tôi cũng hình ra em đã vất vả thế nào bởi chính tôi bao năm cũng chẳng có tiền mua vé về thăm quê. “Chị ạ! Trước lúc mất, cha em không nói được, ông viết ra giấy dặn em phải đến tri ân mẹ Truyền và anh chị Lượng, Châu nhưng rất tiếc khi em đến thì anh Lượng đã mất rồi. Anh Lượng là 1 người anh tuyệt vời,  không kịp tri ân anh, em ân hận quá!”. Mắt tôi nhòe đi, một người nông dân cả 1 đời lam lũ nuôi con trưởng thành chưa bao giờ ra khỏi làng quê như cha em đã không dặn con phải gắng sức kiếm tiền cho gia đình đỡ khổ, không dặn con phải tìm kiếm các mối quan hệ có vị trí trong xã hội để giúp mình thăng quan tiến chức mà chỉ dặn con nhớ về 1 gia đình đã từng chia sẻ cho mình 1 chút cơm rau khi đói nghèo. Tôi đã đi nhiều nơi, đọc nhiều sách vỡ để rồi quay về học được ân tình sâu nặng sống trọn nghĩa trước sau của những người nông dân như cha em. Tôi hiểu vì sao em vươn lên, tôi hiểu vì sao em đang từng bước làm tốt công tác của mình bởi em đã được sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình giàu nghĩa tình như thế. Nghĩ về quê tôi không còn thấy chạnh lòng vì nghèo khó nữa mà 1 niềm lạc quan đang đến. Hà Tĩnh đang phát triền mạnh mẽ bởi có những người đầy nghị lực, ý chí và nghĩa tình như em tham gia làm công tác lãnh đạo. Cảm ơn em!

Hà Tĩnh, Tp HCM xuân Ất Mùi 1/ 2015


Cucnt


Người post: CucNT

Ngày đăng: 15-03-2015 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 20 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: CucNT
27/03/2015 10:06:33

Cảm ơn chị Huyền đã chia sẻ và đồng cảm. Em cũng không dằnvặt bởi đã bỏ quê mà đi nữa. Hội đồng hương quê em được thành lập ở TP. HCM đã đóng góp rất nhiều cho quê hương. Hàng năm các quan chức ở quê vào dự họp và lắng nghe ý kiến xây dựng của các nhà khoa học  các doanh nhân về cách kiến tạo quê hương. Ngoài ra Hội đồng hương còn góp tiền cấp học bổng cho con em nghèo, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người cao tuổi vv tạo công ăn việc làm cho con cháu ở quê vv . Như thế, không nhất thiết phải ở lại quê nhà mới là yêu quê hương phải không chị?



Từ: HuyenBT
24/03/2015 01:00:49

Quê hương như người Mẹ, yêu thương, che chở và vị tha. Lúc nào cũng chỉ ước mong cho con cái mình trưởng thành. Còn Mẹ giữ gìn tất cả, để làm chỗ dựa cho lòng con đi, về. Có một chỗ cho lòng đi về, nghĩa là có quê hương đấy. Quê hương chỉ cần con biết NHỚ, là con sẽ lớn thành Người. Về điều này, em hoàn toàn "tương đồng" với anh Tung đấy!


Em Cúc đừng tự dằn vặt mình bằng chữ dùng "bỏ quê mà đi". Quê hương không kìm giữ chân con, chỉ mong bàn chân luôn biết đường về.



Từ: CucNT
23/03/2015 21:55:24

Đúng rồi anh Hiền !


Còn choa thì cứ Thủ đô choa ngồi,


Đến mùa Choa sẽ về chơi


Thấy giá đậu lạc mà hời, choa mua.




Hồi trước, cứ đến mùa, mấy đứa con xa quê lại tranh thủ về thăm quê, mua hết đậu lạc mang ra Thủ đô bán hoặc cất trong chum, khi hết mùa là mang ra bán lấy lãi.


Hình như chúng ta , anh Hiền, anh Tung, anh Hoài và rất nhiều anh chị em khác nữa đã bỏ quê mà đi đúng không? Để rồi bây giờ có ai hay hoài niệm về quê như em không nhỉ?



Từ: TungDX
23/03/2015 10:27:15

Thật rõ là KGU tương ngộ tương phùng - Nỗi lòng tương đồng với nhau. CucNT đã nói hộ bao ACE ta.


Băn khoăn là lẽ thường tình khi nghĩ về quê hương, nhưng đã trót theo phân công mà học luạt, Toán, Lý, Hóa ...rồi thì hãy chuyển băn khoan thành hành động làm tốt việc của mình thôi...


Nhớ để lớn thành người mà



Từ: HienVC
23/03/2015 09:43:05

@CucNT: Câu cuối anh có được biết một version khác, mang chất "Nghệ" hơn rất nhiều:


" Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,


Non xanh nước biếc như tranh họa đồ,


Ai vô Xứ Nghệ Thì vô,


Còn choa choa cứ Thủ đô choa mần". 



Từ: CucNT
22/03/2015 16:57:50

Anh HienVC ơi ! Không chỉ ông giám đốc nọ đâu, ngay cả em Cúc cũng cương quyết không quay về quê nhà sau khi học xong. Đã có những câu hát:


" Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,


Non xanh nước biếc như tranh họa đồ,


Ai vô Xứ Nghệ Thì vô,


Còn ta thì cứ Thủ đô ta ngồi". 


Để rồi bây giờ sau bao năm bôn ba, em thấy mình thật có lỗi với quê hương.


Cảm ơn chị Thanh, anh Uyển, chị Thoa và mọi người đã gắng đọc những bài viết với đề tài cũ mèm của em và đã động viên em. Em mong được đọc chia sẻ của tất cả về cuộc sống, gia đình, người thân quê hương, công việc vv Được đọc và được mọi người đọc là niềm vui của em. Trước đây chúng ta được đọc những bài viết về đề tài lịch sử rất hay của chị Thục, lâu rồi không thấy chị đâu. Trở lại chợ Kgu đi chị Thục ơi! 



Từ: Guest Quang Thao
19/03/2015 10:44:08

Chúc mừng em có người em giỏi giang.



Từ: Guest Moscva
17/03/2015 15:03:04

Cucnt là nhà văn, Minhck là nhà bình luận văn học xuất sắc!



Từ: ThanhLK
17/03/2015 13:18:12

Những câu chuyện em Cúc kể về người thân xung quanh mình bao giờ cũng đượm buồn nhưng đầy tính nhân văn và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Văn của em cũng chính là con người em: sống giàu tình cảm nhân nghĩa, bác ái và đầy tình thương…Chúc người giữ lửa KGU và cậu “Em tôi” của Cúc luôn gặp nhiều may mắn và hạnh phúc nhé.



Từ: UyenNT
17/03/2015 05:08:48

  Cám ơn em Cúc đã cho những người con sống xa quê hương những cảm súc ấm áp nghĩa tình qua bài viết EM TÔI.Có lẽ phần lớn trong hội KGU phía Nam là những người sống xa quê.Đọc bài của em Cúc mà cảm thấy như em viết cho chính mình vậy.Bài viết rất chân chất,nặng tình người như bao bài viết khác của em.Anh đã đọc nhiều bài viết của em và cũng có nhận xét như anh MinhCK,em đã viết cô đọng hơn.Tuy về văn chương anh cực kỳ kém cỏi, nhưng vẫn cảm nhận được em Cúc càng ngày càng viết hay hơn xúc tích hơn.Cám ơn em lần nữa vì đã cho mọi người thưởng thức một bài viết rất hay. 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 562 9482
387 2824
Hóa 882 9761
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7154
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s